Rông dài ngày xuân đọc Tiếu lâm Nôm

Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, truyện Tiếu lâm có một vị trí đặc biệt. Đó là tiếng cười vượt thời gian của cha ông ta. Truyện cười, truyện tiếu lâm in bằng chữ quốc ngữ thì ta thấy đã nhiều, nhưng ít ai biết người xưa không chỉ kể chuyện tiếu lâm mà còn dùng chữ Nôm chép lại và in để “phát hành” rộng rãi.
Ngày xuân, cùng cười với người xưa, xin giới thiệu cuốn Tiếu lâm tân truyện (2 quyển) được in vào năm Khải Định 1 (1916), tại nhà in Phúc Yên. Hai cuốn này có mang ký hiệu VNv.269 và VNb.98, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bản phiên âm do tôi (XUANDIEN70) thực hiện.


1. Trúng tửu

Có một thầy đồ dạy học, học trò hỏi rằng: “Thưa thầy Đại học chi đạo nghĩa là gì?”. Thầy giả cách say rượu nói rằng: “Thầy đang say rượu, mai tỉnh thầy bảo”. Thầy về hỏi vợ, vợ bảo rằng: “Đại học là tên sách, chi đạo là đạo lý trong sách ấy”. Sáng hôm sau thầy gọi trò bảo rằng: “Các anh không ai biết gì cả, đương lúc người ta say rượu mà lại hỏi, bây giờ sao không hỏi đi”. Học trò hỏi rằng: “Thưa thầy Đại học chi đạo nghĩa là gì?”. Thầy cứ nói như lời vợ. Học trò lại hỏi đến câu: Tại minh minh đức. Thầy vội vàng ngã ra, nói rằng: "Ta lại trúng tửu".

2. Tử viết (Thầy Khổng Tử nói rằng)

Có một thầy đồ dạy học trò sách Luận ngữ. Sáng hôm nào cũng có một cô con gái đi chợ qua đấy. Nghe học trò người nào cũng nói rằng: “Tử viết”, cô ta không biết là ý gì mà mình cứ đi qua thì học trò nói “Tử viết”. Một hôm, cô ta thấy một cậu đang rửa mặt ở cầu ao, hỏi rằng: “Tử viết là nghĩa thế nào hả cậu”. Cậu ta mới bị thầy đánh, đương tức, nói rằng: “Tử viết là tượng vào cô”. Cô ta hầm hầm đến nơi thầy, dang tay tát một cái thật mạnh, nói rằng: “Thầy quen Tử viết với tôi hử”.

3. Cùng thập vạn

Có một phú ông bảo người bần hàn rằng: “Ta giàu mười vạn rồi”. Người ấy nói rằng: “Ta cũng có mười vạn, lấy gì làm lạ”. Phú ông sợ lắm, hỏi rằng: “Mười vạn ở đâu”. Người ấy nói rằng: “Ông có tiền mà không tiêu, tôi muốn tiêu mà không tiền, thế thì khác gì nhau”.

4. Ăn cho ích vào thân

Có hai vợ chồng thầy ký nuôi một thằng ở, ngày nào cũng để nó ăn cơm nguội. Thằng ở tinh quái, nghĩ ra một kế xỏ chủ nhà. Một hôm cô ký đang ngồi ở đằng sau, thằng ở nói rằng: “Mình ở nhà này mới một tháng, chỉ ăn cơm nguội mà dái to như thế này”. Cô ký nghe thấy, cứ lẳng lặng đi ra. Từ đấy, bữa nào cũng bắt chồng ăn cơm nguội, cơm sốt thì cho thằng ở ăn. Chồng lấy làm lạ, hỏi mãi, vợ không nói. Sau tức quá, nói to lên rằng: “Tại làm sao mà cứ bắt người ta ăn cơm nguội mãi thế”. Vợ bất đắc dĩ nói rằng: “Ăn cho ích vào thân, chứ tại làm sao mà căn vặn mãi”.

5. Kiện trời

Có một người về nhà hưu trí vì đã làm “lại” lâu năm. Có một người họ bần cùng lắm, tưởng bác lại ta thiên quan thiên lộc, đến hỏi vay tiền. Bác lại nói rằng: “Tôi tính hay rượu, được đồng nào cũng vào cái miệng cả, chú có bảo tôi làm đơn đi kiện thì được, chớ tiền tôi không có”. Người ấy nói rằng: “Tôi nhờ bác làm hộ cái đơn kiện trời, làm sao tôi ở lành mà phải bần cùng mãi”. Bác lại lấy giấy viết ngay, rồi đốt đi để kiện trời. Trên thiên đình thấy đơn, phát nộ lôi đình, định hôm sau sai Đại thánh bắt. Tối Thổ công báo mộng rằng: “Mai trời sai Đại thánh bắt mày”. Chú ấy sợ lắm, sáng lại nói ngay cho bác nghe. Bác lại rằng: “Khoản [đãi] cho lão ba tiền rượu thì xong”. Chú ấy biện rượu về, bác lại ngồi uống rượu, thấy đại thánh đến ngõ, bác lại nói to rằng: “Đại thánh đánh trời còn không tội, huống chi ta!”. Đại thánh sợ đi ngay. Hôm sau, trời tức quá, sai Lão tử đi bắt. Tối Thổ công lại báo cho biết, chú ấy lại nói với bác lại. Bác lại nói rằng: “Khoản [đãi] ba tiền rượu nữa thì xong”. Lúc Lão tử đến ngõ, lại ta nói to rằng: “Lão tử ở trong lòng mẹ bảy mươi năm còn không tội, huống chi ta”. Lão tử sợ chạy mất. Hôm sau trời sai Phật bà đi bắt. Tối Thổ công lại báo mộng cho biết. Chú ấy lại nói với bác lại, bác lại nói rằng: “Ba tiền rượu cho lão thì xong”. Lúc Phật bà đến ngõ, bác lại nói to rằng: “Phật bà trái ý bố mẹ không lấy chồng còn không tội, huống chi ta”. Phật bà lại chạy mất. Hôm sau trời sai Lục đinh lục giáp đi bắt. Thổ công lại báo mộng cho biết, chú ấy lại nói với bác lại. Bác lại nói rằng: “Lần này phải một quan tiền rượu để lão đi thay cho”. Rồi say tít nằm đấy. Lục giáp lục đinh bắt, giải đi lên thiên đình. Trời truyền mua một nghìn quan tiền vạc dầu để bỏ lại ta vào. Lại ta nói với quỷ sứ rằng: “Năm trăm quan cũng đủ chết tôi, còn năm trăm thì mua đồ nhắm rượu để giải phiền, vì các anh em việc quan khó nhọc, tôi thì sẽ phải tội”. Quỷ sứ nghe êm tai, mua ngay rượu thịt cùng uống no say, rồi nằm bất tỉnh nhân sự. Bác lại tâu trời rằng: “Tội tôi một nghìn quan tiền vạc dầu mới đáng, chớ năm trăm quan thì nhẹ”. Lại ta rằng: “Bẩm, quả chỉ có năm trăm quan thôi”. Trời ra xem, thấy năm trăm quan thôi, giận lắm, nói rằng: “Thằng này ở thiên đình cũng bắt được tội gian, huống chi ở dương thế”. Tha cho nó về, rồi bắt tội quỷ sứ.

6. Tằm anh đã đói chưa

Một phú ông có hai con gái xinh lắm. Một hôm thành gia thất chị, bố sai em đi xem người nào may khéo, để may nhiều quần áo lịch sự, mà may trong ba hôm xong. Cô ta đi đến một người bảo như thế. Người thợ thấy cô ta xinh, muốn chim. Khi cô ả đến giục thì anh ta ngẩn mặt ra, không nói đến sự may. Cô ta hỏi rằng: “Sao anh ngẩn mặt thế”. Anh ta nói rằng: “Bây giờ tôi có việc cần, chưa có thể may được”. Cô ta hỏi rằng: “Việc gì”. Anh ta nói rằng: “Bây giờ con tằm tôi nó đói, phải cho nó ăn bồ hôi người mới no được”. Cô ta hỏi: “Thế ăn bồ hôi tôi có được không?”. Anh ta nói rằng: “Tốt quá”, rồi dắt cô ta vào phòng, lấy cái “ấy” ra, di từ trên đến chân, rồi từ chân lại di đến trên, sau anh ta ấn ngay vào. Cô ta về một phút, lại đến hỏi rằng: “Tằm anh đã đói chưa?”.

7. Huynh đệ nhãn (Anh em nhìn)

Ba anh em cùng cận thị, đến chơi một nhà, thấy treo cái biển có chữ: Nghinh thanh đường. Anh cả nói rằng: “Hẳn chủ nhân có bệnh di tinh, cho nên có chữ Di tinh thất”. Anh thứ hai nói rằng: “Anh trông nhầm, không phải thế, chủ nhân là người đạo học, cho nên có chữ Đạo tình đường”.
Hai anh em bàn nhau mãi không biết ai phải. Anh thứ ba bảo rằng: “Để tôi xem mới thật”. Giương mắt nhìn đến nửa giờ, nói rằng: “Hai anh nhầm cả, có biển đâu?”.

Còn nữa