*********** Sưu tầm *************
----------------------------------------

Chiếc Nanh Heo Rừng của "Đạo Vuốt"
Tác giả: Nguyễn Tường Lâm
Thể lọai: Truyện ngắn


Trên quốc lộ 15 đường đi Sàigòn - Vũng Tàu, vào khoảng cây số 85, về phía bên tay trái, đối diện Rừng Sát là núi Ông Trịnh. Trên lưng chừng đồi núi này có một cái hang mà trước đây ông "Đạo Vuốt" đã từng tu trong đó.

Ngày nay ông Đạo đã đi đâu bặt tăm mà chẳng ai biết, hang bỏ hoang trông thật tiêu điều hoang vắng.

Dưới chân núi Ông Trịnh là những gò mả nằm ngỗn ngang, vì lâu ngày không ai chăm sóc, sửa sang nên cỏ gai mọc um tùm. Người ta đồn rằng, vào những đêm trăng mờ, gió lạnh có những tiếng khóc than thật thê lương, hờn tủi xuất phát từ những ngôi mộ đó, lời ai oán này chính là những phụ nữ đã bị ông đạo giết chết, mổ bụng lấy hài nhi để luyện "Thiên linh cái".

Không ai dám lai vãng đến nơi đây, ngoại trừ lũ chồn, cáo đào hang, làm ổ mặc sức hoành hành, đêm đêm lẻn vào xóm làng để bắt gà vịt.

Trong làng có chú Ba Ten sống bằng nghề hái măng, bẩy thú. Trước đây chú từng là đệ tử của ông "Đạo Vuốt". Vào một buổi chiều mua Thu, trời tím thẫm, mưa gió rả rích, trong một căn chòi tranh vách nứa, bên chai rượu đế và mấy con sóc nướng xã ớt, chú Ba Ten kể cho tôi nghe một chuyện về ông "Đạo Vuốt":

"Ông tên thật là Nguyễn văn Kiên thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Thương do đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên sáng lập rao giảng về nghĩa tứ ân là: ân tổ tiên, cha mẹ, đất nước và ân đồng bào. Ông gốc người Long xuyên về đây giữa năm 1960 cất một cái chòi tranh, hàng ngày đi giảng đạo và chữa bệnh. Lúc ấy tôi đang bị sốt rét nặng, tưởng đã chết may nhờ có ông cứu chữa mới qua được cơn bạo bệnh. Sau đó tôi xin theo ông học cách chữa bệnh.

Thường ngày tôi và ông vào rừng, leo núi, tìm cây hái thuốc. Một buổi trưa chúng tôi tìm được một hang sâu và rộng, trong đó có một ngọn suối nhỏ, nước trong và mát, uống vào ngọt lịm. Bên ngoài hang, xung quanh còn có nhiều cây ăn trái như xoài, bưởi, khế v.v... cảnh vật thật yên tĩnh xinh đẹp. Trước mặt nhìn ra biển cả bao la, bên trái là những cánh đồng lúa chín, bên phải là lăng của ông Trịnh, sau lưng là núi Thị Vãi hùng vĩ, phong cảnh thiêng liêng và hữu tình. Thầy Kiên phấn khởi lắm. Ông nói: "Hang đá nầy có lẽ là cái hàm rồng mà từ lâu ta vẫn để công tìm kiếm, vậy ta sẽ tu tại đây".

Một hôm hai thầy trò chúng tôi chuẩn bị thức ăn thật nhiều, đi thật sâu vào rừng để tìm các loại thuốc quí và hiếm, chúng tôi băng rừng vượt suối, nơi đây chưa hề có bước chân người lai vãng, cây cối xanh mướt lạ thường, bốn bề vắng lặng, chẳng nghe tiếng động của một con thú nào, kể cả tiếng chim cũng không có. Hai thầy trò vẫn tiếp tục tiến sâu vào. Đến một cánh đồng cỏ tranh bỗng có tiếng cọp gầm liên hồi và tiếng hồng hộc giận dữ của loài heo rừng phát ra từ hướng trước mặt. Tôi giật mình lo sợ, trống ngực đánh thình thịch tính lùi lại quay về, nhưng thầy Kiên lại ra dấu đừng sợ, ông cầm cây roi bằng gỗ mun tiến lên. Bất đắc dĩ tôi phải rón rén hồi hộp từng bước theo sau. Tiếng mãnh thú gầm gừ mỗi lúc một gần hơn, thầy Kiên ra dấu dừng lại, vạch đám cỏ phía trước ra. Tôi giật mình khiếp đãm, chết trân. Trước mặt chúng tôi là một con cọp vằn vện to bằng con bò, cặp mắt long lên sòng sọc, nhìn đối thủ là con heo rừng khủng khiếp lông lưng dựng đứng, đầu to như cái thúng, cặp nanh dài bén nhọn như hai lưỡi dao chĩa lên phía trước như thách thức đợi chờ. Hai mãnh thú gườm nhau, cọp bỗng mọp người xuống, phóng lên đánh tạt vào má heo thật mạnh, heo tránh được, đâm ngược chiếc nanh trúng bã vai cọp xé một đường dài, cọp gầm lên tức giận chụp lên lưng heo, nhờ lớp da dầy và chai cứng che chở, heo chỉ bị thương nhẹ. Hộc lên một tiếng thật lớn hất cọp rớt xuống, dùng bốn chân dậm túi bụi vào lưng và bụng cọp, cọp lăn lộn gầm thét ngữa miệng lên cắn vào chân và đùi heo, hai con mãnh thú lăn xả vào nhau cắn, xé, đâm chém bụi bay mịt mù. Bỗng cọp gầm lên phóng mình ra ngoài vòng chiến nằm phục xuống căm hờn nhìn đối thủ.

Một hồi sau như đã nghỉ mệt xong và có lẽ đã tìm được lối đánh mới, cọp đập đuôi xuống đất, gầm lên một tiếng thật lớn phóng người lên cao, lộn ngược đầu xuống chụp ngược vào hậu môn heo, ý chừng muốn rút ruột heo lôi ra. Nhưng cọp không ngờ đã sa vào thế đánh của heo.

Theo truyền thuyết trong nhân gian, heo có đòn "Hồi mã thương" rất độc đáo. Vào những đêm trăng sáng, nó ra một nơi trống trải bằng phẳng, trụ bốn chân xuống đất rồi đại tiện. Khi cục phân chưa kịp chạm xuống đất nó quay người lại chém cục phân văng lên cao. Nên khi cọp chưa kịp đụng, heo đã nhanh như chớp quay lại cắm ngập chiếc nanh vào họng cọp, máu phọt ra có vòi, cọp gầm lên đau đớn rồi phóng mình bỏ chạy, heo hăng hái đuổi theo. Cọp chạy đến một gò mối phóng mình lên, heo chạy đến vừa đưa đầu ngước lên liền bị cọp thọc chân xuống móc mắt lôi ra, bị trúng đòn độc heo bật ngửa ra sau, giẫy dụa kêu vang thảm thiết, máu từ hốc mắt chảy ra lai láng, không bỏ lỡ cơ hội, cọp phóng xuống cắn mạnh vào họng heo giữ chặt, ngấu nghiến, heo vùng vẫy yếu dần.

Tôi nhắm mắt lại không dám nhìn thêm cảnh tượng quá dã man tàn bạo nầy. Bỗng thầy Kiên chụp cây roi nhảy ra ngoài, vọt mình lên cao, hét lên một tiếng thật lớn dơ thẳng cây roi dùng hết sức bình sanh đập mạnh xuống lưng cọp "Bốp", xương cọp gẫy rụm, cọp rống lên máu họng trào ra, ngáp ngáp mấy cái rồi ngoẽo đầu sang một bên chết tốt. Con heo rừng thoát chết, từ từ đứng dậy, yên lặng nhìn thầy Kiên một chút rồi chậm chạp đi vào rừng cây. Lúc nầy tôi mới hoàn hồn, mon men đến bên thầy, ôm thầy thật chặt kính phục tài nghệ của thầy.

Về đến nhà, tôi báo cho dân làng mang xe bò vô rừng kéo xác cọp về. Trông thấy xác cọp ai cũng lắc đầu lè lưỡi, có người kêu lên: "Trời ơi! Cọp nầy lớn quá, tôi mới thấy lần đầu, phải trên 300kg là ít".

Sau đó một người đánh diêm lên đốt bộ râu cọp. Theo lời người xưa kể lại, nếu nhét một sợi râu cọp vào mụt măng non, khi măng già, râu cọp sẽ biến thành một loại sâu lạ, phân của sâu là một loại thuốc độc cực mạnh. Muốn giết ai chỉ cần bỏ một chút xíu vào nước hay rượu cho người đó uống sẽ chết ngay tức khắc. Để tránh tội ác, phải thiêu hủy bộ râu cọp trước.

Vài tuần sau, lúc trời vừa chạng vạng tối, tôi đang phụ với thầy xúc thuốc phơi nắng bỏ vào bao đem cất, thì con heo một mắt tới, thân hình nó thật ghê tởm lở lói, máu mủ bầy nhầy mùi hôi thối sặc sụa, bên mắt hư của nó đỏ lòm như quả ổi chín bị chim ăn, giòi bọ lúc nhúc. Nó nhìn chúng tôi một chốc rồi quay lại phóng mình thật mạnh đâm vào cây bằng lăng nằm im bất động. Khi đến xem thì nó đã chết, chiếc nanh cắm thật sâu vào thân cây. Hai tháng sau cây bằng lăng bỗng nhiên trụi lá chết khô. Rồi vào một đêm khuya mưa gió bão bùng, cây bằng lăng bị đánh trốc gốc, ngã dài trên mặt đất, chỗ có chiếc răng ngửa lên trên. Tôi và thầy Kiên dùng riều đẽo, chặt cả tiếng mới lấy chiếc nanh ra được. Thầy Kiên quý chiếc răng nầy lắm, lúc nào cũng mang bên mình.

Thầy Kiên là một thầy thuốc Nam rất giỏi, chữa bệnh rất mát tay, đã chữa cho nhiều người hết bệnh, tiếng tăm thầy vang lừng, người từ phương xa nghe danh ùn ùn kéo đến. Những người chữa theo Tây âu dần dần mất thân chủ, tức giận và đố kỵ tài năng, họ tìm cách hãm hại thầy, họ phao tin đồn là thầy có "thiên linh cái" hễ tay đụng vào người phụ nữ nào là người đó mê mẫn và ăn ở với thầy, đến khi có bầu sẽ bị ông giết đi, mổ bụng lấy hài nhi ra ngâm rượu luyện "thiên linh cái", người bị giết rất nhiều, lớp chôn ở dưới chân núi, lớp bị quăng vào rừng cho thú ăn. Từ đó ác danh "Đạo vuốt" được gán cho thầy với những tội ác tày trời làm náo động khắp vùng, nên chính quyền tìm cách bắt thầy nhưng thầy đã thoát được. Báo chí làm ầm lên, họ phái phóng viên xuống địa phương băng rừng, leo núi vào tận trong hang chụp ảnh, tìm tòi, viết những bài phóng sự giật gân, hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Mọi người đều say mê, thích thú với những truyền thuyết, huyền thoại về thầy, họ muốn biết mặt thầy, tìm hiểu về thầy nhiều hơn nữa.

Nhưng bóng dáng thầy vẫn bặt tăm. Sự biến mất đầy bí ẩn của thầy làm mọi người thắc mắc tò mò hơn, biết bao nhiêu câu chuyện được đồn đãi lên, mỗi người kể mỗi khác về những gì họ thấy và có liên quan đến thầy. Ông Chín Tọc làm nghề bắt cắc kè quả quyết đã trông thấy thầy ngồi thiền trên tảng đá trong dãy núi Tóc Tiên, chị Mười Núi hái măng thấy thầy dạo trong rừng trúc trên núi bà Tám, anh Nhâm còn nói điều kỳ bí lạ lùng hơn là đã thấy thầy ngồi trong chiếc hang của thầy tu trước kia.

Thời gian qua đi mọi người vì lo cho nhu cầu cơm áo hằng ngày nên vấn đề quan tâm thắc mắc về thầy cũng từ đó vơi dần. Cho đến một đêm khuya, tiết trời oi bức, không một cơn gío thổi, tôi nằm trên giường cứ trằn trọc mãi mà không ngủ được, đang thao thức bỗng có tiếng gõ cửa, bước ra ngoài tôi giật mình sững sốt gặp lại thầy Kiên. Thầy đưa tôi một gói nhỏ và nói:

- "Con giữ vật nầy, nó sẽ mang lại cho con nhiều may mắn".

Nói xong ông quay lưng lại bước vào màn đêm rồi mất hút. Vào nhà đốt đèn lên, mở ra xem thì đó là chiếc nanh heo rừng."

Kể xong câu chuyện tôi thấy những giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt bâng khuâng nhiều xúc cảm của chú Ba Ten. Uống cạn ly rượu đặt xuống bàn, chú yên lặng đứng dậy đi đến bàn thờ lấy xuống một gói vải đỏ, mở ra đưa cho tôi xem chiếc nanh heo rừng. Chiếc nanh thật đẹp dài gần hai tấc, lên nước bóng loáng như có thoa một lớp dầu bóng, có chổ ửng vàng như màu lòng đỏ trứng gà, có chỗ màu nâu chocolate, có chỗ màu nâu đen như màu máu khô, nhìn kỹ thấy gần đầu nanh có một lằn nứt ngang gần giáp vòng, tôi nghĩ có lẽ đây là vết tích do heo húc quá mạnh vào thân cây khi trước. Cầm chiếc nanh mát lạnh trong bàn tay, mà đầu óc tôi cứ nghĩ miên man về những huyền thoại của nó. Chuyện quyết đấu sanh tử giữa heo và cọp, chuyện heo "hiến" răng cho thầy Kiên và những truyền thuyết huyền bí về ông.

Sau nầy, trước khi tổ chức cho gia đình đi vượt biên, tôi có nói với chú Ba Ten, chú tặng lại cho tôi chiếc nanh heo và nói: "Ông bà mình có câu, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cháu nhớ lấy". Tôi vô cùng xúc động trước tấm lòng bao dung, nhân ái đầy vị tha của chú. Tôi nghĩ rằng chú phải thương tôi lắm mới cho tôi một vật quý giá và đầy kỷ niệm.

Chuyện tôi tổ chức vượt biên bất thành, công an truy nã ráo riết, tôi phải trốn lánh từ nơi nầy đến nơi khác, phải mấy năm sau tôi mới qua được Campuchia, từ đó tôi vượt biên qua Thái Lan thành công.

Sáng nay, trong một căn phòng thật yên tĩnh, bên ly trà nóng, đầu óc trong sáng thảnh thơi không một chút suy tư, tay tôi cầm chiếc nanh heo, nhớ lại những chuyện đã qua, tôi nghĩ phải có một cái gì đó linh thiêng, huyền bí lắm đã chở che cho tôi vượt qua những gian nguy thử thách. Chợt tôi nhớ đến câu của chú Ba Ten: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", thật là huyền diệu.

Nguyễn Tường Lâm