kết quả từ 1 tới 20 trên 23

Ðề tài: Các võ nhân nổi tiếng ở Bình Định thời Pháp thuộc

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Các võ nhân nổi tiếng ở Bình Định thời Pháp thuộc

    Giới thiệu sách



    Xuất bản: Nxb Trẻ, 2001.
    Số trang: 728 trang.

    Họ Quách sinh sống tại Bình Định đã trên 300 năm. Nhà thơ Quách Tấn thuộc thế hệ thứ chín và Quách Giao, con của nhà thơ thuộc thế hệ thứ mười. Sống tại đất Tây Sơn đã nhiều thế hệ nên họ Quách biết được nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương, nhất là về triều đại Tây Sơn và phong trào Cần Vương. Nhà thơ Quách Tấn đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bình Định. Khi ông mất, con là Quách Giao đã nối tiếp dùng tư liệu của cha mình hoàn tất cuốn sách Võ Nhân Bình Định này.Võ Nhân Bình Định giới thiệu cùng bạn nhiều nhân vật võ của tỉnh Bình Định, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đến năm 1945.
    Sách gồm có 3 phần:
    Phần I: Giới thiệu khái quát địa lý - Lịch sử tỉnh Bình Định
    Phần II: Võ thuật Bình Định: lược thuật các môn phái võ Bình Định, võ thuật đời Tây Sơn.
    Phần III: Võ nhân Bình Định: giới thiệu những nhân vật võ của tỉnh Bình Định.
    Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn.

    Vài trích dẫn từ cuốn sách :


    1. Hồ Ngạnh

    Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu, sinh năm Ất Mão (1891), nguyên quán thôn Háo Nghi, xã Bình An, cư ngụ tại thôn Hòa Bình, xã Bình Thuận, huyện Bình Khê (Tây Sơn), tỉnh Bình Định.
    Con của ông Đốc Năm và bà Nguyễn Thị Quyến. Thuở thiếu thời, Hồ Ngạnh học võ với bà mẹ. Nguyên một hôm khi chạy sang chơi bên hàng xóm, ông bị bọn trẻ bắt nạt. Trong bọn trẻ có một tên con trai của ông Hương Kiểm trong làng, luôn luôn tìm cách hành hạ Hồ Ngạnh. Ban đầu thì nhịn nhục nhưng càng ngày càng lắm chuyện, nên Hồ Ngạnh bèn đánh trả. Con ông Hương Kiểm thua bèn chạy về mách cha. Hương Kiểm bênh con nên xách gậy đi tìm Hồ Ngạnh. Hồ Ngạnh sợ chạy về nhà, gặp mẹ đang giẫy cỏ trước sân. Chưa kịp phân trần cùng mẹ thì Hương Kiểm đã vào đến sân, Hồ Ngạnh vội núp sau lưng mẹ.
    Vừa chạm mặt bà Quyến, Hương Kiểm đã mắng phủ đầu:
    - Này thằng mất dạy, tại sao mày dám đánh con tao. Cha mẹ mày dạy mày như vậy hả?
    Hồ Ngạnh bình tĩnh đáp lại:
    - Tại con ông cứ theo đánh tôi mãi. Tôi đã nhịn nhiều lần, cùng quá nên không nhịn được tôi phải đánh trả, lỗi đâu phải tại tôi.
    Đuối lý, Hương Kiểm nổi quạu:
    - Mày còn lý sự hả? Có giỏi thì đánh với tao coi.
    Vừa nói Hương Kiểm vừa tiến tới giơ gậy định bổ vào đầu Hồ Ngạnh.
    Bà Quyến liền hạ cán cuốc xuống:
    - Khoan đã ông Hương Kiểm. Tại sao ông lớn mà đi ăn hiếp con nít như vậy?
    - Tao chấp cả hai mẹ con mày.
    Ông Hương Kiểm vừa nói vừa vụt vào đầu bà Quyến một gậy. Nhanh như chớp lưỡi cuốc đã bay vào mặt khiến tên Hương Kiểm phải vội thối lui.
    - À con này cũng có nghề đây!
    Hương Kiểm vừa nói vừa vụt liên tiếp hai gậy. Bà Quyến xoay cán cuốc đánh ngược lên một thế. Cắt, cụp, cây gậy trong tay Hương Kiểm bay vù ra đến tận ngõ. Quá hoảng sợ, Hương Kiểm không kịp nhìn lại, ù té chạy thẳng một mạch về nhà.
    Từ đó, Hồ Ngạnh được mẹ luyện tập võ nghệ. Hai mẹ con quanh quẩn trong nhà ít ra đến bên ngoài. Ông Đốc Năm vốn người thuần hậu, có võ học song không lộ ra ngoài, để mặc hai mẹ con chỉ dạy nhau. Lớn lên, Hồ Ngạnh cũng theo học hai vị danh sư là Đội Sĩ và Hồ Khiêm.
    Một hôm, trời vừa sẩm tối thì nhà ông Đốc Năm có một vị khách đến thăm. Đó là một võ sư dạy võ ở kinh đô Huế, họ Hồ, xuất thân là một Tạo sĩ (đậu Tiến sĩ võ) đã từng dạy roi cho lính hộ thành Huế. Sau vì có liên quan đến phong trào Cần Vương nên bị truy nã. Vốn là bạn ông Đốc Năm nên ghé đến nương nhờ ẩn náu. Thôn Thuận Truyền đất rộng người thưa, đồi hoang tiếp núi nên rất thuận tiện làm nơi tỵ nạn.
    Để không lộ tông tích, ban ngày ông Tạo sĩ ở luôn trong nhà, nằm nơi võng trên nhà trên. Khi có người, ông leo lên ẩn náu nơi lẫm thượng. Lẫm thượng là một ngăn gỗ lớn gần sát mái nhà, dùng để chứa lúa và vật dụng quý.
    Để đền ơn cưu mang, ông Tạo sĩ luyện roi cho Hồ Ngạnh. Tục ngữ có câu: "Roi Kinh, quyền Bình Định" để nói đến cái ưu việt của võ nghệ ở Việt Nam. Tại kinh đô, các quân cấm vệ đa số được các võ sư giỏi côn dạy rất kỹ lưỡng. Cho nên các tay giỏi về côn đều được triều đình trưng dụng về làm giáo đầu dạy roi cho quân phòng vệ. Bao nhiêu tinh hoa đều được tập trung về Huế.
    Đêm đêm, Hồ Ngạnh được thầy chỉ dạy về roi. Ban ngày khi cần thiết, thầy trò chiều chiều rủ nhau ra nơi truông vắng luyện tập cùng nhau. Thầy tận tâm truyền dạy, trò nỗ lực học tập, nên chẳng bao lâu Hồ Ngạnh thông thạo hầu hết các đường roi thế đánh của thầy. Càng hiểu biết, Hồ Ngạnh càng luyện tập chuyên cần.
    Vị Tạo sĩ đến cũng âm thầm và ra đi cũng lặng lẽ. Đưa thầy hơn nữa ngày đường, Hồ Ngạnh trở về chuyên tâm rèn luyện. Tuy không phô trương nhưng tiếng đồn Hồ Ngạnh giỏi roi vẫn lan xa. Trong giới võ lâm mọi người thường nhắc đến.
    Một hôm, có một tay võ người Phù Cát nghe tin Hồ Ngạnh giỏi võ bèn tìm đến thử sức.
    Khách đến nhà vừa đúng lúc Hồ Ngạnh tắm nơi giếng nước. Khách hỏi xin một gáo nước lạnh. Hồ Ngạnh ân cần mời vào nhà uống nước trà. Khách làm bộ cầm gáo nước đòi uống nước giếng. Chiều ý khách Hồ Ngạnh cúi xuống lấy gàu múc nước. Chờ có thế, khách nhanh tay cầm gáo đánh vào đầu Hồ Ngạnh. Sẵn dây gàu trên tay, Hồ Ngạnh vung lên đón lấy thân gáo và co chân đá văng ông khách hỗn xược vào bụi chuối cạnh giếng. Tay võ Phù Cát xấu hổ, vùng dậy đi te te một nước. Cũng dùng thế võ này, Hồ Ngạnh đã xử trí dùng khăn lông vắt vai đoạt lấy đao của một võ sĩ khác ban đêm lén vào thử sức.
    Tiếng đồn lại vang xa và lần này Hồ Ngạnh thử sức với đồng đảng Dư Đành.
    Nguyên vùng Tứ Thuận (Thuận Nhứt, Thuận Ninh, Thuận Truyền, Thuận Hạnh) vốn là nơi xa xôi hẻo lánh, rừng núi cận kề, thường là hang ổ tạm trú của bọn thảo khấu lục lâm. Làm ăn xong thì chúng thường lui về đây chia của hoặc ẩn náu dưỡng quân. Bè đảng của Dư Đành cũng thường qua lại. Nghe trong thôn Thuận Truyền có Hồ Ngạnh nổi tiếng về roi, bọn chúng cho người lại đề nghị hợp tác, nhập bọn làm ăn. Hồ Ngạnh từ chối. Chúng bèn nhắn tin hẹn gặp. Mặc dù bạn bè can ngăn, Hồ Ngạnh một mình xách roi vào truông y lời hẹn. Nửa đêm, Hồ Ngạnh về nhà, quần áo rách bươm nhưng không một thương tích trên người. Bạn bè đến hỏi thăm nhưng Hồ Ngạnh chỉ mỉm cười không nói. Biết tính Hồ Ngạnh, bạn hữu không ai đá động đến chuyện đó nữa. Cũng từ hôm đó, thôn Thuận Truyền vắng bóng bọn thảo khấu, nhất là bè đảng của Dư Đành không còn lai vãng nữa. Người hiểu biết nói với nhau rằng đêm hôm hẹn gặp, bè đảng và Dư Đành đã bị Hồ Ngạnh đánh cho tan tác. Chúng cam kết sẽ chừa đất Thuận Truyền không bao giờ dám xâm nhập. Thấy chúng tôn trọng luật giang hồ nên sau này Hồ Ngạnh không tiếp nhận trát mật đi tìm bắt Dư Đành, mặc dù phủ huyện đã nhiều lần cho người đón mời.
    Hồ Ngạnh chỉ có một người con trai bị bạo bệnh, mất một cách đột ngột, để lại một con trai tên Hồ Sừng. Việc con trai mất đột ngột khiến cho dư luận đặt ra câu chuyện như sau:
    Hồ Ngạnh dạy cho con trai nhiều năm võ nghệ song còn dấu lại một món nghề đề phòng thân. Người con nhiều lần cầu xin cha dạy cho món nghề đó, song đều bị từ chối. Một hôm, nhân dịp tối trời, con bịt mặt lẻn vào đánh lén Hồ Ngạnh. Hai cha con giao đấu với nhau, người con trúng đòn độc của cha nên phải tháo thân chạy trốn.
    Sáng hôm sau, trong buổi ăn sáng, Hồ Ngạnh nói cùng vợ:
    - Khi hôm có thằng lẻn vào đánh trộm tôi. Võ nghệ nó cũng khá. Không biết nó học trò ai mà có nhiều chiêu độc thủ. Tôi lỡ tay đánh nhằm chỗ hiểm của nó. Sợ thằng nhỏ nguy đến tính mạng.
    Bà Hồ Ngạnh nghe xong, buông chén đũa òa lên khóc:
    - Thôi ông giết thằng con ông rồi.
    Hồ Ngạnh giật mình tỉnh ngộ:
    - Thôi đúng nó rồi, hèn chi nó ra đòn quen quá.
    Hai ông bà vội chạy sang nhà con trai thì chứng kiến cảnh con trai đang thoi thóp trên giường.
    Chuyện này chỉ truyền miệng, không một chứng tích đáng tin.
    Có một chuyện nữa liên quan đến sự giao thiệp và tiếng tăm của ông. Vẫn là câu chuyện truyền miệng. Hồ Ngạnh giỏi roi nên một hôm, được bạn rủ đi ăn giỗ rồi van nài giúp cho đồng bọn cầm roi cản hậu một vụ cướp ở Phú Yên. Trận đánh xảy ra như ý định. Toán vũ trang của dân làng đuổi theo bị ngọn roi Hồ Ngạnh đánh bại. Sự vụ bị truy lùng, Hồ Ngạnh phải bán ruộng để lo quan mới được yên.
    Quãng đời lúc về già, Hồ Ngạnh thường đi đây đi đó, thăm viếng các cảnh chùa, thăm mạch bốc thuốc cứu đời.
    Ông qua đời vào mùa xuân năm Bính Thìn (1976) tại quê nhà. Hưởng thọ 85 tuổi.
    Last edited by NganhCong; 07-03-2013 at 11:55 AM.
    :rose: :rose: :rose:

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. SƯ ÐỊA LUẬN THÍCH
    By phanquanbt in forum Đạo Phật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 27-05-2013, 02:57 PM
  2. CÕI VÔ HÌNH THEO TÂY PHƯƠNG
    By Thien_than_000 in forum Đạo Phật
    Trả lời: 14
    Bài mới gởi: 16-03-2013, 08:22 PM
  3. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 03-03-2013, 07:15 AM
  4. KHOA HỌC TÂM LINH NHÂN ĐIỆN M.E.L
    By tuanvu_quynh1949 in forum Luân xa, Nhân điện, Cảm Xạ, Yoga, Thôi miên học.
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 09-04-2011, 03:26 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •