Trực tuyến với thiền sư Thích Nhất Hạnh:

Để đi qua đau khổ và hận thù

02/05/2008 07:13 (GMT + 7)
Đó là nội dung buổi bàn tròn trực tuyến giữa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn và thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra vào lúc 15:00 - 04/5/2008 tại khách sạn Kim Liên (Hà Nội) nhân dịp thiền sư và tăng thân Làng Mai về Việt Nam tham dự Đại lễ Phật đản.

“…Năm xưa khi đi ra ngoài để kêu gọi hòa bình, tôi có viết cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa (Lotus in sea of the fire) bằng tiếng Anh, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tôi nói rằng chiến tranh Việt Nam biến thành biển lửa nhưng mà có sức sống tâm linh trong đó, thành thử trong biển lửa nó có một sự kháng cự và có một đài hoa sen mọc lên mà không bị cháy trong lửa. Cái đó là đạo Phật của Việt Nam, cái đó là yếu tố làm cho mình không bị ngập tràn bởi bạo động, bởi căm thù, bởi chiến tranh…”


Đó là lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đứng đầu Thiền Phái Tiếp Hiện (còn gọi là “An trú trong hiện tại”) trong cuộc trò chuyện với Vietimes (chuyên trang của VietNamNet) tại thiền viện Bát Nhã – Lâm Đồng, năm ngoái.



Thiền sư Thích Nhất Hạnh


Trong những năm đất nước bị phân cắt, đặc biệt là giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Sư ông Thích Nhất Hạnh từng rất nổi tiếng vì những hành động phản chiến và tham gia lãnh đạo phong trào Phật giáo phản chiến. Năm 1966, dưới áp lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông đã từng bị phải sống lưu vong. Từ đó đến giờ, đạo tràng Làng Mai tại Pháp và giáo phái Tiếp Hiện của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có sự lan tỏa mạnh mẽ ở phương Tây.

Triết lý của Thiền sư Nhất Hạnh đã cho con người phương Tây nhận ra con đường giúp họ thoát khỏi bế tắc và sự u uẩn của đời sống tinh thần trong một xã hội hậu hiện đại. Và triết lý này cũng cần thiết với đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung, và giới chuyên gia, doanh gia nói riêng trước những đe doạ của một nhịp sống công nghiệp ngày một hối hả.

Năm 2005, trong chuyến trở về Việt Nam đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng có rất nhiều nỗ lực “xóa khổ đau” của một dân tộc nhiều phân ly loạn lạc; xóa bỏ định kiến để con người gần nhau hơn bằng tình yêu thương và hiểu biết.

Lần trở về thứ nhì năm ngoái, với “Đại trai đàn giải oan” được tổ chức ở cả ba miền Nam – Trung – Bắc, ông hoan hỉ nhận thấy: “Việt Nam ngày một cởi mở và tiến bộ hơn”. Mỗi lần trở về và “ở lại” của ông trên đất Việt là mỗi lần cố gắng kéo người Việt gần nhau thêm để dân tộc thực sự hòa giải và thống nhất. “Chúng tôi dùng hình thức lắng nghe và ái ngữ để dung hoà và kêu gọi hòa giải. Quan điểm của tôi là ôm lấy cả hai bên, không gây thù oán. Tình thương đích thực có chất liệu của sự kiên nhẫn và không có kỳ thị” (Người Viễn xứ - chuyên trang của VietNamNet).


Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Thiền viện Bát Nhã trong chiếc nôi quê hương


Dùng tình thương để xóa bỏ hận thù là tinh thần, là triết lý của Phật giáo. Nhập thế một cách hữu hiệu nhất của người hiểu Phật pháp là lan tỏa tinh thần tốt đẹp của đạo Phật để giúp con người làm được nhiều điều tốt, sống có ích hơn trên thế gian này.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã vận dụng giáo lý đạo Phật như thế nào để mong muốn hòa giải lòng người, thống nhất dân tộc? Và trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, đạo Phật đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng nhân cách, lối sống và giữ gìn văn hóa dân tộc?

Đó là chủ đề của buổi trực tuyến giữa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (TBT Báo điện tử VietNamNet) và thiền sư Thích Nhất Hạnh vào lúc 15:00 - 04.05.2008 tại khách sạn Kim Liên nhân dịp thiền sư và tăng thân Làng Mai về Việt Nam tham dự Đại lễ Phật đản.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi tham gia buổi trực tuyến TẠI ĐÂY

http://www.tuanvietnam.net/vn/donggop/39/index.aspx

VietNamNet



Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới Hà Nội thuyết pháp

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đoàn tăng thân Phật giáo quốc tế Làng Mai đã về Việt Nam để tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 theo lời mời của của Ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 (IOC).

Theo chương trình dự kiến, chiều 28/4, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đoàn tăng thân Phật giáo quốc tế Làng Mai sẽ ra Hà Nội, tổ chức một số buổi pháp thoại, pháp đàm, thiền trà về các chủ đề “Đạo Phật của tuổi trẻ: Gieo hạt từ bi, Giữ gìn đất mẹ”; “Đạo Phật Dấn Thân của Thế kỷ 21” và đặc biệt là khoá tu 7 ngày cho người nước ngoài tại Hà Nội trước khi dự Đại lễ Vesak 2008.

Sau khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Thiền sư và Đoàn đã tới Tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc (Lâm Đồng) để tổ chức một số buổi thuyết pháp với chủ đề: "Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương“.

Cũng trong thời gian diễn ra Đại lễ Phật đản, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đoàn tăng thân Làng Mai sẽ đi tham quan và tổ chức các khóa tu tại Hà Nội về các chủ đề: “Nuôi dưỡng thương yêu và hiểu biết để chuyển hóa bạo động trong gia đình, học đường và xã hội”; thuyết trình bằng tiếng Anh: “Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh”; tham quan Vịnh Hạ Long và chùa Hương.

Sau Đại lễ, Thiền sư và tăng thân làng Mai sẽ đi các tỉnh miền Trung và TP.HCM để tổ chức các hoạt động thuyết pháp tại đây. Cuối tháng 6/2008, đoàn sẽ rời Việt Nam, về Pháp.

(Theo TTXVN