Bài sưu tầm trên mạng thấy hay nên post lên mọi người cùng tham khảo


BẠN CÓ CẦN ĐƯỢC CỞI TRÓI?
Trong hơn mười năm, tôi may mắn có cơ duyên theo học đạo với nhiều vị thầy tâm linh, hữu hình lẫn vô hình. Mặc dù mỗi thầy đều có đường hướng riêng, nhưng có những điểm mà các vị cho là quan trọng, nay tôi xin tóm
gọn lại để chia sẻ với các bạn đạo. Điều nào bạn thấy tâm đắc thì dùng, điều nào không thích thì xin bỏ qua cho.
Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để tháo gỡ những trói buộc còn vướng lại trên con đường tu? Chỉ khi mình ý thức được mình đang đi qua giai đoạn nào thì mới có khả năng tự tháo gỡ. Sau đây là những giai đoạn mà người tu thường kinh qua, có thể cần được cởi trói:
1. Chấp pháp, chấp Thầy: Khi mới bắt đầu, ta còn chưa rõ ràng nên cần phải dựa vào pháp tu và dựa vào những vị Thầy. Thường thì trong thời gian nầy, ta nhất quyết là pháp tu của mình và Thầy của mình là nhất, là tuyệt đối. Điều nầy giúp ta chuyên tâm học tập và năng nổ thực hành hơn. Nếu chỉ “chấp” ở mức độ nầy thì cũng không sao, nhưng nếu vì thế mà ta xem thường và đả phá các Thầy khác, các đường tu khác thì có nghĩa là ta đã tự trói mình. Một trong những mục tiêu của tu là để chuyển hóa, để giải phóng hết mọi năng lực xung đột (nghiệp thức) trong ta, để mở rộng dần tâm thức ta cho đến khi thành Một với Tất Cả. Khi chấp pháp, chấp Thầy quá nặng, ta có thể trở thành cực đoan, mê muội. Một trong những mối nguy nữa là nếu có khi nào đó ta chợt nhận ra sự bất toàn của pháp môn hoặc của Thầy mình, ta sẽ chới với và có những phản ứng tiêu cực rất mạnh. Thậm chí, có người vì quá thất vọng đã bỏ luôn pháp, bỏ luôn đường tu.

2. Chấp đẳng cấp, thăng tiến tâm linh: nhiều trường phái chú trọng việc thăng tiến tâm linh qua quá trình tiến bộ, cải thiện, có bậc thang đi lên, có đẳng cấp. Thật sự thì có những loại đẳng cấp tu tập hoàn toàn không dính líu gì đến trình độ tâm linh. Cũng có những thứ bậc khả dĩ có thể biểu hiện một phần nào góc cạnh của tâm linh, nhưng không nhất thiết là đúng cho tất cả mọi trường hợp. Hơn nữa, có trường phái đo tâm linh bằng chiều sâu của sự thức giác, có trường phái đo bằng chiều cao của hiểu biết, còn trường phái khác lại đo bằng chiều rộng của tâm thức, hoặc có khi đo bằng mức độ buông bỏ. Vì vậy, khi ta nhận định ai, ta phải biết mình đang ở trong loại trường phái nào, cũng như biết cái nhìn của ta theo thước đo của chiều nào vậy. Vì thế, ta không nên ngộ nhận các đẳng cấp, các bậc thang, các quả vị chứng đắc là mức độ sáng đạo của mình hay của ai cả.



3. Ngộ nhận thần thông và quyền năng: thần thông và quyền năng siêu nhiên cũng chỉ là phương tiện để giúp hành giả trên con đường phục vụ và tu tập. Ta hay ngộ nhận những người sử dụng phương tiện thần thông nầy là thành đạt tâm linh cao. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều đạo sư đạo cao đức trọng nhưng không thấy họ thi triển hay xác định có thần thông. Ngược lại, nhiều thầy pháp có khả năng hô phong hoán vũ, làm cát bay đá chạy, v.v. thì lại chẳng thành đạt mấy về mặt tâm linh.



4. Nhu cầu phục vụ: Tu sáng suốt cần thấu hiểu mọi nhu cầu của bản thân mình. Một trong những nhu cầu lớn của phần đông người tu là nhu cầu phục vụ. Tiềm ẩn trong nhu cầu nầy là nhiều trói buộc. Nhu cầu của bạn từ đâu ra? Sự thôi thúc có từ bao giờ? Nếu không phục vụ, bạn có phiền não không? Bạn có bị sự thôi thúc nầy liên tục ám ảnh trong tâm trí hoặc đẩy bạn làm đến kiệt sức không? Khi phục vụ, bạn có thấy rằng mình đang ban phát không? Bạn có chê những người tu mà không theo con đường phục vụ như bạn là ích kỷ không? Và tại sao mình có nhu cầu chê người khác? Chúng ta cần chiêm nghiệm để có những câu trả lời thật chính xác về bản thân mình. Đây không có chuyện sai hay đúng. Ta cần nhận ra rằng các bậc Thánh, Bồ Tát không hề phục vụ vì họ có nhu cầu, mà là vì người khác cần thôi.



5. Chấp kiến thức, hiểu biết kinh điển, kỹ thuật cao là tâm linh cao: khi gặp người có kiến thức cao, hiểu biết kinh điển rộng, thành tựu nhiều kỹ thuật trong các phương pháp tu tập, ta thường ngộ nhận những thứ nầy biểu hiện cho tâm linh cao. Càng khó hơn nữa là khi ta thấy chính bản thân mình là người đó. (Xưa, trong sách vở, cũng từng đã có những vị thầy có kiến thức và kỹ thuật cao, dạy cho hàng nghìn người chứng đạo nhưng bản thân họ thì chưa chứng đạo được.)



6. Chấp tu tập tới thông thiên, đạt địa: Chúng ta cảm thấy không hài lòng với bất cứ đích điểm nào “lưng chừng”, nhất quyết ai cũng phài tu tập đến mức tuyệt đối, đạt chánh đẳng chánh giác, thông thiên, đạt địa. Còn cứu độ thì ta không muốn chỉ cứu một vài người mà phải cứu hết tam thiên đại thiên thế giới, v.v. Những điều nầy bản thân chúng không có hại, cho đến khi nào bạn cảm thấy phiền não vì chúng thì nên chiêm nghiệm lại. Có lẽ câu hỏi kế tiếp nên đặt ra ở đây là: “Sau khi đạt được mục tiêu tối thượng ấy, thì … rồi sao nữa?”



7. Chấp thiêng liêng: Chúng ta tin tưởng các chư vị vô hình, phó thác và làm theo tất cả mọi hướng dẫn, mọi “thiên ý”. Chúng ta hoàn toàn dựa vào vô hình trên con đường tu tập. Như thế đôi khi chúng ta tạo thói quen ỷ lại. Có một điều rất quan trọng cần biết là không phải “đấng” nào cũng sáng suốt, giải thoát hay cao cả. Không phải cứ vô hình là “các đấng thiêng liêng cao cả” đâu. Cõi vô hình cũng có kẻ mê, người ngộ. Các hộ pháp cũng có người còn nóng nảy, hung dữ, hay còn bị thôi thúc bởi nhiều ham muốn cứu độ, cầu thiện, ghét ác, phân biệt cao thấp, chấp tướng, chấp pháp, v.v. hoặc đơn thuần là bạn bè tu cũ, nghiệp thức của chính mình trong các đời trước, v.v. Tu phải sáng suốt hiểu sự tự do của mình, phối hợp với vô hình mà không để bị sai sử lệch lạc.



9. Chấp tự lực: Cũng có nhiều tông phái lại nhất quyết phải tự lực, không nương nhờ “thiêng liêng”, không dùng thần thông vay mượn, v.v. Thế đứng nầy rất dễ đưa cái “ta” của mình lên cao, thành tự tôn tự đại hoặc mất thêm nhiều thì giờ quý báu, è ạch trong việc tu tập. Cái nào “mượn” thì biết mình “mượn”, miễn ta không ngộ nhận nó là khả năng của mình thì không sao. Người thế gian thôi, mà nhiều lúc ta còn cần phải nương nhờ, huống gì là “thiêng liêng”.



10. Chấp định, chấp huệ: Ta mải miết tu tập để đạt được cấp độ đại định vì có “định” rồi sẽ có “huệ”. Ta muốn đạt được trí huệ cao nhất. Ta muốn có cái biết xuyên thời gian, xuyên không gian và xuyên luôn cả tứ đại. Chẳng những thế, ta còn cả quyết rằng nếu không đạt được trong đời nầy thì ta sẽ đeo đuổi mãi nhiều đời kiếp nữa cho đến khi đạt được. Cái trói nầy từ đâu ra? Phải chăng ta chỉ “nghe nói” mà đã tự trói mình trong cái “muốn” như vậy? Việc gì đến sẽ đến theo tiến trình tự nhiên của nó và không tùy thuộc vào cái “muốn” nào cả. Hễ còn “muốn” là còn trói buộc, vì thế, sống hay chết mà còn “muốn” thì cũng đều là chưa giải thoát được vậy.

Lởi kết: Ý thức được rằng chính mình là người trói mình thì việc tháo gỡ không còn là điều khó nữa.