Chư vị đồng tu!
Lần giảng kinh này, tôi chọn lấy một đoạn kinh văn trọng yếu nhất của kinh Lăng Nghiêm là chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông. Cổ đức nói: “Khai huệ: Lăng Nghiêm, thành Phật: Pháp Hoa”. Trong các kinh luận Đại Thừa, thường nói Nhất Xiển Đề chẳng thể thành Phật, Nhất Xiển Đề là kẻ đoạn mất thiện căn. Đến khi giảng kinh Pháp Hoa, Phật lại nói Nhất Xiển Đề cũng có thể thành Phật, tức là nói ai nấy đều có thể thành Phật. Đấy mới là giảng Phật pháp đến mức viên mãn rốt ráo, bởi thế nói “thành Phật: Pháp Hoa”.

Nói chung, kinh điển Phật giáo truyền đến Trung Quốc, đều do các cao tăng đại đức hoặc cư sĩ Ấn Độ đến Trung Quốc truyền giáo mang theo, ngoài ra còn có những kinh do các học trò Trung Quốc qua Ấn Độ tham học, khi trở về nước mang theo. Những lưu học sinh ấy khi ở Ấn Độ đều chẳng được thấy kinh Lăng Nghiêm là do các vương triều nắm quyền thời ấy coi kinh này là quốc bảo, chẳng cho phép truyền ra ngoại quốc.

Thời Đường, có vị cao tăng người Ấn Độ là pháp sư Bát Lạt Mật Đế, từng trước sau hai lượt lén chuyển kinh này ra ngoại quốc, đều bị quan xét ải xét thấy, ngăn cản. Cuối cùng, Ngài chép kinh này lên một loại lụa rất mỏng, xẻ bắp tay nhét vào, trông giống như một vết thương nặng, lén chuyển qua Trung Quốc. Sau khi phiên dịch xong kinh này tại Trung Quốc, Ngài bèn trở về Ấn Độ tiếp nhận pháp luật quốc gia xét xử. Quá trình vận chuyển kinh gian nan như thế đấy.

Cuối đời Tùy, đầu đời Đường, bậc đại đức của tông Thiên Thai là Trí Giả đại sư, căn cứ vào kinh nghĩa của kinh Pháp Hoa phát huy học thuyết Tam Chỉ Tam Quán. Đương thời, có một vị cao tăng Ấn Độ nói: “Tam Chỉ Tam Quán rất giống với giáo nghĩa kinh Lăng Nghiêm”. Trí Giả đại sư nghe vậy, rất mong kinh Lăng Nghiêm sớm có ngày được truyền đến Trung Quốc. Do đó, Ngài bèn xây một đài lạy kinh ở núi Thiên Thai, ngày ngày hướng về Tây lễ bái cầu cảm ứng. Lạy suốt mười tám năm cho đến ngày lão nhân gia viên tịch.

Nơi phiên dịch kinh này là Quảng Châu, người tham gia phiên dịch không đông. Tể tướng đương triều Võ Tắc Thiên là Phòng Dung, nhân phạm lỗi bị biếm ra Quảng Châu làm quan địa phương, khéo sao, nhân cơ duyên ấy được tham dự công tác dịch kinh, đảm trách nhiệm vụ bút lục. Ông rất giỏi văn chương. Nếu dùng con mắt văn học để nhận định thì văn tự kinh Lăng Nghiêm ưu mỹ nhất trong các kinh Phật.

Lúc đức Thế Tôn giảng kinh này, nói ra năm thứ đề mục kinh, các đề mục ấy như sau:

1. Đại Phật Đảnh Tất Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Bảo Ấn Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn.

2. Cứu Hộ Thân Nhân Độ Thoát A Nan Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ Kheo Ni Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải.

3. Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa.

4. Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Thập Phương Phật Mẫu Đà Ra Ni Chú.

5. Quán Đảnh Chương Cú Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm.

Các đại đức dịch kinh lấy 19 chữ trong các đề mục trên ghép thành “Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm”, đặtlàm đề mục bản dịch tiếng Hán kinh này. Bây giờ, chúng tôi chia ra thành bảy đoạn để giới thiệu:

I. Giải thích đề mục kinh
1. Đại:
Đại là từ ngữ khen ngợi. Chữ Đại này có nghĩa là vô hạn, chẳng phải là tương đối. Đại tức là tâm chúng sanh; tâm dung nhiếp hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian nên gọi là Đại. Chữ Tâm rất khó giải thích, nhà Phật nói chân tâm và vọng tâm là một, chẳng phải là hai tâm. Giác là chân tâm, mê là vọng tâm. Vọng tâm chỉ phát khởi tác dụng cục bộ. Chúng sanh trong chín pháp giới trình độ mê ngộ bất đồng, mê thật nặng là chúng sanh trong địa ngục, mê rất nhẹ là Bồ Tát. Chữ “thế gian” chỉ lục phàm (1), chữ “xuất thế gian” chỉ tứ thánh (2). Mười pháp giới toàn là do tâm biến hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói:

Ưng quán pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo.

(Nên quán tánh pháp giới,

Hết thảy do tâm tạo)

Chữ “tánh” ấy chỉ bản thể. Tâm là thể, mười pháp giới là hiện tượng. Sau khi giác ngộ, tâm ấy ắt thanh tịnh, bình đẳng, tuyệt không nhân ngã thị phi. Hết thảy vạn pháp đều lưu lộ từ tâm tánh, kinh Hoa Nghiêm gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Các kinh điển khác, có kinh gọi là Thật Tướng, Phật Tánh, Viên Giác, Chân Như, kinh này gọi là Như Lai Tạng, những danh từ ấy đều chỉ Nhất Tâm. Phật nói nhiều danh từ như thế là nhằm dụng ý dạy chúng ta đừng chấp trước. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói: “Lìa ngôn thuyết tướng, lìa danh tự tướng, lìa tâm duyên tướng”. Tâm duyên tướng chính là chấp trước.

Mười phương vô tận, không gian lớn vô hạn, tam tế vô cùng. Tam tế (ba bờ mé) chính là thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Không gian và thời gian chính là bản thể của mười pháp giới; bản thể là cái tâm của chúng ta lớn vô hạn. Nguyên lai của mười pháp giới và chân tướng của vũ trụ nhân sanh, các khoa học gia, triết gia, các nhà tôn giáo hiện đại nghiên cứu tìm tòi, không tìm được kết luận. Vấn đề này chỉ có mình kinh Lăng Nghiêm là nói rất rõ ràng, giảng thấu triệt thực tại.

Kinh Lăng Nghiêm chỉ có sáu bảy vạn chữ, có độ sâu tương đương. Ngôn ngữ có hạn độ, nói chẳng rõ ràng, diễn đạt chẳng hết được. Phạm vi tư duy tuy rộng, vẫn không cách nào đạt đến mức rốt ráo được. Phải tách rời ngôn ngữ, tư duy mới hòng lãnh ngộ, nhưng cũng không thể nói ra được. Kinh Lăng Nghiêm có thể dẫn dắt quý vị nhập cảnh giới ấy, đạt đến trình độ tự chứng. Công phu tu đến mức thành công đó gọi là Thủ Lăng Nghiêm Đại Định. Sau khi đạt đến mức độ này, hết thảy vũ trụ, nhân sanh, hết thảy muôn pháp, nhân trước quả sau, tìm long tróc mạch (3), quý vị đều hiểu rõ ràng hết, bởi thế nói “khai trí huệ là kinh Lăng Nghiêm”.

Phần mở đầu kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn dài gọi là “bảy chỗ chỉ tâm” – đức Thế Tôn hỏi ngài A Nan “tâm ông ở đâu?” A Nan rất thông minh, Ngài cũng đáp bảy chỗ, nhưng đều bị Phật bác hết, Ngài mới thừa nhận mình mê hoặc, điên đảo, đức Phật bèn dựa trên sáu căn chỉ ra tác dụng của bản thể. Còn mê gọi là “Như Lai Tạng”, giác rồi gọi là “Tu Chứng Liễu Nghĩa”, Liễu là hiểu rõ. Pháp môn Niệm Phật là pháp liễu nghĩa bậc nhất trong các pháp liễu nghĩa.

Để giảng về Lăng Nghiêm Đại Định, trong kinh nêu lên hai mươi lăm vị Bồ Tát làm đại biểu, mỗi vị đều đã chứng đắc minh tâm kiến tánh. Hai mươi lăm phương pháp ấy là hai mươi lăm pháp tổng quát, triển khai ra sẽ thành tám vạn bốn ngàn pháp môn. Đại Thế Chí Bồ Tát đại biểu cho việc tu Lăng Nghiêm Đại Định bằng phương pháp Niệm Phật, trong hai mươi lăm pháp môn được gọi là thù thắng bậc nhất, sau khi tu học viên mãn gọi là Thủ Lăng Nghiêm Vương.

Trong Phật pháp, tuyệt đối chẳng có gì gọi là bí mật cả! Bí mật chẳng phải là việc tốt, nói chung là chuyện con người không thấy được. Nhà Phật nói “mật” nghĩa là “thâm mật” (sâu kín), phải có trí huệ viên mãn cao độ mới hiểu rõ được. Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là mật nhân (cái nhân sâu kín), y theo phương pháp này tu hành đạt được Niệm Phật Tam Muội, chứng đắc Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì quý vị mới lý giải được chút phần; chứng đắc Lý Nhất Tâm Bất Loạn, quý vị mới có thể hiểu rõ phần lớn, nhưng vẫn chưa hiểu triệt để, đợi đến khi thành Phật mới có thể hiểu rõ triệt để.

Trong hai mươi lăm pháp môn ấy, chỉ có mỗi một pháp môn thích hợp nhất cho việc tu học của chúng ta; các pháp môn khác tuy hay, nhưng điều kiện quá cao, chúng ta tu học theo chẳng thể thành tựu ngay trong một đời này. Pháp môn Niệm Phật thích hợp nhất cho chúng sanh trong thời đại này: trí cạn phước mỏng, chướng ngại lại nhiều. Nhưng chỉ tu chết nơi Phật hiệu không thôi thì vẫn chưa đúng, phải lấy Phật hiệu làm chánh tu, và cũng cần phải có trợ tu, chẳng hạn như tu ba thứ phước như trong phần giảng về ba bậc chín phẩm của Quán Kinh đã dạy, và mười nguyện Phổ Hiền. Niệm Phật chẳng thể không hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, chẳng thể không có tâm từ bi, chẳng thể không tu Thập Thiện. Lấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới làm mục tiêu chung, gọi là “đại hạnh”.

Cái Định mà Như Lai đã đạt được khi chứng quả gọi là Thủ Lăng Nghiêm Đại Định. “Mật nhân” là Lý, “Liễu Nghĩa” là Giáo, “Vạn Hạnh” là Hạnh, “Lăng Nghiêm” là Quả. Bốn thứ Giáo - Lý - Hạnh - Quả đều được bao gồm trong đề mục kinh này.

2. Phật Đảnh
Phật Đảnh là tỷ dụ, biểu thị pháp môn này thù thắng vi diệu. Đảnh đầu Phật khác với đảnh đầu người thường. Đảnh đầu Phật có một u thịt màu hồng nhô lên, có thể phóng quang, không ai thấy được, bởi thế gọi là “vô kiến đảnh tướng”, đó là một trong ba mươi hai tướng hảo. Kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa như toàn thân đức Phật, kinh Lăng Nghiêm như đảnh đầu đức Phật, cho thấy kinh này viên đốn tôn diệu, là thù thắng nhất trong tất cả kinh pháp. Y theo pháp này tu hành chính là con đường thẳng hướng đến Phật.

3. Như Lai Mật Nhân
Chữ “Như Lai mật nhân” chỉ chánh nhân Phật tánh, như kinh Niết Bàn dạy: “Chánh nhân Phật tánh là Chân Như trung, chánh, lìa hết thảy tà vạy, sai trái. Y theo đó sẽ thành tựu quả đức Pháp Thân”. Đây là nói về bổn tánh, ai cũng vốn có sẵn, ai nấy đều đầy đủ, chỉ có điều: Phàm phu mê hoặc nên chẳng tự biết. Kinh Lăng Nghiêm chỉ ra chân bản (căn bản đúng đắn) trong hai thứ căn bản. Hai thứ căn bản: Nơi phàm phu là sanh tử căn bản, do mê nên hiển hiện thành sanh tử luân hồi; nơi Phật Bồ Tát, nó trở thành Bồ Đề Niết Bàn căn bản.

Sáu căn của chúng ta đều chẳng rời ngoài nó; núi, sông, đại địa và hết thảy chúng sanh đều là nó. Những lời này nghe ra chẳng dễ hiểu được, núi sông, đại địa, nhân vật bên ngoài liên quan chi đến ta? Khi quý vị ở trong mộng cảnh, núi, sông, đại địa, người, vật từ đó mà ra. Mộng là do tâm hiện, toàn thể cái tâm biến thành mộng cảnh, chẳng phải là có vật gì từ bên ngoài vào trong mộng cả. Năng biến (chủ thể thực hiện động tác biến hiện) là tâm, sở biến (cái được biến hiện ra) là tướng hư vọng. Lúc mộng bèn có núi, sông, đại địa; lúc tỉnh, hết thảy đều chẳng có. Hết thảy tướng trạng của cảnh giới được biến hiện bởi chân tâm tựa hồ chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, nhưng do chúng có tướng “tương tục” (tiếp nối) nên quý vị chẳng nhận biết hiện tượng sanh diệt trong từng sát-na.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy A Nan hạ thủ công phu ngay trên sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sau khi đốn ngộ mới biết sáu căn chính là nơi để chân tâm bản tánh phát khởi tác dụng, nơi mắt gọi là thấy, nơi tai gọi là nghe, nơi mũi gọi là ngửi, nơi lưỡi gọi là nếm, nơi thân gọi là đụng chạm, nơi ý gọi là biết. Thấy, nghe, hay, biết là tác dụng của chân tâm. Lúc mê vẫn khởi tác dụng, chẳng qua người ngộ rồi sẽ khởi tác dụng vĩnh viễn chẳng mê.

Nơi người mê, niệm thứ nhất là chân tâm; ví như sau cái thấy đầu tiên của mắt, trong ý niệm thứ hai bèn khởi phân biệt xen tạp xấu, tốt, thiện, ác. Đó là mê. Lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, thấy nghe vẫn rõ ràng tường tận, nhưng sắc được thấy, tiếng được nghe chẳng còn phân biệt, chấp trước, chẳng khởi tâm động niệm, tức là hoàn toàn giống hệt như Phật, Bồ Tát. Lúc Phật còn tại thế, có ai hướng về Phật thưa hỏi những vấn đề họ nghĩ không ra, Phật liền lập tức đáp ứng, không phải suy nghĩ chút nào. Đó gọi là “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri” (Bát Nhã không biết, nhưng không gì chẳng biết). “Vô tri” là Căn Bản Trí, “vô sở bất tri” là Hậu Đắc Trí. Dùng vọng tưởng, chấp trước để nghiên cứu kinh Phật là biến Phật pháp thành thế gian pháp, vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ được!

Chánh nhân là bổn tánh, liễu nhân là trí huệ chân thật; chân trí hoàn toàn phù hợp với chân tướng sự thật, trọn không mảy may nào sai lệch, thì mới gọi là “thật chứng”. Nếu như do suy lý mà lãnh hội thì chẳng thể tin cậy được. Người ta thường cho rằng tu Thiền, tu Mật không thể không đọc kinh Lăng Nghiêm; thật ra, người tu Tịnh Độ lại càng không thể không đọc Lăng Nghiêm.

Ước chừng vào năm Dân Quốc năm mươi mốt (1962), tôi trụ tại chùa Lâm Tế ở Viên Sơn, có một ngày, có mấy sinh viên đại học Đài Loan, cùng với một giáo sư (người Nhật Bổn, giáo sư thỉnh giảng của đại học Đài Loan) đến tìm tôi đàm luận Phật pháp. Vị giáo sư đó hỏi tôi thường ngày tu pháp môn nào, tôi nói thường ngày tôi tu pháp môn Niệm Phật, chủ tu là kinh Lăng Nghiêm. Ông ta bèn hạ một câu: “Kinh Lăng Nghiêm có quan hệ chi với Tịnh Độ?” Ông ta tỏ thái độ hơi ngạo mạn, tôi vừa nghe liền biết ông ta chưa thông. Tôi hỏi ngược lại một câu: “Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát có quan hệ chi với Tịnh Độ?” Hỏi vậy, ông ta không đáp được câu nào, khá là lúng túng. Hai vị Bồ Tát ấy thuộc vào Tây Phương Tam Thánh, phần kinh văn tối trọng yếu trong kinh Lăng Nghiêm là chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông và chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông.

Kinh Lăng Nghiêm có mối quan hệ mật thiết với tất cả Phật pháp Đại Thừa, bất cứ tông phái nào cũng không thể không đọc kinh Lăng Nghiêm. Văn Thù Bồ Tát chọn lấy pháp Nhĩ Căn Viên Thông là minh tuyển (chọn rõ ràng), kỳ thật, Ngài ám tuyển (tuyển ngầm) pháp Niệm Phật.

Hai mươi lăm pháp Viên Thông được trình bày theo thứ tự thuận, những pháp không được tuyển được xếp theo thứ tự thuận; những pháp được tuyển xếp ra sau cùng. Giống như ca kịch, vở nào hay nhất xếp ra sau cùng làm vở hạ màn. Trong hai mươi lăm pháp Viên Thông, có đến hai pháp được xếp vào sau chót, chẳng phải là một pháp. Nhĩ Căn đáng lẽ phải xếp thành pháp thứ nhì, lại xếp ra sau cùng. Trong Thất Đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Kiến, Thức, pháp môn Niệm Phật của ngài Đại Thế Chí là Kiến Căn Đại. Lẽ ra, Ngài phải được xếp trước ngài Di Lặc, nhưng hiện tại, Ngài được xếp vào hạng mục hai mươi bốn, đứng sau ngài Di Lặc.

Ngài Văn Thù chọn pháp Niệm Phật vì nó khế hợp với căn cơ chúng sanh trong pháp giới, chọn pháp Nhĩ Căn Viên Thông của ngài Quán Âm vì nó khế hợp căn cơ của chúng sanh trong thế giới Sa Bà này. Tôi ở Đài Trung theo thầy Lý mười năm, chủ tu Lăng Nghiêm. Đối với pháp Niệm Phật, tôi tin tưởng sâu xa, chẳng nghi là do nhờ kinh Lăng Nghiêm nên mới hoàn toàn liễu giải.

4. Tu Chứng Liễu Nghĩa
“Do tín khởi quán” gọi là “tu”, lấy quán hạnh làm Tu, chẳng phải là lấy việc trải đủ mọi sự làm Tu. Lấy giải ngộ làm Chứng, chứ chẳng phải trải qua các địa vị để thủ chứng. Nhà Thiền gọi Quán là “quán chiếu”, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài nhưng chẳng mê thì gọi là “quán chiếu”; chẳng khởi tâm động niệm phân biệt, chấp trước gọi là Quán. Có thiện ác, thị phi, lấy - bỏ thì chẳng phải là Quán. Chẳng phải là do trải qua các địa vị tiến lên từng nấc mà tu được, cứ hễ tu hành đạt đến một tiêu chuẩn nhất định bèn khởi tác dụng, liền đạt được hai thứ thù thắng:

- Một là trên có cùng một từ lực với chư Phật, lực dụng lớn nhất là cứu hộ hết thảy chúng sanh, trừ được hết thảy não hại cho bản thân.

- Hai là dưới cùng một bi ngưỡng với chúng sanh, có năng lực tự nhiên có thể cảm ứng đạo giao với hết thảy hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới.

Phật, Bồ Tát có năng lực cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn, năng lực ấy là do chứng Liễu Nghĩa mà được. Tuy nói là “được”, nhưng thật ra, đó chính là tác dụng của đức năng vốn sẵn có đủ nơi tự tánh. Tánh đức phải nhờ vào Tu đức mới có thể hiển hiện.

Phát ra ba tác dụng thì:
a) Điều thứ nhất là Tam Thập Nhị Ứng (ba mươi hai thân ứng hóa). Tam thập nhị ứng chỉ là cách phân loại tổng quát. Phàm phu thường hiểu lầm, cho rằng Phật, Bồ Tát có tướng mạo nhất định, có người hỏi Quán Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ, người hỏi như vậy nhất định chỉ hiểu biết Phật pháp hời hợt. Người chân chánh chứng đắc “tu chứng liễu nghĩa”thì không có tướng mạo nào để nói được, có thể tùy theo từng loài mà hóa thân, đáng nên dùng thân nào để độ được kẻ ấy thì sẽ hiện thân đó để thuyết pháp. Phật, Bồ Tát không vọng tâm, vọng niệm, phân biệt, chấp trước; thuận theo tâm chúng sanh, ứng theo sự hiểu biết của họ, Phật, Bồ Tát có thể hiện các thân. Nơi thiên đường, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, các ngài đều có thể hiện thân đồng loại. Chúng ta cũng có năng lực đó, vì tự tánh mê nên năng lực ấy bị mất đi. Trong Phật pháp, bất luận tu hành theo tông phái nào, mấu chốt của việc tu hành đều là Thiền Định, tức là tu tâm thanh tịnh.

b) Thứ hai là Thập Lực Vô Úy (mười lực không sợ hãi), bao gồm hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian đều thông đạt, hiểu rõ mọi lẽ, trong bất cứ trường hợp nào cũng chẳng hề có tâm kinh sợ. Lúc Phật tại thế, bất cứ vấn đề nào, Ngài cũng đều có thể giải đáp tường tận, không ai bắt bí được Ngài. Có kẻ cho rằng bậc học rộng chưa chắc đã biết rành những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh; có kẻ hỏi Phật về vấn đề chăn trâu, Phật cũng dạy cho người ấy cách thức, trong Đại Tạng Kinh có một bài kinh mang tên là Mục Ngưu Kinh (kinh Chăn Trâu).

c) Thứ ba là Tứ Bất Tư Nghị (bốn thứ chẳng thể nghĩ bàn), cũng là một trong ba thứ tác dụng phát khởi sau khi đã tu chứng liễu nghĩa. Với tình huống này, khi tu hành đạt đến mức độ tương đương sẽ tự nhiên có, chẳng cần phải cầu.

Ghi chú: “Tứ Bất Khả Tư Nghị” là thuật ngữ nhà Phật, tức là chư Như Lai có bốn sự chẳng thể nghĩ bàn, Tiểu Thừa chẳng thể biết được nổi. Một là thế giới chẳng thể nghĩ bàn, hai là chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, ba là rồng chẳng thể nghĩ bàn, bốn là cõi Phật cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

Dùng Căn chẳng dùng Thức, chọn Nhĩ Căn làm liễu nghĩa bậc nhất trong các liễu nghĩa. Chúng sanh căn tánh bất đồng, pháp môn tu hành trong kinh Lăng Nghiêm chia thành hai mươi lăm loại lớn, ngài Văn Thù quán sát căn tánh của người thế gian, trong sáu căn, căn Tai thông lợi nhất. Lúc Phật tại thế, trong bốn mươi chín năm giáo hóa chúng sanh, toàn là giảng kinh cho đại chúng nghe. Vào thời đại Xuân Thu, Khổng Phu Tử cũng phải dùng cách giảng thuyết giáo học để chỉ dạy hàng đệ tử.

Bởi thế, lúc ngài Văn Thù tuyển chọn pháp môn, dạy chúng ta dùng lục căn, chẳng dùng lục thức, đặc biệt chọn lấy Nhĩ Căn vì nó khế hợp nhất đối với căn cơ của chúng sanh. Người thời cổ thật thà, tôn sư trọng đạo, đối với lời thầy tin tưởng sâu xa chẳng nghi ngờ. Người hiện tại chẳng bằng cổ nhân, đối với lời nói của bất cứ ai cũng đều hoạnh họe, cho nên sở học cả một đời của con người hiện tại chỉ là tri thức, chứ chẳng phải là trí huệ. Trí huệ và tri thức khác nhau rất xa, quý vị chú tâm nghiên cứu Lục Tổ Đàn Kinh [sẽ thấy]: Lục Tổ chưa hề đọc sách, nhưng sau khi khai ngộ, bất cứ sự việc thế gian hay xuất thế gian nào Ngài đều thông đạt cả. Trí huệ của Ngài là do sau khi khai ngộ mà thành, có thể nói là “tu một thứ là tu hết thảy” vậy.

Từ tánh khởi tu chẳng có giai đoạn, tu một thứ là tu hết thảy. Nhĩ Căn đối ứng Nhĩ Thức, chẳng dùng Nhĩ Thức mà dùng Nhĩ Căn để nghe tánh, tại mắt thì dùng Nhãn Căn để thấy tánh. Vấn đề nan giải hiện thời là giữa “tánh nghe” và “nhĩ thức” có khác biệt gì? Phải biết thì mới có thể học được.

Theo Duy Thức Học, tác dụng của thức thứ sáu là phân biệt, tác dụng của thức thứ bảy là chấp trước, tác dụng của thức thứ tám nói theo cách bây giờ là ghi nhớ, trong kinh Phật gọi là “chứa đựng chủng tử”. Phật dạy chúng ta bỏ Thức, sử dụng tánh của Căn. Tánh khác với Thức; Tánh không phân biệt, chấp trước, chẳng vướng mắc ấn tượng. Ví như tấm gương chiếu mọi vật rõ rệt, rành rẽ, nhưng trọn chẳng giữ lại bóng dáng. Còn Thức như máy chụp hình, trong máy có phim, giữ lại hình ảnh. Tách rời hết thảy mọi phân biệt, chấp trước, vạn pháp quyết định bình đẳng thì tâm mới thanh tịnh, tâm thanh tịnh gọi là “liễu nghĩa”.

Hiện thời, ta chọn dùng phương pháp Niệm Phật của Đại Thế Chí Bồ Tát, Phật hiệu từ tâm sanh ra, từ miệng niệm ra, tai lại nghe lấy, cũng có mối liên quan mật thiết đối với pháp Nhĩ Căn Viên Thông. Dùng cách niệm này, nhiếp tâm dễ dàng. Nếu tịnh niệm tiếp nối thì chính là Niệm Phật Tam Muội. Công phu cạn gọi là “thành phiến”, công phu sâu gọi là “nhất tâm bất loạn”.