Cầu siêu cho toàn dân Việt đã khuất từ khi dựng nước



Bắt đầu hành lễ


Đúng 0h ngày 18/3, tại khu văn hóa lịch sử Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương) diễn ra đại lễ cầu siêu cho toàn bộ người dân Việt Nam đã khuất từ khi dựng nước. Đây là đại lễ cầu siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Đại lễ có sự tham gia của khoảng 800 nhà sư, trong đó có khoảng 700 nhà sư đến từ hầu hết các chùa ở TP.HCM, 100 nhà sư đến từ Bình Dương. Trong số này có cả các giảng sư, tăng, ni sinh của các trường: trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, các sư trụ trì của hầu hết các chùa lớn tại TP.HCM.



Đại lễ cầu siêu này do ông Huỳnh Phi Dũng, người xây dựng nên khu văn hóa lịch sử có diện tích kỷ lục 450 ha này kết hợp với Hội Phật giáo Bình Dương tổ chức. Dự tính, đại lễ có sự tham dự của hơn 2.000 người, trong đó có khoảng 700 nhà sư (chủ yếu là các nhà sư Bình Dương và TP.HCM), và nhiều quan khách.

Theo ông Huỳnh Phi Dũng, "đây là đại lễ cầu siêu cho toàn bộ người dân Việt Nam đã mất, không biệt người tốt, người xấu, người bên nọ, người bên kia, nhằm nêu bật tinh thần đại đoàn kết, nhân đạo của dân tộc. Đại lễ được tổ chức trên khu văn hóa lịch sử thờ 300 dòng họ của Việt Nam với tâm nguyện "âm siêu, dương thịnh" không chỉ cầu cho những linh hồn siêu thoát, mà còn mang ước nguyện về một dân tộc Việt đoàn kết, cường thịnh".

Đại lễ này còn được xem là bước tiếp nối lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn và đại lễ cầu siêu cho đồng bào tử nạn trong nạn đói năm 1945. Đại lễ sẽ kéo dài từ 12h đêm nay - 6h sáng 18/3.


Toàn cảnh đại lể cầu siêu



Ngoài đại lễ này, ông Huỳnh Phi Dũng dự tính cuối năm nay sẽ tổ chức đại lễ cầu an cho những người đang sống.

Đại lễ được chọn nhằm ngày 18/3 (tức ngày 19/2 năm Bính Tuất) vì đây là ngày Quan Thế Âm Bồ Tát cứu độ chúng sinh.

Khu văn hóa lịch sử Đại Nam được trang hoàng lộng lẫy với ánh sáng nhiều màu. Trong khói hương bảng lảng và lời cầu siêu trầm lắng tỏa giữa không gian rộng lớn của tòa Đại Nam Quốc Tự, Bí thư tỉnh ủy, đại diện chính quyền, đại diện Mặt trận tổ quốc tỉnh Bình Dương đã đến thắp hương tưởng niệm. Thượng tọa Thích Minh Thiện, trưởng Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đứng lên làm chủ lễ.

Lời phát biểu của ông Huỳnh Phi Dũng, những lời văn tế của chư tăng nêu bật những đóng góp của đồng bào bỏ mình vì nước, của ông cha có công xây dựng đất nước đã khuất, tỏ lòng tiếc thương những nạn nhân chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh...


Hành ngàn ngọn nến được
thắp sáng tại Đại Nam Quốc Tự


Tinh thần đại đoàn kết, tinh thần nhân đạo của dân tộc một lần nữa được nêu cao. Với tâm nguyện "âm siêu, dương thịnh", những người hành lễ không chỉ cầu cho những linh hồn siêu thoát, mà còn mang ước nguyện về một dân tộc Việt đoàn kết, cường thịnh.

Không khí linh thiêng của đại lễ kéo dài đến tận 6h sáng.

Ông Huỳnh Phi Dũng cho biết sẽ cố gắng mỗi năm tổ chức đại lễ cầu siêu với quy mô như trên vào ngày này và đại lễ cầu an cho những người đang sống vào một ngày cố định cuối năm tại khu văn hóa lịch sử Đại Nam.

Theo Phạm Cường
(VNN)