Chánh Ngữ (Sammā-vaccā)

Mặc dù Ngài Munindra thường nói dài, nhưng Ngài chỉ nói dài về đạo pháp. Itamar Sofer tả lại lần đầu tiên gặp gỡ tại Dhamma Giri: “Thầy không bàn chuyện đời thường mà đi thẳng ngay vào lời dạy của Đức Phật. Thầy hỏi vài câu về cuộc sống của tôi, rồi quay lại vấn đề cơ bản trong việc tu học: ‘Bạn hành thiền như thế nào? Bạn tu tập bao lâu rồi?’” Pat Masters ghi nhận: “Ta không thể nào ngồi với Thầy mà chỉ nói chuyện gẫu. Khi nào cũng có một bài học quan yếu nào đó về Đạo pháp hoặc về nhân duyên tu tập, khiến ta tự thấy thời gian quá quý báu để phí phạm.” Đại đức Bodhipāla nói thêm: “Lần nào gặp gỡ, Thầy cũng chỉ nói chuyện đạo, không khi nào nhắc chuyện đời.” Luận bàn chuyện thế tục không bao giờ là một phần của chánh ngữ mà Đức Thế Tôn giảng dạy cho hàng đệ tử. Người khuyên răn họ tránh nói lời gian dối, lời chia rẽ, lời thô ác và lời vô ích. Và, nếu không có điều gì đáng để nói, thì nên giữ im lặng.

Điều thú vị là cái tên ‘Munindra’ cũng phản ảnh được lời dạy bảo trên của Đức Bổn Sư. Nguyên ngữ ‘muni’ có nghĩa là ‘giữ im lặng’ hay ‘nguyện giữ im lặng’, nhưng sau này được dùng để chỉ ‘một bậc hiền trí’. Cả hai, yên lặng hay trí tuệ, đều áp dụng vào thân, khẩu, ý. Ngài Munindra giải thích rằng tên Ngài có nghĩa là ‘bậc hiền trí cao thượng’, và đó cũng là một trong những danh xưng của Đức Phật. ‘Shākyamuni’ (Thích Ca Mâu Ni) nguyên ngữ nghĩa là ‘vị thinh lặng của dòng họ Thích Ca, nhưng cũng có thể được hiểu là ‘vị có hạnh thinh lặng cao thượng và đáng kính mến.’ Ngài Munindra có chủ ý khi giữ im lặng. Đôi khi có người loan tin đồn đãi hay nói điều khắc nghiệt về Ngài. Biết sự thật của vấn đề không là như vậy, Ngài không để những lời thị phi ảnh hưởng đến giới hạnh chánh ngữ của mình, cũng không phản ứng lại họ. Tara Doyle từng nghe những lời dèm pha về Thầy và vài vị thiền sư vipassanā khác từ các học trò của một vị thầy nọ. Bà nói: “Thầy không bao giờ nói xấu các vị thầy khác, và đó là một món quà thân giáo cao quý mà Thầy ban tặng cho chúng tôi. Nhờ thế tôi có thể hành thiền quán mà không phải xét rằng cái này là tốt hay cái kia là xấu (chỉ thấy sự vật như nó là). Thầy không bao giờ nói điều tiêu cực hay không tử tế về bất cứ ai. ” Không những không phản ứng lại, Ngài Munindra còn khuyến khích cho môn sinh mình đến dự các khóa học của vị thiền sư đã chỉ trích Ngài.

Nhiều năm sau đó, Ngài kể cho Robert Pryor rằng Ngài đã đề nghị vị thiền sư đó đừng làm tổn thương người khác bằng những lời phê phán không đúng sự thật, nhất là khi không hiểu biết rõ những điều gì nguời khác đang giảng dạy. Có lần Kamala Masters hỏi Thầy về một đạo sư ở Ấn độ mang nhiều tai tiếng. Thầy không hề phê phán hay chỉ trích vị ấy mà chỉ nói: “Một đóa hồng toàn hảo có thể được tặng từ một người tặng không toàn hảo.” Ram Dass nói: “Thầy cân nhắc, thận trọng từng lời nói, vì không muốn làm thương tổn kẻ khác, và vì Thầy thật lòng yêu thương mọi người, ngay cả người không dễ mến hay đáng tin.” Gregg Galbraith nhớ lại: “Thầy có quen biết một người đàn ông tính tình hơi thô bạo, hay nóng giận và đôi khi có vẻ lừa đảo. Nhưng Thầy không đề quyết ai là bất lương hay bất trị, vì như thế là gán kết cho họ một nhãn hiệu xấu. Thay vì phê phán cá nhân, Thầy có thể chỉ thừa nhận hành động nào đó là bất thiện mà thôi. Chẳng hạn, nếu biết một người kéo xe đã đánh động lòng thương hại của bạn, và vin vào đó để lừa bạn với giá cuốc xe thật cao. Ngài Munindra sẽ nói rằng: ‘Giá ấy không trung thực đâu, không đúng đâu. Bạn đừng nên trả giá ấy.’ Thầy sẽ chú tâm đến hành vi đó trên khía cạnh giá cả có chính xác, xứng đáng hay không mà thôi, nhưng Thầy sẽ không kết tội người kéo xe.” Ngài Munindra thường nhắc môn sinh: “Không người nào trên thế gian này muốn nghe lời hung dữ, cộc cằn, thô lỗ hay lời mắng nhiếc, chửi rủa. Ai ai cũng muốn nghe lời êm ái, ngọt ngào, dịu dàng.”

Sống Viên Mãn Kiếp Này
(Những lời dạy của ngài Mundinra)