kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Quần-Ðảo Hoàng-Sa và Trường-Sa Lãnh-Thổ Việt-Nam.

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Lục Đẳng Avatar của splen
    Gia nhập
    Nov 2009
    Nơi cư ngụ
    Trung Sơn
    Bài gởi
    8,027

    Mặc định Quần-Ðảo Hoàng-Sa và Trường-Sa Lãnh-Thổ Việt-Nam.

    Quần-Ðảo Hoàng-Sa và Trường-Sa
    Lãnh-Thổ Việt-Nam.
    (Trương Nhân Tuấn lược dịch từ hồ-sơ « Les Archipels Hoang-Sa et Truong-Sa, Territoire Vietnamien » 1981, ......, CAOM, Aix-En-Provence, Pháp-Quốc )


    http://www.thegioivohinh.com/diendan...ad.php?t=42084

    Dẫn-nhập :
    Từ nhiều thập-niên nhà cầm-quyền Trung-Hoa đã biểu-lộ những hành-động nhắm về hai quần-đảo Hoàng-Sa (Paracels) và Trường-Sa (Spratley hay Spratly) của Việt-Nam mà họ đặt tên là Xisha (Tây-Sa) và Nansha (Nam-Sa).
    Nước nầy đã sưu-tập nhiều tài-liệu nhằm chứng-minh rằng từ lâu tổ-tiên của người Trung-Hoa đã « khám-phá » hai quần đảo nầy đồng-thời đến những nơi đó để « khai-thác » ; nhưng nhà cầm-quyền Trung-Hoa sẽ vô cùng lúng-túng để trả lời hai điểm sau : Từ bao giờ Trung-Hoa chiếm đóng hai quần-đảo nầy và họ đã hành-sử « chủ-quyền » của họ tại những nơi nầy như thế nào ?

    Phần I : Quốc-gia Việt-Nam đã từ lâu đã hành-sử quyền làm chủ của mình một cách liên-tục tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.

    Hoàng-Sa và Trường-Sa tọa lạc ngoài biển khơi Việt-Nam, giữa Biển Ðông, điểm gần nhất của Hoàng-Sa cách cù-lao Ré - một đảo cận bờ của Việt-Nam – khoảng 120 hải-lý và cách Ðà-Nẵng, về phía Ðông, 170 hảI-lý ; điểm gần nhất của quần-đảo Trường-Sa thì cách vịnh Cam-Ranh khoảng chừng 250 hải-lý về hướng Ðông.
    Những nhà du-hành ở thời-kỳ khai-phá chỉ có một khái-niệm rất mơ-hồ về Hoàng-Sa và Trường-Sa. Họ cho rằng nơi đó hiện-hữu một vùng biển rộng lớn có nhiều dãi cát và đá ngầm, vô cùng nguy-hiểm cho thuyền bè qua lại. Thời xưa người Việt-Nam gọi đó là Bãi Cát Vàng, Hoàng-Sa, Vạn-Lý Hoàng-Sa, Ðại Trường-Sa hay Vạn-Lý Trường-Sa... Trong cổ-sử cũng như trên các bản-đồ của Việt-Nam thì ghi-nhận như thế. Hầu-hết các bản-đồ của những nhà hải-hành Tây-Phương từ thế-kỷ thứ 16 đến thế-kỷ thứ 18, Hoàng-Sa và Trường-Sa được ghi dưới các tên Pracel, Parcel hay Paracels[1]. Một cách tổng-quát, những bản-đồ nầy đã vẽ vùng Hoàng-Sa ở giữa biển Ðông, về phía Ðông bờ biển Việt-Nam và cách xa những đảo cận-bờ.
    Sau nầy nhờ tiến-bộ khoa-học và sự phát-triển của ngành hàng-hải người ta mới phát-hiện có những khác-biệt rõ-rệt giữa Hoàng-Sa và Trường Sa.
    Hai quần-đảo được vẽ hiện nay trên những bản-đồ hàng-hải quốc-tế dưới những tên Paracels và Spratley hay Spratly, thực-sự là Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam. Các tên “Xhisha” và “Nansha” là những cái tên mà nhà cầm-quyền Bắc-Kinh chỉ mới đặt ra từ vài thập-niên nay cho hai quần-đảo nầy với dụng-ý làm cớ nhằm biện-hộ cho việc xâm-lấn của họ sau nầy.

    1/ Chủ-quyền lịch-sử của Việt-Nam tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.


    Dân-tộc Việt-Nam từ lâu đã khám-phá Hoàng-Sa và Trường-Sa. Quốc-gia Việt-Nam đã chiếm-hữu và hành-sử chủ-quyền của mình tại các nơi đây.
    Nhiều bộ cổ-sử và nhiều bản-đồ xưa của Việt-Nam đã ghi-nhận một cách rõ-rệt rằng Bãi Cát Vàng, Hoàng-Sa, Vạn-Lý Hoàng-Sa, Ðại Trường-Sa hay Vạn-Lý Trường-Sa đã từ lâu là lãnh-thổ của Việt-Nam.

    * Bộ Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư, là bộ bản-đồ của Việt-Nam do Ðỗ-Bá, tự Công-Ðạo, thành-lập vào thế-kỷ thứ 17, đã ghi đại-ý rất rõ-rệt trong phần phụ-chú phủ Quảng-Ngãi, tỉnh Quảng-Nam rằng: “ngoài biển khơi có một quần-đảo với những bãi cát dài, được gọi là Bãi Cát Vàng”, “mỗi năm vào tháng cuối mùa đông, Chúa Nguyễn[2] phái ra đó một hải-đội gồm 18 chiếc thuyền để thu-nhặt hàng-hóa, nhờ vậy mới có được một số-lượng lớn vàng, bạc, tiền, súng-ống và đạn-dược”.

    * Bản-đồ Giáp-Ngọ Bình Nam Ðồ do Ðức-Doãn Quận-Công Bùi Thế Ðạt thiết-lập năm 1774 cũng có ghi-nhận Bãi Cát Vàng là một phần lãnh-thổ Việt-Nam.[3]

    * Tác-phẩm Phủ-Biên Tạp-Lục của nhà bác-học Lê Quí Ðôn (1726-1784) viết về lịch-sử, địa-lý và hành-chánh của Ðàng Trong (miền Nam hiện nay) dưới thời Chúa Nguyễn, viết rằng những đảo Ðại Trường-Sa (tức Hoàng-Sa và Trường-Sa) thì thuộc về phủ Quảng-Ngãi:
    “Ngoài khơi cửa An-Vĩnh[4] thuộc huyện Bình-Sơn, phủ Quảng-Ngãi, có một đảo tên là đảo Ré, chiều dài khoảng 30 dặm[5]. Ngày xưa, dân làng Tu-Chính ra trồng đậu tại đó. Người ta vượt biển đến đó mất bốn canh (một đêm có năm canh). Phía xa hơn đảo Ré là những đảo Ðại Trường-Sa. Ở đó có nhiều hải-sản và hàng-hóa các loại. Công-Ty Hoàng-Sa được thành-lập để ra đó thu-nhặt đồ vật. Phải mất ba ngày ba đêm để đến những đảo nầy, đây là vùng gần Bắc Hải”.

    * Ðại-Nam Nhất-Thống Toàn Ðồ là bản-đồ Việt-Nam thành-lập năm 1838, có ghi nhận Hoàng-Sa và Trường-Sa là một phần lãnh-thổ của Việt-Nam.

    * Ðại-Nam Nhất Thống Chí, địa-dư chí của Việt-Nam được Quốc-Sử Quán nhà Nguyễn (1802-1945) viết năm 1882, ghi-nhận rằng Hoàng-Sa thuộc lãnh-thổ Việt-Nam và trực-thuộc hành-chánh tỉnh Quảng-Ngãi. Ðoạn văn liên-hệ viết về tỉnh nầy đại-để như sau:
    “Ở phía Ðông của tỉnh Quảng-Ngãi thì có những đảo cát gọi là Hoàng-Sa; nơi đây cát và biển kết-lẫn vào nhau để tạo thành bờ triền; phía Tây là vùng núi dựng như là những tường-thành chắc-chắn; phía Nam tiếp-giáp với Bình-Ðịnh ở đèo nằm ngang thuộc Bến Ðá; phía Bắc tiếp-cận với tỉnh Quảng-Nam ở đèo Sa-Thọ”.

    Từ nhiều thế-kỷ đã qua, nhiều nhà hàng-hải và truyền-giáo tây-phương đã xác-nhận rằng Hoàng-Sa (Parcel hay Paracels) thì thuộc về Việt-Nam:

    * Một nhà truyền-giáo tây-phương, đi từ Pháp đến Trung-Hoa năm 1701 trên chiếc thuyền tên Amphitrite, đã viết trong một lá thư như sau: “Hoàng-Sa là một quần-đảo thuộc vương-quốc An-Nam” [6].

    * Linh-mục J. B. Chaigneau (Bá-Ða-Lộc), cố-vấn của vua Gia-Long, năm 1820 có viết một phụ-chú thêm vào trong bút-ký “Mémoire sur la Cochinchine”[7]:
    “Nước Nam (Cochinchine), đứng đầu là vị Hoàng-Ðế, gồm có Cochinchine (tức miền Nam), Tonkin (miền Bắc)... một số đảo có người sinh-sống không xa bờ và quần-đảo Hoàng-Sa (Paracels), gồm có nhiều đảo nhỏ, đá, bãi san-hô... không có người ở”[8]

    * Linh-mục J. L. Tabert, trong “Ghi-nhận về Ðịa-Lý Việt-Nam” (Note sur la géographie de la Cochinchine), xuất-bản năm 1837, đã trình-bày quần-đảo Hoàng-Sa như là một phần của lãnh-thổ Việt-Nam và ghi rõ thêm rằng Việt-Nam gọi “Paracels” hay “Pracel” dưới tên là Cát Vàng[9].
    Bản-đồ An-Nam Ðại-Quốc Họa Ðồ do ông năm 1838, có vẽ một phần của quần-đảo Hoàng-Sa với phụ-chú : “Paracel hay Cát Vàng”, ở phía ngoài những đảo cận bờ của miền Trung Việt-Nam, tức ở vào vị-trí của Hoàng-Sa hiện-tại.

    * Qua bài viết “Géographie de l’Empire Cochinchine” của Gutzlaff năm 1849 trong đó có một đoạn ghi-nhận rằng Paracels thuộc lãnh-thổ Việt-Nam, có tên là “Kat Vang” [10].

    Các triều-đại vua chúa cai-trị Việt-Nam trong những thế-kỷ đã qua đã phái nhiều đội thuyền để thám-hiểm nhằm thẩm-định tài-nguyên ở Hoàng-Sa và Trường-Sa. Những bộ sử và địa-dư chí của Việt-Nam từ thế-kỷ thứ 17 đã ghi lại kết-quả của những cuộc thám-hiểm nầy:

    * Toàn Tập Thiên-Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư (thế-kỷ thứ 17) đại-ý viết:
    “Ngoài biển khơi có một quần-đảo kết-tạo bằng những dãi cát dài, có tên “Bãi Cát Vàng”, độ dài khoảng 400 dặm và rộng khoảng 20 dặm, nổi lên từ biển sâu, đối-diện với đoạn bờ biển từ bến Ðại-Chiêm [11] đến bến Sa-Vinh [12]. Vào mùa gió Tây-Nam, những thương-thuyền của các nước đi ngang vùng nầy thường bị đắm. Những người đi trên thuyền thì bị chết đói. Hàng-hóa thì dồn đống ở nơi đó.” [13]

    Lê Quí Ðôn (1776) viết trong Phủ Biên Tạp Lục đại-ý như sau:
    “Làng An-Vĩnh, thuộc huyện Bình-Sơn, phủ Quảng-Ngãi thì ở cận biển. Ở ngoài khơi của làng nầy, về hướng Ðông-Bắc, có trên 130 đảo trải dài, lớn nhỏ hay đá ngầm, từ đảo nầy qua đảo khác khi thì mất một ngày, khi thì mất vài canh bơi thuyền. Trên một vài đảo thì có nước ngọt. Một trong những đảo đó có tên Bãi Cát Vàng, có chiều dài ước-lượng 30 dặm, mặt đảo bằng-phẳng, tọa-lạc ở một vùng nước rất trong; nơi đây có rất nhiều ổ yến. Chim-chóc thì nhiều vô số kể và chúng tấn-công người không sợ-hãi. Người ta cũng gặp rất nhiều sò-ốc quái-dị, có mầu sắc sặc-sở gọi là ốc tai-tượng, lớn bằng cái nia và dấu trong thân những hạt to bằng ngón tay, màu đục nhưng không đẹp như ngọc trai; vỏ ốc người ta có thể đẽo ra từng miếng hay dùng để chế-biến vôi làm nhà. Cũng có những loại ốc xa-cừ dùng để chạm trổ và ốc hương. Thịt ốc có thể muối hay dùng làm nhiều món ăn. Những thương-thuyền ngoại-quốc bị gặp bão ở vùng biển nầy thì thường bị đắm và trôi dạt vào ở những đảo nầy”.

    * Ðại-Nam Thực-Lục Tiên Biên, là một quyển lịch-sử nói về các Chúa Nguyễn, do Quốc-Sử Quán viết năm 1844 (nhà Nguyễn) viết đại-ý như sau:
    “Ngoài khơi làng An-Vĩnh huyện Bình-Sơn phủ Quảng-Ngãi có hơn 130 đảo và đá ngầm lớn nhỏ, trải dài hàng ngàn dậm nên gọi là Vạn-Lý Trường-Sa; khoảng cách từ đảo nầy đến đảo kia độ một ngày hoặc vài canh đi thuyền. Trên một vài đảo có giếng nước ngọt. Sản-phẩm ở đây gồm hải-sâm, rùa, đồi-mồi, sò ốc có hình màu sắc sặc-sở v.v...”

    * Ðại-Nam Nhất Thống Chí (1882) có ghi đại-ý:
    “Quần-đảo Hoàng-Sa ở phía Ðông của đảo Ré, huyện Bình-Sơn. Bắt đầu từ bờ biển Sa-Kỳ, nếu thuận gió người ta có thể đi đến đó trong ba hay bốn ngày thuyền. Người ta tính có hơn 130 đảo và đá ngầm lớn nhỏ, những đảo nầy cách nhau có khi một ngày, có khi vài canh đi thuyền. Trong những đảo nầy, có những bãi cát vàng trải dài hàng trăm dặm gọi là Vạn-Lý Trường-Sa. Trên những dãi cát đó có giếng nước ngọt và chim-chóc ở đó nhiều vô số kể. Ngưòi ta cũng thấy có hải-sâm, rùa, sò-ốc có màu sắc sặc-sở, đồi-mồi... và hàng-hoá của những thương-thuyền bị bão đánh đắm”.

    * Theo Ðại-Nam Thực-Lục Chính-Biên, lịch-sử của nhà Nguyễn, viết năm 1848, Trương Phúc Sĩ là Ðội-Trưởng, sau khi lãnh mệnh đi Hoàng-Sa để lấy địa-hình thì trở về có tâu lên vua Minh-Mệnh rằng Hoàng-Sa “được kết-tạo do những dãi cát ở ngoài khơi và kéo dài vô-định”.[14]
    Những bộ sách khác viết dưới thời nhà Nguyễn như Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821), Hoàng-Việt Ðịa-Dư Chí (1833), Việt-Sử Cương Giám Khảo Lược (1876) đều diễn-tả Hoàng-Sa với những chi-tiết tương-tự.

    Vì biết rằng Hoàng-Sa và Trường-Sa có nhiều hải-sản quí-giá và nhiều hàng-hóa do những thuyền buôn bị đắm trôi dạt vào, cho nên các triều-đại của Việt-Nam từ thời xa xưa ấy đã tổ-chức để gây huê-lợi các nơi đây, biểu-lộ vì thế tính chủ-quyền của quốc-gia Việt-Nam tại các nơi đó. Có nhiều sách về lịch-sử và địa-dư của Việt-Nam đã ghi-nhận một cách rất rõ-rệt việc tổ-chức và cách-thức sinh-hoạt của các công-ty Hoàng-Sa có nhiệm-vụ làm huê-lợi tại các đảo nầy.

    * Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư (thế-kỷ 17) có viết đại-ý:
    “Mỗi năm vào tháng cuối của mùa Ðông, chúa Nguyễn gởi ra Bãi Cát Vàng một đội thuyền gồm 18 chiếc để thu-nhặt hàng-hóa, có được vì thế một số lượng vàng, bạc, tiền, súng-ống và đạn dược.”

    * Phủ-Biên Tạp Lục (1776) ghi đại-ý:
    “Thời nhà Nguyễn có thành-lập công-ty Hoàng-Sa gồm có 70 người, thuộc làng An-Vĩnh, tuyển theo lối luân-phiên. Mỗi năm, vào tháng 3, công-ty được lệnh chuẫn-bị lương-thực trong 6 tháng, gồm 5 chiếc thuyên giong buồm đi ra đảo. Phải mất 3 ngày 3 đêm đi thuyền mới đến. Ở đây đi săn và đi đánh cá thỏa-thuê. Công-ty thu-nhặt những hàng-hóa của những thương-thuyền bị đắm gồm có: dao-kiếm, tiền-bạc, vòng-kiền bạc, đồ-vật bằng đồng, những thỏi kẽm, chì, súng, ngà voi, sáp vàng, đồ sứ, vải-vóc bằng len cũng như vãy rùa, vỏ đồi-mồi, hải-sâm, những hạt trai ở trong loại sò-ốc có màu sắc rực-rỡ. Ðến tháng 8 cùng năm thì đoàn thuyền trở về cập bến Cửa Eo để giao những phẩm-vật thu được vào thành Phú-Xuân. Những hàng-hóa nầy sau khi cân-lượng, khảo-sát và định-giá và xếp loại tùy theo giá-trị. Sau đó người ta có thể bán để lấy tiền riêng những phẩm vật như hải-sâm, đồi-mồi, sò-ốc, nhận giấy chứng-nhận và được trở về nhà...”
    “Nhà Nguyễn cũng cho thành-lập công-ty Bắc-Hải nhưng không xác-định công việc của công-ty nầy. Người ta tuyển người ở hoặc ở làng Tu-Chính thuộc phủ Bình-Thuận, hoặc ở làng Cảnh-Dương, những người tình-nguyện khi đã nhận được lệnh công-tác thì được miễn các thứ thuế. Những người nầy xuống thuyền để đi về Bắc-Hải, những đảo Côn-Lôn, những đảo thuộc vùng Hà-Tiên, để đánh bắt rùa, đồi-mồi, bào-ngư, hải-sâm. Chỉ-huy trưởng công-ty Hoàng-Sa cũng là chỉ-huy trưởng của công-ty Bắc-Hải”.

    * Ðại-Nam Thực-Lục Chính Biên (1844) viết đại-ý:
    “Trong những ngày đầu trị-vì, nhà Nguyễn đã thành-lập công-ty Hoàng-Sa gồm 70 người, tuyển từ dân làng An-Vĩnh. Mỗi năm, vào tháng thứ ba, những người nầy xuống thuyền giong buồm ra khơi. Phải mất ba ngày ba đêm mới đến nơi. Họ thu nhặt hàng-hóa, đến tháng tám thì trở về và giao nộp những hàng-hóa nầy. Cũng có công-ty Bắc-Hải tuyển người ở làng Tu-Chính, thuộc phủ Bình-Thuận, hay ở làng Cảnh-Dương. Công-ty nầy giong thuyền ra Bắc-Hải, Côn-Lôn để thu-nhặt hàng-hóa. Công-ty nầy cũng được đội-trưởng của công-ty Hoàng-Sa điều-khiển.”

    * Sau thời chúa Nguyễn, nhà Tây-Sơn mặc dầu bận-rộn với sự quấy-nhiểu liên-tục của nhà Thanh và Xiêm-La, nhưng cũng nhận thấy sự hữu-dụng ở các đảo nầy nên vẫn giữ nguyên các công-ty Hoàng-Sa. Trong những tài-liệu tìm thấy được, người ta có thể nhắc đến lệnh đại-khái sau đây của quan Thượng Tướng Công:
    “Lệnh cho Hồi Ðức Hầu thuộc công-ty Hoàng-Sa dẫn 4 thuyền ra Hoàng-Sa và những đảo khác để thu-nhặt những đồ vật bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng và những khẩu đại-bác lớn nhỏ cũng như các loại rùa có vãy, đồi-mồi, các loại cá quí sau đó đem những phẩm-vật nầy về kinh-đô như tập-tục ngày trước.”

    Vì thế dưới thời Tây-Sơn, chính-quyền nước Việt-Nam tiếp-tục thâu-hoạch huê-lợi tại Hoàng-Sa va thiết-lập chủ-quyền của Việt-Nam tại đó.

    * Từ khi lên ngôi năm 1802 cho đến khi ký hiệp-ước bảo-hộ với Pháp 1884, những vị hoàng-đế nhà Nguyễn liên-tục có nhiều hành-động để củng-cố chủ-quyền của Việt-Nam tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.
    - Năm 1815 hoàng-đế Gia-Long phái Phạm Quang Anh cầm đầu công-ty Hoàng-Sa lãnh sứ-mạng tìm hiểu lộ-trình hàng-hải đi ra Hoàng-Sa. [15]
    - Năm 1816 hoàng-đế Gia-Long ra lệnh cho thủy-binh và công-ty Hoàng-Sa đi ra đảo Hoàng-Sa để nghiên-cứu lộ-trình đi đến Hoàng-Sa. [16]
    - Năm 1833 hoàng-đế Minh-Mệnh ra lệnh cho bộ Công chuẫn-bị thuyền-bè và người để ra Hoàng-Sa vào năm tới nhằm xây một đền thờ, dựng một bia và trồng cây.[17]
    - Năm 1834 hoàng-đế Minh-Mệnh gởi ra Hoàng-Sa đội thủy-quân gồm khoảng 20 người, đội-trưởng là Trương Phúc Sĩ để làm công-tác lấy địa-hình.[18]
    - Năm 1835 hoàng-đế Minh-Mệnh ra lệnch cho thủy-quân Ðô-Ðốc Phạm Văn Nguyên đem quân và nhân-công thuộc hai tỉnh Quảng-Ngãi và Bình-Ðịnh ra đảo Hoàng-Sa cùng với vật-liệu để nhằm xây-dựng tại đó một ngôi đền. Một tấm bia, được dựng phía bên trái và một tấm chắn gió, dựng phía trước, của ngôi đền.[19]
    - Năm 1836 hoàng-đế Minh-Mệnh chấp-thuận một đề-nghị của bộ Công, ra lệnh cho thủy-quân Ðô-Ðốc Phạm Hữu Nhật đem một số chiến-thuyền ra Hoàng-Sa để làm công việc trắc-địa. Công-tác nầy được ghi lại qua Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên đại ý như sau:
    “Tất-cả những hải-đảo được thăm viếng, dầu là đảo nhỏ hay dãi cát, đều được thám-hiểm và được mô-tả chính-xác chiều dài, chiều rộng, diện-tích và chu-vi, độ sâu của vùng biển chung-quanh, những khó-khăn hay dễ-dàng lúc tàu bè gặp phải lúc cặp bến. Tất cả được đo-đạc và được trình bày trên bản-đồ. Mặc khác, cũng phải ghi rõ bến khởi-hành, hướng theo đó đi đến nơi và chiều dài ước-lượng bằng dặm. Ðồng thời phải định-vị các đảo đã cặp bến so với bờ trên đất liền bằng cách xác-định tên, tọa-độ, phương-hướng của phủ, huyện đối-diện hay ở kế bên và ước-lượng độ dài của đảo đối với bờ trên đất liền bằng dặm. Tóm lại, tất cả đều được ghi-chép, mô-tả chi-tiết tỉ-mỉ để trình lên hoàng-đế.”

    Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên cũng ghi rằng những cột mốc gỗ do Ðô-Ðốc Phạm Hữu Nhật đem theo để cắm trên các đảo được viết những chữ có ý-nghĩa như sau:
    “Vào năm Bính-Thân, tức triều Minh-Mệnh thứ 17 (1836), Thủy-Sư Ðô-Ðốc Tổng-Quản Hải-Quân Phạm Hữu Nhật lãnh chiếu-chỉ ra đảo Hoàng-Sa để phụ-trách việc lấy trắc-địa, đến nơi đây để cắm mốc nầy để ghi-nhớ muôn đời”.[20]

    * Những hoàng-đế nhà Nguyễn không những chỉ để ý về chủ-quyền và lợi-lộc của Hoàng-Sa và Trường-Sa mà còn lo-ngại cho sự an-ninh của thuyền-bè các nước khác đi ngang qua vùng biển nầy. Năm 1833 hoàng-đế Minh-Mệnh ra chiếu lệnh cho bộ Công, có nội-dung như sau: Lãnh-hải đối-diện vùng tỉnh Quảng-Ngãi là những đảo Trường-Sa trải dài bao-la mút mắt mà nơi đó bầu trời lẫn-lộn với nước biển có chung một màu, người ta không biết được mực nước tại đây nông hay sâu. Thời-gian gần đây có nhiều thương-thuyền bị đắm. Vì thế bắt đầu từ bây giờ chuẫn-bị thuyền lớn để vào năm tới “gởi người đến đó để trồng cây. Cây-cối khi lớn lên trở thành rừng, cho phép những nhà hàng-hải trông thấy dễ-dàng vùng đá ngầm nầy và tránh xa. Ðây là một công-việc mà các thế-hệ tương-lai sẽ hưởng được kết-quả.”[21]

    Ðây chắc-chắn là một hành-động biểu-lộ trách-nhiệm của vị chủ-tể quốc-gia về lãnh-thổ của nước mình đối với các thương-thuyền ngoại-quốc. Việc nầy cho thấy đích-thực Hoàng-Sa và Trường-Sa hiển-nhiên là một phần lãnh-thổ của Việt-Nam.

    Những bộ cổ-sử và địa-chí của Việt-Nam cũng như những lời ghi-nhận của các nhà hàng-hải hay truyền-giáo Tây-Phương ghi trên, cho thấy rằng từ lâu, và trải dài hàng nhiều thế-kỷ, từ triều-đại nầy sang triều-đại khác, quốc-gia Việt-Nam đã làm chủ một cách liên-tục hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Sự có mặt đều-đặn của của công-ty Hoàng-Sa do nhà-nước thành-lập tại hai quần-đảo nầy để thi-hành công-việc trong thời-gian 5, 6 tháng mỗi năm, là một bằng-chứng không thể phản-biện việc hành-sử chủ-quyền của quốc-gia Việt-Nam tại hai quần-đảo nầy. Việc quốc-gia Việt-Nam chiếm-hữu cũng như khai-thác huê-lợi hai quần-đảo nầy chưa bao giờ gặp sự chống-đối của bất-kỳ một nước nào, kể cả nước Trung-Hoa. Việc nầy cũng là một bằng-chứng khác cho thấy đã từ lâu, Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc lãnh-thổ nước Việt-Nam.

    2/ Pháp-Quốc nhân-danh Việt-Nam tiếp-tục hành-sử chủ-quyền của quốc-gia Việt-Nam tại các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa.

    Từ khi ký-kết hiệp-ước 1884 với triều-đình nhà Nguyễn, nước Pháp đã thay mặt Việt-Nam trong những quan-hệ ngoại-giao với các nước ngoài đồng-thời bảo-đảm chủ-quyền cùng toàn-vẹn lãnh-thổ của Việt-Nam. Theo tinh-thần của hiệp-ước nầy, nước Pháp tiếp-tục hành-sử chủ-quyền của Việt-Nam tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.

    Theo đây là một vài bằng-chứng:

    * Những pháo-hạm của Pháp thường-xuyên tuần-tiễu trong Biển-Ðông, kể cả những vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa.

    * Năm 1899, Toàn-Quyền Paul Doumer đề-nghị Paris một dự-án xây-dựng tại đảo Hoàng-Sa (Pattle) thuộc quần-đảo Hoàng-Sa một đèn pha nhằm hướng-dẫn thuyền-bè qua lại trong vùng biển nầy. Dự-án không thực-hiện được vì thiếu tài-chánh.

    * Bắt đầu từ năm 1920, đội hải-thuyền thuộc quan-thuế Ðông-Dương tăng-cường thêm những vụ tuần-tra trong vùng Hoàng-Sa để trừ-khử nạn buôn lậu.

    * Năm 1925, Hải-Học Viện Nha-Trang đã gởi chiếc thuyền mang tên De Lanessan đến Hoàng-Sa để thực-hiện một công-tác nghiên-cứu hải-học. Ngoài ông chủ-tịch Viện Hải-Học là A. Krempf, người ta còn ghi-nhận có những nhà bác-học khác như Delacour, Jabouille... đã thực-hiện những cuộc nghiên-cứu về địa-chất, về sinh-vật v.v...

    * Tháng 3 cùng năm (1925), Binh-Bộ Thượng-Thư Thân Trọng Huệ của triều-đình Huế xác-nhận thêm lần nữa là Hoàng-Sa thuộc lãnh-thổ Việt-Nam.

    * Năm 1927 chiếc thuyền De Lanessan thực-hiện một công-tác nghiên-cứu khoa-học tại Trường-Sa.

    * Năm 1929 sứ-bộ Perrier – De Rouville đề-nghị xây-dựng bốn đèn pha ở bốn góc quần-đảo Hoàng-Sa [trên các đảo Tri-Tôn (Triton), Linh-Côn (Lincoln), bãi Ðá Bắc (recif Nord), Bom-Bay (Bombay)].

    * Năm 1930 Thông-Báo Hạm mang tên Malicieuse đến quần-đảo Hoàng-Sa.
    * Tháng 3 năm 1931 chiếc Inconstant đến quần-đảo Hoàng-Sa.
    * Tháng 6 năm 1931 chiếc De Lanessan đến quần-đảo Hoàng-Sa.
    * Tháng 5 năm 1932 pháo-hạm mang tên Alerte đến quần-đảo Hoàng-Sa.

    * Từ ngày 13 tháng 4 năm 1930 đến 12 tháng 4 năm 1933, chính-phủ Pháp đã gởi những đội-ngũ hải-quân thả neo liên-tiếp trên những đảo chính của quần-đảo Trường-Sa. Ðó là: Trường-Sa (Spratley), An-Bang (Caye Amboine), Itu Aba, nhóm hai đảo Sóng-Tụ [22], Loại-Ta, Thị-Tứ.

    * Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Toàn-Quyền M.J. Krautheimer ký một nghị-định sát-nhập những đảo Trường-Sa, An-Bang, Itu Aba , Sóng-Tụ, Loại-Ta, Thị-Tứ vào tỉnh Bà-Rịa.

    * Năm 1937 chính-quyền Pháp gởi viên kỷ-sư trưởng ngành công-chánh tên Gauthier ra đảo Hoàng-Sa để lựa-chọn nơi thích-hợp nhằm dựng một đèn pha và một bãi đáp cho thủy-phi-cơ.
    Tháng 2 năm 1937 tuần-dương-hạm tên Lamotte Piquet do Phó Ðô-Ðốc Estava chỉ-huy ghé thăm quần-đảo Hoàng-Sa.

    * Ngày 30 tháng 3 năm 1938, Hoàng-Ðế Bảo-Ðại ký sắc-lệnh nhằm tách Hoàng-Sa ra khỏi tỉnh Quảng-Ngãi để sát nhập lãnh-địa tỉnh Thừa-Thiên.

    * Ngày 15 tháng 6 năm 1938, toàn-Quyền Brévié ký nghị-định nhằm thành-lập một ủy-ban hành-chánh tại Hoàng-Sa tùy-thuộc tỉnh Thừa-Thiên.

    * Năm 1938 Pháp cho dựng một cột đánh dấu chủ-quyền, hoàn-tất việc xây-dựng một đèn pha, một trạm thời-tiết và một trạm vô-tuyến trên đảo Hoàng-Sa (Pattle) đồng-thời cho xây-dựng một trạm thời-tiết và một trạm vô-tuyến tại đảo Itu Aba thuộc quần-đảo Trường-Sa.

    * Ngày 5 tháng 5 năm 1939, Toàn-Quyền Brévié ký nghị-định nhằm sửa đổi nghị-định ngày 15 tháng 6 năm 1938 và thành-lập hai ủy-ban hành-chánh trên quần-đảo Hoàng-Sa: Ủy-Ban Nguyệt-Thiềm “Croissant et indépendances” và Ủy-Ban “d’Amphitrite et dépendances”.

    Trong suốt thời-kỳ đại-diện Việt-Nam trong lãnh-vực giao-tiếp với nước ngoài, nước Pháp không ngừng xác-nhận chủ-quyền của Việt-Nam tại các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa và phản-đối chống lại mọi hành-động ảnh-hưởng đến việc nầy.
    * Trong chiều hướng đó, ngày 4 tháng 12 năm 1931 và ngày 24 tháng 4 năm 1932, nước Pháp đã phản-đối chính-quyền Trung-Hoa về vấn-đề chính-quyền địa-phương tỉnh Quảng-Ðông tổ-chức đấu-thầu nhằm khai-thác phân chim tại quần đảo Hoàng-Sa.

    * Ngày 24 tháng 7 năm 1933, nước Pháp đã thông-báo cho Nhật-Bản việc gởi quân ra các đảo chính của Hoàng-Sa; Nhật-Bản đã phản-đối việc nầy nhưng Pháp đã bác bỏ.

    * Ngày 4 tháng 4 năm 1939, nước Pháp đã phản-đối việc Nhật-Bản đã đặt một số đảo thuộc Hoàng-Sa dưới quyền của Nhật-Bản.

    3/ Việc phòng-vệ và sự hành-sử chủ-quyền của Việt-Nam ở Hoàng-Sa và Trường-Sa từ khi Thế-Chiến Thứ 2 kết-thúc.

    * Sau khi trở lại Việt-Nam sau Thế-Chiến Thứ 2, chính-quyền Pháp đã gởi các chiến-hạm đến Hoàng-Sa, xây-dựng một trạm thời-tiết trên đảo Hoàng-Sa và chống lại những hành-vi xâm-lấn của Trung-Hoa.

    * Ngày 7 tháng 9 năm 1951, trưởng phái-đoàn của chính-phủ Bảo-Ðại là ông Trần Văn Hữu, nhân-dịp Hội-Nghị San Francisco về việc ký hiệp-ước hòa-bình với Nhật-Bản, có tuyên-bố rằng đã từ lâu Hoàng-Sa và Trường-Sa là lãnh-thổ của Việt-Nam: “... Và vì phải nắm lấy mọi cơ-hội để triệt-tiêu tất-cả những mầm-mống tranh-chấp sau nầy, chúng tôi xác-nhận chủ-quyền của dân-tộc chúng tôi tại Hoàng-Sa và Trường-Sa, từ muôn đời, những quần-đảo nầy là một phần lãnh-thổ của nước Việt-Nam.”
    Tuyên-bố nầy đã không gây một phản-đối, hay một sự dè-dặt nào trong 51 nước tham-dự tại Hội-Nghị.

    * Năm 1953, thuyền của kỷ-sư trưởng Girod đến Hoàng-Sa để làm những nghiên-cứu về hải-học, địa-chất, địa-lý và môi-trường.

    Chính-quyền Việt-Nam Cộng-Hòa sau đó là chính-quyền lâm-thời Cộng-Hòa Miền-Nam Việt-Nam cũng đã hành-sử chủ-quyền của Việt-Nam tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.
    Một vài bằng-chứng:

    * Năm 1956 hải-quân Việt-Nam Cộng-Hòa tiếp-thâu Hoàng-Sa và Trường-Sa sau khi Pháp rút đi.
    * Năm 1956, cục Hầm-Mỏ thuộc bộ Công-Nghiệp và Thủ-Công-Nghiệp với sự giúp đỡ của lực-lượng Hải-Quân của Việt-Nam Cộng-Hòa đã thực-hiện một cuộc nghiên-cứu trên bốn đảo: Hoàng-Sa (Pattle), Quang-Ảnh (Monkey), Hữu-Nhật (Robert), Duy-Mộng (Drumond).
    * Ngày 22 tháng 10, Việt-Nam Cộng-Hòa sát-nhập quần-đảo Trường-Sa vào tỉnh Phức-Tuy.
    * Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Việt-Nam Cộng-Hòa sát-nhập quần-đảo Hoàng-Sa vào tỉnh Quảng-Nam mà trước đó thuộc Thừa-Thiên đồng-thời thiết-lập tại đó một làng đặt tên là Ðịnh-Hải, trực-thuộc quận Hòa-Vang và đặt ra một ủy-viên hành-chánh để điều-hành.
    * Từ năm 1961 đến năm 1963, Việt-Nam Cộng-Hòa đã cho xây-dựng lần-lược những trụ cột chủ-quyền tại những đảo chính của quần-đảo Trường-Sa: Trường-Sa, An-Bang, Sóng-Tụ-Tây, Sóng-Tụ-Ðông, Thị-Tứ, Loại-Ta.
    * Ngày 21 tháng 10 năm 1969, Việt-Nam Cộng-Hòa sát-nhập làng Ðịnh-Hải vào quận Hòa-Long, trước đó thuộc quận Hòa-Vang, tỉnh Quảng-Nam.
    * Vào tháng 7 năm 1973, Viện Nghiên-Cứu Nông-Nghiệp thuộc Bộ Phát-Triển Nông-Nghiệp của Việt-Nam Cộng-Hòa đã thực-hiện một cuộc nghiên-cứu tại đảo Nam-Ai (Nam Yit) thuộc quần-đảo Trường-Sa.
    * Tháng 8 năm 1973, bộ Kế-Hoạch và Phát-Triển Quốc-Gia Việt-Nam Cộng-Hòa đã tổ-chức, cùng với sự hợp-tác của xí-nghiệp Nhật-Bản có tên Maruben Corporation, việc khảo-sát phân-chim tại quần-đảo Hoàng-Sa.
    * Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Việt-Nam Cộng-Hòa sát-nhập các đảo Trường-Sa, An-Bang, Itu Aba, Sóng-Tụ-Ðông, Sóng-Tụ-Tây, Loại-Ta, Thị-Tứ, Nam-Ai (Nam Yit), Sinh-Tồn (Sin-cowe) và những đảo chung-quanh vào xã Phước-Hải, quận Ðất-Ðỏ tỉnh Phước-Tuy.

    Ý-thức Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc lãnh-thổ Việt-Nam đã truyền từ đời nầy sang đời nọ, vì thế chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa đã hết lòng bảo-vệ chủ-quyền của mình tại hai quần-đảo nầy mỗi khi có ngoại-bang manh-nha ý-đồ tranh-chấp hay muốn lấn chiếm bất-kỳ đảo nào tại nơi đây.
    * Ngày 1 tháng 6 năm 1956, khi các nước Trung-Cộng, Ðài-Loan và Phi-Luật-Tân dành chủ-quyền tại quần-đảo Hoàng-Sa, bộ Ngoại-Giao Việt-Nam Cộng-Hòa liền công-bố một tuyên-cáo xác-định chủ-quyền của Việt-Nam tại quần-đảo nầy.
    * Ngày 22 tháng 1 năm 1959, nhà cầm-quyền Việt-Nam Cộng-Hòa bắt giữ và giam-cầm 82 người dân Trung-Hoa lục-địa vì những người nầy đã xâm-nhập bất-hợp-pháp lên đảo Hữu-Nhật, Duy-Mộng, Quang-Hòa thuộc quần-đảo Hoàng-Sa.
    * Ngày 20 tháng 4 năm 1971, Việt-Nam Cộng-Hòa xác-nhận lại chủ-quyền của Việt-Nam tại Trường-Sa nhằm trả lời Mã-Lai nhân nước nầy đòi chủ-quyền tại một số đảo thuộc quần-đảo nầy.
    * Ngày 10 tháng 7 năm 1971, nhân một cuộc họp báo, Tổng-Thống Phi-Luật-Tân ra tuyên-bố về quần-đảo Hoàng-Sa, Bộ-Trưởng Bộ Ngoại-Giao Việt-Nam Cộng-Hòa xác-nhận lại ngày 13 tháng 7 năm 1971 chủ-quyền của Việt-Nam tại quần-đảo nầy.
    * Năm 1974, Trung-Cộng đã dùng vũ-lực xâm-lăng nhóm đảo phía Tây-Nam quần-đảo Hoàng-Sa. Ngày 19 tháng 1 năm 1974 chính-quyền Việt-Nam Cộng-Hòa ra tuyên-cáo lên-án Trung-Cộng đã xâm-phạm chủ-quyền lãnh-thổ Việt-Nam; ngày 28 tháng 6 năm 1974, tuyên-bố trước kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Hội-Nghị Liên-Hiệp-Quốc về Luật Về Biển tổ-chức tại Caracas rằng Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc về Việt-Nam; ngày 14 tháng 2 năm 1974, công-bố một tuyên-cáo xác-nhận hai quần-đảo nầy thuộc lãnh-thổ Việt-Nam. Chính-Phủ Cách-Mạng Lâm-Thời CHMNVN cũng ra tuyên-bố ngày 20 tháng 1 năm 1974 quan-điểm của mình qua ba điểm nhằm giải-quyết những sai-biệt về lãnh-thổ.

    Ngày 5 và 6 tháng 5 năm 1975, Chính-Phủ CMLTCHMNVN công-bố đã giải-phóng Trường-Sa.

    * Tháng 9 năm 1975, đại-diện của Chính-Phủ CMLTCHMNVN tại Hội-Nghị Thời-Tiết ở Colombo tuyên-bố rằng Hoàng-Sa thuộc về Việt-Nam và yêu-cầu OMM tiếp-tục ghi-nhận trạm thời-tiết của Việt-Nam tại Hoàng-Sa trong danh-sách các trạm thời-tiết của OMM (Trạm thời-tiết Hoàng-Sa được ghi trong danh-mục OMM với mã-số 48.860).
    Sau khi thống-nhứt năm 1976, Chính-Phủ CHXHCNVN đã nhiều lần xác-nhận chủ-quyền của Việt-Nam tại Hoàng-Sa và Trường-Sa, như qua nội-dung văn thư đã gởi đến các nước liên-quan, hay trong lúc thương-thuyết ở cấp phó bộ-trưởng bộ Ngoại-Giao, bắt đầu ở Bắc-Kinh vào tháng 10 năm 1977, hay trong những tuyên-bố của bộ-trưởng bộ Ngoại-Giao nhân-dịp Hội-Nghị OMM tại Genéve (1980), Ðại-Hội Quốc-Tế về Ðịa-Chất tại Paris (tháng 7 năm 1980), v.v...

    Dựa trên căn-bản những dữ-kiện lịch-sử cụ-thể và những nguyên-tắc của luật quốc-tế cũng như tập-quán của quốc-tế, người ta có thể lấy ra những kết-luận như sau:

    Thứ nhứt: Quốc-Gia Việt-Nam đã từ lâu chiếm-hữu thực-tế các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa vào lúc mà chúng không thuộc về một nước bất-kỳ nào.
    Thứ nhì: Từ lúc chiếm-hữu đó đến nay trải qua nhiều thế-kỷ, Quốc-Gia Việt-Nam đã hành-sử một cách liên-tục và cụ-thể chủ-quyền của mình tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.
    Thứ ba: Quốc-Gia Việt-Nam đã luôn bảo-vệ mạnh-mẽ thẩm-quyền và danh-nghĩa của mình đối với bất-kỳ một hành-động nào xâm-phạm đến chủ-quyền, lãnh-thổ và quyền-lợi của Việt-Nam liên-hệ đến Hoàng-Sa và Trường-Sa.


    Phần II: Hoàng-Sa và Trường-Sa chưa bao giờ là lãnh-thổ của Trung-Hoa.

    Bất-chấp thực-tế hiển-nhiên là Trường-Sa và Hoàng-Sa thuộc lãnh-thổ của Quốc-gia Việt-Nam, trung-ương đảng cộng-sản lãnh-đạo Trung-Hoa đã thử biện-hộ cho mưu-đồ bành-trướng của họ tại Hoàng-Sa và Trường-Sa qua việc bóp méo nội-dung một số cổ-sử để mạo nhận rằng “Trung-Hoa là nước đầu tiên đã khám-phá, khai-khẩn, thâu huê-lợi và quản-lý các quần-đảo gọi là Xisha (Tây-Sa) và Nansha (Nam-Sa). Từ ngàn năm nay, những chính-phủ Trung-Hoa liên-tục đã đặt quyền-pháp trên những nơi đây. Dân-tộc Trung-Hoa là người chủ tại hai quần-đảo nầy không thể phản-biện”.[23]
    Mặc khác, trung-ương đảng CS Trung-Hoa đã xảo-ngôn cho rằng Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam chỉ là những đảo và những dãi cát cận bờ thuộc miền Trung Việt-Nam, chứng-minh vì thế hai quần-đảo nầy không phải là Tây-Sa và Nam-Sa của Trung-Hoa.

    Nhưng thực-tế vẫn là thực-tế, hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa đã và sẽ vĩnh-viễn là của Việt-Nam.

    1/ Những lý-lẽ của nhà cầm-quyền Trung-Hoa đưa ra nhằm ngụy-biện các việc « khám-phá », « khai-khẩn » và « thâu huê-lợi » của dân-tộc Trung-Hoa tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.

    Những tài-liệu đã được Bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng công-bố ngày 30 tháng 1 năm 1980 đã nhắc tới hai tác-phẩm[24] từ thời Tam-Quốc (220-265) để chứng-minh rằng từ lâu Trung-Hoa đã « khám-phá » Tây-Sa và Nam-Sa. Họ cũng đưa ra một danh-sách 6 tác-phẩm[25] từ đời Tống đến đời Thanh (thế-kỷ 11 đến thế-kỷ thứ 19) và xác-nhận rằng những tác-phẩm nầy « kể lại những cuộc hành-trình của người Hoa đi đến Tây-Sa và Nam-Sa và những hoạt-động sản-xuất mà họ đã thực-hiện từ hơn ngàn năm » và « đã đặt tên lần-lượt cho hai quần đảo nầy với những tên sau đây : Jiurulozhou, Shitang, Qianlishitang, Wanlishitang, Changsha, Qianlichangsha, Wanlichangsha » v.v..., để chứng-minh rằng dân-tộc Trung-Hoa đã « khám-phá », « khai-khẩn » và « thu-hoạch huê-lợi » ở Nam-Sa và Tây-Sa.
    Nhưng thực-tế thì nội-dung phần trích-dẫn từ hai tác-phẩm thời Tam-Quốc thì rất mơ-hồ. Riêng về 6 tác-phẩm từ đời Tống đến đời Thanh thì chúng chỉ nhằm vào việc ghi-chép những sự hiểu-biết của dân Trung-Hoa qua các thời-đại nầy về các lãnh-vực địa-lý, lịch-sử, tập-quán… của những xứ khác trong vùng Ðông-Nam Châu Á và vùng Nam Châu Á và về các hải-trình từ Trung-Hoa đi đến các nước khác ; trong đó không hề có những ghi-chép về những cuộc du-hành của người Hoa tại hai quần-đảo nầy cũng như sự mô-tả về « hoạt-động sản-xuất » tại đó. Những cái tên ngày xưa, theo Bắc-Kinh, là tên mà các tác-phẩm đó chỉ hai quần-đảo, giả-sử rằng thực-sự đúng là như thế, thì chúng chỉ là những tên mà người Trung-Hoa đã sử-dụng trong quá-khứ để mô-tả địa-lý các nước ngoài hay là những hải-trình ở trên Biển-Ðông, những cái tên của các địa-phương nầy không hề có giá-trị pháp-lý để chứng-minh rằng các quần-đảo đó thuộc Trung-Hoa.
    Riêng về việc « khám-phá » của Trung-Hoa, giả-sử sự việc nầy đúng như thế, thì nó cũng không có một ý-nghĩa pháp-lý nào để chứng-minh rằng từ thời-kỳ đó, những quần-đảo mà người Trung-Hoa gọi là Tây-Sa và Nam-Sa thuộc lãnh-thổ của Trung-Hoa. Sự việc « khai-khẩn » và sự việc « thâu huê-lợi » của người Hoa tại Tây-Sa và Nam-Sa giả-sử có thật thì cũng chỉ là hành-động của cá-nhân, vì thế quốc-gia Trung-Hoa không có cách nào để nhận chủ-quyền ở hai quần-đảo đó.

    2/ Vấn-đề giả-mạo dữ-kiện để minh-chứng thẩm-quyền của các triều-đại Trung-Hoa tại Hoàng-Sa và Trường-Sa qua hồ-sơ của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng.

    Ðiểm chính mà công-luận đòi-hỏi chính-quyền Trung-Hoa phải chứng-minh là : từ bao giờ và bằng cách nào quốc-gia Trung-Hoa chiếm-đóng Tây-Sa và Nam-Sa ? Bắc-Kinh đã vô-phương giải-thích một cách đứng-đắn. Vì thế chính-quyền Trung-Hoa chỉ xác-nhận bằng những lời nói chung-chung như « những nhà cầm-quyền Trung-Hoa tiếp-nối đã hành-sử thẩm-quyền » tại hai quần-đảo. Và để chứng-minh họ đưa ra một số bằng-chứng trong thời-kỳ từ thế-kỷ thứ 11 đến thế-kỷ thứ 19, mà 3 bằng-chứng giả-mạo như sau :

    2.1/ Bằng-chứng 1 :
    Hồ-sơ đã ghi ở trên của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng đã trích-dẫn một đọan văn và cho là của Wu Jing Zong Yao, viết dưới triều Renzong (1023-1063) Bắc-Tống : Triều-đình Bắc-Tống « ra lệnh cho quân-đội hoàng-gia tuần-tiễu xây-dựng ở Guangnan (hiện thời là Quảng-Ðông) một nơi đóng quân nhằm vào việc tuần-tiễu trên biển » và « xây-dựng những chiến-thuyền bằng loại có sống giữa (navire à quille)»... « Nếu người ta theo gió Ðông để cho thuyền đi về hướng Tây-Nam, mất 7 ngày để từ Tunmenshan đến Jiuruluozhou ».
    Cho rằng rằng Jiuruluozhou là « quần-đảo Tây-Sa », hồ-sơ trên kết-luận-rằng « triều-đình Bắc-Tống đã sử-dụng thẩm-quyền của mình ở quần-đảo Tây-Sa », và « hải-quân Trung-Hoa đã tuần-tiễu cho đến Tây-Sa ».
    Nhưng sự-thật thì hoàn-toàn không đúng như thế. Wu Jing Zong Yao đã viết như sau :
    « ... ra lệnh cho quân-đội hoàng-gia thực-hiện việc tuần-tiễu, xây-dựng một trại quân cho việc tuần-tiễu trên biển tại hai bến tàu ở phía Ðông và phía Tây khoảng-cách là 280 trượng[26], cách Tunmenshan 200 lí[27] và xây-dựng những chiến-thuyền bằng loại có sống giữa.
    Nếu người ta theo gió Ðông để cho thuyền đi về hướng Tây-Nam, mất 7 ngày để đi từ Tunmenshan[28] đến Jiuruluoshou, thêm 3 ngày nữa thì đến Pulaoshan (thuộc Huanzhou) [29], sau khi đi thêm 300 lí về hướng Nam thì tới Lingshandong. Ở phía Tây-Nam của nơi này thì có các nước Dashifu, Sizi, Tianzhu[30] . Không thể ước-lượng được khoảng-cách.[31] »

    Như thế rõ-ràng trong phần trích-dẫn ghi trên đây của Wu Jing Zong Yao, một đoạn ghi lại việc hoàng-đế của Bắc-Tống ra lệnh « xây-dựng một trại quân dùng vào việc tuần-tiễu trên biển » ở bến Quảng-Châu (Guangzhou), một đoạn khác mô-tả vị-trí địa-lý của trại quân ghi trên, và một đoạn khác mô-tả hải-trình đi từ bến Quảng-Châu cho đến Ấn-Ðộ Dương. Không thấy chỗ nào ghi rằng hải-quân Trung-Hoa đi tuần-tiễu cho đến quần-đảo « Xisha » (Tây-Sa). Như thế, hồ-sơ của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng đã cắt một đoạn để dán vào một đoạn khác nhằm ngụy-tạo bằng-chứng để dành lấy Hoàng-Sa của Việt-Nam.[32]

    2.2/ Bằng-chứng 2 : Hồ-sơ dẫn trên của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng đã dựa lên những việc quan-sát thiên-văn xãy ra ở Nam-Hải và đầu triều Nguyên (Yuan) để khẳng-định rằng « dưới triều Nguyên, quần-đảo Xisha - Tây-Sa - thuộc lãnh-thổ Trung-Hoa ».
    Theo Yuanshi, lịch-sử chính-thức của triều Nguyên (Yuan), những quan-sát thiên-văn đã thực-hiện vào đầu triều-đại nầy được kể lại như sau :
    « Những đo-lường về bóng của mặt trời tại bốn biển được thực-hiện ở 27 vị-trí, phía Ðông cho tới Kaoli - Cao-Ly, phía Tây cho tới Tianchi, phía Nam cho tới Zhuya, phía Bắc cho tới Tiele. »[33]
    Dưới tựa-đề « quan-sát bốn biển », Yuanshi đã ghi lại 27 vị-trí [34] mà nơi đó đã được thực-hiện những quan-sát thiên-văn, trong đó gồm có các nơi Kaoli, Tiele, Beihai, Nanhai.
    Những dữ-kiện đã ghi lại trong « Yuanshi » cho thấy rõ-ràng rằng những quan-sát thiên-văn tại 27 vị-trí không phải là việc « quan-sát khắp đất nước » như hồ-sơ của Bắc-Kinh đã khẳng-định, mà là việc « quan-sát ở bốn biển ».
    Ðó chính là lý-do mà « Yuanshi » cũng đã ghi-chú những vị-trí ở ngoài lãnh-thổ Trung-hoa như Kaoli (Ðại-Hàn), Tiele (Sibérie, Nga), Beihai (vùng bờ biển ở Sibérie), Nanhai (Biển-Ðông).[35]
    Giả-sử rằng vị-trí quan-sát thiên-văn vùng « Nanhai » ở tại Xisha (Tây-Sa tức Hoàng-Sa), việc nầy cũng không có nghĩa là Xisha thuộc lãnh-thổ Trung-Hoa từ thời Yuan (Nguyên). Bộ Yuanshi cũng đã xác-nhận rằng lãnh-thổ Trung-Hoa về hướng Nam chỉ đến đảo Hải-Nam và không vượt qua sa-mạc Gobi[36] ở phương Bắc.

    2.3/ Bằng-chứng 3 : Hồ-sơ của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng đã trích-dẫn việc một toán tuần-tiễu trên biển do Phó Ðô-Ðốc Wu Sheng chỉ-huy, từ 1710 và 1712, dưới đời nhà Thanh : « Khởi-hành từ Qiongya, đội hải-quân đi đến Tonggu và đi ngang qua Qizhouyang và Sigengsha, trải qua như vậy 3.000 lí, để tự mình thực-hiện một vòng kiểm-soát », để khẳng-định « Quizhouyang là vùng đảo Xisha – Tây-Sa, tại đó lực-lượng hải-quân của tỉnh Quảng-Ðông đảm-trách việc tuần-tiễu ».
    Nhưng sự thực thì hoàn-toàn không phải như vậy. Những địa-danh trong đoạn trích-dẫn trên đây thì ở trong vùng chung-quanh đảo Hải-Nam :
    - Quiongya, đó là « vùng quân-sự Quiongya (đảo Hải-Nam) dưới triều Thanh, bộ chỉ-huy đóng ở Qiongshan gần thành-phố Hải-Khẩu (Haikou), ở phía Bắc đảo Hải-Nam.[37]
    - Tonggu thì ở điểm Ðông-Bắc đảo Hải-Nam.[38]
    - Qizhouyang chỉ vùng biển có 7 đảo mang tên Qizhou ở về phía Ðông đảo Hải-Nam.[39]
    - Sigengsha là một dãi cát ở phía Tây đảo Hải-Nam.[40]

    Sư thật tìm thấy qua sự nghiên-cứu khách-quan ở những văn-bản gốc. Việc nầy cho thấy rằng bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng đã có hành-động cố ý giả-mạo để cho Qizhouyang trở thành « vùng đảo Tây-Sa » và việc tuần-tiễu của Wu Sheng chung quanh đảo Hải-Nam trở thành việc tuần-tiễu « vùng đảo Tây-Sa », cuối cùng kết-luận rằng vùng nầy ngày xưa « được lực-lượng hải-quân tỉnh Quảng-Ðông phụ-trách việc tuần-tiễu ».

    Sự đối-chiếu những đoạn trích-dẫn trên đây do Bắc-Kinh đưa ra với các bản chánh đã cho thấy rõ-rệt rằng ba điểm nầy không hề có một tương-quan nào với quần-đảo « Xisha ».

    Bắc-Kinh cũng đã nói sai khi cho rằng một số địa-dư chí của các địa-phương của Trung-Hoa dưới thời Minh và Thanh có viết « Quảng-Châu (Wanzhou) bao gồm Qianlichangsha (Thiên-Lý Trường-Sa) và Wanlishitang »[41] nhằm mục-đích chứng-minh rằng « quần-đảo Xisha và Nansha vào thời đó thuộc Wanzhou (Quảng-Châu), phủ Qiongzhou (Khâm-Châu), tỉnh Quảng-Ðông ». Nhưng trong bộ Da Qing Yi Tongzhi (Ðại Thanh Nhất Thống Chí), bộ địa-dư chính-thức được viết bởi Viện Quốc-Gia Sử-Học dưới triều nhà Thanh với lời dẫn-nhập của hoàng-đế Xuanzong năm 1842, không hề có đoạn nào ghi-nhận rằng « Qianlichangsha » và « Wanlishitang » thuộc về Wanzhou (Quảng-Châu), phủ Qiongzhou (Khâm-Châu), tỉnh Quảng-Ðông. Cũng có thể do lý-do nầy mà nhà cầm-quyền Bắc-Kinh đã không trích-dẫn đoạn nào thuộc bộ sách nầy, mặc dầu đây là một bộ sách chính-thức của quốc-gia Trung-Hoa.

    Mặc khác, nhà cầm-quyền Bắc-Kinh cũng tạo dựng lên bằng-chứng đó là ba bản-đồ Trung-Hoa (tất-cả được thực-hiện dưới triều nhà Thanh)[42]. Người đọc có thể tự hỏi rằng tại sao họ không công-bố những bản-đồ nầy. Hành-động dấu-diếm nầy người ta có thể hiểu dễ-dàng, đó là tất cả những bản-đồ của Trung-Hoa, cho đến những năm đầu của Cộng-Hoà Trung-Hoa, thì không có ghi-nhận về Xisha và Nansha như là nhà cầm-quyền Bắc-Kinh đã tuyên-bố. Hay là họ phải cần thời-gian để vẽ bản-đồ ?

    Về việc đổ-bộ chớp-nhoáng quần-đảo Xisha, thừa lệnh của Tổng-Ðốc Quảng-Ðông Zhang Renjim, Ðô-Ðốc Hải-Quân Li Zhun cầm đầu 170 quan quân, vào năm 1909, đã đổ bộ lên một số đảo thuộc Xisha, thì đây là một hành-động bất-hợp-lệ, bởi vì ít nhất từ hàng thế-kỷ, Hoàng-Sa mà Trung-Hoa gọi là Xisha, đã là một lãnh-thổ của Việt-Nam. Ðây không phải là một vùng hải-đảo vô chủ.

    Về việc đổ bộ của Hải-Quân Cộng-Hòa Trung-Hoa trên đảo Phú-Lâm (Ile Boisée) thuộc Hoàng-Sa và đảo Itu Aba thuộc Trường-Sa vào tháng 12 năm 1946 là một hành-động xâm-lăng, bởi vì đã từ lâu, hai quần-đảo nầy đã thuộc chủ-quyền Việt-Nam.

    Về việc chiếm đóng của Cộng-Hòa Nhân-Dân Trung-Hoa tại nhóm đảo Ðông-Bắc từ năm 1950 và từ 1974 nhóm Tây-Nam của quần-đảo Hoàng-Sa lúc đó dưới sự kiểm-soát của Việt-Nam Cộng-Hòa, cũng là một hành-động xâm-lăng bằng vũ-lực.

    Việc xâm-lăng, xãy ra chớp-nhoáng hay sau đó chiếm đóng lâu dài, hoặc bất-kỳ hành-động nào của Trung-Hoa ở Hoàng-Sa và trên đảo Itu Aba thuộc Trường-Sa là một hành-vi xâm-phạm chủ-quyền và toàn-vẹn lãnh-thổ của Việt-Nam. Những hành-động nầy chà đạp luật-pháp quốc-tế và sẽ không đem lại cho kẽ gây-hấn bất-kỳ một quyền-hạn hay có một chủ-quyền nào ở những nơi nầy.

    3/ Một dẫn-chứng mới của Bắc-Kinh : Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam không phải là « Xisha » và « Nansha » của Trung-Hoa.

    Hồ-sơ dẫn trên của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng được kết-luận bằng một sự khẳng-định long-trọng : « Quần-đảo Hoàng-Sa của Việt-Nam không phải Xisha của Trung-Hoa », cũng tương-tự « Quần-đảo Trường-Sa của việt-Nam không phải Nansha của Trung-Hoa » ; Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam chỉ có thể là « những đảo và những dãi cát cận bờ ở Trung-phần Việt-Nam ». Phía Trung-Hoa còn khẳng-định thêm rằng phía Việt-Nam không thể « chứng-minh rằng Trường-Sa tức là Nansha của Trung-Hoa ». Ðây là những lý-lẽ mới-mẻ mà Trung-Hoa chưa từng sử-dụng.

    Từ những lý-lẽ nầy lại người ta thấy rằng, một mặt, Bắc-Kinh công-nhận sự hiện-hữu của những đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam, mặc khác họ cũng cho rằng có sự hiện-hữu của những đảo gọi là Xisha và Nansha. Như thế thì những cái gọi là « Xisha » và « Nansha » thì chúng ở đâu ? Những quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa từ lâu đã thuộc lãnh-thổ của Việt-Nam, chúng đã được ghi-nhận trong một số lượng lớn sử-sách của Việt-Nam và được vẽ trên nhiều bản-đồ của Việt-Nam cũng như Tây-Phương (dưới tên Paracels và Spratley hay Spratly). Những người lãnh-đạo Trung-Cộng đã tự cho rằng hai quần-đảo nầy thuộc về lãnh-thổ của Trung-Hoa mà không trình-bày ra một bằng-chứng nào và đặt tên cho hai quần-đảo nầy là « Xisha » và « Nansha ». Và hôm nay họ lại lên tiếng cho rằng Việt-Nam không thể chứng-minh rằng Hoàng-Sa và Trường-Sa tức là « Xisha » và « Nansha » của họ. Thật là không có cách nào để diễn-tả cái điêu-ngoa của những lời xảo-trá nầy. Việc nầy cho thấy Bắc-Kinh đã không còn tìm thấy được một lý-do nào đứng-đắn và thuyết-phục hơn để tranh-cãi với Việt-Nam về Hoàng-Sa và Trường-Sa.

    Tất cả những tác-phẩm của Việt-Nam đã phân-biệt một cách rõ-rệt giữa Hoàng-Sa và những đảo cận bờ ở miền Trung-Việt. Trong Phủ-Biên Tạp Lục, nhà bác-học Lê Quí Ðôn đã ghi rõ rằng Ðại Trường-Sa ở về phía bên kia của đảo Ré và để đi đến đó phải mất ba ngày và ba đêm.
    Bản-đồ Ðại-Nam Nhất-Thống Toàn Ðồ cũng có vẽ Hoàng-Sa - Vạn-Lý Trường-Sa ở về phía bên kia các đảo cận bờ như cù-lao Chàm, cù-lao Ré, cù-lao Xanh (Puolo gambi), cù-lao Thu (Poulo Cécir de mer) v.v…
    Mặc khác, những người cầm-quyền Trung-Cộng đã bóp méo bài viết năm 1837 của linh-mục J.L. Tabert để cho rằng quần-đảo Hoàng-Sa mà linh-mục nầy đề-cập chỉ là « những đảo và dãi cát gần bờ thuộc miền Trung Việt-Nam ». Những người nầy không biết thật hay là giả đò không biết ? Bởi vì năm sau, 1838, Linh-mục Tabert cho in bản-đồ An-Nam Ðại-Quốc Họa-Ðồ trong quyển Tự-Ðiển Latin-Việt (Dictionarium Latino-Anamiticum) và trên bản-đồ nầy, phía ngoài của những đảo chánh ven bờ thuộc miền Trung Việt-Nam như là cù-lao Chàm, cù-lao Ré, cù-lao Xanh, cù-lao Thu v.v… có vẽ một cách minh-bạch « Paracel seu Cat Vang ». Như vậy là linh-mục Tabert đã phân-biệt một cách rõ-rệt giữa quần-đảo Hoàng-Sa ở giữa Biển Ðông với những đảo cận bờ của miền Trung Việt-Nam. Hầu như tất cả những bản-đồ của những nhà hàng-hải Tây-Phương vào các thế-kỷ thứ 16, 17, và 18 đều vẽ Pracel hay Parcel trong vùng của các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa hôm nay, và chúng ở cách xa những đảo cận bờ của miền Trung Việt-Nam.

    Năm 1959, có 82 ngư dân thuộc Trung-Cộng trên 3 chiếc thuyền cặp vào 3 đảo thuộc Hoàng-Sa đó là các đảo : Hữu-Nhật, Duy-Mộng, Quang-Hòa, nhưng những người nầy bị nhà cầm-quyền Việt-Nam Cộng-Hòa bắt giữ. Về việc nầy bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng ngày 29 tháng 2 năm 1959 có công-bố một tuyên-bố phản-đối Việt-Nam Cộng-Hòa. Những ngư-dân của Trung-Cộng, theo như nội-dung của bản tuyên-bố nầy, thì bị bắt không phải tại những đảo cận bờ ở miền Trung-Việt, mà họ bị bắt trên ba đảo Hữu-Nhật, Duy-Mộng, Quang-Hòa thuộc quần-đảo Hoàng-Sa.

    Chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa đã tố-cáo ngày 19 tháng 1 năm 1974 việc quân-đội Trung-Cộng đã đánh chiếm quần-đảo Hoàng-Sa, ngày 20 tháng 1 năm 1974, bộ-trưởng bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng đã công-bố một tuyên-cáo để giải-thích việc xâm-lăng nầy. Ðây là một việc không thể chối cãi rằng tất-cả sự việc đã xãy ra tại Hoàng-Sa mà Bắc-Kinh gọi đó là « Xisha », và kể từ thời điểm đó, quân-đội Trung-Cộng chiếm-đóng Hoàng-Sa chứ không phải những đảo ven bờ của miền Trung-Việt.

    Hai thí-dụ trên đây chứng-minh rằng, cho đến trước ngày 30 tháng 1 năm 1980, tức thời-điểm mà bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng công-bố hồ-sơ nhắc ở trên, những gì mà Bắc-Kinh gọi là « Xisha » và « Nansha » thì đúng là các quần đảo « Hoàng-Sa » và « Trường-Sa », chứ không phải là những đảo cận bờ của miền Trung Việt-Nam, tức là Paracels và Spratley hay Spratly trên các bản-đồ hải-trình của hàng-hải quốc-tế.

    Bởi vậy, những quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam không bị thay đổi vị-trí địa-lý do việc « hán-hóa » tên của chúng ; và cũng không thuộc về Trung-Hoa vì những trá-ngụy dấu đầu lòi duôi do nhà cầm-quyền Bắc-Kinh dựng lên.

    ***
    Mặc dầu đã làm biết bao nhiêu phong-trào tuyên-truyền láo-khoét và đã bỏ ra biết bao công-sức từ mấy thập-niên nay để cắt-dán tài-liệu nhằm bóp méo nội-dung để tạo-dựng lên những lý-lẽ, nhưng Bắc-Kinh vô-phương chứng-minh được rằng từ khi nào Trung-Hoa đã chiếm-hữu Hoàng-Ha và Trường-Sa và quốc-gia nầy đã hành-sử chủ quyền của họ ra sao tại những nơi đây. Sự việc rất đơn-giản :
    Bởi vì quần-đảo Hoàng-Sa (Paracels) và quần-đảo Trường-Sa (Spratley hay Spratly) mà nhà cầm-quyền Trung-Cộng gọi là « Xisha » và « Nansha » chưa bao giờ thuộc về lãnh-thổ của Trung-Hoa.

    Kết-Luận

    Chắc-chắn là có những vấn-đề tại Hoàng-Sa và Trường-Sa, nhưng việc cần-thiết là những vấn-đề nầy phải đặt ra cho đúng.
    Trên căn-bản thực-tế lịch-sử và luật quốc-tế người ta thấy rõ-rệt điều nầy :
    Quần-đảo Hoàng-Sa và quần-đảo Trường-Sa đã từ lâu và bất-biến là lãnh-thổ của Việt-Nam, bởi vì quốc-gia Việt-Nam đã chiếm-hữu hai quần-đảo nầy từ khi chúng chưa thuộc về bất-kỳ một quốc-gia nào và Việt-Nam đã thiết-lập tại những nơi đây thẩm-quyền quốc-gia đồng-thời hành-sự thực-sự chủ-quyền của mình tại hai quần-đảo nầy một cách liên-tục.
    Về phần Trung-Hoa, quốc-gia nầy chưa từng chiếm-hữu Hoàng-Sa và Trường-Sa, mà họ gọi dưới hai tên Xisha và Nansha, họ cũng chưa từng hành-sự chủ-quyền của họ trên hai quần-đảo nầy. Cho đến đầu thế-kỷ 20, quốc-gia Trung-Hoa cũng chưa bao giờ lên tiếng đòi hỏi chủ-quyền tại những nơi nầy. Thế nhưng ngày hôm nay họ lại bóp méo lịch-sử bằng cách trưng-bày những bằng-chứng không đúng sự thật để lên tiếng dành chủ-quyền Xisha và Nansha.
    Như vậy ở điểm nầy, về thực-tế, không phải là sự khác biệt về quan-điểm giữa Việt-Nam và Trung-Hoa, mà đó là một hành-vi gây-hấn và xâm-lăng của Trung-Hoa tại quần-đảo Hoàng-Sa – lãnh-thổ không thể tách rời của việt-Nam, đồng-thời đó là những yêu-cầu hách-dịch và vô-lý tại quần-đảo Trường-Sa của Việt-Nam. Nhà cầm-quyền Trung-Hoa phải trả lại cho Việt-Nam quần-đảo Hoàng-Sa và từ bỏ mọi yêu-sách tại quần-đảo Trường-Sa. Ðây là một việc đương-nhiên và phù-hợp với luật-pháp quốc-tế.
    Những tham-vọng của Bắc-Kinh tại hai quần-đảo Hoàng-Sa và Tường-Sa chỉ để lộ đường-lối chính-trị bành-trướng chủ-nghĩa và chủ-nghĩa bá-quyền của một đế-quốc, nhắm xâm-chiếm Việt-Nam, cũng như Lào và Cam-Bốt, để từng bước kiểm-soát Biển- Ðông, biến thành nơi nầy một cái ao sau nhà, dùng bán-đảo Ðông-Dương như một bàn đạp để bành-trướng về hướng Ðông-Nam Châu-Á.
    Những hành-động của nhóm lãnh-đạo Trung-Hoa – xâm-lăng Hoàng-Sa và âm-mưu cướp đoạt Trường-Sa – không những chỉ là một hành-động xâm-phạm chủ-quyền và toàn-vẹn lãnh-thổ của Việt-Nam mà còn là một mối đe-dọa lên quyền-lợi của các nước quanh vùng Biển Ðông cũng như đến nền hòa-bình và ổn-định ở khu-vực Ðông-Nam Á.
    Dân-tộc Việt-Nam nhứt-quyết tranh-đấu để bảo-vệ toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của mình tại Hoàng-Sa và Trường-Sa, chống lại mọi mục-tiêu bành-trướng của nhóm lãnh-đạo Trung-Hoa. Công-cuộc tranh-đấu của người Việt-Nam chống lại khuynh-hướng bành-trướng và bá-quyền của Bắc-Kinh đã được sự ủng-hộ của nhiều tổ-chức, chắc-chắn sẽ đem lại một chiến-thắng trọn-vẹn.


    [1] Bản-đồ của những nhà hành-hải Bồ-Ðào-Nha, Hòa-Lan, Pháp như Lazaro Louis, Ferdanao Vaz Dourdo, Joso Teixira, Janssonius, Willem Jansz Blaeu, Jacob Aertsz Colom, Theunis Jacobsz, Hendrick Doncker, Frederich De Wrt, P. Duval, Van La ngren, v.v...
    [2] Dòng dõi Chúa Nguyễn 1558-1775, lãnh-đạo Ðàng Trong, tức miền Nam VN hiện nay.
    [3] Xem bộ Hồng-Ðức Bản-Ðồ.
    [4] Phía Nam của Sa-Kỳ, làng An-Vĩnh ở trên đảo Ré cũng thuộc Quảng-Ngãi.
    [5] Ðơn-vị đo chiều dài của Việt-Nam, khoảng 500 mét.
    [6] Xem « Mistère des Atolls – Journal de Voyage au Paracel », đăng trong tuần báo « Indochine » số 3, 7 và 10 tháng 7 năm 1941.
    [7] Từ-ngữ Cochinchine hay Cochinchina trong các bài viết của người Tây-Phương thì gồm có hai nghĩa tùy theo hoàn-cảnh : Việt-Nam hay chỉ là miền Nam.
    [8] A. Salles có ghi lại trong « Bulletins des Amis du vieux Huê », số 2, 1923, trang 257.
    [9] Note on Geography of Cochinchina của Linh-Mục Jean Louis Tabert, đăng trong The Journal of the Aslatie Society of Bengal. Vol VI, 1837, page 745.
    [10] Geography of the Cochinchinese Empire, đăng trong The Journal of the Royal Geography Society of the London, bộ số XIX, 1849, trang 93.
    [11] Tức là bến Cửa Ðại thuộc Quảng-Nam – Ðà-Nẵng.
    [12] Sa-Vinh tức Sa-Huỳnh hiện nay, thuộc tỉnh Quảng-Ngãi.
    [13] Ngày xưa Bai Cat Vang là một vùng rất nguy-hiểm, đầy dẫy những dãi cát và đá ngầm, ở ngoài khơi của Biển-Ðông.
    [14] Quyển 122, kỳ 2.
    [15] Quyển 50, kỳ 1.
    [16] Quyển 52, kỳ 1.
    [17] Quyển 104, kỳ 2.
    [18] Quyển 122, kỳ 2.
    [19] Quyển 154, kỳ 2.
    [20] Quyển 165, kỳ 2.
    [21] Quyển 104, kỳ 2.
    [22] Tức là Sóng-Tụ-Tây (Caye du Nord-Ouest) và Sóng-Tụ-Ðông (Caye du Sud-Est)
    [23] Hồ-sơ của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng công-bố ngày 30 tháng 1 năm 1980.
    [24] Nan Zhou Yi Wu Zhi, Funanzhuan
    [25] Mong Liang Lu, Qao Yi Zhi Luc, Dong Xi Yang Kao, Shun Eeng Xiang Song, Zhi Nan Zheng Fa, Hai Guo Wen Jian Lu.
    [26] Trượng : đơn-vị đo chiều dài của Tàu ngày xưa, tương-đương 3,51 mét.
    [27] Lí : Ðơn-vị đo chiều dài của Tàu ngày xưa, tương-đương 0,5 Km.
    [28] Tunmenshan ở tại cửa sông Zhoukiang (Quảng-Ðông)
    [29] Pulaoshan tức là đảo Cham, Huanzhou là nước Chàm.
    [30] Dashifu, hay Dashi, theo một sách cổ của Trung-Hoa, đó chỉ một vương-quốc thời Trung-Cổ ở trong vịnh Persique ; Sizi là Srilanka (Tích-Lan) ; Tianzhu là Ấn-Ðộ (theo các sách của Tangshu, Songshi, Gugintushuzisheng).
    [31] We Jing Zong Yao, bộ 1, quyển 20, trang 19a, 19b.
    [32] Nhà cầm-quyền Bắc-Kinh không những chỉ cắt dán tài-liệu lịch-sử nhằm bóp méo nội-dung của các sử-liệu đó mà họ còn phiên-dịch một cách sai-lệch tựa đề của các quyển sách đã trích-dẫn. Thí-dụ : « Dao Yi Zhi Luc » có nghĩa hiện-thời « Khái-quát về những đảo-quốc (pays barbares insulaires)» (theo khái-niệm khinh-bỉ của Trung-Hoa, « barbare – man, mọi » có ý-nghĩa là người ngoại-quốc, đã được dịch là « Khái-quát về các đảo » ; Hai Guo Wen Jian Lu có nghĩa là « Những sự việc nghe và thấy tại các xứ ngoại-quốc », đã được dịch như sau « Những sự việc nghe và thấy tại các vùng cận biển ».
    [33] « Yuanshi », quyển 48, trang 1a và 1b.
    [34] « Yuanshi », quyển 48, trang 7a và 7b.
    [35] Xem giải-thích trong quyển Hai Guo Tu Zhi xuất-bản năm 1842.
    [36] Xem Zhung Wen Da Ci Dien, 1963 (do Ðài-Loan công-bố)
    [37] Theo Yuanshi (phần địa-danh), Li Da Gang Wu Poa (nhà Thanh)
    [38] Xem bản-đồ của Zhung Quo Sin Ju Ji, năm 1917 (do Báo-Chí Thương-Mại Thượng-Hải ấn-hành)
    [39] idem
    [40] Bản-đồ hàng-hải Trung-Hoa, tỉ-lệ 1/500.000, trang nói về « bán-đảo Liễu-Châu (Leizhou) và đảo Hải-Nam), do Trung-Cộng ấn-hành tháng 5 năm 1965 bằng Việt-ngữ và Hoa-ngữ.
    [41] « Guangdong Tongzhi - Quảng-Ðông Thống-Chí», « Qiongzhou Fu Zhi, Khâm-Châu Phủ Chí », « Wan Zhou Zhi, Quảng-Châu Chí »
    [42] « Huang Quing Gezhi Fen Tu » (1755), « Da Quing Wan Nian Yi Tong Di Li Quan Tu » 1810, « Da Quing Yi Tong Xia Quan Tu » (1817).
    Last edited by splen; 25-06-2011 at 09:26 AM.
    Cuộc Đời Cứ Thế Xoay Tròn – Người Người Vẫn Thế Mê Muội.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. TỐ NỮ KINH 2
    By thaiduong162 in forum Y, Dược Thuật
    Trả lời: 8
    Bài mới gởi: 05-06-2012, 03:13 PM
  2. Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 01-06-2012, 11:51 AM
  3. kinh nói về tái sinh
    By joo_minh in forum Đạo Phật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 10-03-2012, 07:56 AM
  4. Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 28-05-2011, 09:40 AM
  5. TỬ BÌNH CHÂN THUYÊN
    By thaiduong162 in forum Tử Bình, Tướng, Số, Khác...
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 20-04-2011, 11:29 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •