Cụ ông chữa hóc xương bằng ’thần chú’

Chỉ cần cụ Giang lẩm nhẩm trong miệng một lúc thì khi bệnh nhân về nhà, dù xương gì trong họng cũng tự biến mất. Dù tận mắt chứng kiến cách chữa của cụ, người ta cũng khó tin đó là sự thật.


Người dân trong vùng phong cho cụ Nguyễn Huy Giang (93 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là “thần y” bởi cụ có khả năng chữa bệnh hóc xương bằng… những câu thần chú. Chỉ cần cụ lẩm nhẩm trong miệng một lúc thì khi bệnh nhân về nhà, dù xương gì trong họng cũng tự biến mất. Dù tận mắt chứng kiến cách chữa của cụ, người ta cũng khó tin đó là sự thật.

Hơn 60 năm qua, người dân nơi đây được cụ Giang chữa khỏi bệnh mà không đòi một đồng thù lao nào. Tôi biết về cụ rất tình cờ qua một người bạn. Chính anh bạn tôi cũng được cụ ra tay cứu chữa trong một lần hóc xương cá. Theo sự chỉ đường của anh, chúng tôi đã về tận nơi cụ sinh sống để được “tận mục sở thị” khả năng chữa bệnh của vị "thần y" này.

Lời thề chiến đấu vì dân tộc

Có tài chữa bệnh nhưng cụ Giang lại là người nghèo khổ bậc nhất trong vùng. Căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm khuất sau bụi chuối là nơi cụ gắn bó suốt mấy chục năm qua. Dù đã bước sang tuổi 93, nhưng trông cụ vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn.

Nâng chén chè nóng trên tay, cụ nhớ lại thời oanh liệt: “Trước đây tôi được bầu làm xã đội trưởng, chỉ huy dân quân tự vệ xã Bình Xuyên tham gia chiến đấu chống Pháp từ những năm 1945, chỉ huy 3 đội tự vệ ngày đêm đào đồn bốt để đánh du kích. Quân địch cử lính vào làng bắt tôi không được đã dỡ nhà, bắt vợ con tôi tra tấn dã man”.



Cụ Giang nhặt que ở sân để đọc “thần chú” chữa hóc xương

Căn nhà nhỏ được cụ Giang sắp xếp đồ đạc rất ngăn nắp. Chỉ tay về phía góc tường, cụ cho biết: “Tôi dành một góc trang trọng nhất trong nhà để đặt huân huy chương, bằng khen, giấy khen. Nhưng giờ nó chỉ để làm kỷ niệm thôi. Phòng chính sách xã hội của huyện cũng đến nhà nhiều lần khuyên tôi khai báo thời gian công tác và chiến công để hưởng chế độ của Nhà nước, nhưng tôi từ chối, cũng bởi một lời thề năm xưa…”.

Cụ xúc động kể tiếp: “Trong thời điểm chiến đấu khốc liệt nhất, tôi cùng anh bí thư chi bộ, anh xã đội phó lấy dao lam cắt ngón tay để uống máu ăn thề. Chúng tôi thề chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược là tự nguyện, là nghĩa vụ nên sau này nếu sống sót sẽ không lấy quyền lợi gì cho mình”. Đã gần 70 năm trôi qua, cụ Giang vẫn nhớ như in lời thề đó. Giờ những đồng đội năm xưa đã về nơi suối vàng, còn cụ vẫn sống khỏe để cứu nhiều người bệnh khỏi cơn hoạn nạn.
Là cách chữa mẹo?

“Tôi không tin vào việc chữa bệnh mang tính "thần thánh" này song cũng không thể phủ nhận việc cụ Giang đã chữa khỏi cho nhiều người bị hóc xương nghiêm trọng.
Tôi cho rằng đây là cách chữa mẹo rất hiệu nghiệm mà chưa nơi đâu có được và rất khó lý giải”

Chị Nguyễn Thị Luyến (Trạm Y tế thị trấn Thanh Lãng) nhận định.
Chữa hóc xương bằng “thần chú”

Khoảng những năm 50, trong một trận càn quét, đội quân của cụ Giang bị bao vây 7 ngày 7 đêm trong đồn địch. Không chịu dừng bước trước quân thù, các chiến sĩ đã mở con đường máu và hành quân lên đèo Kháng Nhật (Sơn Dương, Tuyên Quang) để ẩn náu. Tình cờ cụ Giang gặp được bà lão người dân tộc Sán Dìu đã ngoài 70.

Cụ Giang nhớ lại: “Dưới chân bà cuốn đôi xà cạp trắng, trên đầu cuốn chiếc khăn màu đỏ. Thấy tôi hiền lành, ít nói, bà ngỏ ý muốn truyền bài thuốc gia truyền chữa hóc xương cho tôi.
Nhưng tôi đã từ chối vì đang lúc bom đạn như trút, sống nay chết mai, nếu học được chắc gì còn sống sót để chữa bệnh. Nhưng bà cụ nói rằng, tôi có duyên với phương thuốc bí truyền, nên học để cứu giúp mọi người".

Chính vì câu nói đó của bà lão mà cụ Giang đã học bài thuốc lạ kỳ. “Dù hóc xương, hay hóc bất cứ vật gì trong miệng, đến đây tôi đều chữa khỏi được hết. Có người bị hóc xương đi bệnh viện chữa không được lại tìm đến tôi.
Tôi chữa bệnh cho mọi người đến giờ cũng hơn 60 năm, chủ yếu chữa cho người nghèo trong làng, xã. Có nhiều người tận trong Cà Mau gọi điện muốn nhờ tôi chữa khi bị hóc xương. Tôi chỉ đọc câu thần chú là khỏi” - cụ Giang quả quyết.

Khi được hỏi về “bí quyết” chữa hóc xương, cụ Giang không giấu nghề, cụ nói chỉ cần đọc họ tên, có thông tin về tuổi tác và quê quán càng tốt. Nói rồi cụ bước ra sân, ngồi xuống nhặt 3 chiếc que nhỏ, đặt chúng thẳng hàng nhau và chính giữa lối đi.
Cụ lưu ý rằng không được để lộn đầu que rồi bắt đầu lẩm nhẩm đọc một câu thần chú. Cứ sau mỗi lần đọc, cụ lại cầm 1 chiếc que ném sang một bên. Cụ đọc 3 lần ứng với 3 chiếc que như vậy. Người bị hóc xương về nhà một, hai hôm là xương biến mất. Nhiều người không tin nhưng đến đây chữa khỏi thì đều "tâm phục, khẩu phục".

Đi tìm nhân chứng

Để có được niềm tin vào cách chữa bệnh mang đậm màu sắc bí hiểm này, chúng tôi tìm về gia đình chị Nguyễn Thị Huệ ở khu Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, Vĩnh Phúc. Chị Huệ kể, cuối tháng vừa rồi, sau bữa cơm trưa, anh Đông chồng chị nằm ngủ sơ suất để chiếc tăm trôi qua miệng và mắc ở cuống họng. Nghĩ rằng chiếc tăm nhỏ dần sẽ trôi, không ngờ 3 hôm sau họng anh sưng tấy, không ăn uống được gì.

Chị Huệ đưa anh Đông lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để điều trị. Các bác sĩ nói không nhìn thấy vật gì trong họng. Anh Đông chỉ được kê thuốc viêm họng về nhà uống. Chị Huệ cho chồng uống cả tuần vẫn không khỏi. Họng anh càng ngày càng đau nhức. Chị đành đưa anh đến nhờ cụ Giang chữa.
Cụ chỉ đọc 3 lần câu “thần chú”, thế rồi về nhà được 2 hôm, chiếc tăm trong miệng anh Đông biến đi đâu mất, họng anh không còn đau nữa. “Vợ chồng tôi mang lễ đến cảm tạ cụ nhưng cụ chỉ nhận vài ba nghìn mua quà bánh, hoa quả chia cho các cháu hàng xóm, còn tiền trăm trở lên cụ khước từ ngay”.

Việc cụ Giang chữa hóc xương bằng câu “thần chú” khoa học chưa thể giải thích. Nhưng sự thật là cụ đã chữa khỏi cho rất nhiều người dân gặp nạn. Năm nay cụ Giang đã 93 tuổi, sức khỏe cụ cũng yếu hơn trước. Cụ rất lo lắng vì đến giờ chưa tìm được ai để cụ truyền lại bài thuốc này. Cụ sợ khi qua đời, câu “thần chú” chữa hóc xương cũng sẽ mất theo.
“Thần chú” điều khiển cuống họng giãn nở?

“Có thể cụ Giang điều khiển được cuống họng giãn nở nhờ câu “thần chú” để giải phóng vật bị mắc. Khi đọc "thần chú", người bệnh bị điều khiển từ xa một cách vô định, làm theo ý muốn của người đọc, cuống họng nở ra, xương sẽ được trôi xuống tiêu hóa.
Đây chỉ là sự suy đoán của tôi, còn đâu vẫn phải chờ sự nghiên cứu và làm rõ của các nhà khoa học” - ông Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) cho biết.
  • Theo Dòng Đời