Theo dấu "Bát quái trận"
thứ ba, 22/04/2008, 07:27 (GMT + 7)

Từng nghe về đòn “Bát quái trận” đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ được diện kiến truyền nhân của môn phái này. Tình cờ võ sư Lê Thành Long đã giới thiệu với tôi “người nắm giữ Bát quái côn”, một trong 10 bài võ cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam. Qua đó, tôi không chỉ biết thêm về một thế võ mà còn hiểu hơn tâm sự, suy nghĩ mà không phải võ sư nào cũng rộng lòng bày tỏ.


Một trong những thế đánh của Bát quái trận


Bát quái trận xuất xứ từ đâu?


Trong sớm ban mai, con đường dẫn vào võ đường Trương Vương thuộc thôn Đông Phước, xã Hòa An (Phú Hòa - Phú Yên) của võ sư Trương Vương Dương mờ ảo khiến tôi có cảm giác mình đang đi vào cõi tiên. Mới 41 tuổi nhưng anh Dương mang nhiều nét u buồn hiếm gặp ở các võ sư. Ngồi trong ngôi nhà gỗ ọp ẹp, tranh tối tranh sáng, anh tiếp chuyện tôi bằng bình trà nóng hổi. Anh kể: Tổ sư của Bát quái trận tại Việt Nam là ông Huỳnh Dzềnh, dượng thứ 6 của anh. “Cả dòng họ tui không biết dượng từ đâu đến. Chỉ nghe kể rằng thuyền bị sóng lớn đánh tan ngoài biển, dượng may mắn thoát chết, trôi dạt vào đất Phú Yên, tình cờ gặp được cô sáu tui rồi nên nghĩa vợ chồng. Lúc còn sống, ông đã dạy cho cha tui (ông Trương Hường) lúc ấy mới 10 tuổi bài võ rất đặc biệt, đó chính là Bát quái côn hay Bát quái trận đồ. Cha tui mê mẩn môn võ gậy ấy và miệt mài luyện tập. Khi dượng không còn, ông vẫn tập võ gậy và sáng tạo thêm những chiêu thức mới để đưa Bát quái côn phát triển mạnh hơn. Giờ đây, Bát quái côn đã thực sự trở thành một trong mười bài võ bắt buộc phải thi đấu của võ cổ truyền Việt Nam. 16 tuổi, cha tui đã mở lớp dạy võ. Lúc ấy, dượng hãy còn sống và ông vẫn tiếp tục dạy võ cho cha.

Trong một trận đấu liên tỉnh, bác ruột tui là Trương Long A tham gia, nhưng khi Ban tổ chức gọi lên thượng đài, bác tui lại không có mặt, thế là cha tui lên đấu thế. Đối thủ là võ sư Châu Long (Quảng Ngãi) có biệt hiệu là “Lân Hổ”, ông này to con, khoẻ hơn cha tui. Võ sư dùng Bàng Long cước tấn công cha. Tiếng gió nghe phựt phựt. Tay ông đâm ra cũng vậy và ông dùng móng tay cào xé rách toác cả da thịt. Cha tui lấy nhu thắng cương, tận dụng những quyền thuật trong Bát quái trận mà đánh, khi đối phương tung đòn thì ông né tránh. Chờ đến hiệp thứ 6, đúng vào thời điểm đối phương yếu dần ông mới tung đòn quyết định. Cha dùng bàn tay đấm thẳng vào huyệt đăng điền của đối thủ, rồi vặn người lại đập chỏ trúng vào huyệt nhân trung dưới lỗ mũi. Đối phương bị hạ gục ngay tức thì”.

Kể đến đây, gương mặt võ sư Trương Vương Dương bỗng trở nên rạng ngời. Anh không che giấu niềm tự hào về những chiến công của cha mình. Anh lục trong góc bàn cũ, lôi ra bằng khen Lân Hổ của Ban giám đốc quyền thuật Tuy Hòa (Phú Yên) và Ban giám cuộc Đại hội quyền thuật Tuy Hòa Phú Lâm khen tặng võ sư Trương Hường toàn thắng trong 6 hiệp vào đêm 29/3/1964 tại Đại hội quyền thuật Tuy Hòa (Phú Yên). Anh tâm sự: “Thú thật, cha từng nói, đúng ra thì cha học võ để tự vệ thôi, chứ không thượng đài làm chi. Thế nhưng thời thế tạo anh hùng. Từ trận đánh đó, ông thực sự nổi danh. Cha quyết định dạy võ để kiếm sống cũng là để tu dưỡng tâm tính”.

Tuyệt chiêu Bát quái côn …

Mới 3 tuổi, Dương đã được cha dạy võ. Học trò của cha anh lúc này còn có anh em ruột, con chú bác của anh. Năm 12 tuổi, Dương bắt đầu dạy võ. Số là hồi ấy, cha anh có một lớp võ ở Đồng Lãnh, xã Hồ Quang (thuộc thị xã Tuy Hòa xưa). Lớp võ nằm ở cánh nam Hồ Quang, trong một hốc núi. Một tuần cha anh lên thăm lớp hai lần để kiểm tra và dạy thêm chương trình mới. Hồi ấy, Dương phải thay cha chỉ lại những cái mình đã học cho học viên.

Bát quái côn là dùng gậy, gồm 24 thế. Học Bát quái côn đúng thầy, đúng bài bản thì dễ, bộ pháp hoàn hảo sẽ làm được, học trong vòng 10 ngày là xong. Học trật, bộ pháp không linh hoạt, không biến hóa thì không cách nào học được. Khi bóng nắng buổi sáng đã lên tới giữa sân, anh quyết định biểu diễn cho tôi xem cái tuyệt kỹ của Bát quái trận. Cây côn gia truyền có từ cha anh, được làm bằng gỗ xay nặng 6kg, dài 1,7m. Những nét roi anh đưa ra uyển chuyển, phức tạp, linh hoạt, biến hóa khôn lường và rất đẹp mắt. Bí quyết của Bát quái trận là lấy nghịch chế thuận, lấy cương thắng nhu. Cương mà chậm thì không đến cường, cường vừa dũng mạnh vừa nhanh cho nên đối phương có thể bị phản công, dính đòn hiểm mà không hay. Bát quái côn nghĩa là theo trận đồ bát quái có 8 cửa sinh, tử, cấn, ly… Bài Bát quái khó ở chỗ nếu muốn học mở rộng thì võ sinh phải lĩnh hội được Bát quái côn pháp, kiếm và các loại binh khí khác. Bài này cũng gồm 24 thế.

Nói về nghiệp võ, có một chút gì đó u buồn trong mắt võ sư Dương. Bất giác một dòng nước mắt chảy dài trên gò má. Tôi hiểu chuyện buồn trong võ nghiệp nhưng không dám xoáy sâu, chỉ mong anh hoàn thành được tâm nguyện, mở rộng phần khó, phức tạp của bài Bát quái để các võ sinh nắm được và bài võ độc đáo này sẽ được lưu truyền mãi mãi.

Theo KTNT-Hải Âu