18. Ra ngoài đi chơi

Một người đi chơi xa, dặn con ở nhà, có ai hỏi thì nói rằng: “Bố tôi đi chơi vắng”. Nhưng sợ quên, nó không nói được như thế, lấy bút viết cho cái tờ bảo rằng: “Ai hỏi thì mày cứ đưa cái tờ này ra”. Con cầm tờ bỏ vào túi áo, mấy ngày chẳng thấy ai hỏi đến, tối sẵn có ngọn đèn, lấy cái tờ ra xem, chẳng may giấy cháy mất. Hôm sau có khách lạ, hỏi rằng: “Thầy mày có nhà không?”. Thằng con ngẩn ngơ sờ vào trong túi, không thấy tờ, nói rằng: “Mất rồi”. Khách giật mình, hỏi rằng: “Mất bao giờ”. Nói rằng: “Hôm nọ”. Hỏi rằng: “Làm sao mất”. Nói rằng: “Cháy”.

19. Hai bên cùng nhầm

Có bốn anh cùng sợ vợ, một hôm cùng rủ nhau đi hát nhà trò. Đến nhà cô đầu, bốn anh chia nhau ngồi bốn nơi mà đánh chén, nghe hát. Vợ một anh đến dò ở ngoài cửa, trông thấy chồng mình ngồi tựa án thư về đằng ngoài cửa, mới ẩn cửa vào. ở trong kia thấy động, vội vàng tắt cả đèn, rồi anh nọ chạy đến chốn anh kia, anh kia chạy đến chốn anh nọ. Thành thế ra chốn anh chồng chị ấy ngồi lúc trước bây giờ hóa ra anh khác đến ngồi. Chị ta cứ lẳng lặng vào chốn cạnh án thư, nắm tóc anh kia lôi ra. Anh kia xưa nay vẫn thường bị vợ nắm tóc như vậy, cho nên cũng tưởng chị nọ là vợ mình đến bắt về thì cứ không dám nói, sợ lặng để chị lôi đi, còn chị nọ vẫn quen thói nắm tóc chồng, chắc anh này là chồng mình thì cứ việc mà lôi đi. Lôi về đến nhà, chị ta mới ấn đầu chồng xuống tận đất rồi đánh, đánh cho anh ấy một thôi một hồi, tối cả mặt mũi rồi bỏ ra hỏi rằng: “Từ giờ còn đi hát nữa không”. Anh kia nghe thấy tiếng, ngẩng mặt lên trông thấy chị nọ, mới ngẩn người ra, thẹn quá, mới nguýt chị kia mà bảo rằng: “Khéo chị đếch này”. Chị này cũng thẹn, trông anh kia mà nói rằng: “Khéo anh đếch này”.

20. Nịnh nhà giầu

Có anh nịnh nhà giầu nói rằng: “Hôm nọ tôi nằm chiêm bao thấy ông sống lâu một nghìn năm”. Anh nhà giầu nói rằng: “Chiêm bao thấy sống thì hóa chết, cũng là triệu bất thường [điềm chẳng lành]”. Anh nịnh vội lái lại rằng: “Tôi nói nhầm. Tôi chiêm bao thấy chết một nghìn năm”.

21. Úm ba la, ba ta cùng khỏi

Một chị, chồng đi vắng, ở nhà ngồi cắt củ từ, thấy củ hay hay, mới tê mê tẩn mẩn lấy một củ cho vào chốn ấy, không ngờ lấy ra không được, phát sốt điên cuồng cả người lên. Đến lúc chồng về, chị ta giả cách ngộ cảm, lên giường đắp chăn nằm. Anh chồng thấy vậy, ngẩn người ra, vẫn định về làm khoản ấy, ai ngờ về vợ lại như thế, buồn mình mới ra ngoài sân, nghịch chó cái cho đỡ buồn, nghịch thế nào mà tự nhiên anh ta mang con chó lên giường, cũng đắp chiếu kín nằm rên khư khử. Ai hỏi thì nói trá rằng đau bệnh. Kỳ thực cậu ta bị chó cái giữ, lôi ra không được, cho nên phải ôm chó cái lên giường. Thành thế ra chồng nằm rên một giường, vợ nằm rên một giường. Hai vợ chồng cùng bị bệnh cả. Người nhà thấy vậy sợ lắm, chạy đi kể chuyện với ông thầy pháp ở bên cạnh nhà: “Không biết làm sao hai vợ chồng tự nhiên phát bệnh như thế, để thầy xem có phép gì cứu được không”. Ông thầy bảo rằng: “Ma làm đấy, phải cúng thì mới khỏi”. Người nhà mời ngay ông ta đến cúng hộ cho. Ông thầy đến, vào thăm chồng, hỏi bệnh ra làm sao, người chồng nói nhỏ vào tai rằng: “Ông có cúng thì cúng cho nhà tôi, vì không biết làm sao mà tự nhiên nó phát sốt như vậy, còn tôi thì không phải bệnh”, mới nhỏ to kể thật chuyện mình cho thầy nghe. Ông thầy lại vào thăm người vợ, thì người vợ nói sẽ rằng: “Ông có cúng xin ông cúng cho nhà tôi, vì không biết làm sao mà tự nhiên phải đau bão làm vậy, còn như tôi thì không phải gì cả”. Cũng kể thật cả chuyện mình cho ông thầy nghe. Ông thầy biết rõ rằng, hai bên cùng phải một bệnh mà bên nọ giấu bên kia, song cũng cứ làm thinh như không, ra sân đặt đàn để cúng. Nhưng mà chỉ tơ tưởng chuyện hai vợ chồng nhà chủ, cho nên tê tê buồn buồn, sẵn thấy có chai rượu ở trên bàn, đem xuống để ngay cái ấy vào miệng chai, chẳng may không lôi ra được, cứ chịu chết đứng ở ngoài sân, hai tay ôm lấy chai rượu. Chị kia trông thấy bật cười đến nỗi băng cả củ từ ra, con chó cái thấy củ từ, nghĩ là miếng thịt chạy ra đớp. Thầy pháp tưởng chó đến cắn mình, sợ quá sun lại, chai rơi xuống đất. Thế là ba người cùng khỏi cả. Bởi vậy, thầy pháp ra trước đàn bắt quyết mà niệm chú rằng: “úm ba la, ba ta cùng khỏi”.

22. Anh mù cười

Người mù cùng các anh bạn ngồi chơi. Các người trông thấy sự lạ, buồn cười, đều cười cả. Người mù thấy cười cũng cười, các người hỏi rằng: “Anh trông thấy gì mà anh cười”. Người mù nói rằng: “Các anh cười, chắc là sự hay, không có nhẽ đánh lừa tôi, nói một đường ra một nẻo”.

23. Làm một cái sốt đi

Có hai vợ chồng tối hôm ba mươi tết nấu bánh chưng, cắt nhau coi nồi bánh. Chồng chỉ canh từ tối đến nửa đêm. Vợ thì nửa đêm đến sáng. Khi chồng đã canh xong lượt mình, rồi đánh thức vợ thay canh để ngủ. Vợ bất đắc dĩ phải dậy, ra ngồi bếp lửa canh nồi bánh. Ngồi một mình, nghĩ gần nghĩ xa, tê mê tẩn mẩn thế nào lại gọi bảo chồng rằng: “Còn thức đấy hay đã ngủ rồi”. Chồng thức khuya quá giấc cho nên cũng chưa ngủ được, thấy vợ gọi mới nói rằng: “Còn thức, gọi gì”. Vợ rằng: “Dậy làm một cái sốt đi”. Chồng mơ mơ màng màng, tưởng vợ hỏi mình có muốn ăn một cái bánh chưng sốt không, mới nói rằng: “ấy chết, cái sốt để mai cúng tổ tiên trước”. Vợ thấy chồng nghe không ra, lại nói rằng: “Không cái méo mó kia mà”. Chồng vẫn yên chí là vợ nói bánh chưng, lại nói rằng: “Ấy đừng! Phải tội, cái méo mó để thành [tâm] cúng ông thổ công đấy”.

24. Sao văn tế

Thầy đồ ngồi dạy học, chủ nhà vợ chết, nhờ thầy làm văn tế. Thầy đồ sao ngay văn tế bố. Chủ nhà trách thầy rằng: “Viết nhầm”. Thầy nói rằng: “Văn ở sách có khi nào nhầm, nhà anh nhầm thì có, đây tôi không nhầm rồi”.

25. Con gái thật thà

Một người đàn bà hóa, có một con gái mới lớn lên, độ mười bảy mười tám, tính thì thật thà. Một hôm nhà thuê thợ ngói, mẹ sắp đi chợ, bảo con rằng: “Con ở nhà trông nhà, bác phó có bảo gì thì con làm nhé”. Thợ ta nghe thấy chực sự chi chi mấy cô ta. Lúc bà chủ nhà đi vắng, thợ ta một tay cầm ngói, một tay cầm vôi, gọi cô con gái rằng: “Cô ơi, cô lại đây, tôi nhờ cô một việc cần”. Cô kia vội vàng chạy lại, hỏi rằng: “Việc gì”. Thợ rằng: “Hai tay tôi có việc cả, nhờ cô vén hộ tôi cái quần một tí, để tôi đi tiểu”. Cô ta không làm. Thợ rằng: “Bà đã bảo thế mà, cô không làm thì rồi tôi thưa bà cho cô”. Cô ta e bà mắng, phải vén quần hộ thợ ta. Thợ ta rằng: “Cô cầm hộ tôi cái này, không có tôi tiểu ra cả quần, ở đây tôi không có quần thay thì làm thế nào?”. Cô ta cầm ngay lấy cái ấy, (cái ấy) của thợ ta to lên. Thợ rằng: “Tôi bắt đền cô. Cái này có thế đâu, hôm nay tôi không xong việc là tại cô, cô làm thế nào cho khỏi đi". Cô ta sợ quá, van lạy mới nói rằng: “Bác bảo gì tôi cũng xin nghe”. Nó mới đem cô ấy vào buồng, ấn cái ấy vào cái kia của cô ấy.
Chiều mẹ về hỏi rằng: “Hôm nay thợ bảo con làm gì không?”. Con kể chuyện lại mẹ nghe. Mẹ mắng rằng: “Cha vạn đời mày, mày để người ta “ấy” mày rồi”.

26. Tàng sừ (giấu cày)

Một người đi cày ở ngoài đồng, vợ gọi về ăn cơm, bảo rằng: “Ta còn giấu cái cày đã”. Nói thật to. Đến lúc về, vợ bảo rằng: “Giấu cày sao không nói sẽ chứ, nói to thế người ta biết nó có lấy mất không”. Chồng ăn xong, chạy ra xem, quả nhiên mất cày, chạy về nói vào tai vợ sẽ nói thầm rằng: “Mất cái cày rồi”.

27. Rậm râu

Có người rậm râu đi đường, đứa trẻ con nói rằng: “Người kia không có miệng”. Người ấy tức quá, vạch ngay râu mắng rằng: “Chẳng miệng là cái của mẹ mày đây ư?”. Đứa trẻ con khóc chạy về mách mẹ, mẹ bảo rằng: “Người ta mắng ai ấy đấy, không phải nói mẹ mày đâu, mẹ mày làm gì có rậm như thế”.

Còn nữa