Triết học Âm dương Ngũ hành là một hệ lý thuyết đa cấu trúc. Mỗi một cấu trúc là một tập hợp các đối tượng kết hợp với nhau đúng theo nguyên lý Âm dương Ngũ hành. Tính chất Âm dương Ngũ hành của một đối tượng (trong một cấu trúc) được xác định đồng thời 2 yếu tố là tính chất Âm dương và tính chất Ngũ hành, tức là: một đối tượng được xác định tính chất là Âm (hoặc Dương) thì nhất thiết phải có cả tính chất xác định trong Ngũ hành, và ngược lại, một đối tượng được xác định tính chất trong Ngũ hành thì nhất định phải có tính chất xác định là Âm (hoặc Dương).
Hai cấu trúc cơ bản của Triết học Âm dương Ngũ hành là cấu trúc số và cấu trúc tượng. Cấu trúc số là hệ thập phân được xắp xếp thành hai đồ hình Hà Đồ và Lạc Thư. Cấu trúc tượng là nguyên lý Âm dương Ngũ hành được biểu hiện một cách tương tự bằng các hình tượng (hào, quái).
Tính chất Âm dương Ngũ hành của các đối tượng trong cấu trúc số được xác định rất rõ ràng, nhưng trong cấu trúc tượng, tính chất Âm dương Ngũ hành của các đối tượng nhiều điểm sai lệch với chính tiền đề của nó. Sau đây là những điểm sai lệch cần chỉnh lý trong cấu trúc tượng.

I.NHỮNG ĐIỂM SAI LỆCH TRONG CẤU TRÚC TƯỢNG

Trong Thiên thượng của Hệ từ truyện có viết: vì lời không diễn hết ý (của Âm dương Ngũ hành) nên phải đặt ra "tượng" để diễn hết ý. Lại viết, Dịch là hình tượng (hào, quái): hình tượng là phỏng theo, là tương tự. Dịch có Thái cực, Thái cực sinh ra Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng, Tứ tượng sinh ra Bát quái.
Thứ nhất là hiện tại có sự sai lệch giữa Tiền đề và Nguyên lý của Bát quái. Tiền đề xác định tính chất của 8 quái chỉ có 4 tính chất là Kim, Hỏa, Thủy, Mộc, còn nguyên lý đang có thì 8 quái có 5 tính chất là Kim, Hoả, Thủy, Mộc và Thổ. Nội dung của Tiền đề có nói "Tứ tượng sinh ra Bát quái", Tứ tượng chỉ có 4 tính chất là Kim, Hoả, Thủy, Mộc cho nên Bát quái cũng chỉ có 4 tính chất tương ứng thì mới đúng lý.
Thứ hai là sự không nhất quán về tính chất của các quái trong 8 quái. Nguyên lý hiện tại, 8 quái có những tính chất như sau: 3 hành Kim, Mộc, Thổ thì có Âm có Dương còn 2 hành Thủy và hành Hỏa thì không có Âm dương.
Thứ ba, cấu trúc tượng đang tồn tại một nguyên lý sai lệch rất rõ ràng. Sai lệch này sẽ được chỉ ra khi căn cứ vào một tiền đề về cách xác định tính chất Âm dương Ngũ hành cho một đối tượng bất kỳ trong các cấu trúc nói chung và cấu trúc tượng nói riêng. Tiên đề có nội dung là:
"Tính chất Âm dương Ngũ hành của một đối tượng (trong một cấu trúc) được xác định đồng thời 2 yếu tố là tính chất Âm dương và tính chất Ngũ hành, tức là: một đối tượng được xác định tính chất là Âm (hoặc Dương) thì nhất thiết phải có cả tính chất xác định trong Ngũ hành, và ngược lại, một đối tượng được xác định tính chất trong Ngũ hành thì nhất định phải có tính chất xác định là Âm (hoặc Dương)"
Căn cứ vào Tiền đề trên, thì thấy các đối tượng trong cấu trúc tượng có sự sai lệch, thiếu sót sau đây:
A-Về đối tượng của Lưỡng nghi:
Lưỡng nghi là Nghi âm và Nghi dương, hai đối tượng này so với Tiên đề thì thấy nó thiếu tính chất xác định trong Ngũ hành.
B-Về đối tượng của Tứ tượng:
Tứ tượng là Thái dương, Thái âm, Thiếu âm và Thiếu dương. Xét về tên gọi như vậy thì thấy 4 đối tượng này thiếu tính chất xác định trong Ngũ hành.
C-Về đối tượng của Bát quái:
Bát quái là Dương kim, Âm kim, Dương mộc, Âm mộc, Dương thổ, Âm thổ, Thủy và Hỏa. Như vậy tức là hai đối tượng Thủy và Hỏa có tính chất xác định trong Ngũ hành nhưng lại không có đối tượng Âm và Dương.

II.NHỮNG ĐIỂM SAI LỆCH VỀ HÌNH BÁT QUÁI

Kinh dịch có ghi "Hà đồ, Lạc thư vồn là nguồn gốc của quái hoạch" tức là 9 cung của đồ hình Hà đồ và 9 cung của đồ hình Lạc thư là bản đổ quy hoạch, sắp xếp vị trí 8 quái thành Hình bát quái.
Hình Bát quái Tiên thiên và Hình Bát quái Hậu thiên là hệ quả của sự phối hợp cấu trúc tượng với cấu trúc số. Tức là nạp Bát quái và Thái cực vào 9 cung của Hà đồ theo nguyên lý Âm dương Ngũ hành tương ứng thì sẽ được hệ quả là Hình Bát quái Tiên thiên, nạp Bát quái và Thái cực vào 9 cung của Lạc thư theo nguyên lý Âm dương Ngũ hành tương ứng thì sẽ được hệ quả là Hình Bát quái Hậu thiên.
Nhưng với nguyên lý về tính chất của 8 quái như hiện nay của cấu trúc tượng thì không thể nào thực hiện được điều hợp lý như trên. Điều này chứng tỏ nguyên lý của cấu trúc tượng đang có những khái niệm sai lệch.
Như vậy, vấn đề tiếp theo là phải chỉnh lý tính chất Âm dương Ngũ hành trong cấu trúc tượng một cách rõ ràng, chi tiết và hơp lý là một việc cần thiết.


III.NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TRONG CẤU TRÚC TƯỢNG

Trong Thiên thượng của Hệ từ truyện có viết: vì lời không diễn hết ý (của Âm dương Ngũ hành) nên phải đặt ra "tượng" để diễn hết ý. Lại viết, Dịch là hình tượng (hào, quái): hình tượng là phỏng theo, là tương tự. Dịch có Thái cực, Thái cực sinh ra Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng, Tứ tượng sinh ra Bát quái.

1-Tiền đề Âm dương Ngũ hành trong cấu trúc tượng
Dịch có Thái cực, Thái cực có tính chất xác định trung tính là hành Thổ. Do nguyên lý của Âm dương mà Thái cực sinh ra Lưỡng nghi là Âm thổ và Dương thổ. Do Âm dương tiến hóa theo luật Ngũ hành mà Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng. Do Ngũ hành tiến hóa theo luật Âm dương mà Tứ tượng sinh ra Bát quái.

Nghi âm có tính chất xác định là Âm thổ, nghi dương có tính chất xác định là Dương thổ.

Dương thổ sinh ra Thiếu dương hỏa và Thái dương kim.

Âm thổ sinh ra Thiếu âm thủy và Thái âm mộc.

Thái dương kim sinh ra Dương kim và Âm kim.

Thiếu dương hỏa sinh ra Dương hỏa và Âm hỏa.

Thiếu âm thủy sinh ra Âm thủy và Dương thủy.

Thái âm mộc sinh ra Âm mộc và Dương mộc.


Bảng 4. Hệ thống các hình tượng (hào, quái) của cấu trúc tượng


2-Nguyên lý Âm dương Ngũ hành trong cấu trúc tượng

2.1-Thái Cực

Thái cực là sự hợp nhất của Âm dương Ngũ hành, Thái cực có tính chất xác định trung tính là hành Thổ, sắc vàng. Hình tượng của Thái cực là một hình tròn 4 màu.


Hình 6.Thái cực đồ-Hình tượng của hành Thổ

2.2-Lưỡng Nghi

Do nguyên lý Âm dương Ngũ hành mà Thái cực (hành Thổ) sinh ra Lưỡng nghi là Âm thổ và Dương thổ. Hình tượng của Dương thổ là một vạch liền, gọi là Hào dương, hình tượng của Âm thổ là một vạch đứt, gọi là Hào âm.


Hình 7. Lưỡng nghi-Hình tượng của Dương thổ và Âm thổ

2.3-Tứ tượng

Do Âm dương tiến hóa theo luật Ngũ hành mà Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng. Tứ tượng được xác định là Thái dương kim, Thiếu dương hỏa, Thiếu âm thủy và Thái âm mộc.

Dương thổ sinh ra Thiếu dương hỏa và Thái dương kim

Hình tượng của Thái dương kim và Thiếu dương hỏa được hình thành như sau:

Hào dương chồng thêm hào dương thành Thái dương kim(hai hào dương).

Hào dương chồng thêm hào âm thành Thiếu dương hỏa(dưới hào dương, trên hào âm)


Hình 8. Dương thổ sinh ra Thái dương kim và Thiếu dương hỏa


Âm thổ sinh ra Thiếu âm thủy và Thái âm mộc

Hình tượng của Thiếu âm thủy và Thái âm mộc được hình thành như sau:

Hào âm chồng thêm hào dương thành Thiếu âm thủy(dưới hào âm, trên hào dương).

Hào âm chồng thêm hào âm thành Thái âm mộc(hai hào âm).


Hình 9. Âm thổ sinh ra Thiếu âm thủy và Thái âm mộc


2.4-Bát quái

Do Ngũ hành tiến hóa theo luật Âm dương (Âm sinh, Dương trưởng) mà Tứ tượng sinh ra Bát quái. Tính chất Âm dương Ngũ hành của Bát quái được xác định như sau:

Thái dương kim sinh ra Dương kim và Âm kim

Thái dương kim chồng thêm Hào dương thành quái Càn. Quái Càn là trạng thái lớn mạnh (Dương trưởng) của hành Kim nên tính chất xác định là Dương kim. Thái dương kim chồng thêm Hào âm thành quái Đoài. Quái Đoài là giai đoạn ban đầu (Âm sinh) của hành Kim nên tính chất xác định là Âm kim.


Hình 10. Thái dương kim sinh ra Dương kim và Âm kim

Thiếu dương hỏa sinh ra Dương hỏa và Âm hoả

Thiếu dương hỏa chồng thêm Hào dương thành quái Ly. Quái Ly là trạng thái lớn mạnh (Dương trưởng) của hành Hỏa nên tính chất xác định là Dương hỏa. Thiếu dương hỏa chồng thêm Hào âm thành quái Chấn. Quái Chấn là giai đoạn ban đầu (Âm sinh) của hành Hỏa nên tính chất xác định là Âm hỏa.


Hình 11. Thiếu dương hỏa sinh ra Dương hỏa và Âm hỏa

Thiếu âm thủy sinh ra Âm thủy và Dương thủy

Thiếu âm thủy chồng thêm Hào dương thành quái Tốn. Quái Tốn là giai đoạn ban đầu (Âm sinh) của hành Thủy nên tính chất xác định là Âm thủy. Thiếu âm thủy chồng thêm Hào âm thành quái Khảm. Quái Khảm là trạng thái lớn mạnh (Dương trưởng) của hành Thủy nên tính chất xác định là Dương thủy.


Hình 12. Thiếu âm thuỷ sinh ra Âm thủy và Dương thủy

Thái âm mộc sinh ra Âm mộc và Dương mộc

Thái âm mộc chồng thêm Hào dương thành quái Cấn. Quái Cấn là giai đoạn bạn đầu (Âm sinh) của hành Mộc nên tính chất xác định là Âm mộc. Thái âm mộc chồng thêm Hào âm thành quái Khôn. Quái Khôn là trạng thái lớn mạnh(Dương trưởng) của hành Mộc nên tính chất xác định là Dương mộc.


Hình 13. Thái âm mộc sinh ra Âm mộc và Dương mộc

Như trên, cấu trúc tượng đã có được một sự hợp lý giữa Tiền đề và Nguyên lý. Các đối tượng đã xác định được tính chất Âm dương Ngũ hành rõ ràng, điều là căn bản để tiến đến sự kết hợp cấu trúc tượng với cấu trúc số và có được hệ quả là 2 Hình Bát quái. Tiếp theo, cần nêu ra đây nội dung Tiền đề và Nguyên lý riêng của cấu trúc số.

IV.NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH CƠ BẢN TRONG CẤU TRÚC SỐ

1-Tiền đề Âm dương Ngũ hành của hệ thập phân trong cấu trúc số

Thiên nhất sinh Thuỷ, Địa lục thành chi

Địa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi

Thiên tam sinh Mộc, Địa bát thành chi

Địa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi

Thiên ngũ sinh Thổ, Địa thập thành chi

Trời lấy số 1 mà khởi sinh hành Thuỷ, Đất lấy số 6 mà tạo thành hành Thuỷ.

Đất lấy số 2 mà khởi sinh hành Hỏa, Trời lấy số 7 mà tạo thành hành Hỏa.

Trời lấy số 3 mà khởi sinh hành Mộc, Đất lấy số 8 mà tạo thành hành Mộc.

Đất lấy số 4 mà khởi sinh hành Kim, Trời lấy số 9 mà tạo thành hành Kim.

Trời lấy số 5 mà khởi sinh hành Thổ, Đất lấy số 10 mà tạo thành hành Thổ.

Các số lẻ 1,3,5,7,9 gọi là số của Trời, số Dương hay số Cơ, trong đó 1,3,5 là số Sinh của Trời, 7,9 gọi là số Thành của Trời.

Các số chẵn 2,4,6,8,10 gọi là số của Đất, số Âm hay số Ngẫu, trong đó 2,4 gọi là số Sinh của Đất, còn 6,8,10 gọi là số Thành của Đất.


2-Nguyên lý Âm dương Ngũ hành của hệ thập phân trong cấu trúc số

Số 1 có tính chất là Dương thủy, số 6 có tính chất là Âm thuỷ.

Số 2 có tính chất là Âm hỏa, số 7 có tính chất là Dương hỏa.

Số 3 có tính chất là Dương mộc, số 8 có tính chất là Âm mộc.

Số 4 có tính chất là Âm kim, số 9 có tính chất là Dương kim.

Số 5 có tính chất là Dương thổ, số 10 có tính chất là Âm thổ.

3-Hệ quả Âm dương Ngũ hành của hệ thập phân trong cấu trúc số

Theo luật Ngũ hành sinh, khắc hệ thập phân trong cấu trúc số được sắp xếp thành 2 đồ hình Hà đồ và Lạc thư.


Hình Hà đồ và Lạc thư


Hình 3. Ngũ hành sinh, khắc


Luật Ngũ hành tương sinh là nguyên lý của đồ hình 9 cung Hà đồ:

Kim sinh Thuỷ

Thuỷ sinh Mộc

Mộc sinh Hoả

Hoả sinh Thổ

Thổ sinh Kim

Hình 4. 9 cung Hà đồ


Luật Ngũ hành tương khắc là nguyên lý của đồ hình 9 cung Lạc thư:

Kim khắc Mộc

Mộc khắc Thổ

Thổ khắc Thủy

Thủy khắc Hỏa

Hỏa khắc Kim

Hình 5. 9 cung Lạc thư

Đến đây, các đối tượng trong 2 cấu trúc số và cấu trúc tượng đã được xác định tính chất Âm dương Ngũ hành một cách chi tiết.

V.PHỐI HỢP CẤU TRÚC TƯỢNG VỚI CẤU TRÚC SỐ THEO NGUYÊN LÝ THỐNG NHẤT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH

Phối hợp cấu trúc số với cấu trúc tượng theo nguyên lý thống nhất Âm dương Ngũ hành sẽ được hệ quả là 2 Hình Bát quái. Bát quái nạp vào đồ hình 9 cung Hà đồ sẽ được hệ quả là hình Bát quái Tiên thiên. Bát quái nạp vào đồ hình 9 cung Lạc thư sẽ được hệ quả là hình Bát quái Hậu thiên.
Qui tắc nạp Bát quái vào Hà đồ cũng như nạp Bát quái vào Lạc thư là qui tắc tương ứng theo tính chất Âm dương Ngũ hành:

Quái Càn và số 9, tương ứng với nhau theo tính chất dương Kim.
Quái Đoài và số 4, tương ứng với nhau theo tính chất âm Kim.
Quái Ly và số 7, tương ứng với nhau theo tính chất dương Hỏa.
Quái Chấn và số 2, tương ứng với nhau theo tính chất âm Hỏa.
Quái Tốn và số 6, tương ứng với nhau theo tính chất âm Thuỷ.
Quái Khảm và số 1, tương ứng với nhau theo tính chất dương Thuỷ.
Quái Cấn và số 8, tương ứng với nhau theo tính chất âm Mộc.
Quái Khôn và số 3, tương ứng với nhau theo tính chất dương Mộc.
Đặc biệt Thái cực có tính chất xác định trung tính là hành Thổ được nạp vào vị trí trung cung của Hà đồ và Lạc thư.



Hình 14. Thực tại Bát quái Tiên thiên


Hình 15. Thực tại Bát quái Hậu thiên

Các vấn đề chỉnh lý liên quan tiếp theo sẽ được trình bày trong phần sau. Cảm ơn quý học giả và các anh chị đã xem bài viết này