(ĐVO) Trên phim ảnh, thiên tài quân sự Napoleon thường được khắc họa là một chàng lùn lạch bạch, trong khi trên thực tế ông không hề lùn.

Từ trước đến nay khi nhắc đến Napoleon Bonaparte, người ta thường hình dung ra một người đàn ông thấp bé có cái đầu thiên tài và tham vọng sục sôi. Các tác phẩm nghệ thuật về Napoleon cũng luôn xây dựng hình ảnh vị hoàng đế danh tiếng này như vậy, khiến biệt hiệu "chàng lùn" gắn chặt với ông. Hình ảnh này trở thành nguồn an ủi cho nhiều người đàn ông thấp bé bởi ý nghĩ vóc dáng "khiêm tốn" không ngăn cản những người đàn ông trở nên vĩ đại.

Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học đã lật lại vấn đề và khẳng định, thực ra Napoleon không hề lùn, ít nhất là khi so sánh với những người đồng bào của ông ở thời đại ông sống. Sau khi vị hoàng đế này qua đời vào năm 1821, một vị bác sĩ đã đo chiều cao cho ông và người này tiết lộ, Napoleon Bonaparte cao 5 feet 2 inch, tính theo đơn vị foot của Pháp là 1,686 m. Con số này không hề thấp, thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với chiều cao trung bình của đàn ông châu Âu thế kỷ 18 - 19.

Vậy tại sao vị hoàng đế tài danh lại bị cho là lùn? Nguyên nhân chủ yếu là hiện nay khi nói đến foot và inch, mọi người thường nghĩ đến đơn vị đo của Anh, vốn có chiều dài kém hơn so với đơn vị đo của Pháp. Một inch của Anh chỉ bằng 2,54 cm trong khi của Pháp là 2,71 cm. Vì vậy nếu tính theo đơn vị Anh, Napolen Bonaparte bị "ăn bớt chiều cao" nghiêm trọng vì chỉ còn chừng 1, 55cm. Nếu chỉ cao có thế thì quả Napoleon là chàng lùn không thể chối cãi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, còn một số lý do khác khiến Napoleon "chết" ở biệt danh chàng lùn. Đó là vị tướng tài này từng có biệt danh là "Le petit caporal", tức chàng hạ sĩ bé nhỏ. Theo các chuyên gia này, 'từ "petit" (bé nhỏ) trong trường hợp này không nói về tầm vóc cơ thể, mà là nói về quân hàm thấp của Napolenon sau khi tốt nghiệp trường quân sự và tham gia chiến trận.

Lý do Napoleon bị cho là lùn có thể còn bắt nguồn từ một thực tế khi ông đã trở thành một nhân vật quan trọng, nổi bật nhất trong nền chính trị và quân sự Pháp. Có nhiều kẻ thù, là mục tiêu của các cuộc ám sát nên vây quanh vị đệ nhất tổng tài rồi hoàng đế nước Pháp luôn là các vệ sĩ có vóc dáng cao lớn, lực lưỡng. Bên cạnh họ, Napoleon dĩ nhiên thấp bé hơn, thậm chí có những khi bị che khuất đi lúc họ dàn ra bảo vệ ông. Từ đó dẫn đến ấn tượng sai lầm rằng Napoleon là người 'còi cọc".

Sự hiểu lầm này đã bị những kẻ thù của Napoleon lợi dụng để góp phần hạ thấp hình ảnh của ông, nói về ông một cách khinh miệt, rồi dần dần làm cho mọi người đều nghĩ Napoleon là chàng lùn.

Tuy nhiên, chuyện hoàng đế Napoleon cao thực sự bao nhiêu, cho đến nay vẫn chưa có công bố chính thức. Và nếu quả thật ông không thấp bé như mọi người vẫn tưởng thì giai thoại liên quan đến một câu nổi tiếng về ông là không có thực: Chuyện kể rằng trong khi nói chuyện, một người vốn ghét Napoleon đã nói vài câu ngầm ý chế giễu chiều cao khiêm tốn của ông. Nhưng Napoleon đã điềm nhiên trả lời một câu làm người đó cứng họng: "Thưa ngài, chiều cao của một người đàn ông tính từ đỉnh đầu lên tới mặt đất, chứ không phải từ đầu đến chân. Vì vậy ngài chỉ dài hơn chứ không cao hơn tôi". Có thể vì hiểu nhầm là Napoleon thấp bé, lại kính trọng tài năng, trí tuệ của ông nên người đời sau đã "sáng tác" ra câu chuyện này, truyền tai nhau rồi ai nấy đều cho rằng đó là chuyện có thật.

Dù tác giả là ai thì câu nói trên cũng là một chân lý. Bởi nhiều thiên tài như Einstein, Lenin, Charlie Saplin không phải là người cao lớn. Còn Napoleon, ai cũng rõ tầm vóc của ông trong lịch sử nước Pháp và châu Âu.
Trung Thành (tổng hợp)