Ðại Thủ Ấn
(Mahamudra)

Ouang Tchuk Dorjé
Dịch giả: Thích Trí Siêu

Thành kính tri ơn Cha Mẹ và Thầy Tổ,
Thích Trí Siêu
[hr]

Mục Lục

Lời giới thiệu
Lời tựa
Mở đầu

Chương I: Dự bị tu tập

Quy y, lễ lạy và Bồ Ðề Tâm
Kim Cang quán
Cúng dường Mạn Ðà La
Bổn Sư Du Già
Vô thường và sự chết
Nghiệp báo và luật nhân quả
Sự đau khổ của luân hồi
Ðược thân người là chuyện hy hữu
Bốn điều kiện cần thiết

Chương II: Thiền định

Tư thế căn bản của thân và tâm
Ðịnh tâm trên một hình sắc
Những đối tượng khác
Ðối trị hôn trầm và tán loạn
Thiền Ðịnh không sự tướng
Ðịnh tâm trên hơi thở
Ðối trị bằng căng thẳng và buông thả
Chánh định

Chương III: Thiền quán

Quán chiếu tâm an tịnh
Quán chiếu tâm dao động
Quán chiếu tâm chiếu soi cảnh vật
Quán chiếu cùng lúc tâm an tịnh và tâm dao động
Nhận ra tánh của tâm an tịnh
Nhận ra tánh của tâm dao động
Nhận ra tánh của tâm chiếu soi cảnh vật và tâm liên hệ với thân
Nhận ra cùng lúc tánh của tâm an tịnh và tâm năng khởi
Vài lời về cách trình bày

Chương IV: Kết luận

Lợi ích của Ðại Thủ Ấn và Thập Ðịa Bồ Tát
Ðịnh nghĩa cuối cùng

Lời chú của tác giả
Lời phụ kết của dịch giả


-ooOoo-

Lời giới thiệu

Nói đến tu Thiền, một số trong chúng ta vẫn còn bì bõm trong hoang mang. Nay tu theo "Thiền biết vọng" của Tào Ðộng (Soto), mai tu theo "Thiền công án" của Lâm Tế (Rinzai). Nếu tu theo biết vọng thì vọng là gì? Khi hết vọng thì cái gì xảy ra? Phải làm gì tiếp theo? Có nhiều người ngồi thiền, lâu lâu vọng niệm tự ngưng, tâm thần sáng suốt rỗng lặng, nhưng rồi không biết làm gì tiếp; sau khi xả thiền thấy vấn đề sinh tử phiền não vẫn còn. Dần dà chán nản, quay sang tu Thiền công án. Nhưng thử hỏi ngày nay ai là người có thể cho ta một câu công án phù hợp với căn cơ và khả năng của ta? Nếu công án không hợp thì làm sao khởi nghi tình? Vả lại, dù cho ngẫu nhiên phát khởi nghi tình đi nữa, thì ai là người có khả năng ra tay đúng lúc tháo đinh nhổ chốt cho ta "đại ngộ"? Một vấn đề khác cần được nêu ra, đó là ngày nay, chúng ta Phật tử, có còn hoàn toàn hết lòng tin tưởng nơi sự hướng đạo của chư Tăng không?

Dù tu theo pháp môn nào đi nữa, chúng ta vẫn cần một sự chuẩn bị tâm linh. Riêng Phật Giáo Tây Tạng nhấn mạnh đến hai điều, đó là gieo tạo căn lành (mérites) và nhiệt tâm kính trọng tin tưởng nơi vị Thầy (dévotion au Guru). Nếu đầy đủ hai điều trên thì sự tiến tu đạo nghiệp mới mau thành tựu, như diều gặp gió vậy.

Giáo pháp của đức Phật tuy vô lượng vô biên nhưng cũng không ngoài chữa hai bệnh: chấp ngã và chấp pháp. Ði sâu một bước, hành giả có thể đặt câu hỏi: Ai chấp ngã? Ta chấp hay tâm chấp? Mà ta là ai? Tâm là gì chứ?

Tùy căn cơ và nghiệp duyên của mỗi người, chúng ta có thể lựa chọn tu tập trên hai phương diện: pháp tướng và pháp tánh. Pháp tướng bao gồm các trường phái: Câu Xá (Kosa), Duy Thức (Vijnanavada), Trung Quán (Madhyami-ka)..., chuyên về giảng giải phân tách Kinh tạng, dùng luận lý để hiểu rõ pháp giới và tiến gần đến chân lý. Pháp tánh tông thì ngược lại, nhấn mạnh về vấn đề tu tập thiền quán để chứng ngộ bản tâm và pháp giới, gồm các trường phái: Thiền (Chan, Zen), Du Già (Yoga), Mật tông (Tantrayana)...

Ta có thể xắp các trường phái thuộc pháp tướng vào Hiển giáo và pháp tánh vào Mật giáo, vì nó được "biệt truyền" không đi qua văn tự Kinh điển. Mật tông Tây Tạng cũng vậy, hành giả phải tự thân tu tập thiền quán để đạt giác ngộ và giải thoát. Có một số thành kiến sai lầm về Mật giáo, cho đó là một tông phái chuyên môn tu luyện bùa chú, phù phép trừ ma ếm quỷ. Sở dĩ được gọi là Mật giáo vì đa số những pháp môn đều được truyền khẩu (transmission orale) và đệ tử là người đã được lựa chọn, chấp nhận cũng như đã được vị Thầy đích thân truyền trao giáo pháp (initiation). Những người ngoài cuộc, chưa được trực tiếp thọ giáo thì dù có thông hiểu cũng khó có thể tu tập thành tựu được, vì nó tùy thuộc sự giao ước (samaya) của người đệ tử và sự gia hộ thiêng liêng của các bậc Thầy Tổ trong tông phái. Sự kiện này không có gì đáng phải bình luận, vì mỗi tông phái đều có truyền thống riêng biệt và những tinh túy thâm sâu mà chúng ta, những người tầm đạo, cần có một tâm học hỏi cầu tiến biết nhìn khách quan và rút tỉa điều hay lẽ phải áp dụng vào sự tu hành bản thân.

Ðúng ra tu tập Mật giáo cần phải có sự đích truyền (lung, dbang), nếu không thì không thể tiến xa được. Nhưng nếu giữ đúng như vậy thì nó sẽ mai một và những người thiếu duyên sẽ không có cơ hội biết đến. Do đó tôi đành mạo muội phiên dịch tập sách này, trước hết giới thiệu thiền Ðại Thủ Ấn, sau là nói lên rằng tu thiền cần phải có sự hướng dẫn của một vị Thầy (Guru, Lama) với những phương thức rõ ràng.

Tu tập về Ðại Thủ Ấn có hai phương pháp:

1) Theo sáu phép Du Già của Naropa,
2) Thiền Chỉ Quán (Shiné-lhaktong).

Phương pháp thứ nhất rất phức tạp và nguy hiểm, hoàn toàn thuộc Mật giáo, phương pháp thứ hai, được trình bày ở đây, có nhiều điểm tương đồng với các pháp môn thiền quán của Thiên Thai, Tứ Niệm Xứ và nhất là Thiền tông Trung Hoa. Tác giả tập Ðại Thủ Ấn này là ngài Ouang Tchuk Dorjé Karmapa, tổ thứ 9 của phái Kagyupa (phái áo vải), một trong bốn phái chính của Tây Tạng.

Ðây là một tài liệu quý giá nhưng giản dị, không dùng thi văn, kệ ngôn diễn tả nửa úp nửa mở mà nó trình bày thứ lớp mạch lạc các tiến trình tu tập khảo sát nội tâm, để cuối cùng giúp hành giả nhận ra bản tánh của tâm tức Ðại Thủ Ấn (Mahamudra).

Tôi xin cảm tạ Lama Shérab Dorjé viện trưởng tu viện Kagyu Ling và nhà xuất bản Yiga Tcheudzinn đã đồng ý cho tôi dịch tập sách này, cùng ghi tạc công đức của Ganden Rinpoché và Guendune Rinpoché đã giúp đỡ rất nhiều về tinh thần và giáo lý cho tôi. Riêng về bản dịch, vì du tăng không đủ phương tiện, tài liệu và khả năng nên chắc chắn có nhiều thiếu sót, mong bạn đọc hội ý quên lời để đôi bên lưỡng lợi, và các bậc cao minh hoan hỷ lượng thứ chỉ giáo cho.

Xin hồi hướng công đức này cầu cho tất cả chúng sanh ý thức được sự vô thường, đau khổ của cuộc đời và đồng pháp tâm cầu giác ngộ giải thoát.

Hàn Thảo Lộ, tháng ba năm 1989.
Thích Trí Siêu

-ooOoo-

Ghi chú: Những chữ thẳng là nguyên văn của ngài Karmapa đệ IX. Những chữ nghiêng là lời bình giảng của Bérou Khyentsé Rinpoché. Những chú thích ở cuối trang là do dịch giả thêm vào để giúp đọc giả hiểu rõ hơn.

Saigon42