Lẽ nào đàn bà lại dễ mê tín hơn đàn ông?
Thứ sáu, 2/5/2008, 07:00 GMT+7

Các nhà phê bình có quan điểm hiện đại đối với việc thờ vị nữ thần này, những người mà tôi đã có dịp nói chuyện, biết rất rõ rằng những người làm việc trong khu vực thương mại của thành phố là người người sùng bái Bà nhất. Điều này có vẻ như thừa nhận rằng những người thờ phụng Bà chính là bộ phận chính tham gia vào nền kinh tế thị trường và sự hội nhập toàn cầu của thành phố này. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với bằng chứng về sự gần gũi và tính hiện đại của việc thờ phụng vị nữ thần này, những nhà phê bình đã tiếp tục tranh luận về tính đại diện của các tập tục đối với quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa bằng cách nhằm vào tính đặc thù về dân tộc, giới và nghề nghiệp của chúng.


Một trong số những cách tiếp cận là coi những vị nữ thần như Bà Chúa Xứ là bằng chứng về sự ảnh hưởng lịch sử đối với bộ phận dân cư chiếm đa số về dân tộc có các nền văn hóa mẫu hệ như văn hóa Chăm. Sự vay mượn văn hóa như vậy có thể là mối quan tâm của các nhà nhân chủng học, nhưng hiếm có điều gì liên quan đối với những người coi bản thân mình là người đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi sang một xã hội dựa vào thị trường toàn cầu hóa.



Tượng Bà Chúa Xứ - Ảnh: VNN


Niềm tin vào nữ thần cũng được nhìn nhận rộng rãi như một mô hình văn hóa bắt nguồn từ những người gốc Hoa, dù sở trường buôn bán đã được thừa nhận của mình, vẫn thường bị các trí thức Việt Nam coi là người xúi giục ‘mê tín’. Một số người lập luận rằng những niềm tin vào vị nữ thần tìm thấy chỗ đứng trong những người thiếu một nền tảng giáo dục cơ bản, và sự thiếu hiểu biết của họ đã dẫn đến niềm tin sai lầm rằng các lực lượng siêu nhiên quyết định đến số phận của họ.Theo cách này hay cách khác thì việc thờ phụng vị nữ thần này cũng không vượt qua được cuộc thử nghiệm văn hóa, hoặc là do chúng chịu ảnh hưởng của thứ văn hóa phi Việt Nam, hoặc là thể hiện một sự thiếu tiếp xúc đối với một quan điểm văn hóa khoa học hiện đại.

Một cách tiếp cận nữa là gắn tập tục thờ phụng thần linh với những bản sắc mang đặc thù thế hệ và giới tính. Các bài báo từ thập niên 30 thế kỷ trước trên tạp chí "Phụ nữ hiện đại" ở Sài Gòn đã viết bằng giọng miệt thị về sự mê tín tôn giáo như một vấn đề lan rộng trong phụ nữ. Theo cách này, những người đàn ông sống ở thành thị mà tôi quen biết đã nói với tôi rằng phụ nữ rất dễ tin vào các thế lực bên ngoài, hơn là vào bản thân mình. Điều này khiến họ rất hay bị những kẻ lừa bịp tôn giáo lợi dụng. Ngược lại, nam giới không mấy chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề tôn giáo, nên tính "tự lực" của họ lớn hơn.

Tính tự lực này thường đi kèm với tính hiện đại ở Việt Nam. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ XX, phong trào "tự lực" trong giới trí thức dân tộc chủ nghĩa là một phương tiện quan trọng để đề ra những ý tưởng mà được cho là sẽ giúp hiện đại hóa xã hội. Khoa học và "lối tân học" đã khuyến khích mọi người tin vào bản thân mình hơn là tin vào những thế lực mơ hồ nào đó.Với đặc điểm như vậy, "tiến bộ" là một phong trào hướng tới những thiên hướng mà thường được xếp vào giới tính nam trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.

Phân biệt “thị trường” theo khía cạnh xã hội

Các trí thức theo xu hướng hiện đại ở thành thị cũng tiếp cận với vấn đề thờ phụng thần linh theo một ý niệm phân tầng về nền kinh tế thị trường.

Tiến, giám đốc tiếp thị của một công ty mỹ phẩm đa quốc gia có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, đã tưởng tượng ra việc "hiện đại hóa" và "mở cửa" với thế giới ở thành thị sẽ là đặc trưng tiêu biểu của các nhà chuyên môn cổ cồn, có trình độ học vấn và có khả năng nói tiếng nước ngoài như bản thân anh ta. Những người làm việc cho một công ty trong lĩnh vực lập kế hoạch, quản lý nhân sự hay nghiên cứu thị trường được coi là ở trong lĩnh vực "hiện đại". Trong một lĩnh vực như vậy, "thị trường" là một cái gì đó cần phải được quản lý, nghĩa là được dàn xếp bởi các nguyên tắc "hợp lý" và "khoa học". Gắn liền với thế giới của những tập đoàn khổng lồ với những cái tên và thương hiệu tiêu dùng nước ngoài có tầm ảnh hưởng toàn cầu, khu vực này thường nằm ở "trung tâm" thành phố và các đặc khu đầu tư nước ngoài mới. Nó thường nằm trong những tòa nhà cao tầng sang trọng, cửa kính khung nhôm bóng loáng và có những quy tắc nói năng và ăn mặc riêng. Ngược lại, những người đang làm việc trong các khu nhà bê tông xoàng xĩnh và không có thang máy trong thành phố và ở những nơi khác được Tiến cho là những hoạt động kinh tế "lỗi thời" hoặc nếu tốt đẹp nhất cũng chỉ là "tạm thời". Tiến coi những hoạt động trong thị trường địa phương của mình là thiếu kế hoạch và tạm bợ, đặc trưng bởi những quy tắc ăn nói và mặc cẩu thả và "sự phổ biến" của các hình thức tư duy "thiếu khoa học" và những tập tục mê tín.

Đặc trưng này cũng mang bản chất giới tính; thuật ngữ "thị trường" thường nói đến một quan điểm trừu tượng về một cái chợ hiện đại, nơi mà Tiến hình dung mình đang làm việc, trong khi thuật ngữ "chợ" được dùng cho những điểm trao đổi hàng hóa trực tiếp, xây bằng bê tông và có đông đảo phụ nữ, vốn là đặc trưng phổ biến cho bối cảnh xã hội ở thành thị và nông thôn Việt Nam.

Mặc dù Tiến đã thảo ra những kế hoạch quảng cáo, tiếp thị và phân phối để đưa các sản phẩm tiêu dùng mới ra khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, song hiếm khi anh ta đi đến một cái chợ gần đó để mua những sản phẩm này về dùng. Điều này được thực hiện bởi những thành viên nữ trong gia đình anh - mẹ anh, vợ anh và con gái anh. Sự phân chia lao động mang đặc trưng giới tính như vậy khá phổ biến trong các gia đình trí thức ở khu vực thành thị Việt Nam, ngay cả khi các trí thức nam giới đang ngày càng sử dụng kỹ năng chuyên môn của mình để hoạt động trong "thị trường tri thức".

Sự khác biệt mà Tiến duy trì giữa công việc của bản thân mình là một nhà chuyên môn làm trong lĩnh vực kinh doanh và công việc của những người buôn bán, cho vay ở khu chợ gần đó có thể được coi là thể hiện những tàn tích của Nho giáo, coi trọng việc học hành và những công việc hành chính hơn các hoạt động thương mại, hay theo thứ bậc truyền thống là "sĩ, nông, công, thương".

Trong suốt một thập kỷ rưỡi, thời kỳ diễn ra sự tiếp xúc về giáo dục và thực hành với những cách thức kiếm sống mới, các thành viên của tầng lớp có học của Việt Nam ở thành thị đã phải vật lộn để tuân theo những chuẩn chuyên môn hóa và kỹ năng mới và khẳng định vị trí là nhân viên trong các hình thức công ty mới. Tuy nhiên, những tiền đề để họ dựa vào mà tham gia vào thị trường lại bị thách thức bởi những con đường khác nhau dành cho sự thăng tiến cá nhân, vốn là đặc trưng của xã hội mà họ đang sống. Tham nhũng, thói quen ưu đãi người thân, khả năng tiếp cận với những khoản tiền gửi về từ nước ngoài và việc di cư không được điều tiết đã tiếp sức cho sự nổi lên mới đây của phần lớn tầng lớp trung lưu đô thị thành phố Hồ Chí Minh.




Thiếu nữ Sài Gòn - Ảnh tư liệu


Việc thờ cúng thần linh thường được các nhà chuyên môn cổ cồn gọi là những hình thức cuộc sống bất hợp thức, quan niệm rằng việc phụ thuộc vào sự bảo vệ của thế giới thần linh thường được coi là giải pháp cuối cùng của những kẻ tuyệt vọng, bất lực. Việc họ coi rẻ những người nhờ cậy sự bảo hộ của các thần linh được gắn với sự chỉ trích của họ đối với sự tham gia không đúng đắn của các quan chức vào đời sống kinh tế và việc phổ biến các đạo lý kinh doanh bất chính, điều sẽ đe dọa làm xói mòn tính cạnh tranh của khu vực mà họ đang làm việc. Xét đến việc chính phủ Việt Nam dành nhiều sự chú ý cho việc duy trì tính hợp lệ của việc thờ cúng thần linh cũng như dành cho việc khuếch trương Việt Nam như một địa điểm lý tưởng cho đầu tư nước ngoài, sự chỉ trích việc thờ cúng thần linh mà các nhà chuyên môn thành thị đưa ra không nhất thiết là một quan điểm chủ yếu mang tính ý thức hệ, mà là một quan điểm được xuất phát từ lập trường về khả năng dễ bị tổn thương đã nhìn thấy.

Hồi kết chưa ngã ngũ

Tất cả những dẫn chứng trên đều đi đến một kết luận rằng Bà Chúa Xứ chiếm một vị trí nổi bật trong số các nhân vật được cho là dẫn đến những thay đổi kinh tế to lớn ở các thành phố và thị trường miền Nam Việt Nam.

Bà là một tượng trưng và mang lại cảm giác dễ hiểu cho những quy trình kinh tế đương đại, Bà cũng là hiện thân của một hình mẫu nhận thức lịch sử, một sự kết tinh của cái được nhiều người coi là đã có ảnh hưởng nhất định trong quá khứ.

Đối với những người thờ phụng Bà, vị nữ thần này được hàm ý trung tâm là một tác nhân tạo ra kết quả và là một đối tác trong hợp đồng của các mối quan hệ kinh tế. Là một biểu tượng hiện thân cho sự trải nghiệm lịch sử về thị trường đối với một khu vực to lớn của dân cư thành thị, Bà là một sự tượng trưng mà thông qua đó người ta thay đổi những đường hướng không chắc chắn trong hoạt động thương mại của mình và là một đối tác tin cậy mà người ta giao dịch để đạt được các mục tiêu của mình.

Ngược lại, đối với chính phủ và nhiều nhà dân tộc học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian làm việc cho các cơ quan nhà nước của Việt Nam, những vị thần như Bà Chúa Xứ đã được coi là phản ánh bản chất của "bản sắc dân tộc", một tài sản vô hình cần được gìn giữ và đề cao, nhằm mang lại cho người dân Việt một cái neo văn hóa trong một kỷ nguyên của sự thay đổi nhanh chóng và bức tường thành ngăn trở những tác hại tồi tệ nhất của toàn cầu hóa.

Trong khi nhấn mạnh đến sự lâu bền của những niềm tin vào thần linh và sự minh họa của chúng về những cội rễ sâu sắc về linh hồn ở Việt Nam, việc coi các thần linh như là đại diện của các nguồn tinh thần cho bản sắc Việt Nam cũng có thể được đặt trong điều kiện hiện tại. Một mặt, việc chính thức thừa nhận thờ cúng thần linh là một truyền thống đáng tôn kính của Việt Nam gắn với các nỗ lực của chính phủ nhằm nuôi dưỡng những tính chất chủ quan mới như "nền kinh tế dựa vào gia đình". Mặt khác, việc tưởng niệm đến các vị mẫu thần có thể được coi như một đề án diễn giải phản ứng do các trí thức thành thị đề ra nhằm duy trì địa vị và sự liên đới văn hóa trong một kỷ nguyên thay đổi văn hóa – xã hội không thể đoán trước.

Đối với những người theo xu hướng đả phá tín ngưỡng này, Bà Chúa Xứ là tâm điểm của những tập tục mà họ coi là xa cách về không gian, lỗi thời về thời gian và có giá trị xã hội không rõ ràng. Bằng việc vận dụng đến những khác biệt về không gian, thời gian và giá trị xã hội,những người theo xu hướng hiện đại, đả phá tín ngưỡng của Việt Nam thường đưa các ranh giới về không gian, thời gian và văn hóa vào khoảng cách giữa bản thân họ và những người theo đuổi việc thờ thần linh. Họ tự xác định bản thân mình ở vị thế là những đại diện xác thực cho tính thành thị, tính hiện đại và xu hướng toàn cầu hóa của Việt Nam. Dù những lời chỉ trích của họ dường như thiếu tính bao dung, song thay vì coi những quan điểm như vậy là cuồng tín theo chủ nghĩa hiện đại, chúng ta nên coi chúng như bằng chứng của một chế độ gia trưởng truyền thống kéo dài hay như một sự đả phá của tầng lớp tinh hoa đối với sự không chính thống. Chúng ta có thể nhận thấy trong những lời chỉ trích này, giống như bản thân tập tục thờ thần linh, một hình mẫu hành động trong hiện tại, một hình mẫu nhằm bảo đảm một sự tồn tại mạnh mẽ đối với một bộ phận đáng kể cộng đồng thành thị đang lúng túng khi họ lâm vào một hoàn cảnh xã hội phức tạp và không chắc chắn./.

Tác giả: Phillip Taylor

(Philip Taylor, một nhà nhân học ở Đại học Quốc gia Úc và là chuyên gia về tôn giáo Việt Nam. Ông là người đã đưa ra nhận định: "Ngày nay, tôn giáo đang phát triển ở Việt Nam, khi xét về số lượng tín đồ và sự đa dạng tín ngưỡng”)

Thi Thi (dịch từ nguồn: Anu.edu.au)