Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.

Đúc kết quan điểm của các Nghị phụ tham dự Thượng hội đồng Giám mục Á châu, Tông thư “Giáo hội tại Á châu” đề cao vai trò của Thần khí trong công cuộc sáng tạo và trong lịch sử cứu độ. Sau khi nhắc lại quan điểm truyền thống về chức năng ban sự sống của Chúa Thánh thần, Tông thư viết tiếp như sau: “Thật vậy, Thần khí là nguồn gốc những ý tưởng cao thượng và những khởi điểm tốt đẹp của nhân loại lữ hành:

Do sự quan phòng kỳ diệu, Ngài hướng dẫn dòng chảy thời gian và đổi mới bộ mặt của trái đất. Theo hướng đi của Công đồng Vatican II, các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhấn mạnh đến hoạt động phức biệt và đa dạng của Chúa Thánh thần. Chính Ngài liên lỉ gieo những hạt giống chân lý giữa các dân tộc, cũng như giữa các tôn giáo, các văn hóa và triết học của họ. Điều đó có nghĩa là các tôn giáo, văn hóa và triết học này có khả năng giúp đỡ các dân tộc, một cách cá nhân hay tập thể, chống lại sự dữ và phục vụ sự sống cũng như tất cả những gì thiện hảo. Các quyền lực của sự chết cô lập các dân tộc, các xã hội và các cộng đồng tôn giáo, tạo nên nỗi ngờ vực và đối nghịch dẫn đến những xung đột. Trái lại, Chúa Thánh thần nâng đỡ các dân tộc trong cố gắng tìm kiếm để hiểu biết và chấp nhận nhau. Do đó, Thượng Hội đồng có lý khi nhìn Thần khí của Thiên Chúa như là tác nhân đầu tiên của cuộc đối thoại giữa Giáo hội với tất cả các dân tộc, các văn hóa và tôn giáo”[1].

Chúng tôi trích dẫn bản văn khá dài ở trên nhằm dẫn nhập vào vai trò của Thần khí nơi các tôn giáo và văn hóa. Chính Thần khí âm thầm hoạt động trong lòng lịch sử nhân loại ngay từ ban đầu và vẫn tiếp tục hoạt động suốt dòng lịch sử cứu độ, mà cao điểm là biến cố Nhập thể của Đức Kitô. Chúng ta cùng nhau khai triển và đào sâu ý tưởng căn bản đó trong những dòng dưới đây.

1- Vai trò phổ quát của Ngôi Lời

Trong Tân ước, từ “Logos” vừa có nghĩa là Thiên Chúa vĩnh hằng (Ga 1,1), vừa có nghĩa là Ngôi Lời đã nhập thể (1,14). Thánh sử Gioan nói rõ : Ngôi Lời là một ngôi vị Thiên Chúa (1,1-2), nhưng “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (1,14). Như vậy, Logos vừa siêu thời gian và không gian, vừa đi vào lịch sử và mặc xác phàm trong con người Giêsu-Kitô. Đức tin Kitô giáo xưng tụng Ngài là Đấng mạc khải, biến đổi và cứu độ gian trần.

Theo “Lời tựa” của Tin Mừng theo thánh Gioan, Ngôi Lời vẫn hiện diện và tác động thật sự trong lịch sử từ trước khi Ngài nhập thể trong Đức Giêsu Kitô: “Từ khởi thủy đã có Ngôi Lời (…) và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa (…). Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành và không có Ngài, chẳng có vật gì hiện hữu” (Ga 1,1-3). Chính Ngài là “ánh sáng chân thật…chiếu soi mọi người” (1,9). Nhưng cũng chính Ngài đã nhập thể và đi vào lịch sử để trở thành Đấng cứu độ của nhân loại: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (…). Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,14,16).

Truyền thống Kitô giáo nhấn mạnh những hoạt động tiền Nhập thể của Ngôi Lời nhằm mục đích chuẩn bị cho biến cố Nhập thể, một biến cố được coi là cao điểm trong lịch sử cứu độ. Ngôi Lời vĩnh hằng, hiện hữu từ muôn thuở, và Ngôi Lời nhập thể trong một thời gian và không gian, chỉ là một Thực Tại duy nhất và bất khả phân ly. Cho nên Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, phải là trung tâm điểm của kế hoạch cứu độ. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, biến cố nhập thể của Đức Giêsu Kitô vẫn không tát cạn quyền năng và mầu nhiệm của Ngôi Lời. Tác động cứu độ của “Ngôi Lời không nhập thể” (Logos asarkos), mà thánh Gioan gọi là “ánh sáng thật, chiếu soi mọi người” (Ga 1,9) trải rộng cả trước lẫn sau biến cố nhập thể lịch sử của Đức Giêsu Kitô[2] .

Dù gặp nhiều khó khăn trong việc chú giải “Lời tựa” này, ý nghĩa của bản văn vẫn khá rõ rệt: Ngôi Lời của Thiên Chúa là nguồn ánh sáng cho mọi hữu thể nhân loại trong suốt dòng lịch sử, kể cả giai đoạn trước biến cố Nhập thể. Sức mạnh chiếu sáng và cứu độ của Ngài mang tính phổ quát và trải rộng khắp mọi thời, mọi nơi và mọi người. Do quyền năng phát xuất từ thiên tính, chỉ duy Ngài có cuộc sống thần linh và khả năng ban ơn cứu độ cho con người.

Chắc chắn, trong mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời không thể tách rời xác phàm mà Ngài đã đảm nhận. Nhưng dù bất khả tách biệt đến đâu đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy vẻ khác biệt giữa Ngôi Lời và kinh nghiệm nhân loại của Đức Giêsu Kitô. Có thể coi hành động nhân loại của Ngôi Lời nhập thể (Logos ensarkos) là bí tích phổ quát của hành động cứu độ, nhưng nó không tát cạn tác động cứu độ của Thiên Chúa. Tác động riêng của Ngôi Lời không nhập thể (Logos asarkos) vẫn tiếp tục hiện hữu. Dĩ nhiên không hề có chuyện thiết lập một chương trình cứu độ khác, song song với chương trình đã được thực hiện nơi Đức Kitô, bởi vì Thần khí nhập thể và Thần khí không nhập thể cũng chỉ là Thần khí của Đức Kitô[3].

Mặt khác, mầu nhiệm Nhập thể chính là một tặng vật ân tình và tuyệt đối nhất, mà Thiên Chúa có thể ban cho nhân loại: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết”(Ga 1,18). Vì thế, mạc khải của Ngài là mạc khải chung cuộc, “nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể và trong Ngài, anh em được sung mãn: Ngài vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng” (Cl 2, 9-10)[4].

Mối tương quan chặt chẽ giữa tính đặc thù của biến cố Đức Kitô với tính phổ quát của chương trình cứu độ đã khai mở một viễn tượng mới cho thần học về tôn giáo trong bối cảnh đa phức tôn giáo. Tông thư “Giáo hội tại Á châu” đúc kết vấn đề như sau: “Dưới sự hướng dẫn của Thần khí, lịch sử cứu độ trải rộng ở mức độ thế giới và ngay cả ở bình diện vũ trụ, theo chương trình đời đời của Thiên Chúa. Chương trình này, do Thần khí chủ động ngay từ giây phút đầu tiên của công cuộc sáng tạo, đã hiện diện trong Cựu ước và được hoàn thành nhờ hồng ân của Đức Giêsu Kitô. Đồng thời được tiếp nối trong công cuộc sáng tạo mới dưới sức tác động của chính Thần khí cho đến khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang lúc thời gian kết thúc. Biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa được coi là công trình tuyệt diệu của Thần khí: “Việc thụ thai và chào đời của Đức Giêsu Kitô thực sự là công trình lớn lao nhất mà Chúa Thánh thần đã thực hiện trong lịch sử sáng tạo và cứu độ, đó là ân sủng tuyệt diệu –ân sủng hợp nhất– suối nguồn của tất cả những ân sủng khác”[5]. Đây là biến cố mà qua đó Thiên Chúa qui tụ mọi sự về với Ngài trong một hợp nhất mới và chung kết không những cho con người, mà còn cho tất cả tạo vật và lịch sử”[6].

Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu đã trình bày vấn đề dưới một lăng kính cởi mở và sâu sắc hơn: “Thần khí của Thiên Chúa động chạm, thanh tẩy và cứu vớt không những các cá nhân, mà cả các nền văn hóa và tôn giáo nữa. Kể từ đây, các nền văn hóa và các tôn giáo có chức năng cứu độ, như giáo chủ Gioan Phaolô II ghi nhận: “Sự hiện diện và hoạt động của Thần khí không chỉ liên hệ đến các cá nhân, mà còn liên hệ đến xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo. Thật vậy, Thần khí khởi động những ý tưởng cao thượng và những sáng kiến tốt đẹp của nhân loại lữ hành. Do sự quan phòng đáng thán phục, Ngài hướng dẫn những biến chuyển của thời gian và đổi mới bộ mặt của trái đất”[7]. Ngài tiếp tục gieo những mầm chân lý và ân sủng giữa tất cả các dân tộc, các nền triết học và các tôn giáo của các dân tộc nói trên”[8].

Thượng Hội đồng Giám mục Á châu “xác tín rằng trong lòng dân chúng, văn hoá và tôn giáo tại Á châu có một cơn khát “Nước hằng sống” (Ga 4,10-15), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ duy Đức Giêsu mới có thể thoả mãn đầy đủ. Giáo hội mong chờ Thánh Thần tiếp tục chuẩn bị các dân tộc Á châu cho cuộc đối thoại cứu độ với Đấng Cứu Thế của mọi người. Nhờ Thần Khí hướng dẫn trong sứ vụ phục vụ và yêu thương, Giáo hội có thể tạo nên cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và các dân tộc Á châu, trong cố gắng tìm kiếm sự sống viên mãn. Chỉ nơi cuộc gặp gỡ này mới gặp được một nguồn Nước hằng sống, vọt lên sự sống đời đời, nghĩa là nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên sai”[9].

Như vậy, Nhập thể là một biến cố độc đáo và duy nhất, bởi vì chính Con Thiên Chúa đã làm người và khi đảm nhận thân phận con người, Ngài đã mang khuôn mặt nhân loại của một Thiên Chúa tự thân bất khả kiến, bất khả tri và vô thủy vô chung. Nếu như vậy những khuôn mặt cứu độ khác có còn đóng vai trò nào không trong chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa? Và nhất là có được Đức Kitô chiếu sáng để trở thành dấu chỉ cứu độ cho tín đồ của các tôn giáo hay không?

2- Chiều kích vũ trụ của Ngôi Lời

Trong giáo huấn của một số giáo phụ, chúng ta gặp thấy chủ trương cho rằng lịch sử cứu độ được trải rộng đến mọi dân tộc và tôn giáo, vượt rất xa biên giới của Do thái giáo và Kitô giáo. Thánh Giustinô được nhìn nhận là người đầu tiên đã trình bày chiều kích vũ trụ của Ngôi Lời.

Áp dụng một cách linh động quan niệm “logos” của triết học Hy lạp vào biến cố Đức Giêsu-Kitô, Giustinô đã đi đến xác quyết sau: “Con Thiên Chúa – Đấng duy nhất được gọi là Con đích thực, Ngôi Lời hiện hữu cùng với Thiên Chúa và được sinh ra trước khi tạo dựng vũ trụ, khi mà Thiên Chúa tạo dựng và xếp đặt mọi sự – mệnh danh là Đức Kitô, vì được xức dầu và qua Ngài Thiên Chúa đã xếp đặt và quản trị tất cả vũ trụ”[10].

Dưới cái nhìn của vị thánh triết gia này, việc Thiên Chúa biểu lộ qua trung gian của Ngôi Lời không bị giới hạn bởi chương trình cứu độ thực hiện nơi dân tộc được tuyển chọn hay nơi biến cố Nhập thể. Thật vậy, Ngôi Lời đã hiện diện trước khi Ngài thực sư nhập thể. Khắp nơi chúng ta gặp thấy những hiền nhân đã sống theo linh ứng của Lời Thiên Chúa và đáng được mệnh danh là Kitô hữu. “Đức Kitô là trưởng tử của Thiên Chúa, Ngôi Lời của Ngài, nhờ Ngài tất cả mọi người được dự phần. Đó là điều chúng tôi đã lãnh nhận và là điều chúng tôi đã công bố. Những ai sống theo linh ứng của Ngôi Lời đều là Kitô hữu, cho dù xem ra đã trở thành vô thần, chẳng hạn nơi dân Hy lạp, Socrate, Héraclite và đồng nghiệp của các ông, và nơi dân man di, Abraham, Ananias, Azarias, Misael, Elia và rất nhiều người khác mà chúng ta không thể liệt kê danh tính của họ nơi đây vì quá dài. Tương tự như thế tất cả những ai sống trái ngược với Logos là bọn xấu, thù địch với Đức Kitô, sát hại các môn đệ của Logos. Còn những ai đã sống và đang sống theo Logos là Kitô hữu, không sợ nguy hiễm và âu lo”[11].

Trong cuốn Minh giáo II, Giustinô trình bày rõ hơn quan niệm về Logos như là nguồn suối duy nhất của tất cả chân, thiện, mỹ trong vũ trụ. Từ viễn quan đức tin, Giustinô đã muốn ôm trọn tất cả lịch sử nhân loại và đặt nó dưới sức tác động của Thần khí: Tất cả những gì thiện hảo đều phát xuất từ Thần khí và như vậy có tương quan với Kitô giáo. “Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ đã thiết lập những nguyên tắc luân lý đúng đắn; các thi sỹ cũng trình bày như vậy, bởi vì mầm bẩm sinh của Logos tiềm ẩn trong nhân loại”[12].

Ngôi Lời được quan niệm là nguồn duy nhất của tất cả mọi tri thức trong vũ trụ. Sự khác biệt giữa những cấp độ nhận thức khác nhau là do mức độ tham dự nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp vào nguồn chân lý chung này. Chính vì vậy, Giustinô đã có một cái nhìn rất lạc quan về lịch sử nhân loại: “Tất cả những gì thiện hảo thuộc về chúng ta, thuộc về các Kitô hữu chúng ta. Bởi vì sau Thiên Chúa, chúng ta tôn thờ và yêu mến Ngôi Lời, sinh bởi Chúa Cha nhưng không phải tạo thành và khôn tả, đã làm người cho chúng ta, ngõ hầu chữa trị sự xấu của chúng ta (…). Các văn sỹ đã có thể nhìn một cách mờ mờ ảo ảo nhờ hạt giống Ngôi Lời gieo nơi họ”[13].

Nói tóm lại, tất cả các văn hóa và các tôn giáo cùng dự phần vào Logos, nhưng theo mức độ rất khác biệt. Trong khi tín đồ các tôn giáo khác chỉ tham dự một phần gia tài cứu độ, các Kitô hữu được hân hạnh đón nhận sự biểu lộ trọn vẹn nhờ biến cố Nhập thể. Đối với Giustinô, biến cố Nhập thể là đỉnh cao của tiến trình cứu độ, chạy dài từ công cuộc sáng tạo cho đến ngày thế mạt, bởi vì Đấng hiện hữu từ muôn thủa đã đi vào thời gian và trở thành hữu hình khi Ngài mang thân phận con người nơi Đức Giêsu-Kitô.

Các Giám mục Á châu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của “hạt giống Ngôi Lời” được Thần khí gieo vào các nền văn hóa và các tôn giáo. “Tài liệu làm việc” của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu ghi nhận như sau: “Nhiều bản trả lời nhấn mạnh rằng tất cả những gì đã đề cập về sự hiện diện cứu độ của Thần khí nơi các dân tộc thì đặc biệt đúng đối với lục địa Á châu, chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới. Xét về mặt thực tiễn, các tôn giáo này đã là con đường dẫn đưa đại đa số dân chúng Á châu đến với Thiên Chúa, cũng như là một cách thế Thiên Chúa sử dụng để tiếp cận họ. Thần khí của Thiên Chúa đã tác động trong tâm trí của các hiền giả Á châu cổ đại. Chính các vị đã để lại cho dân tộc mình chứng từ của những giác ngộ tâm linh trong các kinh điển. Giáo huấn của các ngài vẫn còn hướng dẫn đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội của một số lớn người Á châu”[14].

3- Hai bàn tay cứu độ của Thiên Chúa

Tiếp nối hướng đi của thánh Giustinô, thánh Irênêô cũng quan niệm công cuộc tạo dựng là mạc khải đầu tiên mà Thiên Chúa biểu lộ cho nhân loại. Kể từ đó Thiên Chúa vẫn tiếp tục bộc lộ cho nhân loại dưới nhiều dạng thức và cách thế khác nhau. Cho dù có khác biệt đến đâu đi chăng nữa, tất cả mọi hình thức biểu lộ nói trên đều là công trình của Ngôi Lời. Chính Ngài “đã dẫn đưa tất cả mọi sự, từ khởi đầu cho đến chung cục, ngõ hầu đạt đến sự viên mãn của nó và nếu không có Ngài chẳng ai có thể nhận biết Thiên Chúa. Bởi vì việc nhận biết Chúa Cha, chính là Chúa Con và việc nhận biết Chúa Con được Chúa Cha mạc khải qua sự trung gian của Chúa Con… Thật vậy, từ khởi thủy, Chúa Con (…) mạc khải Chúa Cha cho tất cả những ai mà Chúa Cha muốn, vào thời điểm và theo cách thế mà Ngài qui định. Do đó, trong tất cả mọi thời và trải qua vạn sự, chỉ có một Thiên Chúa Cha duy nhất, chỉ có một Ngôi Lời, một thần khí và một chương trình cứu độ cho tất cả những ai tin nơi Ngài”[15].

Dưới cái nhìn của Irênêô, nhận biết Thiên Chúa không phải là một tri thức lý thuyết, kết quả của lý luận và suy tư, mà là nhìn nhận Ngài như một Đấng vô thủy vô chung đã đoái thương chiếu cố tới con người. Trong ý nghĩa đó, sự nhận biết Thiên Chúa luôn luôn giả thiết một sự gặp gỡ cá nhân với Ngài. Cuộc gặp gỡ này nói cho cùng chỉ là gặp gỡ với Ngôi Lời và chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ công cuộc tạo dựng, bởi vì qua tạo dựng, Ngôi Lời nói với con người. Do đó, công cuộc tạo dựng là một thành phần của chương trình mạc khải và cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Về vấn đề này, thánh Irênêô đã để lại cho chúng ta một số bản văn vừa hàm xúc vừa rất gợi hứng, mà các tác giả sau này đã đưa ra nhiều lối giải thích khác nhau: “Thực Tại bất khả kiến là Thiên Chúa, nhờ quyền năng, Ngài ban cho mọi người một trí huệ lớn lao và một tri giác về vẻ tuyệt hảo và toàn năng của Ngài. Từ đó, nếu như “không ai biết Chúa Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Chúa Con và kẻ mà Ngài muốn mạc khải cho” (Mt 11,27; Lc 10,22), tuy vậy tất cả mọi người có thể nhận biết Thực Tại bất khả kiến này (…) bởi vì Ngôi Lời, vốn tiềm ẩn nơi trí huệ, dẫn đưa các hữu thể và mạc khải cho nó về sự hiện hữu của Thiên Chúa duy nhất, Chúa tể mọi loài”[16].

Công cuộc sáng tạo được coi là giai đoạn đầu tiên trong tiến trình mạc khải của Thiên Chúa qua Ngôi Lời. Chương trình cứu độ mà Ngài đã thực hiện qua Do Thái giáo và Kitô giáo là những giai đoạn kế tiếp. Có bốn giao ước chính đã được thực hiện với nhân loại: giao ước qua Adam, giao ước qua Noê, giao ước qua Mô-sê và giao ước qua Đức Kitô. Ngôi Lời đã hiện diện và tác động trong tất cả và nơi mỗi một giao ước đó. Tuy nhiên sự hiện diện và tác động của Ngài trở thành minh nhiên và độc sáng nhất nơi biến cố nhập thể của Đức Kitô. Đây là một biến cố độc nhất vô nhị trong không gian cũng như thời gian, đồng thời là đảm bảo tính cá biệt và mới mẻ của Kitô giáo. Thật vậy, nhiều lần trong lịch sử nhân loại, Ngôi Lời đã biểu lộ một cách nào đó cho tâm trí con người, dưới nhiều cách thế và dạng thức khác nhau, nhưng Ngài chỉ thực sự trở thành khả kiến và khả tri cho người trần mắt thịt qua biến cố Nhập thể.

Đức Giêsu Kitô và Thần khí của Thiên Chúa được thánh Irênêô trình bày như “hai bàn tay”, tức hai cách thế Thiên Chúa sử dụng để chuyển giao ơn cứu độ cho nhân loại[17]. Công cuộc cứu độ của Đức Kitô không tách rời khỏi tiến trình cứu độ chung, trải dài từ biến cố sáng tạo cho đến ngày cánh chung, mà chính là trung tâm và trọng điểm của tiến trình đó. Quan điểm thần học này không những đặt nổi chiều kích lịch sử của chương trình cứu độ, mà còn đặt tất cả những “dòng suối cứu độ” tiền hay hậu Kitô giáo vào cùng một dòng sông cứu độ chung.

Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại hai bản văn phong phú và sâu sắc của thánh Irênêô: “Đấng tác động mọi sự trong mọi người có sức mạnh và quyền năng bất khả tri, bất khả giác đối với các thụ tạo. Tuy nhiên, đối với họ, Ngài không phải hoàn toàn không thể nhận biết được, bởi vì tất cả đã được Ngôi Lời dạy cho biết chỉ có Thiên Chúa Cha duy nhất, Ngài bao trùm vạn sự và ban sự sống cho tất cả theo đúng như lời Chúa Kitô nói: “không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).

Ngôi Lời là vị ban phát ân sủng của Thiên Chúa cho loài người. Chính Ngài đã hoàn thành một chương trình cứu độ vĩ đại để mạc khải Thiên Chúa cho con người và giao hòa con người với Thiên Chúa, bảo toàn tính bất khả kiến của Chúa Cha nhưng đồng thời cũng làm cho Ngài thành khả kiến đối với con người. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa chính là con người sống động và cuộc sống của con người chính là nhận biết Thiên Chúa. Nếu qua công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã trao ban sự sống cho tất cả hữu thể sống động ở trần gian, thì qua hành động mạc khải của Chúa Cha trong Ngôi Lời, Ngài càng trao ban sự sống hơn nữa cho những ai đón nhận ân sủng của Ngài”[18].

Mạc khải của Thiên Chúa Cha qua Ngôi Lời được thực hiện một cách tiệm tiến và theo nhiều cách thế rất đa dạng để đạt tới cao điểm trong biến cố Nhập thể. Nét độc sáng của biến cố này trong tiến trình mạc khải và cứu độ được thánh Ireneô đúc kết một cách sâu sắc và độc đáo qua công thức sau đây: “Thực-tại-khả-kiến của Chúa Cha chính là Chúa Con” (Visibile Patris Filius). Chúa Con là một cách thế vừa khả kiến vừa bất khả kiến để mạc khải về Chúa Cha tuyệt đối bất khả kiến và vô thủy vô chung. Chính nơi Ngôi Con, Thiên Chúa Cha vừa biểu lộ vừa ẩn mặt đối với nhân loại. Trong khi đó, nhờ thực tại bất khả kiến và nhiệm mầu của Chúa Cha mà biến cố Nhập thể của Chúa Con mang một ý nghĩa vô song, siêu việt và duy nhất: “Thực Tại bất khả kiến của Chúa Con là Chúa Cha, nhưng Thực tại khả kiến của Chúa Cha là Chúa Con” (Invisibile etenim Filii Pater, visibile autem Patris Filius”[19].

Tuyên ngôn “Dominus Jesus” của thánh bộ Đức tin trình bày tác động hỗ tương giữa Chúa Thánh thần và Đức Kitô như sau: “Thần khí không hoạt động ở bên cạnh hay bên ngoài Đức Kitô. Chỉ có một chương trình cứu độ của Thiên Chúa Duy nhất và Ba ngôi, thể hiện trong mầu nhiệm nhập thể, chết và phục sinh của Con Thiên Chúa, được thực hiện với sự cộng tác của Chúa Thánh thần và trải rộng ảnh hưởng cứu độ tới toàn thể nhân loại và toàn thể vũ trụ: “Do đo, con người chỉ có thể vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa qua Đức Kitô, dưới tác động của Chúa Thần khí”[20].

4- Vai trò “trung gian” của triết học

Trong tác phẩm của Clementê thành Alexandria, từ ngữ “Ngôi Lời” chiếm một vị trí rất quan trọng, mặc dù nguyên tắc căn bản về Kitô học của ông vẫn tương tự với quan điểm của Irenêô. Theo ông, tất cả mọi biểu lộ đặc biệt của Chúa Cha đều thực hiện qua trung gian của Ngôi Lời: “Chính do Thần linh và do Ngôi Lời duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa, mà con người có thể nhận thức Đấng vô danh”[21].

Nếu như đối với Giustinô và Irênêô, tất cả mọi tri thức mà chúng ta có được về Thiên Chúa là do tác động của Ngôi Lời, thì Clementê phân biệt những gì nhân loại tuyệt đối không thể hiểu được, mà phái ngộ đạo gọi là vực thẳm, với những gì con người có thể lãnh hội một khi được Chúa Con mạc khải. Trước hết, con người có thể đạt tới tri thức chung và sơ đẳng về Thiên Chúa qua suy luận của lý trí. Đây là loại tri thức tự nhiên mà mọi người có thể đạt được. Thứ đến, trên một bình diện cao và đặc biệt hơn, với tác động độc đáo, Ngôi Lời dẫn đưa con người vào những con đường huyền nhiệm mà tự sức mình con người không thể vươn tới.

Ảnh hưởng của Ngôi Lời trải rộng khắp nơi, vượt xa bên ngoài ranh giới của truyền thống Do thái giáo và Kitô giáo, bởi vì thế giới “ngoại đạo” cũng có những ngôn sứ riêng. Một số người Hy lạp, dưới tác động của Ngôi Lời, đã thực sự thi hành sứ vụ ngôn sứ: “Phải chăng đó đã là một ân huệ tiên báo hay một thứ thần giao cách cảm? Đó là những hình thức tiên tri? Các triết gia sâu sắc nhất của Hy lạp nhìn thấy Thiên Chúa qua hình ảnh mờ nhạt, nhưng cũng có khi với tất cả vẻ trong sáng”[22].

Clementê có một cái nhìn khá lạc quan và tích cực về triết học: triết học đến từ Thiên Chúa và hướng tới Ngài. Đối với thế giới Hy lạp, triết học nằm trong kế hoạch đặc biệt của Thiên Chúa, nếu không tương ứng ít nhất cũng song song với chương trình cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện nơi người Do Thái qua Luật Mô-sê. Cả hai đều do Thiên Chúa thiết lập để dẫn đưa nhân loại hướng tới Đức Kitô. “Đối với người Do Thái, Ngài đã trao ban Lề Luật, đối với người Hy lạp Ngài ban tặng triết học, ngõ hầu dân ngoại không có cớ tự bào chữa. Bởi vì qua hai tiến trình khác nhau, Hy lạp và man di, Ngài dẫn đưa con người tới sự hoàn thiện trông chờ do đức tin”[23].

Nói một cách rõ rệt hơn, theo Clementê, triết học đã là một phương tiện cứu độ Thiên Chúa ban cho người Hy lạp. “Trước khi Chúa đến trần gian, đối với người Hy lạp, triết học đã được coi là bất khả thay thế trong việc dẫn đưa họ tới sự công chính, bây giờ triết học trở thành hữu ích để dẫn đưa họ tới việc tôn thờ Thiên Chúa. Triết học đóng vai trò chuẩn bị cho những tâm hồn muốn đạt tới niềm tin tôn giáo qua lý chứng (…). Rất có thể triết học cũng được trao ban cho người Hy lạp như một sự thiện trực tiếp, trước khi Chúa nới rộng lời mời gọi đến họ. Bởi vì, cũng như Lề Luật đối với người Do Thái, triết học giáo dục người Hy lạp, ngõ hầu dẫn đưa họ tới Đức Kitô. Triết học làm công tác chuẩn bị. Dĩ nhiên chỉ có một con đường chân lý, nhưng nó giống như một dòng sông không hề khô cạn mà nhiều con suối ở nhiều nơi khác nhau cùng đổ vào đó”[24].

Một vài lần Clementê còn đi xa hơn. Ông không ngần ngại định nghĩa triết học như một giao ước (diathèke) giữa Thiên Chúa với nhân loại, một lợi khí để vươn tới một nền triết học Kitô giáo: “Triết học đã được ban tặng cho người Hy lạp như một giao ước đặc biệt theo ý hướng của họ, làm như một tấm ván nhún để vươn tới một triết học phù hợp với giáo huấn của Đức Kitô”[25].

Trong viễn tượng đó, các triết gia có một sứ mệnh cao cả đối với dân tộc của họ và triết học là biểu hiệu đức khôn ngoan, cũng như tâm tình tôn giáo của nhân loại. Điều đó giả thiết các triết gia đã nhận được sự yểm trợ đặc biệt của sức mạnh thần linh. Đối với người Hy lạp chẳng hạn, “triết học đã có một chức năng tương tự như Lề Luật đối với người Do Thái. Triết học và Lề luật đã đóng vai trò chuẩn bị để hướng tới sự viên mãn nơi Đức Kitô. Tuy nhiên có một sự khác biệt rõ rệt giữa tác động của Thiên Chúa nơi các triết gia và nơi Cựu ước. Mặt khác, chỉ trong Đức Giêsu là ánh sáng soi cho mọi người, thì mới có thể chiêm ngắm Lời hoàn hảo và chân lý tròn đầy. Dù vậy, những mảnh vụn của chân lý cũng thuộc về toàn thể chân lý”[26].

Giá trị của triết học được đề cập ở đây trước tiên phải hiểu là triết học Hy lạp. Tuy nhiên, chính Clementê cũng thú nhận là các triết gia Hy lạp không phải là những bậc thầy vĩ đại đã cảm nghiệm được linh ứng thần linh để dẫn đưa các dân tộc về với Đức Kitô. Ông cho rằng các triết gia Hy lạp đã vay mượn rất nhiều ở các hiền giả cổ điển. Chính các hiền giả này mới thực sự là những vị hướng đạo chân chính của nhân loại, những người được Thượng đế linh ứng và dưới sức tác động của Ngôi Lời, họ đã dạy những chân lý thần linh cho các dân tộc. Trong số các vị này, Clementê đặc biệt nói đến các hiền giả Ấn độ: “Ở Ấn độ có hai loại hiền giả, gọi là Sarmanes và giáo sỹ Bàlamôn… Một số người Ấn độ tin theo giáo pháp của Đức Phật, một người được họ tôn sùng như chính thượng đế, do sự thánh thiện trổi vượt của Ngài” [27].

Dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo, Clementê quả quyết: “Ngôi Lời của Chúa Cha chính là ngọn đuốc sự thiện, là Đức Chúa đã mang ánh sáng, đức tin và ơn cứu độ cho tất cả”[28]. Ngài hiện diên và hoạt động ở mọi thời mọi nơi để gieo vãi chân lý và ánh sáng cho nhân loại. Nói cách khác, Ngôi Lời là “ánh sáng của nhân loại”. Đây là ánh sáng phổ quát chiếu soi mọi người: “Xin hãy lắng nghe, anh em những người ở xa; xin hãy lắng nghe, anh em những người ở gần, Ngôi Lời không hề lẩn trốn bất cứ ai; Ngài là ánh sáng chung, Ngài chiếu soi mọi người”[29].

Cũng như Giustinô và Irênêô, Clementê kết thúc suy tư của mình với cái nhìn lạc quan về viễn tượng cứu độ phổ quát: “Ý định muôn thuở của Thiên Chúa là cứu độ cộng đồng nhân loại. Chính vì vậy Thiên Chúa đã sai mục tử nhân lành. Ngôi Lời ban chân lý cho con người để chỉ cho họ thấy tất cả chiều cao rộng của ơn cứu độ, ngõ hầu họ được cứu độ khi biết sám hối, hoặc sẽ bị luận phạt, nếu bất phục tùng”[30].

5- Tác động phổ quát của Thần khí

Nếu biến cố Nhập thể của Đức Giêsu-Kitô, xét về phương diên nhân loại, bị giới hạn một cách nào đó do điều cụ thể của lịch sử, tác động của Thần khí không hề bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Hoạt động của Thần khí, trái lại, hoàn toàn tự do, nhiệm mầu và thiên biến vạn hóa. Chúng ta chỉ mờ mờ nhìn thấy một số hiệu quả, nhưng không thể nhận diện chính Thần khí và sức tác động vạn năng của Ngài: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi về đâu” (Ga 3,8).

Thần khí của Thiên Chúa luôn hiện diện suốt dòng lịch sử nhân loại và vẫn tiếp tục tác động ở bên ngoài ranh giới của Kitô giáo. Chính Ngài linh ứng cho tín đồ các tôn giáo khác trên hành trình truy tầm chân lý. Một số thần học gia đã đặt câu hỏi: Nếu các Kitô hữu được ơn cứu độ qua niềm tin vào Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô, thì tín đồ các tôn giáo khác có thể lãnh nhận ơn cứu độ qua tác động trực tiếp của Thần khí hay không? Sự phân biệt giữa “hai bàn tay” của Thiên Chúa có biện minh cho sự hiện hữu của hai phương thế khác nhau mà Thiên Chúa sử dụng để chuyển giao ơn cứu độ cho tín đồ các tôn giáo khác? Nếu Thần khí là “đầu vào” cần thiết của Thiên Chúa trong đời sống của các tôn giáo và các dân tộc, phải chăng khi đặt nổi sức tác động của thần khí trong lịch sử nhân loại sẽ khai mở một lối đi mới cho thần học về tôn giáo?

Có thể ví Thần khí như “đầu vào” của Thiên Chúa ở mọi thời và mọi nơi, khi Thiên Chúa tự mạc khải và truyền đạt sứ điệp của Ngài cho con người. Chính sự hiện diện nội tại và tiềm ẩn của Thần khí là bảo chứng ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Dưới nhãn quan đức tin Kitô giáo, hoạt động của Thần khí có thể khác biệt với hoạt động của Đức Kitô, nhưng không bao giờ tách biệt và đối lập nhau. Càng không thể giải thích như hai chương trình cứu độ song song hay đối lập. Đúng hơn đây là hai phương thế bất khả phân ly, hai yếu tố bổ túc hay “hai bàn tay” của Thiên Chúa trong cùng một tiến trình cứu độ[31].

Nói cho cùng, Thần khí của Thiên Chúa đồng thời cũng là Thần khí của Đức Giêsu Kitô. Do đó không thể triệt để tách rời hoạt động phổ quát của Thần khí khỏi tác động phổ quát của Đức Kitô phục sinh. Chức năng cứu độ của Thần khí là chuẩn bị và dẫn đưa con người gặp gỡ Đức Kitô, Đấng mà Thiên Chúa đã thiết lập như Trung gian và Con đường cứu độ chính thức. Nói rõ hơn, chính Đức Kitô là trung tâm điểm của con dường cứu độ, chứ không phải thần khí.

Trong viễn tượng đó, nếu Thần khí hiện diện và hoạt động trong lịch sử từ trước biến cố Đức Giêsu Kitô, chính là để chuẩn bị hay tiếp nối biến cố Nhập thể, một biến cố được coi là trung tâm của lịch sử cứu độ. Sứ vụ đặc biệt của Thần khí, dù trước hay sau biến cố Nhập thể, đều nhằm mục đích làm cho nhân loại tham dự hữu hiệu và phổ quát hơn vào mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô[32]. Trong mọi hoàn cảnh, Thần khí dun dủi và soi sáng để nhân loại nhận thức được rằng cao điểm của chương trình cứu độ là mầu nhiệm Nhập thể. Như vậy, nhờ sức mạnh và sự hiện diện nhiệm mầu của Thần khí, biến cố của Đức Kitô luôn được hiện đại hóa ở mọi thời và mọi nơi.

Rất hữu lý khi một số thần học gia đặt nổi quan điểm Kitô học theo chiều hướng “thần khí học” như một chiều hướng thần học thích hợp hơn để trình bày yếu tố duy nhất và phổ quát trong biến cố Đức Kitô: “Một Kitô học được trình bày trong viễn tượng thần khí học cho phép liên kết dễ dàng hơn duy nhất tính với phổ quát tính của Đức Giêsu Kitô. Nó có khả năng chứng tỏ rằng Thần khí đã tác động trong Đức Kitô với tất cả tính sung mãn cũng chính là thần khí hoạt động khắp nơi trong lịch sử nhân loại theo những mức độ khác hơn. Một Kitô học như thế cũng có khả năng chứng minh rằng Đức Kitô là đích điểm và thủ lãnh của mọi người. Thân xác của Đức Kitô, tức Giáo hội, thì lớn hơn và trải rộng hơn những giới hạn cơ chế của Giáo hội(…). Tất cả những ai để cho Thần khí của Đức Kitô hướng dẫn trong niềm tin, hy vọng và bác ái, đều thuộc về Ngài”[33].

Kể từ Công đồng Vatican II, chủ trương cho rằng những ai vì một lý do nào đó chưa gia nhập Giáo hội, nhưng chân thành sống theo lương tâm cũng được cứu độ, đã trở thành một quan điểm chung. Giáo huấn chính thức của Giáo hội cũng đề cao vai trò và hoạt động của Thần khí trong mầu nhiệm cứu độ. Hiến chế mục vụ về “Giáo hội trong thế giới hôm nay” xác quyết: “Vì Đức Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực sự là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên chúng ta phải tin chắc rằng Thần khí ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh, theo cách thế mà chỉ duy Thiên Chúa biết thôi”[34]. Chính trong viễn tượng tác động phổ quát của Thần khí mà thần học về tôn giáo đã xác quyết giá trị cứu độ của các tôn giáo.

Theo Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo, “Thần khí đã hoạt động nơi trần gian trước khi Đức Kitô được tôn vinh”, nhưng sự hiện diện của Ngài được biểu lộ một cách đặc biệt qua biến cố Đức Giêsu Kitô và “trong ngày lễ Ngũ tuần”. Thành ra, “các Kitô hữu cần làm chứng đức tin và đời sống Kitô giáo, đồng thời phải nhìn nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị siêu việt, đạo đức, xã hội và văn hóa nơi những người theo các tôn giáo khác” (NA 2).

Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” vừa nhấn mạnh vai trò cần thiết của Giáo hội, vừa nhìn nhận giá trị của các tôn giáo khác trong tiến trình cứu độ: “Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện thầm kín của Thiên Chúa, sẽ được hoạt động truyền giáo tháo gỡ khỏi những vết xấu và đưa về Đức Kitô là Đấng tác thành chúng… Bởi vậy, những giá trị tích cực đã được gieo vãi trong tâm hồn con người hay trong các lễ nghi và văn hóa của các dân tộc, không những không bị hủy diệt, mà phải được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất để Thiên Chúa được tôn vinh, ma quỷ phải xấu hổ và con người được hạnh phúc”[35].

Trong Thông điệp về Chúa Thánh thần (Dominum et vivificantem) ( 1986) giáo chủ Gioan Phaolô II nhấn mạnh hơn sự hiện diện và tác động của Thần khí trong lịch sử. Ngày xưa Ngài đã âm thầm hoạt động trong nhân loại trước khi Kitô giáo xuất hiện và ngày nay Ngài vẫn không ngừng hoạt động trong thế giới, ngay bên ngoài phạm vi của Giáo hội hữu hình. Thật vậy, chúng ta không thể giới hạn tác động của Thần khí “chỉ vào hai ngàn năm, kể từ ngày Giáng sinh của Đức Kitô. Cần phải ngược dòng thời gian, bao trọn tất cả tác động của Chúa Thánh thần trước Đức Kitô –ngay từ khởi thủy – trong toàn thế giới và đặc biệt trong chương trình cứu độ nơi giao ước cũ”.

Thông điệp “Sứ vụ cứu độ” còn đi xa hơn. Tác động của thần khí không chỉ giới hạn ở chiều kích nội tâm và cá nhân, nhưng còn mang chiều kích văn hóa và xã hội: “Thần khí ấy đã hoạt động trong công cuộc nhập thể, trong đời sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu và đang tác động trong Giáo hội. Ngài không tự thay thế Đức Kitô và cũng không lấp đầy khoảng trống giữa Đức Kitô và Ngôi Lời… Điều mà Thần khí thực hiện trong tâm hồn con người và trong lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hóa và tôn giáo, là chu toàn nhiệm vụ chuẩn bị cho Tin Mừng. Công tác này của Thần khí phải được thực hiện trong tương quan với Đức Kitô”[36].

Vì Thần khí đã và đang tác động nơi các tôn giáo mà vấn đề thần học căn bản về giá trị cứu độ của các tôn giáo được nêu lên. Tài liệu “Kitô giáo và các tôn giáo khác” của Ủy ban thần học quốc tế ghi nhận: “Vì đã minh nhiên công nhận rằng Thần khí của Đức Kitô hiện diện nơi các tôn giáo, chúng ta không thể phủ nhận việc các tôn giáo, trong tư thế của mình, có thể mang một chức năng cứu độ nào đó, nghĩa là các tôn giáo có thể giúp con người đạt đến cứu cánh tối hậu của mình, cho dù còn mập mờ và thiếu sót (…). Thật khó có thể quan niệm rằng những gì Thần khí thực hiện trong tâm hồn mỗi người có giá trị cứu độ, trong khi đó những điều cũng do chính Thần khí ấy thực hiện nơi các tôn giáo và các nền văn hóa lại không có giá trị cứu độ như thế. Giáo huấn của Giáo hội gần đây dường như không chấp nhận sự phân biệt triệt để như vậy. Ngoài ra cần phải lưu ý rằng nhiều bản văn mà chúng ta đã qui chiếu không những chỉ nói đến các tôn giáo mà còn nhắc đến các nền văn hóa, lịch sử các dân tộc… bên cạnh các tôn giáo này. Tất cả các dữ kiện đó cũng có thể được ân sủng tác động”[37].

6- Nước Trời trải rộng…

Tính độc đáo và vẻ nghịch thường của Nhập thể đã nối kết một cách tài tình cá biệt và phổ quát, hữu hạn với Tuyệt Đối, thời gian và Vô thường. Chính tính độc đáo này cho phép ta nối kết ý nghĩa phổ quát của chương trình cứu độ nơi Đức Kitô với giá trị cứu độ nơi các tôn giáo khác. Mối bận tâm của nhiều thần học gia là giải thích làm sao để có thể bảo vệ duy nhất tính của Đức Giêsu Kitô và đồng thời chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác. Theo E. Schillebeeckx, “Đức Giêsu là biểu hiện duy nhất của ân huệ cứu độ đến từ Thiên Chúa cho tất cả mọi người, nhưng xét theo một phương diện nào đó cũng là biểu hiệu bất tất, nghĩa là mang tính lịch sử và do đó bị giới hạn”. Chính vì tính cá biệt và lịch sử này của biến cố Nhập thế, mà “mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, theo như Tin Mừng tường thuật, không có nghĩa tuyệt đối thần linh hóa một đặc thù lịch sử (…). Trái lại mạc khải này dạy chúng ta rằng không một đặc thù nào có thể tự cho là tuyệt đối (…). Chính Đức Giêsu cũng không ngừng hướng chúng ta về Thiên Chúa, Đấng cao trọng hơn Ngài. Ta có thể nói như sau: Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô và trong Thần khí, tự biểu lộ như Đấng Tạo hóa và Đấng cứu độ, như một Thiên Chúa của con người, của tất cả nhân loại. Chỉ duy Thiên Chúa là Tuyệt đối, và chẳng có tôn giáo nào tuyệt đối cả”.

Trong viễn tượng đó, thần học xét như một suy tư của con người về Thiên Chúa dưới ánh sáng của đức tin sẽ đi xa hơn Kitô học. Jacques Dupuis nghĩ rằng “Đức Kitô vừa mạc khải đồng thời vừa che dấu Thiên Chúa, bởi vì Ngài xuất hiện giữa chúng ta trong một nhân tính không thần thiêng, một nhân tính của thụ tạo. Xét như là một con người, Ngài là một hữu thể lịch sử và bất tất, nên không thể trình bày tất cả vẻ phong phú của Thiên Chúa (…), ngoại trừ khi người ta phủ nhận giá trị đích thực của nhân tính nơi Ngài”.

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa chỉ là một và bao trọn tất cả lịch sử nhân loại. Biến cố Nhập thể của Ngôi Lời trong Đức Giêsu Kitô là cao điểm của tiến trình tiệm tiến qua đó Thiên Chúa đã tự mạc khải cho con người. Hành động “làm người”, cuộc sống nhân loại, giáo huấn, cái chết và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài nói lên ý nghĩa sâu thẳm và tuyệt vời nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Tuy nhiên, tính độc đáo của biến cố Nhập thể trong chương trình cứu độ cũng không cho phép chúng ta lãng quên hay đánh giá thấp hoạt động thường xuyên của Thần khí. Sức mạnh chiếu sáng và cứu độ này không hề bị giới hạn bởi tính đặc thù của biến cố lịch sử, trái lại luôn vượt trên tất cả những giới hạn về không gian và thời gian. Quyền lực siêu việt của Ngài cho phép chúng ta nghĩ đến tính đa diện trong cách thế can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại và chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác.

Theo thánh Gioan, “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời (…). Ngài là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,1 &9). Ngài đã soi sáng và hướng dẫn nhân loại từ trước khi Ngài mặc xác phàm. Ngài ban thần khí không phải chỉ cho các cá nhân –hiền triết Socrate, đức Phật, đức Khổng và bao nhiêu trí giả khác– mà còn cho các nền văn hóa, các truyền thống tôn giáo và triết học. Có thể coi đây là những “con đường” hay “phương tiện” được sử dụng để truyền thông ánh sáng thần linh cho con người. Giao ước giữa Thiên Chúa với Noé, chẳng hạn, là biểu tượng giao ước với các dân tộc trong khung cảnh văn hóa và tôn giáo riêng của họ. Một cách cụ thể hơn, giao ước Thiên Chúa thực hiện với Abraham và Maisen là giao ước đặc biệt với dân tộc được tuyển chọn. Chúng ta gặp thấy trong tiên tri Isaia nhiều bản văn đề cập đến sự cứu độ của các dân tộc trong bối cảnh chương trình cứu độ dân Israel (Is. 42- 66). Nhiều thần học gia đã đề cập đến một giao ước có tầm vóc vũ trụ, như triết học chẳng hạn. Công đồng Vatican 2 cũng nhìn thấy trong truyền thống các tôn giáo của nhân loại nhiều yếu tố của “chân lý và ân sủng” (AG 9).

Khai triển hướng đi của Vatican 2, nhiều văn kiện chính thức của Giáo hội công nhận là, xét về phương diện hiện thực lịch sử, Nước Trời trải rộng bên ngoài biên giới của Hội Thánh. Nước Trời đến với mọi người trong nhân loại, hiện diện trong tất cả truyền thống văn hóa cũng như tôn giáo và dưới sức tác động của Thần khí vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm mãi.

Thông điệp “Redemptoris Missio” công nhận một cách dè dặt: “Đành rằng dưới dạng thức sơ khởi, Nước Thiên Chúa cũng có thể có mặt ngoài ranh giới của Hội thánh, giữa các dân nước ở khắp nơi trên thế giới, theo nghĩa là họ sống thật “những giá trị của Tin Mừng” và biết mở lòng đón nhận tác động của Thần khí, là Đấng muốn thổi lúc nào và bao giờ thì thổi (xem Ga 3,8). Nhưng cần phải nói thêm ngay rằng bao lâu chưa được nối kết với Nước Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh và chưa cố gắng tiến tới mức viên mãn cánh chung, bấy lâu dạng thức trần thế của Nước Thiên Chúa vẫn chưa tròn đầy” (số 20).

Hiệp Hội các Hội đồng Giám mục Á châu nêu rõ tính ưu tiên của Nước Thiên Chúa so với Giáo hội. Là bí tích của Nước Thiên Chúa ở trong thế giới, Giáo hội có trách vụ thông truyền cho người khác Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đã được Đức Kitô khai mở giữa lòng lịch sử. Công tác xây dựng Nước Thiên Chúa vượt xa bên ngoài biên giới của Kitô giáo. Khi biết nhất trí dấn thân để bảo vệ nhân quyền, khi nỗ lực hoạt động cho công cuộc phát triển toàn diện mỗi người và mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người bị áp bức, khi hăng say cố võ những giá trị tôn giáo và tâm linh, con người đang cùng nhau xây dựng Nước Thiên Chúa:

“Nước Thiên Chúa… hiện diện và hoạt động ở khắp mọi nơi. Ở đâu con người biết mở rộng lòng để đón nhận mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa tác động trên họ và biết vượt ra khỏi bản thân cá nhân mình để yêu mến và phục vụ anh chị em đồng loại, thì ở đó Nước Thiên Chúa đang thực sự hoạt động. Như BIRA[38] đã nhận định: “Nơi nào có người đón nhận Thiên Chúa, có người sống thật những giá trị của Phúc Âm, nơi nào biết tôn trọng phẩm giá con người, thì nơi đó Nước Thiên Chúa có mặt” (II,1, FABC II,423). Trong viễn tượng đó, con người trả lời tương xứng nghĩa cử của Thiên Chúa ban tặng ân sủng qua Đức Kitô trong Thần khí, và bước vào Nước Thiên Chúa qua hành vi đón nhận của lòng tin (…).

Điều đó cho thấy rằng Nước Thiên Chúa là một thực thể phổ quát, trải rộng ra ngoài biên giới của Hội Thánh. Nước ấy chính là thực tại của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô – thực tại mà Kitô hữu và những tín hữu khác đều cùng tham dự- và là “mầu nhiệm hiệp nhất” cơ bản có một sức nối kết bền sâu kiên vững hơn là lực phân rẽ mà những khác biệt về tín ngưỡng có thể khơi dậy để chia cắt và phân ly chúng ta”[39].

Nói cho cùng khi “Ngôi Lời đã nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14), tức là cõi vĩnh hằng đã đi vào thời gian và tuyệt đối bắt gặp tương đối để biến đổi nó từ bên trong. Khi “ánh sáng đến trần gian và chiếu soi mọi người” (Ga.1,9) thì cuộc đời và con người được biến đổi, vì từ đó đã mang trong mình một hứa hẹn tuyệt đối. Và như vậy, theo lời quả quyết của Đức Kitô, “Nước Trời đang ở trong anh em” (Lc.17,21). Kể từ đó, tất cả những gì hữu hạn, tương đối, giới hạn, bất tất… không còn y nguyên nữa, mà phần nào đã được chắp cánh, thăng hoa và tuyệt-đối-hóa. Rồi khi “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (…), vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8) cho muôn người được tha tội (Mt 26,28) thì đương nhiên con đường cứu độ phổ quát đã khai mở.

Trong viễn tượng đó, hồng y Walter Kasper có lý để kết luận: “đức tin Kitô giáo, đặc biệt nhất trong tính chất phổ quát của nó, mà bao nhiêu người từng đặt nghi vấn, là một lời mời gọi và một nền tảng cho thái độ bao dung và sự tôn trọng lẫn nhau, cho chia sẻ và truyền thông, để trao đổi, cảm thông, giao hoà và hoà bình. Niềm tin Kitô giáo chỉ cho ta con đường đi tới Đấng là “điểm hội tụ của tất cả mọi ước vọng của lịch sử và của văn minh, là trung tâm của nhân loại, niềm vui của mọi tâm hồn và sự hoàn thành của mọi khát vọng”(GS 45)[40].

————————————-

[1] Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia, số 15.

[2] Nữ tu Mai Thành đã “Ngỡ ngàng” cảm xúc trước biến cố Nhập thể này và diễn tả bằng những lời thơ đẹp, thâm sâu và đầy âm điệu Á Đông:

“Ngỡ ngàng lặng ngắm Hài Nhi
Mong manh hơi thở, đôi mi dịu hiền
Phải đây Chúa tể vô biên,
Hôm nay nằm đó, giữa miền đất trơ?
Không gian vô lượng, vô bờ,
Một tay sáng thế, nguyên sơ thủa nào.
Hôm nay lặng lẽ Ngài vào,
Nằm trong lịch sử , đẩy rào thời gian.
Chào đời một tối đông sang,
Làm con trái đất, mỏng dòn, phù du.
Đấng mà tên gọi Thiên Thu,
Vô chung, vô thủy, vượt bờ tử sinh.
Đấng từng ném rải bình minh,
Ngân hà, nhật nguyệt lung linh ngợp trời.
Ngài không xuống tự cao vời,
Mà từ bụi đất, giữa đời bạc đen.

(Ngỡ Ngàng, 1998)

[3] Tuyên ngôn “Dominus Jesus” xác quyết: “Việc tách biệt hành động cứu độ của Ngôi Lời tự thân và hành động cứu độ của Ngôi Lời Nhập thể là trái ngược với đức tin Công giáo. Với biến cố Nhập thể, tất cả những hành động cứu độ của Ngôi Lời Thiên Chúa luôn được thực hiện với nhân tính, mà Ngài đảm nhận để cứu độ mõi người. Chính ngôi vị duy nhất của Ngôi Lời là chủ thể duy nhất hoạt động trong hai bản tính, thần linh và nhân loại” (ssố 10).

[4] Xc. Tuyên ngôn của Thánh Bộ Đức tin, Dominus Jesus, số 5.

[5] Gioan Phaolô II, Dominum et vivificantem , số 50.

[6] Gioan Phaolô II, Giáo hội tại Á châu, số 16.

[7] Gioan Phaolô II, Redemptoris missio, số 28.

[8] Synode des Évêques/ Assemblée spéciales pour l’Asie, Jésus-Christ, le Sauveur, et sa mission d’amour et de service en Asie…. Instrumentum Laboris, Vatican 1998, số 31.

[9] Tông huấn Giáo hội tại Á châu, số 18.

[10] Giustinô, 2 Apol. VI, 3.

[11] Giustinô, 1 Apol. XLVI, 1- 4.

[12] Giustinô, 2 Apol. VIII,1.

[13] Ibidem, 2 Apol. VIII,1

[14] Instrumentum Laboris, op.cit., số 32.

[15] Thánh Irênêô, Adv. haer. IV,6,7

[16] Adv. haer. II,6,1.

[17] Xem O. Cullmann, Christ et le temps. Temps et histoire dans le christianisme primitif, Neuchâtel, 1947.

[18] Adv. haer. IV, 20, 6- 7.

[19] Cf. Adv. Haer. IV, 6,6.

[20] Dominus Jesus, số 12.

[21] Clementê thành Alexandria, Strom. V,12.

[22] Strom.I,19.

[23] Strom. VII,2.

[24] Strom. I,5, 1- 3.

[25] Strom. VI,8.

[26] Ủy ban Thần học quốc tế, Kitô giáo và các tôn giáo khác, 1997, số 43.

[27] Strom. I,15.

[28] Protreptikos VIII,80.

[29] Protrept. IX,88.

[30] Proptrept. XI,116.

[31] Xem Y. Congar, La Parole et le souffle, Paris, Desclée, 1984.

[32] Xc. Vatican II, Gaudium et Spes, 22.

[33] W. Kasper, Jésus le Christ, Paris, Cerf, 1977, tr.409. Xin coi M. Bordoni, La cristologia nell’orizzonte dello Spirito, Brescia, Queriniana, 1995; R. del Colle, Christ and the Spirit: Spirit Christology in Trinitarian Perspective, Oxford University Press, 1994.

[34] Vatican II, Gaudium et Spes, số 22.

[35] Ad Gentes, số 9.

[36] Redemptoris Missio, số 29.

[37] Ủy ban thần học quốc tế, Kitô giáo và các tôn giáo, (1970, số 84.

[38] “BIRA” là ký hiệu của “Bishops’ Institute for Inter-religious Affairs”, tức là ban bí thư của FABC đặc trách về vấn đề liên tôn.

[39] Xin xem toàn bản văn trong FABC Papers, số 64, Hong Kong 1993, tr. 23- 37.

[40] Walter Kasper, “L’universalité du Christ et le dialogue interreligieux”, art. cit., tr. 372.

Bài liên quan:

Dấu ấn Thần Khí nơi các tôn giáo lớn
Kitô giáo chống nền văn hóa băng hoại ngày nay
Chủ nghĩa vô thần theo Công đồng Vatican II
“Tinh thần Assisi” là gì?
Quan điểm và động thái của Tòa Thánh Vatican đối với cái chết của Gadhafi và Hội đồng chuyển tiếp ở Lybia
Giáo Hội với truyền giáo: Sứ mệnh phổ quát và sứ vụ địa phương
Sứ điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2011
Phận vụ tông đồ người tín hữu giáo dân trong Công đồng Vatican II
Chủ nghĩa vô thần, trò chơi và sự thật
Người vô thần và Giáo hội của một chân lý
Đức Giêsu Kitô và các con đường cứu độ khác
Niềm tin mù quáng và bất hợp lý của chủ nghĩa vô thần
Ðối thoại liên tôn từ Công đồng Vaticanô II chiều kích chiêm niệm đơn tu
Vai trò của Giáo dân dưới ánh sáng Công đồng Vatican II
Tôn giáo và các cuộc tranh chấp hoàn cầu
Đối thoại với người vô thần

Nguồn: http://www.lamhong.org/2011/10/30/ta...ton-giao-khac/