(Kinh Địa Tạng, HT Thích-Trí-Tịnh dịch, Chùa Pháp Bảo- Sydney ấn tống 1994, trang 80-81).

“Nhơn giả! Những quả báo như thế trong mỗi mỗi ngục có trăm nghìn thứ khí cụ để hành hình, đều là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa. Bốn loại khí cụ nầy do các hạnh nghiệp quấy ác của chúng sanh mà cảm vời ra” (Kinh Địa Tạng đã dẫn, trang 83).

Như vậy, những chúng sinh trong “thế giới cõi âm” từ đâu mà có? Họ có những lúc hiện ra để làm cho người khác phải sợ; hoặc bắt người sống phải làm theo ý mình, nếu không thì hành hạ người đó trong một tinh thần ích kỷ, phá phách… Họ là những ai?

Chúng ta hay nghe người nhân gian phân biệt “cõi âm” và “cõi dương”. Cõi dương hay là dương thế là cõi của con người đang sống, cõi ban ngày ; và “cõi âm” là cõi của người chết hay cõi lạnh lẽo, ban đêm mà người đã chết thường hay xuất hiện ra với hình dáng ảo ảo, hư hư. Thông thường, những chúng sinh bị chết thình lình, những người lính chiến chết trên trận mạc, chết sông nước, tai nạn trên đường sá, hay oan ức, bị hại… người ta mệnh danh là những “cô hồn, các đảng” và người ta cũng tin tưởng những “oan hồn” của người ấy chưa được siêu thoát nên vẫn lẩn quẩn trong thế gian, vương vấn cõi hồng trần. Đôi lúc họ lại hiện ra để làm cho người sống phải sợ sệt; và có những lúc nhu cầu phụng dưỡng, thiếu đói nên họ cần thiết nhu cầu đòi hỏi qua những đồng, bóng để rồi trong thế gian có những “thầy cúng” cùng với vàng mã; vàng mã cũng theo thời đại mà tăng tiến từ nhà tô, đến nhà lầu, xe hơi, điện thoại, máy bay cùng giấy tiền vàng bạc, quần áo giấy… để đốt, mong cho người chết nhận được mà không phải thiếu thốn, lạnh lẽo trong thế giới của người cõi âm. Từ những tín ngưỡng nhân gian này mà trước kia người đời đã phân tu sĩ Phật giáo thành: Thầy tụng (thầy cúng) và thầy chùa. Ngày nay, với tinh thần và đường lối tu được hiểu rõ hơn, cũng như trình độ tăng sĩ được nâng cao; cho nên chuyện tu hành, làm Phật sự và cầu cho vong linh người chết được siêu thoát đã làm thay đổi khá nhiều quan niệm của người thế gian đối với Đạo Phật ở nước ta.

Và trong sự giao tiếp với người “cõi âm” của các nhà ngoại cảm có đề cập đến những vị đã chết lâu đời, nhưng vong linh vẫn chưa siêu thoát; cho nên nhà ngoại cảm hãy còn tiếp xúc được. Vậy thì, tại sao?

Trên nguyên tắc, sau 49 ngày vong linh người chết đi tìm một thân xác mới thành hình để chuyển sang một kiếp khác, tiếp nối những “quả” mà mình đã gây “nhân” ở kiếp vừa rồi hay “nhân” còn lại của những kiếp xa xưa. Trong thời gian đó, vong linh được gọi là “thân trung ấm”, tức là “thần thức” của xác trước đã mất và đang đợi chờ thân xác mới để “nhập thai” bắt đầu cho một kiếp sau. Nguyên tắc thì như thế! Nhưng trong Đạo Phật có đề cập đến “Cận Tử Nghiệp” và “Nguyện lực”. Hai vấn đề này rất quan trọng đối với một con người trước và khi lâm chung. Giả sử trước khi chết người ta còn nghĩ đến con cái còn nhỏ “cần” được săn sóc, và trong khi chết họ nghĩ họ “phải” săn sóc cho con; và “nguyện lực” bám theo con. Chính nguyện lực ấy mà họ không nỡ rời xa, và “thần thức” hay “thân trung ấm” của họ không đành đi, để rồi họ lẩn quẩn không biết đến bao giờ. Khi nào họ xong để ra đi? Cho nên có thể cả trăm năm sau của thế gian, họ vẫn còn có thể nhận ra con cháu qua những nhà ngoại cảm, ông đồng hay bà bóng!

Cho nên, Đức Phật đã giảng giải: “Trong vô lượng kiếp, chúng sinh đã từng là thân thuộc, cha mẹ lẫn nhau” nên sự luyến lưu, ân nghĩa, ganh ghét hay hận thù chỉ là kết nặng giây oan trái, gắn bó khiến cho người chết không nỡ phải ra đi; điều ấy chỉ làm cho người chết càng kéo dài thêm thời gian luân hồi của chính mình. Trong Đạo Phật không đề cập đến phải khóc lóc than van vì sinh, tử là vấn đề tự nhiên của con người. Khóc lóc, kể lễ thảm thiết, làm ra vẻ ưu sầu là theo tập tục báo hiếu của con cái đối với cha mẹ trong Đạo Khổng (Nho giáo), chứ trong Đạo Phật thì:

“Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, trang 111).

Và:

“Hàng thân quyến của người lâm chung đó, nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát, tu tạo nhân duyên phúc lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỉ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, trang 127-128).

Hay:

“Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nhẫn đến một người vì người bịnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một Đức Phật, thời người chết đó, trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác đều tiêu sạch cả.

Năm tội lớn vô gián kia dầu rất nặng nề đáng lẽ trải qua ức kiếp hẳn không ra khỏi đặng quả khổ, nhưng bỡi lúc lâm chung, nhờ người khác vì đó mà xưng niệm danh hiệu của Phật cho nên những tội nặng đó cũng lần lần tiêu sạch.

Huống là chúng sanh tự mình xưng danh hiệu của chư Phật, người nầy đặng vô lượng phước lành, trừ diệt vô lượng khổ”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, trang 137-138).

Và Ngài Địa Tạng Bồ Tát cũng bạch cùng Đức Phật rằng:



“Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước Đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn vv… mà có lời khuyên bảo những chúng sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề, ngày lâm chung, kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỉ, Thần, cầu cúng ma quái.

Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, trang 106).

Vì, Ngài Địa Tạng giải thích như sau:

“Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!

Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, trang 107).

Theo như vậy, “Thế giới cõi âm” chỉ là thời gian kéo dài “Thân trung ấm” của những chúng sinh đã mất đi, do vì sự luyến lưu, yêu mến những gì mình chưa thể xa lìa hay kết tụ những thù hằn, oán ghét mà mình chưa xóa được; hoặc vì “yêu quá cuộc đời, thân xác” này; hay là người thân “van nài, luyến lưu” làm họ chưa muốn ra đi, chưa muốn rời dòng sông đã chơi, để đi tìm một thân xác khác tái sinh. Họ cứ lởn vởn, khi ẩn khi hiện mà người dân gian gọi là “ma”; hay họ phá phách, dữ tợn hơn thì gọi là “quỷ”. Đó là thế giới “ma quỷ” hay là thế giới của “Cõi âm” vậy