kết quả từ 1 tới 15 trên 15

Ðề tài: MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC TRONG LỊCH SỨ DÂN TỘC

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC TRONG LỊCH SỨ DÂN TỘC

    MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC
    TRONG LỊCH SỨ DÂN TỘC


    NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

    PHAN HUY LÊ, BÙI ĐĂNG DŨNG, PHAN ĐẠI DOÃN, PHẠM THỊ TÂM,
    TRẦN BÁ CHÍ






    MỤC LỤC

    Lời nhà xuất bản

    Mở đầu

    Chương I: Chiến thắng Như Nguyệt

    Chương II: Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

    Chương III: Chiến thắng Tốt Động-Chúc Động

    Chương IV: Chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang

    Chương V: Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút

    Chương VI: Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa

    Chương VII: Kết luận

    Tài liệu tham khảo


    LỜI NHÀ XUẤT BẢN

    Đánh giặc giữ nước là một nội dung chủ yếu của lịch sử dân tộc Việt Nam. Thế kỷ nào, thời đại nào quân và dân ta cũng đều phải chống giặc ngoại xâm. Những chiến công hiển hách từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ để lại cho các thế hệ mai sau những bài học, những tấm gương ngời sáng về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về trí tuệ Việt Nam.

    Cuốn sách MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC TRONG LỊCH SỨ DÂN TỘC của các tác giả: Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chí, được tái bản theo yêu cầu của một số đơn vị, cơ quan và những nhà nghiên cứu.

    Ở cuốn sách này, tập thể tác giả đã cố gắng phục dựng lại sáu chiến thắng oanh liệt có ý nghĩa quyết định của quân và dân ta trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thời kỳ phong kiến độc lập. Đó là:

    - Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077.
    - Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
    - Chiến thắng Tốt Động-Chúc Động năm 1426.
    - Chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang năm 1427.
    - Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1785.
    - Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789.

    Trong bản in lần thứ ba này, trên cơ bản vẫn giữ như cũ, các tác giả chỉ sửa chữa những địa danh tỉnh, huyện cho phù hợp với thực tế hiện nay và bổ sung thêm tư liệu ở một số chỗ cần thiết.

    Để nghiên cứu và biên soạn sáu chiến thắng được giới thiệu trong cuốn sách này, tập thể tác giả đã khai thác mọi nguồn tư liệu có thể sử dụng được. Vận dụng phương pháp kết hợp các tư liệu thành văn và tư liệu thực địa, các tác giả đã phân tích, khai thác, tận dụng mọi giá trị thông tin sử liệu, xác minh bổ sung cho nguồn sử liệu trong thư tịch. Đó là cơ sở tư liệu tổng hợp để nghiên cứu và biên soạn cuốn sách này nhằm dựng lại một số chiến công vĩ đại của tổ tiên thuở xưa. Qua đó giúp quân và dân ta nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc, góp phần vào việc tìm hiểu, kế thừa và phát huy những truyền thống, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước hết sức phong phú, độc đáo, sáng tạo của dân tộc, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới - đẩy mạnh công ngniệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

    MỞ ĐẦU

    Nhìn lại con đường lịch sử đã qua, trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải chiến đấu chống ngoại xâm gần như thường xuyên và đã chiến thắng ngoại xâm một cách oanh liệt. Đó là một nét nổi bật của lịch sử Việt Nam, là thử thách gay go nhất nhưng cũng là niềm tự hào lớn nhất của dân tộc ta.

    Nước ta có tài nguyên phong phú, lại ở vào một vị trí địa lý quan trọng của vùng Đông-Nam Á. Nằm ở góc cực Đông Nam của đại lục châu Á, nước ta vừa nhìn ra Thái Bình Dương với bờ biển dài 3.260 ki-lô-mét, vừa nối liền với lục địa bằng những đường giao thông thủy bộ thuận lợi từ Nam lên Bắc, từ Đông sang Tây. Với vị trí đó, nước ta là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm cư dân trên đường thiên di, nơi giao lưu của nhiều luồng văn hóa phương Đông và cũng là địa bàn chiến lược mà nhiều thế lực xâm lược thèm khát, nhòm ngó.

    Trong lịch sử, nhiều đế chế cường thịnh thời Cổ-Trung đại và nhiều cường quốc đế quốc thời Cận-Hiện đại đã âm mưu xâm chiếm nước ta. Kẻ thù muốn đánh chiếm nước ta không những để bóc lột nhân dân, vơ vét của cải, khai thác những nguồn tài nguyên phong phú, mà còn biến nước ta thành một đầu cầu chiến lược để bành trướng khắp vùng Đông-Đông Á, để từ biển cả tiến sâu vào vùng đại lục bao la cũng như từ đất liền tỏa ra các vùng hải đảo. Chính vì vậy, kể từ khi dựng nước đến nay, trong suốt lịch sử lâu dài của mình, dân tộc ta phải luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chống ngoại xâm và phải liên tiếp đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, phần lớn là những quốc gia lớn mạnh, những đế quốc cường bạo.

    Vừa mới dựng nước thì nhân dân ta đã phải chiến đấu chống lại nhiều mối đe dọa từ bên ngoài xô tới. Nước Văn Lang trẻ tuổi đời Hùng Vương đã phải chống nhiều thứ "giặc" mà ký ức lâu đời của nhân dân còn ghi nhớ dưới dạng những truyền thuyết như giặc Man, giặc Xích tỷ (Mũi đỏ), giặc Thạch linh thần tướng... Nước ta cũng như cậu bé làng Phù Đổng sinh ra mới ba tuổi đã phải vụt lớn lên thành người khổng lồ để đánh giặc giữ nước. Câu chuyện Phù Đổng thiên vương đượm màu sắc thần thoại là một biểu tượng hào hùng về quyết tâm chống ngoại xâm và sức mạnh vùng dậy chiến thắng của toàn dân như nhà thơ Cao Bá Quát đã ngợi ca:

    Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn,
    Đằng vân do hận cửu thiên đê.


    Nghĩa là:

    Phá giặc chỉ hiềm ba tuổi muộn,
    Lên mây còn giận chín trời thấp
    .

    Cuối đời Hùng Vương sang đời An Dương Vương, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với vận mạng của nước ta. Từ đây, giặc ngoại xâm không còn là những thứ giặc trong truyền thuyết nữa, mà đã hiện nguyên hình với tên gọi và xuất xứ cụ thể của nó, được ghi chép rõ ràng trong sử sách.

    Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của đế chế Tần vào cuối thế kỷ III trước công nguyên là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ác liệt, có quy mô lớn trong lịch sử. Sau hơn 10 năm chiến đấu bền bỉ, dũng cảm, mưu trí, nhân dân ta đã đánh bật quân giặc ra khỏi đất nước, ghi lại một chiến công hiển hách.

    Chỉ tính toán sơ bộ, từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc thắng lợi, trong khoảng hơn 22 thế kỷ, dân tộc ta đã tiến hành 13 cuộc chiến tranh giữ nước hết sức quyết liệt [1]. Trong 13 cuộc chiến tranh đó, dân tộc ta đã 10 lần chiến thắng oanh liệt giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, chỉ có 3 lần bị thất bại.

    Trong số 13 cuộc chiến tranh trên chỉ có ba lần thất bại là cuộc kháng chiến chống Triệu đời An Dương Vương, chống Minh đời Hồ và chống Pháp đời Nguyễn.

    Sau mỗi lần thất bại, đất nước tạm thời bị nước ngoài đô hộ, nhưng nhân dân ta lại vùng lên đấu tranh liên tục, mãnh liệt, quyết giành lại bằng được độc lập dân tộc. Trong ba quãng thời gian mất nước - thời Bắc thuộc, thời Minh thuộc, thời Pháp thuộc, nhân dân ta đã tiến hành hàng trăm cuộc khởi nghĩa, trong đó có hàng chục cuộc khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô rộng lớn, đưa đến những thắng lợi tạm thời, cục bộ và cuối cùng là thắng lợi quyết định giải phóng hoàn toàn đất nước.

    Trong khoảng hơn 22 thế kỷ mà ta phải tiến hành 13 cuộc chiến tranh giữ nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, hàng chục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô rộng lớn để giành lại độc lập dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm lên đến khoảng 12 thế kỷ, chiếm hơn một nửa thời gian lịch sử (tính từ kháng chiến chống Tần vào thế kỷ III trước công nguyên đến ngày nay). Có thể nói, ít thấy một dân tộc nào trên thế giới phải chống ngoại xâm triền miên với thời gian kéo dài và số lượng các cuộc kháng chiến nhiều đến như thế.

    Trong lịch sứ chống ngoại xâm lâu dài của dân tộc, chỉ có vài trường hợp, kẻ đi xâm lược so với ta không hơn kém bao nhiêu. Đó những lúc dân tộc ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện tương đối cân sức. Còn hầu hết trường hợp, cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc ta đều diễn ra trong hoàn cảnh so sánh lực lượng hết sức chênh lệch. Kẻ xâm lược là những quốc gia phong kiến lớn phương Đông. Những đế chế lớn thời Cổ-Trung đại, những cường quốc đế quốc chủ nghĩa thời Cận-Hiện đại có tiềm lực lớn hơn ta nhiều lần.

    Do đó, “giặc cậy trường trận, ta cậy đoản binh, lấy đoản chế trường... " (lời Trần Quốc Tuấn) hay "lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” (lời Nguyễn Trãi) là điều kiện chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta, và cũng là một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Dân tộc ta không những phải chống ngoại xâm thường xuyên mà còn chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, ác liệt với so sánh lực lượng rất chênh lệch như vậy.

    Chiến tranh là cuộc đọ sức một mất một còn, là sự thử thách quyết liệt nhất, toàn diện nhất sức sống của một dân tộc. Trong cuộc chiến đấu lâu dài vì Độc lập, Tự do của đất nước, dân tộc ta không phải không có lần bị thất bại, thậm chí có khi thất bại nặng nề, đau xót.

    Trong số 13 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc mà dân tộc ta đã trải qua, có 3 lần kháng chiến bị thất bại. Trong số hàng trăm cuộc khởi nghĩa để giành lại chủ quyền dân tộc có biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa dã bị kẻ thù đàn áp dã man, bị nhấn chìm trong biển máu.

    Lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm và làm sao tránh khỏi những lúc lầm than, tủi nhục. Con đường mà dân tộc ta đã đi qua đầy gian nan, nguy hiểm. Nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức, không để cho kẻ thù khuất phục, không để cho chông gai thử thách của lịch sử cản bước, dân tộc ta luôn luôn hướng về phía trước, vươn lên với ý chí kiên cường, sức sống phi thường và năng lực sáng tạo phong phú.

    Thất bại chỉ là tạm thời và không bao giờ vì thất bại mà chùn chân, nản chí, dân tộc ta cuối cùng đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, kể cả những đế quốc cường thịnh bậc nhất của thời đại bấy giờ. Quyết tâm, ý chí và nghị lực của dân tộc thể hiện rõ rệt trong các cuộc chiến tranh yêu nước và sớm được đúc kết lại trong những lời tuyên bố đanh thép của các anh hùng dân tộc.

    Thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt nói:

    “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.


    Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi khẳng định:

    “Như nước Đại Việt ta từ trước,
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
    Cõi bờ sông núi đã riêng,
    Phong tục Bắc, Nam cũng khác,
    Mạnh yếu tuy có lúc kthác nhau,
    Nhưng hào kiệt không bao giờ thiếu”.


    Thế kỷ XVIII, Nguyễn Huệ kêu gọi:

    “Đánh cho nó chích luân bất phản
    Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
    Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.


    Và năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho cả dân tộc, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới:

    “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.
    Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải
    để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".


    Kẻ thù đã thử thách sức sống của dân tộc ta một cách ghê gớm và lịch sử là bằng cứ hùng hồn chứng minh rằng "dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Bốn nghìn năm giữ nước của dân tộc ta là một thiên anh hùng ca rạng rỡ với biết bao chiến công oanh liệt chống ngoại xâm.

    ==***==

    Riêng trong thời kỳ phong kiến độc lập, kể từ sau chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938 giành lại độc lập hoàn toàn cho đến trước cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mở đầu năm 1858, trong hơn 9 thế kỷ, dân tộc ta đã phải tiến hành 8 cuộc kháng chiến giữ nước.

    Đó là các cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981 và năm 1075-1077, chống Mông-Nguyên năm 1258, năm 1285 và năm 1287-1288, chống Minh năm 1406-1407, chống Xiêm năm 1784-1785, chống Thanh năm 1788-1789.

    Trong 8 cuộc kháng chiến trên, dân tộc ta đã 7 lần giành thắng lợi vẻ vang, chỉ có 1 lần thất bại tạm thời. Nhưng ngay sau thất bại ấy - thất bại của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh dưới thời Hồ Quý Ly - dân tộc ta lại vùng lên khởi nghĩa liên tục và chỉ 20 năm sau (năm 1407-1427) đã quét sạch quân giặc ra khỏi đất nước bằng một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi vang dội.

    Những cuộc chiến tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng thắng lợi trên đây cũng như nhiều cuộc chiến tranh yêu nước khác trong lịch sứ chống ngoại xâm của dân tộc ta, đều đánh dấu và kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược lừng lẫy.

    Tùy theo so sánh lực lượng và hoàn cảnh cụ thể của mỗi cuộc kháng chiến, những trận quyết chiến chiến lược diễn ra hết sức khác nhau, với những hình thức phong phú, hầu như không trận nào giống trận nào. Nhưng nói chung, đó là lúc dân tộc ta tập trung tất cả sự nỗ lực của mình để giành lấy thắng lợi có ý nghĩa quyết định về mặt quân sự, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, làm thất bại mọi cố gắng chiến tranh và âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, đánh bại ý chí xâm lược của chúng.

    Kẻ thù của dân tộc ta vốn là những đế chế lớn, có nhiều tiềm lực kinh tế và quân sự, có quyết tâm xâm lược cao và ngoan cố. Do đó, nền độc lập dân tộc của ta chỉ thực sự giành và giữ được khi cuộc chiến tranh yêu nước đạt đến thắng lợi oanh liệt, đè bẹp hoàn toàn hoặc ít nhất, làm thất bại về cơ bản ý chí xâm lược của kẻ thù. Có như vậy, chúng mới chịu từ bỏ dã tâm xâm lược và không dám xâm phạm nước ta nữa.

    Mức độ thắng lợi của quyết chiến chiến lược phản ánh thắng lợi chung của toàn bộ cuộc chiến tranh và là cơ sớ có ý nghĩa quyết định để kết thúc chiến tranh bằng những biện pháp chính trị, ngoại giao khéo léo và mềm dẻo, bảo đảm giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

    Sau khi mới giành lại được độc lập, hai lần xâm lược của quân Tống vào cuối thế kỷ X và XI là những thử thách nguy hiểm đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất vào mùa xuân năm 981, quân dân ta do Lê Hoàn lãnh đạo đã tách rời và đánh bại cả hai đạo quân thủy bộ của địch Ở Bạch Đằng và Chi Lăng [2]. Cuộc kháng chiến đã giành được thắng lợi, nhưng chỉ mới đẩy lùi chứ chưa thủ tiêu được nguy cơ xâm lược của nhà Tống.

    Giữa thế kỷ XI, nhà Tống lại ráo riết chuẩn bị mở cuộc xâm lược lần thứ hai với quy mô lớn hơn, âm mưu thâm độc hơn. Lý Thường Kiệt đã tổ chức và lãnh đạo một cuộc kháng chiến chống xâm lăng rất chủ động và tích cực, phản ánh một bước lớn mạnh về mọi mặt và tư thế hiên ngang của dân tộc ta. Với chiến thắng Như Nguyệt vào mùa xuân năm 1077, quân dân ta đã đập tan cuộc viễn chinh của quân Tống, đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Tống. Trên cơ sở đó, Lý Thường Kiệt chủ động đứng ra giảng hòa nhằm mở ra một lối thoát cho nhà Tống. Sau thất bại nặng nề này, nhà Tống phải công nhận nước ta là một vương quốc độc lập và không dám đụng chạm đến nước Đại Việt nữa.

    Vào thế kỷ XIII, quân xâm lược của đế quốc Mông-Nguyên tung hoành khắp Á, Âu, đánh đâu thắng đó, thế mà ba lần xâm lược nước ta đều bị thất bại thảm hại. Mỗi cuộc kháng chiến lại kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược nổi tiếng làm rạng rỡ non sông đất nước.

    Kháng chiến lần thứ nhất (năm 1258) có chiến thắng Đông Bộ Đầu. Kháng chiến lần thứ hai (năm 1285) có chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp. Kháng chiến lần thứ ba (năm 1287-1288) có chiến thắng Bạch Đằng: quân dân ta, dưới sự chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn, đã chôn vùi hoàn toàn một đạo quân thủy của địch. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 không những đánh dấu thắng lợi rất oanh liệt của cuộc kháng chiến lần thứ ba mà còn cùng với những chiến thắng khác đưa đến sự chấm dứt nạn xâm lược của đế quốc Mông-Nguyên đối với nước ta. Đó là một chiến công huy hoàng trong thắng lợi vĩ đại của ba lần kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ XIII, bảo đảm cho dân tộc ta giữ vững được nền độc lập, tồn tại sát bên cạnh một đế quốc cường bạo bậc nhất trên thế giới đương thời đang nuôi tham vọng làm bá chủ thế giới và bành trướng xuống vùng Đông-Nam châu Á.

    Khác với những cuộc chiến tranh giữ nước trên đây, cuộc chiến tranh do Lê Lợi-Nguyễn Trãi lãnh đạo đã bắt đầu từ một cuộc khởi nghĩa phát triển lên thành chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô cả nước. Nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu trong sự tham gia ủng hộ của nhân dân và kết hợp với sự nổi dậy rộng rãi của nhân dân. Trong bảng vàng chiến công của nghĩa quân Lam Sơn nổi bật lên hai chiến thắng lớn nhất: chiến thắng Tốt Động-Chúc Động và chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang.

    Chiến thắng Tốt Động-Chúc Động năm 1426 là thắng lợi của một trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược quan trọng đánh dấu bước chuyển biến căn bản trong cục diện chiến tranh. Từ đấy, quân địch bị lún sâu vào thế phòng ngự bị động cho đến lúc thất bại hoàn toàn, còn quân dân ta thì giành quyền chủ động tiến công địch trên toàn bộ chiến trường. Chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang cuối năm 1427 là thắng lợi hết sức oanh liệt, triệt để của trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 10 năm. Bằng chiến thắng đó, dân tộc ta đã giành lại độc lập tự do và bảo đảm cho đất nước từ đó về sau không bị nhà Minh xâm lược.

    Những cuộc chiến. tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng trên đây đều do giai cấp phong kiến lãnh đạo trong hoàn cảnh chế độ phong kiến đang phát triển. Tuy vậy, những cuộc chiến tranh đó mang tính chất nhân dân và thể hiện rõ rệt vai trò chủ động định đoạt và tự giác của nhân dân. Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm và Thanh cuối thế kỷ XVIII do người anh hùng “áo vải” Nguyễn Huệ lãnh đạo, mang khí thế và sức mạnh mới của phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn khi chế độ phong kiến đã tàn tạ và nông dân dang vùng lên vừa chống phong kiến phản động, vừa chống ngoại xâm.

    Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút đầu năm 1785 là một đòn sấm sét nghiền nát mưu đồ xâm lược của bọn phong kiến Xiêm và hành động bán nước của bè lũ Nguyễn Ánh. Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (Khương Thượng) vào mồng năm tháng giêng Xuân Kỷ Dậu (năm 1789) đã quét sạch hàng chục vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi kinh thành Thăng Long, làm tiêu tan một tưởng xâm lược của nhà Thanh được bọn Lê Chiêu Thống giúp sức.

    Bạch Đằng, Như Nguyệt, Tốt Động- Chúc Động, Chi Lăng-Xương Giang, Rạch Gầm-Xoài Mút, Ngọc Hồi-Đống Đa (Khương Thượng) vốn là những tên đất bình thường - tên sông, tên núi, tên xóm làng nhưng đã được ghi đậm nét vào lịch sử dân tộc và khắc sâu vào tâm trí của người Việt Nam bởi đó cũng là tên những chiến công bất diệt tiêu biểu cho thắng lợi hiển hách của dân tộc ta trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỷ XI đến XVIII.

    Lịch sử chống ngoại xâm vừa thử thách, vừa tôi luyện dân tộc ta. Những cuộc chiến tranh yêu nước đã tạo nên cho dân tộc ta một bản lĩnh kiên cường, một sức sống bền bỉ, mãnh liệt, đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp tiêu biểu là: lòng yêu nước tha thiết, ý chí độc lập tự chủ mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết keo sơn, chí quật cường bất khuất, trí thông minh sáng tạo. Là một dân tộc đã nhiều lần quằn quại tủi nhục trong cảnh nước mất nhà tan, đã chiến đấu không biết mệt mỏi với vô vàn hy sinh gian khổ để giành và giữ nền Độc lập, Tự do của Tổ quốc, dân tộc ta hiểu rõ và thấm sâu giá trị thiêng liêng của Độc lập, Tự do. Vì thế "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do" sớm trở thành lẽ sống cao cả, tư tưởng và tình cảm lớn nhất của dân tộc ta.

    Lịch sử chống ngoại xâm còn để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá. Đó là kinh nghiệm và truyền thống đánh giặc dũng cảm và mưu trí, phong phú và độc đáo của tổ tiên ta. Trên cơ sở kinh nghiệm ấy, các nhà quân sự thiên tài của dân tộc trước đây, như Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi đã từng đúc kết, viết nên những tác phẩm có ý nghĩa lý luận quân sự dầu tiên, đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển của khoa học quân sự Việt Nam rất ưu việt, độc đáo. Hệ thống tri thức quân sự đó bao gồm nghệ thuật tiến hành chiến tranh giữ nước và nghệ thuật tiến hành khởi nghĩa tiến lên chiến tranh giải phóng trong điều kiện “lấy đoản chế trường”; “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” và dựa trên cơ sở "cả nước chung sức”, "toàn dân là binh”.

    Những trận quyết chiến chiến lược biểu hiện tập trung và điển hình nhất sức mạnh vật chất tinh thần, những phẩm giá cao quý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam; chứng tỏ rõ rệt vai trò quyết định của nhân dân và tác dụng to lớn của nhân tố tinh thần trong chiến tranh yêu nước. Đó cũng là những mẫu mực về tài thao lược, về truyền thống quân sự lâu đời của dân tộc ta.

    Ngày nay, những truyền thống thao lược nói trên đã được Đảng ta kế thừa và phát triển một cách trân trọng và sáng tạo trong cuộc đấu tranh giành Độc lập Tự do của dân tộc. Sự kế thừa và phát triển dó đã thực sự góp phần làm cho đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam ta trở nên hết sức tài tình, độc đáo.

    Chú thích:

    [1] Theo chúng tôi, đó là những cuộc chiến tranh sau đây.

    1. Chống Tần (thế kỷ III trước công nguyên).
    2. Chống Triệu (thế kỷ II trước công nguyên).
    3. Chống Tống lần thứ nhất (năm 981).
    4. Chống Tống lần thứ hai (năm 1075-1077).
    5. Chống Mông-Nguyên lần thứ nhất (năm 1258).
    6. Chống Mông-Nguyên lần thứ hai (năm 1285).
    7. Chống Mông-Nguyên lần thứ ba (năm 1287-1288).
    8. Chống Minh (năm 1406-1407).
    9. Chống Xiêm (năm 1784-1785).
    10. Chống Thanh (năm 1788-1789).
    11. Chống Pháp (năm 1858-1884) .
    12. Chống Pháp và can thiệp Mỹ (năm 1946-1954).
    13. Chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

    [2] Vào đầu thập kỷ 70 (1970), do điều kiện tư liệu còn hạn chế, chúng tôi chưa biên soạn "Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và năm 981". Trong công trình này, không có chương về hai chiến thắng trên. Nếu cần tìm hiểu, xin bạn đọc tham khảo sách "Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288", xuất bản năm 1988, của Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc và sách "Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (980-981)", xuất bản năm 1992, của Trần Bá Chí.
    Last edited by Bin571; 02-07-2011 at 01:52 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Hành trình về phương Đông
    By Itdepx in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 19
    Bài mới gởi: 16-09-2013, 08:57 PM
  2. BỬU SƠN KỲ HƯƠNG - TÁC GIẢ VƯƠNG KIM
    By vankhuc in forum Bửu Sơn Kỳ Hương
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 22-07-2012, 04:47 PM
  3. Lược sử thời gian
    By dragonle in forum Khác...
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 30-06-2011, 05:14 PM
  4. Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 24-06-2011, 10:10 PM
  5. Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 13-04-2011, 11:41 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •