kết quả từ 1 tới 7 trên 7

Ðề tài: Hải chiến Trường Sa 1988: Bất tử với thời gian

  1. #1

    Mặc định Hải chiến Trường Sa 1988: Bất tử với thời gian

    Hải chiến Trường Sa 1988: Bất tử với thời gian



    (VTC News) - Đúng ngày này 25 năm trước, ngày 14/3/1988, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc.



    Từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình ở quần đảo Trường sa thuộc vùng biển Đông Nam của Tổ quốc đã trở nên phức tạp. Tháng 10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã ra lệnh chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho các đơn vị thuộc quần đảo Trường Sa và lệnh cho một số đơn vị, trong đó có công binh E83 Quân chủng Hải quân sẵn sàng đi xây dựng, chi viện đảo.


    Tháng 1/1988, Trung đoàn đã bắt đầu lần lượt điều các khung đi xây dựng tại các đảo ở quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/1988, đối phương tăng cường lực lượng hải quân xuống khu vực quần đảo của ta. Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có chỉ thị cho Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ra Trường Sa.

    20h đêm 11/3/1988, tàu HQ-604 của Đoàn 125 do đồng chí Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng đã nhổ neo tại căn cứ của công binh E83, tiếp tục đưa hai khung của Trung đoàn và các đồng chí của Đoàn 146 đi đóng giữ bảo vệ đảo. Tiếp đó, 2h sáng hôm sau, ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 của Đoàn 125 cũng được lệnh tăng cường cho đảo.


    Bà Kỷ (mẹ của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh) nâng niu tấm danh hiệu của con trai (Ảnh: TNO)

    Tối 13/3/1988, đối phương uy hiếp mạnh một số đảo của ta, ngay trong đêm 13/3/1988, Sở Chỉ huy đã chỉ thị cho bộ phận đi đóng giữ đảo: Quyết giữ vững mục tiêu, khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm xuống bám giữ đảo, đồng thời chuyển vật liệu xây dựng lên làm nhà.


    Đến 6h sáng 14/3/1988, lực lượng vũ trang của đối phương xông vào. Cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương kết thành vòng tròn, kiên quyết bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc.

    Đôi bên giằng co quyết liệt, nhưng trước sự kiên cường của chiến sĩ ta, đối phương rời đảo. Rút về tàu chiến, đối phương nổ súng vào các cán bộ chiến sĩ Hải quân ta đang bám giữ đảo và cả tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đang ở đó. Tàu HQ-604 chìm trong lòng biển.

    12h trưa 14/3, máy bay của Việt Nam bay trên bầu trời Gạc Ma. Đầu giờ chiều, xuồng của HQ 505 đến nơi ứng cứu đưa các chiến sĩ về tàu, sau đó về đảo Sinh Tồn. Binh nhất Lanh được chuyển bằng trực thăng vào đất liền cấp cứu và may mắn giữ được tính mạng.


    Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125

    Sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 lịch sử, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân ta đã anh dũng hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ được Cô Lin và Len Đao.

    Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam đã biến địa danh Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trở thành bất tử.

    Hằng năm, những chuyến tàu vẫn đều đặn chở đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa. Mỗi lần đi qua Gạc Ma, những người con đất Việt không quên thả vòng hoa tưởng niệm. "Các anh đã dâng hiến tuổi 20 cho Tổ quốc, nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh", thượng tá Nguyễn Văn Thư, phó chính ủy Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân nói.

    Nhìn lại sự kiện Gạc Ma 1988 và toàn bộ lịch sử quan hệ Việt - Trung để từ những bài học đau đớn đó xác định đường lối chiến lược ngoại giao đúng đắn và giảm tối đa thiệt hại cho mình” - đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Đại sứ quán VN tại Trung Quốc (TQ) đã chia sẻ với Tuổi Trẻ.

    - Thưa đại tá, 25 năm trước, khi hải quân TQ tấn công tàu hải quân VN và chiếm đảo Gạc Ma, liệu chúng ta có bị bất ngờ?


    - Lúc đó quan hệ hai bên còn khá căng thẳng, tôi đã ở Bắc Kinh về được hai năm (ông Lượng là tùy viên quân sự tại Bắc Kinh từ năm 1981-1986) và công tác tại Học viện Quân sự cấp cao, ban nghiên cứu chiến lược quân sự TQ.

    Chúng ta không thể lường được họ có thể nã pháo thẳng vào tàu vận tải, xả súng tấn công những người lính không có vũ khí trong tay. Rõ ràng họ đã chủ động tấn công và có mưu đồ xâm chiếm.

    - Không chỉ tấn công quân sự, TQ còn chủ động giáo dục và chủ động thông tin. Vậy chúng ta cần làm gì để đối phó với sự chủ động này mà vẫn cố gắng hết sức tránh xung đột?

    "Cần tranh thủ mọi diễn đàn để nói với quốc tế, với nhân dân ta và cả nhân dân TQ biết những sự thật lịch sử. Với nhân dân ta, chúng ta có thể nhắc nhở hằng ngày, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Với quốc tế và nhân dân TQ, chúng ta nên tổ chức những diễn đàn khoa học, mời các học giả hàng đầu của TQ đến VN tranh luận công khai, bình đẳng, hữu nghị để đi đến chân lý về chủ quyền của chúng ta", Đại tá Quách Hải Lượng- Trước hết, cần phải hiểu TQ đã làm gì và đang làm gì với VN? Thời Báo Hoàn Cầu thuộc Nhân Dân Nhật Báo - tiếng nói của Đảng Cộng sản TQ - liên tục đưa ra những phân tích, xã luận, những bài viết có trích dẫn “như thật” tạo nên một hình ảnh VN rất xấu, hiếu chiến và xâm lược trong mắt người TQ.

    Có những bài viết dẫn lời một chỉ huy cao cấp của Bộ tổng tham mưu Bộ Quốc phòng VN nói: “Quân đội VN sẽ đánh thẳng đến Bắc Kinh” (!?) mà tên tuổi nhân vật đó không hề có thật. Nhưng người TQ tin, vì chúng ta không tự đứng ra nói lại cho nhân dân TQ hiểu.

    Khi tôi ở TQ, từ đầu những năm 1980, Trung ương Đảng Cộng sản TQ đã tập hợp một số nhà sử học, địa lý viết một bộ sách sáu tập về biển Đông, trong đó bắt đầu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của TQ, biển Đông của TQ.

    Bộ sách ban đầu lưu hành nội bộ, nhưng sau đó TQ đề ra chiến lược “xâm lược bằng bản đồ”, bộ sách được in công khai bằng hai thứ tiếng Hoa - Anh. Đáng buồn là giới học giả TQ không ai lên tiếng phản đối. Quách Mạt Nhược, một học giả nổi tiếng mà VN rất tôn trọng, còn viết thêm bộ sách hai tập nữa, trong đó cũng khẳng định chủ quyền biển Đông là biển Nam Trung Hoa của TQ.

    Chúng ta cần khai thác triệt để và hiệu quả những nguồn tài liệu mình đang có. Đơn cử như một tư liệu trong cuốn Sự thật 30 năm quan hệ VN - TQ của Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia do bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chủ biên ghi chép rất rõ: Năm 1963, trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo ba đảng có xu hướng cộng sản Indonesia, Lào và VN, thủ tướng TQ Chu Ân Lai đặt vấn đề: “Đất nước chúng tôi thì rộng nhưng không có đường ra biển, đề nghị Đảng Cộng sản VN mở đường ra biển giúp chúng tôi”.

    Nếu lúc đó họ đã có thực quyền trên biển Đông, sao còn phải đặt vấn đề mượn đường ra biển? Sử liệu của cả bốn đảng chắc chắn còn ghi chép sự kiện này, chúng ta phải khai thác một cách hữu hiệu và thuyết phục.

    -Thưa đại tá, cũng không ít người cho rằng chúng ta nên “xếp lại quá khứ, hướng đến tương lai”?

    Chúng ta chưa bao giờ hết bị gây sức ép, vì chúng ta luôn ở thế bị giằng co giữa các thế lực siêu cường. Chúng ta chỉ có thể chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền nếu chúng ta đủ mạnh. Nhưng nếu muốn trở nên hùng mạnh, chúng ta cần trước hết là hòa bình và ổn định. Do vậy, điểm mấu chốt trong quan hệ với TQ vẫn là hòa mục.

    Là một người lính và làm ngoại giao trong giai đoạn quan hệ hai nước căng thẳng nhất, tôi thấy chủ trương của Nhà nước hiện nay là sáng suốt: kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng kiên quyết giữ gìn hòa bình, không mắc mưu khiêu khích. "TQ có thể luôn luôn dọa dẫm gây chiến tranh nhưng thế giới ngày nay đã khác, không thể có chuyện một quốc gia dễ dàng gây chiến với quốc gia khác mà Liên Hiệp Quốc không can thiệp. Nhưng có những xung đột ở cấp độ thấp hơn - như vụ Gạc Ma, mà khi thế giới biết thì chuyện đã xong rồi - TQ là bậc thầy của những “chuyện đã rồi” và là người khai sinh ra chiêu thật giả - giả thật kiểu binh pháp Tôn Tử.

    Họ rất biết chúng ta không muốn chiến tranh (có dân tộc nào bị đặt vào tình thế phải tham chiến liên miên như chúng ta?) nên luôn dọa gây chiến như một sức ép... Và chúng ta phải đủ sự hiểu biết về TQ, đủ tỉnh táo và đủ mạnh để biết khi nào họ chỉ dọa, khi nào họ dám hành động như vụ Gạc Ma. Và cũng vì thế để có thể hướng đến một tương lai hòa bình trên biển Đông và trên toàn khu vực, không thể và không được quyền quên lịch sử đã diễn ra đau đớn như thế nào.", Đại tá Quách Hải Lượng
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Hải chiến 1988: Bất tử những người xả thân vì nước




    Một cuộc chiến với 64 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển lạnh, máu của các anh nhuộm đỏ thắm một vùng biển trời tổ quốc, nước mắt của bao gia đình đã âm thầm chảy trong suốt 25 năm nay.




    Dù đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhưng Gạc Ma luôn sống mãi trong lòng người Việt và cuộc gặp gỡ đầu tiên này sẽ như một đốm lửa, thổi bùng ngọn lửa lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền tổ quốc, giáo dục thế hệ trẻ không được phép quên Gạc Ma - một phần máu thịt của quê hương đang bị mất đi.

    Sau 25 năm ngày đảo đá Gạc Ma (Trường Sa) bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, lần đầu tiên một cuộc gặp mặt, giao lưu với các cựu chiến binh được tổ chức tại Đà Nẵng.



    Những “thước phim sống” về Gạc Ma


    Với cựu binh Dương Văn Dũng (Đà Nẵng) - một trong số ít người sống sót hy hữu trên con tàu HQ604 - thì trận chiến bảo vệ Gạc Ma 14/3/1988 vẫn là một cơn ác mộng như mới xảy ra đêm qua… Trong 64 liệt sĩ có 9 đồng đội là 9 người bạn đồng hương Đà Nẵng của anh. 25 năm qua, những người đồng đội ấy vẫn mãi “thanh xuân” trong ký ức, còn anh thì tuổi già toan đến sớm vì gánh nặng cơm áo với nghề phụ hồ bấp bênh…

    Cựu binh Lê Hữu Thảo và mẹ liệt sĩ Trần Văn Phương .


    Chúng tôi lại về Cồn Dầu, Hòa Xuân (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để tìm anh Dũng vào những ngày đầu tháng 3. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng năm xưa chỉ còn đống gạch vụn nát, xóm làng tan hoang giữa mùa giải tỏa.

    Người láng giềng chỉ mơ hồ biết tin gia đình anh đã dạt xa ra ngoại vi thành phố, làm nhà mới ở khu đô thị mới Cẩm Lệ. Ở khu phố chưa kịp đặt tên đường, nhà không đánh số, nhưng lần hỏi “Dũng phụ hồ từng đánh trận Trường Sa” thì ai cũng biết.



    Ký ức người trong cuộc


    Anh Dũng kể, tháng 3 năm 1987 anh nhập ngũ cùng 100 tân binh Đà Nẵng, nhưng chỉ vài chục người vào hải quân. Và rồi ngẫu nhiên có đến 10 người đồng hương phường Hòa Cường, trong đó có bạn thân là Phan Văn Sự đã cùng anh có mặt trên con tàu định mệnh HQ604 để ra Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo đá Gạc Ma.

    HQ604 là một trong ba tàu vận tải của Hải quân Việt Nam, chuyển đá ra xây dựng các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Trong số những chiến sĩ hải quân ngày ấy, không ai hình dung được đó là chuyến hải hành cuối cùng.

    Lính Trung Quốc đã bất ngờ xuất hiện, nã súng bắn thẳng vào hàng trăm chiến sĩ bộ đội mình đang ngâm mình dưới biển để cắm cờ, chuyển đá xây đảo trên bãi ngầm san hô.



    Chúng tôi chắp nối những mẩu ký ức vỡ vụn, đau thương của anh Dũng mà giống như đang xem cận cảnh những thước phim giật cục, trầy xước nhưng đầy bi hùng.

    “Trong lúc chúng tôi bấn loạn khi nhìn thấy đồng đội gục ngã khi ngâm mình giữ cờ trên bãi Gạc Ma, thuyền trưởng HQ 604 Vũ Phi Trừ đã cho tàu lao về phía tàu Trung Quốc vì chúng tôi chỉ có súng AK, B40, B41 - tầm bắn quá ngắn. Ngay lập tức, chúng tôi đã hứng chịu hỏa lực mạnh hơn nhiều lần từ tàu chiến Trung Quốc. HQ 604 bị thủng nhiều chỗ và chìm từ từ.



    Tôi thấy máu đỏ khắp boong, đồng đội ngã la liệt... Đạn như mưa đá, nhưng dường như nó đã tránh tôi. Khi tôi vào buồng lái, thấy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã “dính” đạn, máu anh trào ra đẫm vạt áo. Hoảng quá, tôi chỉ kịp xé toạc áo mình băng cho anh, nhưng anh xua tôi mau chạy lên boong, nhảy ra biển vì tàu sắp chìm...

    Tôi chưa kịp chạy thì nước biển đã ngập kín con tàu. Thuyền trưởng của tôi vẫn ôm chặt bánh lái, nằm lại với biển. Còn tôi, khi tỉnh lại đã cuối giờ chiều, rồi bị Trung Quốc bắt lên tàu, đưa về nhốt ở Hải Nam, bắt đầu cuộc tù đày ròng rã 4 năm”...



    Lê Hữu Thảo - một cựu binh khác của tàu HQ604 - kể với chúng tôi bên mộ phần của liệt sĩ Trần Văn Phương - Đại đội phó chỉ huy tàu HQ604: “Khi chuyến xuồng chở vật liệu thứ hai vào đảo thì tàu Trung Quốc ập đến. Có khoảng 50 tên đổ bộ lên đảo, chúng dàn thành hình vòng cung, bao vây quân ta. Anh Phương nói, kệ bọn chúng, anh em tiếp tục làm việc. Chúng tôi tiếp tục lấy san hô chèn cột cờ cho chắc thêm.


    Lúc này, anh em đã lập thành vòng tròn quanh cột cờ. Phía lính Trung Quốc, chỉ một tên mang bộ đàm, còn toàn súng ống, lưỡi lê sáng quắc. Dàn hàng xong, chúng đồng loạt móc mì gói ra ăn sáng. Bất ngờ tên chỉ huy rút súng ngắn ra khỏi vỏ. Cho đến bây giờ khi nói chuyện với nhà báo, tôi vẫn nhớ rất rõ mặt tên này, kể cả bây giờ gặp tôi vẫn nhận ra nó.

    Quân ta cứ hiên ngang công việc của mình. Khi lá cờ tổ quốc phấp phới bay trên đầu anh Phương thì bọn chúng nổ súng. Chúng bắn vào bụng anh, rồi tiếp một phát nữa vào trán. Anh Phương gục xuống, cờ tổ quốc vẫn thắm tươi trên tay anh...”.



    Ám ảnh


    25 năm sau cuộc hải chiến bảo vệ Gạc Ma, những cựu binh còn sống sót trên các chiến tàu HQ 604, 605, 505 đã tứ tán, phần lớn giải ngũ trở về với đời thường lặng lẽ. 64 cái giỗ trùng ngày đúng dịp 14/3 của gia đình các liệt sĩ cũng âm thầm trong nước mắt người thân.

    Và phải đến năm 2011, khi nhóm sinh viên học sinh, những nhân sĩ trí thức tham gia diễn đàn “Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa” lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp mặt các cựu chiến binh, thân nhân một số gia đình liệt sĩ để giao lưu, tri ân tại khu du lịch Suối Lương (Đà Nẵng), thì Vũ Xuân Khoa - người con trai duy nhất của thuyền trưởng HQ604 Vũ Phi Trừ - mới lần đầu tiên được gặp các đồng đội của cha.

    Bởi vậy, khi nghe chú Dũng kể về những hình ảnh cuối cùng của cha mình trước khi chết chìm cùng con tàu, Khoa đã chạy đến ôm chầm các chú rồi nức nở... Bao nhiêu đứa trẻ như Khoa không được biết, không được nghe về hình ảnh cuối cùng, những hành động dũng cảm của bố mình ở Gạc Ma năm đó?



    Ông Dũng nói, ngay những đứa con tôi cũng chưa từng được biết chuyện của bố ở Gạc Ma năm 1988 vì tôi không muốn kể. Đó là nỗi ám ảnh quá nặng nề. Chúng tôi bị Trung Quốc bắt nhốt 4 năm, gia đình thì nhận được giấy báo tử, tôi cũng nghĩ là mình sớm muộn sẽ chết mòn theo đồng đội.

    Những ngày tháng đầu trong tù, không đêm nào được bình yên giấc ngủ. Tôi hay giật mình thảng thốt, ngỡ như vẫn còn chìm giữa tiếng súng của cuộc chiến. Rồi nhiều đêm, thằng bạn thân Phan Văn Sự “về” lôi tôi cùng đi với nó...


    Đảo Cô Lin sừng sững giữa ngàn khơi.
    Năm 1991, qua đường ngoại giao, ông Dũng mới được về nhà. “Tôi nhớ truy lĩnh được tiền lương binh nghiệp của 4 năm bị giam giữ ở Trung Quốc, rồi nhận giấy xuất ngũ. Số tiền ấy đủ cưới vợ. Tôi làm lại cuộc sống đời thường từ hai bàn tay trắng. Tôi phụ hồ, vợ buôn gánh bán bưng để nuôi 3 con nhỏ”.

    Năm 2011, một tai họa ập xuống đầu ông Dũng khi đứa con trai đầu lòng lại bị tử nạn giao thông khi mới vào lớp 12.

    “Nó là con trai duy nhất của gia đình tôi, là cháu đích tôn... Đây là cú sốc thứ hai trong đời suýt làm tôi quỵ ngã. Nhưng nhìn 2 đứa con gái nhỏ, người vợ tảo tần buôn gánh bán bưng mà không nỡ buông xuôi.

    Tôi cũng tự nhủ, cuộc chiến ác liệt năm xưa không giết chết nổi mình, chẳng lẽ giờ gục ngã trước nỗi đau gia cảnh. Không ngờ những ám ảnh đau thương của cuộc chiến đầy máu lửa năm xưa lại có ngày trở thành điểm tựa, an ủi tôi trụ lại với cuộc đời” - ông nói.



    Với ông Lê Hữu Thảo, số phận cũng chẳng hơn gì ông Dũng dù sau khi thoát chết từ cuộc chiến, xuất ngũ về quê và được ưu tiên cho đi xuất khẩu lao động ở Đức. Tuy nhiên sau gần 20 năm bôn ba, đến năm 2007, ông tay trắng, không vợ con trở về Hà Tĩnh sống trong một căn phòng trọ vẻn vẹn 15m2 với nghề nghiệp là “thợ đụng”.

    Cũng như ông Dũng, những diễn biến của cuộc chiến năm xưa vẫn luôn dựng ông dậy hằng đêm. Tuy nhiên, “nhiều năm trở lại đây, điều ám ảnh tôi hơn cả là cuộc chiến bảo vệ chủ quyền tại đảo Gạc Ma cách đây 25 năm lại chưa được thông tin đầy đủ”. Và “với tư cách người trong cuộc, tôi rất xúc động khi những ngày này, cuộc chiến đó lại được nhắc đến rộng rãi...” - ông nói.

    Toàn cảnh cuộc chiến Gạc Ma


    Sáng ngày 14/3, từ tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma, đồng chí Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 - phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi. Phía Trung Quốc cử hai xuồng chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.


    6h sáng, hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Do hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam.


    Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng, Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma. (Nguồn: Lữ đoàn 125).
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma: Ký ức người hạ sỹ




    (VTC News) - Liên tiếp những loạt súng nổ vang trời lia trên mặt nước, hơn 60 thanh niên cường tráng - đồng đội tôi dần ngã xuống, máu đã nhuộm đỏ cả biển trời.




    Thương binh Phan Văn Đức, nguyên hạ sỹ khu D1, Trung đoàn 83, quân chủng Hải quân nhớ lại sự kiện trên đảo Gạc Ma cách đây 25 năm (14/3/1988).





    Thương binh Phan Văn Đức, nguyên hạ sỹ khu D1, Trung đoàn 83, quân chủng Hải quân, nhân chứng sống trong trận Gạc Ma 14/3/1988

    "Là quân số của D1, Lữ đoàn 125, Trung đoàn 83, ngay trong đêm, chúng tôi nhận lệnh vào D3 ở Cam Ranh rồi nhận lệnh ra Trường Sa cùng hơn 30 chiến sỹ khác trên tàu HQ 604. Chúng tôi đến đảo Cô Lin, Gạc Ma từ trưa 13/3 thì đến rạng sáng 14/3 xảy ra sự việc…

    Thằng Sự đi Trường Sa là nó tự nguyện, tôi còn nhớ ngày nó đi là 12 tháng Giêng. Nó lên đường ra Trường Sa khi cha nó đang nằm trong bệnh viện chờ phẫu thuật. Ông ấy phẫu thuật được 9 ngày thì cái sáng định mệnh 14/3/1988 đã giết chết ông ấy. Qua radio, ông ấy biết thằng Sự đã hy sinh trong trận đánh ở Trường Sa do quân Trung Quốc tấn công. Nghe tin, ông đã sộc máu rồi 15h chiều cùng ngày ông ra đi.
    Bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sỹ Phạm Văn Sự hy sinh trong trận Gạc Ma 14/3/1988
    Tôi còn nhớ, chúng tôi đặt chân lên đảo Gạc Ma và cắm cờ vào khoảng 3-4h sáng ngày 14/3/1988.

    Đến khoảng 6 giờ, khi anh em chúng tôi chỉ áo may ô, quần cộc chuyển vật liệu xây dựng từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu của quân Trung Quốc ập đến. Họ rất đông, rất nhiều tàu, trang bị rất nhiều súng ống các loại.
    Họ lao xuống giành, nhổ cờ Tổ quốc mà chúng tôi đã cắm trên đảo. Dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương, các chiến sỹ kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc và không chịu rút lui.

    Hai bên giằng co quyết liệt thì bất ngờ quân Trung Quốc nổ súng vào thiếu úy Phương.
    Thiếu úy Phương ngã xuống thì ngay lập tức binh nhất Nguyễn Văn Lanh nhanh chóng xông tới cùng anh em đứng vây quanh, bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo.

    Quân Trung Quốc tiếp tục lao vào tấn công giáp lá cà. Binh nhất Lanh bị đối phương đâm bị thương gục xuống, máu nhuốm đỏ chân cột cờ.
    Trong giây phút đó, liên tiếp những loạt súng nổ vang trời lia trên mặt nước, hơn 60 thanh niên cường tráng - đồng đội tôi dần ngã xuống, máu đã nhuộm đỏ cả biển trời Trường Sa. Tai tôi ù đặc…
    Tiếp đó là 2 phát đạn 100mm bắn trúng chiến tàu HQ 604 khiến chiếc tàu bị lật úp rồi chìm mất tích. Hai chiếc tàu HQ 605 và 505 của hải quân Việt Nam gần đó trúng đạn cố lao lên bãi cạn đảo Cô Lin cắm cờ chủ quyền tổ quốc.
    Khi ấy, tôi đang dùng xuồng vận chuyển vật liệu lên đảo cố dìu đồng đội vào đảo Sinh Tồn thì bất ngờ một quả đạn đỏ rực lao đến.
    Chiếc xuồng nhỏ bị xé toát, vai trái tôi cháy rát. Trong phút sinh tử, tôi cố bám vào một vật nổi trên biển rồi mặc cho nó tự trôi. Sau này tôi mới biết mình bị thương và đồng đội của tôi đã hy sinh gần như toàn bộ.
    Sau đó cái thời khắc đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Nhiều đêm trăn trở, cứ nhắm mắt lại là nước mắt tuôn trào, hình ảnh của buổi sáng định mệnh ấy hiện ra. Khắp nơi loang máu đồng đội, cả biển trời nhuốm đỏ…
    Một thời gian dài, tôi như người vô thức, cứ lang thang khắp nơi, từ bán đảo Sơn Trà đến cảng Cam Ranh, thậm chí cả địa đạo Củ Chi… Và cứ mép biển là tôi đi, mắt cứ hướng ra khơi như cố tìm kiếm thi thể những người đồng đội của mình.


    Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Phó Chỉ huy Chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 83
    Và đến bây giờ, cái ngày định mệnh ấy vẫn luôn ám ảnh tôi, nó khiến tôi như người có lỗi với đồng đội, với anh em. Các anh đã hy sinh mà đến một nấm mồ cũng không có.



    Còn tôi, trở về như người đã chết, khi nghe tin buổi sáng hôm ấy, ở đất liền gia đình đã lập bàn thờ vì nghĩ tôi đã hy sinh…"
    Nói đến đây, giọng anh Đức nghẹn lại.
    Nói về trận trên đảo Gạc Ma năm ấy, Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Phó Chỉ huy Chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 83, người từng trực tiếp chỉ huy đơn vị bám đảo, bảo vệ chủ quyền tổ quốc k:
    “Đó là tổn thất to lớn đối với lực lượng hải quân nói chung và Trung đoàn công binh 83 nói riêng. Các anh đã hy sinh, máu đã nhuốm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc.

    Sự hy sinh của các anh trong trận bảo vệ đảo Gạc Ma đã trở thành tấm gương sáng về lòng trung thành đối với tổ quốc của người lính. Chúng tôi không bao giờ quên thời khắc thiêng liêng đó. Và cũng từ ngày ấy, dấu mốc 14/3 đã trở thành ngày truyền thống không bao giờ quên của Trung đoàn và của binh chủng”.


    Theo ông Thái Thanh Hùng (bìa trái), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, Hội sẽ duy trì tổ chức tri ân các chiến sỹ trong các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc từ năm 1975 đến nay.


    Sẽ tiếp tục tri ân các chiến sỹ bảo vệ biên giới tổ quốc


    Ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, đơn vị đề xuất, phối hợp tổ chức sự kiện tri ân các chiến sỹ bảo vệ đảo Gạc Ma-Trường Sa (14/3/1988) cho biết:


    “Lần đầu tiên sau 25 năm xảy ra trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma-Trường Sa (14/3/1988-14/3/2013), một cuộc giao lưu, tri ân cấp thành phố sẽ được tổ chức nhằm tri ân đối với các cự chiến binh và gia đình liệt sỹ, có người thân từng công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biển đảo, chủ quyền thiêng liêng tổ quốc nói chung và trận chiến đảo Gạc Ma-Trường Sa giai đoạn 1984-1988 nói riêng.


    Sự kiện nhằm giáo dục thế hệ trẻ, nâng cao lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ tòa vẹn chủ quyền tổ quốc Việt Nam chúng ra. Hội Cựu chiến binh thành phố sẽ phối hợp với Thành đoàn, Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa và gia đình các thân nhân, liệt sỹ trong trận chiến Gạc Ma để tổ chức sự kiện này.


    Sẽ có khoảng 250 đại biểu tham dự. Trong đó, có khoảng 100 đồng chí là cựu chiến binh của Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa; 9 thân nhân gia đình liệt sỹ; 50 đồng chí là cán bộ Hội Cựu chiến binh thành phố và các hội viên; Và khoảng 50 đồng chí là lãnh đạo Thành đoàn, đoàn viên, thanh niên thành phố.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Những hình ảnh 'biết nói' trận hải chiến Gạc Ma




    (VTC News) - Mỗi di vật, di ảnh, tấm hình... đều là những câu chuyện xúc động về Gạc Ma, nhắc cho những người còn sống về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc.




    T
    Tàu HQ-931 chở những người còn sống sót và thi thể các chiến sĩ sau trận chiến Gạc Ma về Cam Ranh - Ảnh tư liệu

    Lá cờ tổ quốc anh hùng Trần Văn Phương đã anh dũng bảo vệ được lưu giữ trong nhà truyền thống của Vùng 4 Hải quân. (Ảnh: Báo Lao động)

    Di ảnh của anh hùng liệt sĩ, thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ - (Ảnh: N.M - Báo Lao động)


    Thư của liệt sĩ nhà giàn DK1 Tạ Ngọc Tú gửi về gia đình trước lúc hy sinh - Ảnh: Káp Thành Long

    Giấy báo tử của anh Mai Xuân Hải vẫn còn được lưu giữ như một kỷ niệm của một thời bi tráng (Ảnh: Tiền Phong)


    Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa trong sự kiện ngày 14.3.1988 - Ảnh tư liệu

    Những bức thư ông Trần Thiện Phụng gửi từ trại giam Trung Quốc về cho gia đình. Sau ngàn ngày bị giam lỏng, đến ngày 2.9.1991, ông Trần Thiện Phụng, Dương Văn Dũng, Trương Văn Hiền và đồng đội mới được bước chân về đất Việt. (Ảnh: Thanh niên)


    Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (giữa hàng đầu) - thuyền trưởng của một trong ba tàu trong cuộc chiến đấu ác liệt ở Trường Sa ngày 14-3-1988. (Ảnh: Vietnamnet)


    9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) bị quân Trung Quốc thả về sau 3 năm giam giữ (ảnh chụp ở trại an dưỡng Quảng Ninh năm 1992) - Ảnh: Thanh niên do anh Trần Thiện Phụng cung cấp.


    Sau trận hải chiến Gạc Ma 1988, nhân dân cả nước ủng hộ vật chất xây dựng nhiều đảo kiên cố tại quần đảo Trường Sa, trong ảnh là Nhà cấp 1 tại đảo Đá Nam - Ảnh tư liệu
    Bài báo về trận chiến Gạc Ma của tác giả Linh Trần 25 năm trước. (Ảnh: Linh Trần đăng trên báo Lao động)

    Đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 16.3.1988 - (Ảnh Thanh niên chụp lại)

    Những vòng hoa tưởng nhớ đồng đội hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. (Ảnh:cand.com.vn)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  5. #5

    Mặc định

    Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3-1988?


    Từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến chiếm đóng một loạt đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.





    Cao trào của hành động xâm lược này diễn ra vào ngày 14.3.1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
    Trong vụ thảm sát này, 64 binh sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.
    Điều phải lưu ý là đây là lần đầu tiên người Trung Quốc (lục địa) đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, với tư cách quan phương, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này.




    Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, từ sự kiện 14.3.1988, có những điều cần phải nói rõ như sau:
    Đầu tiên, ngay sau ngày 14-3-1988, thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ!
    Sau đó thông qua người phát ngôn của Tổng thư ký, LHQ đã nói rõ: không hề có tàu của LHQ tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3.1988!
    Rõ là “cháy nhà ra mặt chuột” và Trung Quốc đã “lấy thúng úp voi”, đã “lấy thịt đè người” lại còn muốn lấy tay che mặt trời!
    Đã không có tàu khảo sát khoa học của LHQ thì chắc chắn không có việc tàu chiến Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Điều mà nhiều người đều biết đó là chuyện “ngậm máu phun người”...

    Trước đó, năm 1962 Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ và chiếm của Ấn Độ hàng nghìn km2 nhưng lại vu cáo Ấn Độ xâm lược Trung Quốc. Năm 1979, Trung Quốc tiếp tục đem 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Bắc. Sự việc rõ ràng như vậy nhưng cũng được họ tuyên truyền là “phản kích tự vệ quân Việt Nam xâm lược”!




    Thứ hai, có một câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại tiến hành đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3.1988?
    Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tình hình trong nước chồng chất khó khăn: kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số người dân cực kỳ vất vả.
    Cũng trong thời điểm đó, Liên Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh nhẫn nhục xích lại với Washington, tự nhận là “NATO phương Đông” để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã bắt tay với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.
    Lợi dụng tình thế khó khăn đó của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa phục vụ cho ý đồ lâu dài.
    Trung Quốc cũng là bậc thầy trong việc lợi dụng thời điểm. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm được Trung Quốc lựa chọn nổ súng rơi đúng vào 14.3.1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội! Một khi họ đã có dã tâm thì chuyện “tang gia bối rối” lại trở thành điều có thể lợi dụng được!




    Câu chuyện xảy ra ngày 14.3.1988 tại Trường Sa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh của những người lính Việt Nam 25 năm trước là một lời nhắc nhở tới 90 triệu người đồng bào hôm nay, trước hết là những người có trọng trách với dân tộc, không bao giờ được quên 3 điều:
    Một là, lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành động...

    Hai là, cần phải hiểu về con đường mà Trung Quốc lựa chọn. Những toan tính và hành động của Trung Quốc liệu có phải là một quốc gia đồng chí như họ từng miêu tả hay thực tế là chính sách dân tộc nước lớn vị kỷ?
    Việc vô cớ đem quân đánh chiếm các đảo của một quốc gia láng giềng, bất kể quốc gia đó phát triển theo đường lối nào cũng là đi ngược lại những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế...

    Láng giềng là vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi, trừ phi có một trận siêu động đất đẩy hai quốc gia ra xa nhau!
    Việt Nam cần và mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ ấy cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề “bất biến” là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Không tỉnh táo nhận thức được điều này, lệ thuộc vào những yếu tố “ứng vạn biến” như “mười sáu chữ”, “bốn tốt” có thể dẫn đến những bước đi sai lầm mang lại hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc!
    Chúng ta đã có được bài học đắt giá khi rơi vào cảnh bị cô lập trên trường quốc tế từ 1979-1990. Bài học ấy cùng với sự kiện 14.3.1988 mách bảo chúng ta rằng bị cô lập không đồng nghĩa với có độc lập, mà ngược lại, bị cô lập sẽ dẫn đến thảm họa, thậm chí mất cả độc lập và chủ quyền quốc gia.
    Các nhà sử học Việt Nam chân chính và những người Việt có lương tâm trong sáng sẽ còn mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, mổ xẻ, soi xét sự kiện 14.3.1988 một cách khách quan để rút ra bài học bổ ích cho những người Việt hiện nay và các thế hệ mai sau.
    Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc.
    Trích đăng theo Thanh Niên
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  6. #6

    Mặc định

    trung quốc là cái nôi của phật giáo ,lão giáo ,nho giáo ...nói chung là tùm lum giáo cả ,đều dạy con người trung thực ,lương thiện ,quân tử ,trọng chữ tín ,nhưng quả là bá đạo lắm ...
    cắt cáp người ta còn chối ... con bò thì có cái lưỡi lè ra dài ngoằng ... !
    1000 người yêu em trong đó có tôi !
    còn 10 người yêu em trong đó còn tôi
    còn 2 người yêu em ,người kia rồi sẽ ra đi ,tôi cũng đi luôn ngu gì ở lại !!!

  7. #7

    Mặc định

    Bạn vantorng800 nói TQ là cái nôi Phật giáo "ăn cắp bản quyến", PG qua TQ bị cắt xén, thêm bớt, coi ngừoi tàu thì biết họ kg có làm bàn thờ ông bà như người việt chúng ta. đẻu biết là dân TQ còn hoang dại,văn hóa thì đi ăn cắp nước khác rồi nói là của mình, các Bào tàng TQ thời buổi này còn làm giả hiện vật lịch sử bị báo phương Tây vạch mặt cho nên TQ lấy đất của người ta còn la làng là bị cướp. Quả báo nhãn tiền, chính quyền VN giờ trước cũng vậy.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Việc tương lai của phật di lặc
    By Cầu Trí Bát Nhã in forum Đạo Phật
    Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 28-07-2013, 02:18 AM
  2. Trả lời: 17
    Bài mới gởi: 17-06-2013, 07:26 AM
  3. Thiệu Tử Thần Số & Hà Lạc Lý Số
    By VinhL in forum Dịch học ( Dịch số, Thái Ất, Kỳ Môn Ðộn Giáp, Hoa Mai, Bát tự hà lạc,…)
    Trả lời: 49
    Bài mới gởi: 02-03-2013, 08:32 AM
  4. KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN
    By satyaa in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 61
    Bài mới gởi: 01-04-2012, 09:35 PM
  5. Việt dịch đạo đức kinh và bàn luận
    By nhaply in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 152
    Bài mới gởi: 09-05-2011, 04:19 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •