Nhân ngày Vía Quan Thế Âm (19 tháng 02 âm lịch), chúng tôi muốn bàn về hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm và việc tu tập của con người theo hạnh nguyện của Ngài

Tại Việt Nam, một người dù có theo đạo Phật hay không nhưng khi nhắc đến hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát thì hầu như ai cũng biết. Đặc biệt, trên những chuyến xe chạy đường dài, những con thuyền suốt ngày lênh đênh trên biển cả, hình ảnh Ngài Quan Thế Âm luôn được đặt ở vị trí trang nghiêm nhất, thể hiện niềm mong cầu của con người về một hành trình bình an, may mắn. Dường như, Bồ Tát Quan Thế Âm có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và thiêng liêng đối với đời sống của con người. Nhân ngày Vía Quan Thế Âm (19 tháng 02 âm lịch), chúng tôi muốn bàn về hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm và việc tu tập của con người theo hạnh nguyện của Bồ Tát.

“Quan Âm nguyên là Quán Thế Âm nhưng do tránh chữ Thế trong tên nhà vua Đường là Lý Thế Dân nên gọi là Quan Âm hoặc Quán Âm, là tên của Bồ Tát Quán Thế Âm tại Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận. Phật tử Trung Quốc thường thờ cúng Quan Âm bên cạnh các vị Bồ Tát Phổ Hiền

Quan Thế Âm không phải là nhân vật lịch sử mà hình ảnh của Bồ Tát là qua truyền thuyết và qua hóa thân. Vậy Bồ Tát Quan Thế Âm có thật hay không?

Nhiều Phật tử không thừa nhận có sự xuất hiện của Bồ Tát Quan Thế Âm, vậy sự thật có Bồ Tát Quan Thế Âm hay không? Bởi Bồ Tát không phải là một nhân vật lịch sử có thật như Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà chỉ là hình tượng trong truyền thuyết. Thế nhưng, là một Phật tử, chúng ta phải hiểu một vấn đề như sau. Trong Phật pháp có xuất hiện từ “Tam thân Phật”: Pháp thân (thân bản thể của chư Phật, thân của tất cả chúng sinh hay nói khác là Phật tánh của chúng ta), Báu thân (là thân hiện hữu của Đức Phật khi còn tại thế), Ứng hóa thân (bản thân Đức Phật có thể phân thân trong nghìn muôn thân thế giới, tùy căn cơ, duyên nghiệp của chúng sinh). Như vậy, Bồ tát Quán thế Âm là một trong các ứng hóa thân của Phật. Nếu chúng ta thừa nhận có “Tam thân Phật” thì phải thừa nhận có ứng hóa thân Bồ Tát.

Quan Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ?

Theo phẩm Phổ Môn, vì muốn cứu độ cho chúng sanh, Quán Âm có thể hóa thành 32 sắc tướng như Phật, Bồ Tát, Càn-thát-bà, thiện nam, tín nữ v.v tùy theo đối tượng để cứu giúp chúng sanh. Như vậy, bản thân Bồ Tát Quan Thế Âm là không nam không nữ, Ngài thị hiện là thân nữ hay nam là tùy theo căn duyên và chấp hình tướng của đối đãi thế gian mà thôi. Vậy nhưng trong tiềm thức của người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung, nhắc đến Bồ Tát Quan Thế Âm, người ta luôn liên tưởng tới hình tượng nữ giới. Có lẽ một phần vì Bồ Tát giống như người mẹ hiền từ bi, bao dung và luôn che chở, yêu thương chúng sanh như con của mình.

Từ câu niệm “Nam mô tầm thinh cứu khổ cứu nạn đại từ đại bi linh cảm ứng Quan Thế Âm Bồ Tát”, bàn về hạnh nguyện và việc tu tập theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm.

Hạnh nguyện thứ nhất là “Tầm thinh cứu khổ” nghĩa là “tìm tiếng kêu để cứu khổ”. Ở bất cứ nơi đâu, dù trong rừng sâu núi thẳm hay ngoài đại dương mênh mông, sóng to gió lớn nhưng nếu có chúng sanh nào nhất tâm cầu nguyện, Bồ Tát đều hóa thân thị hiện và ứng cứu.

Hạnh nguyện thứ hai là “đại từ đại bi”. Đây cũng là một phương pháp tu mà chúng ta có thể vận dụng để áp dụng cho bản thân, gia đình và xã hội. Bởi Bồ Tát Quan Thế Âm dùng tâm từ bi trải khắp muôn nơi, không có sự phân biệt là Phật tử hay người ngoại đạo, kẻ giàu hay người nghèo, người xấu hay đẹp. Người học Phật nói riêng và con người nói chung đều nên học hỏi hạnh từ bi của Bồ Tát. Mỗi người hãy dùng tâm từ bi của mình trang trải khắp muôn nơi. Hãy học yêu thương cả với những người ghen ghét, đố kỵ, hãm hại ta. Dẫu ta biết điều đó là rất khó với một kẻ phàm phu nhưng tu là sửa, tu là chuyển hóa nghiệp lực nên việc học cách yêu thương mọi người là điều rất nên làm.

Từ “linh cảm ứng” là hạnh nguyện thứ ba của Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác có bốn câu tán về Bồ Tát Quan Thế Âm:

Quan Âm Bồ Tát diệu nan thù,

Thanh tịnh trang nghiêm lũy kiếp tu,

Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng,

Khổ hải thường tát độ nhơn chu.

Quan Âm Bồ Tát diệu nan thù nghĩa là thần lực của Bồ Tát Quan Thế Âm là không gì có thể so sánh được.

Thanh tịnh trang nghiêm lũy kiếp tu: Câu này có nghĩa là trong vô lượng kiếp, Bồ Tát tu hành và gieo trồng rất nhiều công đức. Thần thông của Ngài là vô lượng vô biên.

Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng: tất cả những nơi có cầu Ngài đều hiện thân cứu khổ.

Khổ hải thường tát độ nhơn chu: dầu là trên biển lớn nếu chúng sanh gặp khổ mà kêu cứu thì Bồ Tát cũng hiện thân cứu độ.

Bốn câu thơ đã cho thấy thần thông của Bồ Tát và nguyện hạnh độ chúng sinh rộng lớn của Ngài. Bồ Tát với tâm từ bi, luôn luôn lắng nghe mọi âm thanh khổ đau của chúng sinh khắp mười phương pháp giới, bất luận họ gây tạo tội chướng gì, chỉ cần khẩn thiết cầu xin và tùy theo nghiệp lực mà được Bồ Tát thị hiện cứu giúp.

Qua những hạnh nguyện của Ngài, kẻ phàm phu như chúng ta có thể học được những điều gì?

Ngoài tâm tư bi, chúng ta còn nên học hạnh nhẫn. Hạnh nhẫn ở đây không phải là chịu nhịn nhưng ôm nỗi uất hận trong lòng. Trong lịch sử Trung Hoa, Việt Vương Câu Tiễn chấp nhận chịu nhục làm kẻ hầu hạ, thậm chí là nếm phân của Ngô Vương Phù Sai để rồi 20 năm sau giành lại cơ đồ. Đó không phải là hạnh nhẫn của Bồ Tát. Thực hành hạnh nhẫn của Bồ Tát là chúng ta chịu nhịn người khác, oan ức không cần giãi bày, biết tha thứ và bao dung cho người khác, biết kìm chế cơn nóng giận nếu như bị ai đó xuyên tạc, đâm thọc.

Thực hành hạnh lắng nghe của Bồ Tát ở đây là chia sẻ niềm đau nỗi khổ của người thân, bạn bè thậm chí là với những người xa lạ. Muốn vậy, mỗi người hãy dành một khoảng trống trong tâm hồn, để dành làm nơi chất chứa bầu tâm sự của người khác. Đôi khi, cứu giúp một người không nhất thiết phải dùng hành động mà chỉ cần im lặng nghe mà thôi.

Như vậy, một câu “Nam mô tầm thinh cứu khổ cứu nạn đại từ đại bi linh cảm ứng Quan Thế Âm Bồ Tát” mà dung chứa thần lực vô biên. Bởi đó là những hạnh nguyện của một bậc Đại Trí Đại Giác, cứu giúp biết bao chúng sanh đồ thán.

Nhân ngày vía Quán Thế Âm, chúng tôi muốn bàn về hình tượng của Ngài và những hạnh nguyện của Ngài. Từ đó, người học Phật nên thực hành và tu tập theo những hạnh nguyện ấy. Đó cũng là một cách tu tập trên hành trình giải thoát của mỗi người.

*: Bài viết chủ yếu dựa bài pháp thoại "Hạnh nguyện Bồ Tát Quan Thế Âm" của Đại Đức Thích Phước Tiến, Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung Ương Giáo hội Phật giáo, Trụ trì Tu viện Tường Vân, Hồ Chí Minh.