Đồ cổ – thật và giả

ĐỒ THẬT
Nghe nói đồ cổ ai cũng thích, tuy nhiên không phải đồ cổ nào cũng có giá.
Nhìn chung đồ cổ được chia làm ba loại :
1/Hàng Ngự :
Những món đồ của vua chúa, chỉ vua chúa mới được dùng, những món này trị giá đến hàng triệu USD như ấn, triện… chẳng hạn. Nếu chúng bằng vàng có thể lên đến hàng chục ký, hoặc khảm ngọc ngà châu báu… tự bản thân nó đã có giá trị rồi nên ít khi bị làm giả. Thậm chí có bọn kẻ cắp còn mang ra… nấu lên để dễ tiêu thụ, hi sinh luôn cái giá trị cổ. Những món này đều được ghi chép kĩ lưỡng trong sách nên dễ kiểm chứng.
2/Hàng Quan :
Đồ trong nhà quan, có khi là đồ của vua ban, giá trị cũng rất cao.
3/Hàng Dân :
Tùy món, nhưng vì số lượng nhiều nên giá không cao, thậm chí có khi… rẻ rề.

ĐỒ GIẢ
Trình độ làm giả bây giờ có thể nói là… y như thật, nhất là đồ đồng, thêm kịch bản giàn dựng cũng rất công phu, tốn kém. Vì thế khi được món đồ quí cần có cả hội đồng giám định, chưa kể đến những biện pháp KHKT hiện đại.
Sợ nhất là khi nhà khảo cổ… làm giả đồ cổ. Vì thế việc đào khảo cổ phải luôn có một thứ gọi là “nhật ký đào”, ghi rất tỉ mỉ, chi tiết để làm bằng chứng.
Không nên tự thẩm định vì dễ sai lầm. Còn giới buôn bán đồ cổ gặp dịp thì có thể “nhất ăn nhất thua”, định theo kinh nghiệm. Thắng thì ăn đủ, thua thì… ôm đầu máu. Nhiều tay thiếu lương tâm, biết là đã thua nhưng vẫn cố bán để gỡ gạc lại, dẫn đến lừa đảo lẫn nhau.
Đồ cổ đào được trong các hầm mộ… trăm món, ngàn món có thể có một món bị “trấn yểm”, không thể biết là món nào. Vì thế nhiều tay chơi đồ cổ do quá đam mê nên bất chấp tất cả… họ thường bị tuyệt tự, con cái tật nguyền hay phá phách, nhiều tai bay vạ gió… vì vô tình cất giữ một món đồ “độc” nào đó, tin hay không thì tùy.
Đồ trôi nổi thì… không dám khẳng định, bạn nào có nhiều tiền thì cứ mạnh dạn chơi trò “được ăn cả, ngã về không”. Dân bán đồ giả không từ một thủ đoạn nào, từ thề độc đến khổ nhục kế…, họ lừa cả nhà sư, linh mục, gia đình, bạn bè, anh em… miễn là bán được, vì thế cái nghiệp phải trả rất nặng.
Những nhà khảo cổ chân chính ít quan tâm đến giá trị của món đồ cổ. Họ chỉ quan tâm đến giá trị khoa học hay lịch sử của món đồ đó. Nhiều khi có giá đến hàng triệu USD họ cũng… mang nộp hết cho bảo tàng. Theo sự nhận xét của tôi thì… dù không nói ra miệng nhưng họ đều biết và né những “lời nguyền độc địa” nên ít ai chịu mang đồ về nhà. Vì thế nên tôi không thích sở hữu đồ cổ… và sợ đồ cổ, chỉ thích ngắm chúng trong bảo tàng.