Vào dịp Thứ Sáu Tuần Thánh, một số nhà thờ trên thế giới có lệ trưng bầy một di tích 'Thánh Giá Thật' của Chúa Giêsu để cho giáo dân hôn kính.

Những di tích này thường là những mẩu gỗ vụn được bọc bằng một lớp sáp ong và đựng trong những hộp kính nhỏ.

Nhiều người đã cảm thấy có lòng sốt mến hơn lên khi được chạm vào di tích mà chính Chúa đã chịu tử nạn cho nhân lọai. Nhưng cũng có nhiều người nghi ngờ và thường châm biếm bằng một câu đã thành bài bản: "nếu cộng tất cả các di tích vào với nhau, thì chúng ta có đủ gỗ để đóng thành một con tầu của ông No E".

Vậy thì những di tích 'Thánh Giá Thật' mà bạn sẽ có dịp hôn kính trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là có đáng tin cậy không?

Sự thực thì cây Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã chịu tử hình đã không được các giao đòan nguyên thủy sở hữu và bảo quản liên tục ngay từ đầu. Lý do là cuộc bách hại Kitô hữu kéo dài hơn 300 năm và giáo hội tiên khởi là một giáo hội ẩn núp trong những hầm trú.

Chỉ khi hòang đế Constantine của đế quốc Roma trở lại đạo Công Giáo và yêu cầu thánh Macarius, là giám mục của Jerusalem, phá hủy đền thờ thần Vệ Nữ nằm trên núi Sọ để xây lại thành đền thờ Mộ Thánh Chúa Giêsu (Holy Sepulcher), thì người ta đã khám phá ra ở dưới lòng đất có ba cây thập giá. Tuy rằng mọi người đều tin đó là 3 thập giá mà Chúa và hai tên trộm đã chịu tử hình, nhưng cây nào là Thánh Giá Thật đây?

Bà thánh Helena, mẹ của hòang đế Constantine, lúc đó giải quyết bằng việc đưa một người đàn bà đang hấp hối đến, và khi bà ấy chạm vào cây Thánh Giá Thật thì liền khỏi bệnh tức thời. Từ đó người ta đã bảo quản vật thánh này tại đền thờ Mộ Thánh từ đó.

Bà thánh Helena khi trở về Roma cũng mang theo một phần Thánh Giá Thật và ngày nay vẫn được tôn kính tại đền "Thánh Giá thành Jerusalem" tại Roma ( Basilica of the “Holy Cross in Jerusalem”)

Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, người ta cho phép khách hành hương tới hôn kính Thánh Giá Thật. Một số người hoặc vì tham lam, hoặc vì quá sốt sắng, đã lén lút cắt xén lấy những miếng gỗ nhỏ đem về nhà. Các nhà chức trách đã thực hành nhiều biện pháp như đặt người canh giữ và kiểm sóat chặt chẽ, vậy mà vẫn có người thay vì hôn kính thì vội vàng 'cắn' vào mà giằng lấy một mẩu vụn. Ngày nay người ta bọc các di tích vào lồng kính.

Những di tích Thánh Giá Thật mà chúng ta chứng kiến ngày nay một phần nào có gốc tích từ những sự kiện đó.

Một câu hỏi là có thật rằng số lượng tổng cộng của các di tích thì lớn đến nỗi người ta có đủ gỗ để đóng thành một con tầu to như con tầu của ông No E không?

Câu hỏi này đã được đặt ra từ thế kỷ 16 bởi một nhà văn người Hòa Lan tên là Erasmus, ông châm biếm phê bình rằng: "Bọn họ cứ khóac lác rằng đó là thập giá của Chúa chúng ta, được trưng bầy khắp nơi từ chỗ công khai đến chỗ riêng tư, vậy nếu tất cả các mảnh vỡ đó được thu thập lại cùng nhau, chắc hẳn chúng sẽ đủ để xếp thành một chiếc tàu buôn"

Câu nói trở thành bất hủ đó, một phần nào đã giảm bớt những việc nhảm nhí và mê tín xảy ra lúc bấy giờ. Nhưng câu nói đó có đúng sự thật không?

Vào cuối thế kỷ 19, một học giả tên là Charles Rohault de Fleury bên Pháp đã bỏ công nghiên cứu vấn đề. Ông đo lường tất cả các di vật đang lưu hành trong thời đó, và đi tới kết luận là thể tích của tất cả các di vật hiện hữu tổng cộng chỉ được 240 cubic inches. Vì đây là một con số quá nhỏ cho nên ông nhân lên 10 lần để trừ hao việc một số di vật có thể đã bị chiến tranh tàn phá và cho rằng thể tích của chúng tối đa là 2,400 cubic inches.

Ông tính rằng, thời xưa các phạm nhân chỉ vác cây xà ngang của thập giá mà thôi vì đòn giọc thường đã được chôn trên đất trước, cây xà mà Chúa Giêsu đã vác có thể nặng 220 lbs, là sức nặng của một cây gỗ mà một người thợ có thể vác đi 3 miles. Nhưng Chúa Giêsu đã bị đánh đòn yếu liệt cho nên Ngài không thể vác một khối nặng như thế mà chỉ có thể lôi kéo, thành thử như thể là vác một sức nặng tương đương và hợp lý là 55 lbs. Nên nhớ Chúa đã không vác được lâu và phải nhờ ông Simon thành Cyrene vác đỡ. Nếu đổi ra thành thể tích, cây xà ngang của Thánh Giá Chúa Giêsu sẽ có thể tích là 10,900 cubic inches.

So sánh tất cả các di vật với chỉ một chiếc xà ngang mà thôi, thì sẽ là 1 phần 5. Nói một cách khác, số lượng các di vật Thánh Giá Thật, dù là nhiều, nhưng có thể tin được.

Một câu hỏi nữa là trong những di tích hiện đang luân hành quanh thế giới thì có bao nhiêu di tích là thật?

Thực ra thì ngày nay, vì các di tích không mang một lịch sử rõ ràng cho nên hầu như không thể phân biệt được di tích nào là thật hay giả. Đây chỉ là một vấn đề thuộc về lòng tin mà thôi. Tuy nhiên chúng ta có thể chắc chắn rằng hai di tích ở Mộ Thánh tại Jerusalem và ở Vương Cung Thánh Đường "Thánh Giá thành Jerusalem ở Roma" thì có tính xác thực cao.
Tác giả Trần Mạnh Trác

( nguồn : http://www.dunglac.org/index.php?m=h...etail&ia=17050)