Khi nói “Đạo và Đời” thường người ta nghĩ đến mối quan hệ giữa tôn giáo và đời sống thế tục. Tuy nhiên danh từ Đạo ở đây còn có thể mang một ý nghĩa khác. Nghĩa này minh triết Đông phương cho nó là một thực tại không thể nói , không thể gọi tên “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh” (Lão Tử ĐĐK chương một ) Đạo mà có thể nói, giải nghĩa thì đó không phải Đạo thường, Danh mà có thể gọi thì đó không phải là Danh Thường. Chữ THƯỜNG có nghĩa là thường hằng đời đời bất diệt. Cái thực thể thường hằng ấy tuy không thể nói, không thể gọi nhưng phải được truyền giảng. Không truyền giảng thì chân lý làm sao mà có thể hiện thực có nghĩa đưa Đạo vào Đời ? Làm cho Đạo có thể nhập được vào Đời đó phải là sứ mạng chân chính duy nhất của tôn giáo. Ngược lại đó không phải là Đạo “Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo” (Đạo không xa bản tính người, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính người thì đó không phải là Đạo)

Đức Giêsu Kitô là sự sáng soi để cho con người có thể nhận biết hầu thể nhập với Đạo “Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Đức Chúa Trời và Đạo là Đức Chúa Trời. Đạo ấy ban đầu ở cùng ĐCT, muôn vật bởi Ngài dựng nên, phàm vật dựng nên ngoài Ngài chẳng thể có vật gì được dựng nên. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người . Sự sống soi trong tối tăm mà tối tăm chẳng tiếp nhận” (Ga 1, 1-5) Đức Kitô xuống thế để mở ra một mối Đạo nhưng muốn thực sự sống cái mối Đạo ấy thì phải dám bỏ mình “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập tự giá hàng ngày mà theo”(Mt) Phải bỏ mình đi mới có thể sống Đạo và sống Đạo không phải là sống cái chi khác mà là sống cái bản tính mình.

Sống Đạo là sống cái bản tính, hiểu như vậy thì vấn đề quan trọng cần phải đặt ra , vậy bản tính đích thực của con người là gì ? Trong suốt 25 thế kỷ qua , có thể nói toàn bộ tư tưởng Tây phương trong đó cố nhiên bao gồm cả Kitô giáo đã bị thống ngự bởi câu định nghĩa của Aristote “Người là con vật biết suy lý” (l'homme est l'animal raisonable). M. Heidegger đã nặng lời kết án câu định nghĩa đó là thú vật(zoologique) “ Chính trong khung cảnh của câu định nghĩa trên mà đã được kiến tạo nên quan niệm về con người của Âu Tây tất cả những gì là tâm lý, luân lý tri thức luận và nhân bản. Đã từ lâu chúng ta bị xiêu bạt trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái niệm từ trong các môn đó là vì cứ sự nó đã đặt nền trên một câu định nghĩa sa đọa” (Kim Định - Nhân Bản )

Đạo là thực thể tuy không thể nói, không thể gọi tên, nhưng đây mới chính là cái nền tảng, là bản tánh của muôn loài muôn vật, kể cả vô tình lẫn hữu tình. Ở loài vô tình thì đó là Tánh Không, còn ở loài hữu tình thì Đạo Phật cho nó là giác tánh (Tánh Biết). Đạo Chúa cho là Thiên Chúa Tình Yêu”( 1Ga 4, 16.)

Cái Thể tức ĐẠO là hoàn toàn trống không (chân không) nhưng chính do nơi cái trống không đó nên mới có thể có được muôn vàn diệu dụng. Này nhé, bất kể thứ gì từ những cái vật dụng sử dụng thường ngày, cái ly ,chén bát, xe cộ…..cho đến sự sống muôn loài đều được quyết định bởi cái KHÔNG trống rỗng ấy. Một cái nhà để ở thì cần phải có cửa sổ, cửa ra vào mà hễ đã gọi là cửa thì đó chẳng phải là để mở thông từ khoảng trống bên trong là cái phòng ra đến bên ngoài hay sao? Mặt khác chúng ta có sống, có tồn tại được cũng là do trong thân thể có những khoảng không. Không có những khoảng không trong phổi, trong tim, trong miệng, trong mũi, trong ruột….thì chúng ta có thở ra hít vào, có thể ăn uống tiêu tiểu được không ?Tánh KHÔNG ấy xét về mặt vĩ mô,không gì có thể ở ngoài nó còn xét về mặt vi mô không gì có thể ở trong nó.

Ở nơi vạn vật Tánh KHÔNG là THỂ, còn ở nơi con người nó là Tánh BIẾT. Tánh BIẾT này bất sinh bất diệt và không ai lại không đầy đủ dù là hạng thông minh bác học xuất chúng hay là kẻ ngu si thất học. Tánh BIẾT ấy thể hiện qua mắt gọi là Thấy, qua tai gọi là Nghe, qua mũi gọi là Ngửi, qua lưỡi gọi là Nếm, qua thân gọi là Xúc, qua ý gọi là Thức. Ta sống là sống với Tánh BIẾT dù khi ngủ hay khi thức.Hằng ngày ta vẫn sống với Tánh BIẾT , dù đi, đứng, nằm ngồi, tắm giặt ăn ngủ….và nếu ta biết là ta đang đi đứng nằm ngồi….thì đó là Thiền là tỉnh thức còn trái lại là mê. Ta đi đứng, nằm ngồi… là đi đứng nằm ngồi….chứ chẳng có ai phải suy tư nghĩ ngợi rồi mới có thể đi đứng nằm ngồi….Tuy nhiên , thực tế thì sao ? Có ai trong khi đi đứng nằm ngồi , đọc kinh lần chuỗi…mà chỉ có đi đứng nằm ngồi đọc kinh lần chuỗi…hay là cứ rong ruổi lan man nghĩ ngợi hết chuyện này việc kia ? Có khi đang ăn mà có việc nghĩ ngợi lại quên cả ăn, mất cả ngủ đó là chuyện thường tình của người thế gian…. Danh từ nhà đạo chúng ta gọi cái việc đọc kinh mà cứ suy nghĩ vẩn vơ gọi là chia lòng chia trí. Chia lòng chia trí có nghĩa là phân tâm mà phân tâm tức là phân cái tâm ra làm hai. Đang là chân tâm vô phân biệt bất sinh bất diệt lại biến nó thành ra cái tâm phân biệt vọng tưởng sinh diệt. Tâm vô phân biệt là tâm tỉnh giác là ĐẠO, còn tâm phân biệt là tâm mê muội là ĐỜI.. ĐẠO và ĐỜI chỉ khác biệt nhau ở chỗ tỉnh và mê đó mà thôi.

Trong câu chuyện nguyên tổ sa ngã đầy tính minh triết ấy ta thấy Adam đã “Ăn”phải trái cấm phân biệt và đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng để rồi cứ mãi trôi lăn trong kiếp phù sinh bọt bèo đau khổ “Đất sẽ sanh chông gai và cây trái đắng đót. Ngươi sẽ ăn rau cỏ của ruộng đồng. Phải đổ mồ hôi trán rán mồ hôi bụng mới có cái để ăn cho đến ngày nào ngươi trở về đất là nơi mà ngươi đã được sinh ra. Vì ngươi là cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi” Stk 3, 18-19.

Con người được sinh ra giống “Hình ảnh Thiên Chúa”(Stk 1, 26) tức cội nguồn của nó là Thiên Chúa chứ không phải đất bụi, thế nhưng dường như sau khi bị đuổi khỏi Địa Đàng thân phận của nó đã bị thay đổi “cát bụi lại trở về cát bụi”. Chắc chắn thân phận của nó sẽ mãi mãi là như thế nếu không có Lời Hứa của Thiên Chúa Giave “Ta sẽ làm cho mi cùng Người Nữ, dòng dõi mi cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu mi còn mi thì sẽ rình cắn gót chân Người” (Stk 3, 15).

Người Nữ ai cũng biết ám chỉ Đức Nữ Trinh MARIA, người đã được tiên báo trong Kinh Thánh “ Kìa Nữ Đồng Trinh sẽ thọ thai sinh một con trai. Người ta sẽ gọi con trẻ đó là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” Is 7,14. Còn Đấng Thiên Chúa ở cùng đó chính là Đức Giesu KiTô, Ngài đã từ nơi Đạo để vào ĐỜI, từ chỗ vô hình vô tướng không thể nói không thể gọi tên để vào nơi hữu hình hữu tướng có thể nghe , có thể xúc tiếp “Đạo đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta, đầy ân sủng và lẽ thật” (Ga 1, 14.) Đức KiTo đã từ nơi Đạo vào Đời không phải là để ở lại cái cõi sinh diệt , diệt sinh vô thường khổ não này làm gì, sứ mạng một khi đã hoàn tất, Ngài về cùng CHA “Ta từ CHA mà đến thế gian, lại lìa thế gian mà về cùng CHA” (Ga 16,, 28.) Sứ mạng cứu nhân độ thế của Chúa Giesu là để dẫn đưa con người về với Đấng CHA và sự trở về ấy không phải chỉ dành cho con người mà là của toàn thể sinh linh vạn vật. Lão Tử nói “Vạn vật tịnh tác ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân các phục quy kỳ căn, quy căn viết tịnh, thị viết phục mạng, phục mạng viết thường”(vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi mọi vật trùng trùng đều trở về gốc của nó.Trở về cội rễ gọi là tịnh, ấy gọi là phục mạng, phục mạng gọi là THƯỜNG –ĐĐK, chương 16 )

Vạn vật sinh nhưng sinh là để trở về chứ không phải để cứ mãi biền biệt ra đi. Bao lâu đi mà chưa về được thì vẫn chưa thỏa. Tản Đà thi sĩ ngóng ngày về của nước với non “…nước đi đi mãi chưa về cùng non”. Đức Khổng Tử thở than “thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ?(đêm ngày cứ trôi chảy mãi thế này ư? (Luận ngữ- Tử Hãn ) Còn Thánh Augustin lại thiết tha van nài với CHÚA “Lạy Chúa ,Chúa đã dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên nơi Ngài”

Làm sao để “VỀ” đó là ước vọng tha thiết của những con người tôn giáo. Tuy nhiên khát vọng tâm linh ấy chỉ có thể nhen nhúm để rồi bùng cháy khi nào ta nhận thức được tính chất khổ của mình, của người và của toàn thể cuộc sống này. Càng thấy mình, thấy người khổ, thấy đời khổ bao nhiêu thì càng có cơ thoát khổ bấy nhiêu. Ngược lại không thấy đời là bể khổ, thế gian là chốn khách đầy thì chẳng đời nào muốn về. Mà đã không muốn thì chẳng bao giờ có thể về. Hãy thử xem đứa con hoang đàng kia nếu nó không khổ sở nhục nhã đói rách bị người ta dày đạp bắt đi chăn heo “mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho” Gạ 15, 12.thì y ta có tỉnh ngộ được chăng ? Thấy khổ không phải để rồi bi quan yếm thế chán người chán đời. Chúa xuống thế đưa Đạo vào Đời không phải để dạy cho chúng ta bài học làm người chi chi đó nhưng là để trao ban giới răn yêu thương “Điều răn của Ta đây này, các con hãy yêu thương nhau cũng như Ta đã thương yêu các con” Ga 15, 12.

Giới răn của CHÚA đòi hỏi chúng ta phải yêu như CHÚA yêu.. Có yêu như thế mới là yêu thật. Ngoài ra chỉ là môi mép đãi bôi Thế nhưng mối Đạo một khi đã mở tất nhiên cũng phải có lối vào. Lối vào ấy thế này “Như CHA đã thương yêu Ta thế nào thì Ta cũng thương yêu các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong sự thương yêu của TA .Nếu các ngươi giữ các điều răn của Ta thì sẽ cứ ở trong sự thương yêu của Ta cũng như chính Ta đã giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong sự thương yêu của Ngài” Ga, 15, 9-10

"Cứ ở trong sự thương yêu” đó là cái cốt yếu của Đạo. Thế nhưng thế nào là cứ ở trong sự thương yêu ? Đức KITÔ vì yêu thương nhân loại đến nỗi hiến cả mạng sống mình để mở ra con đường thoát khổ bằng cách truyền dạy nhiều điều và nhất là đã lập ra các Bí Tích hầu cho chúng ta được ơn cứu rỗi. Tuân giữ các giới răn với tất cả lòng tin yêu đó chính là “cứ ở trong sự thương yêu”. Chúa dạy “ Khi làm xong mọi việc được giao phó, hãy nói chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng” Lc17, 10. đó là ở trong sự thương yêu. Chúa dạy “Khi các con cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi” Mt 6, 6. thì những việc đọc kinh lần hạt dự lễ đều phải quy hướng về Ngài đó là cứ ở trong sự thương yêu. Tóm lại “ở trong sự thương yêu tức là làm mọi việc vì CHÚA chứ không phải vì mình. Làm vì CHÚA thì ở trong CHÚA còn làm vì mình thì ở ngoài CHÚA. Ở trong CHÚA thì như cành được tháp vào thân cây tươi tốt thu đoạt vô kể công phúc. Trái lại không ở trong CHÚA thì giống như cành lìa cây bị khô héo chỉ có nước quăng vào lửa “Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi .Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta và Lời Ta cứ ở trong các ngươi thì hễ điều gì các ngươi muốn hãy xin thì Ta sẽ làm điều đó cho các ngươi Ga, 15, 6-7.
Ở trong CHÚA tức ở trong ĐẠO mà ĐẠO thì hằng miên viễn tràn đầy khoái hoạt và tự do. ĐẠO không thể cưỡng cầu nhưng cũng không thể không hết lòng tìm và một khi đã tìm được dù chỉ một phần rất nhỏ thôi thật cũng đáng để cho biết rằng mình chẳng uổng công bấy lâu. Vì vậy nên nói:
“Đạo chi tôn
Đức chi quý
Phù mạc chi mạng nhi thường tự nhiên” (Đâu phải tôn đạo quý đức là một phận sự bắt buộc mà là một chiều hướng tự nhiên) Lão Tử.ĐĐK chương 51)

Tác giả: Phùng Văn Hóa

( nguồn : http://www.dunglac.org/index.php?m=m...d=634&ia=12451 )