kết quả từ 1 tới 20 trên 76

Ðề tài: Bên Hồ Gươm bàn chuyện Rùa Thiêng

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Bên Hồ Gươm bàn chuyện Rùa Thiêng

    Bên Hồ Gươm, lại bàn chuyện Rùa Thiêng

    TP - Phó Giáo sư Hà Đình Đức là tác giả của 150 bài viết về rùa Hồ Gươm. Tên ông xuất hiện trong bảng Danh lục rùa thế giới trong mục về giống rùa lớn mai mềm ở Việt Nam: Rafetus leloii Duc 2000.


    Rùa Thiêng Hồ Gươm

    Ấy vậy mà nhiều câu hỏi về rùa Hồ Gươm ông vẫn không thể trả lời. Bức màn sương huyền thoại trên Hồ Gươm có lẽ khó mà vén hết lên được. Và có lẽ cũng không nên vén hết chăng? Đầu năm mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện bên Hồ với PGS Hà Đình Đức.

    Thưa PGS, trong một truyện ký có tên “Rùa Hồ Gươm” in cách đây hơn 15 năm, nhà văn Nguyễn Dậu – một người có 10 năm kiếm sống bên Hồ Gươm và biết rất nhiều chuyện về rùa- có viết rằng ông phân biệt và đếm được trong Hồ Gươm tới 17 con rùa to. Ông Dậu cũng nói rõ là con to nhất sau đó biến mất. Hai con bị đánh trọng thương và chết, xác được làm tiêu bản trưng bày. Hai con bị bọn “rùa tặc” ngang nhiên bắt chở đi làm thịt. Vậy thì những con khác đã đi đâu nếu bây giờ quả thật trong Hồ Gươm chỉ còn đúng một cụ rùa?

    Các tư liệu tôi có chỉ xác định trong Hồ Gươm từng có 4 cụ rùa. Cụ còn lại duy nhất trong hồ hiện nay là một. Hai cụ bị chết, tiêu bản xác một cụ được trưng bày ở Đền Ngọc Sơn, bộ xương cụ kia hiện giữ trong kho của Bảo tàng Hà Nội.

    Một cụ nữa hiện không còn lưu dấu tích vật chất nhưng tôi biết qua lời kể của nhà văn Đào Quang Thép, khi ông là Trưởng ban biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội ở 47 Hàng Dầu.

    Ông Thép kể vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 năm 1962 hay 1963 gì đó, sau một đợt mưa lớn, nước Hồ Gươm tràn bờ, một cụ rùa bò lên Vườn hoa Chí Linh (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ).

    Một nhóm tuần tra bắt gặp đã tròng dây vào cổ kéo cụ về trụ sở, sau đó làm thịt. Người chỉ huy đơn vị sau đó đã bị kỷ luật vì để xảy ra chuyện này và được gọi là “ông ăn di tích”. Tôi tin câu chuyện của ông Thép vì thời điểm đó ông là người của đơn vị kia.

    Còn về con số 17 của nhà văn Nguyễn Dậu, có thể đây là truyện ký nên có yếu tố hư cấu chăng?


    PGS Hà Đình Đức bên Hồ Gươm
    Như vậy, trong hồ ít nhất cũng đã từng có 4 cụ rùa. Với kích thước và dáng vẻ của mình, tuổi các cụ đều ngót nghét vài trăm. Thời gian dài dằng dặc như thế ắt có nhiều lần sinh nở. Mà nhà văn Nguyễn Dậu trong truyện ký nói trên cũng mô tả rất tỉ mỉ chuyện một đôi vợ chồng rùa làm cái chuyện bảo tồn nòi giống và đào ổ đẻ hàng trăm trứng. Vậy PGS lý giải thế nào chuyện trong hồ chỉ có ít rùa như vậy và dường như các cụ đều cùng lứa tuổi?

    Quả thật tôi cũng không biết vì sao. Ngoài chuyện kể của nhà văn Nguyễn Dậu không ai nhắc đến chuyện rùa Hồ Gươm đẻ. Năm 2000 người ta nhặt được mấy quả trứng tròn nhỏ đường kính 25 mm, nhưng đó là trứng ba ba.

    Thưa PGS, đến bây giờ ông vẫn tin vào giả thuyết của mình là rùa Hồ Gươm đã được Lê Lợi thả xuống?

    Vâng, tôi tin. Khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, hồ Lục Thủy (tên cũ của Hồ Gươm) lúc đó rất rộng lớn và được các vua Lý rất lưu tâm. Bên hồ Lục Thủy khi đó đã có hai công trình lớn đó là chùa Sùng Khánh và tháp Báo Thiên.

    Nếu có giống rùa lớn sinh sống ở đây thì ắt đã được ghi vào sử sách. Nhưng suốt từ thời Lý cho đến hết thời Trần, không có nguồn tư liệu ghi chép cũng như truyền miệng nào về rùa lớn trong hồ cả.

    Về khoa học, nếu loài rùa to này vốn ở đất Thăng Long thì Hồ Tây và các hồ khác phải có. Nhưng loài rùa này không có bất cứ ở đầm hồ nào của Thăng Long xưa cũng như Hà Nội nay.

    Chỉ biết chắc chắn là loài rùa to này có từ thời Lê Lợi và truyền thuyết Hoàn Kiếm, mà trước đó loài rùa này chưa từng có ở hồ Lục Thủy. Cũng từ đó tên hồ đổi thành hồ Hoàn Kiếm – hồ trả Gươm hay nôm na là Hồ Gươm tồn tại cho đến ngày nay.

    Vì vậy, tôi cho rằng chính Lê Lợi đưa rùa từ nơi khác đến thả vào hồ Lục Thủy và dệt nên truyền thuyết Hoàn Kiếm. Một huyền thoại vừa hư vừa thực đã tồn tại gần 600 năm đến tận ngày nay mà người đời vẫn tin rằng đâu đó thăm thẳm trong lòng Hồ Gươm còn cất giữ thanh Thần Kiếm của tổ tiên mà thần Rùa vẫn ngày đêm canh giữ.



    Thanh Kiếm thần mà Lê Lợi đã được đức Long Quân cho mượn từ ngày dựng cờ khởi nghĩa. Thanh Kiếm thần đã giúp nhà vua trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược.

    Sau khi giành lại độc lập cho nước nhà, nhà vua nhớ đến truyền thuyết về An Dương Vương khi xây thành Cổ Loa đã được thần Kim Quy cho mượn thanh Bảo kiếm để chém đầu gà tinh trắng kẻ phá hoại khi thành đang xây.

    Khi xây thành xong, An Dương Vương đã trả lại kiếm cho thần Kim Quy. Sau đó Thần Kim Quy còn cho An Dương Vương mượn cái móng chân làm lẫy Nỏ thần, nhờ đó mà đánh thắng giặc Triệu Đà.

    Nhưng sau đó An Dương Vương không trả lại móng chân cho thần. Vay mà không Trả, nhà vua đã thất Tín với thần Kim Quy. Chính vì vậy mà dẫn đến việc bị giặc đánh cắp mất lẫy Nỏ thần, rồi mất nước, mất con.

    Trong truyền thuyết An Dương Vương ngoài bài học cảnh giác còn có bài học lớn về chữ Tín. Cái gì vay mượn là phải trả! Lê Lợi đã rút ra bài học lớn đó. Thần đã cho mượn Gươm làm việc lớn, khi việc đã xong thì Gươm thần phải trả.

    Và để tăng ý nghĩa của sự kiện, ông làm điều đó giữa kinh thành mặc dù chỗ mượn Gươm là khúc sông Lương (nay là sông Chu) ngay vùng Lam Sơn nơi quê hương cuộc khởi nghĩa. Hồ Lục Thủy khi đó không có rùa lớn, ông đã đưa rùa từ nơi khác về thả vào đây.

    Như vậy là giống rùa lớn ở quê Lê Lợi vùng Lam Sơn (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa) mà bây giờ vẫn còn là cùng loài với rùa Hồ Gươm hiện nay?

    Đúng là cùng loài. Nhưng cũng có thể Lê Lợi đã đưa rùa về từ Hòa Bình. Nơi đây ở đầm Quỳnh Lâm, thị xã Hòa Bình người ta đã từng bắt được những con rùa rất to, trong đó một con nặng 175 kg, một con nặng 121 kg bắt được tháng 4 năm 1993 (tiêu bản hiện được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Hòa Bình).

    Sử sách ghi lại rằng trong 6 năm ở ngôi thì 4 năm liên tiếp Lê Lợi đã có những cuộc hành quân lên phía Tây Bắc để dẹp yên ý định ly khai của các tù trưởng. Do đó rất có thể ông đã phát hiện và đưa rùa từ Hòa Bình theo đường sông.

    Thưa PGS, nghe nói khoảng 2 năm trước Viện Công nghệ sinh học có tiến hành xác định gene của các loài rùa mai mềm kích thước lớn (trong đó có rùa Hồ Gươm) ở nước ta với hy vọng sẽ phát hiện cho thế giới một loài rùa mới. PGS có biết kết quả như thế nào không?

    Tôi đã nghiên cứu về hình thái và mô tả Rùa Hồ Gươm không phải loài rùa Thượng Hải mà trước đây một vài nhà khoa học Việt Nam đã trả lời báo chí “Rùa Hồ Gươm là loài Giải Thượng Hải Rafetus swinhoei”.

    Tôi cho rằng đây là loài rùa mới cho khoa học với tên là Rafetus leloii và công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4/2000. Tên loài rùa này cũng đã có trong Danh lục các loài Rùa trên thế giới. Tuy vậy để chính xác hơn cần kiển tra thêm về AND.

    Công việc này do Viện Công nghệ Sinh học, thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam tiến hành. Kết quả đã đăng ký trên Gene Bank Quốc tế và sẽ công bố trên một tạp chí khoa học có uy tín trước khi công bố chính thức ở Việt Nam. Vấn đề này các bạn chờ sẽ biết chính thức.

    Nói một chút chuyện tâm linh, ông cũng là người từng nhận xét, rất nhiều lần Cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên nhân một sự kiện gì đó.

    Tôi thống kê rất kỹ những lần rùa nổi mà tôi biết được. Theo đó, từ tháng 10/1991 đến tháng 6/2005, có 35 lần rùa nổi trùng hợp với một sự kiện gì đó đặc biệt.



    Có nhiều lần Cụ nổi lên nhân những lùng bùng quanh việc nạo vét Hồ Gươm hoặc tôn tạo các di tích quanh hồ. Với riêng tôi thì có vài lần báo đài đang phỏng vấn tôi về Rùa Hồ Gươm thì cụ nổi lên.

    Nhưng đáng nhớ nhất là sáng ngày 27/9/2000 khánh thành Khu tưởng niệm vua Lê, cụ bơi vào ghé đầu lên kè đá Đảo Ngọc đền Ngọc Sơn 2 giờ từ 8h20-10h20, cùng chứng kiến có nhiều quan chức Hà Nội.

    Một lần khác một số anh em bơi thuyền ra Tháp Rùa thắp hương xin phép để về Lam Kinh tìm lại hậu duệ của Cụ Rùa, lúc bơi trở vào bờ thì nhìn thấy tăm của Cụ hướng về mũi thuyền. Sau đó Cụ bơi đến và nhô đầu sát mạn thuyền. Mọi người đều chắp tay lạy.

    Năm 2005, Cụ đã nổi tất cả bao nhiêu lần?

    Tôi có thông tin về 16 lần. Lần thứ 16 là vào lúc 10h45 ngày 20/12.

    Có lần nào nhân sự kiện gì đó đặc biệt không?

    Có, nhưng nó quá “nhạy cảm” nên xin phép không công bố.

    Xin cảm ơn PGS.

    Lê Xuân Sơn Báo Tiền Phong
    Last edited by Bin571; 18-04-2008 at 04:52 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •