Mấy ngày nay, Đông Hải dậy sóng lắm. Vốn Thủy Cung của Đông Hải Long Vương đã dời đến tận vùng biển nông gần đất liền nhưng Bắc Hải Long Vương vẫn cho quân đến ải Trường Sa tuần tiễu, chực cơ hội nuốt cả giang sơn Đông Hải! May mà cửa ải Trường Sa hiểm trở, quân dân Đông Hải đồng lòng liều chết nên thế nước vẫn giữ được, cô lập được giặc ở ngoài biên ải đã hơn hai năm. Nhưng thế nước cũng nguy cấp lắm rồi!

Quân giặc dựa vào ải Hoàng Sa và ba mươi quận liền kề chiếm được làm ra một dải thành trì liên hoàn, tích cực thao binh luyện tướng. Bắc Hải Long Vương lại cho dân cầu thực đến ở, thả sức đánh bắt hải sản để nuôi quân. Vì thế từ ải Hoàng Sa đến ngoài ải Trường Sa, quân giặc thế vững mạnh lắm!
Tin cấp báo đến liên hồi. Đông Hải Long Vương vì thế lo lắng đến phát bệnh. Nhân đó ốm liệt nửa người, không khai triều được. Mọi việc triều chính Ngài đều giao cho đứa cháu là Long Quân coi sóc cả.

Long Quân nhận quyền nhiếp chính mới dò bụng dạ các quan lại, quân tướng:
- Ta được Long Vương giao cho quyền bính nhưng lòng vẫn luôn nhớ là cháu của Long Vương, là con dân của Đông Hải. Nay giặc từ phương Bắc kéo đến đã đóng quân ngoài biên ải, suốt ngày khiêu khích, chửi bới, tàn hại con dân Đông Hải. Bắc Hải Long Vương đã không kể tình máu mủ ruột rà với ông ngoại ta thì các quan khanh chư tướng nghĩ phải làm sao?

Bá quan văn võ nghe Long Quân nói ai cũng lộ rõ sắc mặt căm thù giặc đến tận xương tủy. Chợt có một người đứng ra tâu. Long Quân nhìn thì thấy đó là Thượng thư Bộ Binh An Dương Vương.

- Thần khi xưa cũng là vua nước Âu Lạc trên đất liền, hưởng đủ vinh hoa phú quý. Nhân mắc lừa kế “thông gia” của thằng giặc Triệu Đà mà mất nước. Thần nhục nhã mà muốn chết đến nghìn lần. May được Long Quân sai Tể tướng Kim Quy đến cứu giúp, khuyên giải lẽ được thua nên mới cố sống đến bây giờ. Thần thiết nghĩ người phương Bắc nói hòa hiếu thực chỉ là xét dò tình thế nước nhà thịnh suy mà tính đường cất quân sang xâm lược.

Huống chi giặc đã chiếm mất ải Hoàng Sa và ba mươi quận của nước ta, ép vua tôi Đông Hải phải dời đô từ vùng biển sâu đến vùng biển cạn, tàn hại bá tánh sinh linh không kể xiết, tiếng vang có lẽ đã thấu đến tam giới, ai ai biết đều căm giận, phẫn nộ. Nay thần nghĩ triều đình ta nên bàn kế sách đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, đem thái bình, an cư lạc nghiệp cho nhân dân Đông Hải. Thần tuy đã già nhưng nguyện đem hết sức mình cùng gia quyến, binh tướng phá giặc mạnh, đền ơn vua.

Long Quân mừng lắm, bèn truyền rằng:
- Nay ta vừa mới chấp chính nên muốn cải cách lại đất nước, thu phục nhân tâm, thu hút nhân tài, tích trữ vật lực.

Ngoài thì vẫn giả vờ hòa hiếu với quân giặc để có thời gian chuẩn bị. Trong thì ra sức phú quốc cường binh. Chỉ cần điều kiện chín muồi ta sẽ tâu với Long Vương cho cất quân tiễu trừ quân giặc, chém giết một phen, quyết đuổi loài lang sói về tận sào huyệt mới thôi!
Bá quan văn võ đều hô to:
- Long Vương vạn tuế! Long Quân anh minh! Phú quốc cường binh! Đánh lui quân giặc!

Long Quân liền sai chư bá quan văn võ về địa phận của mình tuyển chọn người tài, thao luyện quân binh, ra sức làm giàu cho nhân dân, hằng năm phải cung ứng đầy đủ nhân tài vật lực cho Triều đình. Vì thế Đông Hải mấy năm sau quân hùng tướng mạnh, nhân dân no ấm lắm! Quần thần nhân đó muốn Long Quân đánh giặc, cứu nước.

Lại nói mấy năm nay Long Quân ở Kinh Thành đã dốc hết sức lực, tâm trí cho việc nước. Ngày thì lo việc Triều chính, thao luyện quân binh. Tối thì soạn binh thư, hội họp chư tướng. Đến kỳ hạn ba năm, dưới trướng Long Quân đã có hàng trăm tướng giỏi, sáu mươi vạn tinh binh, chia là bốn đội quân.
Đội quân Rồng, mười vạn, tinh nhuệ nhất, vị trí tiền quân. Là con cháu hoàng tộc do Long Quân đích thân thao luyện hàng ngày.

Đội quân Rùa, mười vạn, đi sau đội quân Rồng. Đội quân này là quân kiên cố, chống đỡ cung nỏ, phá thành. Tướng sĩ đều do Tể tướng Kim Quy làm điều dộng. Tiếp theo là mười vạn quân bạch tuộc mang cung nỏ của Thượng thư Bộ Binh An Dương. Cung nỏ của đội quân này bắn một phát được hàng trăm mũi tên, lợi hại vô cùng. Tiếp nữa là đội quân binh tôm tướng cá gồm hai mươi lăm vạn quân. Đội quân này là quân đánh xáp lá cà do các quan tướng địa phương chia nhau cai quản, Long Quân phụ trách đôn thúc việc quân.
Năm vạn quân còn lại chia thành quân thám báo, quân đặc công… Dã Tràng làm tướng.

Ngoài ra ở Kinh thành và các địa phương còn có các đội quân ứng cứu cho quân chủ lực và hàng trăm vạn nhân dân làm nhiệm vụ hậu cận, tiếp tế.
Long Quân đặt tên cho đội quân chủ lực này là “Thuận Thiên”, lấy tên theo thanh kiếm của Ngài từng giúp Lê Lợi, Nguyễn Trãi phá giặc Minh. Nhân đó quân sĩ đều xăm chữ đó vào vai phải, tỏ ý muốn sống chết với giặc mới thôi!
***
Lại nói tình hình quân giặc, Bắc Hải Long Vương nhân nước mạnh binh hùng liền cho trăm vạn quân đến trước ải Trường Sa, phao tin là có mật chiếu của Lão Long Vương ở Tây Thiên phế truất Đông Hải Long Vương làm thường dân do “tội ốm đau, không cai trị được làm Đông Hải suy kiệt, con dân oán thán đến trời”. Ba trại đông, bắc, nam của quan ải Trường Sa do địa hình trống trải nên bị quân Bắc Hải chiếm cả.

Duy có trại phía tây hiểm trở, lại có dãy núi cao ngất trời chặn đứng là chưa bị chiếm. Lại nói cửa phía tây có con đường độc đạo dẫn đến thành Trường Sa. Nếu giặc hạ được trại phía tây, xua quân chiếm được thành Trường Sa rồi tràn vào Kinh Thành thì thế nước tận diệt mất!
Ba cánh quân giặc hợp lại đánh gấp lắm, ngày đêm công thành không nghỉ! Quan tướng giữ thành cấp báo về Triều. Long Quân bèn họp chư tướng lại, điểm quân khao tướng rồi thân chinh vào cấm cung trình bày sự việc cho Long Vương.

Lại nói Đông Hải Long Vương có cháu dâu là Âu Cơ, vợ Long Quân dâng thuốc quý đất liền chữa bệnh nên bệnh tình đã có phần thuyên giảm. Nhân đó, con gái Long Vương là Long Nữ theo đơn thuốc của Âu Cơ mà sắc cho uống hàng ngày nên Đông Hải Long Vương dần lấy lại được thần sắc, có lẽ chấp chính Triều đình lại được, quần thần ai ai cũng mừng!

Long Quân vào lạy mà thưa rằng:
- Thưa Long Vương! Giặc đã xâm phạm đến tận cùng của bờ cõi, ý đồ khôn cùng là chiếm hết nước ta. Nếu không liều chết mà quét sạch nó đi thì không những cơ nghiệp vạn năm của gia tộc chẳng mấy chốc mà tiêu tan mà sinh linh Đông Hải cũng sẽ bị tàn hại không sao kể xiết! Mấy năm nay cháu đã hết lòng hết sức xây nước nước mạnh, dân giàu, thao binh luyện tướng. Nay xin ông cho cháu dẫn đại quân quyết đánh một trận sống mái, đánh đuổi loài lang sói ra khỏi bờ cõi nước nhà!

Long Vương thều thào bảo rằng: - Đó cũng là ý của cha ta! Cũng là ý trời!
Câu nói của Đông Hải Long Vương là có nguồn cơ. Chuyện là như thế này.
Ngọc Hoàng lúc còn nhỏ được Vương Mẫu dạy dỗ các tài phép. Một ngày Ngài được mẹ giao cho công việc nặn các con vật để cúng tế Tam Giới.

Ngọc Hoàng vốn ham chơi, nghịch ngợm lại… thông minh nên đã gom những bộ phận của các con vật lại để nặn thành một con vật duy nhất. Con vật ngài nặn có mắt phượng, râu và vảy cá chép, bờm ngựa, sừng nai, mình rắn, chân chim ưng. Nặn xong Thượng Đế thích lắm, bỏ tượng vào Lò Bát Quái rồi sai Hỏa Công Công thổi lửa vào!

Được bảy bảy bốn chín ngày thì Thượng Đế cho tiểu đồng mở nắp nắp lò. Một ánh hào màu đỏ xanh bùng lên rồi từ trong đó bay ra một con vật oai phong lẫm liệt, cuộn mây đạp gió, gầm rú vang trời.

Vương Mẫu cùng bá quan đều thất kinh. Duy chỉ có Thượng Đế là vỗ tay reo mừng. Vương Mẫu gọi con lại hỏi, biết chuyện liền khen Thượng Đế. Lại sai Thái Bạch Kim Tinh truyền gọi con vật đó xuống.

Con vật đó sà xuống, biến thành hình như các thánh thần, lạy chào Vương Mẫu cùng Thượng Đế. Vương Mẫu thấy dáng vẻ uy vũ nên ban cho tên là Ngao Long, rồi sai làm tướng vùng biển, nơi có nhiều loài quái ác từ thời Khởi Nguyên Tam Giới vẫn chưa tiễu trừ được

Được hai mươi mấy năm, Ngao Long cùng mười vạn thiên binh thiên tướng chế ngự được các vùng biển, đuổi các loài thủy quái ra tận cùng thế giới. Nhân đó, Thượng Đế sai sứ đem chiếu phong vương cho Ngao Long. Từ đó có tên Long Vương Ngao Long ở danh sách các vị thần tiên trên Thiên Đình.

Lại nói Long Vương có bốn người con là Quảng, Nhuận, Khâm, Thuận. Tài năng và tính tính mỗi đứa con của Long Vương mỗi khác.

Ngao Quảng là anh cả của Tứ Hải Long Quân, có thể hô mưa gọi gió, thống lĩnh chư thần dưới biển, nổi tiếng thật thà phúc hậu.

Ngao Nhuận thì dũng mãnh thiện chiến, nhiều kế sách, cai trị cứng rắn. Ngao Nhuận có thể hiện, ẩn, có thể biến hóa khôn lường. Thu Phân ẩn sâu trong nước, Xuân Phân bay lên trời cao, hô mưa gọi gió, không gì không làm được.

Ngao Khâm thì can đảm và hiểu biết nhất trong bốn huynh đệ Long Vương, mặc dù võ nghệ không cao cường nhưng lại được trông coi mưa gió trần gian, thống lĩnh vô số binh tôm tướng cá, chiêu mộ nhiều thủy tướng kiệt xuất, dạy dỗ con cái rất nghiêm khắc.

Ngao Thuận thì thân thể tráng kiện, ít nói, được Lão Long Vương yêu thương vì là con út.
Khi bốn huynh đệ lớn lên Lão Long Vương liền sai đi quản lí bốn vùng biển Đông, Bắc, Tây, Nam. Được chục năm, địa phận của Tứ Hải đều vững mạnh, nhân dân an cư lạc nghiệp, nhà nhà đều no ấm.

Lão Long Vương khen các con mãi luôn. Nhân đó Lão Long Vương muốn sang Tây Thiên thờ Phật Tổ liền gọi các con đến mà bảo rằng:
- Ta nay muốn về Tây Phương với Phật Tổ, chuyến này tu hành đắc đạo mới trở lại thăm. Nay ta phân giang sơn làm bốn, chia cho bốn anh em chúng bây cai quản, rồi trình Thiên Đình phong vương cho chúng bây.

Nhưng chúng bây phải nghe lời ta dặn: Anh em phải biết yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau, tuyệt đối không xâm chiếm, tàn hại lẫn nhau, tránh các loài hải quái thừa cơ xâm hại mà dòng tộc cũng suy đồi, diệt vong. Lời nói của ta chúng bây phải nhớ lấy mà sống cho tốt!
Lão Long Vương nói xong liền cưỡi mây về Tây Thiên. Anh em họ Ngao ôm nhau mà khóc tiễn cha, quyết thề giữ lời cha nếu không sẽ bị trời tru đất diệt, chết không toàn thây.

* Đông Hải Long Vương ngâm ngấm nước mắt rồi truyền bảo Long Quân:
- Ta cho cháu mọi quyền hành thống lĩnh toàn quân. Việc ở nhà sẽ có ta và mẹ con là Long Nữ lo liệu. Thế cùng anh em mới tàn hại nhau nhưng cũng là do Ngao Nhuận bất tín, bỏ tình anh em, làm trái lời cha nên ta phải cho quân thảo phạt. Nay ta có hai phong thư này, cháu cho người đem đến cho hai em ta là Tây Hải Long Vương Ngao Khâm và Nam Hải Long Vương Ngao Thuận, tất sẽ có quân đến giúp. Long Quân lạy Long Vương cùng mẹ rồi lui ra. Long Nữ tiễn con đến cửa điện rồi than rằng:
- Người xưa nói anh em như thể tay chân mà giờ lại tàn hại lẫn nhau, chú ta là Ngao Nhuận có lẽ bị gièm pha? Con nên điều tra cho kỹ để trước để bớt nạn binh đao, thu hồi đất cũ mà sau vẫn giữ được tình họ hàng dòng tộc. Đó vẫn là điều hay nhất vậy!

Long Quân nghe mẹ nói đau lòng lắm, chực rơi nước mắt rồi thưa:
- Con đã cho gài nội gián vào Bắc Hải, có lẽ nay mai là có tin tức! Xin mẹ yên lòng!

*** Giờ lại nói đến cớ sao Bắc Hải Long Vương trở mặt, phản bội lời hứa với cha, chiếm đất, tàn hại sinh linh Đông Hải. Chuyện bắt đầu từ một thây ma.
Có người kể rằng trên Đại lục Trung Quốc có một người tên là Đặng Hi Hiền. Hiền từ nhỏ đã bị nhồi sọ tư tưởng Đại Hán, căm tức người Việt đến tận xương tủy, luôn miệng chửi bới người Việt là côn đồ, phải dạy cho người Việt một bài học. Nhân thấy Đông Hải của người Việt giàu có nên xúi người trong nước cướp lấy. Hiền đến chết vẫn muốn người nhà đem thây mình đem đốt đi, rải tro cốt xuống Biển Đông để hồn ma tiếp tục tàn hại sinh linh đất Việt!
Hiền chết rồi thành ma tự đặt cho mình là Đặng Tiên Thánh, có ý cho mình làm bậc tiên thánh nhưng thân thể lại bốc mùi tử khí không thôi, phải lấy máu huyết của ngư dân người Việt bắt được ăn vào mới tẩy đi được.

Hiền thấy Bắc Hải Long Vương tham sức tranh công nên xin về dưới trướng, suốt ngày khen ngợi tài trí, sức vóc của người Bắc Hải, nhân đó gièm pha với Bắc Hải Long Quân đủ điều. Bắc Hải Long Quân vì thế tin lời Hiền lắm, phàm việc gì cũng hỏi Hiền. Hiền mừng lắm, nhân đó nói khích về Đông Hải Long Vương. ( câu này ý nói ngưu tầm ngưu, và tính tham sân si hay bị ma quỉ nhập xui khiến lộng hành)

Hiền tâu:
- Thần trộm nghĩ Đông Hải Long Vương dù là huynh trưởng nhưng tài sức hèn mọn, không đủ thay thế cho Lão Long Vương nơi Thiên Đình. Long Vương thì uy dũng, tài trí, lại có nhiều binh tướng mà cứ bo bo làm thứ cho người thật uổng lắm thay! Thần trộm nghĩ Lão Long Vương lúc trước chắc cũng có ý để lại cả giang sơn Tứ Hải cho Long Vương. Chỉ tại Đông Hải Long Vương khóc lóc xin xỏ Lão Long Vương nên giang sơn mới chia bốn đấy thôi!

Bắc Hải Long Vương liền vội nói: - Ta cũng thấy anh ta bất tài vô tướng! Mấy năm nay anh ta chỉ lo đi lại với quan chức Thiên Đình, vui thú suốt ngày còn ta phải chinh chiến cả năm để tiễu trừ giặc biển, vợ con ở nhà mong ngóng luôn. Nay ta kế thừa nghiệp lớn của cha lúc trước há chịu làm thứ cho người? Ngươi nói xem giờ ta phải làm sao?

Hiền nghe nói mừng lắm, lạy ba lạy rồi thưa:
- Thần nghe thế nước chia bốn tất yếu mà bọn ác hải lại đang tập hợp quân giặc muốn cướp Tứ Hải. Đông Hải Long Vương làm chủ soái Tứ Hải tất bại vong. Nay Long Vương binh hùng tướng mạnh, chinh chiến nhiều năm nên làm vua cả Tứ Hải mới phải đạo. Thần nghĩ Long Vương nên thảo ba bức thư nói rõ ý đó cho ba vị Long Vương. Phàm gửi thư cho Tam Hải mà ai cũng ưng thuận thì cho các Long Vương làm tướng trấn giữ, khỏi cần động binh.

Còn nếu không thì Long Vương nên cất quân đánh chiếm, hợp nhất Tứ Hải. Nay trong Tam Hải không nơi nào suy kiệt bằng Đông Hải nhưng nếu chế ngự được Long Vương Ngao Quảng thì Tứ Hải ắt sẽ về tay Long Vương. Đó cũng là điều phải của Thiên hạ, nghiệp lớn lại được Long Vương tiếp tục!