kết quả từ 1 tới 7 trên 7

Ðề tài: ÔNG NGHÈ TÂN

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định ÔNG NGHÈ TÂN

    Tôi xin cống hiến bạn đọc một giai thoại văn chương về một bực đại khoa bảng nước nhà, ông Nghè Tân.
    Ông Nguyễn Quý Tân, hiệu Đình Trai, người làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, sinh năm 1811, thời vua Gia Long.
    Thuở nhỏ, ông nổi tiếng khắp nơi là một người học giỏi. Ngay từ lúc còn đi học, ông đã tỏ vẻ khinh ghét bọn quan lại tham nhũng.
    Một hôm nhằm ngày rầm trung thu ở tỉnh Hải Dương, vợ con quan đầu tỉnh ra ngoài phố xem nhân dân ăn Tết. Lính tráng dẹp đường, hò hét om sòm, roi quất vào đầu người dân. Cậu học trò Tân có mặt ở đó, thấy thế tức lắm, cứ đứng ỳ ở giữa đường không tránh nên bị lính bắt giải đến trước mặt quan. Trò Tân khai mình là học trò, mải đứng xem một cái đèn kéo quân nên không biết có bà quan đến. Ông quan liền nói rằng nếu nhận là học trò thì làm bài thơ vịnh "Đèn kéo quân", nếu hay thì được thưởng mà nếu không hay thì bị đánh đòn.
    Trò Tân suy nghĩ chốc lát rồi hạ bút viết:
    Một lũ ăn mày một lũ quan
    Quanh đi quẩn lại cũng một đoàn
    Đến khi dầu hết đèn thôi cháy
    Chẳng thấy ăn mày chẳng thấy quan.

    Quan đọc xong biết trò Tân chửi xỏ, bầm gan tím mặt, nhưng không chê bài thơ vào đâu được, nên buộc lòng phải thả Tân.
    Năm 29 tuổi, ông đỗ kỳ thi Hương, năm 31 tuổi đỗ Tiến sĩ, từ đó mọi người đều gọi ông là "ông Nghè Tân". Được triều đình bổ chức Tri phủ, nhưng vì tính tình phóng khoáng, không chịu nổi những sự ràng buộc của công danh thế sự, nên vài tháng sau khi nhận chức, ông đệ đơn xin từ chức với ý định đi ngao du sơn thủy, lấy bầu rượu túi thơ làm vui thú.
    Trong bài thơ Tự Thuật ông viết:
    ... Hội Long vân quyết chí vẫy vùng,
    Bút một trận bảng rồng treo chói lọi
    Chữ phận bạc má hồng không tránh khỏi
    Mà phong lưu cho bõ lúc phong trần
    Cũng tưởng rằng danh chẳng bằng thân
    Xăm xăm những ráp gần nơi tử đệ
    Ra thảo lý cân đai nhè nhẹ
    Khúc Nga Tùng ngâm khẽ thong dong..
    .
    (trích bài Tự thuật)
    Vua Thiệu Trị biết ông là người thanh liêm có tài nên gọi vào kinh đô Huế, giao cho một chức vụ ở trong bộ, ông từ chối. Vua bèn đặc cách ông làm Thanh Tra các quan lại ở Bắc Kỳ.
    Ông lãnh nhiệm vụ, trở về cư ngụ ở làng Thượng Cốc. Ông thường hoá trang lúc làm người học trò nghèo, lúc giả làm lái buôn, lúc giả làm thợ, cùng với những người lính tùy tùng cũng hoá trang như ông, đi khắp nơi để điều tra những tham quan ô lại.
    Một hôm quan huyện Gia Lộc đến kinh lý làng Thượng Cốc là nơi ông đang có mặt. Dân làng được lệnh phải mang cờ trống võng lọng đến cánh đồng địa phận của làng để đón quan và để khiêng cáng. Quan Huyện mới đổi về nhiệm sở huyện Gia Lộc mà đã có tiếng là hống hách và tham nhũng, lý dịch trong làng đã trình ông Nghè Tân biết trước.
    Ông Nghè Tân ăn mặc giả làm phu khiêng cáng. Khi quan Huyện đến địa phận làng, thì ông cũng ghé vai cùng với những người phu khác khiêng cáng quan huyện. Các lý dịch và chức sắc bô lão trong làng, trịnh trọng trong những bộ áo thụng xanh lạy chào quan về kinh lý. Hai bên cáng là hai tên phu che lọng. Đi trước dẫn đường là tiểu đội lính lệ của huyện đường, mặc áo nậu, đầu đội nón dấu, mang gươm bạc và hèo hoa, một tên đi trước cầm loa đồng thét dân chúng tránh đường để quan đi. Từ cánh đồng vào đến đình làng, xa một hai cây số. Quan huyện béo phục phịch, nằm trong cáng có mành mành sáo hai bên, thỉnh thoảng lại gọi lính hầu mang điếu hút thuốc hay mang trầu nhai bỏm bẻm. Cáng thì nặng mà đường thì trơn trượt, có nhiều khúc trũng nuớc đọng, phải lội bì bõm.
    Tới một khúc sình lầy bẩn thỉu, giữa hai thửa ruộng đầy phân bón, ông Nghè Tân đằng hắng làm hiệu cho những phu khiêng cáng, giả vờ trượt chân, vứt tõm quan huyện xuống dám sình hôi hám. Quan huyện béo phục phịch, lúng túng trong võng không đứng lên được, nước dơ bẩn tràn vào mồm vào mũi, đầu tóc khăn áo ướt sẫm nước ruộng, ú ớ kêu lính hầu đến lôi ông dậy.
    Mới lồm cồm đứng lên được, chưa kịp vuốt bùn ở mặt mũi, quan Huyện đã nghe thấy tiếng thét :
    - Lý trưởng Thượng Cốc đâu, trói cổ tên huyện quan này lại cho ta !
    Quan huyện chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao, lý dịch và tuần phiên làng Thượng Cốc đã ập lại lấy thừng trói tay ông. Ông Nghè Tân, lúc bấy giờ rút chiếc bài ngà dấu trong ngực, đeo ra ngoài áo. Huyện quan lấm lét nhìn bài ngà thấy mấy chữ " Bắc Kỳ Thanh Tra đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân" thì mặt mày xám ngoét vội quỳ xuống khấu đầu làm lễ.
    Ông Nghè Tân liền mắng rằng : "Làm phụ mẫu dân mà bắt dân phục dịch khổ sở, lại tham nhũng ức hiếp lý dịch và dân lành, hút máu mủ dân để béo tốt vào thân, thật đáng làm tội. Nay ta sai lính dẫn ngươi về tỉnh để quan tỉnh Hải Dương tư vào trong triều trừng phạt mi". Nói rồi ông viết luôn tờ công văn đưa cho mấy người lính hầu cận ông giải viên tri huyện về tỉnh.
    Dân huyện Gia Lộc được tin tri huyện bị quan Thanh Tra trừng trị, nên ăn mừng và cử đại diện hàng huyện đến làng Thượng Cốc tỏ lòng tri ân ông Nghè Tân.
    Tiếng đồn ông Thanh Tra thanh liêm bay đi khắp các tỉnh, quan lại tham nhũng đều lo sợ nơm nớp.
    Một hôm ông Nghè Tân cùng bọn lính tùy tùng giả làm phường lái buôn đi qua phố phủ Bình Giang. Ông thấy một người đàn bà đang nhớn nhác tìm kiếm một việc gì, vừa khóc lóc vừa kể lể đáng thương. Ông hỏi lý do tại sao thì người đàn bà mếu máo trả lời:
    " Tôi là đàn bà goá chồng. Nhà có con trâu, chẳng may nó chết. Hôm qua tôi đã nhờ thầy lý trưởng làm đơn và đóng triện thị thực để hôm nay lên trình quan phủ xin chôn cất, thầy lý đòi 2 quan tiền. Sáng nay tôi đi từ nhà đến phủ, qua mấy cánh đồng, vừa tới nơi, rờ tới tờ đơn cuốn để trong bọc thì không thấy, chỉ còn có 6 quan tiền để lễ quan Phủ và nha lại. Nay tôi trở về làng thì xa quá mất cả ngày, mà nhờ người viết đơn hộ thì không có tiền để trả công người ta."
    Ông Nghè Tân nghe vậy lấy làm bất bình. Chôn một con trâu chết mà phải tốn kém tiền bạc và mất thì giờ cho người dân. Lý dịch, quan nha đều ức hiếp dân lành lấy tiền của, nên ông nhất định làm cho mất cái thói hiếp đáp đó. Ông hỏi quán nước ở cổng phủ thì biết quan Phủ mới từ trong kinh ra nhậm chức, ra lệnh bắt dân vào hầu bất cứ việc gì đều phải nộp 2 quan tiền trình diện. Đơn khai trâu chết phải nộp 5 quan, bò chết nộp 3 quan, ngoài ra bọn nha lại, lính lệ ăn thêm một vài quan nữa.
    Ông Nghè Tân mở tráp lấy giấy bút rồi vào quán nước viết dùm cho người đàn bà lá đơn như sau:
    Tôi là phận gái nữ nhi
    Có con trâu chết phải đi trình người.
    Vội vàng váy trụt đơn rơi
    Tôi mượn một người làm cái đơn ni
    Quan Tri ới hỡi quan Tri
    Xin Ngài chấp nhận đơn ni làm bằng
    Nếu quan còn hỏi mần răng,
    Thời quan cắn cỏ lạy thằng làm đơn.

    Rồi ông đưa cho người đàn bà mang đơn vào nộp. Bà ta, vào trong công đường, mượn cái mâm gỗ để lá đơn kèm với 5 quan tiền, đệ đơn lên bàn rồi quỳ lạy. Phủ quan ngồi nơi xa, sai lính lệ ra nhận đơn và tiền mang vào. Quan Phủ đọc lá đơn, thấy lời nói hỗn xược, ông giận tím mặt, nhưng ông thấy nét chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa, ông nghĩ tên viết đơn này phải là tên sừng sỏ, ông muốn biết tên nào đã viết đơn cho mụ đàn bà. Ông thét lên:
    - Mụ kia ! tên nào làm đơn cho mi ? Mi phải khai thực, không thì ta nọc cổ đánh đòn và nhốt giam mi lại.
    Mụ đàn bà chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, lập cập khai:
    - Bẩm quan lớn. Con nhờ thầy lý làm dùm cái đơn tối hôm qua để sáng nay con mang lên trình quan lớn. Chẳng may đi đường rớt lá đơn lúc nào không hay, con đang tìm kiếm quanh quẩn thì có một ông lái ở quán nước cổng phủ thương tình làm hộ lá đơn này. Lạy quan lớn, trăm lạy, xin quan lớn tha tội cho.
    Quan Phủ nghe nói vậy liền sai mấy tên lính lệ ra quán nuớc ngoài cổng phủ bắt tên lái buôn viết bậy vào, nhưng bọn lính lệ ra đến quán nước chỉ thấy có một ông quan đeo bài ngà, cùng với mấy tên lính theo hầu, vì lúc bấy giờ ông Nghè Tân và mấy người lính đã trút bỏ bộ quần áo lái buôn mà mặc áo quan và áo lính vào rồi.
    Lính lệ lật đật chạy về trình quan Phủ. Ông này biết là có sự chẳng lành, một phần cũng đoán là ông Nghè Tân đi thanh tra, nên một mặt hối thúc quét dọn công đường, một mặt cùng bọn lính lệ mở toang cổng phủ, ông cùng với bọn nha lại ra hàng nước để đón rước. Khi thấy ông Nghè Tân, viên tri Phủ liếc mắt nhìn bài ngà thấy rõ ràng mấy chữ " Bắc kỳ thanh tra đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân" , thì ông không còn ngờ vực gì nữa, ông vội phủ phục xuống lạy chào quan Thanh tra và khúm núm sợ hãi mời vào trong phủ đường.
    Ông Nghè Tản vào công đường, bắt Phủ quan trình các giấy tờ sổ sách, công văn, án từ để ông xem xét. Phủ quan và lũ nha lại sợ hãi nem nép đứng hầu chẳng dám hé răng, con ruồi đậu mép cũng không dám đuổi. Dân phố phủ ùn ùn kéo đến trước công đường để xem.
    Ông Nghè Tân im lặng tra xét sổ sách tới trưa thì quan Phủ khẽ bảo lính lệ vào trong nhà bảo bà Phủ làm cơm để đãi quan Thanh Tra.
    Một mâm cỗ thịnh soạn, đủ các món sơn hào hải vị và chai rượu quý được bưng ra công đường, ông Phủ gãi đầu gãi tai mời quan Thanh Tra nghỉ tay để dùng bữa.
    Ông Thanh Tra nhìn mâm cơm thịnh soạn liền trỏ tay vào quan Phủ mà nói rằng:
    - Đây là máu mủ của dân lành, trâu chết lấy 5 quan, bò chết lấy 3 quan, mỗi lá đơn 2 quan, nỡ lòng nào mà ta ngồi ăn sao được. Đã là cha mẹ dân thì phải thương dân như thương con, phải chăm nom cho dân, chớ sao lại bòn rút của dân để ăn uống xa xỉ như thế này. Thôi thầy Phủ cho cất những thức ăn thịnh soạn này đi, ta không ăn uống gì đâu.
    Phủ quan sợ hãi tái mặt, vội quỳ xuống xin quan Thanh Tra khoan hồng, hứa từ nay sẽ bỏ những luật lệ đó. Ông Nghè Tân liền bắt phủ quan thông sức ngay về tất cả các làng báo cho lý dịch và toàn dân biết từ nay trở đi trâu bò chết không phải trình quan phủ xin phép chôn cất mà chỉ cần trình lý dịch trong làng là đủ, khi có việc lên phủ thì không phải nộp tiền trình 2 quan nữa.
    Ra lệnh xong, ông Nghè Tân cùng những người lính tuỳ tùng ra khỏi phủ, xuống đò đi sang địa hạt khác.
    Một lần khác qua tỉnh lỵ Hải Dương, nghe nói có quan Tổng Đốc mới từ miền Trung đổi tới nhậm chức. Ông Nghè Tân muốn vào trong dinh điều tra về cách ăn ở và cư xử của quan đầu tỉnh mới ra sao. Ông hoá trang làm một người phó phụ theo người thợ đóng cối vào trong tư thất đóng cối xay cho bà lớn. Làm từ sáng tới trưa mà không thấy bà lớn gọi cho ăn uống gì cả, ngó nhìn thấy người nhà quan Tổng Đốc đã ăn uống xong xuôi, ông Nghè Tân tức lắm, bảo ông phó cối nghỉ tay ra phố ăn uống rồi trở lại làm. Còn ông thì vào công đường, lên sập gụ chân quỳ để giữa công đường, là nơi quan Tổng Đốc ngồi làm việc hay ngồi xử án, ông nằm khểnh ngủ một giấc ngáy khò khò. Lúc bấy giờ đã tan buổi hầu sáng, quan Tổng Đốc vào tư thất nghỉ ngơi, lính hầu cũng xuống trại, công đường bỏ vắng.
    Tới buổi hầu chiều, lính vào dọn dẹp công đường trước khi quan tới, thấy anh phó phụ, chân tay dính đất bùn bẩn thỉu đang nằm ngủ trên sập gụ, ngáy khò khò. Lính vội vàng la lên gọi anh dậy, nhưng anh phó phụ chẳng coi vào đâu mà còn ngáy to hơn nữa. Quan Tổng Đốc thấy ồn ào chạy tới, thét lính lấy roi ra đánh. Anh phó phụ giả vờ tỉnh ngủ, ngồi dậy, nhìn thấy quan Tổng Đốc giả vờ sợ hãi khúm núm.
    Quan Tổng Đốc hỏi: Tên kia, mi ở đâu tới mà sao mi dám vào chốn công đường nằm ngủ?
    Ông Nghè Tân đáp là học trò nghèo, vì không có cơm ăn nên đi phụ ông thợ đóng cối để kiếm cơm, mà làm từ sáng đến trưa không được bà lớn cho ăn uống gì, đi qua chỗ này thấy mát nên nằm ngủ thiếp đi chớ không biết đây là công đường.
    Quan Tổng Đốc thấy nói là học trò nghèo thì thương hại, bảo nếu quả thực là học trò thì hãy làm một bài thơ, lấy bức tranh "Nhất ô bách tước" treo ở tường vẽ một con quạ và trăm con chim sẻ làm đầu bài.
    Ông Nghè Tân nói: "Đói quá không thể nghĩ thơ được, xin cho ăn cơm và uống rượu thì mới làm thơ được". Quan Tổng Đốc kêu lính dọn cơm rượu cho ông ăn. Khi no say, ông đòi bút mực, giấy tốt, rồi dầm ngọn bút vào nghiên mực, ông viết một mạch bài thơ tứ tuyệt sau đây, chữ viết như rồng bay phụng múa :
    Nhất chích, nhất chích hựu nhất chích,
    Tam tứ, ngũ lục, thất bát chích.
    Hà ô chi thiểu tước chi đa
    Thực tận nhân gian thiên vạn thạch.
    Có nghĩa là :
    Một con, một con, lại một con
    Ba bốn, năm sáu, bẩy tám con
    Sao quạ ít mà sẻ thì nhiều thế
    Ăn nghìn vạn tạ cuả dân gian.

    Viết xong ông quẳng bút xuống và đưa bài thơ cho viên Tổng Đốc coi. Ông nói:
    - Quan lớn đếm coi có đủ số chim không?
    Ông Tổng Đốc chịu là bài thơ hay, tuy rằng câu kết xỏ xiên nói móc quan lớn ăn hại của nhân dân, nhìn thấy nét bút tuyệt đẹp càng thêm phục. Nhưng quan không làm sao đếm đủ số chim được, bèn hỏi rằng:
    - Làm sao đủ 101 con chim được?
    Ông Nghè Tân đáp:
    - 1 cộng với 1, cộng với 1 là 3. Cộng với 3 lần 4 là 15. Cộng với 5 lần 6 là 45. Cộng với 7 lần 8, chẳng đủ 101 con là gì?
    Quan Tổng Đốc phục là tài, hỏi rằng:
    - Anh có tài lắm, sao không chịu khó học tập để đi thi, may ra tên bảng đề danh, sao lại đi lang thang như vậy? Anh học tập ở trường nào và đã thi cử gì chưa?
    Ông Nghè Tân đáp : Dạ, bẩm có đi thi ạ
    Ông Tổng Đốc : Không đỗ hả ?
    Ông Nghè Tân : Dạ có đỗ ạ.
    Ông Tổng Đốc: Đỗ nhất, nhị, tam trường hả ?
    Ông Nghè Tân: Dạ, không phải.
    Ông Tổng Đốc: Thế thì Tú tài, cử nhân hả? Ông vừa hỏi vừa trừng mắt tỏ vẻ ngạc nhiên.
    Ông Nghè Tân đáp: Dạ không phải, mà đỗ tiến sĩ
    Ông Tổng Đốc nghi ngờ, hỏi danh tính.
    Ông Nghè Tân rút trong ngực ra chiếc bài ngà "Bắc Kỳ Thanh Tra đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân" đeo vào cổ.
    Ông Tổng Đốc giật mình, vội vàng đứng dậy vái chào, mời ông Nghè ngồi lên trên sập rồi xin lỗi.
    Các lính tráng, quan lại hầu cận quan Tổng Đốc bấy giờ đã đông đủ tới công đường để làm việc, ngạc nhiên thấy cảnh tượng buồn cười, một anh phó cối, chân tay dính đất bùn, quần áo rách rưới bẩn thỉu, ngồi chễm chệ trên sập, còn quan Tổng đốc thì kính cẩn nghiêm trang đứng hầu bên cạnh.
    Ông Nghè Tân sau khi khiển trách mấy câu về việc lợi dụng chức vụ mướn người làm mà không đối đãi tử tế, dặn dò quan Tổng đốc phải nghiêm cấm các quan lại dưới quyền trong tỉnh không được nhũng nhiễu dân, rồi ông ra khỏi dinh Tổng đốc cùng bọn lính tuỳ tùng đã chờ sẵn ở ngoài, lên ngựa qua thị trấn khác.
    Chỉ có ông phó cối thực thụ là ngạc nhiên, được quan Tổng Đốc đãi bữa rượu thịnh soạn và trả món tiền công hậu hĩ.
    Ông Nghè Tân mất năm 1856, thọ 42 tuổi. Tiếc thay, ông là một ông quan thanh liêm, có tài mà mất sớm. Ông để lại tập thơ "Tuý Tiên thi tập". Thơ ông toả ra tư tưởng Lão Trang, coi nhẹ lợi danh, lấy thi tửu trên đời là thú độc nhất:
    (...) Cứ say sưa mặc kệ thế tình
    Xếp vũ trụ vào trong vành mắt cả
    Đã ngán kẻ đua chen then khoá
    Lại thương người tất tả lợi danh
    Bôn ba chi cho nhọc đến thân mình
    Phận mà có ông xanh đâu nỡ tiếc.
    Hãy uống rượu, ngâm thơ, xem hoa, ngắm nguyệt
    Hãy chơi cho khắp hết giang hồ
    Kià những ai rở duốc bầy trò
    Thôi mặc quách không thèm so sánh nghĩ.
    (Trích bài Say sưa thoả thích).
    Last edited by 470525; 27-06-2011 at 03:35 PM.
    GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Truyện Ma dài tập sưu tầm
    By adida`phat in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 84
    Bài mới gởi: 31-01-2016, 09:17 PM
  2. TÂM TRẠNG CỦA NGƯỜI SẮP BỊ GIẾT HẠI
    By U Minh Giáo Chủ in forum Đạo Phật
    Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 10-05-2012, 11:29 PM
  3. Sự Báo Thù Của Các Sinh Vật Lửa
    By canhtimpy2004 in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 27-04-2011, 11:49 AM
  4. Oan Hồn Nghiệt Chướng !
    By thần lô thánh chủ in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 26-04-2011, 08:57 AM
  5. TỤC THỜ “CÁ ÔNG NAM HẢI” (1/2)
    By dc_bac in forum Chuyện thời sự, xã hội
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 20-04-2011, 09:29 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •