6.- Đức Hộ Pháp nói chuyện với thợ hồ đang xây cất TòaThánh.
Ngày 16-10-Bính Tý (dl 29-11-1936)



ĐỨC HỘ PHÁP nói chuyện
với thợ hồ đang xây cất Tòa Thánh.
Bài ghi chép của Sĩ Tải Hiển và Luật Sự Trấn.



Công thợ đang ngồi nghỉ mệt nói chuyện, chợt thấy Đức Hộ Pháp đi vừa đến, cả thảy anh em thợ sợ hãi vội lo kiếm việc làm, kẻ trộn hồ, người rinh đá, ...

Đức Ngài bảo mấy em nghỉ, cả thảy lại đây.

Mấy em làm có mệt thì nghỉ, đừng có trốn lánh nặng tìm nhẹ thì công quả không đầy đủ, đừng có tựu lại Sở, ghi tên rồi đi chơi, chờ đến giờ chạy về làm bộ siêng năng đặng Cai Sở ghi công. Đó là mấy em tưởng làm đây rồi trả nợ cho qua buổi.

Thường công việc làm ở ngoài Đời, họ buộc từ giờ từ khắc, là vì mấy em làm ăn tiền, nên cái tật lánh né đã quen. Nơi cửa Đạo, trường công quả không buộc, không ép, hễ ai muốn lập công để tạo quả vị thì làm, rất có nhiều phương lập công, từ bực thấp hèn dốt nát đến hạng trí thức thượng lưu, đều tùy sức và tài năng của mỗi người, nam nữ cũng vậy.

Người giỏi có văn tài thì làm việc công văn ngồi bureau, cùng là đi Đầu Họ, Đầu Quận để hành đạo, đúng chơn truyền luật pháp không sửa cải, họ phổ độ nhơn sanh lập đức chiếm đại công quả. Điều nầy rất khó, vì mang một Thánh thể vào mình để dìu dẫn con cái Đức Chí Tôn, nếu ai đầy đủ Tam Lập, được đem đại công về trình với Đức Chí Tôn; còn nếu làm không trọn vẹn thì công quả đã mất mà còn thiếu nợ nhơn sanh nữa mà chớ !

Còn ngồi bureau làm công văn, mà cứ lo xem sách, truyện, đọc báo, mà chờ giờ ghi công trả nợ, đến khi khai công nghiệp kể cho nhiều năm để thăng phẩm Chức sắc về hữu hình thì dễ, còn về quyền năng thiêng liêng thì dễ gì qua được, giỏi lắm là trừ hột cơm của nhơn sanh, chưa đủ nữa là khác !

Sự lập công quả nơi cửa Đạo, dầu việc nhỏ việc lớn, đều là đắc vị được, do tâm đức để tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn, trong ba mà thiếu một là chưa chiếm được, dầu cho công phu đào luyện lên bực Đạo Nhơn đi nữa, một lời nói chơi, nếu có hại cho người cũng đủ tái kiếp trả quả, chớ đừng nói đến sự ghét giận người, gây oán trách hờn, không trọn tình thương thì không dễ gì đoạt được Tam Lập.

Còn mấy em đây là hạng dốt nát thì cứ vâng lời Hội Thánh, sự mệt nhọc mồ hôi tầm tã mà không thối chí ngã lòng, ăn cháo rau, rách rưới, ngày nào cũng vẫn như ngày nấy, dầu vậy mà mấy em có phước về đây hiệp cùng Qua lo tạo tác Đền Thánh.

Trước kia đã 3 năm khởi tạo đều ngưng trệ bỏ dở vì không tạo được tâm đức nên Hội Thánh giao cho Bần đạo lãnh làm. Bần đạo tạo tâm đức cho mấy em.

Nếu ai muốn làm công quả, phải trọn hiến thân, chỉ có người Phước Thiện về đây, đứa thì lãnh Đốc Công, Cai Sở, thợ hồ, công thợ, nam thì tu chơn, nữ thì thủ trinh tình nguyện cho đến khi tạo Đền Thánh xong. Chỉ có tâm đức đó, thầy trò mình mới dám lãnh, đứng ra làm.

Vậy, các em ráng bền chí lo công quả tạo tâm đức, lập âm chất, thì Đức Chí Tôn ban cho mỗi đứa được hưởng cái vinh diệu vô cùng, ai muốn hưởng tại thế thì hưởng, còn không thì hưởng phần thiêng liêng cao trọng và tồn tại.

Hồi mấy thế kỷ trước, nơi Đế Thiên Đế Thích, người cũng tạo bằng cây gạch ngói vôi cát, Chí Tôn cũng cho đắc vị hết.

Bên nữ thì ham làm vì sợ thua bên nam, nên ráng làm cho rồi, còn bên nam thì ỷ giỏi không cần làm, thả trôi, đến ngày Chí Tôn cho thành thì bên nữ đắc vị về thiêng liêng nhiều hơn, còn bên nam thì ít.

Ngộ nghĩnh thay, lúc thành đạo, tòa Đế Thiên trở thành đá hết, đến đỗi xung quanh và người đang bào đục, nấu cơm, . . . nói rõ là cả thảy người nơi đó đều thành đá, bia tạc lưu truyền thiên niên chi cổ cho đến ngày nay vẫn tồn tại, danh tiếng khắp cả hoàn cầu, mặc dầu xác họ là đá, nhưng linh hồn họ đạt Phật vị cả.

Đền Thánh Đạo Cao Đài hiện tại ở Việt Nam ngày nay là nơi Đức Chí Tôn ngự, tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế, bây giờ nó là gạch ngói, xi măng, cát vôi, cho đến buổi thành thì là một khối đá vĩnh cửu trường tồn cũng như tòa Đế Thiên đó vậy, nó sẽ mỹ lệ hơn nữa.

Rồi đây, mấy em muốn đến xem phong cảnh tòa Đế Thiên, Bần đạo sẽ cho đến xem thì sẽ thấy quyền năng thiêng liêng vô đối. Vậy mấy em cứ lo làm, đừng tưởng làm đây rồi không có hưởng gì, nếu mấy em đặt trọn đức tin nơi Chí Tôn thì sẽ hưởng hồng ân vô đối của Ngài ban cho không gì bằng.

Khi làm Đền Thánh xong, Bần đạo còn chọn một chỗ cất Nhà Tịnh thì mấy em cũng ráng làm nữa.

Ông Huỳnh Thiện Chơn :

- Bạch Đức Ngài, nếu cất Nhà Tịnh, mấy con cũng cứ lo làm công quả, làm sao tịnh được và cấp bực nào mới xin vào tịnh ?

Đức Ngài nói :

- Bần đạo lập là chung cho cả nhơn loại, hạng nào cũng được, không phân biệt Chức sắc hay tín đồ, hoặc các Chi phái xin trở về, cùng là các đạo giáo khác, nếu muốn thì vào cũng được nhưng phải có Quyền Vạn linh công nhận (đó là phần Chi phái và ngoại giáo).

- Bạch Đức Ngài, rồi đây người nào cũng xin vào tịnh, rồi ai lo phổ độ, ai làm công quả, chỉ có mấy người không phận sự họ mới xin vào tịnh.

“ Đức Ngài day lại nói với Sĩ Tải Hiển, Luật Sự Trấn ở bên cạnh đang ghi chép :

- Hiển với Trấn hay tò mò lục lạo, các nước ngoài người ta giỏi lắm, chế ra nhiều thứ chữ viết tắt lẹ lắm, mỗi khi hội đàm cùng giảng thuyết, họ đều ghi chú lại hết, còn mình đây dốt, chưa phát minh, có khi hội đàm cùng đi ra ngoài đời, có nhiều cái hay mà mình không chép lại được để học hỏi. Mấy đứa bây ráng chế làm sao, làm dấu như thế nào để ghi lại cái hay mà người ta nói giữa đông người.”

Đức Ngài nói tiếp :

- Chơn, bộ em ham tịnh lắm sao ? Đâu có phải những người làm biếng mà vào tịnh được. Trước khi vào tịnh thì phải có đủ Tam Lập là : Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn. Nơi cửa Đạo đặt ra việc chi đều là hữu ích cả, mượn Thể Pháp tượng trưng mới đoạt Bí Pháp. Trước kia Bần đạo lập Phạm Môn xuất hiện tại Tòa Thánh tượng trưng Cửa Phật độ sanh hồn, tức nhiên gọi Phật; Minh Thiện Đàn mở tại Khổ Hiền Trang, Bần đạo khai Thể Pháp tại đó, gọi là Pháp, Phước Thiện ngày nay đã ra thiệt hiện, tức nhiên ra mặt xã hội, gọi là Tăng, thì nó sẽ bành trướng vận chuyển lưu hành cùng khắp xã hội nhơn quần, nghĩa là phải phụng sự cho toàn thể chúng sanh, tế khổ phò nguy, đi Đầu Họ Đầu Quận làm hậu thuẫn cho Hội Thánh Cửu Trùng Đài, lo cơ tận độ, chỉ có công phổ độ mới giải quả tiền khiên. Ai không có xuất thân hành đạo, nghĩa là không có công phổ độ thì không vào tịnh được, vì không đủ Tam Lập.

Trước khi xin vào, phải nạp tất cả giấy tờ hành đạo, lai lịch từ thuở nhỏ đến trưởng thành, ở ngoài Đời không án tiết, trong cửa Đạo cũng vậy, trọn tùng luật pháp Đạo và trường trai mới được, rồi giao cho Pháp Chánh minh tra về Thể Pháp đủ bằng chứng.

Chi Pháp phải giữ hồ sơ của mỗi người, còn nhiều điều trọng yếu về vô vi, không thế gì Chi Pháp biết đặng, chiếu văn kiện thì đầy đủ lắm vậy, Chi Pháp chỉ biết văn bằng hiện hữu về mặt hữu hình mà thôi. Khi minh tra đủ lẽ, rồi mới giao cho Hộ Pháp cân thần, nếu vị nào đủ Tam Lập thì vào tịnh được, bằng thiếu thì trở lại đi Đầu Họ, Đầu Quận, đi hành đạo nữa. Nói rõ là phải có Hộ Pháp trục thần khai khiếu mới biết đặng đủ hay thiếu Tam Lập, còn không thì ngồi tịnh, bụng lớn vô ích.

Ông Bàng :

- Bạch thầy, như thế mấy con đây làm công quả, không đi Đầu Họ Đầu Quận làm sao vô tịnh được, vì không đủ Tam Lập ?

Đức Ngài nói :

- Riêng về phần mấy em, cứ lo tạo Đền Thánh, rồi đây Bần đạo định cho, phần thiêng liêng thì Chí Tôn đã hứa, còn về hữu hình, nếu muốn làm quan Đạo thì Bần đạo ban cho phẩm Giáo Thiện, nam nữ cũng vậy.

Ông Trình bạch :

- Những hạng văn hay chữ giỏi tài đức, người ta mới giúp nhơn quần xã hội đúng theo lời thầy dạy là phải giúp nhơn loại khắp cả hoàn cầu đặng Lập Đức, còn Lập Công, muốn đền ơn cha mẹ và xã hội vì công sanh thành và xã hội nuôi hột cơm và manh quần tấm áo, nhờ đó mà ta sống, tức nhiên đụng ai trả nấy, nghĩa là trả cho toàn thể nhơn quần xã hội trên mặt địa cầu mới đúng thuyết Lập Công. Còn Lập Ngôn thì tìm hiểu chép Thánh Ngôn lời lành lời phải để lại cho nhơn sanh học hỏi cái Đạo ngôn ngữ mà bắt chước, mấy con dốt có thế nào làm được ?

Đức Ngài nói :

- Phương pháp Tam Lập, nói rõ là chỉ đem trọn mảnh thân nầy làm tế vật cho Chí Tôn đặng phụng sự nhơn loại, nếu giải rõ thì rất nhiều chi tiết, để có dịp Bần đạo sẽ thuyết minh hoặc viết sách in ra cho học hỏi.

Bây giờ mấy em làm công quả, nó cũng ở trong thuyết Tam Lập, lại nữa cái công tạo tác Đền Thánh là đền thờ chung của toàn nhơn loại sùng kính, như thế cũng đáng lắm rồi.

Mặc dầu không đủ Tam Lập, mà mình làm điều gì mà toàn thể nhơn loại hằng ca tụng, nhắc nhở và ghi ân, lưu danh hậu thế, cũng là một việc khó làm, nó cũng sánh với công phổ độ vậy.

Nếu xét lại, em nào còn thiếu Thiện Công, Thiện Ngôn, sau nầy phải xuất sư, cũng làm thầy tạo nghiệp đạo, rồi ngoài kia hễ Chức sắc xuất dương ngoại quốc, các em cũng xuất sư tạo nghiệp ở các nước, nên ráng lập công, học cho thông mọi việc theo nghề nghiệp mình.

Bần đạo khuyên các em ở cùng nhau một sở, phải coi nhau như ruột thịt vậy, trên thương dưới, dưới không nghịch trên, dùng ngôn ngữ từ hòa đối đãi với nhau để đoạt đạo ngôn ngữ, nam nữ cũng vậy.

Thợ hồ :

- Bạch thầy, mấy con về đây làm công quả, đã hiến thân trọn đời vào Phước Thiện, hằng ngày cực khổ, ăn cháo rau, áo quần tiền bạc thiếu kém mọi mặt mà không Thiện Công, Thiện Ngôn. Bạch thầy, kiếp sanh làm người ở thế mong được cái Đức là hạnh phúc mà có người làm chưa được, bây giờ thầy dạy phải Thiện Đức thì làm sao cho đặng ?

Đức Hộ Pháp nói :

- Bần đạo hỏi mấy em về làm công quả tự mình đi hay là có ai biểu ?

- Mấy con là người hiến thân Phước Thiện thì trọn quyền của Hội Thánh sai khiến, khi nghe Châu Tri mộ công quả, mấy con mới vâng lịnh ông Đầu Họ biểu về đây.

Đức Ngài nói :

- Đó là lập công lập vị hay là chuộc quả, đứng vào hàng “Giáo nhi hậu thiện” là nghe lịnh mà theo. Nếu các em nào tâm đức minh mẫn, được “Bất giáo nhi thiện” là thiện công thiện ngôn đó vậy. Hạng nầy gọi là phi thường, khỏi vào Nhà Tịnh họ cũng đoạt pháp được là vì họ sẵn là nguyên nhân, họ hiểu biết mà làm, họ tự tạo âm chất, thật hành điều nghĩa điều thiện, là Thể pháp, tức nhiên có thể đoạt Bí pháp, có điều thiếu một việc, muốn đắc pháp phải có chơn sư khai khiếu mới trọn vẹn được, đó mới gọi là “Thượng phẩm chi nhơn”; còn mấy em đây là “Trung phẩm chi nhơn, giáo nhi hậu thiện”, mấy em tạo thiện đức được là là biết nghe lời Hội Thánh.

Người ta có tài thì làm việc hay, còn mình dở thì làm việc thường. Bần đạo tỉ dụ một việc thường để mấy em dễ hiểu : Phận mình dốt thì làm theo dốt. Muốn tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn là làm như vầy :

Mình nghe đâu có cất chùa thì mình tự tính đi đến xin làm công quả; nghe đâu có ai bị tai nạn khốn khổ thì trong đêm ấy, nằm tính và thương xót, nghe chỗ đó bị tai nạn, mình định sáng ngày rủ anh em hay tự mình đi, dầu sáng nầy tằm chín hoặc có một mối lợi gì đó cũng bỏ, đi đến trợ giúp việc tai nạn, đó là thiện đức, nghĩa là khi mình tính.

Khi đến nói như vầy : Thưa anh, tôi nghe anh bị tai nạn, tôi đến để xin phép giúp anh một ngày, hoặc là vác một cái cây, hoặc là giúp một đồng bạc, vậy xin anh vui lòng cho tôi giúp với một nghĩa mọn.

Khi mình nói là thiện ngôn, khi mình làm là thiện công. Chớ không phải ỷ có của rồi nói sỗ sàng : đây tôi cho anh một đồng bạc mua gạo ăn đỡ đói. Như vậy là chưa thiện ngôn.

Mấy em đừng có phân bì việc lập công với Đạo, bực Chức sắc mà không làm được, còn mình là tín đồ thì làm gì !

Mấy em phải hiểu rằng cái tâm đức từ thiện ở cửa Đạo không phân biệt lớn hay nhỏ, dầu nhỏ lớn đều làm được. Hễ ai có nguyên căn thì làm được.
Cam La sớm gặp cũng vinh,
Muộn thời Khương Tử cũng vinh một đời.

Mấy em đừng lầm tưởng rằng phải vào Tịnh Thất mới đoạt pháp đặng. Mấy em làm công quả hằng ngày là tô điểm nuôi nấng Thể pháp. Khi mấy em đắc pháp mà mấy em chưa biết đặng, cái Thể pháp ở trong trong thuyết Tam Lập mình tự đào tạo nó hay là lo làm âm chất và làm điều thiện, tự giác nơi lòng mình, thì cái Chơn pháp ấy vẫn từ từ sẽ có và tồn tại. Đó mới gọi là Chơn pháp, chớ chẳng chờ ai ban cho mình Chơn pháp.

Nếu tâm thiện mình không có, dầu thọ pháp hay là tịnh luyện rồi nó cũng mất. Bởi lẽ ấy mà Bần đạo truyền Thể pháp lẫn có Bí pháp cho Chức sắc giải oan, tắm Thánh, hôn phối và phép xác. Chỉ có Giáo Sư Minh vừa khá rồi cũng bị lấy lại, còn bao nhiêu từ từ phai lợt của Bần đạo đã ban cho mà tự mình làm mất, bởi lý do không giữ tồn tại.

1. là sự nóng giận khiến ngôn ngữ không lành.

2. là sắc dục, dầu cho vợ chồng cũng là sắc dục.

3. là không trọn vẹn giữ trai giới và không tinh khiết.

Trọng đại hơn hết là cái đạo ngôn ngữ ở trong cửa Đạo, từ tín đồ lập công cho đến Chức sắc phải có ba ngàn (3000) công quả, đã nhiều năm dày công tu luyện mới nhập vào Thánh thể của Đức Chí Tôn, nếu mà chưa trọn đạo ngôn ngữ, thốt ra một lời nói bất lợi cho mình cho người thì nó cũng tan như giá.
Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang,
Nhứt ngôn khả dĩ tán bang.
Tỉ như lúc gặp đồng đạo của mình mà bị phạm tội với Đạo, với Hội Thánh, với thầy với bạn, họ đã chịu khổ đau tâm hồn lắm vậy. Mình là người vô tội hoặc là mang Thiên mạng vào mình, mà còn tánh đức phàm tục, cứ khinh rẻ chê bai, trích điểm, làm cho bạn mình đau khổ thêm. Lẽ đạo thương người không hết, có lý đâu buông lời nhạo báng, vô tình mà mình mất cả chơn pháp mà gánh lấy tội của họ đã làm mà may duyên cho họ được trao lại cho mình.

Chớ chi Hội Thánh thay hình thể Đức Chí Tôn, dùng luật hữu hình trị tội thì Thiên điều khỏi tội.

Còn mình không phải là thay hình thể Đức Chí Tôn, cũng là bạn đồng sanh, mà mình chưa chắc gì trong sạch hơn kẻ đang có tội, mà mình lại lãnh thêm nữa.

Cái huyền vi mầu nhiệm của Bí pháp rất hệ trọng lắm vậy.

Học đạo ngôn ngữ của Thánh hiền phải cẩn ngôn cẩn hạnh, trước khi nói phải suy nghĩ điều nào phải, điều nào lợi rồi sẽ nói. Một là chơn chánh, hai là dễ thương, ba là hữu ích.

Nhược bằng không được ba điều trên thì nên giới khẩu, làm thinh là tốt hơn nói.