kết quả từ 1 tới 20 trên 62

Ðề tài: KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Smile KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

    §1 - CƠN KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN TRONG GIÁO HỘI




    Đức Kitô nêu dụ ngôn người đàn bà góa và viên quan án có ý nhắc nhở mọi người: Hãy bền lòng cầu nguyện vì “Ngày của Chúa đã gần”. Tiếp đó Ngài có nói một câu khiến chúng ta cần nên suy ngẫm “Liệu khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng?” (Lc 18, 8) Trong Thánh Lễ hàng ngày mọi tín hữu vẫn tuyên xưng và mong mỏi ngày Chúa lại đến. Thế nhưng thực tế thì sao ? Chúng ta có thực sự tin, thực sự mong Ngày Chúa đến? Ngày Chúa đến Kinh Thánh cho biết cũng chính là Ngày Tận Thế. Ngày này chẳng biết khi nào đến nhưng chắc chắn phải có khi mà các điều kiện đã hội đủ “Môn đệ bèn hỏi : Thưa Chúa ở đâu (bao giờ) Ngài đáp: xác chết ở đâu, diều hâu ở đó” Lc 17, 37. Ở đây Chúa không khẳng định nhưng chỉ đặt nghi vấn = Liệu chừng con người còn có đức tin trong những ngày tháng đó hay không? Câu trả lời là của mỗi người. Nếu ai đó còn cầu nguyện cách kiên trì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kẻ đó còn có đức tin. Ngược lại nếu bỏ hẳn hoặc cầu nguyện chỉ còn là cái hình thức phô trương bề ngoài thì kể như đức tin đã mất. Tôn giáo cùng với Tín Ngưỡng là một. Thế nhưng rất có thể nó chỉ là mê tín dị đoan khi mà con người còn phủ phục vái van trước các ngẫu tượng thần linh ngoại lai nào đó. Đạo Chúa là đạo đức tin và đức tin ấy không phải là tin vào đấng nào khác nhưng là tin vào Đấng Chúa ở nơi chính mình “Đạo ở gần ngươi, ở trong lòng ngươi tức là Đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây” Rm 10, 8.

    Giáo hội hiện đang lâm cơn khủng hoảng và khủng hoảng cách nghiêm trọng mà nguyên nhân gây ra cho nó theo lời đức cố hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận là do đã “Hạ giá cầu nguyện” (ĐHV 134). Hạ giá có nghĩa đã không coi trọng việc cầu nguyện như đáng ra phải có. Có hai loại hạ giá, một là coi việc đọc kinh lần hạt như là cái việc đạo đức bình dân chỉ dành cho hạng đàn bà con trẻ, không biết suy biết luận thì thôi đọc kinh …cũng được v.v… Hai là đã biến việc cầu nguyện thành ra suy niệm này nọ, kinh gì cũng đem ra suy, diễn giải tràn lan. Kinh Lạy Cha cũng suy, kinh Mân Côi cũng suy. Thậm chí kinh Tám mối phúc thật có người (Jacque Dupont OSB) còn suy bằng cả một cuốn sách dày hàng ngàn trang trong đó thuần túy chỉ là xuyên tạc bóp méo Kinh Thánh. Tuy nhiên có đúng là việc hạ giá cầu nguyện là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng hay không? Theo tôi thì không phải, thật ra đó cũng chỉ là một trong các hiện tượng tất yếu của cơn khủng hoảng đức tin mà thôi.


    CHƯƠNG MỘT

    Cơn khủng hoảng Đức tin trong Giáo hội

    Kinh Thánh từ bao đời nay vẫn được giáo hội tin, giảng dạy là sách chứa đựng những chân lý vĩnh cửu và tác giả của sách ấy chẳng phải ai khác mà đó chính là Thiên Chúa Đấng Thượng Trí Vô Song. Thế nhưng niềm tin ấy đã bị lung lay và hầu như sụp đổ trước những khám phá khoa học. Có hai phát kiến gây ảnh hưởng đến đức tin cách nghiêm trọng:

    1/- Về Thiên văn

    Trong giới khoa học người ta lấy Nicolas Corpecnic [1473- 1543] với phát kiến hệ nhật tâm (mặt trời là trung tâm) của ông để như một thứ mốc phân chia hai thời kỳ. Từ Corpecnic trở về trước là thời Ptolemy [83- 161] thuộc hệ địa tâm (trái đất là trung tâm). Trong hệ địa tâm này người ta cụ thể là Thần Học Âu châu trung cổ cho rằng trái đất là trung tâm bất động của vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo cùng với toàn bộ các công trình của Ngài. Thiên Chúa đã sáng tạo bằng cách dùng đất nặn ra các loài động vật chim muông. Riêng con người thì còn hà hơi vào để cho nó có linh hồn v.v…Thiên Chúa cũng lập ra vườn Địa Đàng và vườn ấy có địa điểm cụ thể rõ ràng (có vẽ cả bản đồ) ở nước Irac nơi vùng Tây Nam Á châu bây giờ. Tất cả những gì ghi chép trong sách Sáng Thế ký được hiểu theo nghĩa đen như thế đều hoàn toàn trái ngược với phát kiến khoa học của Corpecnic và tiếp đến là của Gallileo [1564 – 1642] Trái đất tự quay quanh mình một vòng 24 giờ và quay quanh mặt trời một vòng 365 ngày. Kiến thức khoa học ấy bây giờ ngay cả một học sinh cấp hai cũng biết. Ấy vậy mà cách đây bốn thế kỷ đó là một sự kiện long trời lở đất. Phản ứng của giáo hội thời đó thật là gay gắt, Gallileo chỉ chút nữa đã bị đưa lên giàn thiêu. Mặc dầu vậy trong vấn đề này = Trái đất có là trung tâm hay không, cho đến nay khi nhân loại đã bước vào kỷ nguyên thiên văn vô cùng tiến bộ, khám phá ra vô vàn vô số thiên hà cách xa trái đất hàng tỉ năm ánh sáng thì dường như đức tin Kitô giáo vẫn vậy …chẳng có chi thay đổi, vẫn là một thử thách không thể vượt qua. Sau khi cơ quan hàng không vũ trụ NASA phát hiện ra sự sống trên Sao Hỏa thì các giáo hội Kitô đã đồng loạt lên tiếng. Ông John Polkinghome một giới chức Anh giáo và là giám đốc Queens College trả lời báo The Guardian “Tranh luận trong giới tôn giáo về sự sống trên các hành tinh khác đã kéo dài từ bao thế kỷ nay. Vấn đề đặt ra như sau: nếu đức Kitô chết để chuộc tội cho nhân loại vậy thì những người ở hành tinh khác sẽ ra sao, liệu họ có được cứu chuộc không ? Nếu họ cũng cần cứu độ thì Thiên Chúa cũng mặc lấy xác phàm của họ như đã mặc lấy xác loài người hay chăng” (Xem TB CG&DT số 1073 ngày 15-9-1996)

    Nguyên nhân đưa đến sự tranh cãi dằng dai cả mấy thế kỷ của giới khoa học và giới tôn giáo mà vẫn không thể giải quyết đó là vì chẳng bên nào chịu nhận ra được bản chất thực sự của việc cứu độ rằng cứu cái gì ? Cứu cách sao? v..v. Giáo hội một mặt vẫn ra sức chống đỡ, mặt khác đức tin vẫn cứ đội nón ra đi không hề ngoái lại. Ngoài ra đức tin còn phải đối mặt với một thế lực khác nguy hại không kém đó là học thuyết tiến hóa.

    2/- Về mặt tiến hóa

    Nếu phát kiến hệ nhật tâm của Corpecnic là cuộc cách mạng trong thiên văn thì Darwin với thuyết tiến hóa là cách mạng trong sinh học. Thật vậy trước Darwin [1809-1882] tư tưởng duy tâm tôn giáo thống ngự trên khắp các lãnh vực từ triết học cho tới sinh vật học với quan điểm cho rằng toàn thể vạn vật trong đó có cả con người đều đã được Thiên Chúa tạo dựng cùng một lần và chúng không hề có sự biến đổi nào qua không gian và thời gian. Adam và Eva là hai người nam và nữ đầu tiên đã sống trên trái đất này cùng với núi non sông ngòi chim muông thú vật v..v. Cũng chính bởi tin tưởng Adam là con người bằng xương bằng thịt thế nên căn cứ vào gia phả đã được ghi chép mà người ta định ra niên đại của vũ trụ chỉ mới được tạo dựng trước công nguyên có 4923 năm. Niên đại này quá nhỏ nhoi so với lịch sử năm tỷ năm của trái đất. Mặc dầu vậy giáo hội thời đó cũng không cho phép bất cứ ai được nói khác: Trong quyển “Lịch sử vạn vật” Buffon chủ trương trái đất đã có khoảng 70.000 (Bảy mươi ngàn) năm thế mà đã bị coi là một xúc phạm lớn lao và tác phẩm đã bị cấm đoán, khi Darwin chết người ta còn dạy rằng vũ trụ được tạo dựng 4923 năm trước kỷ nguyên và cuốn tự điển Larouse xuất bản năm 1882 ghi rằng đó là niên kỷ duy nhất được chấp nhận trong các trường (N.V. Thọ - Le Comte du Nouy và học thuyết viễn đích)

    Thật ra trước Darwin đã có Lamark (1744-1929) nhà khoa học tự nhiên người Pháp nổi tiếng với tác phẩm “Triết học về động vật học”. Trong đó nêu luận chứng cho rằng “sự thay đổi của môi trường bên ngoài dẫn tới sự xuất hiện những tính chất mới của sinh vật và những tính chất mới này được di truyền lại” Đây là một quan điểm rất mới và hoàn toàn khác với những điều người ta vẫn tin được chép trong sách sáng thế. Quan điểm của Lamark thời ấy đã rất chi là tiến bộ. Dẫu vậy ông vẫn bị coi là duy tâm khi chủ trương bản thân vật chất không thể vận động và sự phát triển của hữu sinh cũng như của vô sinh là tuân theo “mục đích nội tại của Thượng Đế”. Sau Lamarck nửa thế kỷ, “Học thuyết tiến hóa” chính thức ra mắt với tác phẩm có cái tựa khá dài “Nguồn gốc các loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên hay là sự bảo tồn những dạng thích nghi trong đấu tranh sinh tồn”. Với tựa sách dài thậm thượt như vậy, gần như Darwin đã tóm lược toàn bộ học thuyết của mình. Ở đây ta thấy thuyết Darwin hoàn toàn bác bỏ Đấng Thần Linh Tạo Hóa như là nguyên nhân sáng tạo vạn vật để thay thế vào đó là hai yếu tố. Một là chọn lọc tự nhiên và hai là đấu tranh sinh tồn. Thuyết tiến hóa tỏ rõ sức sống của nó được củng cố bằng những khám phá khoa học ngày càng nhiều trên khắp lãnh vực từ thiên văn cho đến địa chất. Từ sinh vật học cho đến di truyền học v.v…Với hoàn cảnh rất ư bất lợi cho đức tin như thế giáo hội cuối cùng đã phải xoay chiều “Trong một Thông điệp tháng 8 năm 1950, ĐGH Pio XII tuyên bố giáo dân được học thuyết tiến hóa miễn là thuyết ấy chỉ tìm căn nguyên thể xác con người trong một sinh cơ tiền tại và từ đầu thế kỷ XX thay vì dùng Thánh Kinh để phi bác thuyết tiến hóa, các nhà biện giải TK ngược lại đã cố giải thích TK cho phù hợp với các khám phá khoa học” (N.v.Thọ. SĐD)

    Sau biết bao nỗ lực giải thích TK cho phù hợp với khoa học. Có một thực tế này là đức tin vào sự hiện hữu của một Đấng Thiên Chúa chân thật, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, và của Giacop (Lc 23,37) đã biến mất để nhường chỗ cho những khái niệm chết khô về Ngài. Pierre Teilhard de Chardin, một linh mục, một chuyên gia địa chất học, sinh vật học lỗi lạc đã phát biểu về đức tin thế này “Tôi tin rằng cuộc tiến hóa này tiến tới thần linh. Tôi tin rằng Thần Linh sẽ kết thúc trong Thượng Đế hữu ngã. Tôi tin rằng Thượng Đế hữu ngã tuyệt đối là đấng Christ đại đồng phổ quát” (Georges Magloire. T. de Chardin)

    Tin rằng tiến hóa sẽ dẫn tới Thần Linh. Điều ấy chứng tỏ cái gì nếu chẳng phải là đã đương nhiên bác bỏ tôn giáo và cách riêng là phủ nhận vai trò cứu độ của Đức Kitô khi Ngài nói “Ta là đường là sự thật Và là sự sống, Không ai đến được với CHA mà không qua Thầy” Ga, 14,6. Cuộc khủng khoảng đức tin hiện nay xét cho kỹ đó là hậu quả gây ra do việc dung hòa đức tin và khoa học của Thần học duy lý cách nay hàng ngàn năm.

    §2 - THẦN HỌC VỚI VIỆC TÌM CHỨNG LÝ




    Thần học hiểu như một thứ khoa học đào sâu tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa (xem ”Dẫn vào Thần học” của Lm N.v.Tuyên) trong bấy lâu nay thực chất không hơn không kém cũng vẫn chỉ là một thứ triết học về vũ trụ (philosophie de la nature). Lẽ ra đối tượng của Thần Học phải là Thiên Chúa nhưng tại sao lại là vũ trụ? Để trả lời cho câu hỏi này ta phải xét đến mục đích của nó và đây là định nghĩa của Kinh viện học ”Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” (La philosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes) Qua câu định nghĩa này ta thấy Thiên Chúa đã được đồng hóa với cái gọi là ”Nguyên nhân tối cao”. Thiên Chúa là nguyên nhân tối cao. Ngược lại, nguyên nhân tối cao là Thiên Chúa. Như vậy vấn đề của Thần Học cũng chẳng khác gì của triết, đó là tìm cho biết về cái căn nguyên của vũ trụ vạn vật.

    Từ rất lâu xa vào thời thượng cổ, các triết gia Hylạp đã tìm cách giải nghĩa về căn nguyên ấy. Thàles [624-547] nói ”Tất cả là nước”. Anaximandre [610-545] nói ”Tất cả đều bất định” Anaximene [585-528] nói là khí. Còn Phytagore [570-496] nói là ”Hòa âm”(cosmos) Heraclite [544-484] nói là Lửa v.v….Cố nhiên không ai ngây thơ hiểu những yếu tố mà các triết gia nói tới ở đây như = nước, lửa, khí…. theo nghĩa đen mà các nhà tư tưởng cổ đại ấy chỉ muốn nói lên một điều rằng tất cả vạn vật đều được phát sinh từ một bản thể duy nhất. Dẫu vậy cuộc truy tìm căn nguyên ấy chỉ đến khi có sự xuất hiện của hai tên tuổi lớn là Platon [427-347] và học trò của ông là Aristote [384-322] thì nó mới thực sự đi vào hệ thống hóa trong đó bao gồm hai môn, một là Siêu Hình Học (Metaphysics) và hai là Vật Lý Học (Physics) nghiên cứu về hiện tượng. Ảnh hưởng của hai triết gia này đối với Âu Châu Công Giáo hết sức là lớn. Thế nhưng cũng có thể nói chính là nhờ vào giáo hội thời đó mà triết học của hai nhà tư tưởng lớn này mới có cơ tồn tại cho tới ngày nay. Thoạt đầu khi mới du nhập, triết Hylạp cách riêng là Aristote đã gặp phải những phản ứng gay gắt. Vào năm 1210 Tgm Sens và nhiều giám mục khác nhóm họp công đồng tại Paris đã lên án cấm chỉ đọc đọc Aristote, đặc biệt là những tác phẩm về Thiên nhiên học và Siêu hình học của ông. Ấy vậy mà ngay vào giữa thế kỷ 13, giáo hội dần dà tự kiểm thảo lại và đã đồng ý cho mở những giảng trình công khai về Aristote tại Paris và năm mươi năm sau triết gia này đã trở thành trụ cột về tư tưởng của giáo hội đến nỗi bất cứ ai chủ trương ngược lại đều không thể không bị nghi ngờ là tà đạo ….Aristote đã được trọng vọng đến nỗi đã được xưng tụng là ”Tiền Hô của Đức Kitô trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên không khác gì Jean Baptit trong lãnh vực ân sủng” (Proecursor Christi in rebus naturalibus sicut Joannes Baptistain rebusgratuitis).

    Giống như Jean Baptite, Tiền hô là người đi trước dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Vậy thì tiền hô trong lãnh vực thiên nhiên Aristote có là kẻ dọn đường và dọn đường cho ai? So sánh như trong trường hợp này thật quá ư khập khiễng và vô nghĩa. Tuy vậy ở đây người ta chỉ muốn nói lên tính chất vô cùng quan hệ của Aristote đối với giáo hội thời đó, một giáo hội đã và đang bị tràn ngập bởi vô số tà thuyết phiếm thần do ảnh hưởng của Platon để lại. Nguyên do bởi đâu mà Aristote một kẻ vô giáo nghĩa là hoàn toàn đối nghịch với Kinh Thánh và đức tin lại được tuyên dương như vị tiền hô cho Đấng Cứu Thế ? Đó là bởi triết học ấy có một điểm rất quan hệ trùng khớp với lập trường giáo hội = Sự tách biệt triệt để giữa Đấng Sáng Tạo và các tạo vật ”Thomas luôn luôn bảo trì sự tách biệt giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật. Hơn nữa với quan niệm một Thiên Chúa siêu việt có quyền năng vô hạn do đó được quan niệm như có khả năng sáng tạo vạn vật cách phi thường từ hư vô, thừa hưởng được từ Do Thái giáo” (L.T. Nghiêm SĐD).

    Đấng Thần linh Tạo Hoá hoàn toàn cách biệt với tạo vật, với con người. Đấng ấy có hiện hữu hay không, đó là điều cần phải được chứng minh. St Thomas d’Aquin đưa ra năm chứng lý còn gọi là năm con đường (Quinque viae). Với năm lý chứng này theo những nhà Thomisme đã là quá đủ, có thể chỉ cần một thôi cũng được ”...Tất cả những dữ kiện trên cho phép ta gặp đặc tính tổng quát đầu tiên của cả năm con đường vừa nói trên là phải khởi sự từ một hiện hữu. Vì chỉ cần chấp nhận lý do tồn tại túc lý cho một hiện hữu bất cứ trong kinh nghiệm thường nghiệm … thì cũng đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa” (L.T.N. SĐD).

    Với kinh nghiệm thường nghiệm thì ai cũng thấy trái núi sừng sững kia hiện hữu mà một hạt cát nhỏ li ti đây cũng hiện hữu. Thế nhưng đó chỉ là ”Thường nghiệm” tức cái nhìn của …. người đời. Còn với khoa học thì trái núi hay hạt cát không đơn thuần là trái núi hay hạt cát mà đó là tổng thể của các đơn chất (nguyên tử). Vật nọ vật kia có vẻ hiện hữu thật đó nhưng chỉ là hiện hữu theo cái nhìn thường nghiệm. Đi tìm nguyên nhân cho những cái gọi là ”vật nọ, vật kia” để rồi kết luận tất yếu phải có đấng tạo ra chúng. Kết luận ấy phải chăng là vô bằng ?

    §3 - CÓ VẬT HAY KHÔNG VẬT?




    Có ba cái nhìn về “vật”. Một là của thường nghiệm. Hai là của vật lý cổ điển và ba là của vật lý hiện đại. Về cái nhìn thường nghiệm thì như trên vừa nói đó là của người đời. Bất luận là ai dù thuộc ngôn ngữ nào, trình độ học vấn ra sao, có tôn giáo hay không có tôn giáo đều như vậy cả. Chính là với cái nhìn như thế mà con người ta yêu thương nhau và cũng thù hằn ghét bỏ nhau. Chấp lấy cái nhìn”thường nghiệm”thì đó là si mê, là lương tri mờ ám, từ đó mà phát sinh lòng tham, lòng giận, lòng ghét….Nhỏ thì người này người khác, nhà này nhà khác nhóm này nhóm khác. Lớn thì chủng tộc này chủng tộc khác, quốc gia này quốc gia khác mâu thuẫn xung đột chỉ hòng cấu xé tiêu diệt nhau. Đối với người đời đã vậy, với đạo cũng chẳng hơn gì. Chính là với cái nhìn thường nghiệm như thế mà tôn giáo thay vì giải thoát lại giam hãm con người trong các giáo điều khô cứng. Với cái nhìn thường nghiệm thì dường như ai cũng thấy trái đất đứng yên bất động còn mặt trời, mặt trăng thì quay chung quanh nó. Thế nhưng thật sự đâu phải vậy = Corpecnic rồi Gallileo nói lên sự thật và rồi đã bị nặng nề kết án. Đạo là Sự Thật, đạo ấy không cần phải chứng minh mới là Đạo. Sự thật ví như mặt trời nó đâu cần phải có tiếng gà gáy mới….mọc lên? Vả lại với cái nhìn thường nghiệm thì thấy”vật”hiện hữu nhưng cái gọi là”vật”ấy có thật sự hiện hữu hay không?

    1/-”Vật”theo quan điểm của vật lý cổ điển.

    Với hàng trăm tác phẩm đồ sộ bàn về đủ loại vấn đề từ sinh vật học, thiên văn học, khí tượng học cho đến vật lý học luận lý học, triết học, thần học v.v… Đề tài nào cũng được nghiên cứu bàn giải một cách thấu đáo. Aristote quả thật là nhà bác học theo đúng cái nghĩa của nó, đồng thời cũng là một triết gia thực thụ. Tuy nhiên có lẽ cũng chính vì tài năng bác học kiệt xuất như thế mà cái”học” mới thành ra quá ư ôm đồm và mặt khác theo quan điểm hiện đại ông không phải là một nhà khoa học thực sự bởi đã có sự lẫn lộn giữa vật lý học và triết học. Hay nói cách khác triết học Aristote chỉ là trá hình của khoa học thực nghiệm, một thứ vật lý học của thời kỳ phôi thai. Sự lẫn lộn ấy ta thấy rõ nhất ở câu định nghĩa về triết học của ông”Triết học tìm hiểu vật thể xét theo vật thể là cái gì”. Tiếp ngay đó câu trả lời lại càng làm cho khó hiểu phức tạp hơn bởi nó lại đưa ra một câu định nghĩa khác”Cái đó có nghĩa là vật thể tính của vật tính là gì?”. Mặc dầu triết / khoa học Aristote rất chi hàm hồ như thế nhưng nó vẫn được sùng thượng cho mãi tới thời Gallileo mới chấm dứt. Trong suốt thời kỳ này, câu hỏi vật thể tính là gì vẫn phải đeo dính với triết học để rồi chẳng một ai biết thế nào là”vật”. Dẫu vậy, cứ xét trên phương diện lý luận thì có thể định nghĩa”vật”bao hàm trong bốn nguyên nhân không thể tách rời đó là : thể chất, mô thức, tác thành và chủ đích. Trong đó thể chất chính là”vật”. Quan điểm về”vật”như vậy vẫn cứ mù mờ cho tới thời của Isaac Newton (1642-1727) với học thuyết”cơ học”mới thực sự được khai thông. Theo thuyết này thì tất cả hiện tượng trong thiên nhiên đều vận động theo một cơ chế vận hành chặt chẽ gọi là”vạn vật hấp dẫn”. Vũ trụ là một hệ thống cơ giới khổng lồ, từ các thiên thể lớn lao như mặt trời, mặt trăng các ngôi sao cho đến những”hạt vật chất”đều hấp dẫn nhau trong một thế tương tác chặt chẽ (lực trọng trường) có thể tính toán trước bằng các phương trình toán học. Theo quan điểm của Newton thì cái nền của vật chất chính là các”hạt vật chất”được Thiên Chúa tạo nên”Tôi cho rằng có lẽ mới đầu CHÚA tạo vật chất bằng những hạt cứng chắc dầy đặc, không thể xuyên qua, di động với dạng hình với tính chất và tương quan nhất định với không gian. Phù hợp nhất với mục đích mà Ngài muốn tạo ra và những hạt đơn giản này là thể rắn cứng hơn bất kỳ vật thể xốp nào khác, chúng cứng đến độ không bao giờ hao mòn không vỡ, không có một lực nào có thể chia cắt nó. Vật mà trong ngày đầu tiên Chúa đã sáng tạo”(Fritjof Capra- Đạo của vật lý).“Vật”Theo quan điểm của Newton vật chất thuộc thể rắn và nhỏ đến độ không thể phân chia. Có thể nói”vật”ở đây chính là một thứ dạng”nguyên tử”trong lý thuyết của Democrite (460-370). Dù nhỏ không thể phân chia thế nhưng”vật”vẫn có một vị trí trong không gian(thể rắn).”Vật”dưới cái nhìn thường nghiệm chẳng hạn như trái núi …hạt cát, con vật …thì sự hiện hữu của chúng là hiện hữu bởi giác quan(thấy nghe, nếm ngửi, xúc chạm..).Còn”vật”trong vật lý cổ điển thì không hiện hữu bởi giác quan thô phù nhưng là bởi Ý(suy tư, lý luận).Dù hiện hữu bởi giác quan thô phù hay bởi Ý thì ‘vật”vẫn cứ là”vật”. Điều này khác hẳn với quan điểm của vật lý mới =“vật”không hề hiện hữu như là ‘vật”

    2/-”VẬT”theo quan điểm của vật lý mới

    Vật lý cổ điển cho rằng”vật”là những hạt nguyên tử rắn chắc không thể phân chia. Điều ấy cho thấy”vật”có một tự thể và tự thể này hoàn toàn độc lập với không gian và thời gian. Nói cách khác không gian đối với”vật”chỉ là một khoảng không hoàn toàn trống rỗng, còn thời gian thì cũng không thể có bất cứ ảnh hưởng gì trên”vật”.Nếu thời gian mà có ảnh hưởng trên”vật”thì”vật” làm sao mà có thể rắn chắc, không thể chia phân được nữa ? Tính chất độc lập của”vật”đã đặt vật lý học cổ điển ở vào thế “TĨNH”hoàn toàn trái ngược với thế”ĐỘNG”của vật lý mới. Lịch sử tư tưởng nhân loại ghi dấu ba cuộc cách mạng lớn= Một là thiên văn học với Corpecnic, hai là sinh vật học với Darwin và ba là vật lý học với Albert Einstein(1879- 1955) Tính chất cách mạng trong vật lý học ở chỗ Einstein là người đầu tiên trên thế giới đã chỉ ra rằng vật thể (khối lượng) không là gì khác hỏn là một dạng của năng lượng. Khi vật thể tan biến hết mức thì đó là năng lượng. Ngược lại khi năng lượng cô đọng (tụ hội) lại hết mức thì nó là vật thể. Sự biến đổi từ vật chất biến thành năng lượng được diễn tả bằng công thức nổi tiếng sau đây: E=MC 2 trong đó E là năng lượng, M là khối lượng và C là vận tốc ánh sáng. Khi khối lượng (vật) được phóng đi với vận tốc ánh sáng 300.000 km/giây thì nó sẽ biến thành năng lượng.

    Để có được sự chuyển hoá này thì điều kiện tiên quyết là ‘vật”không thể hiện hữu ở cái thể rắn chắc như trong vật lý cổ điển . Đồng thời cũng chẳng ở cái dạng”hạt”dù rằng”hạt”chỉ nhỏ bằng 1/100.000. nguyên tử.Sự hiện hữu của”vật”nếu có thể nói thế, nó vừa ở dạng hạt lại vừa ở dạng sóng. Ở dạng hạt thì nó là”vật”còn ở dạng sóng thì nó lại là”Trường”. Hiểu như vậy thì giữa”vật”, không gian và thời gian có một mối liên hệ vô cùng khăng khít, không khi nào có”vật”mà lại không có không gian, thời gian đi liền.Việc tách không, thời gian với vật thể,giữa vật giới( vật chất) với lý giới (thế giới tinh thần) là một sai lầm nghiêm trọng của vật lý cổ điển, đồng thời cũng là của Siêu Hình Học Tây phương từ bấy lâu nay.

    Nếu”vật”chỉ được quan niệm như là “vật”dẫu ‘vật”ấy có là…nguyên tử đi nữa thì nó vẫn cứ còn là thể”TĨNH”. Nói một cách chính xác hơn thì cái gọi là”vật”ấy thuần tuý chỉ là một thứ khái niệm chết khô của duy lý chẳng hề dính dáng chi tới thực tại luôn là cái biến chuyển (ĐỘNG) không một phút giây nào ngừng.”VẬT”của vật lý hiện đại luôn gắn chặt với không gian, thời gian để làm nên một tiến trình và trong tiến trình ấy có một yếu tố không thể thiếu đó chính là TÂM.



    §4 - TỪ VẬT LÝ HỌC ĐẾN TÂM LINH HỌC




    Triết học Hy lạp ngay từ đầu đã có sự lẫn lộn giữa vật lý học với siêu hình học đến nỗi có học giả đã nói cách giễu cợt rằng “vật lý học của Aristote là một thứ vật lý học siêu hình và siêu hình học của ông lại là siêu hình học vật lý” (xem T.T.Đỉnh. Triết học hiện sinh) Lý do khiến đưa đến có sự mập mờ lẫn lộn giữa siêu hình học và vật lý học như thế là vì cái gọi là vật lý học ấy trong thực chất cũng chỉ là một thứ tri thức luận có nghĩa thuần là lý thuyết. Chính bởi đó mà vật lý học (Physica) còn có tên khác là Thiên nhiên học (Natura physica). Tuy gọi là Thiên nhiên học nhưng lại không hề học về thiên nhiên (vật) mà lại về Thiên nhiên tính với những câu hỏi đại loại như “Làm thế nào một sự vật lại có thể cứ mãi là nó như thế mà đồng thời vẫn chấp nhận được những thuộc tính khác nhau đôi khi còn đối lập nhau nữa ?(L.T.Nghiêm. SĐD) Nguyên nhân khiến cho vật lý học cứ phải gắn liền với siêu hình học như thế bởi chưng còn thấy “có vật” dù “vật”ấy chỉ là nguyên tử rắn chắc không thể phân chia. Một khi đã thấy”có vật”thì đương nhiên phải tìm cho nó một cái nguyên nhân và việc tìm ấy người ta gọi nó là siêu hình học, đệ nhất triết học, khoa học Thánh, Thần học v.v…Đang khi ấy với nền vật lý hiện đại người ta đã khám phá ra rằng”vật”không còn là”vật”mà là năng lượng. Điều này không thể không khiến cho toàn bộ Siêu hình học Tây phương tồn tại trong bấy lâu nay lâm cơn khủng hoảng và rồi đi đến chỗ sụp đổ

    Một nền Siêu Hình Học được xây dựng dựa trên nền tảng của”vật”tức vẫn còn ở trong phạm vi”TĨNH CHỈ”= Vật luôn chỉ là vật mà không thể là”phi vật”. Núi chỉ là núi mà không thể là”phi núi.”Người chỉ là người mà không thể là”phi người”.. Trái lại khi vật không phải vật mà là năng lượng thì trái núi kia có thể được nổ mìn phá ra thành những viên đá lót đường, có thể nghiền nát để làm ximăng hoặc đục đẽo để thành tượng Phật, tượng Chúa v.v….. Còn cái gọi là”Người”đây cũng không phải cứ mãi là “người”mà có thể là quỷ, là Thần, là Thánh một ngày nào đó. Bất cứ một nền Thần học nào còn thuộc loại”TĨNH”như thế đều chỉ có thể sản sinh ra những khái niệm chết khô chẳng liên quan gì tới Thực Tại là cái biến chuyển không ngùng. Sự biến chuyển ấy dĩ nhiên không phải chỉ có tính cách vĩ mô nhưng nó diễn ra ngay trong lòng mỗi một nguyên tử”Thí nghiệm Rutherford cho thấy nguyên tử không hề là những hạt nhỏ không thể phân chia mà chỉ là không gian trống rỗng trong đó những hạt li ti vận động. Rồi bây giờ thuyết lượng tử lại còn cho rằng bản thân những hạt đó cũng chẳng cứng chắc gì cả theo nghĩa của vật lý cổ điển. Những đơn vị hạ nguyên tử là một cấu trúc trừu tượng với thuộc tính hai mặt. Tuỳ theo chúng ta nhìn chúng như thế nào mà chúng xuất hiện khi là hạt khi khác là sóng. Ánh sáng cũng xuất hiện hai mặt, khi là sóng điện từ khi thì xuất hiện như hạt”(Fritjop Capra – Sđd)

    Ở đây ta thấy với cái nhìn thấu thị của vật lý học hiện đại thì nền tảng của vật chất không phải là những hạt rời rạc không thể chia phân mà tất cả đều dung thông với nhau trong một tổng thể duy nhất. Sở dĩ có được sự dung thông ấy là vì bản thân cái gọi là hạt ấy chỉ là một không gian trống không. Nếu bản thân các hạt đã trống không thì toàn thể vạn vật cũng trống không. Trống không ở đây không phải là không có gì hết(ngoan không)nhưng là không có tự thể (vô tự tánh, vô ngã). Chính bởi không tự thể mà muôn sự muôn vật mới có thể hiện hữu. Trái núi vì không có tự thể nên mới có thể dung thông được với suối nguồn, rừng cây, chim muông đủ thứ. Con sông vì không có tự thể nên mới có thể dung thông được với từng bầy cá lội nhởn nhơ, còn thuyền bè thì ngược xuôi trên đó. Muôn sự muôn vật đã vậy thì con người cũng thế cũng hoàn toàn không có tự thể. Thân thể bao gồm lục phủ ngũ tạng, nếu mỗi tạng đều có tự thể. Tim chỉ biết có mình, gan ruột phổi phèo …. cũng thế thì làm sao mà các cơ quan ấy có thể dung thông với nhau để chúng ta có thể sống? Đây là xét về mặt thể chất thô phù, còn về phương diện tâm linh vi tế lại còn phức tạp hơn rất nhiều. Nếu ai cũng cứ theo ý riêng mình thì làm sao mà có thể đi đến chỗ cảm thông, hoà hợp hoà giải với nhau được ? Sự sống dù là loài vô tình hay hữu tình suy cho cùng hết thảy đều có sự hoà hợp. Sự hoà hợp ấy gọi là hợp với lẽ ĐẠO. Hợp với trời thì sống, trái với trời thì chết(Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong) Sống cách sao để “Thuận thiên tức hợp với CHÚA, biết vâng theo Thánh Ý Ngài đó là tất cả yếu quyết của khoa học tâm linh đồng cũng là của ĐẠO CHÚA”Mọi sự đều ra từ Đức Chúa Trời, Ngài đã nhờ Đức Kitô mà khiến chúng ta hoà lại với NGƯỜI và giao cho chúng ta chức dịch giải hoà”2C. 5,18. Mục đích xuống thế của Đức Kitô là để cho con người hoà lại với THIÊN CHÚA, Nói đến hoà lại tức có nghĩa trước đó đã có sự bất hoà và sự bất hoà ấy đã khởi sự từ Adam nguyên tổ khi cố tình ăn trái cấm”ĐCT phán dạy rằng ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết phân biệt điều thiện điều ác thì chớ có hề ăn đến,. Vì một mai ngươi ăn đến chắc là phải chết”STK, 2, 16-17. Trái cấm là biểu tượng cho sự phân biệt, còn Vườn Địa Đàng là Tâm Vô Phân Biệt. Khi tâm khởi phân biệt là lúc phải rời khỏi Địa Đàng để bước vào chốn gian trần khổ ải “Đất sẽ sanh chông gai, và cây trái đắng đót”STK, 3, 18. Tâm vô phân biệt cũng tức là cái tâm trẻ thơ(xích tử chi tâm) và đồng thời cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại chỉ có thể được dành cho con trẻ”Cha ơi, Cha là CHÚA trời đất. Con cảm tạ Cha vì Cha đã giấu những điều này (mầu nhiệm Nước Trời)với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải Cha ơi, vì như vậy đẹp lòng Cha.”Mt 11, 25-27.

    Tại sao mầu nhiệm Nước Trời chỉ mở ra cho con trẻ mà đóng lại với những kẻ khôn ngoan thông sáng ? Bởi vì con trẻ thì đơn sơ trong trắng, dễ tin, dễ nhận, trái lại những kẻ khôn ngoan thì cậy vào tài trí của mình, đức tin không thể triển nở, do vậy ngã chấp ngày càng sâu dày. Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu (Deus Abconsditus) nhưng lại ẩn giấu ở nơi ta, phải bỏ “Cái Ta”đi thì mới có thể gặp được Ngài.Bỏ dược chừng nào thì CHÚA hiện chừng ấy, không bỏ thì không có cách chi gặp được. Chỉ khi nào bỏ hết ‘Cái Ta”đi thì khi ấy mới gọi là Thấy Chúa cũng tức là Sự Sống Đời Đời ở nơi chính mình”Sự sống đời đời là nhận biết CHA, (Kiến Tánh) tức Chân Thần Duy Nhất cùng GiêSu Kitô mà CHA đã sai đến”Ga, 17,3. Ai cũng biết theo Chúa thì phải”bỏ mình”tức bỏ cái TA đi, thế nhưng việc ấy vô cùng khó khăn bởi vì nó đã đụng chạm đến cái phần thâm sâu của bản ngã. Theo CHÚA thì giống như cái việc chèo nước ngược ắt sẽ không khỏi bị thế gian cho là khờ là dại. Tuy nhiên đường lối CHÚA là vậy không thể có cách nào khác “Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng do sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT cho nên ĐCT vui lòng dùng sự ngu dại của Đạo chúng ta để rao giảng mà cứu rỗi những kẻ tin”1C, 1-2 Chúa chỉ có thể cứu những kẻ tin, bởi đó Đạo Chúa cũng còn gọi là Đạo Đức Tin (Rm 10,8)

    §5 - ĐẠO ĐỨC TIN




    Thế gian cậy sự khôn ngoan mình tức cậy vào lý trí, vào khoa học để hòng nhận biết Thiên Chúa. Thế nhưng lý trí chỉ là cái khả năng kết luận (la raison est le pouvoir de conclure) có nghĩa nó chỉ nhắm đến cái phải có chứ chẳng quan tâm gì đến khía cạnh thực tại. Thiên Chúa mà thần học duy lý tưởng là mình nhận biết ấy thực chất chỉ là một thứ ý tưởng về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa đúng như thực tại Ngài là. Về phần khoa học cũng chẳng hơn gì, cũng là ý niệm nhưng mang màu sắc phiếm thần. Einstein cha đẻ của thuyết Tương Đối trong tác phẩm”Những năm tháng cuối cùng của đời tôi”đã nêu quan điểm của mình về tôn giáo thế này : Tôi tin vào Thượng Đế của Spinoza được biểu lộ trong sự hài hoà có quy luật của hiện hữu chứ không tin vào một Thượng Đế bận tâm với số phận và hành động của con người”

    Khôn ngoan thế gian chỉ có thể tạo ra một thứ Thiên Chúa của ý niệm và cũng chính là với thứ … Thiên Chúa loại ấy mà tôn giáo nói chung và nói riêng Thiên Chúa giáo trước mắt người đời đã bị đánh giá chỉ toàn là… độc hại. Bertrand Russel nói :”Tôi tin rằng các ảnh hưởng của tôn giáo là xấu, bởi vì người ta coi là quan trọng việc con người tin một điều gì đó vốn không có chứng cứ xác đáng mà điều này làm tư duy của mọi người sai lệch làm biến dạng hệ giáo dục và theo tôi nghĩ tạo ra một học thuyết đạo đức hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt là ý tưởng theo đó tin một số điều là đúng còn tin một số điều khác là sai mà không căn cứ vào một tra vấn xem những điều đó đúng hay sai. Trong cái cốt yếu tôi nghĩ rằng tôn giáo đã gây ra rất nhiều tổn hại”(Karl Heinz Weger. Phê bình tôn giáo qua các tác giả)

    Những lời phê phán nhắm vào Kitô giáo trên đây không thể nói là không chính xác. Điều cốt lõi của tôn giáo là đức tin, dẫu vậy không vì thế mà đức tin có thể bị áp đặt rằng phải tin điều này là đúng, điều kia là sai. Vả lại những điều được cho là đúng ấy thật ra nào có. .đúng chi đâu? Bằng cớ là đã có không ít những sai lầm mà ngay cả giáo hội cũng đã phải công khai nhìn nhận và xin lỗi, chẳng hạn như vụ Gallileo, vụ toà án dị giáo v.v…Tất cả những vụ việc ấy đã lui vào dĩ vãng, cũng chẳng nên khơi lại làm gì. Vấn đề quan trọng ở chỗ là cần phải nhìn nhận Đạo Chúa trên bình diện tâm linh xuất thế chứ không phải luân lý thế tục. Chính do bởi tính xuất thế ấy mà ta mới có thể nói tôn giáo với tín ngưỡng là một bởi cả hai đều dựa trên hai trụ cột là Tín và Ngưỡng.

    Có Tín mà không có Ngưỡng lòng tin ấy không chân thật. Trái lại chỉ có Ngưỡng mà không có Tín, thì sự ngưỡng ấy là vu vơ. Điều khiến cho niềm tin tôn giáo khác hẳn với cái gọi là lòng tin khoa học hay triết học ở chỗ một đàng thì có đối tượng, một đàng thì không. Đối tượng của niềm tin Kitô giáo chính là Đức Kitô, Đấng đã hiến thân chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Tin ai là tin vào lời nói của người ấy. Tin vào Đức Kitô có nghĩa là tin vào Lời của Ngài”Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với CHA mà không qua Thầy”Ga 14,6. Chúa nói Ta là đường, mà có đường thì phải đi, phải thực hiện. Có đi mới đến, cũng như có sống Lời Chúa thì mới có đức tin vào Chúa được. Ở đây có một vấn đề rất lớn đặt ra cho Thần học đó là = Đức Kitô trong câu trả lời với Thomas đã xác định một cách minh nhiên rằng Ngài là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha. Về sau Thánh Phao lô cũng đã nhiều lần nhắc lại chân lý ấy”Chỉ có một ĐCT và chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa ĐCT và loài người là Đức Giêsu Kitô cũng là người. Đấng ấy đã phó mình làm giá cứu chuộc mọi Cũng vì chứng cớ ấy mà ta đã được lập làm người truyền đạo và tông đồ.Ta nói thật không hề nói dối(ta) làm giáo sư cho dân ngoại đức tin về sự thật”1Tm 2, 5-7.

    Chỉ có Đức Giêsu Kitô Đấng Trung Gian duy nhất ấy mới có thể dẫn đưa con người đến với Chúa Cha chứ chẳng có thứ khoa học hay Thần học nào làm được điều ấy. Nếu bảo rằng lý trí có thể nhận biết được Thiên Chúa cách chắc chắn vậy thử hỏi còn đâu là công ơn cứu chuộc của Đức Kitô, chẳng lẽ sự hiến thân chịu chết của Ngài là vô ích sao ? Tin Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian duy nhất, Đấng Thiên sai từ trời xuống để cứu nhân độ thế đó phải là đức tin chân chính của mọi Kitô hữu. Tuy nhiên tin tưởng nơi Đức Kitô là tin vào điều gì ?Có hai điều trọng yếu cần phải tin. Một là tin vào Tin Mừng của Ngài và hai là tin tưởng vào Lời Hứa của Thiên Chúa.

    1/- Tin vào Tin Mừng của Đức Kitô.

    Hiện nay đang có chủ trương rao giảng một thứ Tin Mừng gọi là Tin Mừng về Đức Kitô. Tuy nhiên cần nhận định cho rõ Tin Mừng này không phải Tin Mừng mà Đức Kitô rao giảng nhưng là của thiên sứ dành cho các trẻ mục đồng”Thiên sứ bèn phán cùng họ rằng= đừng sợ, vì này ta báo cho các ngươi một tin mừng lớn, có quan hệ đến toàn dân. Ấy bởi hôm nay tại thành Davit đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Tinh, là Đức Kitô, là Chúa.”Lc 2, 10. Ngoài Tin Mừng này ra, còn có nhiều Tin Mừng khác nữa dành cho ông Zacarias, thân phụ của Thánh Gioan Baptit (Lc 1, 13.) Hoặc dành cho Đức Maria (Lc 1, 28) Lại có người còn nói đến Tin Mừng Phục sinh của bà Maria Madalena loan tin cho các tông đồ (Ga 20, 1. Tất cả các Tin Mừng này cũng đều là Tin Mừng nhưng hoàn toàn không phải Tin Mừng của Đức Kitô. Giữa Tin Mừng của Đức Kitô và Tin Mừng về Đức Kitô có sự khác biệt hoàn toàn. Một đàng nội dung Tin Mừng ấy nói về Đức Kitô. Một đàng Đức Kitô loan báo về Nước Trời. Để biện minh cho sự lẫn lộn này, thần học nêu quan điểm cho rằng Đức Kitô với Nước Trời là một. Đức Kitô là Nước Trời và Nước Trời cũng chính là Đức Kitô. Lập luận như thế, vô hình chung Thần học đã phủ nhận Đức Kitô không có rao giảng Tin Mừng. Đang khi ấy Chúa đã hơn một lần xác nhận rất rõ về sứ mạng của mình”Ta cũng cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác, Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến”Lc, 4, 43.

    Mục đích xuống thế của Đức Kitô xuống thế là để rao giảng Nước Trời và Nước Trời ấy là một mầu nhiệm nội tại”Người Pharisiêu hỏi Chúa GiêSu = Nước Trời chừng nào đến thì Ngài đáp rằng Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói được, đây này hay đó kia vì này Nước Trời ở giữa các ngươi”Lc 17, 20-21.

    Chúa nói Nước trời không đến cách mắt thấy được”có ý ám chỉ không thể thông qua con đường giác quan (lục căn) để mà nhận biết Nước Trời. Phần khác “đây này, đó kia,” tức thế giới hiện tượng. Đối với Nước Trời thì không thể nói”đây này, đó kia”bởi vì nó không thuộc hiện tượng giới “Nước Ta không thuộc thế gian này” Ga 18, 36. Nước Chúa không thuộc thế gian nhưng cũng chẳng phải là “cõi trời” trên chốn cao xanh mù mịt kia, bởi như Chúa nói nó..ở nơi tâm hồn của mỗi người.”Lòng” tức là Tâm nhưng Tâm này không phải cái tâm sinh diệt, thoạt vui, thoạt buồn, hờn ghen tham lam đủ thứ nhưng là Tâm Vô Phân Biệt thuộc bản thể giới bất sanh bất diệt.

    Nước Trời là nước ở trong tâm hồn của mỗi người, bất kể họ là Thánh hay phàm. Tuy nhiên không một ai, và cũng chẳng có cách chi nhận biết được nó ngoài ra đức tin và sự hoán cải “Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”Mc 1, 15. Thành tâm sám hối và tin vào Tin Mừng của Đức Kitô đó là hai điều kiện mấu chốt để bước vào Nước Trời mầu nhiệm. Giũa sự ăn năn sám hối và lòng tin vào Tin Mừng của Đức Kitô có một mối quan hệ sâu sắc. Càng nhận biết tội lỗi mình cùng với lòng sám hối bao nhiêu thì càng có được lòng tin vào Tin Mừng của Chúa bấy nhiêu. Ngược lại Nước Trời sẽ bị vùi lấp mặc dù Nước ấy”… vẫn ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức Đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây” Rm 10,8.

    2/- Tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa

    Phải nhận biết Kinh Thánh trong toàn bộ của nó bao gồm cả Cựu ước lẫn Tân ước đúng như Thánh Augustino đã nói “Tân ước giấu ẩn trong Cựu ước. Cựu ước tỏ hiện trong Tân ước”(Novum Testamentum in vetere latet et in Novo vetus patet) Toàn bộ KT ví như dòng sông mà Cựu ước là thượng lưu và Tân ước là hạ lưu. Thượng và hạ thông lưu với nhau trong một dòng chảy duy nhất và dòng chảy ấy chính là các giao ước. Có ba giao ước trọng đại nhất mà nếu không nhận ra tính chất thông lưu giữa cựu và tân thì tất sẽ không sao mà hiểu được các chân lý Thánh Kinh. Ba giao ước đó là giao ước hứa ban Đấng Cứu Thế (Stk 3, 15) giao ước ban Đất hứa (Stk 13, 14-15. và giao ước Dân riêng (Stk 12, 1-3) Cả ba giao ước này đều đã được thực hiện= Chúa Cứu Thế ra đời, giáo hội Tông Truyền được thiết lập và vô vàn vô số kẻ lành cùng các Thánh nhờ tin vào Lời Hứa mà đã được vào Đất Hứa Thiên Đàng hưởng phúc thanh nhàn đời đời.

    Mặc dầu không cùng huyết thống với người Do Thái nhưng tất cả những ai tin vào Lời Hứa cũng đều là cháu con của tổ phụ Abraham vì chưng trước hết Lời Hứa đã được ban cho ông”Bởi đức tin Abraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà chẳng biết mình đi đâu. Bởi đức tin người kiều ngụ trong XỨ đã hứa như trong xứ lạ. Ở trong trại với Isaac và Giacop là kẻ đồng thừa thọ cùng một lời hứa với mình. Vì người trông đợi một lời hứa có nền tảng mà Đấng kiến trúc và tạo lập thành ấy là ĐCT.” Dt 11, 8-10. Sống đức tin là sống trong niềm hy vọng. Bởi đó tổ phụ Abraham tuy ở trong xứ được Thiên Chúa hứa ban (Đất Canaan) nhưng vẫn như kiều dân trong xứ lạ. Người có Đạo bây giờ cũng vậy, thế gian đối với họ chỉ là chốn khách đầy. Thế nhưng đấy không phải là thái độ bi quan yếm thế nhưng chỉ là nhìn nhận một sự thật. Nói cách khác chính là với cái việc coi thế gian là chốn gian trần khổ ải mà đức tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa mới có thể khởi phát và triển nở. Còn như cứ muốn dựng xây Nước Trời tại thế thì Lời Hứa ấy thật vô nghĩa. Như đã nói, Đạo cũ (Cựu ước) và Đạo mới (Tân Ước) cần phải nhận ra được tính chất thông lưu của nó. Lời Hứa của Giehova TC cho tổ phụ Abraham cũng là một với Lời Hứa của Đức Kitô cho kẻ nào có đức tin vào Ngài”Khi Ta đi (chịu chết) để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trỏ lại đón tiếp các ngươi về với Ta. Hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đấy”Ga 14, 1-3

    Tin lời nói của người nào, đó tức cũng là tin vào chính con người ấy. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, tin Lời Hứa của Ngài tức là tin vào Ngài. Duy có điều là tin được Lời Hứa của TC thì rất chi là khó bởi nó vượt thoát khỏi tất cả những gì mà con người có thể cảm nhận hoặc nghĩ suy. Do bởi tính chất không thể tin được ấy mà thế gian đã phê phán tôn giáo và gán cho nó cái chức năng như là đền bù hư ảo, như là thuốc phiện của tầng lớp lao động bị áp bức bóc lột…..?

    Tin vào Lời Hứa tức là tin vào chính Thiên Chúa. Điều này khác hẳn với Thần học vẫn tự xưng là khoa học hiểu biết TC. Cái mà Thần học cố chứng minh cho sự hiện hữu của TC trước sau vẫn chỉ là sản phẩm của não trạng nhị nguyên phân biệt, càng suy tư lý luận bao nhiêu thì càng xa cách Thiên Chúa bấy nhiêu. Trái lại tin vào Lời Hứa thì ngày càng khiến cho ta được gần gũi kết hợp với Ngài. Cũng bởi đó Ngài đã ban cho chúng ta Lời Hứa vô cùng quý báu mà ‘ Hầu nhờ đó anh em được dự phần Thần Tánh vì đã thoát khỏi sự hư nát của thế gian do tư dục mà ra”2P 1, 4.


    §6 - ĐẠO GIẢI THOÁT




    Lời Hứa của của Thiên Chúa sở dĩ vô cùng quý báu bởi đã khiến cho con người được dự phần Thần Tánh. Thần tánh hay Thiên tánh, Thượng đế tánh, Phật tánh…chính là tánh bổn nhiên vốn vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người. Đây là Sự Thật lớn lao mà Đức Kitô nói những ai nhận biết nó thì ắt sẽ được giải thoát”Nếu các ngươi cứ ở trong Đạo của Ta thì thật là môn đệ của Ta. Các ngươi sẽ được biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi”Ga 8, 31-32.Mặt khác chúng ta biết Đạo Chúa là đạo Tình Yêu, ai ở trong Tình Yêu là ở trong sự thật và là Con Thiên Chúa, được sinh ra bởi Thiên Chúa”Chúng ta hãy thương yêu lẫn nhau, vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa” 1Ga 4, 7.

    Nhận biết mình là Con Thiên Chúa tức nhận biết sự thật và chính sự thật ấy sẽ giải thoát ta chứ chẳng phải Đấng thần linh nào khác. Tại sao nhận biết mình là Con Thiên Chúa lại được giải thoát ? Đó là vì từ muôn thuở con người đã được tạo dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa nhưng bởi vương mang tội nguyên tổ nên đã phải sống cái kiếp của thân nô lệ. Vốn dĩ là Con Thiên Chúa lại chấp mê mình là cái xác thân ô trọc này để rồi chuốc lấy mọi thứ lo lắng hãi sợ. Sợ đói khát, ốm đau, bệnh tật, túng nghèo, cô đơn bị ruồng bỏ v,v và cuối cùng là sợ chết. Đức Kitô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời mầu nhiệm nội tại cũng là để cho con người dễ dàng quy hướng về sự thật Con Thiên Chúa ấy. Thế nhưng quả là khó biết bao để nhận biết Sự Thật. Chúa GiêSu đã làm không biết bao nhiêu là phép lạ cả thể, đã được khen ngợi là Đấng khôn ngoan thông thái không ai bằng, là tiên tri lớn của mọi thời đại,rằng TC đã viếng thăm Dân Người (Lc 7, 16) v.v..Ấy vậy Ngài mới chỉ xưng mình là Con TC mà đã bị quần chúng ném đá gán cho cái tội lộng ngôn phạm thượng”Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài, Chúa Giêsu nói= vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp = chúng tôi ném đá ông không phải vì ông đã làm điều lành cho chúng tôi, nhưng vì ông đã phạm thượng= ông là người phàm mà lại dám xưng mình là Thiên Chúa. Ngài đáp”Trong luật pháp(KT) của các ngươi há chẳng chép rằng = Ta đã nói các ngươi là Thần (TV 82, 6) hay sao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là Thần, mà KT không thể bãi bỏ được thì Ta đây là Đấng đã được biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con TC, cớ sao các ngươi lại nói rằng Ta lộng ngôn ?”(Ga 10, 31- 36.)

    Chúa GiêSu là Con Thiên Chúa và mỗi người chúng ta cũng vậy, không hề khác một mảy. Chỉ duy có điều khác biệt, đó là Chúa thì biết rõ điều ấy, còn phàm nhân chúng ta thì không. Bởi mê chấp không biết thế nên con người cứ mãi lăn lóc trong khổ. Khổ lại không biết tìm đường thoát khổ thế nên cứ mãi sống trong khổ, thật đáng thương. Đạo Chúa mặc dầu là đạo thoát khổ nhưng sẽ chẳng thể thoát nếu không hết lòng tìm kiếm. Có tìm mới gặp…(Lc 11, 10) không tìm thì không bao giờ có thể gặp. Tuy nhiên việc tìm kiếm này không phải là tìm cái chi đó ở bên ngoài mình. Còn tìm cái ở bên ngoài mình là vẫn còn mê, dù cái đó có được gọi là Thần là Thánh đi nữa. Tại sao vậy ? Bởi vì cái Bản Tánh Con Thiên Chúa ấy vẫn hằng hữu, là một với mình, chỉ cần quay về là gặp chứ cần gì phải tìm, phải kiếm ở đâu khác nữa ?Còn theo đuổi tìm kiếm những cái ở bên ngoài mình thì cái tìm được ấy nếu không là ác dữ thì cũng chỉ là những thứ phù phiếm mộng ảo chẳng một chút ích lợi gì cho phần giải thoát tâm linh”Mỗi người trong các ngươi hãy từ bỏ đường dữ mình mà trở lại. Hãy bỏ điều ác của việc làm mình và ở trong “ĐẤT” mà Đức Giêhova đã ban cho các ngươi và tổ phụ các ngươi từ ngàn xưa cho đến đời đời”(Jr 25, 4-6)

    Ở trong “ĐẤT” mà GiêHova Thiên Chúa hứa ban thì “ĐẤT” ở đây ám chỉ cho Bản Tâm mỗi người, đồng thời cũng chính là Thiên Tính là Thiên Chúa Tình Yêu là Sự Thật. Hiểu như thế thì ở trong “ĐẤT” tức là quay về và sống với Bản Tâm Vô Phân Biệt ở nơi mình. Tâm phân biệt hướng ra bên ngoài tìm cầu ở nơi hiện tượng giới đó là tâm mê. Với tâm mê này con người dong duổi trên khắp các nẻo tham sân si, để rồi gánh chịu mọi hậu quả do nó gây ra. Nói tóm lại một khi đã sống trong mê lầm người ta giống như ở trong đêm tối mịt mờ không còn biết đâu là trái phải lành dữ, phúc tội nữa. Càng cố bước đi lại càng dấn sâu hơn vào vô minh tăm tối cho đến khi sa hầm sụp hố mà vẫn tuyệt nhiên không hề hay biết. Tôn giáo được lập ra không ngoài mục đích để dẫn đưa con người thoát khỏi mê lầm hầu bước đi trên con đường giải thoát. Tuy nhiên cũng tuỳ hoàn cảnh, điều kiện căn tánh khác nhau mà ta thấy tôn giáo xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể là Phật giáo tiểu thừa, đại thừa, Tịnh độ tông, Công giáo v.v….. Mặc dầu với biết bao nhiêu là khác biệt về hình thức như thế nhưng cái điều cốt yếu khiến cho tôn giáo khác hẳn với khoa học và với triết học ở chỗ = một đàng thâu tóm tri thức, một đàng tạo lập nhân lành để được hưởng quả lành. Là tôn giáo mà lại tự đồng hoá với triết học, điều ấy khiến cho con đường tâm linh không thể không lâm vào ngõ cụt bế tắc. Muốn tìm lối thoát, nhất thiết cần phải nhìn nhận tôn giáo trong ý hướng gây nhân tạo quả.

    §7 - ĐẠO CHÚA VỚI ĐỊNH LUẬT NHÂN QUẢ




    Hiện nay nơi một số tư gia và ngay cả trong Thánh Đường, người ta trưng bày tượng Chúa Phục sinh thay cho tượng chịu nạn. Gọi là Phục Sinh nhưng Chúa vẫn đứng trên thập giá cùng với các dấu đanh trên hai tay hai chân, chỉ có đầu thì không đội mão gai (có nhà thờ lại thay mão gai bằng chiếc mũ …vuông của linh mục ngày xưa) Tại sao lại có sự thay đổi như vậy ? Đó là do bởi quan niệm cho rằng = Thập giá là biểu tượng của khổ đau mà khổ đau cũng đồng nghĩa với ….thất bại ? Một tôn giáo như Kitô thì không thể để lâm vào tình cảnh như vậy được…Đây là một vấp phạm và sự vấp phạm này đã được tiên tri Simeon báo trước, khi Chúa vừa được dâng vào đền thờ”Con trẻ này đã được lập để khiến cho nhiều người trong Itsraen té ngã hoặc đứng dậy”Lc 2, 34- 35.

    Đạo Chúa là Đạo Tình Yêu, đồng thời cũng là Đạo Thập giá bỏ mình (Mt 16, 24) Tình yêu và thập giá luôn phải gắn chặt với nhau. Bỏ đi điều này ắt sẽ không thể có điều kia. Tuy nhiên làm bất cứ việc gì, kể cả tâm linh, con người cũng cần phải biết được cái ích lợi của nó. Phêrô là con người bộc trực, ông đã không ngại ngần hỏi thẳng Chúa GiêSu”Này, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy thì chúng tôi sẽ được cái gì ? Mt 19, 27.Đạo Chúa suy tôn thập giá và cũng rao giảng thập giá”Vì tôi đã quyết định rằng ở giữa anh em tôi chẳng biết sự gì khác ngoài GiêSu Kitô chịu đóng đinh trên cây thập tự giá”1C 2, 2. Suy tôn rao giảng thập giá nhưng cứu cánh mà Kitô giáo nhắm đến không phải là khổ đau, bởi như thế thật là lố bịch, nếu không muốn nói là một thứ …khổ dâm (Sadisme). Nếu không chủ trương khổ đau chỉ để khổ đau, vậy thì đâu là cứu cánh? Đây, ta hãy nghe tiếp câu trả lời của Đức Kitô cho Phêrô “Qủa thật Ta nói cùng các ngươi, đến kỳ phục hưng là khi Con Người ngự trên ngai vinh hiển Ngài thì các ngươi là kẻ đã theo Ta cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi mà xét đoán mười hai chi tộc Itsraen. Hễ ai vì Danh Ta mà bỏ nhà cửa anh em chị em cha mẹ con cái đất ruộng thì sẽ lãnh được gấp trăm lần hơn và thừa thọ sự sống đời đời”(Mt 19, 28-29)

    Lợi ích cứu cánh của đạo là Sự Sống Đời Đời và Sự Sống ấy chỉ có thể đạt được thông qua con đường từ bỏ. Nói theo lý nhân quả thì từ bỏ là nhân, còn Sự Sống Đời Đời là quả. Chính bởi Abraham đã từ bỏ nên mới nhận được Lời Hứa của TC Giêhova cho vào Đất Hứa. Đồng thời cũng vì vâng lệnh truyền giết đứa con thừa tự mình (Stk 22, 16-18) nên ông đã trở thành tổ phụ của Dân Riêng TC đông đảo dường này. Sự từ bỏ trong thời Cựu chỉ tỏ hiện trong Tân Ước với Đức Kitô khi Ngài đưa ra những mệnh lệnh triệt để hơn, đó là từ bỏ chính mình”Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta, không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai hoặc con gái hơn Ta, không đáng cho TA. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì chẳng đáng cho Ta. Ai muốn tìm mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được”Mt 10, 37- 39.

    Lời Chúa đây chẳng những khó hiểu mà còn không thể chấp nhận được trong cái thời tục hoá này. Nhưng đó lại là thực tế diễn ra thường ngày mọi nơi mọi chốn. Muốn tìm mạng sống mình ám chỉ cho những kẻ mải mê theo đuổi con đường giàu có danh vọng quyền lực. Tất cả những thứ đó chỉ như sương sớm mây chiều, có đó rồi liền mất đó nào có ra chi..? Tưởng là được đó nhưng thật sự là mất, chỉ những kẻ dại khờ mới chạy theo bám víu vào nó thôi. Sở dĩ thế gian mải miết tìm kiếm những thứ phù du ảo ảnh đó, bởi cho chúng là thật. Nhưng với Chúa là Đấng tuệ trí khôn ngoan, Ngài rõ biết tính chất hư giả của chúng, nên đã thiết tha mời gọi con người theo Ngài để tìm kiếm Sự Thật, tức con đường siêu xuất thế gian để được sống sự sống đời đời. Xuất thế có nghĩa là từ bỏ, và từ bỏ cũng chính là xuất thế. Dẫu vậy xuất thế không có nghĩa là phải rời bỏ đời sống tục luỵ này để ẩn mình trong rừng sâu núi thẳm. Hoặc lánh vào dòng tu kín cổng cao tường ăn chay hãm mình phạt xác nhưng tất cả chỉ hệ tại ở sự bỏ mình, tức bỏ ý riêng mình đi. Về việc”bỏ mình”này Thánh Benado đã có một lời thấu triệt “Không sự gì, cũng không ai có thể làm ta xa cách Thiên Chúa, dù cả loài người dù cả các quỷ trong hoả ngục hợp lại. Không một sự gì có thể chỉ trù ý riêng thôi. Giả sử trong loài người khỏi được cái tai vạ này= không còn ai theo ý riêng, tất sẽ không còn hoả ngục. Nó là kẻ thù phá tiệt mọi nhân đức”.Ý riêng sở dĩ là tai vạ của loài người bởi chưng nó chính là tội nguyên tổ và mưu chước của Satan”Đứa lừa dối cả và thiên hạ”(Kh 13, 9.) Tính chất dối lừa của Satan ở nơi sự đối đãi phân biệt= thấy có ta, có người (nhân ngã) thấy có thấy không (thị, phi) thấy thiện thấy ác… giàu nghèo sang hèn tốt xấu v.v…Một khi còn thấy có ta có người …như thế thì hết thảy mọi việc mọi sự đều vì ý riêng mình mà làm, kể cả việc đọc kinh cầu nguyện. Thánh Ignatio de Loyola nói”Trong số một trăm kẻ nguyện ngắm thì có tới chín mươi chín người chỉ nguyện ngắm theo ý riêng mình”(Thánh Alphongso Sđd) Còn việc ăn chay cũng vậy”Trong cái ngày bay ăn chay Ta chỉ thấy bay làm vì ý riêng bay”(Is 58, 3.) Cũng vì ý riêng mình mà người ta cứ nói hết ngày này sang ngày khác = đại kết, đại kết…đại kết mà thực tế chỉ thấy phân hoá rẽ chia. Vì ý riêng mình mà người ta tổ chức hết cuộc hoà đàm này tới hội nghị kia nhưng hoà bình chẳng thấy đâu chỉ thấy chiến tranh, khủng bố ngày càng nhiều, càng dữ…Nhân nào thì quả đó, làm sao tránh thoát được ? Cái nhân mà Chúa muốn con người thực hiện đó là xuất thế, là từ bỏ mình đi chứ không phải cứ bám riết lấy cõi trần ô trọc này để rồi”cái tôi”cứ ngày càng phình chướng ra mãi”Chớ tưởng Ta đến ban hoà bình trên đất này. Ta đến không phải để ban hoà bình đâu, bèn là gươm giáo”(Mt 10, 34.) Hoà bình thực sự chỉ có khi nào tâm thức hoà bình, tâm có bình thì thế giới mới bình, tâm một khi đã loạn thì thế giới không thể không loạn, để rồi sẽ đi đến chỗ tự huỷ diệt….Sự huỷ diệt tưởng là đến tư thiên nhiên bên ngoài như hạn hán, lũ lụt, động đất, núi lửa nhưng thật ra nó đã được phát khởi từ chính cái tâm tham lam ác độc của con người mà ra = đào núi, phá rừng, lấp biển, múc cát dưới các lòng sông khai thác mỏ quặng v.v. và v.v….khiến cho môi trường sống của con người và muôn loài bị phá huỷ nghiêm trọng. Chung quy hết thảy cũng chỉ vì ý riêng thôi và như thế tất cả đều bị Satan lừa dối thống trị”Nó mở miệng nói lộng ngôn cùng Thiên Chúa, lộng ngôn đến Danh Ngài, Nhà Trại (giáo hội)Ngài cùng các Thánh ở trên Trời. Nó được phép giao chiến cùng các Thánh tông đồ và đắc thắng. Nó cũng được quyền bính trên các chi phái, các dân, các ngôn ngữ, các quốc gia. Hết thảy các dân trên mặt đất này đều thờ lạy nó tức là những kẻ không có tên ghi trong Sách Sự Sống của Chiên Con đã bị ghét từ buổi sáng thế. Ai có tai hãy nghe, nếu ai bắt người ta làm phu tù nấy hẳn sẽ bị làm phu tù. Nếu ai giết người ta bằng gươm giáo nấy hẳn sẽ bị giết bằng gươm giáo. Đây là sự nhẫn nại đức tin của các Thánh đồ”(Kh 13, 6- 10.)

    Thị kiến trong sách Khải Huyền chủ yếu nói về cuộc chiến giữa giữa rắn Satan và Đức Maria tức Người Nữ đã được tiên báo trong Sách Sáng Thế (Stk 3, 15). Chiến trận càng đi vào hồi kết cục càng trở nên ác liệt và dường như thế lực của Hoả Ngục đang trên đà thắng thế. Mặc dầu vậy vẫn còn đó Lời Hứa của Đức Kitô cho giáo hội của Ngài “Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phêrô Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên tảng đá này và cửa Hoả Ngục cũng chẳng thắng được nó”Mt 16, 18). Một khi Chúa đã hứa thì chúng ta tin điều ấy ắt là phải vậy. Tuy nhiên để có thể thắng được cuộc chiến gay go, cuộc chiến mà nó diễn ra không phải giữa các phàm nhân bèn là với các bá chủ của đời tối tăm cùng với lũ tà linh ác độc ở thiên không (thiên ma)(Eph 6, 12.) thì không thể thiếu được vai trò làm Mẹ của Đức Maria.


    §8 - ĐỨC MARIA TRONG VAI TRÒ LÀM MẸ




    Triết học và khoa học cả hai đều khác biệt triệt để với tôn giáo ở nơi mục đích của nó. Triết học tìm kiếm tri thức, tôn giáo giải trừ tri thức. Khoa học khám phá thiên nhiên, tôn giáo trở về với thiên nhiên.. Công việc trở về này dù là Đông hay Tây dù Đạo học hay tâm linh cũng đều không khác. Minh triết Đông phương phát biểu ‘ Trí hư cực thủ tịnh đốc. Vạn vật tịnh tác. Ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân. Các phục quy kỳ căn. Quy căn viết tịnh. Thị vi viết phục mạng. Phục mạng viết thường”(Đến chỗ cùng cực hư không là giữ vững được trong cái tịnh. Vạn vật cùng đều sinh ra. Ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi, mọi vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ gọi là tịnh. Ấy gọi là phục mạng. Phục mạng gọi là”Thường”(Lão Tử ĐĐK chương 16)Phục mạng có nghĩa là trở về với bản tính mình. Đạo Phật gọi bản tính ấy là Phật, còn Đạo Chúa thì Đức Kitô gọi TC là Cha. Thiên Chúa là Cha của Đức Kitô và cũng là Cha của hết thảy mọi người, không ai mà không được sinh ra bởi Đấng Cha ấy”Vì cả Đấng làm nên Thánh lẫn những kẻ được nên Thánh đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài cũng không thẹn mà gọi họ là anh em”Dt, 2, 12.

    Là anh em với Chúa Giêsu. Sự ấy nói lên điều gì nếu đó chẳng phải hết thảy những người được ơn gọi làm Con Chúa thông qua bí tích rửa tội đều là con cái của Đức Maria ?Lần kia Đức Mẹ nói với Thánh Gietrude”Giêsu con rất dịu dàng của Mẹ không là con độc nhất (unigenitus) nhưng thật là con đầu lòng(Primo genitus) Vì Mẹ đã thụ thai Ngài đầu hết trong dạ. Nhưng sau Ngài, đúng hơn bởi Ngài Mẹ Đã thụ thai tất cả khi nhận chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con nên anh em Ngài. Đồng thời là là con của Mẹ(Mv Bernadot- Op Mẹ trong đời tôi).

    Vai trò làm Mẹ của toàn thể con cái Thiên Chúa đã được xác định ngay sau tiếng Xin Vâng của Đức Maria. Thực vậy ta không thể quan niệm được rằng Đức Maria chỉ cưu mang và sinh hạ có một mình Chúa Giêsu. Điều ấy chẳng những phi lý mà còn chứng tỏ rằng người ta vẫn chưa nhận biết được tính chất cứu độ của Đạo Chúa. Nếu Đức Maria chỉ là Mẹ Chúa Giêsu thôi thì làm gì mà có giáo hội tức Nhiệm Thể Đức Kitô ? Tất cả những ai lãnh nhận bí tích rửa tội đều là chi thể trong Thân Mầu Nhiệm của Chúa. Mà hễ đã là chi thể thì phải gắn liền với thân, rời bỏ thân đi thì chẳng thể sống”Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được”Ga 15, 5.

    Phải ở trong Chúa, gắn kết với Chúa thì mới có thể đơm hoa kết trái về mặt thiêng liêng được. Thế nhưng làm sao để có Chúa”ở cùng”nếu ta không có Đức Maria làm Mẹ ? Chỉ một mình Đức Maria mới có thể sinh Chúa Giêsu nơi các tâm hồn bởi đơn giản là vì Thiên Chúa quan phòng đã định liệu như vậy”Cùng một năng lực của Đấng Chí Cao, cùng một tác động của Chúa Thánh Thần đã làm cho Maria sinh ra trong nước tái sinh (Thánh Leo in Nativ (Mv Bernadot Op Sđd)

    Với tiếng Xin Vâng Đức Maria đã cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Chuộc thế nào thì Ngài cũng sinh Chúa Giêsu trong ta như vậy. Điều này có nghĩa Chúa được sinh trong ta không chỉ một lần nhưng là sinh trong từng mỗi một phút giây. Nói cách rõ ràng hơn = mỗi khi ta”Xin Vâng”là khi ấy Chúa được sinh ở trong ta. Đang giận ghét ai đó nhưng nhớ lại được Lời Chúa”Hãy yêu thương kẻ thù nghịch cùng ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”Mt 5, 44. bèn”Xin Vâng”. Đang có ác tâm muốn âm mưu hãm hại người nhưng nhớ được lời dạy”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng”(Mt 11, 29) bèn”Xin Vâng”. Nhớ được Lời Chúa , vâng theo lời dạy của Ngài và như thế tức thời Chúa được sinh ra. Xin vâng lúc nào thì Chúa dược sinh ra trong ta lúc ấy, luôn xin vâng thì Chúa luôn ở trong ta để như Thánh Phaolô nói”Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gal 2, 20 . Con người sống là sống với thân xác, do đó nó không thể thoát ra khỏi những hệ luỵ như là đói khát bệnh tật chết chóc và đi kèm với nó là biết bao lo âu phiền muộn do cuộc tồn sinh gây ra. Tính chất khổ trong đời sống dường như là bất tận. Thế nhưng đối với những ai đã nhận biết được Sự Thật thì đó tất cả chỉ là một tấn tuồng ảo hoá. Đức Kitô đã thấu triệt Sự Thật và nói chính là Sự Thật ấy sẽ giải thoát con người chứ chẳng phải Ngài. Nếu cho rằng Đức Kitô là Đấng Thần Linh có thể cứu giúp con người thì như vậy chẳng lẽ Ngài lại có thể bất công= cứu kẻ này mà bỏ người kia sao ? Nhìn nhận Đức Kitô như một Đấng Thần linh, điều ấy xét ra lợi bất cập hại. Lợi ở chỗ là làm cho con người dễ dàng trong việc quy hướng. Nhưng hại ở chỗ là khiến cho Lời Chúa không được nhận biết như cần nhận biết để được cứu thoát. Có nhận biết Lời Chúa thì mới có thể thực hành Lời Chúa tức Xin Vâng được. Nhận biết có nghĩa là Nhớ và chính cái Sự Nhớ ấy sẽ đem lại giải thoát hay trói buộc cho con người. Cứ mãi nhớ đến những điều xấu ác thì không thể không làm điều xấu ác. Ngược lại có luôn nhớ đến những điều tốt lành thì mới có thể làm được điều tốt lành. Nhân nào quả ấy, tất cả đều do tâm tạo, chân lý ấy đúng cho toàn thể và tôn giáo cũng không ra ngoài quy luật ấy. Tuy nhiên để cho quy luật có thể hiện thực trong cuộc sống nhất thiết cần phải có phương pháp.

    §9 - THỰC HÀNH TÂM LINH NHƯ MỘT KHOA HỌC




    Nhớ cái gì sẽ có cái đó, điều vô cùng giản dị này lại chứa đựng một chân lý vĩ đại = vạn pháp duy tâm tạo. Tất cả đều do tâm tạo và tạo đây cũng chính là “nhớ”. Nhớ, tiếng Hán Việt gọi là NIỆM ( ) gồm bởi hai chữ KIM ( ) và TÂM ( ) Tâm trong thời hiện tại gọi là chánh niệm, trái lại là thất niệm. Phàm phu luôn sống với tâm thất niệm …”vì vậy nhìn mà không thấy, vểnh tai mà không nghe, ăn mà không biết mùi vị”(Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị - Đại Học, chương 7)Sở dĩ nhìn không thấy, vểnh tai không nghe, ăn không biết mùi vị là vì khi ấy đã không có chánh niệm. Có chánh niệm là NGỘ, còn không có chánh niệm là MÊ. Lần kia lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo chất vấn Đức Phật:

    - Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, tuy vậy phương pháp của Đạo Phật thế nào, các ngài làm gì mỗi ngày?

    - Chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ….

    - Phương pháp đó nào có gì đặc biệt đâu ? Ai lại không đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ ?

    - Đặc biệt lắm chứ thưa ngài. Khi chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ thì chúng tôi biết là chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ. Còn khi những người khác đi đứng nằm ngồi v.v….thì họ không ý thức được là họ đang đi đứng nằm ngồi(Thiền sư Nhất Hạnh -(Nẻo vào Thiền học).

    Làm cái gì mà biết là mình đang làm cái đó là NGỘ, trái lại là MÊ. Cái”sự biết”ở đây cũng tức là NHỚ. Đang đi (đi bộ, đi xe gắn máy….) nhưng tâm trí lại cứ lan man nhớ nghĩ hết chuyện nọ việc kia, chẳng để tâm vào việc đi như vậy là mê. Đang ngồi trong nhà thờ, miệng đọc kinh rang rang nhưng tâm trí lại cứ nhó đến nào vợ nào chồng, nào con, chợ búa v.v….đó cũng là mê. Hiểu như vậy thì người đời chẳng ai lại không sống trong mê mà sống trong mê là người chết về phần tâm linh. Nhà văn Albert Camus trong cuốn L’ Etranger nói”Họ sống mà như đã chết rồi(Vivre comme un mort). Có nhìn nhận như thế mới”ngộ”được lời Đức Kitô khi Ngài nói với kẻ muốn xin theo làm môn đệ”Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, còn ngươi thì hãy theo Ta, rao giảng Nước Thiên Chúa”Lc 9- 60.

    Đức Kitô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời tức là Ngài đã chỉ ra cho chúng ta một con đường sống đích thực= Hãy trở về với Bản Tâm, đó cũng là Nước Trời ở trong ngươi, là Sự Sống đời đời của ngươi. Quên mất bản tâm là mê. Nhó được bản tâm là ngộ. Cuộc sống của con người, khổ đau hay hạnh phúc cũng chỉ bao gồm trong hai chữ mê và ngộ mà thôi. Con người sống trong mê chẳng nhớ gì đến Thiên Chúa Đấng vẫn hằng hữu ở nơi mình (Deus abconsditus). Không nhớ Chúa thì không thể làm bất cứ điều gì thực sự là lành. Không làm điều lành mà làm điều ác tất nhiên phải khổ. Một khi đã hiểu như vậy thì tất cả mọi việc sống đạo như là đọc kinh, tham dự Thánh lễ, làm việc tông đồ bác ái v.v…tất cả đều phải NHỚ đến Đấng Chúa ở nơi mình. Không nhớ mà làm là làm trong mê, hay nói cách khác đó là vì”cái tôi”mà làm. Vì”cái tôi”thì ngày càng dấn sâu vào mê lầm. Đức Kitô xuống thế mục đích để khai mở tâm linh bằng cách kêu gọi những ai muốn tìm con đường sống đích thực cho mình thì phải theo Ngài”Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Vì chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?Mt 16, 24- 26.

    Chúa nói”vì cớ Ta” tức là vì lý tưởng xuất thế của Ngài mà bỏ”cái tôi”đi thì mới tìm lại được cái mạng sống đích thực (chân mạng) của mình.Thế nhưng làm sao mà có thể làm mọi việc “vì cớ Ta”được nếu chẳng ở trong giáo hội tức Thân Mầu Nhiệm (Nhiệm Thể) của Ngài. Ở trong giáo hội, yêu mến, toàn tâm toàn ý phụng sự giáo hội, đó là con đường chắc chắn để nên Thánh, tức gặp được Đấng Cha ở nơi mình. Thánh Cypriano (210 – 258) đã nói một câu chí lý”Người không có giáo hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha”(Habere non protest Deum Patrem qui Ecclesiam non habet Matrem)

    Chỉ những ai”có”giáo hội, tức ở trong giáo hội thì mới có thể nhận biết Thiên Chúa Đấng là CHA. Vấn đề đặt ra ở đây là người ta thực sự”có”giáo hội hay không? Tình trạng sa sút, thậm chí mất hẳn đức tin như ngày nay đang thấy chứng tỏ người ta không hề”có”giáo hội làm Mẹ. Không cần gì phải lấy khoa học để minh chứng cho đức tin, làm như thế tức là không còn tin vào sự dẫn dắt của Đức Kitô Vị Thầy Chí Thánh. Mặc dầu đức tin quả thật không cần gì đến khoa học dù là vật lý cổ điển hay hiện đại, thế nhưng nói như thế không có nghĩa tôn giáo nói chung và đức tin nói riêng là một thứ gì đó….phản khoa học. Chẳng phải vậy, tôn giáo có khoa học của nó và đây chính là tâm linh học với hai đặc tính: phổ quát và tất yếu. Phổ quát bởi vì nó không phân biệt truyền thống tâm linh nào hoặc thời nào, ở đâu. Còn tất yếu vì hễ cứ nắm được cái”Lý”của nó và đem ra thực hành”Sự”thì đều sẽ đạt được kết quả y như vậy. Mặt khác Lý và Sự cần phải viên dung, bồi bổ cho nhau”Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì sẽ tăng trưởng vô minh mờ ám. Người hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ thì mới có thể làm cội gốc cho việc tu hành(Kinh Niết Bàn)

    Nắm được cội gốc của việc tu hành (Sống đạo)như vậy là có phương pháp khoa học và để có thể áp dụng khoa học này vào đời sống thì phải dựa trên ba trụ cột căn bản Giới, Định và Huệ cũng gọi là Tam vô lậu học.

    1/- GIỚI

    “Giới”nói cho dễ hiểu thì đó là cái giới hạn mà con người cần tuân thủ cho một mục đích nào đó. Đối với xã hội thì mục đích an ninh trật tự là quan trọng hàng đầu. Chính bởi vậy mà thế giới có Hiến chương LHQ, các quốc gia có Hiến pháp, các công ty xí nghiệp, cơ quan trường học, chợ búa…. có nội quy. Có định nghĩa cho rằng con người là con vật xã hội, nếu không có những giới hạn thì nó không thể tồn tại và phát triển. Hơn thế nữa, con người ngoài tính chất xã hội nó còn mang chiều kích tâm linh và chính trong chiều kích ấy mà tôn giáo không thể không có mặt. Như vậy tuy chỉ là một thực thể nhưng con người lại mang tính chất lưỡng thê. Một đàng phải bám chặt lấy mặt đất để sống, mặt khác lại phải vượt lên khỏi mặt đất để hướng về một mục tiêu nào đó chưa thể xác định và cũng chính bởi chưa xác định thế nên”Giới”là một việc không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh. Chúng ta biết đạo Khổng có Tam cương ngũ thường, đạo Phật có ngũ giới cho người tu tại gia, có Sadi giới người tu xuất gia, có Bồ Tát giới cho người tu hạnh Bồ Tát. Đạo Chúa có mười điều răn ĐCT và sáu luật điều Hội Thánh nhưng gồm tóm lại chỉ còn có hai đó là mến Chúa yêu người”Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều ấy” Mt, 34- 40.

    Mến Chúa và yêu người dường như là hai giới răn khác nhau nhưng thực ra vẫn chỉ là một”Ai nói rằng mình mến Chúa mà lại không yêu người thì đó là kẻ nói dối” 1Ga 4, 20. Lý do mến Chúa thì phải yêu người bởi vì mến Chúa là mến Chúa ở nơi người, còn yêu người là yêu người ở nơi Chúa. Giới răn mến Chúa yêu người tuy hai mà một, tuy một mà hai, con người bởi còn sống trong vô minh điên đảo thế nên mới thấy Chúa và người là hai thực thể khác biệt. Sứ mệnh của tôn giáo thông qua”Giới”tức các điều răn là để khiến cho con người ngày càng gần gũi với Chúa đến nỗi có thể thấy Chúa là người, thấy người là Chúa. Còn như nếu ngược lại thì kể như không phải đạo”Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo”(Đạo không xa cái bản tính của người nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người thì không phải là đạo.) Trung Dung, chương 17

    Theo đạo là để gần Chúa, thấy Chúa nhưng ta chỉ có thể thấy Chúa (Kiến Tánh)nếu bỏ được”Cái tôi”đi. Bao lâu còn ôm giữ”cái tôi”thì không bao giờ có thể gần Chúa, thấy Chúa, chính bởi vậy nên Đức Kitô nói kẻ nào muốn theo Ngài thì phải”bỏ mình”(Lc 9, 23)

    Theo Chúa thì phải bỏ mình bởi lý do là vì Nước Trời mà Ngài rao giảng là Nước Trời mầu nhiệm mang tính xuất thế”Không ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau lại có thể xứng với Nước Trời”Lc 9, 62. Một khi đã tra tay cầm cày tức là đã có quyết tâm”bỏ mình”và sự bỏ mình ấy chỉ có thể thực hiện thông qua con đường giới luật. Với giới răn yêu thương thì phải yêu thương cả kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình”Mt 5, 43 – 45.Khi bố thí thì phải đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm (Mt 6, 3- 4.)Khi ăn chay thì phải xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt chứ đừng như bọn giả hình…(Mt 6, 16- 18). Khi cầu nguyện thì phải vào phòng kín đóng cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật …sẽ báo đáp cho ngươi”(Mt 6, 6 – 7.)

    Cách thi hành giới cấm chân thành, đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là ở sự bỏ mình tức bỏ ý riêng đi. Thánh Alphongso de Liguori nói”Tất cả sự lành Thánh tóm lại là kính mến Chúa và cả sự kính mến Chúa tóm lại là vâng theo Thánh ý Ngài”. Bỏ ý riêng khi nào thì Ý Chúa thể hiện khi ấy và sự bình an đích thực là điều chúng ta có thể cảm nghiệm ngay trong cuộc sống náo động này, ở đây, lúc này.

    2/- ĐỊNH

    Tuân giữ giới răn cần phải biết được mục đích của nó, nếu không tất không thể không trở thành vụ luật cố chấp. Người Pharisieu có lần trách cứ Chúa Giêsu”Coi kìa môn đệ của Thầy làm điều không được phép làm trong ngày Sabat”Mt 12, 22. Chỉ vì đói bụng bứt vài bông lúa mì để ăn mà cũng bị coi là phạm luật. Người Do Thái thời đó rất coi trọng luật giữ ngày Sabat, ngay cả đến việc nấu ăn quét nhà cũng chẳng được phép. Họ chi li giữ luật và cho đó là một công việc đạo đức đáng tự hào. Chúa Giêsu đã nhiều lần lên tiếng quở trách thái độ già dối đó”“Khốn thay cho các ngươi kẻ văn sĩ và người Pharisieu giả hình kia. Vì các ngươi rửa sạch bề ngoài chén đĩa song bề trong thì đầy rẫy sự bức bách luông tuồng. Ớ những người Pharisieu mù loà kia, trước hết hãy rửa sạch bề trong thì bề ngoài cũng sạch”Mt 23, 25-26.

    Giữ giới thì phải từ ở bên trong tức là từ ở nơi tư tưởng, đó mới thực là giữ giới. Ngày Sabat đúng là ngày nghỉ ngơi nhưng ý nghĩa của nó là để đạt tới sự nghỉ ngơi tâm hồn chứ không phải thể xác. Hồn có nghỉ thì xác mới nghỉ. Ngược lại xác nghỉ mà hồn không yên không nghỉ thì cũng chẳng ăn thua gì. Đang lo nợ lo nần tới tấp thì dù có ở lầu cao gác tía, chăn ấm nệm êm thì cũng chẳng làm sao mà ngủ thẳng giấc cho được.Hiểu như vậy thì tất cả vấn đề giữ giới, sống đạo mục đích là để lo sao cho tâm hồn được nghỉ ngơi thanh tịnh”Vậy thì còn lại một sự nghỉ ngơi Sabat cho Dân ĐCT. Bởi chưng ai vào sự nghỉ ngơi của Ngài thì nghỉ công việc mình. Cũng như ĐCT đã nghỉ công việc của Ngài vậy”Dt 4, 9- 10.

    Sự nghỉ ngơi Sabat ám chỉ cho Tâm Vô Phân Biệt. Tâm phân biệt là tâm bất định, tâm vô phân biệt là tâm Định. Tâm định này trong các truyền thống đạo học, tâm linh đều có nói đến. Đức Khổng Tử nói”Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bá vật sanh yên”(Trời chẳng nói mà Đạo Trời vẫn lưu hành, làm cho bốn mùa vận chuyển, vạn vật sinh sôi. Luận ngữ- chương 17.) Trời không làm mà làm tức là làm trong tính chất vô phân biệt”Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính”Mt 5, 45.Tâm không khởi phân biệt là Tâm thường hằng. Với Tâm thường hằng này mà làm thì tất cả đều hanh thông không có chi ngăn ngại. Trái lại với tâm phân biệt mà làm thì càng làm càng hỏng, bởi vậy đức Lão Tử nói”Tri thường bất minh, bất tri thường vọng tắc hung (Biết thường gọi là mệnh. Không biết đạo thường mà làm(vô vi, vô ngã) mà làm ắt sẽ không khỏi không lâm vào hung bạo- ĐĐK chương 16)Thường (hằng) tức là Sự Nghỉ Ngơi Sabat là lặng yên là Định. Con người bởi vô minh nên cứ đinh ninh phải hành động, phải suy nghĩ lao lung quay quắt kiếm tìm căn nguyên vũ trụ, con người bởi đâu sinh ra, sống trên đời này để làm gì, chết rồi đi đâu…mà không biết rằng chân lý đã sẵn đủ ngay ở nơi mình, chỉ cốt sao dừng cái tâm vọng tưởng(bất định)cho tâm được thinh lặng (Định).Về sự thinh lặng này, thiển nghĩ có lẽ không ai có đủ thẩm quyền cho bằng mẹ Teresa Calcuta giải Nobel Hoà Bình, một con người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời cho những kẻ nghèo khó khốn cùng”Chúng ta không thể tìm thấy Chúa trong ồn ào và lo lắng. Thiên nhiên như hoa lá cỏ cây đều lớn lên trong tĩnh lặng. Sao trăng và mặt trời cùng di chuyển trong tĩnh lặng. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta nói (suy tư) mà là những gì Chúa nói với chúng ta. Những gì Ngài bảo người khác thông qua chúng ta. Trong yên lặng, Ngài lắng nghe chúng ta. Trong yên lặng Ngài cất tiếng nói với tâm hồn chúng ta. Trong yên lặng chúng ta được ban đặc ân lắng nghe tiếng nói của Ngài”Mẹ Teresa Trên cả Tình Yêu (No greater Love).

    Chỉ trong yên lặng chúng ta mới có thể”nghe”được tiếng Chúa. Điều ấy chứng tỏ rõ ràng rằng Ngài ở trong, là chính Tâm ta. Thiên Chúa quả thật. .ở trong, thế nhưng tại sao ta lại không nhận biết không nghe được Ngài ?Lý do thật vô cùng giản dị = bởi vì Thiên Chúa là Đấng vô phân biệt, ấy vậy ta lại cứ làm sự phân biệt thì sao có thể gặp được Ngài ? Chúa dạy giới luật thương yêu không phân biệt người thân thích kẻ nghịch thù, nếu chúng ta cố gắng thực hiện đúng như vậy thì ắt không thể không gặp được Ngài bởi lẽ”Thiên Chúa là Tình Yêu”Ga 4, 18. Chính là bản thể ta.

    3/ HUỆ

    Huệ hay Tuệ chính là trực giác trí tuệ mà bất kỳ ai ai cũng có. Tuy rằng có nhưng vấn đề ở chỗ là có nhận biết và sống với nó hay không. Sống thì được hạnh phúc và hạnh phúc đời đời. Ngược lại thì chết và chết đời đời. Trực giác trí tuệ này đã được biết đến trong các truyền thống khác nhau. Đạo Phật gọi đó là Phật Tánh, đạo Khổng là Thiên lý chí thiện, đạo Chúa là Đấng Cha nhân lành chẳng hề chút chi phân biệt kẻ lành người ác(Mt 5, 45.)Nếu có thể gạt đi được sự giới hạn của ngôn từ ắt ta sẽ không khó để mà nhận ra được sự tương đồng cả về lý thuyết lẫn thực hành giữa các tôn giáo. Chủ yếu của sự tương đồng này chính là ở chỗ cần phải xoay ngược cái Tâm trở ngược vào bên trong để nhận ra cái vốn dĩ sẵn có ở nơi người. Phật đạo chủ trương khai thị ngộ nhập. Khổng đạo nói” Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỷ”(cái đạo học vấn không có điều chi khác, chỉ có tìm cái tâm đã sổ ra mà thôi. Mạnh Tử, chương Cáo tử thượng). Còn Đức Kitô dạy= hãy trở về với Tâm vô phân biệt bằng cách yêu thương kẻ thù nghịch cùng cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình(Mt 5, 43.)

    Để có thể thương yêu kẻ thù, hoặc những kẻ nghèo hèn, cô đơn bị ruồng bỏ v.v…thì phải có trực giác trí tuệ tức tâm vô phân biệt. Nói cách khác tình thương yêu ấy cùng với trực giác trí tuệ là một không khác. Tất cả những cái gọi là tình thương mến thương của người đời bởi thiếu vắng trí tuệ thế nên đó chỉ là bản năng dục vọng, thậm chí ngay cả tình mẫu tử thiêng liêng cũng vậy. Người mẹ chỉ yêu thương con mình khi nó còn trong trứng nước bé bỏng, nhưng tình thương ấy sẽ phai nhạt dần hoặc mất hẳn khi nó đã lớn khôn hoặc tạo lập gia đình riêng. Một người chồng chỉ yêu thương vợ mình khi bà ấy thoả mãn được những nhu cầu của mình, còn nếu như ngược lại có thể thương lại biến thành thù. Tình thương yêu của thế gian như thế không hơn không kém chỉ là sự chiếm hữu và điều ấy khiến cho cả chủ thể lẫn đối tượng đều bị trói buộc trong hệ luỵ khổ đau. Đạo Chúa truyền dạy giới răn yêu thương chính là đem đến cho con người một lý tưởng hết sức cao vời”các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành”(Mt 5, 48.) Hiểu như thế thì theo Chúa tức là thực hiện cho mình sự trọn lành. Chúng ta vẫn nói người đi tu là kẻ dâng mình cho Chúa mà dâng mình cho Chúa mục đích là để thoát ra khỏi mọi thứ buộc ràng của tình thương yêu thế gian”Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai hoặc con gái hơn Ta không đáng cho Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì chẳng đáng cho Ta. Ai tìm mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được”Mt 10, 37-39.

    Tìm lại mất, mất lại được. Cái lẽ được mất, mất được này không riêng chỉ có trong Đạo Chúa nhưng là một chân lý vĩnh hằng. Hễ cứ còn vì”Cái Tôi”mà làm sẽ mất. Ngược lại bỏ “Cái Tôi”đi vì người mà làm sẽ được. Mẹ Teresa Calcuta lại một lần nữa cho chúng ta thấy sự hiển hiện của Tình yêu vị tha vô vị lợi”Tôi luôn quan tâm sâu sắc đến sự tĩnh lặng của trái tim mình để trong sự yên lặng ấy tôi nghe được lời an ủi của Chúa và từ sự viên mãn của trái tim, tôi an ủi Chúa Giêsu trong hình hài đau khổ của những người nghèo”(Mẹ Teresa – Sđd)

    §10 - ĐẠO CÔNG GIÁO VỚI VIỆC GIẢI THÓAT SINH TỬ


    Sở dĩ cần nêu đích danh Công giáo như thế để cho khỏi lẫn lộn với danh xưng Kitô giáo đã được sử dụng cách rộng rãi từ vài mươi năm nay. Kitô giáo ám chỉ cho các hệ phái Kitô cùng có chung sách Kinh Thánh và đối tượng tôn thờ là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên trên thực tế Công giáo vẫn là Công giáo, nó hoàn toàn khác với các tông phái còn lại cả trong đức tin cả trong cách thế sống đạo đức tin ấy. Trong kinh tin kính người tín hữu xưa nay vẫn tuyên xưng thì Công giáo chỉ là một trong bốn tính chất của Đạo đó là : Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Đã là Công giáo thì phải bao gồm đầy đủ cả bốn tính chất ấy mới thực là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô như lời Ngài nói”Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi. Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các ngươi, hễ điều gì các ngươi muốn hãy xin thì Ta sẽ làm điều đó cho các ngươi”Ga 15, 4- 7.

    Mỗi tín hữu đều là chi thể của Thân Mầu Nhiệm. Thế nhưng là chi thì phải gắn liền với thân, còn nếu tách rời ra thì làm sao sống được ?Về cái sự”Gắn”này có nhiều mức độ khác nhau. Có thể lỏng lẻo hay chắc chắn, có thể rời rạc hay bền chắc. Gắn bó có nghĩa là để cho Chúa và lời của Ngài được tồn tại ở trong tâm hồn mình. Đạo Công Giáo có nhiều phương thế để giúp cho sự tồn tại ấy nhưng tất cả đều không ngoài các phép Bí Tích nhất là bí tích Thánh Thể và chuỗi Mân Côi. Là người Công Giáo mà không có cho mình hai phương thế ấy thì đó chẳng phải kẻ có đạo. Tại sao thế ? Bởi vì đạo tức là đường mà cũng là phương pháp, là cánh cửa (pháp môn) đưa đến Sự Sống đời đời. Có đường thì phải đi, không đi thì sao mà có thể đến ?Dẫu vậy, đường đạo khác với đường đời, đường đời thì điểm khởi hành và điểm đến xa cách nhau. Trái lại với đường đạo thì đi cũng ở Tâm mà đến cũng ở Tâm. Từ tâm vọng để đến với tâm chân và chỉ ở nơi cái chân tâm thanh tịnh yên nghỉ đó mà Chúa mới có thể chỉ đường dẫn lối hầu cứu rỗi những kẻ tin theo Ngài.

    Đạo Công giáo là đạo cứu rỗi và tính chất cứu rỗi ấy xưa nay vẫn được hiểu như là cứu về phần linh hồn. Quan niệm như thế là đúng, thế nhưng thực tế cho thấy đã có không ít hiểu biết không đúng cả về phía thần học lẫn kẻ thù của giáo hội cho rằng Đạo Công giáo chỉ lo phần linh hồn mà bỏ bẵng phần thân xác, chỉ lo cho đòi sau mà chẳng có lo gì cho đời này v.v…Trong trào lưu chống đối gay gắt gây ảnh hưởng nguy hại cho giáo hội trước hết phải kể đến F. Nietzhe (1844 – 1900) ông tổ của triết hiện sinh vô thần”Đau khổ và bất lực, đó là căn nguyên đã sản sinh ra những đời sau, đó là hạnh phúc của những con người quá đau khổ. Sự mệt nhọc muốn nhảy một cái đến tận cùng. Chính sự mệt nhọc này đã tạo nên các thần linh và các thiên đàng đời sau. Chính những kẻ bệnh tật và những kẻ ốm yếu đã khinh chê thân xác và trái đất này. Họ đã tạo ra những sự trên trời”(TTĐ. Triết học hiện sinh)

    Với những kẻ vô thần thì “đời sau”chỉ là cái mong ước có tính đền bù cho những con người đã quá khổ đau bị áp bức bóc lột ở đời này. Còn với những nhà thần học chủ trương tục hoá thì đời sau chẳng có mà tận thế cũng không”Những sự sau hết không phải chỉ là biến cố sẽ đến sau cùng, chúng còn là điểm kết thúc đường tiến hoá đã đến lúc thành tựu. Chúng không phải chỉ là điểm kết liễu lịch sử cứu độ, chúng còn là lịch sử cứu độ tiến tới và thực hiện chung cuộc cuộc cho một lời hứa đã làm chuyển động lịch sử ấy tới chỗ chung hoàn”(Jean Herve Nicolas O.P. Cánh chung học)

    Theo quan điểm cánh chung học thì không có ngày tận thế hiểu như sự diệt tận của toàn nhân loại. Sự phủ nhận ấy có thể nói cũng chẳng khác nào cho rằng con người không có chết. Lão tử nói”Trời đất còn không tồn tại mãi huống nữa là người ru ?”(ĐĐK chương 32).Con người ta cũng như muôn loài vạn vật sinh ra và tồn tại trên cõi đời này một khoảng thời gian nào đó rồi cũng chết. Tuy nhiên chết không phải là mất, chết chỉ là một phần trong tiến trình của sự sống. Cái chuỗi sống và chết, chết và sống của muôn loài tạo nên dòng sinh hoá bất tận khiến những tâm hồn triết nhân như Khổng phu tử không khỏi thốt lên lời cảm thán”Cứ trôi chảy mãi thế này ư ? (Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ - Luận ngữ, 4.)Đặt dấu hỏi về sự sống chết, thắc mắc siêu hình này đeo đuổi con người hết thế hệ này đến thế hệ khác. Có một thi sĩ người Ba Tư đã nói đùa rằng triết học là bản thảo lúc đem đi in đã để lạc đâu mất trang đầu và trang cuối. Trang đầu tức câu hỏi về sự sinh = con người bởi đâu sinh ra ? (Nhân sinh hà tại) Trang cuối tức câu hỏi về sự tử=con người chết rồi đi đâu (Hậu thế như hà). Để lạc mất trang đầu và trang cuối có nghĩa triết học đã bất lực trong việc tìm biết ý nghĩa của việc sống chết. Bởi không thấu triệt được lẽ sinh tử, tử sinh thế nên cũng chẳng thể biết con người sống trên đời này để làm gì (Tại thế hà như). Sống mà không biết đến mục đích sống, đó chính là nỗi mê trong mê và từ nỗi mê ấy con người đã gây ra không biết bao nhiêu là những nỗi khổ thống cho mình và cho người. Triết, dù là minh triết tuy có đặt vấn đề nhưng chẳng thể giải quyết. Trái lại đạo Công giáo, mặc dầu thần học chưa một lần đề cập nhưng từ trong bản chất nó luôn được kêu gọi để sống cuộc sống trở về với Đấng Chúa ở nơi mình và ở trong mọi người”(Eph 4, 4)”Chỉ có một Thân Thể, một Thánh linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một ĐCT là Cha của mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người”(Eph 4, 4.)

    Minh triết là cái phản ảnh của thiên nhiên và điều mà nó muốn phản ảnh chính là sự trở về”Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân. Các phục quy kỳ căn”Lão Tử ĐĐK chương 16 (Vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc, ôi mọi vật trùng trùng đều trở về cội gốc của nó) Có hơi thở ra thì phải có hơi thở vào, có bước đi thì cũng phải có bước nghỉ. Chỉ có bước đi mà không có bước nghỉ thì chẳng thể đi được. Mặt khác đi xa là để trở về, đi càng xa thì càng gấp phải trở về Thệ viết viễn, viễn viết phản. Lão Tử ĐĐK chương 25)Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, y ta phải rất chi là khổ, khổ lắm”…chỉ mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho”thì mới có được cái quyết tâm trở về nhà cha mình(Lc 15, 16).

    Quả thật chưa bao giờ con người lại phải đối mặt với quá nhiều những nỗi khổ đau bất hạnh như ngày hôm nay= khổ vì đói nghèo, khổ vì đủ thứ ô nhiễm, trên không dưới biển. Khổ vì hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên từng ngày….Chẳng những khổ vì nỗi lo khủng bố do con người gây ra, lại còn khổ vì nỗi lo thiên thạch từ trời …giáng xuống. Có một nghịch lý này là = khoa học càng tiến bộ bao nhiêu thì con người lại càng không có hạnh phúc bấy nhiêu. Y khoa càng tân tiến thì bệnh tật lại nhiều và khó chữa ngần ấy. Nói tóm lại khoa học, triết học chẳng những chẳng đáp ứng được những gì mà con người thực sự mong muốn, trái lại còn đẩy cho nó phải đi đến cái bước đường cùng. Dẫu vậy theo quan điểm minh triết thì”Vật cùng tắc biến”, mà hễ có biến thì mới có thông ?Dựa trên thống kê khoa học của John Naisbih và P. Aburdene trong đó đưa ra mười dự đoán và một trong những dự đoán ấy là sự phục hưng tôn giáo vào thiên nhiên kỷ thứ ba tức thế kỷ hai mốt này đây (NS Giác Ngộ số 11 tháng 2/1997) chẳng biết thế nào ?

    Trà cổ Đồng Nai mùa Phục sinh 2010

    Phùng văn Hóa

    Tác giả: Phùng Văn Hóa

    ( nguồn : http://www.dunglac.org/index.php?m=m...d=634&ia=12080 )
    Last edited by satyaa; 24-06-2011 at 10:14 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Đạo Phật Có 8 Lớp Học
    By phimanh in forum Đạo Phật
    Trả lời: 15
    Bài mới gởi: 20-09-2012, 09:33 PM
  2. NHÀ TRỪ QUỶ KỂ CHUYỆN
    By satyaa in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 87
    Bài mới gởi: 24-07-2012, 09:28 PM
  3. Thống nhất tâm linh và khoa học
    By Bin571 in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 30-08-2011, 08:04 AM
  4. Tôi muốn làm Linh mục
    By hoi tho in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 96
    Bài mới gởi: 25-06-2011, 11:26 PM
  5. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 29-04-2011, 12:15 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •