"Thần xà" nhập liên tục 9 người là... bệnh lý?

Trong khi đang có nhiều tin đồn về việc cùng một ngày có tới 9 người bị "thần xà nhập" thì bác sĩ tại Viện sức khỏe tâm thần cắt nghĩa về một dạng bệnh lý.


Càng đông càng dễ bị "nhập"


Câu chuyện diễn ra trong buổi lễ cúng "thần xà" vào trưa và chiều ngày 9/3 (tức ngày 28 tháng Giêng âm lịch) vẫn còn "sức nóng" với người dân Vạn Phúc. Bởi chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ (từ 11 giờ tới 17 giờ), người ta đã chứng kiến tới 9 người bị "nhập". Những người này đều có hành vi lạ lùng như bò, trườn, lao đầu vào gốc cây đa, thậm chí có người còn trèo tót lên cây. Đó thật sự là một việc chưa từng có ở Vạn Phúc!


Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác, người đã có hơn ba chục năm nghiên cứu về thế giới tâm linh và cũng xuất bản nhiều cuốn sách về đề tài này, khi được hỏi đã mào đầu bằng việc thừa nhận: "Thế giới tâm linh là hoàn toàn có thật, dù có người tin, có người không tin, có người phản bác, có người tán đồng".


Theo đó, thế giới tâm linh tồn tại vong hồn. Chẳng riêng gì con người mà ngay cả con vật cũng có, chỉ có điều không phải "vong" nào cũng linh thiêng, cũng có thể "nhập" vào người và đương nhiên chẳng phải ai cũng có "cơ may" được "vong nhập".


Đã từng đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều, ông Phác cho biết chuyện "vong nhập" theo kiểu dây chuyền như ở Vạn Phúc là "không hiếm". Theo ông, giải thích điều này dựa trên ba góc độ.


Thứ nhất là tâm lý học. Ông dẫn giải: Trong cuốn Tâm thần học của O.V.Kecbicốp, M.V.Cockina, R.A Natgiarốp, A.V.Xnhegiơnhepxki (Nhà Xuất bản Y học - Hà Nội, in năm 1983) có đề cập đến chứng bệnh ám ảnh (có trên 30 hiện tượng) và bệnh ảo giác (cũng có chừng ấy hiện tượng). Theo đó, thực chất của các hiện tượng ám ảnh là ở chỗ, trên người bệnh xuất hiện một cách không chủ ý và không nén được những ý nghĩ, những hồi ức, nghi ngờ, sợ hãi, những nguyện vọng, hành vi, động tác khó chịu trong khi còn ý thức được tính chất bệnh lý và còn thái độ phê phán chúng: đó là điều khác với hoang tưởng.


Còn "ảo giác là cảm giác về một tri giác đã có trước mà không hề có một kích thích nào mới của ngoại cảnh phù hợp với nó" (Goldstein). Đối với người bệnh, ảo giác là một tri giác có thật, chứ không phải là một điều gì tưởng tượng. Trong trạng thái ảo giác, người bệnh trông thấy, nghe thấy, ngửi thấy thật chứ không phải tưởng tượng ra, hình dung ra. "Đối chiếu với hai chứng bệnh này thì chuyện ở Vạn Phúc không phải như vậy", Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác kết luận.

Càng tụ tập đông người càng dễ bị nhập.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác thiên về những giả thiết được nêu trong cuốn Từ điển Tâm lý (Nguyễn Khắc Viện chủ biên, do Nhà Xuất bản Thế giới, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em xuất bản năm 1995). Trong cuốn sách đề cập đến chứng ám thị (suggestion). Đó là sự gợi lên một ý nghĩ và khiến cho thực hiện một hành vi nào đó. Cũng có thể ý nghĩ ấy tự phát trong tâm trí của bản thân, rồi qua một quá trình vô thức trở thành hành động, hành động này cũng thích ứng với một tình huống thực tế, như một hành vi có ý thức, vì ở đây không cần cố gắng, không cần tập trung ý nghĩ, khi bản thân tự đề xuất gợi ý thì gọi là tự (kỷ) ám thị.


Một cơ sở tâm lý nữa để lý giải cho câu chuyện ở Vạn Phúc là sự lây lan tâm lý (contagion mentale). Nghĩa là, một nhóm người tự phát làm theo cách ứng xử của một cá nhân, một cách vô thức. Le Bon (nhà tâm lý học Pháp) cho rằng: Khi tập hợp một số đông lại thì cảm xúc chiếm ưu thế, khó kiềm chế, quần chúng không hoạt động theo lý tính, dễ tin, mất tinh thần trách nhiệm và có những hành vi đột xuất. Từ cá nhân này để truyền sang những cá nhân khác những tâm trạng sôi động. Le Bon cũng chỉ ra sự lây lan tâm lý này là một cơ chế cơ bản trong tâm lý xã hội. Và mỗi dân tộc, xã hội có một hệ chung tín ngưỡng, tình cảm, một cái "hồn" chung, do di truyền và lây lan tâm lý tạo thành.


Những lời nói hoặc lời cầu khấn và thường phải có vật cúng lễ (có khi có súc vật) trong lễ tế cộng đồng tạo ra những cơ chế: Từ kinh sợ dẫn đến phục tùng; lặp đi lặp lại; không khí tập thể, đám đông đồng cảm; có hương hoa, nhạc hoặc lời cầu khấn đã ám thị những người tới dự.


Ở góc độ thứ hai, Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác cho rằng, việc "thần nhập dây chuyền" ở Vạn Phúc dựa trên cơ sở của vật lý hiện đại. Theo đó, không gian và thời gian bằng không, cùng lúc xuất hiện cùng sóng. Điều đó lý giải vì sao có một trận đấu bóng đá ở châu Âu nhưng người ở châu Á, châu Phi cũng có thể nhìn thấy quả bóng đang lăn, tiếng hò reo cổ vũ là bởi những hình ảnh, âm thanh ấy được truyền qua sóng truyền hình. Vụ việc ở Vạn Phúc cũng tương tự khi người ta cùng dự lễ hội và cùng bị "thần xà nhập".


Góc độ thứ ba là tâm linh như đã chỉ ra lúc đầu, theo đó xác lập sự tồn tại của vong hồn. Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác tỏ ra thận trọng khi nhìn nhận rằng: Có thể "thần xà" ở Vạn Phúc là do vong hồn của chính con rắn nhưng cũng không loại trừ đó là vong hồn khác đi "mượn".


Từ những cơ sở trên, ông Phác cho rằng, việc 9 người bị "nhập" trong cùng một ngày ở Vạn Phúc là hoàn toàn có cơ sở. "Càng tụ tập đông người thì càng dễ nhập vì trong một không khí như thế sẽ dễ lây lan tâm lý", ông đúc kết.


BS Trịnh Bích Huyền.

Là một dạng bệnh lý tâm thần
Dưới góc độ y khoa, BS Trịnh Bích Huyền, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lý giải: Đây là một dạng bệnh lý tâm thần, được gọi là chứng lên đồng và bị xâm nhập (một thể của căn bệnh rối loạn phân ly). Đặc điểm của thể bệnh này là tình trạng đột nhiên rối loạn ý thức, gián đoạn hoặc mất trí nhớ, mất sự nhận biết hoặc định hướng bản thân, những khái niệm về các sự vật xung quanh; thường xảy ra ở chỗ đông người.


Những người mắc bệnh này biểu hiện mình là một con người hoàn toàn khác, mọi thứ xung quanh thay đổi. Họ như đang sống trong một thế giới khác, kéo dài vài phút, sau đó người bệnh thường không nhớ gì. Đây là hoạt động không chủ ý và có tính chất bệnh lý, hay gặp ở những người trẻ, thường nữ nhiều hơn nam, những người có nhân cách yếu, dễ chịu tác động từ môi trường xung quanh. Đặc biệt, khi càng có sự tò mò cổ động của người khác thì tình trạng này càng kéo dài, khó chấm dứt.


"Cần lưu ý, người bệnh không cố tình làm như vậy mà đó là những hoạt động vô thức của họ. Trước những hiện tượng này, việc tụ tập quá đông và sự tò mò của người xung quanh càng làm cho người bệnh khó thoát khỏi tình trạng bệnh, càng có tính chất dễ ám thị cho người bệnh. Nếu kéo dài có thể số lượng người bị chứng này càng tăng vì có tính chất ám thị từ người này sang người khác, giống như những trường hợp ngất tập thể)", BS Huyền khuyến cáo.


Việc người dân bị "nhập" dây chuyền trong một khoảng thời gian nào đó "còn là một trạng thái chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng văn hóa, đặc biệt ở những vùng miền có tín ngưỡng hay cúng lễ, bói toán, lên đồng như nền văn hóa phương Đông. Những người này thường mong muốn mình trở thành trung tâm, gây được sự chú ý của người khác. Hiện tượng này cũng giống như những người đi tìm mộ liệt sĩ, gọi hồn liệt sĩ, sau đó bị nhập vào. Có trường hợp bệnh kéo dài, phải đi điều trị tại viện tâm thần".
BS Trịnh Bích Huyền