Nữ thầy mo và những bí mật về hôn nhân
Thứ tư, 16/4/2008, 07:00 GMT+7
... Việc trở thành nữ thầy mo cũng chẳng lạ gì với người Tày quê tôi. Tất nhiên, từ nay cuộc sống của họ sẽ hoàn toàn khác. Công việc của họ cũng phải khác, nhưng sẽ tốt hơn nếu nữ thầy mo ấy chưa lập gia đình. Và một điều chắc chắn hôn nhân của họ sẽ phải đổ vỡ, hình như nó là một quy luật, dù không có bất cứ quy định bắt buộc nào của thần linh…


Trong cuộc sống tinh thần của người Tày, thầy tào ở đẳng cấp cao nhất, tiếp sau là thầy mo. Hai đẳng cấp này đều có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh. Nhưng với thầy mo chỉ có một nhãn thần được khai mở, vì thế chưa đủ khả năng hướng dẫn thần linh. Họ chỉ đủ khả năng cầu khấn, hiểu một cách khác, họ chỉ biết cách đề nghị trước thế giới thần linh. Chính vì điều đó, đẳng cấp thầy mo, người quê tôi vẫn thường gọi bà bụt, phần lớn thuộc phái nữ.



Người đàn bà và con chim - Tranh: A Sáng



Những người phụ nữ trở thành thầy mo không trải qua quá trình học nghề, có thể một lúc nào đó “Dia Hoa” (bà bụt) xuất hiện, trao cho họ một nhãn thần và họ trở thành nữ thầy mo. Điều này cũng chẳng liên quan đến tuổi tác: họ có thể là một cô bé, cũng có thể là một bà già… Nói chung, không thể biết bà bụt xuất hiện lúc nào, ở đâu, trao cho ai cái quyền linh thiêng đó.

Hồi còn bé, tôi đã từng chứng kiến sự xuất hiện nhãn thần với chính bà chị họ của tôi. Đó là một sơn nữ rất đẹp, con gái cưng của anh trai pa tôi. Chị ấy là niềm khát khao của biết bao trai bản.


Lấy chồng được hai năm, chị sinh một cháu trai kháu khỉnh, cuộc sống của chị vẫn diễn ra bình thường như bao người khác. Thế rồi vào một đêm tháng giêng rét buốt, cả cái bản Pác Thay của tôi ầm ầm như núi lở. Người trong bản thi nhau thắp đuốc, đổ về hang Ngườm Vài. Tôi cũng theo họ đến đó, người trong bản đã tụ tập rất đông, đèn đuốc sáng rực, họ quỳ xuống khấn vái và hát những câu bùa chú của người Tày. Ở giữa hang chị họ tôi đang nhảy múa. Lúc này trông chị tôi thật đáng sợ, tóc chị rối mù, hai mắt mở trừng trừng, trắng dã, miệng luôn gào thét điều gì đó, và đặc biệt chị tôi chỉ di chuyển bằng năm đầu ngón chân như diễn viên múa ba lê vậy.


Mé tôi thì thào: “Te Leeng luồng phụt da né…” (Cái Leeng bị bụt nhập rồi). Người trong bản, sau khi thấy chị họ tôi ngồi xuống mắt nhắm nghiền lại thì lập tức vác đến một bó gai găng. Những cây gai sắc nhọn ấy nhanh chóng được xếp lại như một cái ghế. Thế rồi mé tôi tiến lại phía chị nói gì đó, chị từ từ mở mắt, thản nhiên đi đến cái ghế được làm bằng vô vàn những cây gai sắc nhọn kia và ngồi xuống. Không những ngồi xuống, chị còn bắt đầu đu đưa và ca hát.


Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được hình ảnh kì dị đó. Chị họ tôi ngồi hát và đu đưa trên cái “ghế” chết người đó chừng một tiếng đồng hồ thì đứng dậy, chạy như có ai đuổi và cũng chỉ chạy bằng năm đầu ngón chân. Đá núi, gai nhọn hình như không làm chị đau đớn, chị cứ thế chạy, người trong bản cứ thế đuổi theo, cho đến dưới một gốc cây bưởi, chị tôi giật lấy một nắm lá rồi ăn ngấu nghiến. Một lát sau chị tôi sùi bọt mép và ngất xỉu.


Bấy giờ người bản tôi mới bảo anh Bường - chồng chị - cõng về nhà. Tôi nhớ rất rõ khuôn mặt sợ hãi của anh Bường lúc ấy, cả đứa con trai hai tuổi kia nữa. Anh rể tôi vừa khóc vừa cõng chị về, còn thằng bé, nó gào lên sợ hãi.


Rất nhiều ngày sau, chị Leeng nằm liệt giường, mê sảng cho đến một buổi chiều chị ngồi dậy, tự mình thắp hương rồi hát những bài ca thần bí. Người trong bản bảo, chị tôi đã trở thành “mé Pụt” (nữ thầy mo). Việc trở thành nữ thầy mo cũng chẳng lạ gì với người Tày quê tôi. Tất nhiên, từ nay cuộc sống của họ sẽ hoàn toàn khác. Công việc của họ cũng phải khác, nhưng sẽ tốt hơn nếu nữ thầy mo ấy chưa lập gia đình. Và một điều chắc chắn hôn nhân của họ sẽ phải đổ vỡ, hình như nó là một quy luật, dù không có bất cứ quy định bắt buộc nào của thần linh.


Từ ngày trở thành thầy mo, chị tôi phải đi lễ rất nhiều, người trong vùng luôn mời những nữ thầy mo đến làm lễ cho họ, những cái lễ linh thiêng: đầy tháng tuổi cho trẻ sơ sinh, rước cô dâu mới về nhà, dựng miếu mạo, chặt hạ cây cổ thụ, dựng nhà mới… Tất cả những công việc ấy người Tày đều cần thầy mo cầu khấn trước thần linh. Vì thế chị tôi đi tối ngày và cũng chỉ sau một năm anh Bường - chồng chị - quyết định ly hôn.


Tôi nhớ, anh Bường gom tất cả chăn màn, quần áo, đồ nữ trang của chị tôi vào cái rương gỗ rồi cùng em trai gánh về trả lại nhà bác tôi. Như thế với người Tày chính là một hình thức ly hôn. Còn đứa con, sau rất nhiều lần bàn thảo, chị tôi được quyền nuôi nó và gửi về cho bác tôi chăm sóc.


Có một cái gì đó đã diễn ra sau ngày trở thành thầy mo tệ hại đó. Nhưng ngày ấy tôi còn bé nên không biết gì, tôi chỉ thấy các sơn nữ bản tôi và nhiều sơn nữ khác rất sợ bà bụt chọn mình làm thầy mo, câu cửa miệng của họ khi muốn mắng mỏ ai đó đều là: “Mầu luồng Pụt né…”(Mày bị bụt nhập à?). Việc trở thành nữ thầy mo chẳng vinh dự gì ngoài sự sợ hãi, nhưng chẳng ai biết lúc nào mình trở thành thầy mo, vì thế nó luôn ám ảnh những sơn nữ quê tôi. Họ rất sợ điều đó!


Sau này, khi tôi làm phóng viên cho tờ báo địa phương, rất nhiều lần tôi trở về quê và chứng kiến chị tôi làm lễ. Cuộc sống thầy mo đã làm chị tôi khác đi rất nhiều. Và cuộc hôn nhân của chị với anh Bường ngày nào vẫn luôn ám ảnh tôi. Đã vài lần tôi gợi ý trò chuyện cùng chị nhưng chị đều né tránh, chị chỉ cười và nói: “… Người ta bỏ chị chứ chị có bỏ đâu, nhưng làm bụt thì ai dám lấy…”. Rồi chị im lặng, trong đôi mắt thâm quầng vì phải thức đêm ứa ra nước mắt, tôi biết chị rất cô đơn. Cuộc sống vật chất của chị không vất vả gì, đặc biệt bây giờ người Tày cũng không trả lễ chị bằng gạo nếp, gà thiến mà họ cũng “thương mại hoá” bằng cách trả tiền cho bà bụt, tất nhiên chẳng nhiều nhặn gì, nhưng với thu nhập ấy, chị và đứa con đủ sống một cách khá dư dả.


Ngay cả đứa con trai chị, nó đã lớn và trở thành trai bản, nhưng nó cũng không thích nhắc đến mé nó. Có một rào cản mơ hồ nào đó giữa chị tôi và nó. Chẳng bao giờ nó kể về mé nó, nếu không muốn nói nó xa lánh chị.

Một lần tôi gặp lại anh Bường ở trụ sở UBND xã, anh ấy bây giờ làm cán bộ địa chính xã và đã có gia đình mới. Gặp tôi, anh rất mừng. Với anh ấy, gia đình tôi vẫn là chỗ thân thiết vì anh thường qua lại để thăm con trai. Trong bữa cơm, tôi đã gợi ý anh kể về những ngày tháng chị tôi trở thành thầy mo. Ban đầu anh Bường cũng né tránh, nhưng sau rất nhiều lần gợi ý, cùng hơi rượu ngà ngà, anh Bường đã kể câu chuyện bí ẩn ấy.


Anh kể: Những ngày đầu khi mới thành thầy mo, chị tôi vẫn bình thường, chỉ thỉnh thoảng phải vắng nhà vì đi làm lễ xa. Nhưng dần dần anh thấy chị có cái gì đó rất khác trong người, đặc biệt là chuyện ân ái, chị ấy rất sợ gần gũi chồng. Chị thường lỉnh đi ngủ riêng, hoặc chờ chồng ngủ thật say mới vào giường. Có lần không từ chối được chị phải chấp nhận nhưng…


Kể đến đây anh Bường tu thêm bát rượu, nuốt ực một cái. Tôi có cảm giác cổ họng anh đang khô khốc, hai con mắt đỏ ngầu và rơm rớm nước mắt. Anh ngập ngừng rồi kể tiếp: Chị ấy nằm cứng đơ, hai mắt mở trừng trừng, và kêu đau đớn. Ân ái xong, anh Bường sợ hãi thấy máu chảy khắp giường, máu chảy không chịu ngừng dù anh chị đã làm hết cách…




Giấc mơ - Tranh: A Sáng


Anh Bường ngừng kể, tu thêm hơi rượu nữa, lần này tôi thấy cổ họng anh như đã cháy, anh nhìn tôi nói đau đớn: “Cậu biết không, đêm ấy anh chị dùng cả cái màn băng lại máu của chị ấy mới cầm được…”. Cũng từ bữa đó, chị tìm cách xa lánh anh, tất nhiên chỉ duy nhất chuyện ấy mà thôi. Chị năng đi lễ hơn, đi dài ngày, tìm mọi cách để tránh chuyện đó. Chị biết anh buồn nên tìm cách bù đắp bằng việc chăm sóc, hay những việc khác, nhưng cứ mỗi lần gần gũi nhau chị lại sợ hãi, lại đau đớn, lại chảy máu. Chị không thể thực hiện được việc đó.


Thế rồi anh chị đưa nhau đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói anh chị chẳng việc gì cả, rất bình thường. Khi nghe chị kể về việc hãi hùng đó, bác sĩ cũng cho vài viên thuốc đông máu, nhưng sự việc chẳng khá gì hơn, máu vẫn chảy và mỗi lúc một nhiều. Cuối cùng, vì không thể chịu được, anh đã quyết định ly hôn.


Anh Bường lại uống, cổ họng hình như vẫn cháy khô, anh nhìn tôi rồi nói: “…Thực ra chị cậu là người tốt, anh không có gì chê trách chị ấy, chỉ có cái gì đó rất bí ẩn từ ngày bị Luồng Pụt (Bụt nhập), anh sợ nên bỏ chị thôi…”. Anh lại uống, rồi say, nói lảm nhảm gì đó nữa, tôi không nhớ và cũng chẳng thể tin câu chuyện này. Tôi rất muốn tìm đến chị Leeng - bà thầy mo Leeng - để hỏi cho ra nhẽ, để kiểm chứng sự thật này, nhưng tôi cũng biết sẽ chẳng bao giờ chị tôi chịu kể.



Hình như khi đã trở thành nữ thầy mo tất cả sơn nữ phải chịu một hình phạt nào đó thì phải. Ở vùng quê tôi, không chỉ riêng chị họ tôi sống cô độc khi trở thành thầy mo, rất nhiều nữ thầy mo khác cũng sống độc thân. Có những người trở thành thầy mo trước khi có gia đình và chẳng bao giờ họ lấy chồng nữa, cũng có những người lấy chồng, nhưng hôn nhân của họ chẳng được bao lâu. Tất cả những người đàn ông đến với họ đều bí ẩn ra đi. Có lẽ câu chuyện của anh Bường là sự thật, mà việc gì anh ấy phải bịa ra để kể với tôi. Cũng không thể vì say rượu mà nói nhảm, cứ nhìn đôi mắt đỏ ngầu và ngấn nước mắt ấy, tôi biết anh không nói dối, người như anh Bường không thể biết nói dối! Vậy đó là cái gì? Cho đến bây giờ vẫn chẳng ai lý giải được. Chỉ việc các nữ thầy mo thường sống cô độc là có thực mà thôi. Chị Leeng của tôi là một người như thế.


Sau lần gặp anh Bường, tôi đã hỏi rất kỹ về chuyện trở thành thầy mo với mé tôi. Và được bà giải thích: Những người bị Luồng Pụt thường là Minh nấy (Vía nhẹ), họ bị Gia Hoa (bà Bụt) lựa chọn cũng chính vì cái vía nhẹ ấy. Khi bụt nhập, người ta phải xua đuổi bằng gai găng, nếu ai ngồi lên gai găng cảm thấy đau đớn và chảy máu thì con như bụt không nhập được, còn ai vẫn cứ đu đưa và hát thì bụt không chịu đi, sau đó họ tự ăn lá bưởi rồi ngất đi thì sẽ trở thành bụt. Họ bước trên năm đầu ngón chân là do bụt ở trong người - thần linh bước đi gót chân không bao giờ chạm đất… Còn việc chảy máu khi gần gũi chồng chẳng thấy ai nói thế bao giờ, nhưng các bà thầy mo thường không có chồng, người ta vẫn sợ khi lấy các bà thầy mo vì có thần linh trong người.


Mé tôi cũng chỉ giải thích một cách chung chung như thế, tất cả vẫn bí ẩn và câu chuyện của chị tôi cũng bí ẩn như thế. Nhưng dù thế nào đi nữa, chị họ tôi vẫn là một nữ thầy mo - một đẳng cấp cao trong thế giới tinh thần của người Tày. Và hằng đêm chị tôi vẫn hát lên những bài ca thần bí, vẫn cầu khấn trước thần linh những điều tốt đẹp đến với mọi người. Chị không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của con người quê tôi. Sau những buổi hành lễ linh thiêng ấy, chị tôi lại phải trở về với cuộc sống cô độc của mình. Cũng phải thôi vì thần linh đã chọn chị và chị đâu còn là một người bình thường nữa...

A Sáng (Vietimes)