Chuyện người dám trùng tu những "thiền cốt"
Thứ năm, 13/3/2008, 07:00 GMT+7

Với chòm râu dài và cặp kính to, dày như cái đít chai, thoạt nhìn Đào Ngọc Hân thật giống với một ông đồ nào đó hơn là một nhà khoa học. Thế nhưng, hễ nghe ai đó nhắc đến hai từ “cổ vật”, hai mắt gã lại sáng quắc, và gã lại nói say như đang nhập đồng. Gã bảo, cứ khi nào rảnh là gã lại trốn vợ, một mình vác balô tung tẩy khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng những chuyến đi mà gã hay nói là “đi chơi” ấy, nhiều khi vẫn khiến gã đau nhói, buồn đến mất ăn mất ngủ mỗi khi phải chứng kiến một bảo vật nào đó của nước nhà, vì một nguyên nhân nào đó đã mất hút khỏi hiện tại, hoặc đã bị chính bàn tay con người phá hỏng.




Ngôi nhà của gia đình Đào Ngọc Hân nằm trong một con ngõ nhỏ trên Đường Láng. Ngôi nhà chỉ rộng vài chục mét vuông, nhưng từ hai năm nay, nó còn là trụ sở của Công ty TNHH Bảo tồn cổ vật Hà Nội, đồng thời cũng là công xưởng làm việc của gần chục công nhân, với sơn, với mực, với máy mài và hàng trăm thứ cổ vật với đủ các loại vật liệu ngổn ngang. Vì vậy, đến nhà của Đào Ngọc Hân lúc nào tôi cũng có cảm giác như mình đang lạc vào một cái tổ ong, hoặc một đại công trường nào đó.


Theo được nghề vì… lãng mạn quá







Đào Ngọc Hân.





Đào Ngọc Hân kể, cho đến bây giờ anh vẫn theo được với nghề, có lẽ tại vì cái tính anh nó lãng mạn quá. Anh bảo, học ngành Mỹ thuật truyền thống (trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), đã ít sinh viên theo học, mà khi ra trường, nếu lại làm đúng chuyên môn thì tẻ nhạt và vất vả vô cùng. Chẳng thế mà trong số bốn sinh viên sau khi ra trường, hai người đã đi làm hoạ sĩ trình bày báo, người còn lại thì làm giáo viên. Còn anh, chẳng hiểu sao, lúc nào cũng thích thú tìm đến các đền chùa và bảo tàng. Sau khi tốt nghiệp, anh cũng chả biết làm gì, hơn nữa, chuyên môn của anh khi ấy cũng không mấy nơi cần đến. Vì vậy, anh cứ triền miên đi thăm thú nơi này nơi kia. Thảng hoặc, các thầy và các bậc đàn anh trong nghề nhận được công trình, anh lại được gọi làm cái chân hậu cần, phục vụ “điếu đóm, chè nước”.




Những năm 90 trở về trước, khi Việt Nam chưa có luật di sản, để trùng tu được một cổ vật vất vả và phức tạp vô cùng. Xin được giấy phép trùng tu đã khó, nhưng xin được rồi thì Nhà nước cũng không có nguồn kinh phí cung cấp cho việc trùng tu. Anh Hân kể, năm 1990, một phật tử ở Hải Phòng, sau ba năm vất vả ngược xuôi mới xin được giấy phép của Sở Văn hoá cho phép trùng tu lại bức tượng vị tướng Trần Quốc Bảo.


Bức tượng có niên đại trên 300 năm tuổi nhưng đã bị xuống cấp trầm trọng. Xin được giấy phép, vị phật tử này đã lên tận Hà Nội đề nghị giáo sư Nguyễn Lân Cường phục dựng. Lần này, anh cũng được giáo sư Cường gọi đi làm công tác “hậu cần”. Nhưng lần này anh được tham gia với tư cách một chuyên gia, phụ trách việc sơn và hoàn tất giai đoạn cuối cho bức tượng. Sáu tháng sau, bức tượng đã được phục dựng thành công. Khổ nỗi, vì không có kinh phí nên trong suốt 6 tháng trời, vị phật tử kia ngày nào cũng phải cơm nước và đi vận động tiền bạc mua vật liệu phục vụ việc trùng tu.


Năm 1992, một sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới khảo cổ Việt Nam là phát hiện ra pho tượng bó cốt của thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Khi được phát hiện, pho tượng đã bị vỡ thành mấy trăm mảnh và vứt ngoài vườn sắn. Lúc này, Viện Khảo cổ đã phải đứng ra nhận trách nhiệm trùng tu, nhưng hoàn toàn không có kinh phí. Nhiệm vụ lần này lại được giao cho giáo sư Nguyễn Lân Cường. Việc trung tu một bức tượng bó cốt là một công việc phức tạp, rất tốn kém và cần phải có một ê kíp những người có chuyên môn tham gia, mà nhân sự khi ấy lại thiếu vô cùng.


Đào Ngọc Hân kể: Ngày ấy giáo sư Cường đã mời rất nhiều chuyên viên bảo tàng các tỉnh về cùng tham gia, nhưng kết cục, ông không thể chọn được người có đủ chuyên môn. Vì vậy, công việc trùng tu cuối cùng chỉ có hai thầy trò. Thế nhưng, việc trùng tu ở chùa Phật Tích bị ảnh hưởng bởi du khách đến tham quan ngày càng đông. Vì vậy, ê kíp thực hiện đã phải chuyển làm việc ở Viện khảo cổ. Vậy mà tại đây, mỗi ngày vẫn có hàng trăm du khách, phật tử khắp nơi tìm đến khấn vái và thắp hương nghi ngút. Và, một lần nữa, ê kíp lại phải bí mật chyển pho tượng đến một ngôi nhà trên phố Ngã Tư Sở. Công việc trùng tu bí mật đến nỗi, ngay cả những người hàng xóm sống liền kề cũng không biết họ đang làm gì. Gần một năm sau, pho tượng bó cốt mới được phục dựng xong. Gần một năm làm việc vất vả, không hề có kinh phí hay trợ cấp; thậm chí, cả tiền ăn uống của nhóm cũng hoàn do một nhóm phật tử của chùa cung tiến và phục vụ.


Sau sự kiện trùng tu thành công bức tượng bó cốt thiền sư Chuyết Chuyết, Đào Ngọc Hân tiếp tục được mời trùng tu các tượng bó cốt của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Tây) và tượng thiền sư Như Trí, ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Tuy nhiên, những công trình trùng tu sau này đều có kinh phí nên công việc tiến hành đã gặp ít khó khăn hơn...


Nơi báu vật bị "phá" nhiều nhất là... bảo tàng?








Tượng Thiền sư Như Trí chùa Tiêu Sơn đã được bảo quản. Từ trái sang: Họa sỹ Đào Ngọc Hân, PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt (Tổng Thư ký Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt)




Cổ vật Thuyền Chùa Keo đã được trùng tu hoàn chỉnh.



Mặc dù đã tham gia trùng tu rất nhiều cổ vật nổi tiếng trong nước, nhưng ra trường đã mười mấy năm, Đào Ngọc Hân vẫn không xin vào làm việc chính thức trong cơ quan nào. Anh bảo, làm tự do và tự do “xê dịch” vẫn sướng hơn. Thế nhưng, anh đã phải rất vất vả làm đủ nghề để “nuôi” cái sở thích có vẻ "điên điên" ấy của mình. Đã có một thời gian dài, hầu hết tiền bạc kiếm được từ cửa hàng đá quý của gia đình, anh đều nướng hết vào các chuyến đi, rồi mua vật liệu làm những công trình, mà lẽ ra, anh phải được nhận thêm tiền từ chính những công trình này.


Thế nhưng, đi càng nhiều, tiếp xúc với cổ vật càng lắm, anh càng đau khi phát hiện ra một thực tế là: nơi lưu giữ nhiều cổ vật nhất, cũng là nơi cổ vật bị bỏ bê nhiều nhất lại chính là hệ thống các bảo tàng địa phương và những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi với rất nhiều pho tượng quý. Anh bảo, có vào kho của các bảo tàng địa phương thì mới thấy sự thiếu thốn về tài chính của đất nước mình. Chẳng hạn Bảo tàng Vĩnh Phú trước kia chỉ là một ngôi nhà mượn, kho của bảo tàng được nhét đủ các loại bảo vật, với đủ loại chất liệu gỗ, vải, đá chồng chất, san sát nhau. Hay như bảo tàng Hưng Yên, dù đã có kho bãi, nhưng cổ vật không hề được phân loại, cứ để lung tung. Thậm chí, nhiều bảo tàng còn để nhiều bảo vật ở ngoài trời như Bảo tàng Thanh Hoá, để những con chó đá, rồng đá rất quý ở ngoài trời mà chẳng có che chắn gì. Vì vậy, những trận mưa có axít gần đây đã làm mất hết các hoa văn trên tượng đá.


Tại Bảo tàng Hải Dương, tình trạng cổ vật cũng bị bỏ mặc tương tự. Từ nhiều năm nay, tại Bảo tàng Hải Dương, mấy chục bộ mộ thuyền có niên đại trên 2000 năm, rất quý cũng để phơi mưa nắng ở ngoài trời. Biết là kinh phí để trùng tu những cổ vật này là rất lớn, tỉnh không thể có, nhưng bỏ mặc những cổ vật như thế thật đau xót...


Việc những báu vật nước nhà bị bỏ mặc do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực trùng tu còn có thể thông cảm. Nhưng có tiền mà đem cổ vật đi làm hỏng như một số người vẫn đang làm thì đó dường như lại là một tội ác. Anh Hân kể, mấy năm gần đây, nhiều gia đình có vật gia bảo, rất quý đã đem đến nhờ tu bổ. Thế nhưng, vì thiếu hiểu biết nên những gia chủ này nhất quyết yêu cầu làm theo ý mình, nghĩa là phải làm cho vật gia bảo càng mới, càng giống với nguyên bản càng tốt. Thậm chí, nhiều nhà buôn, nhà sưu tập cổ vật, cũng muốn bảo tồn cổ vật cho thật giống như nguyên bản để dễ bán cho những người thiếu hiểu biết để kiếm lời. Họ đâu biết rằng, bảo tồn cổ vật là làm gia tăng thêm giá trị cho chúng, chứ không phải là làm cho chúng mới hơn. Vì vậy, với những khách hàng cứ khăng khăng yêu cầu thợ làm theo ý mình thì anh chỉ còn cách bảo họ đi đến những cơ sở khác, chứ nhất định anh không làm hỏng đi những báu vật lịch sử ấy được.


Cũng theo anh Hân, hiện rất nhiều đình chùa cổ ở ta cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều ngôi chùa, ngôi đình bị mất đi rất nhiều giá trị, cổ vật thì càng sửa càng hỏng không phải do không có tiền, mà vì sự thiếu hiểu biết của chính những người chủ trì và người thợ trùng tu. Vì vậy, rất nhiều cổ vật lần lượt được làm mới, sự cổ kính, tôn nghiêm và những nét đẹp cổ xưa đã hoàn toàn biến mất sau mỗi lần tôn tạo…


Mười mấy năm làm công tác bảo tồn cổ vật, anh Hân bảo, giữa cổ vật và người thợ bảo tồn luôn có một mối nhân duyên kỳ lạ. Có thế, họ mới gặp nhau và người thợ mới có điều kiện làm sống lại những giá trị văn hóa, lịch sử của cổ vật. Thế nhưng, trong hàng trăm mối nhân duyên mà anh đã gặp, dù rất tâm huyết, anh cũng không thể cứu được hết những cổ vật khỏi xuống cấp, khỏi vấn nạn “mới hóa” và lòng tham đầy bất trắc của một số người.


Trọng Tuyến (Vietimes)