GIẤC MƠ LẠ
Núi Cấm – một địa danh đi vào lịch sử.
Núi Cấm – nơi chứa đựng bao huyền sử dân gian qua những câu sấm Trạng Trình, những bài sấm giảng, thi văn của đức Phật Trùm, của Sư Vãi bán khoai, của đức Bổn sư Ngô Lợi….
Những nhà nghiên cứu lịch sử bắt gặp ở đây một chặng hành trình mở đất gắn liền với những cuộc khởi nghĩa oanh liệt chống Pháp của các vị anh hùng dân tộc: Phật Thầy Tây An, ông Cử Đa,đức Cố Quản...
Những nhà nghiên cứu văn hóa bắt gặp tại nơi đây sự giao thoa của những nền văn hóa tâm linh khác nhau: văn hóa Kh’mer Nam Bộ, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Java hòa trộn với phong cách bản địa tạo nên một bản sắc đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Còn những bậc phong thủy sư nhìn thấy được ở núi Cấm (Thiên Cẩm sơn) có địa mạch quan trọng nhất ở vùng Bảy Núi, là ngọn núi thiêng ẩn tàng nguyên khí của vùng đất phía Nam này…
Thời gian trước, tôi là người tu huyền môn, cho nên sự quan tâm thiết yếu nhất vẫn là những huyền tích kì lạ đang bao phủ ngọn núi thiêng này như một màn sương mờ ảo. Đã bao lần tôi ước mơ được về Bảy Núi, niềm mong ước ấp ủ từ những ngày đầu theo học huyền thuật với thầy tôi… Mỗi lần đọc bài phụng thỉnh “ Trà Lơn ,Thất Sơn, Ông Cấm, Ông Két, Núi Sam, Núi Sập…” là một cảm giác hoài niệm mênh mang không rõ căn nguyên từ đâu ập tới choán ngợp cả tâm hồn đứa trẻ 15 tuổi. Niềm mơ ước được về núi chất chứa theo thời gian dần dần trở thành sự khát khao vô bờ bến.
Nhưng, tôi biết điều đó là vô vọng. Bởi tuổi đi học lại nhà nghèo như tôi làm gì có tiền để về. Mà dù có tiền đi nữa cũng không thể nào đi được. Ba tôi làm cán bộ nên rất dị ứng với chuyện chùa miễu núi non… Tôi chỉ biết nén thở dài, đêm đêm trèo lên nóc nhà luyện sao rồi hướng về phía Tây Nam mà vọng bái…
Rồi có lúc cơ duyên cũng đến.
Nhờ đi chữa bệnh mà tôi quen được cậu Sáu, người chuyên tổ chức hành hương cho bổn đạo. Biết tôi chưa từng đi núi, cậu ngỏ lời mời tôi cùng tháp tùng một chuyến nhân dịp mùa hè. Tôi vừa mừng vừa lo lắng. Làm sao đi được! Từ trước đến giờ tôi chưa từng đi cắm trại quá hai ngày. Bây giờ đi biệt tích ba ngày ròng rã sức mấy mà ba tôi đồng ý.
Tôi băn khoăn đem chuyện này trình với sư phụ. Thầy tôi khẽ cười:
- Duyên con tới rồi, thầy cho con câu chú như ý này về đọc một đêm rồi nói chuyện với nội, con sẽ được đi. Nhưng, nhớ một điều, con chỉ sử dụng lần này thôi nghe. Không được lạm dụng …
Nói xong thầy tôi kề tai tôi đọc nhỏ như vầy… như vầy…
Tôi lẩm bẩm vài lần là thuộc lòng. Đêm đó tôi về luyện chăm bẳm có câu chú thầy tôi chỉ.
Sáng dậy làm bánh, tôi trịnh trọng xin nội tôi. Nghe xong, bà nội tôi gật đầu cái rụp không hỏi han thêm. Má tôi nhăn nhó:
- Nó có đi đâu nhiều ngày như vậy, rủi có chuyện gì…
- Chuyện gì là chuyện gì? – Bà nội nạt ngang – Nó lớn rồi, cũng có dịp cho đi ra ngoài một chút chứ. Dạy con như vợ chồng bây làm sao nó nên người.
Má tôi im re không dám nói thêm tiếng nào.
Trời ơi, tôi mừng như bắt được vàng, trong bụng cứ ca vọng cổ. Bữa hôm đó ngồi làm bánh hoài đến trưa không biết mệt là gì…
Ba đêm trước khi về núi, tôi nằm mơ thấy một chuyện kì lạ…
Tôi đi lang thang giữa cánh đồng mênh mông nước nổi… Còn ngơ ngác chưa biết sẽ làm gì thì một ông già trạc ngoài năm mươi tuổi, tóc dài búi cao , râu ba chòm lốm đốm bạc, mặc bộ bà ba màu nâu đất bơi xuồng lại gần. Cụ nhìn tôi cười đôn hậu, ra dấu chỉ xuống chiếc xuồng. Không hiểu sao tôi riu ríu làm theo …
Chiếc xuồng nhỏ xíu, nhẹ tâng lướt trên mặt nước không có chút gợn sóng. Nước trong veo. Bất chợt nhìn xuống, tôi giật bắn người vì có rất nhiều con vật lạ bơi nhởn nhơ. Những con vật này hình dáng kì dị chưa hề có trong sách sinh vật mà tôi được biết, không phải cá, cũng chẳng phải rắn, chẳng phải rùa. Tôi định quay sang hỏi ông già thì trước mặt tôi đổi khác – một con đường mòn đi lên núi…
Buổi sáng thức dậy, hình ảnh trong mơ vẫn như in. Tôi nhún vai rồi lắc mạnh đầu tự nhủ: ngày tưởng – đêm mơ.