Ngày cuối tuần, tại khu du lịch Núi Sam (Châu Đốc - An Giang), hàng ngàn người dắt nhau mang theo hương đăng trà quả… và cả tấm lòng thành viếng, cúng các vị thánh hiền đang được thờ phụng trong nhiều chùa miếu lăng tẩm. Người đông đúc trong nắng nóng tháng 4 nhưng không đến mức ngột ngạt hay bực bội khi lọt vào khuôn viên miếu Bà Chúa Xứ.

Nhang khói lòng thành

Bước qua hàng rào “cò mồi” bán nhang đèn đang léo nhéo ngoài cổng miếu, chúng tôi rảo bước vào sân Miếu Bà. Nhang khói lan tỏa, mâm cúng đầy bàn, mỗi người mỗi vẻ hướng về tượng bà Chúa Xứ cầu mong. Một cụ bà nhíu mặt vì khói cay nói vừa đủ nghe “bà linh thiện phụ độ cho con cháu mạnh khỏe, quốc thái dân an…”, rồi bà vuốt tóc bước ra nhường chỗ cho người khác. Tâm linh quả cũng cần có trật tự và sự biết điều nhất định!

Từ sáng đến tối hàng trăm người đốt hàng mã áo mão kim ngân…khấn cầu nghi ngút.
Từ sáng đến tối hàng trăm người đốt hàng mã áo mão kim ngân… khấn cầu nghi ngút.

Hầu hết các bàn cúng đều chật nêm với vô số sản vật từ tiền bạc hàng mã đến áo mão, gạo muối, heo quay… tất cả là tấm lòng thành của người hành hương. “Có cúng Bà và tạ ơn, gia đình tôi mới yên lòng. Năm nào cũng vậy chỉ cầu khẩn và mong được Bà phù độ những điều trong khả năng, làm ăn yên ổn, gia quyến mạnh giỏi. Tạ ơn bà cũng là để nhắc nhở mình tốt hơn trong cuộc sống mà” - Anh Hùng, nhà ở quận 3, TP.HCM thành tâm. Sau khi khấn vái, anh rút ra ngoài, vác theo cả con heo quay 12kg mọng đỏ.

Trước khi đi anh còn bỏ vào thùng từ thiện được đặt trong khu chánh điện Miếu Bà nắm tiền lẻ. Rất nhiều người đến hỷ cúng rồi xin lộc bà bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng trên hết vẫn là lòng thành và đức tin. Doanh nhân đại gia có tiền thì cúng heo quay, áo mão, khánh vàng và còn tạ ơn Bà số tiền lên đến bạc triệu. Còn người thu nhập thấp thì cúng bà bằng sản vật cây nhà lá vườn. Tất cả đều như chìm trong miền tâm linh vĩnh hằng...

Tiền cúng bà từ tấm lòng thành được Ban Quản trị ghi vào sổ, xuất giấy xác nhận và cảm ơn, coi như đã góp một phần công sức trùng tu xây dựng khu du lịch tâm linh Núi Sam. Số tiền này năm 2007 thu trên chục tỷ đồng và được gửi vào ngân hàng để sau đó tái đầu tư xây dựng phát triển vùng du lịch tâm linh Núi Sam.

Về tâm linh, với những người dân lành, đi vía Bà Chúa Xứ còn là cách để giải bày nỗi lòng mong được chứng giám chia sẻ. Dù chỉ là bó nhang, quả đu đủ hay bọc gạo vừa mới được xay từ ruộng lúa sau nhà nhưng vợ chồng Bảy Cậu ở Hòa Bình (Chợ Mới, An Giang) vẫn tự tin đặt vào nơi chánh miếu ngang với mâm cỗ xanh đỏ cao ngất cùng bàn. Để rồi “của ít lòng nhiều mong bà chứng giám…” .

Nhiều nông dân áo bà ba dép lê đứng bấm ngón lầm thầm, giây phút hương khói ấy thật linh thiêng, đã không còn ranh giới của giàu với nghèo, già với trẻ hay thành phần xã hội. Tất cả đều thanh thoát thiện tâm, đều ít nhiều tín ngưỡng cầu mong.

Góp hụi đi vía

Những ngày cuối tuần, dù chưa vào chính lễ, nhưng theo ban quản trị lăng miếu Núi Sam, khách hành hương đến miếu bà ngày một đông, từ 30-40 ngàn lượt người. Tám bàn cúng đựợc kê thêm nơi chánh điện lúc nào cũng đầy ắp mâm cúng. Theo thống kê mỗi ngày thứ bảy, Chủ nhật, bá tánh đến cúng trên 200 con heo quay lớn nhỏ, vài tấn gạo, muối, trái cây...

Miếu bà Chúa Xứ dưới chân núi Sam ngày nào cũng dập dìu người vào ra.
Miếu bà Chúa Xứ dưới chân núi Sam ngày nào cũng dập dìu người vào ra.

Ông Thái Công Nô, Phó trưởng Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam nói, năm nay dù tình hình giá cả leo thang, làm ăn khó khăn hơn trước, nhưng khách hành hương vẫn đến đông hơn các năm. Lý giải điều này, nhiều vị khách đi vía bà cho biết, tâm lý chung năm sau thường chuẩn bị lễ quà đi cúng Bà Chúa Xứ cao hơn năm trước.

Vợ chồng chị Hai Sen ngồi nghỉ chân trong khuôn viên miếu bà tâm sự: “Năm nay đi cúng, vợ chồng tôi còn rủ thêm hàng xóm cả chục người rồi bè bạn bà con. Vừa du lịch vừa mong được lộc bà ăn nên làm ra”. Có đoàn đi vía bà cả hội, cả xóm, thuê cùng lúc 2 chiếc xe đò 54 chỗ đông vui. Quan sát một đoàn vía bà đến từ Tây Ninh chúng tôi thấy khá… “hội hè”, long trọng. Dẫn đầu đoàn là 4 người khiêng 2 con heo quay loại trên 40kg, phía sau là 4-5 mâm ngũ quả, áo mão nhang đèn, quần áo chỉn chu tiến vào chánh điện. Cách thức bày biện khấn vái cũng bài bản. Hỏi ra mới biết năm nào bà con cũng chuẩn bị cho chuyến đi cả tháng, trong đoàn mỗi người góp một ít tiền cho chi phí quà cúng và thuê phương tiện đi về.

Hầu hết các đoàn cùng viếng tập thể. Ông Nguyễn Văn Đồng, thành viên quản miếu nói rằng, tiểu thương các chợ, các hội cùng chung ngành nghề hay một khóm ấp làng quê nào đó. Thậm chí có nhóm tiểu thương còn tổ chức góp hụi không tính lãi mỗi ngày vài ngàn ròng rã cả tháng để tổ chức cho chuyến đi du lịch về miền tín ngưỡng này.

Văn hóa du lịch tín ngưỡng có sức hấp dẫn lạ kỳ, có lẽ đó là nhu cầu khá phổ biến khi người dân nói chung vẫn dựa vào tâm linh để gửi gắm lòng thành và đức tin. Có người còn mong được sờ vào tượng Bà rồi vuốt tay lên đầu hoặc xoa lên bức tường phía sau lưng nơi Bà tọa lạc để tĩnh tâm cầu khẩn ước được, có khi là sám hối hứa cải.
Ăn theo tâm linh

Năm nay, trong khu vực miếu Bà Chúa Xứ đã có hàng rào bảo vệ chuyên nghiệp chặn đội quân cò mồi phía ngoài và tóm kẻ xấu trộm cắp bên trong. Khách đã yên tâm hơn khi vào cúng vái vía bà. Ông Tám Trắng, Trưởng Ban quản trị lăng miếu núi Sam nói: “Ban đã đầu tư 200 triệu mua camera quan sát từ xa, thành lập một đội gồm 60 bảo vệ và thuê công ty vệ sĩ cùng tham gia để lập lại trật tự trong khu du lịch...".

Đội quân cò nhang đèn tựa hàng rào gọi khách từ bên trong khu lăng miếu núi Sam.
Đội quân cò nhang đèn tựa hàng rào gọi khách từ bên trong khu lăng miếu Núi Sam.

Thế nhưng, vẫn chưa thể dẹp hết bọn cò mồi bán nhang đèn, chim phóng sinh rồi mê tín dị đoan bói toán gần xa. Đội quân này gây níu kéo nài nỉ phiền hà du khách và lừa gạt. Ngày nào công an cũng bắt nhưng rồi luật pháp chưa đủ sức răn đe, nên đâu lại vào đấy.

Khi chúng tôi vừa vào sân miếu đã có hai chị bán chim phóng sinh hỏi “Thả chim phóng sinh đi anh, bà độ hên lắm!”. Chim phóng sinh 5.000 đồng/con, muốn thả bao nhiêu cũng được nhưng “phải ra khỏi khu vưc miếu bà nếu không… bảo vệ tịch thu”.

Rồi bói toán xin xăm, đồng cốt muôn vẻ. Theo chân một cò bói, chúng tôi vào ngửa tay cho bà Hai xem một quẻ. Nơi hành nghề của bà lọt thỏm trong túp lều thiếu sáng kín cửa. Sau tôi còn vài ba người khách chờ tới lượt để được tốn… 30.000 đồng phí coi bói.

Giây phút xin xăm, xin quẻ của cô thím
Giây phút xin xăm, xin quẻ của cô thím

Trong khu vực Núi Sam, ở khóm Vĩnh Tây 1, có nhiều thầy bói trá hình vô công rồi nghề nhưng giỏi miệng lưỡi bùa ngải. Có nhóm thầy bói còn tổ chức đường dây môi giới dẫn đường kẻ tung người hứng lừa gạt khách. Mới đây, nhóm thầy bói của trùm bói toán N.Ng đã bị công an phường núi Sam túm cổ khi xủ quẻ làm bùa trấn tiền của khách lên đến 1,2 triệu đồng.

Những vụ việc như thế vẫn thường diễn ra trong suốt mùa vía từ tháng giêng cho đến hết tháng tư âm lịch. Đi du lịch vía bà xem bói thử thời vận và được thấy bói giải hạn thì còn gì bằng, nhưng không ít người mê tín thái quá đã bị mê hoặc trấn tiền, vậy mà vẫn… thiêu thân.

Lãnh đạo công an phường núi Sam đã lập hồ sơ điều tra, có danh sách tên tuổi địa chỉ vùng làm ăn của trên 60 thấy bói. Tất cả đều đã ký cam kết không làm cái nghề “bói ra ma quét nhà ra rác” nũa, nhưng rồi vẫn tồn tại một loại hình dịch vụ bói chui rất khó dẹp này.

Mùa tâm linh vẫn huyền hoặc với hàng trăm giai thoại của các vị thánh hiền công đã một thời mở mang xây dựng làng quê Vĩnh Tế núi Sam. Bên cạnh cái đẹp với sự tôn thờ trang nghiêm ăn vào máu thịt của thập phương bá tánh là những sạn sỏi chưa thể nhặt hết. Người đi hành hương mùa vía sẽ thanh thản chiêm nghiệm và khám phá ra nhiều điều thú vị ở núi Sam hơn khi không còn cảnh níu kéo ỉ ôi.

* Q. Đông
http://thegioivohinh.com/newthread.php?do=newthread&f=7