Xà quyền có thật hay chỉ là truyền thuyết?

Theo các sử tích cổ của dân tộc: để đấu tranh sinh tồn và chống lại thú dữ, trộm cướp, bảo vệ những thành quả lao động của gia đình và bộ tộc, người Việt cổ đã tự tìm tòi, mô phỏng các tư thế di chuyển, tự vệ, chống trả, tính năng săn mồi, nhử mồi, vờn mồi, vồ mồi của một số loài động vật mà họ thường xuyên “chung sống”, tiếp cận như: mèo, gà, rắn, thỏ, khỉ, cá sấu, hổ, báo, sư tử, voi, gấu, tê giác, bò tót, trâu rừng, ngựa, chim nhạn, đại bàng, phượng hoàng... để hình thành các thao tác võ giản đơn theo bản năng tự vệ.



Khi xã hội tiến lên và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, tổ tiên ta một mặt đã nghiên cứu kết nối các tư thế riêng lẻ thành các đòn thế võ chiến đấu liên hoàn, chế tác các chủng loại binh khí, cải tiến các “nông cụ” và công cụ săn bắn, lao động thành các chiến khí sắc bén, mang tầm sát thương cao. Đặc biệt, đã hóa chuyển một cách tài tình, độc đáo các tính năng đặc dị, hóc hiểm, khả năng tấn công và sự biến hóa linh diệu của một số loài động vật tiêu biểu thành vô số các bộ pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, khí pháp, nhãn pháp, thần pháp... tạo nên sức mạnh tuyệt luân, thiên cơ vạn biến, xuất thế khinh thân, góp phần đánh tan các đế chế xâm lược hùng mạnh, có trình độ võ lược thậm thâm và binh khí độc hiểm nhất qua các thời đại.



Võ sư Phạm Phong hướng dẫn phục dựng các thế võ cổ truyền của dân tộc


Một trong những loài động vật tiêu biểu được sớm chuyển hóa thành các bí quyết võ công và vận dụng vào các đồ hình di chuyển, né tránh, chống đỡ, truy kích, biến thế, phát lực, lập bộ của võ cổ truyền dân tộc (VCTDT) là hình tượng loài rắn. Bởi theo quan niệm của các nhà nghiên cứu võ học tiền bối, rắn được liệt vào loài linh vật có nhiều quyền năng đặc biệt mà một số loài động vật khác không có như: khả năng phóng xa, trườn nhanh, quất mạnh, uốn lượn, cuốn, siết, cắn, mổ, chuyển hóa linh diệu (thoắt ẩn, thoắt hiện, khi mềm dẻo, uốn lượn, khi cứng rắn, cường mãnh), ứng biến mau lẹ, rình mồi, săn mồi, vồ mồi cực kỳ chính xác, hiệu nghiệm, thích nghi ở mọi tình huống. Đặc biệt, “vũ khí” độc hiểm nhất của rắn chính là ở miệng, ở nọc độc, nhưng sức mạnh để quấn, siết, quật ngã và vô hiệu hóa đối phương lại dồn về phần đuôi. Chính vì vậy trong thực tế tổ tiên ta đã chuyển hóa, phổ quát các tính năng đặc biệt tinh diệu của loài rắn thành nhiều bài quyền thuật, bài binh khí lẫn các biệt chiêu, đòn thế độc hiểm và một số bí quyết, tuyệt kỹ võ công để sử dụng trong chiến trận.

Cùng với các biệt chiêu thần diệu và các pháp thuật mang tính đặc thù của môn “võ rồng” (long quyền), “võ hổ” (hổ quyền), “võ khỉ” (hầu quyền), “võ hạc” (hạc quyền), “võ gà” (kê quyền)... thì môn “võ rắn” còn mang cả những bí quyết cực kỳ độc đáo được chuyển thể linh ứng trong các đồ hình “bát quái pháp”, đồ hình “tấn pháp” (bộ chân, trong võ thuật còn gọi “bộ ngựa”), trong thủ pháp (bộ tay) và nhiều công pháp quan yếu khác, trong đó các tính năng đặc thù của “xà quyền” được nâng lên thành những quyền năng tuyệt thế và coi rắn như những linh vật “thần quyền”, nên còn gọi “thần xà”, “linh xà”, “xà vương”... để không chỉ chuyển hóa tinh tường trong võ thuật chiến đấu, mà còn ứng biến cao diệu cả trong pháp thuật binh cơ, võ trận, trong tầm kinh điểm huyệt, giải huyệt và trong điều chữa, xử lý các thương tổn theo phương pháp y võ cổ truyền.

Cụ thể “xà quyền” được đúc kết tinh gọn với những tuyệt thế như sau: xà vương lộng nguyệt/ bạch xà yểm địa/ thanh xà đảo mã/ độc xà xuất đỗng/ kim xà lộng vĩ/ song xà tiềm ẩn/ trường xà thám thủy/ thần xà khinh thân/ hoành xà tảo địa... Từ các bộ pháp linh ứng và tuyệt kỹ võ công này đã giúp võ Việt có điều kiện khai mở, hình thành, biến hóa nhiều thế võ, bài võ liên hoàn, chiến đấu sắc bén, mang tầm sát thương cao, phù hợp với từng loại kẻ thù, từng thế trận, nhất là bí quyết “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhu thắng cương”, “lấy cường phá nhược”... góp phần bổ sung vào kho tàng võ học Việt Nam ngày thêm đồ sộ, vĩ đại.

Tuy nhiên, do phần lớn các bài võ, thế võ được mô phỏng, tạo tác từ các loài động vật, chủ yếu truyền khẩu là chính và trải qua nhiều đời không được sưu tầm, đúc kết, bảo tồn (nhất là từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, các bộ, ngành hữu quan đã bỏ quên lĩnh vực võ học). Trong khi đó các võ sư tiền bối am hiểu sâu về “võ rắn” đều đã qua đời, nên phần lớn bị “tam sao thất bản” hoặc mất dần theo thời gian. Hiện nay chỉ còn một số bài và các biệt chiêu như: phục vũ trường xà chấn bộ nghinh/ toàn hồi xà tự thế/ thoái bộ song khai xà lan nghịch/ hoành tả yểm xà đơn trích thủy/ hạ sát tầm xà siêu yên tả/ hoành tả tọa bạch xà lan lộ/ thoái bộ song khai xà luân nghịch/ độc xà xuất đỗng/ điểm nguyệt hoành xà giai trùng nhị/ lưỡng xà phóng thủ/ phát thảo tầm độc xà/ linh xà phạt trục lang/ phục xà tiêu mạng/ hoành đao trảm thanh xà/ hoành xà trảm tả độc thương thích/ tấn phát xà hành thủy thế hương/ bạch xà lưỡng ban/ thiết xà thuộc/ mãnh xà lưỡng thủ/ kim xà qui sơn... đây là những độc chiêu cực kỳ bí hiểm của môn “xà quyền”, với quyền năng tối thượng, thiên biến vạn hóa, thoắt ẩn, thoắt hiện như thần, lúc “bay” lên không trung, lúc chui sâu xuống lòng đất, lúc bơi lặn dưới biển cả... như thể “linh thần”, thích ứng với vô số bộ pháp, thảo thức, thần quyền, với các thế võ tự vệ, chống trả, luồn lách, lăn lộn, né tránh, ẩn mình mai phục rồi bất thần tấn công tiêu diệt kẻ thù trong nháy mắt...

Toàn bộ các độc chiêu này được chuyển thể thành các bộ “xà thao” để đâm, điểm, xốc vào vùng tử huyệt, xỉa, móc, găm vào mắt, cằm, cổ, sườn hoặc dùng “xà tấn” để kẹp cổ, khóa chân, khóa tay, phá tấn, hoành đảo, gài, lót, đội, hốt... bất thần triệt hạ địch thủ ở mọi tư thế, mọi lúc, mọi nơi (trên rừng núi, cây cao, trong khe đá, hang động hoặc dưới đầm lầy, sông suối, biển cả...) theo nguyên lý “âm - dương tương tác”, “cương - nhu phối triển” và công thủ toàn diện, tạo nên sức mạnh thần kỳ đầy bí ẩn của VCTDT.

Nguồn :
http://www.baomoi.com/Xa-quyen-co-th...9/10069668.epi