5 mỹ nhân TQ có "của trời cho"... tê tái quỷ thần(1)



(Kienthuc.net.vn) - Tiếng khóc của họ làm kinh hãi đất trời, tê tái cả quỷ thần, viết nên những khúc bi ca ai oán nhất.





Tự cổ chí kim, phận nữ liễu yếu đào tơ vốn hay đa sầu đa cảm. Tâm hồn họ dễ yếu mềm, dễ xao động. Chả thế mà có lời ví von, tâm tình các nàng tựa như miếng bọt biển đẫm nước, chỉ cần vắt nhẹ, nước đã thi nhau nhỏ giọt. Không ít mày râu cũng vì giọt lệ nữ nhi mà mềm lòng.


Trong xã hội Trung Quốc cổ đại có 5 mỹ nhân đã lưu danh sử sách cũng chính nhờ những giọt nước mắt đầm đìa, ấy là: “Ban Trúc” Nga Hoàng và Nữ Anh, “Hám Thành” Mạnh Khương Nữ, “Đoạn trường” Thái Văn Cơ, “Kinh điểu” Lâm Đại Ngọc. Tiếng khóc của họ làm kinh hãi cả đất trời, làm tê tái cả quỷ thần, viết nên những khúc bi ca ai oán nhất.

Dưới đây là câu chuyện cụ thể về các nàng:


Hai mỹ nhân “khóc loang khóm trúc”


Nga Hoàng và Nữ Anh đều là con gái của vua Nghiêu, phụng mệnh cha “kết tóc se duyên” cùng Thuấn đế. Để lo liệu chuyện chính, thứ khi làm phi tử cho hai con gái yêu, vua Nghiêu bèn nghĩ ra một “diệu kế”. Khi ấy, nhân lúc Thuấn đang muốn dời về Bồ Phản, vua Nghiêu bèn lệnh cho hai con gái của mình xuất phát từ Bình Dương đi Bồ Phản, ai tới trước sẽ là chính cung, ai tới sau đành chấp nhận kém phận.


Nga Hoàng vốn bản tính chất phác, thực thà, nàng nhảy lên lưng ngựa mà thẳng tiến. Nữ Anh lại rất thích phô trương, nàng đủng đỉnh trèo lên một cỗ xe có la kéo, trông thực hoành tráng. Nhưng lúc này đang tiết hạ oi bức, cả ngựa lẫn la đều mồ hôi đầm đìa. Khi đi qua phía Bắc thôn Tây Dương, gặp một con suối, hai nàng liền dừng chân nghỉ giải lao một lát để lũ ngựa, la uống nước cho đỡ khát, rồi lại tiếp tục lên đường.



Ảnh minh họa.

Trên đường đi, chẳng ngờ con la kéo xe của Nữ Anh đột nhiên đau đẻ, nên chuyến hành trình bị gián đoạn. Lúc này, Nga Hoàng đã cưỡi ngựa đi được quãng xa. Nữ Anh bị rớt lại phía sau, chỉ còn biết ngóng theo bụi hồng bám gót ngựa phi của đại tỷ.


Dẫu phân chính thứ, nhưng Nga Hoàng, Nữ Anh đều rất hòa thuận khi sống chung một nếp nhà, giúp Thuấn đế an tâm mà lo việc thiên hạ.


Sau 39 năm chấp chính, vua Thuấn tới vùng sông Trường Giang thị sát, không may ông lâm bệnh đột ngột và qua đời ở đất Thương Ngô hoang dã. Thi hài Thuấn đế được chôn cất trên núi Cửu Nghi, nay thuộc huyện Ninh Viễn, Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam.


Hai vợ yêu của Thuấn nghe tin dữ, liền tới phương Nam tìm ông. Trên bờ Tương Giang, họ hướng về phía núi Cửu Nghi mà nước mắt lưng tròng. Những giọt lệ khóc thương của Nga Hoàng, Nữ Anh cứ thế tuôn rơi, thấm ướt cả những khóm trúc, khiến đám trúc xanh cũng lốm đốm vết lệ.


Những cây trúc ấy trở thành “Ban trúc” (trúc có vết đốm) của phương Nam, còn được gọi là trúc Tương Phi.


Có thuyết cho rằng, vua Thuấn mất, Nga Hoàng và Nữ Anh cũng chẳng thiết sống. Hai nàng liền gieo mình xuống dòng sông đang cuồn cuộn sóng nước, trở thành nữ thần sông Tương. Có bài thơ Đường tuyệt hay, ca ngợi tấm lòng thủy chung son sắt của hai mỹ nữ này:


Ngu đế nam tuần khứ bất hoàn,
Nhị phi u oán vân thủy gian.
Đương thời huyết lệ tri đa thiểu?
Trực đáo nhi kim trúc thượng ban.


Tạm dịch:


Vua Ngu đi mãi không về,
Hai phi ai oán giữa dòng sông Tương.
Biết bao huyết lệ tuôn rơi?
Tới nay trúc đốm vẫn còn khóc than.


Tới nay, đã hơn 5.000 năm trôi qua, nhưng trên lá trúc vẫn thấm vết lệ của hai nàng Nga Hoàng và Nữ Anh. Tình cảm sâu đậm giữa vợ chồng họ quả xưa nay hiếm. Cũng vì lẽ ấy, Nga Hoàng và Nữ Anh cũng trứ danh thiên hạ vì những giọt nước mắt than thương khi mất chồng.


“Đoạn trường” Thái Văn Cơ


Thái Văn Cơ là con gái danh sĩ Thái Ung sống vào thời Tam Quốc, số phận của nàng vô cùng thê lương. Do loạn Đổng Trác, Thái Ung cha nàng bị Tư đồ Vương Doãn giết chết. Về sau, tại vùng Quan Trung lại xảy ra hỗn chiến giữa Lý Thôi và Quách Dĩ, dân chúng khắp vùng Trường An nháo nhác tìm nơi lánh nạn. Thái Văn Cơ cũng theo đám dân đen lưu lạc khắp phương.


Có thuyết cho rằng, khi ấy, quân Hung Nô thừa cơ cướp phá, vơ vét tài sản của bách tính. Một ngày nọ, Thái Văn Cơ bị quân Hung Nô bắt đi. Đám lính thấy nàng trẻ đẹp nên đem dâng cho Tả Hiền Vương. Thoáng chốc nàng đã sống 12 năm ở đất Nam Hung Nô, an phận làm vợ Tả Hiền Vương.


Sau khi quan hệ giữa Nam Hung Nô và nhà Hán trở nên hữu hảo, Tào Tháo mới chợt nhớ ra, con gái của Thái Ung - một người bạn đã mất của mình nay vẫn bị cầm giữ nơi đất khách quê người, bèn phái sứ giả đem theo lễ vật tới chuộc về. Tào Tháo còn đích thân làm mối gả nàng cho Đồn Điền đô úy Đổng Tự.


Ngờ đâu, ít lâu sau đó, Đổng Tự phạm pháp, bị thuộc hạ của Tào Tháo bắt, xử tội chết. Thấy chồng sắp bị xử tử, Thái Văn Cơ vô cùng lo lắng, vội chạy ngay tới Ngụy Vương phủ để cầu xin. Nàng xõa tung tóc, đi chân trần, vừa vào phủ đã quỳ ngay xuống trước mặt Tào Tháo mà giãi nỗi tâm tư. Cuối cùng, tấm chân tình của mỹ nhân cũng khiến Tào Tháo rung động và tha chết cho chồng nàng.


Nghĩ về cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của mình, lại thêm nhớ thương con gái hiện còn lưu lại đất Hung Nô, Thái Văn Cơ quặn thắt nỗi lòng, niềm hạnh phúc hồi hương bị nỗi sầu bi khi cốt nhục chia ly nhấn chìm, khiến nàng chẳng còn thiết sống. Mắt ngấn lệ, nàng viết “Bi phẫn thi” và “Hồ già thập bát phách”, để lại cho đời những áng thơ được xem là “thiên cổ tuyệt xướng”. Trong bài “Bi phẫn thi”, nàng viết:


Đán tắc hiệu khấp hành,
Dạ tắc bi ngâm toạ,
Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhất khả.
Bỉ thương giả hà cô,
Nãi tao thử ách hoạ?


Dịch thơ:


Sớm đi thê thảm khóc,
Tối rên, chỉ biết ngồi.
Muốn chết mà không được,
Muốn sống chẳng đường thôi.
Ta nào gây tội lỗi,
Sao đày đọa hỡi trời?

(Điệp Luyến Hoa dịch - Trích nguồn: Thivien.net)


Trong bài “Hồ già thập bát phách”, nàng giãy bày tâm tư:


Thành đầu phong hỏa bất tằng diệt
Cương trường chinh chiến hà đắc yết ?
Tử khí triêu triêu xung tái môn
Hồ phong dạ dạ xuy biên nguyệt
Cố hương cách hề âm trần tuyệt
Khốc vô thanh hề khí tương yết
Nhất sinh tân khổ hề duyên biệt ly
Thập phách bi thâm hề lệ thành huyết.


Dịch:


Tôi sinh ra bản tính vô vi
Tôi vào đời nhà Hán suy vi
Trời ác độc chừ làm chia cắt
Đất ác độc chừ gặp thời loạn ly
Gươm giáo đầy rẫy chừ khắp nơi nguy hiểm
Dân chúng lưu vong chừ ai cũng sầu bi
Lửa khói ngập trời chừ người Hồ hưng thịnh
Ý chí dư thừa chừ tình nghĩa suy
Tục lạ xứ người chừ không thích hợp
Gặp cảnh ô nhục chừ than với ai
Sáo thổi một hồi chừ đàn một phách
Lòng đau đớn chừ không người hay!


(Người dịch: phanlang @www.tvvn.org – Trích nguồn: thivien.net )


Tâm tình của Thái Văn Cơ làm rung động khắp chốn Trường Thành, khiến ai ai cũng nhỏ lệ thương cảm. Chính vì thế, nàng trở thành một trong số những “khốc nữ” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.


(Còn tiếp)