Nguồn gốc “Lăng ba vi bộ”.

Bạn đã đọc truyện võ hiệp của Kim Dung, ắt hẳn không quên nhân vật Đoàn Dự, công tử nước Đại Lý, một bạch diện thư sinh trói gà không chặt trong thiên tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ (Lục Mạch Thần Kiếm). Trong chuyến lưu lạc giang hồ một cách bất đắc dĩ, chàng ta đã “rủi ro” học được hai môn võ công thuộc hàng đệ nhất thiên hạ, đó là “Lăng ba vi bộ” và “Lục mạch thần kiếm” (Nhất dương chỉ). “Lăng ba vi bộ” là thuật khinh công có một không hai trên đời, mới nghe qua ai cũng ngỡ đó là sản phẩm của trí tưởng tượng siêu phàm của Kim Dung tiên sinh. Nhưng, thật sự đã có môn “Lăng ba vi bộ”, vào thời xa xưa của võ lâm Trung Hoa. Mà truyền thuyết sau đây là một minh chứng …


Thượng Hồng
(Trích “Sổ tay VÕ THUẬT” số 36/96)




Bí Quyết “Lăng ba vi bộ”.

Đọc “Lục mạch thần kiếm”, bạn biết được rằng, do rủi ro sa chân xuống một vực sâu, Đoàn Dự đã lạc vào một thạch động bỏ hoang từ bao đời. Trong lòng thạch động ẩn chứa một bí mật chưa có người khám phá, đó là pho tượng của một phụ nữ đẹp mê hồn và một bí kíp võ công thật lạ lùng là “Lăng ba vi bộ”. Đoàn Dự đã tò mò tập thử không ngờ đã thành công (mặc dù không trọn vẹn bởi chẳng chuyên tâm). Và kể từ đó trên bước đường bôn ba giang hồ, mỗi lần Đoàn Dự giở món khinh công lạ lùng ấy ra đều làm cho các cao thủ võ lâm kinh ngạc, sợ hãi! Bởi vì, ngay cả vào thời ấy, trong võ lâm Trung Nguyên, hầu như không có ai luyện được tuyệt kỹ khinh công đó. Vì sao?

Theo truyền thuyết, không phải ai cũng học được tuyệt kỹ này, bởi phương pháp quá khó, lại vô cùng rối rắm. Một người dù võ công cao siêu đến đâu, nếu chỉ cậy vào nội lực, vào võ nghệ, thì sẽ không bao giờ luyện được “Lăng ba vi bộ”. “Lăng ba vi bộ” là thuật khinh công chạy “lăng quăng” theo hình zic-zac để vừa né tránh mọi ám toán bằng cung tên, ám khí, lại vừa đạt độ nhanh khó ai đuổi kịp.



Thông thường, người hiểu “khinh công” là thuật vi hành bằng chân đạt tốc độ nhanh như gió, người nhẹ lướt trên mặt đất, thậm chí vượt qua mặt nước, nhưng chủ yếu là chạy thẳng, càng thẳng thì càng nhanh. Chớ như cách chạy “Lăng ba vi bộ” thì khó lòng đạt tốc độ như chạy thẳng. Vậy mà, theo mô tả của Kim Dung, cỡ trình độ võ công “i tờ” như Đoàn Dự, nhưng khi giở “Lăng ba vi bộ” ra thì Kiều Phong cũng phải thán phục! Có người bảo rằng, người thi triển khinh công “Lăng ba vi bộ” không dùng nội lực, mà lại dùng “trí lực”. Chính cái đầu đã điều khiển đôi chân, để từ đó nhấc cả thân thể lên, “biến” cả khối thịt xương hơn nửa tạ của con người nhẹ tựa chiếc lá, rồi cũng bằng trí lực, người thi triển làm cho bước chân mình đảo chỗ liên hồi, lượn qua tả, sàng qua hữu như con vụ theo một sức ly tâm càng lúc càng mạnh, càng nhanh. Đoàn Dự do “học lóm” nên khi sử dụng đôi lúc đã không tự điều khiển được, khi thì vụt chạy như chim lượn, lúc lại vụng về ngã té. Đó chẳng qua là do anh chàng không biết vận dụng trí não để điều khiển bước chạy.

Một chút truyền thuyết.



Thuật khinh công “Lăng ba vi bộ” bắt nguồn từ đâu? Trong sách của Kim Dung cũng chỉ đề cập đến người đàn bà biệt cư trong hang động là chủ nhân của bí kíp võ công đó, chứ cũng chưa nói rõ nó thuộc môn phái nào? Xuất xứ từ đâu?

Ngày nay chúng ta được dịp nghiên cứu nhiều sách vở, kể cả sách từ xưa, cũng thấy nhắc tới thuật phi hành lạ lùng đó. Duy nhất có quyển “Truyền thuyết dân gian của các dân tộc Mãn Châu” là có ghi vắn tắt một đoạn, có thể tóm lược như sau: “Người của các bộ tộc Mãn ở vùng núi A Lạp Thiên Sơn thường cưỡi ngựa đi săn bắn, những lúc đuổi theo con mồi trong những vùng cát mềm hoặc vùng đồi đá dựng đứng, họ không thể dùng ngựa mà dụng thuật khinh công chạy theo hình chữ chi trên mặt cát và áp dụng nó để vượt qua các địa hình hiểm trở ở đồi núi. Đặc biệt khi bị săn đuổi bởi cung tên của kẻ thù, người tẩu thoát phải dùng thuật khinh công chạy đổi hướng liên tục để tránh cung tên, ám khí …”.

Ở giai đoạn cuối của quyển “Truyền thuyết dân gian các bộ tộc Mãn Châu” có ghi một giai thoại sau đây, mà chúng tôi cho là nguồn gốc của thuật khinh công “Lăng ba vi bộ”. Vào thời khai sơ, lúc các bộ tộc Kim Mãn còn sống rải rác ở khắp các vùng thảo nguyên miền quan ngoại, ngoài vùng lãnh thổ của tộc Hán ở Trung Nguyên (Trung Hoa), thì toàn bộ vùng lãnh thổ rộng lớn đó mạnh ai nấy sinh sống, hùng cứ. Đứng đầu mỗi bộ tộc là một tộc trưởng nắm quyền sinh sát. Có hai bộ tộc ở gần nhau trong vùng chân núi A Lạp Thiên Sơn, là tộc A Đà Niêu và tộc Khật Tháp Giả. Từ chỗ thân thiện, tương trợ lẫn nhau, họ đã trở thành thù địch không đội trời chung, chỉ vì người của bộ tộc A Đà Niêu đã vô tình bắn chết người con cả của tộc trưởng Khật Tháp Giả trong một chuyến đi săn.

Mối thù âm ỉ suốt nhiều thế hệ. Thỉnh thoảng bên này lại kéo quân tấn công bên kia, gây thành những thảm cảnh máu đổ thây phơi. Vào một ngày cuối đông, lúc mặt trời chưa kịp nhô lên trên đỉnh núi, dân làng Khất Tháp Giả kinh hoàngvì tiếng chiên trống, tiếng ngựa chạy, tiếng binh khí va chạm, cuộc chiến đẫm máu kéo dài cho đến lúc mặt trời lên cao. Khi đoàn quân xâm lược rút đi thì hầu như toàn bộ những chiếc lều da dê của tộc Khất Tháp Giả đã ra tro bụi. Người chết hơn trăm, muông thú chồng chất xác lên nhau. May mắn là trong cơn loạn lạc đó, cả gia quyến tộc trưởng Tháp Thiên Á Quyến đều bình an. Máu hận ngút trời, cả bộ tộc đều thề sẽ rửa hận lập tức. Tộc trưởng A Có lồng lên như mãnh hổ bị thương, ông chém đầu một con trâu rừng, thét lên lời thề: “Nếu ta không trả được thù này thì đời đời con cháu sẽ không có đất sống!”.

Lời thề vang vọng theo gió thảo nguyên lan ra khắp đồi núi chung quanh. Nhưng oái oăm thay, trong khi đó cô con gái út của tộc trưởng là nàng Cố Luân Mộc Chân lại đang cưu mang một kẻ đại thù. Nguyên là, sau cuộc giao tranh, trên đường trở về nhà lúc chập choạng tối, nàng đã vô tình dẫm phải một xác người nằm ngang lối đi. Khi nhìn kỹ thấy cái xác chỉ bị thương nặng chứ chưa chết. Động lòng trắc ẩn, Mộc Chân đã lén đưa chàng trai bị trọng thương về một động đá cách xa lều để cứu chữa. Oan nghiệt đều từ đó. Bởi vì chàng trai đó chẳng ai khác hơn là con trai của vị tộc trưởng A Khô Lý của bộ tộc A Đà Niên. Chính anh chàng A Khố Nặc Sơn này đã lãnh đạo cuộc tấn công. Khi biết được lai lịch chàng trai, đã có phút giây nàng định kết liễu đời chàng bằng một nhát kiếm trên tay. Nhưng dường như con tim nàng đã ngăn cản, đã làm mềm lòng sự thù hận chất chứa lâu nay … Thế rồi, sau nửa tuần trăng, khi bịnh tình Nặc Sơn thuyên giảm định giã biệt, thì cũng là lúc hai con tim cừu địch hòa nhịp đập cùng nhau. Họ yêu nhau trong nghịch cảnh.



Không lâu chuyện vỡ lở. Tộc trưởng Tháp Thiên lồng lên như thú dữ, suýt chút nữa ông đã giết chết con gái cưng. May mà Mộc Chân nhanh chân thoát thân, trốn vô rừng vào nửa đêm hôm đó, trong lúc bơ vơ giữa rừng thẳm âm u, bỗng một con mãnh hổ vồ lấy nàng, mang thẳng lên núi A Lạp Thiên Sơn.

Khi Mộc Chân tỉnh lại đã thấy người tình ngồi bên cạnh. Thì ra con mãnh hổ vồ lấy nàng là Nặc Sơn giả dạng. Chàng đã mang nàng lên một thạch động cheo leo giữa sườn núi cao. Mộc Chân kinh hãi khi nhìn xuống chân núi, nàng lo sợ địa hình hiểm trở đầy nguy hiểm. Nặc Sơn đã nói thẳng ý của mình cho nàng nghe:

“- Chúng ta không có con đường trở về. Từ nay không có anh thì bố em cũng không còn lý do gì để trả thù bộ tộc của cha anh, còn vắng em ở nhà thì cha em lấy ai để trút cơn giận dữ? Ta giờ đây chỉ biết có nhau. Đỉnh núi này sẽ là “vương quốc” của hai ta …”

Họ đã sống bên nhau, cách ly với mọi người. Một năm sau thì họ sinh một đứa con trai. Thằng bé lớn lên dần, cũng là lúc nó cảm thấy tù túng khi phải chui rúc trong gian thạch động. Nó tìm cách lén ra ngoài, trèo qua vách đá cheo leo … Một buổi sáng, khi vợ chồng Nặc Sơn thức dậy không thấy con, họ hốt hoảng chạy đi tìm và gặp mảnh khố da beo của con trên bờ vực sâu!

Thương con, cả hai vợ chồng đều không kể gì mạng sống, đã cố lần theo vách đá để xuống vực sâu hơn 100 thước. Từ hôm đó, chẳng còn ai thấy bóng họ trên lưng chừng núi nữa.

Năm năm sau, những toán thợ săn của bộ tộc Khất Tháp Giả trong lúc say sưa đuổi theo con mồi vào vùng núi cao, đã vô cùng kinh ngạc khi thấy bóng ba người, gồm hai người lớn và một trang thiếu niên đang trổ thuật phi hành nhẹ nhàng như chim liệng chuyền theo vách đá dựng đứng chẳng khác con chim yến đang làm tổ trên vách Thiên Sơn.

Ba người đó không ai khác hơn là vợ chồng Nặc Sơn và Mộc Chân cùng cậu con trai Thiên Giả Cáp Tề của họ. Thì ra năm năm trước, họ đã tìm được con trai khi rơi xuống vực đã may mắn vướng vào một cành cây nên không chết. Họ đã cứu con rồi cùng nhau đi sâu xuống vực, tìm một thạch động khác. Họ đã sống luôn ở đó, vì muốn trở lên cũng chẳng có cách nào.



Một hôm ngồi dưới đáy vực nhìn lên vách núi, họ thấy những con rắn rất lạ, chúng thoăn thoắt trườn ngược theo vách đá dựng đứng để đuổi theo những con chim yến đang làm tổ. Thân rắn trơn lẳn, không bám víu vào đâu, vậy mà chúng chẳng hề rơi xuống. Nhìn kỹ hơn, Nặc Sơn khám phá ra nguyên tắc di chuyển của con rắn bắng cách chuyển hướng liên tục, như con vụ quay để tạo ra sức ly tâm, và chính nhờ thế chúng luôn luôn bám vào vách đá, vừa có thể tiến đi nhanh như chim bay – loài rắn núi nào khi chạy ở đường bằng phẳng cũng không quên nguyên tắc chuyển động cứ lao vòng xoay vun vút, thế mà không ai đuổi theo kịp chúng!

Đó là khởi đầu cho một tuyệt kỹ, mà sau này giới võ lâm được biết dưới cái tên “Lăng ba vi bộ”!

Xin nói thêm, chàng trai Tiên Giả Cáp Tề nói trên, chính là ông Nội Tổ của Nỗ Nhĩ Cáp Tề, vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Mãn Thanh từng thống trị dân tộc Hán (Trung Hoa) ngót 300 năm sau này.
TH