Thực hư về “cây đa thần” ở làng có nhiều người điên

Làng Choán, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một vùng quê trù phú, có nhiều sản vật. Trước kia, giữa cánh đồng làng có một cây đa cổ thụ hàng chục người ôm không xuể. Trong một đêm dông, cây đa bị sét đánh chết, và từ đó đã xuất hiện nhiều lời đồn thổi nhuốm màu sắc mê tín dị đoan.


Theo các cụ già trong làng thì cây đa có từ đời nào không ai biết, cành lá của nó xùm xòa che mát một khoảng đồng. Chính vì vậy, gốc đa là nơi vui chơi của bọn trẻ quanh vùng, cũng là nơi mọi người đi làm đồng nghỉ qua buổi trưa nóng bức. Đặc biệt, có rất nhiều chim chóc đã bay về đây trú ẩn, sinh sôi.

Trời đã "giết" chết cây đa

Vào một đêm mưa gió, sau ánh chớp sáng lòe, người dân trong vùng bị dựng dậy bởi một tiếng sét dữ dội. Sáng hôm sau, ai cũng ngẩn ngơ nhìn cây đa cổ thụ ngùn ngụt bốc khói. Trời đã "giết" chết cây đa.

Sau khi cây đa chết và bị đốn hạ, ngẫu nhiên có một loạt sự kiện không may đến với dân trong làng. Cả làng đột nhiên có gần 20 người phát bệnh điên, nhiều người bị chết đuối, treo cổ…

Dựa vào những sự kiện này, những người hành nghề mê tín dị đoan trong vùng đã phao tin rằng: Cây đa cổ thụ là "thần hộ mệnh" của làng, là nơi cư ngụ của các linh hồn không nơi nương tựa. Nay thần hộ mệnh không còn, ma quỷ tràn vào làng hành hạ dân lành, những linh hồn không nơi trú ngụ đêm đêm phả cát rào rào trên các ngọn tre để trêu người. Bên cạnh đó, do dân đã dùng tấm khánh đá của đền làm đường đi nên "thần phạt"… Muốn giải thoát được, phải lập đàn cúng tế, trừ ma.

Thoạt đầu, không nhiều người tin vào những lời đồn nhảm nhí đó, nhưng dần dà, xâu chuỗi một số hiện tượng tự nhiên một cách máy móc, không ít người cho rằng đó là sự thật và lập điện thờ, cúng tế trừ ma. Tuy nhiên, ma chẳng thấy đâu mà thấy cảnh nhà càng sa sút, bệnh tật vẫn không lui…

Chuyện buồn về một "hoa khôi"

Một trong những nạn nhân chịu nhiều đau khổ của việc mê tín dị đoan là chị Cao Thị Nhanh (35 tuổi). Lúc mới lớn lên, chị Nhanh khá xinh đẹp và được bạn bè gọi là "hoa khôi" của làng. Một ngày định mệnh cách đây hơn 10 năm, giữa ngày hè nắng gắt, chị Nhanh đi làm đồng, sau đó xuống sông tắm. Đêm hôm đó, chị trở nên hoảng loạn rồi phát điên. Hàng ngày, chị la hét, nhảy múa khiến những người thân vô cùng lo sợ.

Cùng lúc đó, một số người làm nghề cúng bái quanh vùng phao tin rằng chị bị "ma ám", phải lập đàn trừ ma mới mong khỏi bệnh. Mặc cho Công an và chính quyền địa phương đến động viên, giải thích rằng, có thể chị bị bệnh do cảm nắng, cần phải đưa đi bệnh viện, bố mẹ chị vẫn một mực nghe theo thầy bói lập đàn cúng tế. Tuy nhiên, gần 10 thầy bói, thầy cúng, "phù thủy" cao tay trong vùng, ông Cao Xuân Lầng (bố chị Nhanh) đã mời hết, họ cũng giở đủ "chiêu bài", từ lập điện, nhảy múa, cúng trăng sao… rồi bắt chị uống đủ thứ thuốc lá, bùa, thậm chí đánh chị tơi tả bằng roi dâu, roi mây nhưng bệnh tình chị vẫn không hề thuyên giảm, mà mỗi ngày lại nặng thêm.

Chị hầu như không biết ngủ là gì, suốt ngày chỉ phá phách, xé quần áo đang mặc, đôi lúc chị lại "xưng cô, xưng cậu". Thấy vậy, mấy gã thầy cúng lại quay sang phán chị Nhanh được "thánh cho ăn lộc" để "cứu nhân độ thế" nên phải đổi tên thành Sáng để được lộc và phải lập nhiều đền thờ cúng nhiều ngày đêm để "thánh" sớm cho lộc. Con cái bị bệnh thì phải vái tứ phương, ông Lầng hoang mang làm theo hết thảy mọi yêu cầu, thế nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh...

Tàn tạ vì tin vào cúng bái nhảm nhí

Năm 2002, ông Cao Xuân Lầng đưa con gái xuống Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa để chữa bệnh. Tại đây, qua lời kể của gia đình và dựa trên kết quả khám, xét nghiệm, các bác sĩ cho rằng, chị Cao Thị Nhanh bị tâm thần có thể do trong thời gian có kinh nguyệt chị đã dan nắng, sau đó lại ngâm mình lâu dưới nước nên sinh bệnh.

Tuy nhiên, do thời gian mắc bệnh quá lâu, lại không được điều trị kịp thời nên việc chữa bệnh phải mất nhiều thời gian. Mặc dù được Nhà nước miễn hoàn toàn viện phí nhưng do kinh tế gia đình đã kiệt quệ nên ngoài việc chăm con, hàng ngày, ông Cao Xuân Lầng phải ra bến xe, đến các chợ để bốc vác, gánh nước kiếm tiền mua cơm.

Ba tháng sau, bệnh của chị Nhanh đã có phần thuyên giảm, sức khỏe của chị cũng đã khá hơn nhưng sức tàn của ông Lầng gần như đã hết. Không còn cách nào khác, bố con ông lại khăn gói về quê phó mặc cho số phận. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tranh xơ xác, đôi mắt mờ đục của ông nhỏ từng giọt nước mắt trông rất thương tâm.

Ông bảo: "Tôi và bà ấy giờ đã 80 tuổi rồi, chả biết còn sống được ngày nào nữa, chỉ thương con Nhanh…". Được biết, từ ngày đưa chị Nhanh từ Bệnh viện tỉnh về, sự dằn vặt về trách nhiệm làm cha đã dày vò ông. Có lần, trong lúc vợ đi làm, ông đã xin của hàng xóm con gà về làm thịt cho chị Nhanh ăn, đun nước lá thơm tắm cho chị. Ông coi đó là sự sám hối cuối cùng của ông đối với con để chuẩn bị ra đi vĩnh viễn. Tuy nhiên, sau khi ông cho chiếc thòng lọng vào cổ, chị Nhanh đã la hét và nhìn ông chằm chằm. Những người xung quanh nghe tiếng đã chạy sang cứu sống ông.

Trở lại những lời đồn thổi về cây đa thần, chúng tôi đã trao đổi với một số nhà chuyên môn, chính quyền địa phương và được biết: Cây đa bị sét đánh chết là hiện tượng bình thường của tự nhiên. Còn chuyện nhiều người trong làng bị điên, ngoài chuyện do khí hậu, thời tiết, còn có thể do cây đa chết không còn nơi tránh nắng nên nhiều người bị cảm nắng không được chữa chạy kịp thời...

Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã xử lý kiên quyết những người hành nghề mê tín dị đoan, vận động và phối hợp đưa những người bị bệnh đi chữa trị. Đồng thời, huy động nhân dân trong làng khiêng tấm khánh đá về Nhà văn hóa để gìn giữ. Những biện pháp đồng bộ này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, ổn định tinh thần cho nhân dân trong vùng.

Rời làng Choán, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh cha mẹ già 80 tuổi bất lực bên cô con gái bị điên đã hơn 10 năm. Ước nguyện cuối cùng của ông Lầng là làm sao để con gái được chữa bệnh, được sống khỏe mạnh để ông ra đi được thanh thản. Mong ước bình dị này có lẽ sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự sẻ chia của cộng đồng. Mong những nhà hảo tâm hãy chia sẻ, giúp đỡ gia đình ông Cao Xuân Lầng để chị Nhanh có cơ hội được chữa bệnh

Thu Thủy