XIN ĐỪNG GIEO SỰ DỮ!



Nếu có ai hỏi tôi rằng, tôi sợ điều gì nhất, tôi sẽ trả lời tức khắc: Sự dữ! Tôi thường xin Chúa ban cho tôi bình an, và giải thoát sự dữ trong lòng tôi, giải thoát sự dữ xung quanh tôi, giải thoát những hình thức nô lệ của tội, vì tội cũng là sự dữ.

Thời gian gần đây, ngay những năm đầu của thế kỷ mới, sự dữ cứ liên tục gia tăng. Lòng người càng khiếp sợ khi sự dữ như trêu ngươi, càng xảy ra mọi nơi, mọi thời gian, trên không trung, cũng như dưới lòng đất.

Đáng khiếp sợ hơn, khi sự dữ ấy lại chất chứa trong lòng người, biến lòng người không còn một chút lương tâm, mà chỉ là tà tâm. Và khiếp sợ hơn nữa, khi tà tâm liên kết với nhau, không còn ở mức độ bộc phát, không còn mang hình thức lẻ tẻ, nhưng đã biến thành những tổ chức quy mô cả thế giới, biến thành cả một mạng lưới giăng mắc khắp nơi, và biến thành cả một thứ chủ nghĩa như chủ nghĩa diệt chủng, chủ nghĩa khủng bố…

Nếu phải gọi tên, chỉ mặt sự dữ, thì tôi sẽ dùng chính Lời Chúa Giêsu dạy trong dụ ngôn “Cỏ lùng trong ruộng lúa tốt” (Mt 13, 24, 43), để gọi tên sự dữ chính là cỏ lùng, đang ngày đêm đan xen vào ruộng lúa tốt là chính lương tâm nhân loại, là niềm mong mỏi hòa bình của mỗi một người trên khắp hành tinh.

Tôi thường nghĩ rằng, lúa tốt phải nhiều hơn cỏ lùng. Nghĩa là điều thiện phải luôn luôn ở bậc nhất, ở thế mạnh. Nhưng hôm nay thì khác. Không biết tôi có bi quan quá không khi dám nói rằng, hình như cỏ lùng nhiều hơn lúa tốt. Bởi những tin tức thời sự của thế giới đã cho tôi những suy nghĩ xem ra khá bi quan ấy.

I. TỪ NHỮNG TIN TỨC THỜI SỰ.

Từ các phương tiện truyền thông, có những lúc ta cảm thấy lạc quan vì nhận ra lúa nhiều hơn cỏ. Nhưng lại có lúc lại cảm nhận rằng sức mạnh của cỏ dại, sức công phá của sự dữ dường như không có dấu hiệu suy yếu, ngược lại cứ gia tăng.

Năm 2001, cả thế giới kinh hoàng với vụ tấn công tòa nhà tháp đôi của nước Mỹ, để rồi sau đó là hai cuộc chiến đổ vào Apganistan và Iraq cho cái gọi là “chống khủng bố, bảo vệ sự bình an”. Thật trớ trêu và nghịch lý, cánh đồng lúa tốt của sự bình an đâu không thấy, chỉ thấy cỏ lùng càng tiếp tục lấn át lúa tốt. Bởi hai cuộc chiến được xem là kết thúc thật, nhưng bình an vẫn còn ở xa lắm. Các thế lực của sự dữ bị đẩy lùi vào bóng đen, chứ không phải bị tiêu diệt. Từ trong bóng đen, khó có ai kiểm soát, khó có ai ngờ được sự hiện diện của nó ở chỗ nào, vì thế các thế lực ấy không ngừng leo thang giết hại sự sống, phá hủy tài sản của thế giới.

Người ta còn chưa thể quên cuộc tấn công đẫm máu trên đảo du lịch Bali, Iđônêxia, thì đã phải bàng hoàng trước những vụ bắt làm con tin cả một nhà hát và gài bom phá hủy cả một trường học toàn những em học sinh vô tội tại Nga. Sau đó cả thế giới lại tiếp tục sửng sờ bởi các thế lực của sự dữ, một lần nữa tấn công và giết chết rất nhiều khách du lịch trên một đảo du lịch tại Aicập.

Sự dữ phát sinh từ lòng người vẫn cứ tiếp diễn không ngừng. Sự dữ ấy đáng sợ không cùng. Cho đến nay, chúng ta càng cảm nhận những nỗi đau đớn quặn thắt tâm hồn, bởi vẫn còn đó quá nhiều người vôi tội bị khủng bố, bị bắt cóc, bị xử tử dã man.

Và trong những ngày này, người Aicập lại tiếp tục chìm trong nỗi đau vì nghe tin Đại sứ của họ tại Iraq, ông Ihab al-Sherif bị bắt cóc, sau đó đã bị hành huyết. Thông tin giết chết Đại sứ Aicập được tuyên bố trên mạng lưới thế giới ngày 7.7.2005.

Nhưng đó chỉ là một trường hợp mới nhất trong vô số những trường hợp bắt cóc giết người dã man, rùng rợn vài năm qua.

Càng đau lòng hơn, khi cả thế giới được tin, cùng ngày 7.7.2005, liên tiếp nhiều vụ nổ tại các điểm giao thông ngay ở thủ đô Luân Đôn của nước Anh, quốc gia được coi là có mạng lưới tình báo tốt. Vậy mà trong vụ án kinh hoàng này, họ cũng bị khóa chặt, bị tê liệt. Vì thế, đã để cho sự dữ thảm sát khoảng trên dưới 60 nạn nhân, hơn 700 người thương vong.

Ngay lập tức, cũng như bao trường hợp thương tâm khác của nhân loại, trong cả hai trường hợp xảy ra ngày 7.7.2005, đều được Giáo Hội Công giáo hiệp thông để cùng chia sẻ nỗi đau này. Chính Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã lên tiếng phản đối sự dữ: “Suốt dòng lịch sử của nhân loại, pháp nhân của một vị Đại sứ được coi là bất khả xâm phạm bởi vì người ấy là viên chức đại diện cho dân tộc, bởi bản chất của nhiệm vụ, luôn luôn được cam kết cho một sứ mệnh hòa bình, hòa hợp và tình hữu nghị giữa các dân tộc” (điện thư chia buồn của Đức Hồng y Quốc vụ khanh).

Còn vụ án giết người hàng loạt tại Luân Đôn, chính Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI, ngay sau khi biết tin dữ này, đã vào nhà nguyện riêng của phủ giáo hoàng để cầu nguyện cho các nạn nhân. Đức Thánh Cha cật lực lên án những kẻ chủ mưu của sự dữ. Người gọi đó là “hành động dã man chống lại con người”. Đức Thánh Cha cũng chia buồn sâu sắc và cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân, cũng như “tất cả những ai than khóc”.

Mới đây, trong giờ đọc kinh trưa ngày Chúa nhật 10.7.2005, Đức Thánh Cha đã xin thế giới Công giáo hãy “Cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng, cho những người bị thương và cho những người thân của họ”. Người cũng ngỏ lời với những kẻ chủ mưu của sự dữ: “Với những ai nuôi dưỡng tình cảm hận thù, và với những ai thực thi những hành động khủng bố tàn bạo như thế, tôi xin nói điều này: Thiên Chúa yêu sự sống mà Người đã tạo nên chứ không phải sự chết. Hãy dừng lại, nhân danh Thiên Chúa” (bài hu ấn đức trưa Chúa nhật 10.7.2005).

Đặc biệt, mới đây nhất, khi tôi còn đang viết suy niệm này, tại Tây Ban Nha, tại Israel lại vừa xảy ra nhiều vụ nổ bom liên tục khác. Sự dữ càng ngày càng nguy hiểm, càng đánh kinh tởm. Nó không dừng lại ở mức độ vượt ra ngoài rào cảng của đạo đức, của chân tâm, nhưng càng ngày càng tiến xa vào bóng tối phi đạo đức.

Trước những sự dữ kinh hoàng, có sức tàn phá thảm khốc, chúng ta hãy cùng đồng cảm với vị Cha Chung của Giáo Hội: “Trong khi chúng ta và rất nhiều người khác đang thực hành những nỗ lực lớn, nhằm làm vơi đi những đau khổ của rất nhiều người trên thế giới, và trong khi các chính quyền đang nhóm họp để đi đến một sự thỏa thuận cả về sự bảo vệ và sự duy trì sự sống con người. Thật là một đau buồn và lo lắng lớn dành cho những ai có thể dễ dàng tiêu diệt những gì mà rất nhiều người đang cố gắng duy trì. Những lời nguyện cầu của chúng ta phải dành cho hòa bình, công lý và tái canh tân sự hiểu biết về hồng ân sự sống” (Đức Bênêđictô XVI, giờ kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 10.7.2005).

II. PHÁT SINH TỪ LÒNG NGƯỜI, SỰ DỮ CÀNG GÂY ĐAU ĐỚN.

Có hai thứ sự dữ, tôi tạm phân biệt: Sự dữ khách quan và sự dữ chủ quan. Sự dữ khách quan là sự dữ đến từ bên ngoài bản thân ta. Ví dụ, đối với các nạn nhân của nhiều vụ bắt cóc, khủng bố, họ chỉ là những kẻ bị sự dữ giáng xuống bản thân mình. Họ hoàn toàn thụ động, không hề hay biết gì cho đến lúc sự dữ bất ngờ ập đến.

Còn sự dữ chủ quan là sự dữ đáng kinh hoàng, cần phải loại trừ. Ví dụ, những kẻ chủ mưu đã giáng trên nhân loại những điều ác độc không thể tưởng tượng. Chính họ đã lập nhóm, lập kế hoặch, móc nối, đổ tiền của… để chỉ nhắm một việc: giết người.

Dù sự dữ nào thì cũng là sự dữ, cũng nguy hiểm và đều đáng sợ. Nhưng có lẽ sự dữ chủ quan càng đáng sợ hơn, đáng lên án và phải tránh xa càng nhiều, càng tốt. Chính nó là sự dữ tàn nhẫn xâm chiếm chính tâm hồn và thống trị trong lòng người, biến họ thành nô lệ của nó. Đó là sự dữ do chính con người tra tay thực hiện. Bởi đó ta cũng có thể gọi sự dữ chủ quan là sự dữ chủ động. Mà vì do chủ động làm sự dữ, vì thế sự dữ càng đáng lên án, bởi đó, càng nhức nhối tâm can.

Sự dữ ấy gây nên nỗi đau đớn tột cùng không chỉ đối với các nạn nhân và tất cả những ai có liên quan, mà còn là nỗi đau của cả nhân loại có lương tâm. Đau đớn, nhưng không biết phải làm sao, không biết phải tỏ thiện chí đến mức độ nào để bớt đi nỗi đau do sự dữ xuất phát từ lòng người man rợ. Đã đau đớn, vậy mà ngày càng chứng kiến sự dã man cứ xảy đến, cứ leo thang, lại càng làm chúng ta đớn đau hơn.

Chúa Kitô đã từng nói đến cỏ lùng trong ruộng lúa tốt. Nhưng hình ảnh của sự dữ mà chúng ta đang nói đây, còn mạnh hơn cả cỏ lùng. Bởi cỏ lùng dù có chen chân mọc cùng với lúa, thì cỏ lùng vẫn là cỏ lùng, lúa vẫn là lúa. Nó chỉ là điều xấu giữa đám lúa tốt. Còn sự dữ phát sinh từ lòng người, sẽ xé nát nền hoà bình của nhân loại, giết hại không thương tiếc và vô lương tâm hàng lớp lớp người. Vì thế, nếu sự dữ là cỏ lùng, thì cỏ lùng của thời đại, đã làm cho con người say máu đến mức điên dại mất rồi.

Nhưng Sự dữ, sự xấu ấy đâu chỉ là sức mạnh tấn công và giết chết sự sống nhân loại, làm tổn thất vật chất, gây hoang mang, giết chết sự bình an, mà còn là sức mạnh tấn công trực tiếp vào niềm tin của con người, làm cho nhân loại sống trong khủng hoảng của sự lo sợ liên tục kéo dài, không còn tin vào ai, cũng không tin bất cứ cái gì. Nó còn là mối đe dọa tất cả sự tương giao giữa người với người, tất cả niềm hy vọng vào sự chiến thắng của cái thiện, và mọi giá trị tinh thần khác, mà không ai có thể lường hết được.

Nặng nề hơn, những cuộc tấn công kinh hoàng của sự dữ, dần dà có thể làm xói mòn sự quan tâm, lòng bác ái của mọi người. Bởi cái gì nghe mãi sẽ nhàm, lo lắng hoài rồi cũng đến lúc ngán ngẫm. Tâm trạng có thể coi là “bị bão hòa” ấy sẽ làm cho lòng người trở nên dửng dưng, nguội lạnh, thậm chí cái bất thường của sự chết, sự dữ, vì cứ xảy ra liên tục, tự dưng trở thành bình thường lúc nào không hay trong suy nghĩ của từng cá nhân, nguy hiểm hơn, của cả tập thể.

Nếu nhân loại nói chung, mỗi Kitô hữu nói riêng, không biết cảnh giác, để ngay từ hôm nay, tự đào tạo lương tâm của mình cho nhạy bén hơn, cho lâu bền hơn, chắc chắn tình trạng sự dữ lên ngôi càng nguy hiểm hơn, đáng sợ hơn. Nguy hiểm và đáng sợ khôn cùng. Nhất là đối với các Kitô hữu, có Chúa Kitô làm chuẩn mực sống và Lời của người làm thước đo luân lý cho mỗi hành vi, mỗi nếp nghĩ, nếp sống của mình. Họ được mời gọi soi rọi lòng mình cho hợp với Chúa Kitô và Lời của Người, để đào tạo lương tâm, nhằm có thể góp phần xoa dịu nỗi đau của thế giới, và làm cho cuộc sống, tưởng chừng như cỏ lùng đang phát huy sức mạnh, vẫn còn đó nhiều, rất nhiều cây lúa tốt đơm những kết quả tốt là chính tâm hồn người tín hữu.

III. CHIA SẺ VÀI VIỆC LÀM ĐỂ CẦU NGUYỆN.

Giống như Đức Thánh Cha, cùng nhiều anh chị em khác trong Giáo Hội và thế giới, sau khi nhận ra khuôn mặt đen tối đến mức sợ hãi của sự dữ, tôi đã cầu nguyện.

Tôi đọc kinh Lạy Cha và lặp lại chính lời Chúa Giêsu dạy để xin Người, xin Thiên Chúa đừng để chúng ta sa chước cám dỗ, nhất là những cám dỗ dấn thân cho sự dữ, mà hãy học biết sự cao cả của hồng ân sự sống để dấn thân tích cực cho sự sống. Tôi xin Chúa hãy cứu tôi thoát mọi sự dữ, nhất là sự dữ chủ quan. Vì nó có thể biến tôi thành con thiêu thân, nặng hơn, thành tên nô lệ phục vụ sự dữ. Sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, tôi cũng xin Chúa, gìn giữ thế giới, gìn giữ Giáo Hội và mọi người

Trong thánh lễ, có nhiều lần chủ tế nguyện chúc: “Chúa ở cùng anh chị em”, hoặc “bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, hoặc “anh chị em ra về bình an”…, Nhất là mỗi lần cùng cả cộng đoàn phụng vụ cất cao lời cầu nguyện: “Lại Cha chúng con ở trên trời…”, tôi không chỉ cầu xin cho tôi, cho cộng đoàn dân Chúa, không chỉ cầu cho những người tôi biết mặt, biết tên, nhưng là cho tất cả mọi người, cho Giáo Hội, cho thế giới, đặc biệt là cho tâm hồn của mỗi một người, được giải thoát khỏi sự dữ, thoát khỏi mọi ảnh hưởng của sự dữ, và hưởng nhờ bình an của Chúa. Bởi thánh lễ là nguồn bình an, đặc biệt là nguồn bình an nội tâm cho những ai có “thiện tâm”.

Nói như thế, để cho thấy, nguồn bình an là vô cùng cần thiết. Sự dữ càng leo thang bao nhiêu, càng nguy hiểm bao nhiêu, bình an lại càng cần gấp bội bấy nhiêu. Sự dữ là điều ghê sợ, đáng ghê sợ không cùng. Bình an là điều ai cũng mong đợi. Niềm mong đợi bình an nơi lòng người lớn đến mức không có rào cảng, không có biên giới. Vậy mà bình an lại quá mong manh, lại bị chính lòng người đe dọa liên tục.

Sự dữ hiện nguyên hình là con ác quỷ hung ác nhất, xấu xa nhất, liên tục đe dọa sự sống loài người, làm băng hoại đạo đức xã hội, là kẻ thù số một của lương tâm ngay chính, điều mà trong kinh Vinh Danh, Giáo Hội gọi là “Người Thiện Tâm”.

Tôi xin Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giêsu, biểu tượng của Tình yêu Thiên Chúa đối với cả thế giới này, hãy tiếp tục tỏ lòng thương xót thế giới, và uốn nắn lòng người nên ngay thẳng, để không còn gieo rắc chết chóc, gieo rắc sự mất bình an.

Tôi cũng bắt chước thánh Đaminh, phó thác nền hòa bình thế giới cho chuỗi Mân côi dâng kính Đức Trinh Nữ. Vì nếu ngày xưa, thánh Đaminh kêu gọi lần chuỗi để xin ơn bình an, thì ngày hôm nay, tôi tin Đức Mẹ, Đấng được tôn vinh là Nữ Vương Hòa Bình, sẽ tuôn đổ ơn bình an từ nguồn bìn an là chính Chúa Kitô, Con của Mẹ.

Sau hết, tôi suy niệm dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa tốt (Mt 13, 24-43) để cầu nguyện cho những kẻ say máu, bị coi là mất hết lương tri, mất hết tính người, đêm ngày gieo rắc nỗi chết chóc, nỗi sợ hãi khắp nơi. Vì nếu cỏ vẫn chỉ là cỏ. Nó không thể lột xác để trở nên cành hoa thơm trên đồi cao. Nhưng lòng người thì khác. Lòng người không phải là cỏ dại. Từ trong sự thối tha của vũng bùn tội lỗi, họ có thể “lột xác”, để nên hương hoa ngọt ngào.

Làm sao lòng người trở nên tốt đẹp, đó là trăn trở của tôi, nhưng chắc chắn cũng là nỗi băng khoăng của mọi người. Vậy những ai đang ngày đêm mê mang trong sự giết chóc hãy lắng nghe tiếng khóc của nhân loại, lắng nghe con tim của mọi người đang đập những nhịp đập đầy thổn thức, ai oán và nhìn vào nỗi khiếp đảm sợ hãi của mọi người mà tự bay lên khỏi hố sâu tội lỗi, để nhân loại bình an hơn, cuộc sống êm ấm hơn.

Xin đừng gieo sự dữ!…