15 nguyên tắc thiền tập cho những người mới khởi sự tập thiền


Nữ thiền sư Ajahn Naeb
Uyển Minh dịch


--------------------------------------------------------------------------------



1.- Hành giả cần sửa soạn những gì để hành thiền?




Hành giả phải hiểu thấu đáo ý nghĩa của Vipassana Bhavana- phát triển tuệ giác, nghĩa là phải hiểu Danh và Sắc. Mục đích chính của sự phát triển tuệ giác là để hiểu hai yếu tố này. Danh (tâm hay trạng thái tâm) và Sắc (hình thể hay vật chất) phải đụợc hiểu thấu đáo để trí tuệ biết rõ được rằng chúng là đối tượng để hành thiền.


2.- Khi hiểu rõ Danh và Sắc, bạn có thể quán sát Danh và Sắc trong giây phút hiện tại.




Danh Sắc, được sử dụng như là những đối tượng thiền quán trong Thiền Minh sát, là những điều kiện tinh thần và vật chất đang xảy ra ngay trong thân thể của bạn. Như vậy Danh Sắc phải là những gì trong phút giây hiện tại. Bạn phải nắm được điều này cùng những yếu tố liên hệ bởi vì đấy là những tính chất hiển nhiên của Danh Sắc khi quán sát.


3.- Khi nhìn hay quán sát Danh Sắc, hành giả phải cảm nhận được Danh, cảm nhận được Sắc.




Danh Sắc phải luôn hiện hữu trong tâm hành giả và luôn là đối tượng để quán chiếu. Không có một thứ Danh Sắc cố định nhưng là những gì hiện tiền trong phút giây ta quán sát. Nếu ngay lúc đó chúng không nằm trong chánh niệm của bạn thì phải biết rằng theo Thiền Minh sát, bạn đã thất niệm, đã đi sai đường. Một khi chánh niệm được thiết lập lại thì Danh Sắc sẽ xuất hiện trở lại trong cảm thọ mới và đó là những Danh Sắc của khoảnh khắc đặc biệt này.
Nếu lỡ đi sai đường thì đừng quá lo lắng mà chỉ bắt đầu quán trở lại Danh Sắc. Nhưng xin hãy nhớ là phải lấy chúng làm đối tượng quán chiếu, sử dụng chúng theo đúng nguyên tắc Chánh niệm (Satipathana).


4.- Trong lúc thiền tập, hành giả phải cẩn thận đừng khởi tâm mong cầu, tham đắm hay thắc mắc.




Ngay khi quán sát Danh Sắc hành giả lại khởi tâm muốn quán sát, sở hữu, thắc mắc, muốn nhìn thấy Danh Sắc hay muốn thấy chúng sanh khởi và hoại diệt, muốn Thiền Minh sát khởi lên, thì tất cả những tâm này không đúng mà cũng không ích lợi gì cả. Lại một lần nữa tâm đã đi lạc vào những chuyện vô ích và hành giả phải bắt đầu trở lại.


5.- Ðừng quán sát Danh Sắc cùng một lúc.




Khi quán sát Sắc pháp thì chỉ quán Sắc pháp. Khi quán Danh pháp thì chỉ quán Danh pháp. Ðừng bao giờ quán cả hai thứ cùng một lúc, chúng không được cùng là đối tượng thiền quán. Ðiều này ta phải luôn nhớ kỷ.


6.- Phải chú trọng đến các oai nghi.




Dù hành giả không cần bận tâm đến những tiểu oai nghi, nghĩa là những cử động nhỏ như quay đầu v.v..; nhưng trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi ta không được sửa đổi nếu thấy không cần thiết.


7.- Nếu muốn đổi oai nghi hay muốn cử động, hành giả phải biết rõ nguyên nhân hay lý do muốn sửa đổi oai nghi.




Lý do hay nguyên nhân này rất quan trọng. Và ta cần phải nhấn mạnh lần nữa là khi muốn đổi oai nghi dù ít hay nhiều, hành giả phải biết rõ nguyên nhân hay hiểu lý do trước khi sửa đổi.


8.- Ðừng sử dụng những oai nghi khác thường.




Hãy làm những oai nghi bình thường hay đơn giản, đừng dùng những oai nghi đặc biệt. Chúng ta phải tập làm quen với những vị thế bình thường khi ta đi, đứng, ngồi, nằm. Muốn dùng các oai nghi làm đối tượng thiền quán, ta phải dùng những oai nghi mà ta quen thuộc. Ðừng dùng những vị thế đặc biệt hay không bình thường bởi đó không phải là Vipassana. Vipassana sử dụng những gì bình thường hay quen thuộc. Ðó là những vị thế thoải mái, không cần thay đổi gì nữa. Ðiều cần thiết là phải biết và hiểu những oai nghi đang khi thiền quán. Dù ngồi hay nằm, chúng ta cũng phải chánh niệm và hoàn toàn biết rõ vị thế ta đang có. Ta dụng tâm y như đang quán sát chỉ một đoạn của cuốn phim đang được ngưng lại (trên màn ảnh). Khi đang quán sát các oai nghi, ta phải quán sát Sắc pháp- Rupa. Khi ngồi, ta ý thức thế ngồi là sắc chất. Khi đứng, ta ý thức thế đứng là sắc chất. Khi nằm ta ý thức thế nằm là sắc chất. Và khi đi, ta sẽ ý thức thế đi là sắc chất.
Hành giả phải luôn luôn cẩn thận và phải nhận biết được Danh Sắc ngay khi hành thiền, nghĩa là thấy sắc chất ngồi, sắc chất đi, sắc chất đứng, sắc chất nằm; và đối với Danh cũng vậy, khi ta quán sát các trạng thái tâm.


9.- Ðừng chú ý quá tỉ mỉ đến các oai nghi.




Nhiều hành giả cố ý làm thái quá, ví dụ như đi rất chậm hay cử động quá chậm để lấy một cái gì. Làm như vậy sẽ khiến tư tưởng "muốn" phát sinh (muốn đi, muốn ngồi v.v...). Khuynh hướng làm quá mức trong khi hành thiền chưa được nhuần nhuyễn sẽ khiến cho việc hành thiền bị chi phối bởi tâm "muốn". Nếu tâm muốn khởi lên thì tâm này nằm trong "tham" (lobha). Mục đích của hành thiền là trừ tâm ô nhiễm- tham, sân, si nhưng nếu thiền quá tỉ mỉ thì lại tăng trưởng các ô nhiễm, bởi vậy tâm này không hữu ích khi hành thiền. Hành giả nếu có tâm này sẽ bị thụt lùi.


10.- Khi hành thiền, đừng làm bất cứ điều gì không cần thiết.




Nếu không cần thiết thì đừng nói quá hơn mức đòi hỏi.
Nếu không cần thiết thì đừng nói chút nào cả.
Nếu không cần ngồi thì đừng ngồi. Ði, đứng, nằm cũng vậy. Nếu không cần đổi oai nghi thì đừng đổi. Chỉ đổi khi thật cần thiết.


11.- Trước khi làm bất cứ điều gì, bạn phải hiểu lý do cần thiết rồi mới làm.




Trước khi đổi oai nghi hay trước khi làm bất cứ việc gì như là ăn, tắm. tiểu v.v... hay đi, đứng. nằm, ngồi, bạn phải thấu hiểu sự cần thiết của hành động. Nhận thức này rất cần để hành thiền được tiến triển. Nếu hành giả không cẩn thận về chuyện này, anh ta sẽ thấy là mình "muốn đi", hay đi và đứng mà không biết lý do tại sao mình lại muốn như vậy. Cũng vậy, khi đi thiền hành, hành giả nghĩ đến chuyện đứng lại và sẽ dừng lại. Những việc như thế này không nên để xảy ra khi đang hành thiền. Ðừng quên là bạn chỉ được làm những gì cần thiết. Khi bạn đứng lại, phải biết tại sao cần đứng lại rồi thì bạn có thể dừng lại. Bạn phải biết nguyên nhân, lý do của nhu cầu muốn dừng. là vì bạn cảm thấy mệt mỏi, nó buộc bạn phải ngừng chứ không phải chỉ là tâm hay ý muốn đứng lại.


12.- Ðừng nghĩ những gì bạn đang thực tập là để hành thiền.




Khi bạn sắp đi, đứng, nằm, ngồi, đừng nghĩ là bạn đứng để thiền, đi để thiền, ngồi để thiền, nằm để thiền. Ðừng có ý nghĩ rằng bạn muốn làm những điều này chỉ để hành thiền. Có thể bạn sẽ nghĩ việc này không cần thiết nhưng thực sự đây là điểm cần chú ý. Tôi sẽ giảng rõ trong một phần khác.


13.- Khi bạn quán sát oai nghi hay Danh Sắc, bất cứ một danh sắc nào. lúc đó đừng nghĩ là bạn muốn có tâm an lạc.




Khi quán sát danh sắc, đừng nghĩ bạn làm như vậy để đạt được sự an lạc hay định. Khi dán tâm trên một điểm cố định nào, đừng nghĩ bạn không thể hay sẽ không rời tâm khỏi chỗ đó, bạn để tâm cố định, không di chuyển hay thay đổi tâm khỏi ý niệm đang có. Ta đừng nên có tâm này.
Hành giả không nên nghĩ như vậy khi đang nhìn ngắm hay quán sát. Một vài hành giả quán sát danh sắc nhưng tâm lại mong được an lạc nên cứ dính mắc ý tưởng này. Họ cứ mong sống hoài trong trạng thái đó và gạt ra ngoài mọi thứ khác. Ðây là một trạng thái Ðịnh mà ta không nên sử dụng. Có khi lại còn ý định hay mong muốn được thấy danh và sắc, được phát triển tuệ giác, được thấy các pháp sinh khởi từ những gì đang nhìn thấy, hoặc muốn thấy các pháp sanh diệt. Tất cả các tâm này đều không hữu ích.


14.- Khi hành thiền, tâm phải như khán giả đang ngồi xem kịch chứ đừng cố đạo diễn vở kịch.




Ý muốn bắt phải làm theo một phương thức hay khiến nó phát sinh theo cách này hay cách khác đều không ích gì trong Vipassana. Bạn phải làm sao để tâm như là khán giả đang xem kịch. Muốn được như vậy, tâm- citta phải ở con đường trung đạo. Nếu tâm không ở trung đạo, nó sẽ rơi vào tham, sân. Hễ tham, sân có mặt thì tuệ giác rất khó phát triển.


15.- Hành giả không nên khởi tâm mong đạt đến sự an lạc