kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: Địa ngục trần gian

  1. #1

    Mặc định Địa ngục trần gian

    Con người có nhiều trò chơi và một trong những trò chơi là làm khổ nhau. Ban đầu họ làm khổ chính mình nhưng chưa đủ, họ quay sang làm khổ người khác. Khi nhìn người khác đau khổ, bản thân lại càng đau khổ hơn, giống như người chuyên đi chọc ghẹo người khác và cười hả hê trên sự đau khổ đó, nhưng thực chất họ đang gieo nghiệp xấu mà không biết, đến lúc nào đó, đau khổ phát khởi, họ tuyệt vọng tột cùng. Thử nhìn ngoài đời xem, người ta làm khổ nhau đầy dẫy, nào là hờn giận, ganh ghét, nào là ích kỷ, xan tham, nào là tranh giành, đoạt lợi… Vậy đâu cần phải bị đày xuống địa ngục mới biết địa ngục thế nào, ngay tại trần gian này đã thấm thía đủ. Mình thường lên án người này người kia mang địa ngục đến cho mình, buộc tội họ mà ít khi dám nhìn lại mình. Thực ra có ai mang địa ngục đến đâu, chẳng qua mình tự chế tác lấy rồi nhốt mình trong đó. Làm việc ở khách sạn ba sao là mừng lắm nhưng mình không chịu, mình đòi làm việc ở khách sạn năm sao hay bảy sao mới vừa lòng. Cảm giác như sống trong địa ngục khi phải bắt ép mình làm việc trong khách sạn ít sao. Hoặc người mình ghét mà cứ gặp hoài, nhìn cái mặt là chịu không nổi, có phải mình đang xây địa ngục không. Nguyên nhân chủ yếu là mình không hài lòng với bất cứ điều gì, và vì không hài lòng, nên mình khổ và khổ khiến mình thấy cái gì cũng chán, cũng mệt. Mình trả thù đời bằng cách gây đau khổ cho nhau và mọi thời gian đều được sử dụng cho việc lên kế hoạch tấn công và phòng thủ.

    Vậy địa ngục là gì? Có mấy quỷ sứ chạy tới chạy lui, áp giải phạm nhân, có máu me, tiếng khóc, rên la, có thịt thà chảy từng cơn … hay không? Đâu phải như vậy. Hãy thử nhìn một dòng sông ô nhiễm, cá tôm chết đầy, dòng nước đen ngòm đi theo sự biến đổi khí hậu và cạn dần, con người chết khô vì khát nước hay bệnh tật do nhiễm độc, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hãy thử đi vào một lò sát sinh, hàng trăm con heo, con gà, con bò đang chuẩn bị bị chích điện, đánh đập, cắt tiết, chúng rên la, kêu gào, máu chảy thành dòng, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hãy thử nhìn trẻ em lang thang, làm đủ thứ nghề nguy hiểm, bán thân xác, bán cả tâm hồn, nạn bắt cóc, lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục, đôi mắt ngày càng héo hắt, thân thể gầy trơ xương, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Động đất, núi lửa, sóng thần, dịch bệnh, hạn hán, thiên tai, bệnh không thuốc chữa, thức ăn dơ bẩn, chiến tranh triền miên, người chết như rạ, xương trắng khắp đại địa, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hơn nữa, con người lợi dụng cõi âm hãm hại người cõi dương, gây ra sự tương tàn giữa các cõi, băng tuyết tan đi, nhiệt độ tăng lên, diện tích rừng giảm xuống, nước biển dâng cao, không khí không còn một chút sự trong lành để thở, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Vậy tìm kiếm địa ngục làm gì, khắp nơi đều là địa ngục thì tìm kiếm chi nữa. Nhưng nếu thay đổi thái độ và chung tay xây dựng, từng mảng địa ngục sẽ trở thành tịnh độ. Biết sống trong địa ngục là đau khổ tột cùng thì đừng bao giờ xây dựng những địa ngục và vì địa ngục đã quá nhiều nên không cần kiến tạo thêm địa ngục nào nữa. Địa ngục đến từ tâm, suy nghĩ bậy bạ dù chưa làm gì cả mình đã bắt đầu gieo rắc địa ngục. Bằng con mắt khổ đau, nhìn đâu cũng thấy khổ đau, bằng con mắt yêu thương, nhìn đâu cũng thấy yêu thương. Dòng sông ô nhiễm thì làm sạch nó, cây cháy khô trồng cây mới, động vật bị giết thì cứu sống chúng… Cho mình nhiều cơ hội để đứng dậy, người bị tai nạn còn kiếm thanh gỗ chống để đứng dậy, còn mình có đôi chân, tại sao phải lê lết như thế?

    Trần gian là tịnh độ và cũng là địa ngục. Khi tâm tịnh độ, cõi tịnh độ hiện tiền, khi tâm địa ngục, cõi địa ngục hiện tiền. Tha thứ, bao dung cho tịnh độ mau chóng hơn và địa ngục lùi bước. Chắc hẳn ai cũng muốn sống đời thánh thiện thay vì cuộc đời bệ rạc, héo hắt theo năm tháng. Vậy hãy sửa đổi, cái gì sai thì sửa, cái gì hay thì phát huy. Sau cơn mưa trời lại sáng nhưng dù có mây đen tâm tối cũng hãy thực tập vững chãi và an nhiên. Duy tâm tịnh độ là tịnh độ được tạo bởi tâm, nên muốn tiếp xúc với tịnh độ, hãy điều phục tâm của mình. Mình cứ mãi nói chúng ta đang ở thời mạt pháp, ấy vậy chẳng bao giờ biết cách làm thế nào cho nó đừng có mạt mà cứ ngồi than vãn tại sao tính mạt càng ngày càng tăng. Như người muốn vãng sinh về tịnh độ, nhưng lại chẳng chịu tu tập, cứ ngồi chờ thời hay chờ đợi tha lực. Đợi đến lúc già hay chết rồi mới tu tập, e rằng muộn màng quá tuy muộn vẫn hơn không. Để đạt tâm tịnh độ có vẻ khó nhưng đạt tâm địa ngục chắc dễ ẹt. Làm tốt thì khó mà làm bậy thì dễ. Mấy ai bàn bạc hay thực hành đạo đức, toàn là nghe nói về ăn chơi và đi vào giải trí không lành mạnh. Địa ngục không là hiện tượng hay khái niệm, mà do tâm khởi. Nếu nghĩ có, nó sẽ có, nghĩ không nó sẽ không. Nhìn sợi dây, biết là sợi dây, người khác nhìn sợi dây tưởng là con rắn. Đau khổ cũng do tưởng mà ra, tưởng nhiều quá nên miên man trong tri giác sai lầm và vì không cam tâm chấp nhận sự thật, mình làm hành trì địa ngục thêm kiên cố. Người đẹp hay chấp vào hình tướng, ai khen đẹp thì khoái chí, ai chê xấu thì buồn bực tức tối. Mình bị kẹt vào hình tướng nên khi chúng không như ý, mình dằn vặt đau khổ như sống trong địa ngục. Có ai bắt mình vậy đâu, do dính mắc, mình khổ, đâu phải tiếng khen chê đem cái khổ cho mình.

    Ngoài đời, người ta tham cầu và dính mắc nhiều lắm, chắc cứng như hắc ín rải xuống mặt đường, muốn đào lên phải dùng đến xà beng hay sức lực của nhiều người. Một số cái chấp hết sức vô lý, nói ra thế nào cũng có người bậc cười nhưng vẫn cứ chấp. Chấp vào tham, sân, si, mạn, nghi kiến, các địa ngục xuất hiện và chỉ người trong cuộc mới biết và nếm trải được. Đi ngoài đường, gặp gỡ đủ hạng người, làm sao biết người nào đàng hoàng, người nào không đàng hoàng. Người ăn nói tía lia nhưng chẳng làm hại ai. Người ăn nói ngon ngọt nhưng lại rất hung dữ. Địa ngục cũng vậy, nhiều loại địa ngục trá hình, thích dụ dỗ, thích đóng vai người tốt. Nhìn lâu đài nguy nga tráng lệ cho là thiên đường, nghe người nhiều bằng cấp nói chuyện cho là điều đúng đắn, coi chừng bị sập bẫy và dưới cái bẫy đó là gì, là hầm chông là gai nhọn là thương tật là đau nhức. Biết bao người thích nhảy vào cái bẫy đó, bủa giăng khắp nơi, vừa ngóc đầu dậy đã bị dập đầu xuống. Thật kỳ lạ, có người vớt lên, họ nằng nặc đòi xuống và khi lên được rồi, thân tâm đầy thương tích. Tham cái gì, mình khổ về cái đó. Dính mắc cái gì, mình trả giá cho cái đó. Người tham được khen, đến lúc bị chê thì đau khổ. Cuộc đời vốn vô thường, có khen thì phải có chê, nghe lời khen nhưng cũng chấp nhận lời chê. Khen chê chẳng qua chỉ là sự thăng trầm của tâm mà thôi. Nói khen là thiên đàng, coi chừng lại bị sập bẫy, nói chê là địa ngục, coi chừng cũng bị sập bẫy. Lời khen khiến mình trở nên kiêu ngạo, ngủ quên trong chiến thắng, không còn thành tựu gì nữa, có phải địa ngục hiện tiền không. Lấy lời chê để soi rọi bản thân, thay đổi để tốt đẹp, có nhiều hạnh phúc và an toàn hơn, có phải thiên đàng hiện tiền không. Vậy tại sao phải kẹt vào lời khen hay lời chê? Bất cứ việc gì làm đều phải nhìn lại mình, mình xứng đáng với lời khen đó chưa, mình đã làm cái gì để người ta chê mình? Điều quan trọng là biết vươn lên trong khó khăn, đối diện với nghịch cảnh, dù khen hay chê đều là những bài học quý giá, nên biết cám ơn người khen lẫn người chê.

    Một trong những vị bồ tát có duyên lớn với chúng sinh là bồ tát Địa Tạng, người đã từng phát nguyện khi nào giải trừ địa ngục, giúp tất cả thành Phật thì bản thân mới thành Phật. Ngài dám đi đến những nơi tăm tối nhất, đau khổ nhất để khuyên dạy các chúng sinh biết cải tà qui chính, xa lìa những vọng niệm và sống cuộc đời đạo đức, đồng thời dẫn dắt họ đi trên con đường chính đạo. Mình hãy tu tập theo hạnh Địa Tạng, trước hết gìn giữ bản thân để không rơi vào tình trạng địa ngục và không chế tác bất kỳ địa ngục nào trên thế gian này. Đi đâu tới đâu nhìn thấy địa ngục thì dám lên tiếng xoá bỏ địa ngục đó, thiết lập bình an nơi Địa Cầu. Môi trường ô nhiễm thì dừng lại không làm cho nó ô nhiễm thêm nữa, bên cạnh đó nghiên cứu các phương pháp làm sạch môi trường như trồng cây, xử lý nước thải, giảm hiệu ứng nhà kính và chất thải CO2. Trẻ em không được bảo vệ thì xây dựng hoàn cảnh thuận lợi cho trẻ em được chăm sóc, tiếp cận đầy đủ y tế và giáo dục. Bệnh tật nhiều thì ăn ở sạch sẽ, chú ý đến việc sử dụng thực phẩm, tiêu thụ, giải trí có chánh niệm, bảo vệ thân và tâm. Đây là những việc làm của bồ tát Địa Tạng, tức là giải trừ những đau thương, mất mát, đem tới hoà hợp, an lạc và thịnh vượng. Nhà chính trị học hạnh Địa Tạng không gây chiến tranh, đối đầu và đàn áp, thay vào đó, họ nổ lực hết sức hoà giải, đối thoại, tôn trọng xây đắp hoà bình. Doanh nhân học hạnh Địa Tạng làm giàu chính đáng, kiếm tiền với tinh thần bất hại, đàm phán với môi sinh và cam kết phát triển nền kinh tế sinh thái. Giáo sư học hạnh Địa Tạng dạy cho sinh viên thực tập đạo đức, giảm thiểu sự tiêu thụ và đóng góp vào việc cải tổ thiên nhiên. Mình sẽ trở thành bồ tát Địa Tạng nếu làm được như vậy và bất cứ ai biết học và làm theo hạnh Địa Tạng đều trở thành bồ tát hết. Hạt giống Địa Tạng có sẵn trong mình rồi, điều quan trọng là mình có chịu làm không, có thực tập và hành trì không hay tối ngày cứ chạy đôn chạy đáo trong sắc dục, đến lúc nào đó thân tâm bệ rạc, địa ngục trần gian hiện tiền, chẳng ai giúp mình bằng chính mình.

    Tu tập hạnh của đất là bắt chước theo tính dễ thương của đất. Khi người ta đổ vào đất nước thơm hay rác rến dơ dáy, đất đều thấm vào không chê bai, không kỳ thị. Có câu: hiền như cục đất. Thực sự đúng vì đất bị đối xử thế nào vẫn không ca thán, không sợ hãi, không đòi hỏi cái này hay cái kia. Đất là người phụng sự không mệt mỏi, từ đất hoa trái mọc lên, nhà cửa xây lên, núi non, sông ngòi, biển cả và muôn loài có mặt. Ngay cả loài người cũng sinh ra từ đất và khi qua đời, họ trở về với đất, với cát bụi. Hành xử văn minh là hành xử như đất, dù cho người đời phóng vào mình đủ thứ âm thanh, giận dữ, ghét bỏ, tranh chấp, chửi mắng, gây tiếng oán, mình vẫn im lặng, lắng nghe và chấp nhận với tâm không thành kiến, không phán xét, không gây oan trái. Đó là sự im lặng của đất, của tính hiền như cục đất và nghĩ rằng người kia chưa kịp hiền thôi chứ không phải họ không hiền. Đất dễ thương nên mình gần gũi và dễ thương như đất. Im lặng hùng tráng hay im lặng như sấm sét tức là cái im lặng ngăn chặn được bão táp và làm chùn bước những trận cuồng phong. Khi nhìn thấy một người không dễ thương thì mình biết như vậy là xấu, đem lại nhiều khổ đau và buồn tủi. Khi nhìn thấy một người dễ thương thì mình mong được tiếp chuyện, chia sẻ và người đó thật đẹp. Vậy tại sao mình còn chần chờ mà không thực tập để trở thành một người dễ thương? Lúc còn là đứa trẻ, mình dễ thương như một nụ hoa, sau đó nắng gió dòng đời làm cho nụ hoa của mình chưa kịp nở đã héo úa. Thế thì mình hãy làm cho hoa nở, vui tươi và bình an trở lại. Đối xử dễ thương với mình và mọi người cho dù hoàn cảnh không dễ thương thì mình đã là một nụ hoa, đến lúc nào đó sẽ tươi thắm rạng rỡ, khoe sắc giữa bầu trời xanh.

    Khi có hạnh phúc, mình mong muốn chia sẻ với người và hướng dẫn người khác, có thể ban đầu họ từ chối nhưng hãy kiên nhẫn, đến lúc nào đó đau khổ trong họ quá lớn, họ sẽ tìm tới mình để được thực tập chung. Bản thân hãy thực tập trước đã, mới có đủ kinh nghiệm và cơ duyên để giúp đỡ người khác. Điều này rất quan trọng, vì nếu không có hạnh phúc, tức là mình thực tập không đúng và cái mình đem đi chia sẻ cũng sai lệch theo. Hạnh phúc tràn đầy, mình giúp người hạnh phúc như mình, đừng giấu diếm, có thể mình học hỏi và phát triển thêm cách thực tập của mình. Nói như vậy để thấy nếu địa ngục xảy ra, mình dám lên tiếng gọi công bình, bảo vệ nhân phẩm quyền làm người. Con người có quyền thực tập và tận hưởng hạnh phúc, nên khi có thế lực ngăn cản điều này, mình phải giúp họ, không thờ ơ, không nhắm mắt làm ngơ vì nếu vô cảm, mình vô cảm với ngay nỗi đau của mình, nói chi đến nỗi đau của người. Bất cứ ai cũng đều có khó khăn và lúc không giải quyết được thì nhờ người khác giúp, lời khuyên của nhiều người giúp ích cho mình rất nhiều. Vấn đề là thực tập như thế nào để khó khăn không xảy ra và trường hợp có khó khăn, mình không trở nên rối ren, quẫn trí mà luôn giữ trạng thái bình tĩnh. Bình tĩnh được mới sáng suốt nhìn nhận vấn đề và xem xét việc gì cần làm việc gì không cần làm. Khó khăn cách mấy cũng phải giữ giới và lấy tình thương làm căn bản cho việc thực tập, giải quyết vấn đề, không nên nguỵ biện hay đổ thừa hoàn cảnh để chống chế cho việc làm sai trái của mình. Đã làm sai còn không chịu sửa, cứ bênh vực cho cái sai là việc làm hết sức nguy hiểm, nó sẽ ngấm ngầm giết chết tình thương trong mình, quên đi tình nghĩa, quên đi sự hy sinh. Biết hy sinh để không đòi hỏi gì nữa vì hồi nào tới giờ, đức hy sinh luôn được ca ngợi nhưng hy sinh phải đúng chỗ, còn hy sinh sai chỗ, nó sẽ mang tính phá hoại khó lường.

    Giải trừ địa ngục không thể thiếu vắng sự hy sinh và có thành tựu nào mà không hy sinh đâu. Nhiều người sống trong địa ngục nhưng không biết, thậm chí sung sướng với địa ngục của mình. Những địa ngục có mặt do nghiệp xấu từ kiếp xa xưa nhưng cũng có những địa ngục do kiếp hiện tại tạo ra hoặc sắp sửa có trong tương lai do không tu tập trong hiện tại. Đừng lo sợ mà cứ sống đàng hoàng ngay giây phút này, mặc dù hoàn cảnh khó khăn. Bản thân cam kết giải trừ địa ngục bằng sự thực tập miên mật, đem cái vui cho mình và người. Địa ngục có tính vô thường, không phải thường còn, nên đến lúc nào đó cũng phải chấm dứt hay được chuyển hoá. Thật ra nó mang tính không, tức là không có gì gọi địa ngục cả, chẳng qua chỉ là tâm bị dằn xé, đau khổ và không chấp nhận được. Tu tập hết lòng, mọi địa ngục sẽ giải trừ và nếu như địa ngục đang hiện tiền, mình vẫn thản nhiên như không. Sự bình an của mình giúp ích rất nhiều người vì năng lượng bình an có sức lan tỏa.
    (Sưu tầm)

  2. #2

    Mặc định

    Chính quyền ray rứt sau cái chết của người quyên sinh vì bế tắc
    01/05/2013 10:08 (GMT + 7)
    TT - Chiều 30-4, ông Hồ Trung Việt, chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết bản thân ông thấy rất đau xót trước việc chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (TP Cà Mau) treo cổ quyên sinh vì cuộc sống quá túng quẫn và bế tắc.
    Theo quy định hiện hành, hộ nghèo có thu nhập bình quân dưới 400.000 đồng/tháng/khẩu, hộ cận nghèo thu nhập bình quân 400.000-520.000 đồng/tháng/khẩu. Với quy định này, hộ chị Nhân không đủ tiêu chuẩn.

    Khi được hỏi liệu ấp có bị áp lực sợ số hộ nghèo cao nếu đưa gia đình chị Nhân vào diện hộ nghèo, ông Tươi nói: “Chúng tôi thấy hoàn cảnh gia đình thật khó khăn. Nhưng nếu chúng tôi đưa gia đình chị Nhân vào thì sai quy định, khi cấp trên kiểm tra thì chúng tôi khó ăn nói”. :loser:
    --------------------------------------------------------
    Thứ Tư, 01/05/2013 - 11:40

    Hé lộ ngày càng nhiều sếp bự nhận lương bạc tỷ
    2013 vẫn là năm khó khăn nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp công bố mạnh tay chi lương bạc tỷ cho các sếp lớn. :whistling:

    Theo báo cáo thường niên của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (VCF), trong năm 2012, riêng tiền lương của các thành viên Ban tổng giám đốc đều trên 1 tỷ đồng. Trong đó, mức lương vị trí tổng giám đốc của ông Phạm Quang Vũ là hơn 1,51 tỷ đồng, tương đương bình quân 126 triệu đồng/tháng.

    Ngoài khoản lương, ông Vũ còn được cộng thêm gần 1 tỷ phụ cấp và thưởng. Như vậy, tổng thu nhập trong năm 2012 của ông Vũ đạt gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, là một cổ đông của công ty, ông Vũ còn nhận được 566 triệu đồng cổ tức.

    Là công ty gây ấn tượng với những khoản lợi nhuận ngàn tỷ đồng nhưng Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) có vẻ rụt rè khi chi mức lương “khiêm tốn” hơn so với VCF cho lãnh đạo.

    Cụ thể, tại GAS, chủ tịch Hội đồng quản trị hưởng lương cao nhất, 70 triệu đồng một tháng, Phó chủ tịch hơn 59 triệu, thành viên 57 triệu, trưởng ban kiểm soát nhận lương 47,1 triệu, thành viên ban kiểm soát lương 37,3 triệu đồng.

    Ngoài ra, Chủ tịch nhận thêm khoản tiền thưởng 30 triệu đồng một tháng. Như vậy, trong một tháng, chủ tịch của GAS nhận được 100 triệu đồng, tương đương 1,2 tỷ đồng một năm.

    Hé lộ ngày càng nhiều sếp nhận lương bạc tỷ

    Một Tập đoàn lớn của Việt Nam là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng rất mạnh tay trả thù lao cho cán bộ. Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, hiện tập đoàn này có 25.000 nhân sự và thu nhập bình quân đầu người của Viettel khoảng 18 triệu đồng/tháng, khá cao so với mức trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng tại FPT và VNPT.

    Và thù lao của các sếp Viettel tất nhiên phải cao hơn con số 18 triệu đồng/tháng của nhân viên rất nhiều. ông Dũng cho biết Viettel trả lương theo khối quản lý với mức lương cao nhất là Tổng giám đốc và khối chuyên gia.

    Mặc dù ông Dũng từ chối tiết lộ mức lương cao nhất trong khối lãnh đạo hoặc chuyên gia của Viettel, song, một nguồn tin cho biết, tại Viettel có những chuyên gia được trả lương tới vài trăm triệu mỗi tháng.

    Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, lãi sau thuế năm vừa qua chỉ là 785 tỷ đồng nhưng ngân hàng Á Châu (ACB) vẫn mạnh tay chi trả lương, thưởng cho lãnh đạo.

    Cụ thể, các thành viên hội đồng quản trị ACB nhận thù lao 14,3 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2011. Với các lãnh đạo, năm 2012, thu nhập ban tổng giám đốc và thù lao hội đồng quản trị, ban kiểm soát đều tăng. Ban tổng giám đốc nhận về 23,5 tỷ đồng, tương đương gần 200 triệu đồng/tháng bình quân (tính cả nhân sự cũ đã từ nhiệm là ông Lý Xuân Hải), còn các thành viên HĐQT nhận 14,3 tỷ thù lao, cao gấp đôi 2011, tương đương 62,7 triệu đồng/tháng/người (tính cả thành viên đã từ nhiệm).

    Một công ty có quy mô nhỏ hơn nhiều là Công ty Cổ phần Sông Đà 9 (SD9) cũng không tiếc tiền cho lãnh đạo. Tổng lương, thù lao hội đồng quả trị và các khoản thu nhập khác năm 2012 được Đại hội thông qua là hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó tiền lương của chủ tịch hội đồng quản trị là 60 triệu đồng/tháng.

    Trước đó, dư luận đã xôn xao về mức lương khủng của nhiều sếp lớn như bầu Đức, bà Thanh, bà Dung,..

    Được biết mức lương cứng mà bầu Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai nhận được là 240 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,88 tỷ đồng mỗi năm. Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Thị Mai Thanh của công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE nhận lương 100 triệu đồng/tháng, tương ứng 1,2 tỷ đồng/năm. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ nhận lương khoảng 1,7 tỷ đồng/năm.

    Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chưa ai vượt qua được mức lương khủng mà ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên Tổng giám đốc Techcombank thiết lập nên. Khi đảm nhiệm vị trí CEO tại Techcombank, ông Vinh nhận lương 20 tỷ đồng mỗi năm.
    Thượng Đế có mặt bên bạn khi bạn quên mình vì tha nhân.

  3. #3

    Mặc định

    Cựu chiến binh tuổi 80 đạp xích lô

    05/05/2013 06:30 (GMT + 7)
    TT - Một thời bom đạn đã qua/ Một thời trai trẻ xông pha chiến trường/ Nay về cuộc sống đời thường/ Soi gương, tóc đã điểm sương mái đầu/ Gia tài nào có gì đâu/ Xích lô, ba gác nhuốm màu thời gian... Ông già xích lô ngồi ở ngã tư Bà Triệu - Tố Hữu (TP Huế) mở đầu câu chuyện bằng những vần thơ lột tả cuộc đời nhọc nhằn của mình.
    Trưa. Huế đầu hè oi bức, mùi nhựa đường bốc lên khét lẹt. Ông Bùi Hữu Trân (80 tuổi, trú phường Phú Xuân, TP Huế) đẩy chiếc xích lô cũ rích cố tìm bóng mát để trốn cái nóng phả hừng hực. Đôi tai ông vẫn căng ra để ngóng xem may mắn có ai đó gọi mình chở hàng. Ở góc phố này, người qua đường dường như quá quen thuộc với hình ảnh của ông - một cụ già khắc khổ, mái tóc bạc trắng, ngày ngày phơi nắng phơi mưa đợi khách. Suốt 30 năm qua, hằng ngày ông vắt sức đạp xích lô kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi vợ con. Cánh xích lô biết chuyện quý mến ông, thường nhường khách để ông kiếm thêm ít tiền. Mọi người thường gọi vui ông là “trung tá xích lô”.

    Ông vốn là chiến sĩ trung đoàn Trần Cao Vân, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường với quân hàm trung tá. Ông được chuyển ngành làm thợ máy ở một công ty cơ khí, đến năm 1980 về hưu. “Cuộc sống bề bộn khó khăn, đồng lương hưu ít ỏi không trang trải đủ chi phí gia đình. Thế rồi tôi gắn đời mình với nghề xích lô” - ông tâm sự.

    “Nhật ký” đời ông là một chuỗi tháng ngày cơ cực, từ khi sinh cho đến lúc “gần đất xa trời” này dường như ông vẫn chưa có được một ngày sống thảnh thơi! Ngày trước còn khỏe, khách thuê chở đông, giờ đã già sức giảm, mỗi ngày đạp xích lô chỉ kiếm được bốn năm chục ngàn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt và tích cóp trả nợ. Nhiều người thương kêu ông chở ít vật liệu xây dựng hay đồ gia dụng để ông có ít tiền, có người biếu ông bộ quần áo, đôi giày...

    Nhắc đến con, ông lại trào nước mắt: “Vợ chồng tui có ba mặt con. Hai đứa con trai bị mắc bệnh tâm thần, ngô nghê như đứa trẻ lên ba”. Bần thần một lúc, ông nói: “40 năm trước, cũng vì quá ngặt nghèo mà vợ chồng tôi buộc phải bấm bụng cho đứa con gái út đi làm con nuôi”.

    Cuộc sống nghèo khó, gia đình ông phải ở ké nhà người chị ruột suốt mấy chục năm. Hằng ngày ông gò lưng đạp xích lô chở hàng thuê khắp ngõ ngách TP Huế, rồi tất bật trở về chăm vợ bệnh, bón từng thìa cơm cho đứa con tâm thần. Năm năm nay, tổ ấm của gia đình ông trở nên lạnh lẽo bởi vợ ông chết vì bạo bệnh. Nhiều đêm ông khóc nhìn đứa con lên cơn điên, quậy phá trong nhà. Mới đây, ông đau đớn nhìn con trai thứ hai mắc bệnh tâm thần trút hơi thở cuối cùng. Nhà ông càng trở nên quạnh quẽ, cuộc sống mưu sinh thêm đơn độc. Hằng đêm ông vẫn canh cánh nỗi lo số tiền nợ vay của người thân để lo chi phí đám tang cho vợ và con trai xấu số.

    Dù tất bật trong cuộc mưu sinh nhưng ông vẫn có niềm tin và đam mê mãnh liệt với thơ. Những bài thơ - đứa con tinh thần - được ông đóng khung treo trang trọng khắp nhà, nhiều bài thơ được chọn đăng trên báo và tạp chí. Ông chia sẻ nhờ yêu thơ mà ông có thêm niềm tin để sống, không cảm thấy đơn độc. Nói rồi, ông ngâm bài thơ Tâm sự đời tôi của mình cho tôi nghe để giãi bày nỗi lòng:
    Cơ cực vẫn còn, tuổi tám mươi
    Hẩm hiu đeo đẳng mãi không rời
    Chạy tiền từng bữa xoàng đôi mắt
    Kiếm gạo qua ngày đến hụt hơi
    Mỏi gối đau lưng luôn gắng sức
    Dầm mưa dãi nắng khó nên lời
    Mong sao còn khỏe làm ăn được
    Mơ ước đời tươi, chỉ thế thôi!


    :broken_heart::(
    Last edited by dienthoai; 11-05-2013 at 11:14 AM.
    Thượng Đế có mặt bên bạn khi bạn quên mình vì tha nhân.

  4. #4

    Mặc định

    Lá lành đì lá rách
    23/08/2013 12:15

    (TNO) Bộ Nội vụ Nga đã truy tố sáu nghi phạm người Việt Nam về tội sử dụng những người đồng hương làm 'nô lệ lao động'.

    Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy sáu nghi phạm này đã lập ra những xưởng may trái phép, nơi ở tạm bợ, rồi ép những người đồng hương và những người nước ngoài khác làm việc cho họ như nô lệ, hãng tin Itar-Tass (Nga) dẫn thông cáo của cơ quan điều tra thuộc Bộ Nội vụ Nga ngày 22.8.

    Các nghi phạm đã giữ giấy tờ tùy thân của các "nô lệ lao động" khiến họ không thể quay trở về quê hương, theo Itar-Tass.

    Itar-Tass cho biết sáu nghi phạm này đang bị giam giữ tại thủ đô Moscow, nhưng không công bố danh tính.

    Hồi cuối tháng 7, hàng trăm người Việt bị bắt giữ trong một cuộc truy quét lao động trái phép tại các xưởng may ở thủ đô Moscow.

    Sau cuộc truy quét, chính quyền Moscow đã phải thiết lập một khu lều tạm ở phía đông Moscow để giam giữ lao động trái phép bởi vì đã... hết chỗ giam giữ.

    Theo đài Tiếng nói nước Nga, đến ngày 20.8, khu lều này đã đóng cửa, hơn phân nửa lao động bất hợp pháp ở khu lều trại đã bị trục xuất và 234 người còn lại đã được chuyển về Trung tâm giam giữ người nước ngoài ở Moscow.

    Khoảng 11,3 triệu người nước ngoài di cư bất hợp pháp đến Nga hồi năm 2012, và khoảng 3 triệu trong số này làm việc trái phép, hãng tin RIA Novosti dẫn số liệu từ Sở Di trú Liên bang Nga.

    Mới đây, ngày 11.8, đài Tiếng nói Nước Nga đưa tin Nga đã trục xuất Phạm Thái Ngân, một đối tượng người Việt bị cáo buộc tấn công có vũ trang một doanh nhân đồng hương.
    Thượng Đế có mặt bên bạn khi bạn quên mình vì tha nhân.

  5. #5

    Mặc định

    Nước thải và lương “khủng”...

    Thứ Ba, 27/08/2013 23:53
    (Báo NLĐ) Buổi sáng 27-8 đối với công nhân Công ty Thoát nước Đô thị TP HCM là một ngày đặc biệt. Nó đặc biệt bởi sáng này, nhiều báo đồng loạt thông tin: Giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị TP HCM lãnh lương 2,6 tỉ đồng/ năm.

    Ngoài ra, trong số những "giám đốc nhận lương cao ngất ngưỡng" còn có giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng Công cộng, giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn, giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh. Nhiều người thắc mắc những cán bộ này vì sao lại được nhận lương cao như vậy bởi đây là các doanh nghiệp công ích, có kinh doanh gì đâu mà lãi "khủng" dẫn đến lương "khủng"!

    Rất nhiều công nhân thoát nước mà chúng tôi gặp trong buổi sáng 27-8 đã bần thần trước những thông tin này. Họ không tin được dù đó là sự thật hiển hiện trước mắt. Anh em nói hằng ngày, hằng giờ họ phải chui rúc dưới đường cống, đối mặt với bao nhiêu bất trắc, hiểm nguy; làm công việc nặng nhọc, độc hại; thậm chí có người đã chết ngạt dưới cống... Thế nhưng tất cả những điều đó không làm họ đau bằng những con số lạnh lùng trên mặt báo.


    Công nhân Công ty Thoát nước Đô thị TP vớt rác trên kênh rạch. Ảnh: THANH NHÀN

    Mỗi năm có 365 ngày, trừ đi 52 ngày chủ nhật thì còn lại 313 ngày làm việc. Với tiền lương 2,6 tỉ đồng/năm, vị chi ông giám đốc của họ nhận lương 8,3 triệu đồng/ngày. Đây là tiền lương mà một người công nhân trực tiếp nhận được sau 1 tháng trời lặn ngụp dưới lòng cống hôi thối. Thậm chí nó cao gấp đôi lương tháng của hàng trăm người lao động bị công ty chèn ép bằng thủ thuật ký hợp đồng thời vụ để bớt xén tiền lương, phúc lợi; né tránh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
    Nhìn gương mặt những người công nhân sạm đen vì nắng, gió, khói bụi; những đôi chân đầy ghẻ lở, những làn da tím tái không bao giờ tắm sạch được mùi hôi của nước cống, chúng tôi không khỏi buốt lòng. Những người lãnh lương mấy trăm triệu đồng mỗi tháng hãy thử một lần ngâm mình xuống dòng nước đen kịt, đặc quánh bùn rác tanh tưởi, lều bều xác động vật, mỡ thối, hóa chất độc hại... để thấy hết sự bất công không thể chấp nhận được trong cách cư xử của mình đối với những người lao động khốn khó.


    Nếu không ngập thế này lương khủng ở đâu ra, đúng là "ở Trên" thương !
    Thượng Đế có mặt bên bạn khi bạn quên mình vì tha nhân.

  6. #6

    Mặc định

    Nghề móc cống
    10/08/2013
    Nắp cống mở ra, đập vào mắt là một thứ bùn đen sền sệt nước, bốc mùi khó chịu. Mặc bộ quần áo bảo hộ đã rách, hai công nhân của Xí nghiệp thoát nước dũng cảm lội xuống.

    Một ngày nạo vét cống ngầm của họ bắt đầu.

    Nước thải ngập đến ngang ngực. Dưới cống không có ánh sáng, phải sử dụng đèn pin

    Khi ánh nắng chưa kịp xua đám sương mù buổi sáng thì những người công nhân làm vệ sinh đường cống đã tất bật với công việc. Hàng ngày, công nhân thông cống đến địa điểm làm việc rất sớm, bật nắp đậy miệng hố ga cho mùi hôi và khí độc thoát ra bớt đi. Trong khi chờ đợi, các anh chị tranh thủ ăn lót dạ bằng nắm xôi vừa mua bên đường, hoặc chuẩn bị công cụ lao động để vào ca.

    Nếu như trên miệng cống chỉ nghe tiếng máy nổ, thấy bùn chuyền lên xe từng thùng, từng thùng đầy xe này lại xe khác những bùn, đất cùng những chất thải như bao nilon, xác súc vật từ dưới cống lên mặt đất, thì bên dưới, vừa chạm lòng cống là các anh đã cặm cụi cào đất, xúc bùn cật lực dưới hầm ga để nhanh chóng hoàn thành công việc trước khi nắng gắt.

    Tôi đã một lần vào lòng cống để biết về nghề thông cống, nhưng xuống chừng 10 phút thôi là quần áo đã ướt sũng mồ hôi lẫn bùn và đất. Nhưng cũng chỉ đi được một đoạn, cái nóng và mùi hôi nồng nặc đã đẩy tôi leo ngược trở lên, mặt nóng bừng, mồ hôi nhễ nhại.

    Đó chỉ là vào đường thông cống khô (bùn và nước chỉ dày chừng 30-50cm) trên đường Phan Xích long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

    Thông cống nước thì còn gian truân hơn. Một lần tôi thử xuống cống nước trên đường Hoa Phượng, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh với công nhân nạo vét cống Xí nghiệp 3, Công ty Thoát nước đô thị.

    Muốn thông cống nước phải lệ thuộc vào giờ lên xuống của thủy triều. Khi thủy triều vừa xuống đủ độ an toàn để nạo vét tuyến cống hộp trên con đường này, các công nhân bắt đầu triển khai đội hình.

    Tôi khó nhọc lắm mới xuống được cống trên chiếc thang treo lắc lư. Chưa vào khỏi nắp cống là một mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi. Trong lòng cống cao và rộng nhưng tôi không thể xuống theo bởi làn nước đen kịt bên dưới. Treo mình trên chiếc thang, nhìn vào mà không dám xuống ngâm mình trong dòng nước đen đó.
    Nghe-moc-cong

    Ống hút được đưa xuống để hút bùn, đất, phế thải

    Cách tôi vài mét, hai công nhân tay cầm cảo cúi người cào đất bùn dưới đáy cống. Nước ngập tận vai khi mỗi lần họ cúi xuống. Cạnh đó, một công nhân khác khệ nệ bê một thùng lớn đựng bùn rác nạo vét được.

    Thỉnh thoảng họ lại moi lên khi là một nùi rác, khi là cả cây gỗ dài dính đầy bùn, bao nilon và cả xác súc vật chết… Và cứ 5, 10 phút họ lại khệ nệ khiêng chiếc thùng đầy bùn về phía miệng hố ga để những người đứng trên đường kéo lên, đổ vào xe…

    Được biết, năm 2006, TP Hồ Chí Minh đã xuất chi ngân sách trên 3 tỉ đồng để hỗ trợ cho công nhân ngành cấp thoát nước đô thị. Công nhân được trang bị găng tay, khẩu trang, ủng cao su… Tuy vậy, để khỏi vướng víu chân tay và dễ lần mò trong hố ga, công nhân ít khi mang bao tay. Chính vì vậy, nguy cơ bị trầy xước làm ảnh hưởng tới sức khỏe là khá cao.

    Điều làm anh em công nhân lo lắng nhất là những đinh nhọn, kim tiêm nằm lẫn trong đất ở các hố ga, chỉ cần sơ ý là bị thương ngay. Công nhân thông cống ngán nhất là thông cống các khu công nghiệp, gần cơ sở sản xuất, lắp ráp bình ắc-quy hay gần nơi có tiệm sửa xe môtô là anh em đều bị dị ứng bởi nơi này thường thải các loại axít xuống thẳng đường cống. Nhiều đường cống công nhân vừa xuống là bị bỏng hóa chất…

    Lao động trong môi trường này, căn bệnh mà công nhân móc cống hay mắc phải là dị ứng ngoài da, nhất là vùng kín, bị ghẻ, ngứa mẩn đỏ cả người và bệnh đường hô hấp thì 100% không ai tránh khỏi.

    Chiếc ống nối với cống bên cạnh bị tắc, một công nhân ghé miệng vào thổi, dù chiếc ống dính đầy bùn bẩn.

    Điều đáng quý nhất là tinh thần làm việc dù lúc ở dưới cống hay nghỉ trên vỉa hè trong bộ đồ bảo hộ lao động sũng nước và bùn đất, họ vẫn tươi nguyên nụ cười chân chất.

    Anh công nhân tên Bình tâm sự: “Công việc và cuộc sống của chúng tôi bây giờ đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây”. Công nhân được trang bị đủ những bộ đồ bảo hộ mới để thay đổi, có máy quay lòng cống, xe hút bùn, xe thông rửa lòng cống… Và đồng lương phần nào đã xứng đáng hơn với công việc của công nhân.

    Khi chia tay, nhìn những nụ cười chân chất ấy, tôi tự nhủ giá như mọi người ý thức hơn trong việc phân loại rác và đừng bao giờ vứt rác xuống cống. Thành phố hôm nay thêm sạch là nhờ rất nhiều vào những người công nhân thông thoát cống cần mẫn này.

    Làm việc vất vả, độc hại, tuy nhiên, theo tiết lộ, mỗi tháng, công nhân làm nghề này chỉ kiếm được khoảng 4 – 5 triệu/tháng.
    http://thongcongnghet.com.vn/nghe-moc-cong.html
    Thượng Đế có mặt bên bạn khi bạn quên mình vì tha nhân.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Du Già Sư Địa Luận
    By phanquanbt in forum Đạo Phật
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 05-01-2013, 03:31 PM
  2. Âm Luật Vô Tình tt
    By lyquochoang in forum Đạo Phật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 30-05-2012, 06:59 PM
  3. Vô gián địa ngục
    By Nicholas268 in forum Đạo Phật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 12-12-2011, 10:20 AM
  4. Một Ngày Ở Bệnh Viện - Hay Địa Ngục Trần Gian?
    By cuonphong in forum Chuyện thời sự, xã hội
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 10-10-2011, 11:34 PM
  5. Lược sử thời gian
    By dragonle in forum Khác...
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 30-06-2011, 05:14 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •