Công án nguyên nghĩa là án lệ phán quyết chuyện phải trái cáo bạch công khai trên bảng yết thị của quan phủ ngày trước, tạm coi tương đương như thông báo của nhà nước ngày nay.

Việc Thiền tông đem ngôn hạnh của tổ sư các đời ghi chép lại dùng để khải thị cho kẻ tọa thiền, lâu dần cũng thành ra một loại tư khảo, hoặc một bài minh nhắc nhở ghi khắc bên cạnh người ngồi thiền.

Vì ngôn hạnh của các Tổ sư được ghi chép lại như vừa nói trên cũng mang ý nghĩa như một cáo bạch chính thức, một công án của chính phủ, tức đầy đủ tính cách trang nghiêm bất khả xâm phạm, lại cũng giúp khải phát tư tưởng, cung ứng tư duy cho người nghiên cứu Thiền, đồng thời cũng làm phép tắc khuôn mẫu để đời sau nương nhờ, cho nên mới gọi là công án.

Trước một Công án Thiền tông bằng Hán văn, các tăng ni sinh chí ít cần có một số điều kiện tối thiểu để có thể tạm lảnh hội được dễ dàng mau chóng ý Thiền nằm trong đó :

1. Trước hết có khả năng đọc nguyên văn chữ Hán
2. Biết thành ngữ điển cố đời thường
3. Biết thành ngữ điển cố Thiền tông
4. Biết phong tục tập quán chủ yếu Trung Hoa cổ đại (hoặc Á Ðông nói chung)
5. Biết các thuật ngữ và dụng ngữ Thiền lâm
6. Ðọc sâu hiểu rộng Thiền sử
7. Cảm thụ được Thiền cơ, nhất là tính u mặc (tếu)
8. Có năng khiếu nhạy bén thiên bẩm để lảnh hội được Thiền chỉ