LỜI GIỚI THIỆU

Bửu Sơn Kỳ Hương có nghĩa là mùi thơm kỳ diệu trên đỉnh núi thiêng liêng. Có bốn câu thơ sấm truyền rằng:
Chữ “Bửu” là chữ Phật Vương
Chữ “Sơn” Phật Thầy tin tưởng phước dư
Chữ “Kỳ” là hiệu Bổn Sư
Chữ “Hương” Phật Trùm bốn chữ phải mang.

Đức Bổn Sư ứng với chữ Kỳ, và là vị Phật thứ ba trong Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, kế vị Đức Phật Thầy Tây An.

Công trạng của Ngài Đức Bổn sư gắn liền việc mở đạo với việc mở mang thôn ấp trên toàn vùng An Giang. Tài liệu còn ghi rõ Ngài hướng dẫn rất đông tín đồ vào núi Tượng, nhưng không rõ số lượng là bao nhiêu, chỉ ghi rằng: Người quá đông, nhà cất san sát như “bánh ít sắp trên sàng”. Sau khi Ngài khai núi, khai rẫy xong, liền truyền cho tín đồ đốn cây, cắt tranh tạm cất chùa để thờ phượng (nền chùa Phi Lai hiện nay) và cất nhà cho bá gia (Ngài gọi tín đồ là bá gia) che mưa đỡ nắng.


Chùa Phi Lai, núi Tượng, xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Chùa Phi Lai và đình An Định cất xong năm 1877, đến ngày 19 tháng giêng năm Giáp Thân (1884) tái thiết lại lần thứ hai để có đủ chỗ cho thập phương bổn đạo đến lễ bái. Đức Bổn Sư quy tụ tín đồ thiết lập làng mới gọi là An Định thôn, cho đến năm Tân Tỵ (1881), nhà cầm quyền Pháp mới hợp thức hóa cho thôn này.


Chùa Tam Bửu (là nơi thường trụ của Đức Bổn Sư)

Năm 1882, sau khi thành lập thôn An Hòa xong, Ngài bèn trở về thôn An Định lo thiết lập ngôi chùa Tam Bửu. Giờ Tý ngày 16 tháng 02 năm Nhâm Ngọ (1882) làm lễ thượng lương. Chùa Tam Bửu là nơi Ngài thường trụ cũng như tư gia của mọi người. Nên trong bá gia của Ngài gọi là Tam Bửu Thường Trụ, đó là ngôi chùa Tam Bửu hiện nay.

Giáo lý của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là sự tổng hoà quan niệm tín ngưỡng thờ cúng Tam Giáo: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, kết hợp với tín ngưỡng dân gian, tạo nên sự phong phú trong đời sống tâm linh của miền Nam bộ. Kinh sách của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là những lời giáo huấn được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của đức Bổn Sư truyền dạy, bao gồm 24 bộ kinh, trong đó có 3 bộ kinh chủ yếu là:

1. Bộ Pháp Bửu Trường Sanh
2. Bộ Kinh Siêu Độ
3. Bộ Sám Giảng Ngũ giáo

Bên cạnh đó còn có hệ thống sám giảng được các đệ tử cụ thể hoá những lời dạy của đức Bổn Sư, được viết bằng thể thơ lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, nhằm phục vụ những bài cúng dường và khuyên răn người đời tu nhân, tích đức, sám giảng được truyền miệng rộng rãi và dễ dàng ghi vào tiềm thức của các đạo hữu.

Chúng tôi đã sưu tầm được Bộ Sám Giảng Ngũ giáo của Đức Bổn Sư, xin giới thiệu cùng quý đạo hữu.