Thứ năm, 14/7/2005, 03:21 GMT+7
Achuta không được là người

Mang thân phận ô uế ngay từ khi mới ra đời, 1/6 dân số Ấn Độ đang phải sống cuộc sống xa lạ với đồng loại. Tại Ấn Độ, những người dưới đáy xã hội vẫn bị tẩy chay, bị sỉ nhục, bị cấm đi vào đền thờ và nhà của những người tầng lớp cao. Họ bị hiếp, bị đốt, thậm chí bị bắn chết vì những lý do không chấp nhận được.

Girdharrilal Maurya đang phất lên nhờ nghề thuộc da thì gặp họa, cái họa do chính tổ tiên anh gây ra. Tất cả chỉ vì anh sinh ra là một người Achuta, một thứ cặn bã dưới con mắt của đạo Hindu. Cái tội của Maurya là đã không cam chịu phận đã định như ông cha mình, dám dùng chung giếng làng - xưa nay vốn chỉ dành cho những người đẳng cấp trên.

Một đêm, trong khi Maurya đi vắng, nhà anh bị tấn công. Một nhóm người đã phá hàng rào, lấy đi máy kéo, đánh đập vợ và con gái anh rồi đốt rụi căn nhà. Thông điệp của họ rất rõ ràng: Hãy trở lại nơi thuộc về mày.

Những vết sẹo do bị tạt acid trên mặt Ramprasad và trên người Ramlakhan ở làng Uttar Pradesh là cái giá họ phải trả vì đã dám câu cá ở cái ao không phải dành cho những người Achuta.
Ở Ấn Độ, sinh ra là một tín đồ của đạo Hindu thì buộc phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về đẳng cấp xã hội của đạo này. Đạo Hindu chia xã hội thành những đẳng cấp khác nhau theo quan điểm đã tồn tại hơn 1.500 năm qua: mọi người sinh ra không phải ai cũng có quyền bình đẳng. Theo đó, như một cơ thể người, ở đẳng cấp cao nhất (từ miệng trở lên) là các Brahman: những thày tu và giáo sĩ; từ miệng xuống tay là Kshatrya: những người lãnh đạo và binh lính; từ tay xuống đùi là Vaisya: tầng lớp buôn bán; từ đùi đến chân là Sudra: người lao động. Những người như Maurya thì không được tính đến. Họ bị xếp vào dạng Achuta, nghĩa là những người dưới đáy xã hội. Họ bị khinh rẻ, ruồng bỏ và là một khái niệm đồng nghĩa với sự ô uế, không đáng được gọi là người.

"Luật Manu của đạo Hindu quy định rất rõ ràng, tầng lớp nào thì được ăn gì, vệ sinh ra sao, khi nào thì chiến đấu và kẻ nào thì phải tránh", Umashaka Tripathy, một thày tu thuộc tầng lớp Brahman (Bà la môn), cho biết. Tổ tiên của Tripathy chính là những người đã lập ra luật Manu và bây giờ, đến lượt anh duy trì nó. Ngồi bắt chéo chân trong một ngôi đền ở Varanasi bên bờ sông Hằng, Tripathy vừa khua đôi bàn tay trắng mềm vừa nói về việc anh phải giữ thể xác và linh hồn mình trong sạch, không một tỳ vết như chiếc áo thụng dhoti truyền thống mà anh khoác trên người.

"Tôi kiêng thịt, rượu, không ăn gừng hay hành vì chúng trồng trên đất". Câu chuyện của Tripathy chứa đầy sự tự kiêu của một người thuộc đẳng cấp cao nhất trong xã hội. Một người Brahman như Tripathy không được chạm vào chân của Gandhi, vì dù được tôn sùng như một vị thánh ở Ấn Độ, Gandhi vẫn thuộc về Vaisya - đẳng cấp thấp hơn anh những hai bậc. Và đương nhiên, Tripathy chẳng bao giờ bận tâm đến số phận của những người Maurya. Những câu chuyện về người Achuta bị tạt acid, hoặc vợ anh ta bị hiếp trước mặt chồng, vẫn xảy ra hằng ngày ở đâu đó trên đất Ấn Độ, không lấy nổi của Tripathy một cái nhíu mày.

Trong ký ức sống của ngày trước, người Achuta sẽ bị đánh nếu trót để bóng mình phủ lên một người ở đẳng cấp cao hơn vô tình đi qua đường. Họ phải mang chuông để người khác biết mà tránh. Họ phải mang ống nhổ theo mình để không được khạc nhổ làm ô uế mặt đất. Và đương nhiên là họ không bao giờ được phép ngồi gần ai ngoài những người cùng đẳng cấp với mình. Ngày nay, tuy những luật lệ này đã phần nào được nới lỏng, nhưng tình thân ngược đãi của nó với tầng lớp Achuta vẫn không khác trước là bao. Hiện có khoảng 160 triệu người Achuta ở Ấn Độ. Những người dưới đáy xã hội này vẫn bị tẩy chay, bị sỉ nhục, bị cấm đi vào đền thờ và nhà của những người ở tầng lớp cao hơn. Họ bị buộc phải ăn uống trong những cốc, bát riêng ở nơi công cộng. Họ bị hiếp, bị đốt, bị đánh thậm chí bị bắn chết vì những lý do phân biệt đẳng cấp không thể chấp nhận được.

Mặc dù luật pháp Ấn Độ nghiêm cấm những hành vi phân biệt đẳng cấp, nhưng ở một đất nước mà 80% dân số theo đạo Hindu thì thường là lệ (của chính giáo) vẫn lớn hơn luật (của quốc gia). Thế nên tất cả những nỗ lực của chính quyền để đổi đời cho người Achuta vẫn chỉ nằm chủ yếu trên giấy tờ. Không có cách nào để họ hòa nhập vào xã hội. Rào cản lớn nhất chính là nghề nghiệp của họ, những nghề luôn bị định kiến của đạo Hindu quay lưng.

Tôn giáo này quy định những công việc bẩn thỉu, phải tiếp xúc với rác, máu hay các chất thải của cơ thể, là để dành riêng cho người Achuta. Nghĩa là dù thông minh, tài giỏi tới đâu thì nghề của họ vẫn không nằm ngoài những việc như mai táng người chết, dọn nhà xí, cắt rốn trẻ con, thu lượm xác xúc vật trên phố, thuộc da, thông cống... may lắm mới được làm thuê việc đồng áng cho các địa chủ. Những công việc này thuộc dạng cha truyền con nối qua hàng bao thế hệ người Achuta.

Sinh thời, Mahatma Gandhi đã dũng cảm đối đầu với những điều luật mấy nghìn năm của đạo Hindu để lấy lại công bằng cho người Achuta. Ông nhận con gái của một gia đình Achuta làm con nuôi, khẩn cầu Ấn Độ thôi khinh mạt những người con cùng màu da, cùng sinh ra và lớn lên bên sông Hằng. Thậm chí ông còn đổi tên Achuta thành Harijan (Những đứa con của thượng đế). Ông cũng mở toang tất cả các cánh cửa đền cho họ vào hương khói và đi khắp Ấn Độ để nói về một xã hội mới không còn cái nhìn khinh rẻ đối với họ.

Tuy nhiên, Gandhi chỉ kêu gọi xóa bỏ Achuta mà không dám đánh đổ chế độ phân định đẳng cấp xã hội - đặc sản đáng buồn của Ấn Độ. Kết quả, cái ông mơ ước và cái ông nhìn thấy còn quá xa nhau. Người Achuta vẫn không được tôn trọng hơn. Tuy đã bớt bị khinh rẻ nhưng họ phải mang thêm những cái nhìn thương hại. Dù sao những gì Gandhi làm cũng mở đường cho Bhimrao Ramji Ambedkar lập ra đảng chính trị đầu tiên của người Achuta, thậm chí chiếm được ghế cho họ trong bộ máy lập pháp. Ambedkar mạnh tay hơn Gandhi và đáng tiếc là chính điều này đã đẩy họ sang hai chiến tuyến. Gandhi sợ rằng những gì Ambedkar làm sẽ phá tan đạo Hindu và ông đã đẩy người hùng đích thực của dân Achuta vào phía cuối của một con đường hầm không có ánh sáng. Thất bại, chán nản, Ambedkar cuối cùng đã cải giáo sang đạo Phật.

Gần 50 năm trôi qua kể từ khi Ambedkar trút hơi thở cuối cùng. Cũng từ đó, không còn lương tâm nào dằn vặt vì thân phận của người Achuta nữa. Và những người sống dưới đáy xã hội lại phải tiếp tục vác gánh nặng nghiệp chướng của quá khứ vào tương lai - tương lai không dành cho họ. Trong những năm gần đây, số vụ hành hung, ngược đãi người Achuta đã tăng lên tới 30% tại các bang họ tập trung như Bihar, Tamil Nadu. Xã hội làm ngơ và cảnh sát hãn hữu lắm mới tiến hành điều tra tội phạm. Trong kho tư liệu của phóng viên ảnh Krishnar Kishan ở thành phố Patna, thủ phủ Birha, tràn ngập hình xác người Achuta. "Mỗi tuần lại có vài người thiệt mạng. Nhưng chừng đó là quá ít để có thể đưa tin. Tòa soạn chỉ cử tôi đi chụp khi có những cuộc thảm sát Achuta lớn".

Ở Ấn Độ, quốc gia luôn tự coi mình là điển hình cho một hình mẫu phát triển, nền dân chủ đông dân nhất thế giới, quyền lực mới trong công nghiệp phần mềm, một kẻ thách thức trong lĩnh vực liên lạc vệ tinh, một cường quốc tiềm năng với những nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân và bom nguyên tử - vẫn còn nguyên câu hỏi: Tại sao những người Achuta phải chết?

Ôi cái đạo này.Tôi ko biết nói thế nào?Chỉ biết thốt lên 2 từ "Vãi ấn".1 đất nước tự cho mình là phát triển mà lại có vụ phân biệt thế này.Thật tội cho những người có thân phận là Achuta.