1. Ngày 14 - 2 - Mậu Thìn (dl 5 - 3 - 1928).
Hội Thánh là gì ? Đạo là gì ? Ngũ Chi - HTĐ - CTĐ - BQĐ.


Diễn văn của
ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC
đọc tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Thưa cùng chư Chức sắc Thiên phong Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.
Nay nhơn dịp nhóm Đại Hội, em xin vô lễ bày giải sơ lược ra đây những đạo lý mà em đã thọ giáo nơi Đấng Chí Tôn cho mấy anh mấy chị tường lãm, tưởng cũng không phải là một điều không bổ ích vậy.

Nhiều huyền vi mầu nhiệm trong Đạo của Đấng Chí Tôn đã lập ra đều ẩn núp trong mấy bài thi của Thầy dạy dỗ, song vì nghĩa sâu xa bí mật, chúng ta không thấu đáo đặng, kỳ dư một đôi điều vì trúng nhằm trách nhậm của em, Thánh ý muốn em trọn phận sự nên giáng bút chỉ giáo.

Lẽ thì em phải giải rõ những điều em học hỏi ra sớm mới phải, ngặt nỗi Thánh ý chưa định nên khiến cho em đi hành đạo Kim Biên trên 7 tháng mà ra trễ nãi.

Bắt đầu hết, em xin giải nghĩa Hội Thánh là gì ?


Hội Thánh là gì ?

Trong bài phú của Thầy cho bà cụ di mẫu của chị Phối Sư Hương Thanh có câu : “Thầy dùng lương sanh mà cứu vớt quần sanh”

Hội Thánh tức là đám lương sanh của Thầy tom góp lại làm một. Cả lương sanh ấy, Thầy đã dùng quyền thiêng liêng dạy dỗ, trước un đúc nơi lòng một khiếu từ bi cho tâm địa có mảy mún tình ái vật ưu sanh theo Thánh đức háo sanh của Thầy, dùng làm lợi khí phàm tục để độ rỗi người phàm tục.

Những lương sanh ấy phải thế nào hội hiệp lại nhau làm một, mà làm ra một xác thân phàm của Thầy thì Thầy mới có hình thể trong lúc Tam Kỳ Phổ Độ nầy, hầu tránh cho khỏi phải hạ trần như mấy kỳ trước vậy.

Thầy mới dùng huyền diệu cơ bút dạy dỗ mỗi người đặng tỏ ra rõ ràng có quả nhiên Thầy trước mắt, để đức tin vào lòng mỗi lương sanh ấy rằng Thầy thật là Chí Tôn, Chúa Tể càn khôn thế giới, cầm cân công bình thiêng liêng thưởng phạt, quyết đoán rằng chính mình Thầy đủ quyền bảo hộ con cái của Thầy, dầu đương sanh tiền hay buổi chung qui cũng có Thầy trước mắt, công thưởng tội trừng, tu thì thành, dữ thì đọa, chỉ rõ Niết Bàn Địa ngục đôi đàng, đặng dẫn bước đường đời không lầm lạc.

Hứa rằng : lập ngôi nơi Bạch Ngọc Kinh, khai đường vào Cực Lạc Thế Giới và đóng chặt cửa Phong Đô đặng độ tận chúng sanh, vớt 92 ức nguyên nhân trở về cựu vị.

Các lời hứa ấy, nếu chẳng phải Thầy thì chưa một vị Phật nào dám gọi mình đủ quyền mà làm đặng.

Cả lương sanh Thầy lựa chọn so sánh quyền Chí Tôn của Thầy và cân lời hứa ấy mà nhìn quả thật là Thầy, để đức tin mạnh mẽ mà trông cậy nơi Thầy.

Cái đức tin ấy nó tràn khắp trong nhơn sanh mà gây ra một khối lớn, tủa khắp cả hoàn cầu, sửa đời cải dữ. Cải dữ đặng thì phải tu, tu thì phải thành, mà nếu cơ thành chánh quả chẳng để trước mắt người thì khó mà làm cho nhơn sanh mến yêu mùi Đạo, nên buộc Thầy phải lập chánh thể, xây nền Đạo tại đời cho cả chúng sanh đều nhìn nhận vì cớ hiển nhiên đặng giục lòng tu niệm.


Đạo là gì ?

Là cơ mầu nhiệm, mà cơ mầu nhiệm ấy phải làm ra thế nào có hình thể như một con đường dẫn người ra khỏi chốn trầm luân khổ hải, lại đặng phước siêu phàm nhập Thánh.

Muốn thoát khỏi luân hồi phải làm sao ?

Phải đoạt cho đặng cơ bí mật siêu phàm nhập Thánh. Cơ bí mật ấy, nếu không phải Thầy cho thì chưa ắt xin ai mà đặng.

Ấy vậy, Đạo là cơ bí mật làm cho kẻ phàm có thể đoạt đặng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Thầy đến qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi để cho chúng sanh hiểu cơ mầu nhiệm mà luyện tinh thần.

Thầy đã đến rồi, thoảng muốn lập riêng ra một tôn giáo khác lại chẳng đặng sao ? lại qui Tam Giáo và hiệp Ngũ Chi mà làm gì ?

Nếu như kẻ ngoại giáo nói mình bắt chước đoạt cả đạo của người ta mà làm của mình thì mới nói sao ?

Ai ai cũng hiểu rằng : Nhơn đạo dạy tu luyện phần xác, Tiên đạo phần trí thức tinh thần, Phật đạo phần thiêng liêng hư vô tịch diệt.

Qui Tam Giáo là gì ?

Em xin giải quyết vì cớ nào mà qui Tam Giáo trước đã, lại luận đủ hình thể và tinh thần cho trọn vẹn.

* Về hình thể :

Ai sanh ra dưới thế nầy cũng phải giữ đủ tôn chỉ của ba đạo : Nhơn đạo, Tiên đạo và Phật đạo mới làm đặng hoàn toàn phận sự con người.

Tỉ như Nhơn đạo thì dạy mình vẹn giữ Tam cang Ngũ thường, mới biết bổn phận mình đối với xã hội nhơn quần thế nào cho nhơn loại cộng hưởng hòa bình, chẳng nghịch lẫn nhau, không tiêu diệt lẫn nhau mà phải trái hẳn với đức háo sanh của Thượng Đế.

Muốn cho nhơn loại đặng lòng hữu ái mà kính mến lẫn nhau thì Tiên đạo lại dạy ta phải lão luyện tinh thần cho đặng thông minh trí hóa, hầu kiếm phương giúp đỡ binh vực lẫn nhau. Nơi địa cầu 68 nầy là nơi luyện cảnh (monde expiatoire), chúng ta chẳng những bị ma hồn quỉ xác cám dỗ mà thôi, mà chúng ta lại còn bị thiên tai mộc ách, chúng ta chẳng những phải đối địch cùng sự hung bạo của đời mà thôi, mà ta lại còn phải đối địch cùng các nghiệt bịnh của trời hành xác nữa.

Ôi ! Vì vậy mà nhiều bậc văn tài trí sĩ bên Âu Tây cắm cúi cả đời tìm kiếm một phương hay mà sửa đời đặng binh vực nhơn sanh khỏi điều tận diệt. Trí não phải tháo luyện đến đỗi nhiều vị đoạt đặng cơ bí mật của Trời mà làm ra một khoa học, có nhiều phương hay và quá trí khôn của người, nên ta coi các Đấng ấy như là Địa Tiên cũng phải.

Khi chúng ta đã đặng đủ khôn ngoan chiếm đoạt cơ bí mật của Trời mà lập ra các cơ khí, nếu không có Phật giáo dạy ta giữ dạ từ bi mà cứu độ nhơn sanh thì cái học thức khôn ngoan ấy nó trở lại hại nhơn sanh hơn nữa.

Cái lý hữu nhân hữu quả, em xin để mấy anh mấy chị thẩm nghĩ. Em chỉ tưởng lòng bác ái từ tâm thì buộc người phải có, bằng chẳng vậy thì dầu cho toàn xã hội đều công chánh mà có một kẻ bất lương vụ ngã lộn vào thì cũng đủ làm cho xã hội trở nên rối loạn. Biểu sao chúng ta không thấy dưới mắt chúng ta đời chẳng khác nào một buổi chợ mơi : khôn ngoan thì đặng hơn, thiệt thà thì bị ép.

Người biết Đạo người thì là trọng mình, mà trọng mình thì phải giữ tinh thần cho tinh tấn. Tinh thần tinh tấn mới đủ tư cách dạy đời làm lành lánh dữ. Ấy là Tam Giáo qui nhứt.

Nếu trong một xã hội mà mỗi người đặng vậy thì xã hội đặng hưởng phước hạnh thái bình, còn ước như các xã hội trên mặt địa cầu nầy đều đặng vậy thì đời mới nào ? Cái hạnh phước của toàn nhơn loại trên địa cầu 68 nầy có ngày đặng vậy chăng ?

Coi lại tôn chỉ của Đạo thì anh em ta có lòng dám tin chắc rằng sẽ đặng điều hạnh phước ấy không sai.

* Về thiêng liêng :

Trước không có chi trong càn khôn thế giới là vô vi. Thoạt nhiên, hai lằn không khí chẳng biết gốc nơi đâu, kêu là Hư Vô Chi Khí đụng nhau mới có chơn linh của Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.

Trái lửa Thái Cực là cơ của hữu hình, vâng lịnh Thầy mà phân ra Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, và biến Bát Quái, nhứt nhứt có trật tự : Ấy là cơ Nhơn đạo. Rồi sanh ra vàn vàn muôn muôn Địa cầu cùng khắp trong càn khôn thế giới và 72 trái Địa cầu có nhơn loại ở : Ấy là phép biến hóa của Tiên đạo.

Khi chia mình ra mà lập càn khôn thế giới rồi thì khối lửa Thái Cực của Thầy đã tiêu mất trở lại vô vi, tức là cơ mầu nhiệm của Phật đạo đó vậy.

Bát Quái biến hóa vô cùng mà lập ra các Địa cầu trong càn khôn thế giới và vạn vật mà chúng ta thấy đặng dưới mắt rõ ràng đây.

Ấy là một cuộc hữu hình, mà trọn cuộc hữu hình nầy dường như vâng mạng lịnh của một quyền hành Thầy rất lớn, không xâm phạm lẫn nhau mà phải hại. Cơ mầu nhiệm Nhơn đạo rõ ràng đó vậy.

Mỗi trái Địa cầu có nhơn loại, tức là có chơn linh ở, hằng ngày tô điểm sửa sang làm cho nó đặng đẹp. Hễ Địa cầu đẹp thì tinh thần của các chơn linh phải tấn hóa thêm cao đến ngày cực điểm văn minh. Ấy là cơ mầu nhiệm của Tiên đạo.

Chừng Địa cầu đặng toàn hảo, các chơn linh đặng cực điểm văn minh rồi, dầu hưởng đặng lâu hay mau thì rồi phải bị tiêu diệt. Ấy là cơ mầu nhiệm của Phật đạo.

Người lúc chưa vào thai bào thì là hư vô, khí Âm Dương tương hiệp biến thai ra nhơn hình, tới lúc sanh ra cho đến khi trưởng thành là cơ mầu nhiệm của Nhơn đạo.

Khi đã trưởng thành lại học tập tu luyện tinh thần cho trí hóa trở nên khôn ngoan, là cơ mầu nhiệm của Tiên đạo.

Khi già rồi chết, thi hài bị tiêu diệt là cơ mầu nhiệm của Phật đạo.


Luận qua hiệp Ngũ Chi (theo hình thể) :

Ngũ Chi là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Cả toàn địa cầu nầy, hễ làm người thì có Nhơn đạo nơi mình rồi, mà mình nong nả làm ra người hữu dụng cho đời, tức nhiên mình đã hơn người, ấy là Thần đạo đó vậy.

Hễ hữu dụng cho đời, tức là mình hơn đời, gọi là quán thế, tức nhiên mình làm Thánh đạo đó vậy.

Mình hơn đời là nhờ cái khiếu thông minh nó hứng sự thông suốt của đời dạy mình cho nhiều, rồi lại biến hóa ra thêm, trí hóa phù hạp với cơ huyền vi mầu nhiệm của Trời Đất. Nếu đoạt đặng cơ mầu nhiệm ấy mà làm của mình, rồi lại truyền bá cho cả nhơn loại học hiểu cái biết của mình mà thật hành ra sự hữu ích cho đời, tức là mình làm Tiên đạo đó vậy.

Biết đời rồi biết mình, rồi biết đến tinh thần mình là chủ tể của mình, mình biết đặng tinh thần mình rồi, hễ nhờ nó mà nhơn phẩm mình đặng cao bao nhiêu thì lại càng yêu thương lại nó bấy nhiêu, nên buộc phải lo cho nó đặng thanh tịnh nghỉ ngơi đôi lúc mà đợi ngày thoát xác, tức là làm Phật đạo đó vậy.

Với các Nguyên nhân thì Ngũ Chi tỉ như một cái thang 5 nấc, bắc cho mình leo lên một địa vị ngang bực cùng Thầy, tức là Phật đó vậy.

Chưa ai nhảy một nhảy mà lên cho tới một từng lầu 5 thước bề cao, mà như ai đã để sẵn một cái thang 5 nấc, mình có thể lần hồi mà leo lên đặng.

Thầy hiệp Ngũ Chi đặng làm một trường học năm lớp cho mình tu luyện, chẳng khác một trường học phàm kia vậy, lần lần bước đến đặng đoạt thủ địa vị của mình. Hễ ngồi đặng phẩm nào thì địa vị mình nơi ấy, chẳng ai còn tranh giành ngược ngạo không nhìn nhận cho đặng.

Mình là người tức là có sẵn Nhơn phẩm, mình mới luyện Nhơn hồn theo gương của chư Thần mà chúng ta thờ phụng đó, thì tức nhiên cũng đoạt đặng đức tánh của chư Thần mà làm Thần vị của mình.

Đặng Thần vị rồi, lại xem gương của các Thánh mà tu luyện Thần hồn mình cho đặng Thánh đức, tức nhiên cũng đoạt đặng Thánh vị vậy.

Đặng Thánh vị rồi, cũng luyện Thánh hồn mình theo tánh đức của chư Tiên mà đoạt cho đặng Tiên vị.

Khi biết mình đã vững nơi Tiên vị rồi thì mình cũng cứ đào luyện Tiên hồn theo gương chư Phật mà gấm ghé vào Phật vị.

Thoảng như có kẻ hỏi : Thần, Thánh, Tiên, Phật xa cách với người như Trời với đất, khác nhau kẻ tục người thanh, thì thế nào người phàm mà mong mỏi leo lên phẩm vị ấy cho xứng đáng ?

Ta lại đáp như vầy : Dầu cho hạnh Hóa nhân đi nữa thì là :

- Những Vật chất hồn có một điểm Thảo mộc hồn như bông đá (Éponge) đó vậy.
- Thảo mộc có một điểm Thú hồn như cây mắc cở (Sensitive).

- Thú hồn có một điểm Nhơn hồn như loài cầm điểu thì là : két, quạ, cưỡng, nhồng; như tẩu thú thì là : chó, ngựa, khỉ; như ngư thì là cá ông đó vậy.

- Nhơn hồn có Thần hồn, đã đành chẳng cần phải giải.

- Thần hồn có Thánh hồn, Thánh hồn có Tiên hồn, Tiên hồn có Phật hồn.

Ấy vậy, nơi mình chúng ta đã có sẵn một điểm Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn. Nếu ta biết làm cho chơn hồn tăng tiến lên hoài cho tới phẩm vị Tiên Phật thì phải tập luyện tu hành và đắc kỳ truyền mới đặng.

Muốn tu ắt phải có Đạo, vì vậy nên Thầy mới lập Đạo.

Đạo thì hữu hình, nếu có kẻ hỏi : Đạo vốn vô vi mà lấy hữu hình lập thành thì thế nào đắc đạo vô vi cho đặng ?

Ta lại đáp rằng : Không hữu hình, vô vi cũng khó có; mà chẳng có vô vi thì hữu hình vốn không bền vững, tỉ như hồn với xác ta đây vậy. Không hồn thì xác phải tiêu diệt, mà có xác không hồn cũng không cơ khí mà lập thành nên đạo người vẹn vẻ. Hai đàng phải tương hiệp nhau mới đặng hoàn toàn.

Ấy vậy, có vô vi ắt có hữu hình. Chánh pháp và Hội Thánh là hữu hình, mà hữu hình ấy nó phù hạp với luật lệ Thiên điều và đối chiếu với Cửu Thiên Khai Hóa. Luật đạo ấy là Thiên điều, còn Hội Thánh là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế đó vậy.


Sao lại dám sánh Luật đạo của chúng ta hội nhau lập thành với Thiên điều ?

Thầy đã dạy rằng : Từ khi có Thầy, rồi dựng nên càn khôn thế giới, hóa sanh nhơn loại thì Thầy chưa hề biết hành phạt chúng ta bao giờ, vì lòng quá yêu nên Thầy không nỡ nào hành phạt.

Thầy lại nói : Dầu Thiên điều thì cũng do nơi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lập để định tội của nhau hầu gìn giữ lẫn nhau đó thôi, chớ Thầy chưa hề biết đến. Mà hễ lập rồi dâng cho Thầy thì chính mình Thầy cũng không quyền sửa cải.

Như Tân Luật ngày nọ thì Lý Giáo Tông hội cùng chư Thánh mà lập thành, chớ Thầy chưa hề biết đến, chỉ ngày nào đã dâng lên cho Thầy thì nó thành Thiên luật mà thôi.

Hễ Thiên luật thì phải vô tư, tỉ như Thiên điều, dầu cho chính mình Thầy là Chí Tôn cũng chẳng vị tình. Bởi cớ ấy mà khi lập Pháp Chánh Truyền, Thầy không lập Hiệp Thiên Đài một lượt với Cửu Trùng Đài, e cho cả Chức sắc Hiệp Thiên Đài ra ngoại luật. Thầy lại để cho các Chức sắc ấy dự hội lập luật cùng chư Chức sắc Cửu Trùng Đài thì phàm thân của họ cũng phải dưới quyền luật lệ như mọi người vậy.

Hội Thánh hiệp nhau lập Tân Luật cũng như cả Thập nhị Khai Thiên lập luật.

Thập nhị Khai Thiên lập luật giao lại cho Thầy, còn Hội Thánh lập Luật cũng giao lại cho Thầy.

Vậy thì Tân Luật với Thiên điều cũng đồng giá trị.

Dầu Hộ Pháp phạm luật cũng bị đòi đến Toà Tam Giáo bên Cửu Trùng Đài thì Thiên phẩm mình dường như không có, kể như một người Đạo hữu kia vậy.

Còn Giáo Tông nếu phạm tội cũng phải bị đòi đến Tòa Hiệp Thiên Đài thì cũng chẳng khác một người tín đồ kia vậy.

Hội Thánh hiệp nhau lập Luật đạo thì cũng như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lập Thiên điều.

Vậy thì Hội Thánh và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đồng một thể.


Luôn dịp, em cũng xin bày giải cách sắp đặt Hội Thánh của Thầy lập ra nơi thế nầy ra sao mà dám đối hàm cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật ?

Hội Thánh chia ra làm 3 phần, hiệp cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cùng Người, cho hiệp cơ mầu nhiệm chánh trị của càn khôn thế giới thì mới ra lẽ Đạo đặng.

1- Bát Quái Đài là tòa ngự của cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mà Thầy làm chủ.

2- Cửu Trùng Đài là tòa ngự của chư Chức sắc Thiên phong, đối hàm với chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế, mà Giáo Tông chưởng quản.

3- Hiệp Thiên Đài là nơi chuyên về Đạo pháp, bảo hộ luật Đời và luật Đạo, như Ngọc Hư Cung nắm Thiên điều, tức là Ngọc Hư Cung tại thế mà Hộ Pháp chưởng quản.

HIỆP THIÊN ĐÀI


Hiệp Thiên Đài (HTĐ) là cửa Trời đó vậy. Hiệp là chung với, Thiên là Trời : Hiệp cùng Trời tức là cửa vào Trời, là cái thang bắc cho phàm đến cùng Trời.
Trong Hiệp Thiên Đài có : Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập nhị Thời Quân.

* Thập nhị Thời Quân là ai ?

Thập nhị Thời Quân đối với Thập nhị Thời Thần. Các chơn linh, dầu đến bực nào cũng phải tại nơi ấy mà xuất hiện, như Thầy nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay rồi mới khai Thiên lập Địa.

Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần.
Các chơn linh dầu nguyên nhân hay hóa nhân, hễ chịu hữu sanh thì đều nơi tay Thập nhị Thời Quân mà siêu đọa, cũng như Thần, Thánh, Tiên, Phật nhờ Thập nhị Thời Thần mà thăng giáng.

Thập nhị Thời Quân tức là Thập nhị Thời Thần tại thế đó vậy.

Thập nhị Thời Quân chia làm ba chi : Pháp, Đạo, Thế : 4 vị về Pháp, 4 vị về Đạo, 4 vị về Thế.

* Thượng Sanh là gì ?

Vật chất hữu sanh, thảo mộc hữu sanh, cầm thú hữu sanh, nhơn loại hữu sanh tức là chúng sanh.

Trong chúng sanh có nguyên sanh và hóa sanh.
Nguyên sanh là gốc từ khai Thiên đã có.
Hóa sanh là khai Thiên rồi mới biến hóa ra.

Tỉ như Nguyên nhân là khi khai Thiên rồi thì đã có các chơn linh ấy. Còn Hóa nhân là chơn linh vật loại đoạt đến phẩm vị nhơn loại.

Trong các kiếp hữu sanh, duy có phẩm người là cao hơn hết, nên gọi là Thượng Sanh.

Lập Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy đem các chơn linh, dầu nguyên sanh hay hóa sanh lên phẩm vị nhơn loại mới trọn nghĩa câu phổ độ.

Chơn linh các Nguyên nhân bị đọa trần hay là của Hóa nhân thăng cấp đều nhờ Thượng Sanh độ rỗi. Ấy là Thế độ, nên Thượng Sanh làm chủ của Thế đạo, nắm Thế luật nơi tay mà dìu dắt cả chúng sanh vào đường Đạo. Ai làm cho cản bước đường tu của thế gian thì Thượng Sanh đặng quyền kiện cùng Tòa Thánh. Chư Chức sắc phạm luật làm cho chúng sanh phải xa lánh Đạo thì người có quyền xin trị tội tức thì. Ấy là chủ phòng Cáo Luật.

Dưới quyền người có bốn vị Thời Quân : Bảo Thế, Hiến Thế, Khai Thế và Tiếp Thế.

* Thượng Phẩm là gì ?

Hễ bước chơn vào cửa Đạo thì là có Thiên phẩm, mà hễ có phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng Phẩm mới trọn câu phổ độ.

Các chơn linh nguyên nhân hay hóa nhân, nhờ Thượng Phẩm gìn giữ binh vực cho ngồi đặng an ổn địa vị của mình, giúp đỡ cho đức hạnh trổi thêm cao, khỏi phạm nhằm luật lệ, xem sóc ngôi thứ chẳng cho giành giựt lẫn nhau, giữ cho Cửu Trùng Đài đặng hòa nhã êm đềm, khép cửa Thiên môn, cấm đường chẳng cho các chơn linh thối bước.

Phẩm trật nhờ người mà đặng thăng lên hay là bị người mà phải hạ. Người nắm luật Đạo nơi tay mà binh vực cả chư Chức sắc Thiên phong và các tín đồ chẳng cho ai phạm luật, vùa lo cho người đạo hạnh lên tột phẩm vị của mình. Thượng Phẩm làm chủ phòng Cãi Luật, làm trạng sư của tín đồ.

Dưới quyền người có bốn vị Thời Quân là : Bảo Đạo, Hiến Đạo, Khai Đạo và Tiếp Đạo.

* Hộ Pháp là gì ?

Huyền vi mầu nhiệm của Đạo có Bí pháp, cũng như Đời có luật pháp. Hộ Pháp là người nắm cơ mầu nhiệm của Đạo, nắm luật của Đời, xử đoán chư Chức sắc Thiên phong và cả tín đồ, cùng là xin ban thưởng, công thưởng tội trừng của Đạo nơi thế nầy.

Hễ có phàm trị mới khỏi Thiên trị, phải chiếu luật Đạo cho toàn cả tín đồ khỏi bị Thiên điều, giữ phẩm vị thiêng liêng mỗi Chức sắc, ắt phải gìn giữ đạo đức của mỗi người. Dùng hình phàm làm cho giảm tội thiêng liêng. Nắm cơ mầu nhiệm công bình mà đưa các chơn hồn vào Bát Quái Đài, hiệp cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Người nắm trọn cả luật Đạo và luật đời vào tay đặng xử đoán, làm chủ phòng Xử đoán. (Khi nào Toà Tam Giáo Cửu Trùng Đài xử đoán rồi mà bị cáo còn uất ức thì mới kêu nài đến Hiệp Thiên Đài).

Dưới quyền người có bốn vị Thời Quân là : Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp và Tiếp Pháp.

Hiệp Thiên Đài là hình trạng của Ngọc Hư Cung tại thế. Ấy là cửa mở cho các chơn linh vào đặng đi đến Tam thập lục Thiên, Cực Lạc Thế Giới và Bạch Ngọc Kinh, là nơi chúng ta hội hiệp cùng Thầy, hay là chỗ ải địa đầu ngăn cản các chơn linh chẳng cho xông phạm đến đường Tiên nẻo Phật.

Lòng từ bi của Thầy để cho có kẻ rước là Thượng Sanh, người đưa là Thượng Phẩm và người dẫn nẻo mở đường cứu độ là Hộ Pháp, đặng đem cả con cái của Thầy về giao lại cho Thầy, kẻo Thầy hằng ngày trông đợi.

Còn luận theo hình chất thì HTĐ là một cái tòa lựa chọn người lương sanh đem vào hiệp làm một với Cửu Trùng Đài, lập vị cho cả tín đồ, phần xác phù hạp với phần thiêng liêng, un đúc giữ gìn cho các lương sanh ấy nhờ cựu phẩm mình, hầu buổi chung qui, Hộ Pháp mở cửa Bát Quái Đài đem tên tuổi ấy vào thờ cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, cho xứng phận. Hễ Đạo còn ắt tên tuổi cũng còn, cái cơ đắc đạo tại thế cũng do nơi đó vậy.

CỬU TRÙNG ĐÀI


Cửu Trùng Đài là hình trạng của Cửu Thiên Khai Hóa, lại hiệp với Cửu phẩm Thần Tiên. Để chơn vào Đạo tức là vào các địa vị ấy.
Cửu phẩm Thần Tiên cầm quyền trị thế thì Cửu Trùng Đài cũng cầm quyền chánh trị của Đạo nơi tay, cứu độ nhơn sanh, dìu dắt lấy nhau trở lại cùng Thầy.

Cái Tòa Tam Giáo Thầy lập nơi CTĐ là quyền hành thưởng phạt Thầy ban cho Cửu phẩm Thần Tiên hành chánh, điều đình trọn cả càn khôn thế giới đó.

Lập Pháp Chánh Truyền đã tỏ đủ quyền hành của Chức sắc Thiên phong.

Em xin kể sơ qua cửu vị của nó phù hạp với Cửu Thiên làm sao :

1- Thần vị :
- Người không đạo mà mộ đạo, lại giữ đặng vẹn vẻ đạo người, hữu căn hữu kiếp, có thể đắc vị đối với Địa Thần.
- Kẻ tín đồ biết Đạo và giữ Đạo đối với Nhơn Thần.
- Lễ Sanh đối với Thiên Thần.

2- Thánh vị :
- Giáo Hữu đối với Địa Thánh.
- Giáo Sư đối với Nhơn Thánh.
- Phối Sư đối với Thiên Thánh.

3- Tiên vị :
- Đầu Sư đối với Địa Tiên.
- Chưởng Pháp đối với Nhơn Tiên.
- Giáo Tông đối với Thiên Tiên.

Em chỉ nói các Chức sắc đối hàm mà thôi, chớ còn chiếu y như Thánh ngôn thì Thầy nói Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy thì Thầy lựa chọn : nhứt Phật, tam Tiên, tam thập lục Thánh, thất thập nhị Hiền, tam thiên Đồ đệ, là Thầy nói Thầy đến hiệp các Đấng mà Thầy đã sai đến trước lại làm một mà làm hình thể của Thầy hầu mở Tam Kỳ Phổ Độ. Ấy là Cửu Trùng Đài.

. Còn nhứt Phật, nhị Tiên, thập nhị Thánh tại Hiệp Thiên Đài thì là các Đấng hầu hạ bên Thầy lúc trước, nay tuy xuống thế cũng cứ giữ phận hầu Thầy mà thôi.

Em đã chỉ rõ một đường các chơn linh đối hàm, một đường các chơn linh xuống thế, mà mở Đạo.

Biết bao nhiêu bậc Thánh Hiền ấy còn lẫn lộn theo hàng tín đồ, Thầy đương dạy dỗ un đúc đặng ngày kia ra gánh vác cho xứng đáng phận sự của mình.

Còn Tam Trấm Oai Nghiêm, Thầy lập đặng thay mặt cho Thầy nơi Cửu Trùng Đài cầm quyền chánh trị, là Phật đó vậy.

Cửu Trùng Đài phù hạp với Cửu Trùng Thiên thì dầu cho cả chơn linh trong càn khôn thế giới cũng phải vào nơi đó đoạt cho đặng các phẩm vị giả trạng ấy, mới mong lập Thiên vị mình.

Chẳng vào cửa Đạo hiệp cùng Cửu Trùng Đài thì chẳng đi đường nào mà vào Cửu Trùng Thiên cho đặng.

BÁT QUÁI ĐÀI


Bát Quái Đài là nơi để thờ phượng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và chư tín đồ, chư Chức sắc Thiên phong qui vị, mới trọn phép Trời Người hiệp một.
Cái cơ mầu nhiệm của Thầy chỉ mở cửa Bát Quái Đài đặng đem các chơn linh đã leo lên tột phẩm Cửu Trùng Đài đem cho hiệp một cùng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Cái phẩm chót của Cửu Trùng Đài chỉ cách Bát Quái Đài có một cái cửa. Vậy Niết Bàn cách phàm tục có một xác thân. Cái cửa Niết Bàn ấy mở đặng thì cơ đắc đạo tại thế cũng khai ra đặng.

Em xin kết luận :
- Hiệp Thiên Đài là Thiên môn mở ra, có kẻ mời người đưa rước, kêu cả nguyên sanh trở lại cựu vị mình, đặng hiệp làm một cùng Thầy, hay là mời cả hóa sanh đến đối diện, tranh đoạt phẩm vị đến ngang bực cùng Thầy. Ấy là cái ngõ hiệp các chơn hồn toàn trong thế giới.

- Cửu Trùng Đài là ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, Thầy sắm sẵn tại thế. Nó là cái không khí biểu (baromètre) để chỉ trước Thiên vị của mình.

- Bát Quái Đài là Bạch Ngọc Kinh tại thế.

Thảm thay, phần nhiều anh em chúng ta chẳng biết trọng phẩm vị của mình, lại còn làm ô uế nền Đạo thì mới đắc tội cùng Thiên đình thể nào ?

Cái màn bí mật của Đạo đã mở trọn rồi, Thầy dạy ráng mở mắt đặng xem mà mình cứ nhắm mắt không muốn ngó đến thì làm sao thoát cho đặng cửa luân hồi.

Đạo vốn là Đạo, mình thâu phục đặng chúng sanh chỉ nhờ Đạo. Mà có Đạo phải có Đức, có Đức phải có Hạnh, hoàn toàn Đức Hạnh mới phải mặt cầm mối Đạo của Thầy, nhưng xét kỹ lại thì anh em chúng ta thiếu kém đức hạnh rất nhiều.

Chúng ta hằng bị Đức Giáo Tông chê rằng, Thầy quá thương mà lựa chọn chớ chẳng xứng đáng một chút nào.

Mỗi phen em nhớ đến lời nói là mỗi lần em thẹn thuồng cho mảnh xác thịt nầy chẳng đủ trí lực mà làm phận sự. Ráng cho lắm bất quá cũng như lửa đôm đốm lúc ban đêm, chớ đâu đáng mặt đèn soi mà dẫn đường người đạo đức.

Bởi vậy em hằng nghĩ rằng : Hễ Thầy thương thì anh em chúng ta phải gắng trau giồi đạo đức đặng thêm nhiều, phẩm càng trọng thì hạnh kia gìn chặt chịa. Bấy nhiêu đó, họa may đền đáp ơn thương tưởng của Thầy trong muôn một, chớ cái cơ thoát tục siêu phàm đâu mong vọng tưởng, chỉ nhờ lòng từ bi của Thầy định sao chịu vậy.

Chúng ta nên trông cậy nơi Thầy, thờ phụng Thầy cho hết lòng hết sức, hằng ngày tặng ơn Thầy.

Em đã thấy có một hình phạt sẵn dành cho anh em mình, vậy chúng ta nên đồng lòng ăn năn sám hối, họa may có thoát khỏi đặng chăng ?