Người Mỹ đang dần hiểu sức mạnh văn hoá Việt
Thứ năm, 24/4/2008, 07:00 GMT+7

Người ta gọi ông - nhà văn hóa Hữu Ngọc - là “một trong những con khủng long cuối cùng của văn hóa Việt Nam”. Vâng, nghe cũng có lý lắm chứ khi mà đã bước qua tuổi 90, thi thoảng ông vẫn dành một tuần hai buổi sáng để đi bộ từ phố Vạn Bảo đến Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển nằm trên phố Trần Hưng Đạo, nơi ông đang giữ chức Chủ tịch. Gần đây nhất, sáng ngày 20.11.2007, ông giới thiệu cuốn sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” tại thành phố Hồ Chí Minh, buổi chiều ông đã có mặt ở Hà Nội tiếp một đoàn khách Mỹ.







Đã gần 20 năm nay, ông thường nói chuyện với khách nước ngoài về văn hoá VN trong căn
phòng chưa đầy 20 mét vuông này.

Ảnh: Thu Phương


Hẹn đến vài lần tôi mới được “diện kiến” ông tại văn phòng làm việc khi ông đang hướng dẫn một cô sinh viên người Pháp làm luận văn về văn hóa Việt Nam. Tại căn phòng nhỏ chưa đầy 20 mét vuông đầy ắp sách báo và những công trình khảo cứu văn hóa này, ông đã bắt đầu câu chuyện về con đường du nhập văn hóa Việt Nam vào Mỹ bằng kỷ niệm về một buổi nói chuyện với hơn 50 giáo sư là cựu sinh viên của các trường ĐH rất nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Yale, Stanford... Cuối buổi nói chuyện, một người Mỹ đã nắm tay ông mà nói: “Nếu được nghe ông sớm, biết đâu đã không có chiến tranh Việt Nam”. Đó là câu chuyện về một người Mỹ hơi “lẩn thẩn”. Phải chăng vì quá yêu mình nên họ nói thế?” Ông băn khoăn tự hỏi…



PV: Có khi nào ông thử đặt ngược giả định này. Biết đâu, nếu nhiều người Mỹ được nghe ông hoặc các học giả khác nói về văn hóa Việt Nam thì có thể đã không có cuộc chiến tranh Việt Nam? Ngay chính nhiều người Mỹ cũng cho rằng: nếu họ hóa giải được ẩn số Việt Nam qua những chìa khóa văn hóa, thì có lẽ không có cuộc chiến tranh tàn khốc như vậy….


HN: Nói chung thì rất đúng…



Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, ngoài cuộc đua tranh về tiềm lực quân sự, cả hai bên Đông-Tây đều lao vào cuộc đua tranh về kinh tế với quan niệm cho rằng sự vượt trội về kinh tế sẽ có ý nghĩa quyết định đối với thành bại về đại cục.

Đến thập kỷ 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên nhân loại đã nhìn nhận lại ý nghĩa của văn hoá thông qua thập kỷ văn hoá UNESCO. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng. Nó như cái kén của con tằm, được tạo ra cho chính nó chứ không phải cho ai khác. Cần tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không áp đặt những quy chuẩn chung cho tất cả.

Từ năm 2000 trở đi, UNESCO chủ trương đa dạng văn hóa thông qua đối thoại giữa các nền văn hóa để ngăn chặn khủng bố và chiến tranh. Điều này tôi đã thấm rất rõ qua những cuộc nói chuyện với người Mỹ. Trong vòng mấy chục năm tôi đã nói chuyện với vài nghìn người Mỹ và thấy rằng sau từng cuộc nói chuyện đã nảy sinh sự cảm thông cảm giữa người nói và người nghe. Có người Mỹ nói tôi là linh mục còn họ là con chiên. Nhờ có những cuộc nói chuyện như thế này họ đã vỡ lẽ ra rất nhiều.


PV: Giai đoạn 1975-1995, tưởng như là thời kỳ đóng băng trong quan hệ Việt- Mỹ. Nhưng chính trong giai đoạn này, nhiều người Mỹ đã biết đến văn hóa Việt Nam qua những cuộc đi mở đường của một số nhà văn, các đoàn văn hóa, nghệ thuật.Ttrong giai đoạn này, ông có nhiều không những cuộc nói chuyện với người Mỹ?

HN: Tôi cũng có những chuyến đi nước ngoài nhưng đó là giai đoạn cấm vận nên cũng ít. Khách ở nước ngoài đến Việt Nam cũng không được nhiều. Sau Đổi mới, những đoàn khách du lịch sang mỗi ngày một đông. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng của Việt Nam sang Mỹ không phải đợi sau chiến tranh mà ngay trong chiến tranh nó đã có một tầm ảnh hưởng tương đối rõ nét.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tôi và anh Nguyễn Khắc Viện đã chủ trì một cuốn Tuyển tập văn học Việt Nam dày 2000 trang bằng tiếng Pháp và một Tuyển tập khác cũng về văn học Việt Nam dày 1000 trang bằng tiếng Anh. Hai cuốn sách này đã đến với thế giới qua con đường ngoại giao và các sứ quán. Nhiều bạn bè thế giới đã nhận xét: Mặc dù bị bom đạn như vậy mà Hà Nội vẫn ra được bộ sách giới thiệu 1000 năm Văn học Việt Nam. Đó là bằng chứng Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời và họ sẽ thắng nhờ nền văn hóa ấy.

Các nhà báo, nhà văn Mỹ sang đây như cô Susan Sontag viết quyển “Từ Hà Nội về” đã ca ngợi hết sức văn hóa Việt Nam. Ngoài ra có một ảnh hưởng lớn là Tạp chí Vietnam Studies do ông Nguyễn Khắc Viện chủ trì xuất bản ba tháng một kỳ giới thiệu rất sâu về văn hóa Việt Nam từ văn học, văn hóa đến ngôn ngữ, các phong tục cổ truyền... Bộ sách đó đã được thế giới đánh giá rất cao vì qua đó họ biết dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Nhiều Sứ quán đã khẳng định với tôi, bộ sách văn học và loạt tạp chí này đã có đóng góp rất lớn vào việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Giai đoạn 1975-1995 cũng chứng kiến rất nhiều công trình tìm hiểu Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Việt Nam của giới báo chí và học giả Mỹ. Họ muốn tìm hiểu tại sao một nước thuộc địa cũ lại có thể liên tục đánh bại đế quốc Pháp và siêu cường Mỹ trong một thời gian ngắn như vậy? Môn Việt Nam học cũng rất phát triển trong giới nghiên cứu và trí thức Mỹ.


PV: Câu hỏi của những người Mỹ đi ra từ cuộc chiến tranh và của những người Mỹ sinh ra sau cuộc chiến, có gì khác nhau không, thưa ông?






“Người Mỹ luôn muốn tìm hiểu tại sao một nước thuộc địa cũ lại có thể liên
tục đánh bại đế quốc Pháp và siêu cường Mỹ trong một thời gian ngắn như vậy?”



HN: Từ sau năm 1975, khách du lịch Mỹ hoặc Việt kiều thường đặt những câu hỏi chỉ trích, phê phán, mang nặng tính định kiến. Nhưng càng về sau, nhất là những năm bình thường hóa quan hệ, họ đã có thái độ thân thiện và thiện chí muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam thực sự. Sự thay đổi này nằm ở những khác biệt của thế hệ. Lớp người vừa ra khỏi chiến tranh thường mang nặng những vết thương của cuộc chiến nên bản thân họ có rất nhiều băn khoăn, định kiến. Càng những thế hệ sau, sự phai nhạt về ý thức hệ càng rõ nét nên chúng ta đã có những bước xích lại gần nhau như vậy.



PV: Vậy ông đã đem đến cho người Mỹ những câu trả lời nào để hóa giải, xóa nhòa trong họ tất cả những hiểu lầm, định kiến, lòng căm thù, hậm hực của một đế quốc đã gục ngã dưới sức mạnh của một dân tộc vốn được coi là nhược tiểu?

HN: Nhiều khách du lịch Mỹ đã hỏi tôi, tại sao khi sang Việt Nam, chúng tôi vẫn được đón tiếp một cách thân thiện, nồng hậu như vậy?

Tôi đã trả lời, câu hỏi của ông rất lý thú nhưng tôi không thể trả lời một cách chính xác vì chưa có một cuộc nghiên cứu xã hội học quy mô về vấn đề này. Nhưng tôi vẫn có thể lý giải với ông bằng những suy nghĩ chủ quan của mình như sau:

Thứ nhất, đó là chính sách của Việt Nam xuyên qua hàng nghìn năm lịch sử. Việt Nam luôn phải đối đầu với đế quốc phương Bắc rất mạnh nên tính chất “sống sót” phải luôn luôn bảo vệ. Đường lối đối ngoại chính là tận dụng mọi yếu tố để tồn tại. Cho nên sau mỗi một vụ binh đao là lập tức tìm cách bắt tay nhau ngay.

Lý do thứ hai là đại bộ phận người Việt Nam thờ Phật nên sau khi đã đánh nhau rồi thì họ coi tất cả những người đã chết trong chiến tranh đều là vong hồn và làm tế lễ chung. Hàng năm Việt Nam đều lấy ngày rằm tháng Bảy làm lễ xá tội vong nhân cho cả hai bên, dù ta hay địch. Với người dân Việt Nam, trong sinh linh của mỗi con người đều có một phần “Phật tính” cùng được yêu thương, trân trọng như nhau.


PV: Trong lịch sử đã có những cuộc ngoại giao bóng bàn, bóng chuyền, hòa nhạc… đi trước ngoại giao chính trị- kinh tế. Phải chăng những cuộc ngoại giao văn hóa qua các sách báo, các đoàn nghệ thuật, cùng những chuyến viếng thăm tìm hiểu lịch sử Việt Nam của người Mỹ cũng như các cuộc tiếp xúc của văn nghệ sĩ Việt Nam trong giai đoạn 1975-1995 đã “mở đường” cho sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau này?


HN: Như trên tôi đã nói, sự thiếu hiểu biết và không tôn trọng về văn hóa đã gây ra chiến tranh. Ngay bây giờ, những người theo đạo Hồi và người Mỹ có khủng bố, chiến tranh là do hai bên không đối thoại được với nhau.




Nhà văn hoá Hữu Ngọc và cuốn sách “Lãng du văn hoá Việt Nam” tập hợp hơn 600 bài báo
viết bằng tiếng Anh giới thiệu về văn hoá Việt Nam với bạn bè thế giới





PV: Công việc giới thiệu hình ảnh văn hóa đến bạn bè quốc tế của ông đã có một hành trình hơn 50 năm. Đến một thời điểm nào đó phải dừng chân, ông đã nghĩ đến lớp người kế cận chưa?



HN: Một người Mỹ hỏi tôi rằng ông có học trò không? Điều này thực sự tôi không biết vì không có ngành nào đào tạo chuyên sâu những cán bộ văn hóa kiểu này cả. Mà tôi nghĩ cũng không có một ngành nào có thể đào tạo được. Vì việc viết hoặc nói cho nước ngoài hiểu ra vấn đề đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Cán bộ văn hóa ở các Sứ quán thì hiếm, mà những người thực sự có tài năng lại càng hiếm hơn.



PV: Ông có nhận xét gì về việc tiếp thị hình ảnh Việt Nam ở tầm quốc gia hiện nay? Dường như những hoạt động quảng bá của chúng ta vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn…



HN: Hiện nay, việc giới thiệu hình ảnh văn hóa Việt Nam ra bên ngoài còn có nhiều bất cập. Nhưng cái bất cập nhất là chúng ta vẫn chưa thấm nhuần tầm quan trọng của vấn đề này. Nhiều cấp, ngành đã nhận thực được tầm quan trọng của chiến lược quảng bá văn hóa nhưng thực tế thì nói lại hay hơn làm. Vì thế mới có sự phối hợp rời rạc giữa các ban, ngành trong việc thực hiện một chiến lược chung.



PV: Thiếu sự phối hợp hành động trong một chiến lược tổng thể, đó là mấu chốt của vấn đề, thưa ông?


HN: Chúng ta vẫn chưa có một trung tâm về văn hóa đối ngoại tập hợp tất cả các cơ quan vệ tinh làm những chương trình văn hóa đối ngoại cho ra trò. Mỗi nơi một mảnh, mỗi bộ một mảnh nên rất phân tán. Có những việc trong truyền bá văn hóa đáng nhẽ phải rất được chú trọng nhưng lại không chú trọng. Hai việc mà tôi biết là tạp chí của ông Nguyễn Khắc Viện (bản tiếng Anh, Pháp) trong thời kỳ chống Mỹ có thể ra mấy ngàn bản. Nhưng khi Việt Nam thôi không là trung tâm của sự chú ý thì nó cứ tụt dần về số lượng. Trong khi đó tất cả thư viện lớn trên thế giới như Thư viện Nghị viện Nhật, Thư viện Hoàng gia Anh hoặc các thư viện trường ĐH lớn ở Pháp, Mỹ đều sưu tầm đầy đủ bộ tạp chí đó. Thậm chí thư viện Hoàng gia Anh đã photo cho chúng tôi 5 quyển còn thiếu. Một tạp chí đã tồn tại 34 năm, là thương hiệu về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế mà giờ đây lại bị xếp ở cấp 3, trực thuộc một NXB nhỏ, ra vài trăm số một kỳ.


Còn một tạp chí nữa là VietNam Culture Window mỗi số tập trung giới thiệu một nét văn hóa Việt Nam như ẩm thực, trang phục, cưới xin, ma chay… được các đại sứ nước ngoài khen ngợi là một ấn phẩm văn hóa đặc biệt thì hiện nay đang ngoắc ngoải “sống dở chết dở”. Theo quan sát của tôi, những nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản đều có những ấn phẩm văn hóa chuyên sâu phát không như vậy.


Nói chung là chúng ta có một chiến lược tổng thể nhưng phối hợp rời rạc, chưa xác định được những việc trọng tâm, có ích để làm. Số phận của hai tạp chí tôi vừa kể ở trên là một ví dụ.



PV: Hàng nghìn tỷ bỏ ra để quảng bá văn hóa sẽ đổ xuống sông, xuống biển, nếu như trong đời sống của công dân nước đó còn những hành xử như kiểu bẻ hái hoa anh đào, bỏ mặc người bị thương trên phố, nâng giá với khách nước ngoài, nhem nhuốc, bẩn thỉu ngoài hè phố…



HN: Điều đó là dĩ nhiên. Hiện nay, tôi nhận thấy ý thức của công dân Việt đang xuống rất thấp. Sự lên ngôi của các giá trị vật chất đã kéo théo những thoái hóa trầm trọng về đạo đức. Với những nước còn ảnh hưởng bởi Khổng giáo, những người đứng đầu mà không gương mẫu thì sẽ đem lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Vì thế, sự gương mẫu của mỗi cán bộ, công chức, mỗi người lớn cần phải đặt lên hàng đầu.



PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Người ta gọi ông là “một trong những con khủng long cuối cùng của văn hóa Việt Nam”. Có lẽ vì hiếm thấy một nhà văn hóa nào lại có thể đứng trước khán phòng hàng trăm người nước ngoài, khiêm tốn, khoan dung mà không kém phần sắc sảo khi nói về văn hóa Việt Nam bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Đức. Cũng hiếm có nhà văn hóa nào đủ sung lực cho 50 năm cầm bút với hơn 600 bài báo giới thiệu văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, trong đó nhiều cuốn sách được nhà nước Pháp và Thụy Điển trao giải vàng. Cuốn sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” với ba ấn bản viết bằng tiếng Anh, Pháp, và Việt Nam của ông được rất nhiều chính khách, văn nghệ sĩ…mang ra nước ngoài làm quà tặng cho bạn bè quốc tế. Du khách nước ngoài muốn “đọc sâu” về văn hóa Việt Nam cũng không thể không tới tìm ông ở căn phòng bé nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo…

Nguyễn Thu Phương (thực hiện)