PHƯƠNG - THỨC SUY NIỆM LỜI CHÚA

-Mặc dù không phải là chuyên viên hay giáo sĩ có khả năng và có quyền ‘’giải thích Thánh Kinh’’, nhưng trong tinh thần minh định trên đây, thì ở cương vị giáo dân bình thường, hẳn nhiên chúng ta hoàn toàn có thể và rất cần phải suy niệm và học hỏi Thánh Kinh. Khi suy niệm và học hỏi như thế, cũng là lúc đối chiếu với những kiến thức tổng quát về mọi thực tại trần thế của mình, mà thật ra tu sĩ và giáo sĩ không chắc đã có kinh nghiệm thực tế hay chuyên môn, nhất là những cảm nghiệm bản thân đã được tác động trong tâm hồn, rồi nói lên mà chia xẻ với anh chị em đồng đạo, để cùng nhau thăng tiến đời sống đức tin.

-Chúng ta đã từng nghe và hay gọi hình thức sinh hoạt mục vụ này là ‘’chia xẻ Lời Chúa’’ (xẻ hay sẻ đều đúng) đến nỗi thành một thói quen không còn cần để ý gì nữa. Như thế thì ra chẳng lẽ lại đem những Lời Chúa mà mình đọc hay nghe được để đi nói lại nguyên văn với người khác sao? Hơn nữa, khi gọi là chia xẻ tức là phải CÓ thì mới CHIA được chứ! Những Lời Chúa phán là của Chúa chứ đâu phải là của con người mình? Vì lẽ đó, thiết tưởng nên gọi là Suy Niệm Và Học Hỏi Thánh Kinh xem ra hợp lý hơn.

-Xin đề nghị một phương thức suy niệm, học hỏi Lời Chúa với niềm hưng khởi mớI. Qua hàng thập niên, phương thức này đã từng được nghiên cứu, thuyết trình, trắc nghiệm và tổng kết trong sinh hoạt mục vụ của nhiều cộng đoàn đức tin, và đã được ghi nhận hiệu quả tuyệt vời.

-Nay nếu được áp dụng rộng rãi, hy vọng mỗi chúng ta sẽ có thể ngạc nhiên một cách thích thú, vì những khám phá mới lạ và phong phú trong kho tàng Kinh Thánh. Những cảm nghiệm riêng của mỗi người đem chia xẻ cho mọi người rồi đúc kết, sẽ nên một cái chung rất diệu kỳ. Và, đó chính là niềm hưng khởi mớI!

Phương thức suy niệm Lời Chúa này được tiến hành theo đường lối như sau:



A- Tổ Chức: Trong mỗi cộng đoàn giáo xứ vốn đã có sẵn những tổ chức giáo dân theo giới nam, phụ, lão, ấu; hay theo các hội đoàn công giáo tiến hành như thiếu nhi, thanh niên, ca đoàn, bà mẹ, gia trưởng, liên minh, phong trào v.v. Đặc biệt hiện nay, nhân Chương Trình Canh Tân, những nhóm nhỏ, những Liên Gia Cầu Nguyện lại đã được thành lập, nên rất thích hợp cho việc học tập và chia xẻ Lời Chúa. Đôi khi cũng có thể tổ chức một buổi rộng lớn cho toàn thể cộng đoàn như trong một thánh lễ.



B-Tài Liệu: Tài liệu thì vô cùng dồi dào, vì chúng ta đã có sẵn cả một kho tàng Kinh Thánh mà mỗi tín hữu, mỗi gia đình đều đang lưu giữ, nhưng thường chỉ là để cho có hay đôi khi đọc qua loa thôi. Cần thiết nhất là một cuốn Sách Lễ Giáo Dân và hai cuốn Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước có chú giải. Ngoài Thánh Kinh, mỗi thời điểm lại có những thư chung, giáo huấn của Tòa Thánh hay Giáo Phận nữa. Đó cũng chính là những tài liệu học tập cần thiết và giá trị.

Trong thực tiễn và để thuận lợi, thường cứ dùng ngay những bài đọc của thánh lễ Chủ Nhật, nhất là bài Phúc Âm, trung tâm điểm của Phụng Vụ Lời Chúa, đã in sẵn trong Sách Lễ Giáo Dân, theo niên lịch phụng vụ.



C- Chuẩn Bị : Sau khi đã trao đổi, chọn lựa, vị mục tử hay người đứng đầu như trưởng đoàn, trưởng nhóm cần thông báo ít là một tuần lễ trước cho các tham dự viên biết về: đề tài, ngày giờ và địa điểm sẽ chia xẻ.

Việc thông báo trước này có mục đích để mọi người đủ điều kiện chuẩn bị, nghiên cứu riêng, theo những nguyên tắc sẽ đề cập ở đoạn E dưới đây, hầu cho buổi học hội được hào hứng, sôi nổi và rộng rãi.

Người điều hợp buổi chia xẻ cũng cần được giới thiệu trước. Vị đó nếu là mục tử hay tu sĩ thì có nhiều phần tin cậy. Tuy nhiên, không nhất thiết, vì giáo dân có khả năng và nhiệt thành cũng thật là tốt đẹp. Vả lại, còn có nhiều bộ óc và tâm hồn của cả một tập thể sẽ đắp đổi cho nhau. Hơn nữa, phương thức này nhằm cổ vũ và tạo cơ hội cho giáo dân trong việc khám phá cũng như chan hòa ơn Chúa nơi mỗi người, trong mọi người.

Điều quan trọng cần lưu ý là: Nếu trong quá trình chia xẻ, có những vấn đề tín lý khúc mắc hay thần học cao siêu được nêu lên, thì sẽ ghi nhận để tham khảo tài liệu hay xin giải đáp nơi hàng giáo phẩm rồi sẽ được tường thuật lại trong lần sau, hầu tránh khỏi lâm vào tình trạng hoang mang...



D-Nghi Thức Khai Mạc:

Sau khi đã họp mặt đông đủ, buổi chia xẻ khởi sự theo nghi thức Suy Tôn Lời Chúa: Mọi người cùng đứng dậy, đọc kinh nguyện hay hát bài ca Cầu Xin Chúa Thánh Thần hoặc bài Xin Cho Con Biết Lắng Nghe. Tiếp đó, một người được đề cử từ trước tiến lên công bố Lời Chúa, tức là đọc bài Thánh Kinh. Mọi ngươì trân trọng lắng nghe, thinh lặng trong giây lát rồi an vị.



E-Nguyên Tắc Suy Niệm:

Mỗi buổi chia xẻ sẽ diễn ra trong khoảng thời gian trên dưới một giờ. Người điều hợp tuần tự nêu lên từng điểm theo mục lục hay dàn bài 15 điểm dưới đây, để mọi người tham dự phát biểu. Việc phát biểu có thể để tự nguyện hay do người điều hợp mời gọi chung chung, hoặc đề nghị đích danh sao cho liên tục.

1-Tác Giả: Về mặt cơ bản,Thánh Kinh chính là Lời của Chúa, nhưng ThầnTrí Ngài đã mặc khải qua các tiên tri và thánh đồ. Các vị này được gọi là tác giả vì các vị đã được linh ứng mà viết ra. Đang khi đọc Kinh Thánh người ta có thể nhận ra những tính chất trần gian liên quan tới các tác giả như: địa phương, trình độ, tư thế, chủ đích và cả tính tình của các vị...

Do đó, để cho bài sắp chia xẻ được sáng tỏ và gần gũi hơn, chúng ta cũng nên nói qua về tác giả. Đồng thời nếu cần, cũng còn nên ghi chú một vài từ ngữ về phong tục, tập quán hay lịch sử, địa dư của quốc gia DoThái nữa...

2-Xuất Xứ: Đây là việc tìm hiểu xem bài Thánh Kinh được trích theo sách thánh nào, đoạn thứ mấy và số câu. Những điểm này thường được ghi ngay bên mỗi bài đọc; ví dụ: Mt 24,37-44, tức là Phúc Âm theo thánh Mat-thêu, đoạn thứ 24, từ câu 37 đến câu 44. Muốn được rõ ràng hơn nữa, hãy nói tới bối cảnh trước và sau bài trích đó, để biết là vào dịp nào mà sự kiện được tường thuật trong bài.

3-Đại Ý: Hay là ý chính của bài đọc nói về vấn đề gì. Thường thì người ta hay thấy bài trích đã được đặt thành tựa đề nói lên đại ý rồi.

4-Câu Chính: Tức là câu căn bản và đáng ghi nhớ. Trong Sách Lễ Giáo Dân, câu in nghiêng sau ghi chú xuất xứ do Ủy Ban Giám Mục về phụng vụ đã chọn, thường là câu chính. Nhưng chúng ta cũng có thể tìm ra một câu khác, nếu có thể.

5-Mệnh Lệnh: Là một hay mấy câu có ý bắt buộc phải thi hành. Tuân thủ mệnh lệnh là cả một sự cố gắng; nhưng đừng quên rằng Chúa đã từng bảo: ‘’Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng’’.

6-Giáo Huấn: Là một hay mấy câu có ý khuyến cáo nên làm theo. Tuy không bắt buộc, nhưng giáo huấn có tác dụng đổi mới tư duy và rút ngắn con đường nên thánh.

7-Lời Hứa: Đây là câu nói lên được lời Chúa hứa sẽ ban một ơn gì với lợi ích thiêng liêng hay thực tiễn cho người biết lắng nghe và sống theo. Thiên Chúa là Đấng rất trung tín. Nhận ra được lời Ngài hứa sẽ củng cố đức cậy thêm vững vàng. Có bài chỉ tìm thấy mệnh lệnh mà không thấy giáo huấn hay lời hứa, hoặc ngược lại.

8-Gương Tốt: Là chính hành động của Chúa hay một nhân vật đề cập đến ở trong bài đáng cho chúng ta noi theo.

9-Gương Xấu: Là một vài trường hợp nói đến ở trong bài nên tránh vấp phải. Có bài chỉ thấy gương tốt mà không tìm thấy gương xấu nào.

10-Thi,Văn: Những lời và ý của bài Thánh Kinh còn gợi nên cho người đọc những nguồn cảm hứng để sáng tác thành thơ hay văn nữa.Trong thời gian chuẩn bị bài chia xẻ, mỗi tham dự viên có thể đặt một vài câu thơ hay một đoạn tùy bút, luận thuyết về đề tài đó.

Nếu không sáng tác thì cũng có thể sưu tầm trong kho tàng văn học thế giới những bài thơ, những văn phẩm hay những kịch bản, truyện phim đã được cảm hứng từ bài Thánh Kinh đó, rồi giới thiệu lại trong giờ chia xẻ.

11-Nhạc,Họa: Tương tự như thi, văn; tham dự viên cũng có thể cảm tác một vài câu nhạc, gọi là bài ca ý lực; hay thể hiện thành những nét họa từ đề tài. Tục ngữ Pháp có một câu rất chí lý: "Một bức vẽ thô sơ còn gía trị hơn cả bài diễn từ tràng giang." ( Un mauvais croquis vaut mieux qu'un long discours. ) Tục ngữ Việt lại sâu sắc bội phần: "Trăm lần nghe không bằng một lần thấy." Thật vậy, khi nhìn bức vẽ cái lu với nước tràn ra từ miệng, chúng ta cảm nghiệm trọn vẹn được điều gì, nếu không phải chính hình ảnh đó đã cực tả nguồn ơn Chúa ban cho con người và vũ trụ luôn chan chứa khôn nguôi.

Thay vì tự soạn câu nhạc hay vẽ bức họa, chúng ta cũng có thể sưu tầm những bản nhạc hay họa phẩm, kể cả ảnh chụp Thánh Địa đã được thực hiện bởi các tác giả đông, tây, cổ, kim để chứng minh sự đa dạng, phong phú của bài chia xẻ. Chẳng hạn những bài ca bất hủ Cao Cung Lên của Hoài Đức, Hang Be Lem của Hải Linh là cảm hứng từ đoạn Phúc Âm tường thuật về cảnh Ngôi Hai giáng sinh mở đàu thời kỳ Tân Ước. Hoặc là bộ hát lễ mồ Requiem với cung nhạc nghe vô cùng não nề và hãi hùng mà Mozart đã được Thần Trí soi sáng xuyên suốt toàn bộ Thánh Kinh để viết nên.

Cũng vậy, thế giới có được bức danh họa Bữa Tiệc Ly là bởi Léonard de Vinci đã được cảm hứng từ đoạn Thánh Kinh mô tả về bữa ăn của Chúa Giêsu với các tông đồ ngày thứ năm tuần thánh. Và, cảnh Phán Xét Chung đến rụng rời cũng đã được Michel Ange minh họa theo lời tiên tri Daniel và diễn từ chung luận của Chúa Cứu Thế vậy.

Từ họa, Thánh Kinh còn là nguồn gốc của biết bao tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ, bao công trình kiến trúc nguy nga của nền văn minh trần thế, có tác dụng nâng tâm hồn con người vươn cao lên.

12-Thời Cuộc: Thánh Kinh quả thật luôn gợi ý bất tận về mọi bộ môn của học thuật, tuỳ theo năng khiếu chuyên biệt Chúa ban cho mỗi người. Ngoài những cảm hứng thi, văn, nhạc, họa nói trên, mỗi bài Thánh Kinh còn là nền tảng để chúng ta dùng phương pháp luận lý loại suy mà liên hệ tới tình hình thời cuộc đang xẩy ra trong đời sống hàng ngày. Tình hình đó bao gồm mọi lãnh vực: văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật v.v. tóm lại là liên quan tới hết mọi thực tại trần thế (des réalités terrestres) đã qua, đang diễn và sắp tớI. Mỗi người chia xẻ có thể nhận ra một khía cạnh tương đồng giữa Lời Chúa với thời cuộc, trong phạm vi cộng đồng, cộng đoàn, xã hội, quốc gia và thế giới.

Nếu buổi chia xẻ có thư ký đúc kết thì sẽ hoàn thành được một bài suy niệm rất phong phú và giá trị.

13-Quyết Định: Lời Chúa thường mở ra những chân trời mới như trên. Trở lại với khuôn khổ của nhóm chia xẻ, mỗi tham dự viên hãy liên hệ đến đời sống của chính bản thân, suy nghĩ để tìm ra những quyết định phải làm sao để sống đúng ý Chúa hơn, đối nhân xử thế khôn ngoan hơn, ăn năn thống hối thật lòng hơn. Cần viết ra thành những khẩu hiệu vắn gọn súc tích, gọi là những áp dụng thực hành. Ngoài những khẩu hiệu công khai có tính cách chung nhất, còn nên có những quyết định cá biệt và thầm kín mà mỗi người tự xét mình riêng với quyết tâm thâm tín sống Lời Chúa, hầu canh tân bản thân một cách quyết liệt.

14-Cảm Nghiệm: Trong suốt quá trình chia xẻ từ số 1 đến số 14..., hầu hết ở điểm nào cũng gợi nên những điều suy nghĩ liên hệ tới từng người tham dự, và được gọi là những điều cảm nghiệm riêng...Những điều đó rất thực tế về bản thân và gia đình mình, có thể thành thực chia xẻ cùng anh chị em như những kinh nghiệm niềm tin. Nhưng cũng có những cảm nghiệm riêng tư thầm kín khác không tiện nói ra, thì cứ để tự mình biết, suy nghĩ hay thống hối.

(-Trong khi thảo luận14 điểm nêu trên, Người Điều Hợp cần nhớ trong trí, nhưng tốt hơn cần ghi vắn tắt ra giấy: Những ý tưởng của từng người chia sẻ. Khi thảo luận xong, điều hợp viên sẽ tổng kết chung, nêu lên những điểm chính yếu, cùng với những nhận định của riêng mình, rồi mời gọi mọi người lên tiếng cầu nguyện kết thúc.)

15-Lời Nguyện: Quyết định là nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, Chúa đã phán: "không có Thầy, các con không thể làm gì được." Do đó, sau khi đã lắng nghe Chúa nói với chúng ta, tâm hồn đã được tác động để có những quyết định đổi mới đời sống, chúng ta còn cần cầu nguyện để xin ơn Chúa. Lời nguyện chính là lời thưa chuyện với Ngài.

Người điều hợp mở đàu mời gọi mọi tham dự viên hãy dâng lời nguyện. Sau đó mỗi người làn lượt đứng dậy lên tiếng bằng một lời riêng...Kết thúc, mọi người cùng đứng, rồi người điều hợp dâng lời nguyện chung, như nghi thức lời nguyện giáo dân.

Các lời nguyện thường đã được chuẩn bị trước bằng cách viết ra. Nhưng những lời tự phát ngay lúc đó thì quý hơn. Cung cách của lời nguyện là phải thân tình, thiết tha nhưng không kém trịnh trọng, nghiêm túc. Lời lẽ cần chân thành, mộc mạc, tránh những lối văn hoa cầu kỳ.

Xưa nay thói quen của chúng ta khi cầu nguyện thì cứ xin ơn mà thôi. Thực ra, nội dung của các lời nguyện cần bao gồm những ý tưởng: cảm tạ, ngợi khen, tôn thờ, nguyện hứa và xin ơn, đồng thời cũng lien hệ tới tình hình thời sự mới nhất nữa, để chứng minh Lời Chúa luôn gắn liền với hiện thực trong mọi thực tại trần thế.





II- ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Để nguyên tắc suy niệm còn có tính thuần lý nêu trên được sáng tỏ hơn, sau đây là một ví dụ để cụ thể hóa và dễ áp dụng. Có thể dùng bất cứ một bài Thánh Kinh nào thuộc bộ Cựu Ước hay Tân Ước. Chẳng hạn bài Phúc Âm Chủ Nhật Xi Quanh Năm C, ở trang 817 Sách Lễ Giáo Dân; là bài trích Phúc Âm theo thánh Luca: Lc 7,36-49.8,1-3. :

“Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Ngườì đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và sức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi”. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng:”Hỡi Simon, Tôi có điều muốn ói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”. –“Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nen chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp:”Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông:” Ông đã xét đoán đúng”. Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon:” Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu tôi, còn bà này đã lây thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít thì yêu mến ít”. Rồi người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng:” Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà:” Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”. Sau đó người rảo qua các thành thị và xóm lang, giảng dạy và loan báo nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Madalêna đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiềubà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.

Theo thứ tự 15 nguyên tắc đã nêu, chúng ta cùng tìm hiểu như sau:

1-Tác giả: Thánh Luca không thuộc nhóm 12 vị, từng là ngoại giáo và làm môn đệ của thánh Phao Lô. Thánh nhân nguyên là một y sỹ, gốc Hy Lạp, có học vấn nên viết sách với bố cục rất minh bạch. Tác giả viết cho ông Thêôphilê là một nhà quyền quý, nhưng chủ ý nhằm trình bầy Đức Kitô cho người ngoại giáo, gọi chung là người Hy Lạp vì họ theo văn minh tư tưởng Hy Lạp. Ở đây cũng cần nêu vài điểm ghi chú:

a- Các dân tộc vùng Tây Á trong đó có Do Thái và Châu Phi với Ai Cập, khi ăn tiệc người ta thường nằm nhưng gối đàu cao, như kiểu ăn trên chiến thuyền trong phim Cléopatre.

b- Riêng ở Do Thái, chủ nhà còn rửa chân cho thực khách khi tới nhà mình.

2-Xuất xứ: Bài Phúc Âm này được trích theo sách của thánh Luca, đoạn thứ 7, từ câu 36 đến câu 49 và đoạn 8, từ câu 1 dến câu 3. Đây là phần đoạn tường thuật một loạt những việc của Chúa Cứu Thế ở miền Galiléa, nơi cư ngụ của Ngài và Thánh Gia.

3-Đại ý: Bài Phúc Âm nói về trường hợp Chúa tha thứ cho một người đàn bà tội lỗi vì bà ta có lòng kính mến thật.

4-Câu chính: Đó là câu 47 đã được in nghiêng trên bài đọc: "Tội chị này rất nhiều nhưng đã được tha rồi, vì chị đã yêu mến nhiều."

5- Mệnh lệnh: Mệnh lệnh Chúa thể hiện qua câu 50: "Đức tin con đã cứu con, hãy về bình an."

6-Giáo huấn: Giáo huấn được nhận ra từ đoạn kết của câu 47: "Còn ai được tha thứ ít thì yêu mến ít." Do đó, ai có lòng yêu mến nhiều thì được tha thứ nhiều, vậy.

7-Lời hứa: Ý tưởng về lời hứa cũng chứa đựng trong giáo huấn, nghĩa là hãy làm mọi việc vì lòng kính Chúa và yêu người, chứ không vì lời khen, thì mới được ơn thứ tha tội lỗi.

8-Gương tốt: a) Người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân cho Chúa, lấy tóc lau chân Ngài, hôn chân và đổ dầu thơm lên chân Ngài.

b) Một số các bà đã được chữa lành đi theo phục vụ Ngài và dùng của cải mà giúp Ngài cùng các môn đệ.

c) Đặc biệt, cách đánh giá con người của Chúa là nhìn vào khả năng đổi mới nội tâm và cuộc đời của người tội lỗi để ban ơn thứ tha.

9-Gương xấu chỉ để ý đến đời sống bê bối của bà ta, rồi hoài nghi về sứ vụ của Chúa:

a) Ông Simon, người Biệt Phái đã có hành động tốt là mời Chúa đến nhà dùng bữa, nhưng ông lại không có cách tiếp đón lịch duyệt vì đã không rửa chân cho Ngài theo tập quán, không hôn chân và không xức dầu thơm cho Ngài.

b) Ngoài ra, ông đã không nhận ra cử chỉ bầy tỏ lòng kính mến của người đàn bà rồi hoài nghi về sứ vụ của Chúa.

10-Thi,Văn: (Xin tuỳ nghi...)

11-Nhạc,Họa: (Để nhiệm ý ...)

12-Thời cuộc: Chưa nói đến đời sống gia đình, cộng đồng và xã hộI; hãy thử đề cập qua tình hình giáo hội địa phương mình xem sự liên hệ với Lời Chúa hôm nay ra sao?

Thánh Gioan tông đồ từng viết: "Thiên Chúa là tình yêu" và "yêu thương là trọn luật." Thánh Phaolô cũng bảo: "Đức mến tồn tại muôn đời." Và, chính Chúa Cứu Thế còn ban bố giới răn trọng yếu nhất là: "Kính Chúa, yêu người."

Câu truyện trong Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ lại rằng Chúa đã dậy bài học yêu mến biết bao lần, bằng nhiều dụ ngôn và trường hợp thực tiễn xuyên suốt Tân Ước.

Vậy đối với giáo phận và giáo xứ chúng ta hiện nay, thì bài học yêu mến đó có được thể hiện chăng? Nếu cứ nghiêm chỉnh và thẳng thắn nhận định hiện trạng tình huynh đệ giữa các mục tử, tình tông đồ giữa các giới chức và tình đồng đạo giữa các tín hữu, chúng ta sẽ tự tìm thấy câu trả lời vô cùng đáng tiếc và đau buồn...

Không có tình yêu đích thực thì phải dẫn tới những ngôn từ thiếu tế nhị, những hành động mất đoàn kết, những quyết định kém khôn ngoan, thậm chí còn là kỳ thị, bất công! Không có tình yêu đích thực thì chẳng chịu sửa sai, xét lại, mà cứ bảo thủ, cố chấp để rồi bao hệ quả phải nẩy sinh.

Hành xử như thế thì gọi là gương trong hay gương mờ trước thế gian? Sống phi đức ái như vậy là làm chứng cho Tin Mừng hay phản chứng với Tin Mừng cứu độ? Và,cứ dấu này thì có thể gọi là môn đệ chân chính của Thầy chăng?

13-Quyết định: Qua nội dung của bài Phúc Âm yêu thương này, chúng ta hãy đưa ra những quyết định canh tân:

a)Ăn năn thống hối không phải vì sợ Chúa phạt, mà hãy ân hận vì đã làm mất lòng Ngài.

b) Khi làm bất cứ việc gì, hãy làm vì lòng kính mến Chúa, yêu thương người, vì mục đích cứu rỗi bản thân và tha nhân.

c) Từ nay, tôi không còn xét đoán lỗi lầm của người khác nữa, mà cũng không nên căn cứ vào hiện tượng mà vội kết luận về bản chất,vì lẽ "tướng diện bất như tướng tâm".

14-Cảm Nghiệm: (Để nhiệm ý...)

15-Lời nguyện: a) Lậy Chúa, chúng con đã từng nghe và đọc bài Phúc Âm hôm nay nhiều lần, nhưng vì chỉ nghe hay đọc cho qua nên chúng con đã không để Lời Chúa tác động tâm trí. Giờ đây, sau khi đã cùng anh chị em tìm hiểu thấu đáo và chia xẻ chân thành, chúng con cảm thấy ý Chúa thật vô cùng sâu sắc. Vâng, Chúa đã dậy chúng con bài học về đức ái thật tuyệt hảo và cách xin ơn thứ tha cho được hiệu quả. Chúng con xin cảm tạ ơn Chúa.

b) Từ nay, trong việc phụng thờ Chúa và cư xử với anh em, xin Chúa cho ánh sáng Phúc Âm chiếu rọi tâm tư và thay đổi não trạng chúng con, hầu chúng con được luôn đi theo đúng đường lối của Chúa và tìm thấy sự sống mớI.

c) Xin Chúa cho chúng con không ngừng ý thức rằng khi nói lại Lời Chúa -nhất là về giới luật yêu thương- mà chúng con đã nghe hay đã đọc, thì tiên vàn hãy cố gắng sống được như thế đã. Vâng, "ngôn hành phải đồng nhất"và thánh Goan đã bảo: "yêu thương bằng hành động chứ không phải yêu thương trên đàu môi."



G- Kết - Luận

Cho dù đã từng được thử nghiệm một thời gian tương đối lâu dài và đã có tổng kết với những hiệu quả tốt đẹp, phương thức chia xẻ Lời Chúa trình bầy ở đây thiết tưởng cũng chỉ là một đề nghị.

Ngay cả việc áp dụng cụ thể qua ví dụ tìm hiểu bài Phúc Âm nêu trên cũng chỉ là một sự đan cử, gợi ý, hầu chứng minh và triển khai những nguyên tắc có tính lý thuyết.

Với ơn tác động của Chúa Thánh Linh, chắc chắn rằng mỗi người tìm hiểu, mỗi nhóm chia xẻ sẽ khám phá ra nhiều điều kỳ diệu và phong phú hơn,kể cả những điềm báo, sáng kiến và phát minh. Còn bình thường, thì như Lão Tử từng viết: "Đạo khả đạo phi thường đạo." Quả vậy, đạo mà nói ra cho hết được thì không phải là đạo thường định vĩnh viễn nữa.

Ước chi, bằng đời sống đạo đích thực và thường xuyên, nhất là qua Chương Trình Canh Tân của Giáo Hội trong Nghìn Năm Kitô Thứ Ba, mỗi phần tử trong các cộng đoàn đức tin chúng ta đều nhiệt thành cộng tác, tham gia và tích cực chia xẻ hầu cùng khám phá và hưởng dụng Lời Hằng Sống .
Sau hết mà cũng chính là trước tiên, để hiểu được và sống theo Lời Thánh Kinh, con người trần thế chúng ta trong tình trạng vô minh, rất cần đến Ơn Bảy Nguồn của Ngôi Ba Thiên Chúa. Chúng ta hãy cất cao lời ca theo Thánh Vịnh 103 của vua Đavít rằng: "Xin Chúa sai Thánh Thần Chúa đến, và xin CANH TÂN bộ mặt Địa Cầu."

Vu San