Chuyện kỳ lạ về ông mù... 11 vợ


Giadinh.net - Ông là một nông dân nghèo độc nhất. Từ nhỏ đôi mắt đã không được tỏ tường. Nhưng, ông đã lập một "chiến tích" hết sức tiêu cực là lấy 11 bà vợ và có đến 24 người con.


Ông Nguyễn Văn Sơn. (Ảnh: Đào Tuy)
Mọi người nói, đây có thể là người đàn ông lập kỷ lục Việt Nam về việc vi phạm luật Hôn nhân gia đình và chính sách DS/KHHGĐ.


Người mù và hành tung bí ẩn


Đến xã Quang Minh (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Chi Đông thì ai cũng chỉ đường vanh vách. Bởi ông là người “nổi tiếng”. Thậm chí, khi hỏi đường, nhiều người còn hỏi với theo: “Nhà báo à? Đến gặp ông ấy để làm... Chuyện lạ Việt Nam à?”.

Hỏi mãi rồi tôi cũng tìm tới nơi ông ở, đó là ngôi nhà tuềnh toàng ở tận cùng con ngõ nhỏ cuối thôn. Thế nhưng, bởi không hẹn trước nên sáng ấy, công tôi hoá dã tràng. Ông đi vắng. Người nhà ông bảo, ông đã ra khỏi nhà thì đừng nói chuyện tìm, bởi tìm như thể tìm chim, hành tung của ông ngẫu hứng và bí ẩn. Chẳng ai có thể biết ông đi đâu, tạt ngang, tạt ngửa ở “cơ sở” nào! Nước tốt nhất là về và cho gia đình cái hẹn.

Lần sau, đúng hẹn, tôi sang. Để chắc ăn, trước khi đi, tôi điện, dặn ông ở nhà đợi khách. Thế nhưng, nghe máy, người nhà ông bảo, chẳng biết việc làng hay bà lẽ nào có chuyện nên ông đã đi từ sáng sớm. Tuy thế, trước khi ra khỏi nhà ông đã dặn: “Khách đến, cứ chờ. Gần trưa ông sẽ về!”. Tôi đành ngồi đợi.

Nhà ông như ong vỡ tổ. Chẳng là làng đang có hội, các cháu ông khắp nơi túa về chơi, nô đùa.

Đợt rét vừa qua quá khắc nghiệt, ruộng mạ gia đình ông cấy hỏng cả. Nắng ấm lên đành phải gieo lại. Việc ấy, bà cả đang cùng với mấy cô con dâu lúi húi làm ngoài sân. Đông người làm nên chỉ loáng cái là khoảng sân gạch trước nhà đã được phủ một lớp bùn đen kịt. Mất chỗ chạy nhảy, bọn trẻ con láo nháo đành dồn cả vào nhà, chí choé nô đùa. Ba gian nhà ngói bỗng trở nên chật chội. Nhức óc đinh tai!

Nhìn thấy ổ gà, chướng ngại vật bằng... não

Đúng hẹn, gần trưa ông về. Xe đạp phanh két trước cửa. Sự xuất hiện của ông trên chiếc xe đạp khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Mắt ông thế thì đi bộ còn khó huống chi vi vu xe đạp?! Thấy sự ngạc nhiên của tôi, mọi người trong nhà ùa vào lý giải: “Từ xưa tới giờ, 50 năm có lẻ, đi đâu ông vẫn dùng xe đạp!”.

Nghe mọi người nói thế, ông cũng vội khoe luôn cái biệt tài của mình. Ông bảo, ông có trực giác và trí nhớ rất tuyệt vời. Đường trong huyện, thậm chí đường lên tỉnh, ông chỉ cần đi một lần là nhớ từng ổ gà, khúc cua ngoắt nghéo. Nhớ chi tiết rồi thì cứ xe đạp, chầm chậm ông đi, không lạc bao giờ.

Ra đường, bởi mắt không còn trông thấy gì nên ông phải “tham gia giao thông” bằng đôi tai rất thính của mình (như thể tai ông được gắn camera và chíp điện tử để phân tích thông tin). Ông bảo, nghe tiếng máy nổ là ông nhận biết được mình sắp gặp ô tô hay xe máy. Căn cứ vào những gì nghe được ông sẽ đưa ra cách tránh, né an toàn. Đến bây giờ, sau nhiều năm dùng tai thay cho đôi mắt, ông còn có thể nhận biết, chiếc xe máy đang chạy trước mặt mình là xe của... Tàu hay Nhật.

Tuy trực giác siêu phàm vậy nhưng cũng đã vài lần ông gặp nạn. Đang bon bon bỗng gặp một chiếc xe chết máy giữa đường. Đâm! Khi đi thì con đường nhẵn nhụi, phẳng phiu, khi về thì bởi “vấn nạn đào đường”, ông “sập bẫy”. Bởi những “sự cố hi hữu” ấy mà đã có lần ông phải nhập viện. Tuy thế, ông vẫn chẳng chừa. Vẫn phải đánh đu với xe đạp vì phải nay chỗ này, mai chỗ khác tong tả thăm nom các bà vợ của mình.

Hỏng mắt, vẫn được làm... “quan chức Nhà nước”

Ông Sơn sinh năm 1946 trong một gia đình bần nông. Năm lên hai tuổi, ông bảo, phải vía trời, mắt trái ông bỗng dưng hỏng hẳn. Mắt phải cũng từ ngày ấy mà mờ dần đi, đến khi trai tráng thì tối hẳn.

Khi ấy chiến tranh, neo người, nên dù không còn đôi mắt, ông vẫn xin được thoát ly, làm ở ngành đường sắt. Không nhìn thấy lại hoá hay, bởi khi còn làm nhà nước hay sau này về quê làm dân công, ông đều được chỉ định làm tổ trưởng (mọi người đùa vui: Cũng là quan nhà nước)

Anh em sáng mắt thì lao động trực tiếp, tổ trưởng không thấy gì thì “ăn khâu”... chỉ đạo. Như bao gia đình thôn quê khác, năm ông vừa tròn 20 tuổi, bố mẹ đã... ép duyên, cưới cho ông một cô gái ngoan hiền ở trong xã.

Về phép, thấy bố mẹ đã... tự ý lấy vợ cho mình, ông giận, chẳng nói chẳng rằng đùng đùng bỏ đi. Lên xí nghiệp ở lì tại đó, gần 1 năm sau ông mới chính thức... lấy vợ cho mình.

“Giăng lưới” được nữ sinh duyên dáng

Người khiến trái tim ông loạn nhịp là bà Nguyễn Thị Lan, khi gặp ông, tuổi mới 15 trăng tròn. Tình yêu thật khó lý giải, vướng vào rồi thì chẳng khác nào dính phải bùa lú thuốc mê. Khi ấy, ông là một người tật nguyền còn bà Lan là một nữ sinh duyên dáng. Thêm nữa, bà lại là người Hà Nội, chỉ bởi nhà có người làm cùng xí nghiệp ông mà một vài lần lên thăm đã mắc phải bùa yêu. Khuyên can chẳng được, thôi thì đũa lệch so vừa, gia đình bà Lan đành cho đôi trẻ nên duyên nên lứa.

Hơn một năm sau bởi cảnh nhà neo người, ông xin thôi không làm ngành đường sắt nữa, đưa vợ con về quê sinh sống. Về đến nhà, bữa cơm đầu tiên, phát hiện ra mình chỉ là vợ bé, bà Lan giận, tu tu khóc bỏ về Hà Nội.

Cũng thời gian ấy, sống chung một mái nhà, tìm hiểu, thấy hoàn cảnh cô vợ mà bố mẹ cưới cho éo le, ông đã động lòng trắc ẩn. Thôi thì duyên trời đã định, ông đành chấp thuận nghe theo. Nhưng với bà Lan, chả hiểu sao, ông vẫn thường xuyên qua lại như vợ chồng.


Các bà vợ ông Sơn đang gieo mạ trước sân.


Hôn nhân 3 tháng

Về nhà, ông bôn ba với đủ mọi thứ nghề, miễn sao là ra tiền, ra thóc để nuôi vợ, nuôi con. Trong một chuyến tàu buôn từ Phú Thọ về, bà thứ ba đã xuất hiện.

Bà tên là Hoàng Thị Chuyền, quê ở xã Thanh Lâm, cùng huyện Mê Linh, kém ông 1 tuổi. Bà Chuyền là người lận đận về đường tình duyên. Gặp nhau trên chuyến tàu chợ chật chội ấy, chẳng biết khám phá ở ông điều gì hấp dẫn mà bà đã xiêu lòng.

Quái lạ thay, tình yêu này vẫn nhận được sự đồng ý của hai bên gia đình. Tuy thế, với ông, đó là hôn nhân ngắn nhất trong đời. Ông quen bà hồi tháng 10 thì đến tháng giêng năm sau, bởi thấy hai bên phát sinh những tính nết không hợp nhau, nên ông đã quyết định đôi đường đôi ngả. Tuy nhiên, chỉ với 3 tháng sống với nhau, mối tình ngắn ngủi và vi phạm Luật Hôn nhân gia đình ấy cũng kịp có kết quả. Ông đã có với bà một mụn con.

Năm 1973, bà thứ tư lại xuất hiện. Bà tên Vương Thị Xuân, quê gốc ở Bình Định, theo cha là cán bộ kháng chiến tập kết ra Bắc. Hai người gặp nhau ở ga Gia Cẩm (Phú Thọ).

Cảm thấy sống “không thể thiếu nhau” nên ông đã về thuyết phục gia đình đem lễ đến hỏi. Và cái gia đình lạ lùng này lại đồng ý. Có với nhau một cô con gái thì bà Xuân theo bố mẹ vào Nam. Từ dạo đó, bởi đường xá xa xôi, hai người đã không còn qua lại nữa. Tuy nhiên, mấy năm trước, biết tin cô con gái lấy chồng, ông cũng lặn lội vào tận nơi để dự đám cưới.

Chuyến buôn... trâu và người vợ 14 tuổi

Cưới bà Xuân được đúng 3 năm thì “trái tim tội lỗi” của ông lại run lên bần bật khi nhìn thấy một người phụ nữ khác.

Bà thứ năm, tên là Nguyễn Thị Xâm cũng là người cùng huyện. Bà Xâm trẻ lắm, ngày gặp ông mới hơn 14 tuổi đầu. Nhà quê lam lũ lại ốm đau, quặt quẹo luôn nên bà trông già trước tuổi.

Ngày ấy, ông đi buôn trâu, thấy bà, ông Sơn nên đã đem lòng... dan díu. Đến với nhau từ năm 1976 và có với nhau 2 mặt con nhưng phải mãi đến năm 1990 ông mới “hợp lý hoá” được mối quan hệ ấy. Thường thì mỗi bà khi muốn “sống là người nhà ông, chết làm con ma nhà ông” thì đều được ông làm lễ cưới, hỏi. Tất nhiên, tuỳ hoàn cảnh, nên cỗ bàn chỉ gọi là báo cáo với họ hàng nhưng phần “nghi lễ” thì ông vẫn làm đầy đủ. Suốt những năm ấy, bởi bù đầu với việc kiếm ăn, ông đành để bà Xâm sống cảnh thiệt thòi. Đầu năm 1990, khi công việc đã tạm ngơi tay, ông đã bảo bà cả sắm lễ đến, chính thức hỏi bà Xâm làm vợ. Hôm ấy, nhà ông làm hẳn 10 mâm cơm, xóm làng, họ mạc đến, liên hoan vui đáo để.

Ông kể, khi lấy mấy bà vợ đầu thì còn có người phản đối, điều ong tiếng ve này nọ. Cưới đến bà thứ 5 thì chẳng ai còn có ý kiến gì nữa. Có lẽ, tất thảy mọi người trong làng, đều nghĩ rằng ông đã mù lòa nên có làm việc gì thì cũng không chấp.

Bà thứ sáu, ông đón về vào năm 1978. Bà ở thôn Đường Lệ, xã Đại Thịnh, cũng huyện Mê Linh. Ông quen bà cũng từ một lần đi chợ. Bà đi bán rau về, gặp ông nên mời vào nhà chơi. Vào mới biết hoàn cảnh nhà bà túng quẫn, khó khăn trăm bề. Qua lại một vài lần, bà này mạnh dạn: “Anh có thương thì trở đi trở về qua lại. Đời em cơ cực đã nhiều, chỉ mong một chỗ dựa về sau!”.

Được nhời như cởi tấm lòng, cái “tính quen thuộc” của ông trỗi dậy. Tuy thế, mối tình ngang trái này cũng đi đến kết cục chẳng ra làm sao. Có với nhau một mặt con, năm 1984, ông bà đã đường ai nấy đi bởi tính nết mỗi người một khác.

Chồng mù với vợ què, vợ hen

Chia tay bà thứ sáu được đúng 3 ngày thì ông gặp bà thứ bảy. Theo cái lý lạ lùng của ông, “đó là người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh, ông không thể không thương”. Bà Ngải, tên bà thứ bảy, bị bom đánh mất một cánh tay từ tấm bé. Cũng như những bà trước, ông đem lễ đến xin. Lần này, khó khăn bởi gia đình nhà gái nằng nặc từ chối. Lý do, không phải vì ông đã có nhiều vợ mà bởi họ bảo: “Chồng mù, vợ què không được”. Thế nhưng, lần lữa mãi thì trời cũng đành phải chịu đất bởi “gạo đã nấu thành cơm”, “ván đã đóng thành thuyền”, “mầm sống” đã “sinh sôi”. Có con, ông cứ đón bà về và sau cùng, khó tính mấy thì “nhà gái” cũng phải gật đầu ưng thuận.

Bà Ngải ở thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt (Mê Linh). Và những lần qua lại thôn ấy, ông lại thêm vướng lưới tình.

Bà thứ tám đến và sống với ông vừa đủ 20 năm rồi âm dương cách biệt. Bà tên Lê Thị Thân, kém ông 9 tuổi, là người nổi tiếng dịu dàng, phúc hậu. Thế nhưng, trời chẳng cho ai tất cả mọi thứ, đẹp người, đẹp nết nhưng bà lại mắc chứng bệnh hen, khiến trai làng không ai muốn đón về để chung xây tổ ấm.

Lỡ thì, bà gặp ông vậy là lại mắc lưới của “Đông Gioăng”. Theo ông Sơn, khi hai người đến với nhau, bên nhà bà Thân, nhiều người cũng phản đối rầm rầm. Tuy thế có một người đã rất ủng hộ ông, đó là bố đẻ ra bà. Có “chỗ dựa”, ông đã tới tấp tấn công và chỉ ít lâu sau, tất cả mọi người trong gia đình bà Thân đều gật đầu...

Đào Thanh Tuy

(Còn tiếp)