các bạn thân mến tôi copy bài này cho các bạn biết thêm về các sơ.theo báo 24h
Tin tức trong ngày.

Sự ân cần nhẫn nại của người giúp sức.
Huyền thoại ở rừng Đăk Kia
Thứ Ba, ngày 05/01/2010, 05:00
(Tin tuc) - Chúng tôi đến trại phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vào sáng sớm. Con đường vào làng thật sạch sẽ, thẳng băng. Nơi cuối làng một ngôi nhà nhỏ nép mình sau những rặng cây.
Chính tại nơi này, một câu chuyện "cổ tích" đã vượt qua ranh giới thời gian cùng với một nhân vật rất thật giữa đời thường, toả sáng ấm áp cả làng phong hơn nửa thế kỷ...
Người mẹ của những cảnh đời
Một người đàn ông trạc 40 tuổi đang quét dọn ngoài sân, cho chúng tôi biết: "Sơ Y Phương đi về nhà thờ rồi". Xin số điện thoại từ người đàn ông nọ, chúng tôi liên lạc với sơ Y Phương thì được biết bà đang đi lễ tại nhà thờ Gỗ. Khi biết có người chờ gặp, bà hẹn chúng tôi trở về.

Sơ Y Phương đang đem từng chiếc ổ bánh mì đến cho những bệnh nhân phong.
Trong lúc chờ sơ Y Phương tôi hỏi chuyện người đàn ông nọ, tên anh ta là A Kim, dân tộc Jơ Rai, quê ở tận làng Kà Bầy, huyện Sa Thầy. Và cũng thật bất ngờ khi biết A Kim chính là con nuôi của sơ Y Phương, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi vừa mới lọt lòng mẹ, được bà cưu mang đem về nuôi dưỡng. Hơn 40 năm qua, A Kim không lập gia đình và sống cùng mẹ nuôi...
Sơ Y Phương đã đi xe thồ về đến nhà. Trước mặt tôi là một bà lão đã ngoài bảy mươi, dáng người gầy nhỏ nhắn, mái tóc đã bạc phơ vì sương gió và nhọc nhằn của cuộc đời. Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", trông bà vẫn còn nhanh nhẹn và tinh anh lắm. Bà mở cửa và vui vẻ mời chúng tôi vào nhà tiếp chuyện.

Căn nhà bà ở gồm hai gian chật hẹp, cũ kỹ vì thời gian. Gian bên phải kê một chiếc giường cá nhân, một chiếc tủ thờ Đức chúa Giê su và Đức Mẹ, một chiếc bàn con để vài quyển kinh thánh và hai chiếc ghế con bằng gỗ. Gian đối diện bà vừa dùng làm bếp, nhà ăn và cũng là nơi tiếp khách. Gian nhà thấp tè, đầy ắp những bí, đậu, rau, các vật dụng bếp núc và những túi bánh mì to tướng. Hỏi ra mới biết bà chuẩn bị để phân phát cho bệnh nhân phong, ngày nào cũng thế, đều đặn.
Sơ Y Phương rót nước, cắt chuối mời chúng tôi dùng bằng đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo. Bà bắt đầu kể về quãng đời cơ cực của mình thời thơ ấu và cũng chính từ đó bà lại bắt đầu hành trình đem tình yêu thương cho đồng loại-những bệnh nhân phong- bằng chính những việc làm đầy nghĩa cử cao cả của bà...
Từ năm 1950, Y Phương chính thức vào tu viện theo học kinh thánh và nghề y tá. Thấm thía nỗi đau mồ côi cha mẹ và những sóng gió cuộc đời, khi tốt nghiệp xong lớp y tá bà tình nguyện xin vào làm việc tại trại phong Đăk Kia - nơi có những con bệnh hiểm nghèo đang chờ đợi những bàn tay bao dung và tấm lòng rộng mở của đồng loại.
Lúc bấy giờ, trại phong Đăk Kia có khoảng gần một ngàn bệnh nhân từ các tỉnh Tây Nguyên đều đổ dồn về. Có những bệnh nhân đang ở thời kỳ bệnh phát tác mạnh, lở loét và thối rữa tứ chi... nhưng phương pháp điều trị lúc bấy giờ cũng rất đơn giản vì chưa có thuốc đặc trị như bây giờ. Hầu hết những con bệnh đều chỉ được truyền nước, tiêm thuốc kháng sinh như pinicelin, bệnh nặng thì rửa vết thương bằng cồn, nước muối, băng bó.

Thông thường, những bệnh nhân phong ở giai đoạn cuối, vết thương bị lở loét, thối rữa và rất nặng mùi, cảm giác rất ghê sợ. Đã có nhiều người khi tình nguyện vào đây được một thời gian phải xin thuyên chuyển hoặc bỏ việc. Nhưng đối với sơ Y Phương tình cảm, trách nhiệm không cho phép bà sợ hãi hay ghê tởm với những vết thương đã thối rữa của bệnh nhân.
Ngày qua ngày, bà không quản ngại nguy hiểm vì sự lây lan của con bệnh, bà ân cần chăm sóc, rửa ráy, băng bó tỉ mỉ từng vết thương, lo lắng cho từng con bệnh như người ruột thịt của mình. Có những người bệnh đã gắn kết gần cả cuộc đời của mình với bà như ông Chốt, bà Xếch, ông Hon, ông Nhót... đều là những bệnh nhân từ trên 80 tuổi đến 100 tuổi đã gắn cả đời mình với trại phong và với người "nhũ mẫu" dễ thương, hiền hậu với tình yêu thương vô hạn...
Những đêm trời mưa to gió lớn, toàn khu trại phong không một ánh điện. Sơ Y Phương phải lần mò trong đêm vắng với chiếc đèn dầu tù mù đi thăm bệnh, chăm sóc, rửa ráy vết thương cho những con bệnh nặng. Có những ca nửa đêm đau ốm, hay sinh sản cũng gọi bà. Sơ Y Phương cho biết: "Cả đời, tôi đã không nhớ nổi là mình đã đỡ đẻ bao nhiêu ca sinh nở, chỉ biết là mình đã làm công việc này liên tục suốt cả hai thế hệ".
Ngoài tình thương của người mẹ, người chị, người thầy thuốc dành cho các bệnh nhân phong, sơ Y Phương còn là người mẹ của bao hoàn cảnh, bao mảnh đời bất hạnh của những đứa trẻ mồ côi, bao đấng sinh linh tội nghiệp. Khi hỏi sơ về số con nuôi chính thức mà sơ đã cưu mang, bà cho biết là khoảng 12 người.

"Bây giờ chúng nó hầu hết đã trưởng thành, ra ở riêng lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định" - sơ cho biết. Trong số con nuôi của sơ phải kể đến hai chị em A Phân và A Phanh, họ mồ côi mẹ khi vừa mới chào đời, thấy tội nghiệp sơ mang về nhà nuôi, ngày ngày mua sữa bò để bón, sau rồi đến nước cháo. Hôm nay, A Phân đã đi làm, còn A Phanh đang tiếp tục học đại học ở TP. Hồ Chí Minh.
Rất nhiều mảnh đời bất hạnh như thế đã được sơ đem về nuôi.
Kính phục
Ngày qua ngày, bằng những đồng tiền trợ cấp ít ỏi của trại phong, sơ Y Phương phải vừa dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc những bệnh nhân phong, chăm bẵm đàn con nuôi bất đắc dĩ, sơ còn phải tham gia lao động đi làm rẫy, chăn nuôi bò, gà, heo và trồng rau, chuối quanh nhà... nói chung là đủ việc để tạo ra sản phẩm để nuôi đàn con và dành dụm chút ít để bồi dưỡng các bệnh nhân phong.
Được biết khi sơ nuôi bò, con bò của sơ đẻ ra được con nào là sơ chuyển giao ngay con bò ấy cho các hộ gia đình bệnh nhân phong để nuôi thế nên suốt đời nuôi bò, sơ Y Phương chỉ còn vốn liếng... mỗi con bò giống.
Bây giờ, những bệnh nhân phong cũng đã có các loại thuốc đặc trị, có sự tận tình chăm sóc bằng chuyên môn của các y tá, bác sĩ có trình độ chuyên môn, nhưng vẫn không thể thiếu vắng bàn tay chăm sóc đặc biệt của sơ Y Phương. Tuổi càng ngày càng cao, sức khỏe giảm sút, nhưng sơ Y Phương vẫn không ngừng lao động. Bà vẫn trồng chuối, đi làm rẫy, nuôi gà, nuôi bò...
Tất cả bà vẫn dành hết tình thương yêu cho những mảnh đời cơ nhỡ và đáng thương bất hạnh. Gặp những lúc trái gió trở trời, bệnh nhân đau ốm, bà vẫn phải lần mò xuống làng, chăm sóc, rửa ráy và băng bó cho những bệnh nhân nặng bị lở loét. Những bệnh nhân mới nhập viện, chưa kịp làm các chế độ nhập viện thì đã có bà lo cơm nước, ăn uống và được bà chăm sóc hàng ngày.
Hình ảnh sơ Y Phương dưới nắng trưa oi ả hai tay xách hai chiếc túi nặng đầy bánh mì, bà đi khắp các ngõ hẻm của làng phong, phân phát những chiếc bánh mì cho những bệnh nhân phong. Nhìn dáng người nhỏ thó của bà trong bộ trang phục xanh đậm của nhà thờ, cần mẫn tới từng căn nhà nhỏ lòng tôi trào lên một niềm kính phục.
Giữa đời thường, vượt qua bao nguy hiểm và ranh giới thời gian với tuổi xuân qua đi, sơ Y Phương đã làm nên một câu chuyện cổ tích ngay giữa làng phong Đăk Kia, mà suốt hơn nửa thế kỷ qua bây giờ mới kể...