"Cổ Học Tinh Hoa" là tác phẩm của ông Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân hợp soạn. Gọi là Cổ Học vì sách viết về những chuyện xưa, tích cũ. Cốt là để người đời nay lấy đó làm gương để học cái hay và tránh cái dở.

Nói là Tinh Hoa vì sách chỉ chọn những điển tích thật hay, thật giàu ý nghĩa, và đồng thời, cũng vì cách viết có sự chắt lọc nên vô cùng súc tích mà vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa.

Nay TV muốn giới thiệu cùng các bạn về 1 tác phẩm rất giá trị này. Nhưng trước tiên, ta hãy xem đôi lời tâm sự của chính tác giả nhé!...

"...Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm súc dồi dào. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đệ, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sĩ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử; bài nầy chính giọng huấn giáo, bài kia rõ thể ngụ ngôn, truyện nầy nghiêm trang khắc khổ, truyện kia khôi hài lý thú; đức Khổng nói "Nhân" hồn nhiên như hóa công; ông Mạnh bàn "Nghĩa" chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói "Lễ" thật là đường bệ, Mặc Tử nói "Ái" thật là rộng rãi, hình danh như Hàn phi tử thật là nghiêm nghị khiến người mất bụng làm xằng, ngôn luận như Án Tử thật là thâm thiết khiến người dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử thật lại biến hóa như rồng, phấp phới như mây... các lý thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ.

Đọc một bài văn hay, mà tư tưởng đã thấm thía vào tâm não, thì tất không sao để yên ngòi bút mà không phê bình được. Đó cũng là một cái thông bệnh của những người hâm mộ văn chương hay có cái thú ngâm nga và đưa ngòi bút khuyên liền, khuyên kín vậy. Chúng tôi cũng không tránh khỏi cái bệnh ấy. Nên dưới mỗi bài chúng tôi cũng góp "Lời Bàn", cốt là để giải rõ các đại ý trong bài hoặc lạm bình một, đôi câu ứng với cái thời buổi bây giờ.

Chúng tôi mạo muội biên dịch quyển sách nầy là quyển đầu, có ý bảo tồn tinh hoa của cổ học và mong các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm về trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm trước được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về Cổ học mà thật khác nào "như thóc gạo, như vải lụa", thường cần đến hàng ngày. Nếu quyển sách này, giúp được một phần trong muôn phần ấy, thì chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm vậy."


Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm Ất Sửu (1925)

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
Từ An Trần Lê Nhân

.................................................. ..............................................

Sách "Cổ Học Tinh Hoa" vốn đã được ...tuyển lựa cẩn thận, nhưng ở đây TV lại còn ....chọn lựa thêm một lần nữa. Vì vậy, chỉ giới thiệu với các bạn những mẩu truyện nào mà mình cảm thấy tâm đắc nhất. Và cũng như tác giả đã nói...."Đọc một bài văn hay, mà tư tưởng đã thấm thía vào tâm não, thì tất không sao để yên ngòi bút mà không phê bình được."

...TV cũng có thêm một phần nhận xét bên dưới. Đó cũng là phần mà TV muốn các bạn cùng nhau chia sẻ ý tưởng của mình sau khi đọc bài viết. Để từ đó ta sẽ có thể hiểu được những mẩu truyện đó dưới nhiều góc độ và khía cạnh hơn. Ngõ hầu có thể tự rút ra cho mình những bài học toàn diện nhất.

...Thân ái,
-Thiên Vương-